>> Cầu Cổng vàng: Khúc bi tráng của đam mê và lòng dũng cảm
>> Du lịch Mỹ - Các kiểu sale mùa hè ở Mỹ
>> Chương trình tour Mỹ tham khảo
Du
lịch Mỹ - Golden Gate Bridge - cầu Cổng Vàng nối liền thành phố San
Francisco và hạt Marin là cây cầu được chụp hình nhiều nhất, cũng là cây
cầu treo dài nhất vào thời điểm khánh thành, cầu nổi tiếng nhất ở Bắc Mỹ... Và còn nhiều cái nhất nữa chờ đón du khách khi lần đầu tiên đến đây.
Có hai cách phổ biến nhất để chiêm ngưỡng Golden Gate Bridge - còn gọi là Kim Môn kiều: một là lên tàu ra vịnh San Francisco
tại khu bến cảng số 42 (Pier 42) với rất nhiều các hãng kinh doanh dịch
vụ này như Red and White Fleet, San Francisco Ferry Bay, Angel
Island...; hai là lái xe hoặc đi xe đạp đến khu Crissy Field hay Golden
Gate Bridge Pavilion nơi ghi lại lịch sử hình thành của cây cầu, du
khách chắc chắn sẽ có những góc ảnh rất đẹp.
Cầu Cổng Vàng - Ảnh: Shutterstock
Con tàu từ từ rời bến bỏ lại thành phố San Francisco
thanh bình phía sau lưng. Những công trình tiêu biểu như tòa nhà
Transamerica Pyramid có hình kim tự tháp, Coit Tower tháp canh cổ, khu
tài chính San Francisco... nổi bật bởi chiều
cao và hình dáng. Những chiếc thuyền buồm đua nhau lướt nhanh theo làn
gió mạnh thổi từ ngoài vịnh vào, chỉ kịp nhìn thoáng qua các vận động
viên vẫy tay chào.
Dù là buổi nào trong ngày, làn sương
cũng ôm trọn cây cầu vào lòng. Con tàu chậm rãi tiến về phía trước trong
khoảng cách nhìn chỉ hơn 10m. Sương mù được hình thành khi không khí ẩm
từ đại dương tràn vào bị làm lạnh bởi mặt nước có nhiệt độ thấp dọc
theo bờ biển của bang California. Hơi nước
đọng lại thành những hạt nhỏ li ti làm hạn chế tầm nhìn của tàu bè, bởi
vậy cầu Cổng Vàng có một hệ thống còi phát thanh báo hiệu mỗi khi có
sương mù với tần suất 18s/lần.
Ảnh: Nam Trần
Dưới mặt cầu, gió se lạnh, tiếng xe cộ
qua lại bên trên, màu cam nhạt vì lớp sương, bầu trời xanh ngắt... tất
cả hòa quyện trong dạt dào cảm xúc của du khách. Về gần đến bờ, nhìn lại
một lần nữa, người ta tưởng như cây cầu đang lơ lửng trên không vì
sương đã bủa kín hay phần chân chỉ chừa lại những dây văng như dây đàn
chăng lên bầu trời.
Chiều mùa hè, khi những ánh nắng cuối cùng đang xuống là lúc lý tưởng để chạm bước khu đồi Golden Gate Pavilion nhìn xéo ra cầu Cổng Vàng.
Từ đây lịch sử và những nét đặc biệt của Kim Môn kiều được thể hiện
trên các tấm bảng và mô hình thu nhỏ với kích cỡ 1:500. Cây cầu với khả
năng chịu đựng sức gió cao cùng động đất với lợi thế dây văng treo là
tác phẩm kỳ diệu của các kỹ sư và kiến trúc sư.
Bức tượng Joseph Strauss vừa được dựng
lên vào ngày 12.5.2012 nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày cây cầu khánh thành.
Ông chính là cha đẻ đầu tiên của cầu Cổng Vàng và chung tay cùng nhiều
kỹ sư khác biến những điều không thể thành có thể bằng công nghệ của
những năm 1930. Khe nứt dưới mặt nước nối liền Thái Bình Dương và vịnh San Francisco đã
tạo nên những dòng thủy triều lên xuống mạnh mẽ, gió cường độ cao,
sương mù và không khí đầy muối chỉ là những thử thách ban đầu khi cầu
được xây dựng.
Đoàn khách Du lịch Hoàn Mỹ tại Cầu Cổng Vàng, San Francisco, Mỹ
Hơn 35 triệu USD đã được duyệt để làm
ngân sách xây dựng, khá nhiều bản thiết kế và thử nghiệm về tải trọng đã
được sàng lọc trước khi có cây cầu nguyên bản như ngày nay với chiều
dài 2,7 km, chiều cao 227 m, nhịp chính 1.280 m. Những thợ lặn đã phải
làm việc trong bộ áo giáp ở độ sâu 100 m và hít thở qua ống thông hơi
dài nối xuống bên dưới bởi tàu lặn hỗ trợ khi đó chưa phát triển. Mực
nước thay đổi liên tục 4 lần trong ngày và nhiệt độ xuống cực thấp cũng
là những gian khó họ phải vượt qua bằng ý chí khi những mũi khoan thăm
dò đầu tiên cho việc dựng nên trụ tháp phía nam. Để đúc được phần móng
chân trụ cầu, người ta đã phải đào một "bồn tắm khổng lồ" (theo cách gọi
của các kỹ sư) và bơm ra khoảng 35,6 triệu lít nước cho công nhân có
thể làm các kết cấu sắt thép bên trong rồi đổ bê tông vào. 40.000 tấn
thép cho mỗi trụ đã được đúc ở Pennsylvania và chuyển sang bờ Tây nước
Mỹ qua kênh đào Panama.
Khi được hỏi cầu Cổng Vàng
có thể tồn tại đến khi nào, Strauss nói "Mãi mãi - Forever". Đã qua hơn
7 thập niên, cây cầu huyền thoại đã được trùng tu, nâng cấp nhiều lần
để ngày càng trở nên đẹp và an toàn hơn. Cây cầu nay trở thành một biểu
tượng quốc tế, biểu tượng của San Francisco và nước Mỹ.
Suốt quá trình hình thành Golden Gate Bridge là một câu chuyện phấn đấu
không ngừng nghỉ của con người trước thiên nhiên để tạo nên một trong
nhiều kỳ quan giàu cảm xúc.
Nam Trần - Theo Thanh Niên - Ngày 30/07/2013
0 nhận xét
Đăng nhận xét