Dù bây giờ đang là những tháng nóng nhất trong năm nhưng du khách vẫn có thể tận hưởng một mùa hè mát dịu và sảng khoái ở TP New York, từ những bãi biển thanh bình và xinh đẹp tới quán bar trên tầng tượng hay công viên High Line mới mở.

Dưới đây là 10 cách để khách du lịch trốn khỏi những con phố ồn ã của TP hiện đại này.

1. Bãi biển Water Taxi (Taxi Nước)

Bãi biển Water Taxi - Ảnh: Aslanilekaplan

Dù không thể bơi hay thậm chí đặt chân xuống nước nhưng bạn vẫn có thể chơi bóng chuyền, đi dạo trên cát, uống bia và dạo chơi lang thang với bạn bè trong khi một DJ đầy ấn tượng khuấy động bầu không khí. Bãi biển này trở nên đông nghẹt khách vào các tối cuối tuần khi mở cửa đến tận 1g sáng, nhưng vẫn rất đáng vì sau cốc bia lạnh thứ năm (ở đây chỉ có cốc nhựa), sự hòa quyện của không khí biển và đường chân trời Manhattan tạo nên một buổi tối thú vị và dễ chịu.

Mùa hè này ở New York có ba bãi biển Taxi Nước: bãi chính nằm ở TP Long Island, bãi thứ hai ở khu South Street Seaport và bãi thứ ba sắp mở cửa ở đảo Governors. Cả ba bãi biển này đều được nối với nhau bằng taxi nước.

2. Đảo Coney

Đảo Coney - Ảnh: Wikimedia

Đón chuyến tàu D từ khu Manhattan và chỉ trong nửa giờ bạn sẽ được quay ngược thời gian trở lại mùa hè của những năm 1950. Đây là một cách tuyệt vời để bỏ lại thế giới Manhattan náo nhiệt phía sau và tận hưởng những làn gió của không khí biển. Ở đấy có tàu lượn siêu tốc và món xúc xích ngon nhất thế giới ở chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Nathans, nơi đầu tiên có sự kết hợp giữa... lạp xưởng và bánh bao. Tuy nhiên, du khách nên quan tâm đến... thành phần calo của mỗi bữa ăn được thiết kế trong thực đơn.

3. Đảo Governors

Đảo Governors - Ảnh: Thenewyorkcitytraveler

Yên tĩnh và xinh đẹp một cách khó hiểu, đảo Governors nằm giữa vịnh Hudson, chỉ cách khu South Street Seaport năm phút đi phà. Những khu nhà lớn trang nhã từ thế kỷ 19 ở đây đã bị bỏ không từ giữa những năm 1990 khi Cơ quan Phòng vệ bờ biển Mỹ bị buộc phải xây dựng lại.

Hòn đảo này bắt đầu hồi sinh khi bãi biển Taxi Nước sẽ mở cửa vào mùa hè này. Các tòa nhà đang bắt đầu đông khách, một trường phổ thông dự định được chuyển đến vào mùa thu tới cùng những công việc kinh doanh khác nhưng đảo Governors vẫn có được không khí vô cùng thanh bình. Du khách có thể thuê xe đạp và tìm một điểm picnic yên tĩnh cho riêng mình, ngắm đường chân trời Manhattan đầy ấn tượng, phản chiếu ngang qua mặt nước.

4. Công viên High Line

Công viên High Line - Ảnh: Wordpress

Công viên High Line được tạo nên trên một tuyến đường sắt chở hàng trải dài một dặm rưỡi, được xây dựng những năm 1930 để thay thế những chuyến tàu nguy hiểm từ quận công nghiệp của khu Manhattan. Bị đe dọa bởi sự phá hủy cuối những năm 1990, tuyến đường sắt đang dần được chuyển thành một không gian công cộng với cây cối, khu vực thư giãn và quán cà phê.

Khu đầu tiên của công viên (từ phố Gansevoort tới con phố thứ 20) chính thức được khai trương ngày 15-6, còn khu thứ hai (từ những con phố 20 đến 30) sẽ hoàn thành năm sau. Công viên mở cửa đón khách miễn phí.

5. Quán bar 230 5th

Quán bar 230 5th - Ảnh: Newyork

Nếu bạn nghĩ những quán bar trên sân thượng ở New York là đặc quyền của những người chịu chơi hoặc khách ruột của quán thì quán bar 230 5th có thể chứng minh cho bạn thấy điều ngạc nhiên mới lạ. Mở cửa quanh năm từ 16g đến 4g sáng hôm sau, đây là quán bar sân thượng lớn nhất New York, và vì có sức chứa khoảng 1.000 người (tính cả tầng mái bên trong) nên du khách hoàn toàn có thể kiếm một bàn ở đây mà không cần phải đặt chỗ.

Quán bar này rất bình dân và giá cả có thể chấp nhận được. Du khách hãy đến đây vào một ngày mưa để được ngồi nhâm nhi những thức uống tuyệt vời dưới tán ô rộng, hay vào một ngày lạnh để có thể trốn mình trong chiếc áo choàng rộng màu đỏ treo trên giá.

6. Những khu vườn Wave Hill

Những khu vườn Wave Hill - Ảnh: Bridgeandtunnelclub

Ẩn mình trong khu the Bronx, nhìn ra sông Hudson, Wave Hill là một cơ ngơi từ thế kỷ 19, rộng 113.000m², bao gồm nhiều khu vườn công cộng và một trung tâm văn hóa. Ngôi nhà này từng được tổng thống thứ 26 của Mỹ Theodore Roosevelt và nhà văn Mark Twain thuê làm nơi nghỉ dưỡng. Những khu vườn ở đây trồng nhiều loại cây độc đáo và có một ao nhỏ thanh bình với nhiều hoa súng.

Hiện nay nơi đây có một chương trình nghệ thuật với những triển lãm thay đổi định kỳ, một quán cà phê, cửa hàng và một khu picnic rất rộng. Khu vườn Wave Hill mở cửa đón khách 9g-17g30 từ thứ ba đến chủ nhật.

7. Bảo tàng Cloisters và các "khu vườn yên tĩnh"

Bảo tàng Cloisters và các khu vườn - Ảnh: Examiner

Nằm trong công viên Fort Tryon ở vùng Upper Manhattan, Bảo tàng Cloisters là một góc châu Âu thanh bình ở trung tâm thành phố. Cống hiến cho nghệ thuật và kiến trúc châu Âu thời trung cổ, các phòng trưng bày ở đây có 5.000 tác phẩm nghệ thuật, một số trong đó có từ thế kỷ IX.

Vào những ngày nắng nóng, bảo tàng trở thành điểm hấp dẫn khó cưỡng với các lối đi có những hàng cột rợp bóng mát, gợi nhớ đến cung điện nguy nga Alhambra ở TP Granada (Tây Ban Nha) và một khu vườn trung cổ xinh đẹp thơm ngát hương hoa nhài và oải hương. Bảo tàng mở cửa đón khách 9g30-17g15 từ thứ ba đến chủ nhật.

8. Vườn bách thảo Brooklyn

Vườn bách thảo Brooklyn - Ảnh: Bbg

Từng được coi là quê hương của vô số cầu và hầm, Brooklyn ngày càng hiện đại và vườn bách thảo Brooklyn là một trong những địa điểm đẹp nhất cho một chuyến pinic buổi chiều hoặc một ngày lười biếng chơi trong nắng. Trải rộng hơn 210.436m2, những khu vườn ở đây có rất nhiều loài thực vật đẹp và quý hiếm từ những bông hoa nở trắng của vườn Magnolia Plaza tới không khí thơm tho của khu vườn hoa hồng Cranford với hơn 5.000 loài cây.

Ở đây có một khu vườn dành cho trẻ em và một mạng lưới các dòng suối, đài phun nước cùng ao nở rộ hoa súng trong những tháng mùa hè, tạo một cảm giác thanh bình, dễ chịu. Vườn bách thảo Brooklyn mở cửa hằng ngày 10g-17g30.

9. Bãi biển South, đảo Staten

Bãi biển South, đảo Staten - Ảnh: Coppercoast

Bãi biển South đã được tôn tạo trong hơn 10 năm qua, có những lối đi lót ván gỗ trải dài một dặm rưỡi dọc bờ biển, là địa điểm yêu thích của những người chạy bộ, trượt ván và đạp xe. Bãi biển South có những khu vực để tổ chức picnic, một sân chơi dành cho trẻ và một quán cà phê phục vụ hamburger và bíttết. Nếu muốn thưởng thức một bữa trưa ngon lành và no nê, du khách hãy dừng lại nhà hàng hải sản South Fin Grill và nếm thử món cá tươi không thể chê vào đâu được.

10. Đảo City, khu the Bronx

Đảo City, khu the Bronx - Ảnh: Bridgeandtunnelclub

Nối với khu the Bronx bằng cầu đường bộ, đảo City mang một không khí độc đáo, giống một làng chài New England hơn là vùng phụ cận của Manhattan. Với với những dãy nhà cổ nằm dọc các con phố sạch đẹp, hòn đảo này trở thành điểm du lịch ẩm thực với các nhà hàng đặc sản biển, cửa hàng bán đồ ăn ngon cùng vô số quán cà phê vỉa hè.

Du khách có thể ngủ một đêm ở the Le Refuge Inn, một ngôi nhà trang nhã từ thế kỷ 19 đã được bảo tồn và dành vài ngày đi thăm thú loanh quanh ngắm phong cảnh nguyên sơ xinh đẹp.

THƯỜNG NGA (Theo Guardian)

medium_DL_DSC2001_Capitol.jpg

Ðiện Capitol trụ sở hai viện Quốc Hội ở Washington, D.C.

medium_DL_DSC2002_Eisenhower.jpg

Tòa kiến trúc Eisenhower, nét Âu Châu cổ kính.

medium_DL_DSC2003_Tidal.jpg

Hoa đào ở ven hồ Tidal Basin.

medium_DL_DSC2004_UnionStation.jpg

Nhà ga Union Station ngay phía Bắc điện Capitol.

medium_DL_DSC2005_Amtrak1.jpg

Trên xe điện Amtrak từ New York xuống Washington, D.C.


Washington, D.C. có tên Hán Việt là Hoa Thịnh Ðốn, là thủ đô của Hoa Kỳ nằm ở vùng phía Ðông giáp với Ðại Tây Dương là một trong những địa điểm du lịch được ưa chuộng nhất nước Mỹ vì nơi lưu dấu lịch sử với nhiều nhà bảo tàng, đài kỷ niệm quốc gia và những kiến trúc to lớn là cơ quan chính quyền Hoa Kỳ như tòa nhà lập pháp Capitol, Bạch Cung v.v... Là một quốc gia dân chủ nên những dinh thự dù là cơ quan nhà nước cũng mở rộng cửa đón dân chúng và du khách vào thăm viếng.

Rời thành phố “trái táo to” New York chúng tôi đi Washington, D.C. bằng xe điện Amtrak sau khi từ giã hai đứa cháu gọi bằng cậu ngày xưa đã cùng thuyền với tôi rời khỏi đất nước. Hai cháu sau khi lái xe đưa chúng tôi vào nhà ga Penn Station sẽ trở về New Haven, Connecticut, nơi ngày xưa tôi cũng đã từng ở, đổ mồ hôi nhọc nhằn trong những tháng đầu đến nước Mỹ. Vào nhà ga mua vé đi liền trong chuyến sớm nhất, rất may cũng có chỗ cho 2 vợ chồng chúng tôi, nếu cẩn thận hơn theo lối người Mỹ họ thường đặt vé trước qua số điện thoại 1-800-USA-RAIL hay qua trang mạng của Amtrak (www.amtrak.com). Mua vé xe điện qua trang mạng cũng tương tự như mua vé máy bay, chỉ cần nhận số đã đặt vé gọi là “Reservation Number” rồi vào nhà ga sẽ đánh số vào máy để lấy vé lên tàu điện. Nếu đặt vé trước ngày đi một thời gian xa, Amtrak có thể gởi vé đến địa chỉ mình yêu cầu. Ðây là lần đầu tiên chúng tôi đi xe điện Amtrak một công ty lớn nhất về chuyên chở hành khách bằng đường sắt của Hoa Kỳ có mặt trên 46 tiểu bang với 500 nhà ga nên có nhiều điều hơi bỡ ngỡ.

Từ New York đi Washington, D.C. rất đông hành khách nhất là vào buổi sáng như hôm nay vì đây là phương tiện di chuyển nhanh chóng và tiện lợi giữa 2 thành phố quan trọng nhất nước Mỹ. Trên bảng lịch trình những chuyến tàu hôm nay, thấy chuyến đầu tiên khởi hành lúc 3 giờ sáng và chuyến tàu chót trong đêm là 10 giờ và cứ khoảng 1 tiếng đồng hồ có 1 chuyến xe đi. Từ New York đi Washington, D.C. đường dài khoảng 237 miles, có 2 loại xe điện là loại xe chậm là Northeast Regional chạy mất 3 tiếng 35 phút và loại tốc hành Acela Express chỉ mất 2 giờ 47 phút giá vé cao hơn. Xe nào cũng ngừng 5 phút ở các ga Newark, Metropark, Trenton, Philadelphia, Wilmington, Baltimore trước khi tới Washington, D.C. và ngừng ở nhà ga Union Station. Hành lý xách tay được 2 món dưới 50 lbs (23 kg) và hành lý gởi theo được 3 món và gởi nửa tiếng trước khi xe khởi hành.

Nhân viên bán vé ân cần niềm nở cho biết giá vé là $74 và chúng tôi có thể khởi hành ngay trong 20 phút nữa. Ông ta xem bằng lái xe, lấy tên họ rồi trao vé sau khi chỉ dẫn đường đến thềm ga (platform) của chuyến tàu. Ðến thềm ga thì xe điện đã nằm ở đó và hành khách lần lượt lên tàu. Xe điện Amtrak ở đây chỉ có 8 toa tàu và bên trong mỗi hàng có 4 ghế nệm rộng rãi với lối đi ở giữa như trên máy bay. Mỗi ghế phía trước có cái khay nhựa bật xuống để thức ăn hay máy vi tính xách tay và bên trên là hàng kệ để hành lý không có nấp đậy (trên phi cơ có nấp đóng lại để hành lý không rơi xuống mỗi khi phi cơ gặp “turbulence” là lớp không khí loãng khiến máy bay bị dằn xốc). Trên toa tàu số ghế trống còn nhiều khoảng phân nửa, có lẽ chuyến tàu 9 giờ sáng này đã qua giờ cao điểm của hành khách.

Xe điện êm ái rời khỏi khu Manhattan đông đúc nhà cửa và chui xuống đường hầm vượt qua sông Hudson đi về hướng Tây Nam. Vài mươi phút sau ngừng ở ga Newark để lấy thêm hành khách từ phi trường quốc tế Newark. Hơn một giờ nữa tới thủ đô Trenton của tiểu bang New Jersey, thành phố nằm bên cạnh sông Delaware cũng là biên giới với tiểu bang Pennsylvania. Ðộ 45 phút đến Philadelphia là thành phố lớn thứ nhì ở bờ Ðông nước Mỹ từng là thủ đô của Hoa Kỳ trước khi thành lập Washington, D.C.. Ở nhà ga này hành khách lên thêm rất đông trám vào các ghế trống khiến toa tàu gần đầy. Sau đó đến Wilmington của tiểu bang nhỏ bé Delaware và thành phố Baltimore thuộc Maryland nơi đây chỉ cách Washington, D.C. 35 miles. Nửa giờ sau tàu tới ga Union Station nằm ở phía Bắc của điện Capitol và cách tòa nhà lập pháp có nóc tròn này hơn 1 km.

Ga Union Station trần cao to lớn có trạm xe điện ngầm để đi về các vùng khác trong thủ đô nhưng tôi được người bạn thân từ hồi còn trung học ở Trà Vinh ra đón. Hiện anh chàng là chủ nhân 2 nhà hàng Việt một ở Arlington và một ở phía Bắc Washington, D.C.. Chúng tôi lên xe để về nhà bạn cũng ở Arlington về phía Tây bên kia sông Potomac. Trên đường về nhà anh chàng lái xe dọc theo đại lộ Constitution để chúng tôi nhìn ngắm tòa nhà Capitol, dãy công viên National Mall với hồ nước, hoa cỏ xanh tươi hai bên là những viện bảo tàng nghệ thuật, lịch sử, viện Smithsonian, nhọn tháp bút chì bằng đá trắng Washington Monument, phía Bắc là tòa Bạch Cung. Cuối đường bắc thẳng vào xa lộ 66 qua cầu Theodore Roosevelt trên sông Potomac để về Arlington. Trên cuộc hành trình vòng nước Mỹ và Canada, cuối cùng cũng đặt chân đến thủ đô Hoa Thịnh Ðốn.

Thủ đô được thành lập vào ngày 16 tháng 7, 1790, có tên chính thức là Washington, District of Columbia, có nghĩa là thành phố Washington nằm ở trong Ðặc Khu Columbia để phân biệt với tiểu bang Washington ở bờ biển miền Tây Hoa Kỳ. Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ để có tính cách độc lập với các tiểu bang, thủ đô phải được đặt trong một đặc khu liên bang riêng biệt không phụ thuộc vào một tiểu bang nào. Nếu Washington, D.C. được xem là một tiểu bang thì về diện tích sẽ là tiểu bang nhỏ nhất trong nước Mỹ.

Trong thủ đô Washington, D.C. có tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ tức điện Capitol là cơ quan lập pháp theo mô hình lưỡng viện vì vậy nơi đây là trụ sở của Hạ Nghị Viện (House of Representatives) và Thượng Nghị Viện (Senate). Hạ Nghị Viện có 435 dân biểu, mỗi dân biểu đại diện cho một hạt bầu cử theo tỷ lệ dân số có nhiệm kỳ 2 năm. Về Thượng Nghị Viện mỗi tiểu bang có 2 thượng nghị sĩ đại diện và không tính theo tỷ lệ dân số nên 50 tiểu bang có tổng cộng là 100 thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ 6 năm. Thành viên của 2 viện đều do dân chúng bầu cử trực tiếp, tuy nhiên tại một số tiểu bang thống đốc có quyền bổ nhiệm thượng nghị sĩ tạm thời khi có chỗ khuyết giữa nhiệm kỳ. Ở thủ đô Washington, D.C. còn có Dinh Tổng Thống tức nhà trắng Bạch Cung là nơi Tổng Thống Hoa Kỳ cư ngụ và làm việc cũng như văn phòng tất cả các bộ chuyên môn trong nội các chính phủ dưới quyền điều khiển của tổng thống là người đứng đầu ngành hành pháp. Về tư pháp ở thủ đô Washington, D.C. có trụ sở của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (Supreme Court of the United States) có 9 thành viên được bổ nhiệm bởi tổng thống sau khi được Quốc Hội phê chuẩn và thành viên Tối Cao Pháp Viện có nhiệm kỳ trọn đời.

Thành phố Washington ban đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong lãnh thổ Columbia cho đến năm 1871 một đạo luật của Quốc Hội Hoa Kỳ sát nhập thành phố và lãnh thổ làm một thực thể hành chánh duy nhất gọi là Ðặc Khu Columbia. Ðặc khu Columbia ban đầu Quốc Hội ấn định lãnh thổ có hình vuông mỗi cạnh dài 100 miles nên có diện tích là 100 dặm vuông (square mile) hay 260km2 nhưng sau này vào năm 1846 phải trao trả lại cho tiểu bang Virginia phần đất phía Nam nên hiện nay diện tích chỉ còn lại 68.3 dặm vuông hay 177km2 với dân số 591,833 người tuy nhiên vì nhiều người từ vùng ngoại ô thuộc các tiểu bang chung quanh di chuyển ra vào làm việc nên hàng ngày có dân số trên 1 triệu người. Nếu tính các thành phố ngoại ô lân cận vùng thủ đô Washington, D.C. có dân số lên đến 5.3 triệu người là vùng đô thị lớn thứ 8 ở Hoa Kỳ.

Lịch sử thủ đô Washington, D.C.

Theo nhật ký của những nhà thám hiểm người Âu đến sông Potomac là nơi ngày nay thành phố Washington, D.C. tọa lạc vào thế kỷ 17, đã thấy những người da đỏ bộ tộc Algonquia sinh sống ở đây. Ðầu thế kỷ 18 phần lớn người da đỏ đã rời bỏ khu vực này khi thấy có đông người Âu Châu đến mua bán da thú để đem về nước làm y phục. Năm 1751 thị trấn Georgetown được tiểu bang Maryland chấp thuận cho thành lập thành phố bên bờ Bắc sông Potomac. Goergetown 40 năm sau trở thành Washington, D.C. là một phần lãnh thổ của Ðặc Khu Columbia. Thành phố Alexandria (hiện thuộc tiểu bang Virginia) nằm về phía Nam bên kia sông được thành lập trước đó vào năm 1749, ban đầu cũng nằm trong đặc khu. Trong diễn văn đọc ngày 23 tháng 1, 1788, ông James Madison (sau đó trở thành Tổng Thống thứ 4 của Hoa Kỳ từ 1809 đến 1817) đã nêu lên sự cần thiết của một đặc khu liên bang. Madison cho rằng thủ đô của quốc gia cần phải là một nơi riêng biệt không thuộc vào bất cứ tiểu bang nào để dễ dàng quản lý và gìn giữ an ninh. Hai năm sau, Ðạo Luật Ðịnh Cư (Residence Act) được Quốc Hội ban hành đã thành lập một thủ đô mới vĩnh viễn đặt trên bờ sông Potomac, ngay tại khu vực mà Tổng Thống George Washington đã chọn lựa. Như đã được Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép, hình dạng ban đầu của đặc khu liên bang là một hình vuông mỗi cạnh dài 10 dặm Anh (tức Mile bằng 16 km) và một “thành phố liên bang” sau đó được xây dựng trên bờ Bắc sông Potomac kéo dài từ Georgetown sang phía Ðông. Ngày 9 tháng 9, 1791, thành phố liên bang được đặt tên là Washington để vinh danh tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ được xem như quốc phụ của nước Mỹ và là người lãnh đạo cuộc cách mạng giành độc lập từ tay người Anh. Năm 1800 thủ đô Hoa Kỳ từ Philadelphia (tiểu bang Pennsylvania) được dời về Washington. Vào ngày 24 và 25 tháng 8, 1814, quân Anh tấn công Washington và đốt phá tòa nhà Quốc Hội, tòa Bạch Ốc và Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ để trả đũa vụ quân Mỹ trước đây đã từng đốt phá thành phố York của họ tức Toronto bên Canada ngày nay.

Ðạo luật tổ chức Ðặc Khu Columbia năm 1801 đưa các thành phố Washington, Goergetown và Alexandria đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Quốc Hội Hoa Kỳ còn các vùng đất chung quanh tuy nằm trong đặc khu nhưng chưa chịu hợp nhất được tổ chức thành 2 quận: Quận Washington trên bờ phía Bắc sông Potomac, và quận Alexandria trên bờ Nam. Cũng theo đạo luật này các công dân sống trong đặc khu đó không còn được xem là cư dân của Maryland hay Virginia nữa vì thế họ không được đi bầu để chọn đại diện của mình tại Quốc Hội. Từ đó cư dân trong đặc khu tranh đấu nhưng mọi nỗ lực đều thất bại trong việc giành lấy đủ sự ủng hộ cho đến thập niên 1830 khi quận Alexandria lâm vào suy thoái kinh tế mà Quốc Hội thờ ơ không trợ giúp gì được. Năm 1840 dân chúng bất mãn đòi trao trả lãnh thổ Alexandria về cho tiểu bang Virginia. Virginia lúc đó muốn duy trì chế độ nô lệ nên đồng ý việc lấy lại quận Alexandria để có thêm 2 đại diện ủng hộ chế độ nô lệ trước Quốc hội và đến 1846 lãnh thổ đặc khu nằm về phía Nam sông Potomac được trao trả về cho tiểu bang Virginia như hiện nay (sau này lập thêm thành phố Arlington trên lãnh thổ này).

Chế độ nô lệ rốt cuộc không giải quyết được tại Quốc Hội vì đa số các tiểu bang miền Nam nơi có nhiều đồn điền cần nhân công để làm việc nên xảy ra cuộc Nội Chiến Bắc Nam từ 1861 đến 1865 mới chấm dứt sau khi phe miền Nam đầu hàng, và Tổng Thống Lincoln bị ám sát chết. Trước đó ông chủ trương giải phóng nô lệ và ký đạo luật giải phóng và bồi thường nô lệ, nội trong Ðặc Khu Columbia có khoảng 3,100 người bị cầm giữ làm nô lệ được tự do. Năm 1870 dân số đặc khu tăng lên đến 132,000 người, mặc dù phát triển nhưng thành phố Washington vẫn còn các con đường đất lầy lội và thiếu nền tảng vệ sinh căn bản đến nỗi có một số thành viên Quốc Hội đề nghị di chuyển thủ đô đến một nơi khác.

Bằng một đạo luật năm 1871 tổ chức lại đặc khu kết hợp các thành phố Washington, Georgetown và quận Washington lại thành một đô thị tự quản. Mặc dù thành phố Washington đã chính thức kết thúc sau năm 1871 nhưng tên của nó vẫn được sử dụng và biết đến rộng rãi dưới tên mới là Washington thêm 2 chữ “D.C.” phía sau. Cùng trong đạo luật năm 1871, Quốc Hội cũng bổ nhiệm một ban công chánh để lo việc hiện đại hóa thành phố. Năm 1873 Tổng Thống Grant bổ nhiệm một thành viên trong ban là Alexander Shepherd vào vị trí thống đốc mới, ông này chi ra 20 triệu đô la thời ấy (tương đương 357 triệu năm 2007) vào ngân quỹ xây dựng thành phố nhưng cũng khiến cho thành phố bị phá sản. Năm 1874, Quốc Hội bãi bỏ văn phòng của Shepherd để trực tiếp quản lý. Các kế hoạch chỉnh trang thay đổi thành phố cũng không được thực hiện cho đến khi có kế hoạch McMillan năm 1901. James McMillan là thượng nghị sĩ được giao làm đẹp phần trung tâm nghi lễ thành phố tức phần đất National Mall kéo dài từ điện Capitol đến tháp bút chì Washington Monument.

Ngày xưa khi mới thành lập, thành phố Washington đã được kỹ sư người Pháp là Pierre Charles L'Enfant thiết kế quy hoạch và tiêu đề của ông này là tạo thành một “Paris của nước Mỹ” với đường sá rộng rãi, hội tụ về những quảng trường hình tròn hay chữ nhật làm nơi tập hợp dân chúng theo kiểu các thành phố Âu Châu. Ngày nay diện mạo thủ đô Washington, D.C. đường sá rộng rãi thoáng mát với nhiều quảng trường phảng phất kiểu dáng Âu Châu cũng là nhờ công của người chỉnh trang đô thị ban đầu.

Hôm nay trên bước giang hồ chúng tôi đến thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, nơi mùa Xuân có hoa anh đào, mùa Hè Lễ Ðộc Lập có pháo bông, mùa Thu rừng phong lá đỏ và Ðông sang tuyết băng phủ kín mọi con đường. Tôi có nhiều bạn bè, độc giả thân thương, đồng hương, đồng môn, thầy cũ ở đây, để từ từ rồi sẽ viếng thăm, hứa hẹn biết bao điều thú vị.

Trịnh Hảo Tâm