>> Du lịch Mỹ - Thế giới vali bị thất lạc tại Mỹ
>> Du lịch Mỹ - Ăn như... tổng thống Mỹ
>> Chương trình du lịch Mỹ tham khảo

Du lịch Mỹ - Để xua đi nỗi mệt nhọc sau những ngày làm việc căng thẳng, vừa qua Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng gia đình đã đi nghỉ Giáng sinh và năm mới ở Hawaii.
 

kynghicuaobama_01
Vợ chồng Tổng thống Obama và các con gái xem trận thi đấu bóng rổ giữa hai đội tuyển sinh viên 

Theo tờ Daily Mail, ngày 20.12, gia đình Tổng thống Obama đã đáp chuyến bay tới Hawaii bắt đầu kỳ nghỉ lễ kéo dài 2 tuần tại đây. Sau khi máy bay đáp xuống, Đô đốc Samuel Locklear III, chỉ huy hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương đã ra đón gia đình ông Obama tại căn cứ Trân Châu Cảng - Hickam, thuộc quần đảo Hawaii. Cả gia đình Tổng thống Obama cùng đi chuyến bay đêm, trên chiếc chuyên cơ Air Force One và theo lộ trình từ Maryland tới Trân Châu Cảng. Ngày 4.1.2015, gia đình Tổng thống Mỹ trở về Washington. Đánh golf, tắm biển, thăm các binh sĩ tại căn cứ quân sự và dành thời gian vui chơi bên gia đình là những hoạt động chính của Tổng thống Obama trong kỳ nghỉ này.

Thăm các quân nhân

Theo Reuters, ngày 25.12, Tổng thống Obama cùng đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã đến thăm, chúc mừng Giáng sinh và năm mới các quân nhân cùng gia đình họ tại căn cứ thủy quân lục chiến ở vịnh Kaneohe, Hawaii. Trước đó, đêm Giáng sinh Tổng thống Obama đã gọi điện cho một số quân nhân ở các căn cứ quân sự Mỹ tại nước ngoài để bày tỏ sự biết ơn đối với những hy sinh của họ. Trong bài phát biểu gửi người dân Mỹ dịp Giáng sinh, Tổng thống Obama khẳng định những binh sĩ phục vụ ở Afghanistan sẽ sớm trở về nước. "Chỉ trong vài ngày nữa, nhiệm vụ chiến đấu tại Afghanistan sẽ kết thúc. Đã đến lúc, chúng ta nhìn lại và suy nghĩ về tất cả những gì mà các quân nhân và gia đình họ đã mang lại cho đất nước", ông Obama nói. Tổng thống Mỹ khẳng định ngày Chúa Giáng sinh mang đến thông điệp là hãy yêu thương, quan tâm giúp đỡ những người bệnh tật, đói khổ và khó khăn.

kynghicuaobama_02
Đô đốc Samuel Locklear (bên trái) đón gia đình ông Obama

Gặp gỡ bạn bè thời niên thiếu
 
Trong kỳ nghỉ này, Tổng thống Obama đã dành một ngày để gặp gỡ vui chơi với 3 người bạn thời niên thiếu là Mike Ramos, Bobby Titcomb và Greg Orme. Theo AP, những người bạn này học cùng với ông Obama ở Trường Punahou, tại thành phố Honolulu, bang Hawaii vào những năm 1970. Sau đó, ông Obama và 3 người bạn này mỗi người đi theo một con đường khác nhau.
Hiện nay, Ramos sống tại bang Colorado và có cùng sở thích về nhạc jazz với ông Obama, Titcomb là nhân viên hàng không còn Orme là nhà thầu xây dựng. Dù vậy, kể từ khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Obama vẫn nhiều lần gặp lại 3 người bạn. Trong thời gian nghỉ lễ này, ông đã dành trọn một ngày chơi với 3 người bạn tại một sân golf trên đảo Oahu và khi trời đổ mưa, họ vào trong nhà chơi bowling. Ngày 30.12, gia đình ông Obama và gia đình của 3 người bạn đã tham dự bữa tiệc kiểu Hawaii được tổ chức tại nhà của Titcomb ở cạnh bãi biển Waialua, cách Honolulu khoảng một giờ xe chạy.

Nhà Obama đón năm mới

Sáng 1.1.2015, gia đình Tổng thống Obama đã tới tại vịnh Hanauma để tham gia môn lặn biển với ống thở. Các thành viên trong gia đình ông Obama đã lặn biển trong 4 giờ trước sự chứng kiến của công chúng. Sau đó, Tổng thống Obama và con gái Malia đã tới cửa hàng Island Snow ở Kailua, Hawaii để thưởng thức món đá bào siro, đây là món ăn yêu thích của gia đình ông đầu năm mới. Tại cửa hàng, ông Obama gọi một ly đá bào siro với vị anh đào, chanh dây, ổi có tên Snowbama rồi tươi cười nói đùa với con gái cùng các khách hàng khác ở đây. Tổng thống Obama sinh ra tại Honolulu, bang Hawaii và hằng năm, gia đình ông đều tới thăm cửa hàng có món đá bào siro nổi tiếng này.

kynghicuaobama_03
Đá bào siro là món ăn yêu thích của gia đình ông Obama

kynghicuaobama_04

Ông chủ Nhà Trắng cũng gửi lời chúc mừng năm mới tới mọi người tại cửa hàng rồi trở về ngôi nhà mà ông thuê cho kỳ nghỉ. Gia đình Obama ăn tối với bạn bè tại nhà hàng Vintage Cave ở bãi biển Waikiki. Đây là một trong những nhà hàng sang trọng nhất tại Hawaii. Theo BBC, ngày 2.1, Tổng thống Obama đã gặp gỡ và chơi golf với Thủ tướng New Zealand John Key tại căn cứ thủy quân lục chiến ở vịnh Kaneohe, không xa nơi ông Obama ở trong kỳ nghỉ này. Ông Obama, Thủ tướng John Key cùng con trai mình và trợ lý Nhà Trắng Marvin Nicholson đã đấu golf và trò chuyện vui vẻ. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes, người tháp tùng Tổng thống Obama đến Hawaii, đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng "New Zealand là một trong những người bạn thân nhất của chúng ta và là quốc gia có nhiều tay golf giỏi".
Trước đó, Tổng thống Obama và Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã gặp nhau vào một buổi chiều cũng tại căn cứ thủy quân lục chiến trên. Trong trang phục đơn giản, hai nhà lãnh đạo vừa trò chuyện vừa chơi golf với nhau. Bên cạnh đó, họ cũng thảo luận các vấn đề quốc tế cũng như về mối quan hệ đang ngày càng phát triển giữa Mỹ và Malaysia. Tiếp đó, vợ chồng ông Obama và các con gái đã xem một trận thi đấu bóng rổ giữa hai đội tuyển sinh viên. Đội bóng Đại học Akron do ông Craig Robinson, anh trai của bà Michelle Obama huấn luyện, đã đánh bại đội bóng của Đại học Oregon.

Theo báo Thanh Niên tuần san - Tháng 01/2015

>> Du lịch Mỹ - Trả 50 triệu đồng để nổi tiếng một ngày
>> Du lịch Mỹ - Đưa góp ý của khách vào món ăn
>> Du lịch Mỹ - "Cuộc chiến" Yellowstone ở Mỹ

Du lịch Mỹ - Mỹ bắt đầu nới lỏng giới hạn "lỗi thời" về thương mại và đi lại với Cuba theo thỏa thuận bình thường hóa quan hệ được hai nước thống nhất vào tháng trước.

"Tuyên bố hôm nay đưa chúng ta đến gần hơn việc thay thế các chính sách lỗi thời không còn hoạt động và thay bằng một chính sách giúp phát huy tự do kinh tế và chính trị cho người dân Cuba" - AFP dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew. Các thay đổi có hiệu lực từ ngày 16-1 sau khi được đăng trên tờ công báo Federal Register.
"Cuba thật sự có tiềm năng phát triển kinh tế và việc tăng cường du lịch, thương mại, truyền thông và phát triển doanh nghiệp tư nhân có thể giúp người dân Cuba quyết định tương lai của mình" - ông Lew nói thêm.
Động thái của Mỹ đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cuba hoàn tất phóng thích 53 tù nhân chính trị theo thỏa thuận chung.

gioidautumy_01

Đi lại dễ dàng hơn

Theo quy định mới của Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ, mọi người dân Mỹ đều có thể làm thủ tục sang Cuba nếu nằm trong 12 nhóm người được phép tới thăm Cuba mà không cần phải xin giấy phép như trước kia.
Các nhóm này đến Cuba trong các chương trình giao lưu nhân dân và do công ty tư nhân dàn xếp gồm người Mỹ gốc Cuba về thăm gia đình, các nhà báo, chức sắc tôn giáo, những người làm trong ngành giáo dục, chuyên gia, vận động viên thể thao...
Ngoài ra, những người đến Cuba từ nay sẽ được xài thẻ tín dụng không giới hạn số tiền sử dụng so với trước chỉ được xài 188 USD/ngày.
Khi trở về, họ cũng được phép mang theo một ít xì gà trứ danh của Cuba và số hàng hóa trị giá dưới 400 USD. Tổng cộng có 170.000 người được phép du lịch Cuba trong năm ngoái.
Những người muốn đến tắm biển ở Cuba phải chờ vì hoạt động du lịch thuần túy vẫn bị cấm. Tuy nhiên Collin Laverty, lãnh đạo một công ty du lịch giáo dục, cho biết chắc chắn nhiều người sẽ lách luật để đến Cuba du lịch.
Năm ngoái, công ty của ông Laverty đã đưa hàng ngàn người sang Cuba du lịch với tư cách là "nhà sưu tầm nghệ thuật" và cho biết năm nay sẽ có nhiều người đăng ký hạng mục giáo dục.
Trước đây, người Mỹ muốn đi du lịch sang Cuba phải quá cảnh tại một nước thứ ba, chủ yếu là Mexico.
Mặc dù bị hạn chế nhưng theo số liệu của Chính phủ Cuba, trong năm 2012, sau khi Tổng thống Obama nới lỏng các hạn chế đi lại đã có tổng cộng 98.000 lượt người Mỹ thăm Cuba, gấp đôi số lượng người Mỹ thăm quốc đảo này trong năm năm trước đó, chưa kể hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Cuba về nước hằng năm.
Ngay sau tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, các hãng hàng không đã nhanh chóng nắm cơ hội. United Airlines thông báo kế hoạch mở đường bay từ Houston và Newark (bang New Jersey) đến Cuba, trong khi hai hãng Delta Air Lines và JetBlue Airways cũng cho biết sẽ cân nhắc mở rộng dịch vụ.

Nới lỏng thương mại

Về thương mại, quy định mới cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty dịch vụ viễn thông và các tổ chức tài chính của Mỹ làm ăn tại Cuba.
Ngoài ra, người Mỹ gốc Cuba có thể gửi về cho người thân 8.000 USD mỗi năm thay vì 500 USD như hiện nay, và được đem 10.000 USD mỗi khi về Cuba.
"Những thay đổi này sẽ giúp người Mỹ hỗ trợ nhiều nguồn lực hơn cho người dân Cuba... và giúp cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Cuba" - người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhận định.
Dù về nguyên tắc lệnh cấm vận thương mại với Cuba vẫn tồn tại và chỉ có Quốc hội Mỹ mới được phép gỡ bỏ, tuy nhiên các quy định mới sẽ nới lỏng các giới hạn thương mại giữa Mỹ và Cuba.
Các công ty Mỹ từ nay sẽ dễ dàng xuất khẩu các thiết bị truyền thông như điện thoại, phần mềm và cung cấp dịch vụ Internet ở Cuba.
Các ngân hàng Mỹ từ nay sẽ được lập tài khoản trong các ngân hàng Cuba. Quy định mới cũng sẽ cho phép các khoản đầu tư từ Mỹ đổ vào doanh nghiệp tư nhân và lĩnh vực nông sản của Cuba.
Các doanh nghiệp Mỹ rõ ràng rất phấn khích trước động thái của chính phủ. "Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ và sẽ nhảy vào nhanh nhất có thể" - Sam Yohanan, giám đốc một công ty có giấy phép xuất khẩu gỗ vào Cuba, nói trên tờ Sun Sentinel.
Còn Tom Popper, lãnh đạo Công ty InsightCuba tại New York, cho biết: "Chúng tôi đang tuyển thêm người, đảm bảo các phòng khách sạn tại Cuba để chuẩn bị".
Ông Jake Colvin, phó chủ tịch Hội đồng ngoại thương quốc gia, cũng bày tỏ hoan nghênh các bước đi mà ông cho là "vượt xa" những gì Tổng thống Obama đã thông báo trong quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba.
Giới chức Cuba chưa có bình luận về các bước đi mới này, nhưng người dân Cuba hoan nghênh sự đổi mới trong chính sách của Mỹ với quốc đảo vùng Caribê.
Ông Orlando Veliz - một đầu bếp tư nhân ở Havana - được dẫn lời nói một khi người dân hai nước được tự do thăm viếng lẫn nhau thì điều đó cũng có nghĩa nhà hàng của ông sẽ có thêm thực khách, thu nhập tăng lên và có lợi cho nền kinh tế.
Theo báo Tuổi Trẻ

>> 10 thành phố hấp dẫn khách du lịch nhất nước Mỹ
>> Du lịch Mỹ - Giới đầu tư Mỹ hăm hở với Cuba
>> Chương trình du lịch Mỹ tham khảo

Du lịch Mỹ
- Đó là những căn hộ không chỉ sang trọng, rộng rãi mà còn có thiết kế ấn tượng, trang bị đắt tiền nằm trên các tòa nhà cao tầng ở một số thành phố nổi tiếng thế giới.

nhangantitrenko_01
Căn hộ trị giá 8.500 tỉ đồng ở tòa nhà Odeon, Monaco
Ngày 17.1, Bloomberg đưa tin một căn hộ được thiết kế với 2 tầng trên cùng của tòa nhà One57 thuộc khu Manhattan (New York, Mỹ) vừa được bán với giá lên đến 100,5 triệu USD (hơn 2.100 tỉ đồng). Đây là căn hộ bao gồm trọn 2 tầng 89 và 90 nằm ở độ cao 306 m. Với tổng diện tích lên đến 1.020 m2, căn hộ thông tầng này có đến 6 phòng ngủ cùng góc nhìn ấn tượng. Thỏa thuận mua bán diễn ra hồi cuối tháng 12.2014 và trở thành một trong những giao dịch căn hộ đắt nhất lịch sử New York.
Có giá cả đắt như thế, nhưng căn hộ trên vẫn chưa dẫn đầu danh sách các căn hộ đắt nhất trong năm 2014. Theo chuyên trang Business Insider, căn hộ đắt nhất năm 2014 là penthouse nằm trên tòa tháp Odeon (Công quốc Monaco) với giá bán lên đến 400 triệu USD (khoảng 8.500 tỉ đồng). Tháp Odeon là tòa nhà cao thứ 2 bên bờ Địa Trung Hải nên đem lại vị thế đắc địa cho căn hộ, với góc nhìn cực đẹp về phía biển. Căn hộ rộng khoảng 3.000 m2, và phòng ngủ chính có diện tích bằng 2 lần sân thi đấu tennis. Kèm theo đó còn có phòng xem phim, phòng tập thể hình, phòng xông hơi...
Đặc biệt, nó còn có một hồ bơi không chỉ cực rộng mà còn được thiết kế một đường trượt kèm theo tạo cảnh quan như một khu nghỉ dưỡng thu nhỏ nằm giữa không trung. Bên cạnh đó, căn hộ siêu đắt này còn được chăm lo bởi một lực lượng quản lý làm việc 24/7, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của chủ nhân. Tất nhiên, hàng xóm nằm trong cùng tòa tháp đều là những người giàu có bởi những căn hộ khác ở Odeon cũng có giá lên đến nhiều triệu USD.
nhangantitrenko_02
Tòa tháp One57 ở New York
Căn hộ đứng thứ 2 trong danh sách của Business Insider là penthouse nằm trên tòa nhà One Hyde Park ở thủ đô London của Anh. Căn hộ này có giá bán cũng "bỏng tay" xấp xỉ 240 triệu USD (khoảng 5.000 tỉ đồng), rộng khoảng 1.700 m2. Bên cạnh các phòng giải trí với nhiều tiện ích tối tân, căn hộ còn có cả một phòng đánh golf ảo để chủ nhân có thể thường xuyên luyện tập môn thể thao "quý tộc" này.
Đứng thứ 3 trong danh sách trên là căn hộ nằm trên khách sạn Pierre ở New York (Mỹ). Với giá bán khoảng 125 triệu USD (hơn 2.600 tỉ đồng), penthouse rộng hơn 1.200 m2, chiếm lĩnh trọn 3 tầng trên cùng của khách sạn sang trọng và có đến 16 căn phòng, đủ để chủ nhân có thể mở tiệc đón khách. Xếp kế tiếp trong danh sách của Business Insider chính là penthouse ở tòa tháp One57 và vị trí thứ 5 thuộc về penthouse nằm ở tòa chọc trời cao 75 tầng CitySpire ở New York. Đây là tòa nhà cao thứ 42 ở nước Mỹ. Căn hộ này rộng khoảng 800 m2.
Các căn hộ đắt tiền khác nằm trong danh sách trên gồm có: penthouse 432 Park Avenue (New York, giá 95 triệu USD - khoảng 2.000 tỉ đồng); penhouse South Bank Tower (London, giá 90 triệu USD - gần 2.000 tỉ đồng), penthouse ở tòa nhà Opus (Hồng Kông, giá 60 triệu USD - hơn 1.220 tỉ đồng), penthouse Clermont Residence (Singapore, giá 47 triệu USD - hơn 1.000 tỉ đồng), penthouse 56 Leonard (New York, 47 triệu USD - hơn 1.000 tỉ đồng).
Theo báo Thanh Niên - Tháng 01/2015