Chị Nh thân mến

Năm nay Thanksgiving đến trễ hơn thường lệ. Mọi năm, thứ năm của tuần cuối tháng 11 thường nhằm vào khoảng ngày 22 đến ngày 25. Năm nay mãi đến ngày 28 tháng 11 mới được ăn gà tây.

Trong dịp Thanksgiving dân Nữu Ước không những chỉ có ăn gà tây, hạt dẻ mà còn phải để thì giờ đi xem Macy’s Thanksgiving Parade. Thanksgiving sẽ mất rất nhiều ý nghĩa nếu không xem được parade hoặc trên máy truyền hình như cả 4 triệu dân khác trên toàn quốc, hoặc đến tận nơi, đứng khắp đường trong thành phố, chịu gió chịu lạnh xem cuộc diễn hành tận mắt như 1.5 triệu dân Nữu Ước.

Có thể đi xem người ta sửa soạn cho cuộc diễn hành từ đêm trước, từ lúc 5 giờ chiều đến 11 giờ khuya. Lúc đó người ta bắt đầu bơm khí nhẹ vào những chiếc bong bóng khổng lồ và treo đèn kết hoa vào những chiếc xe sẽ diễn hành. Năm nay trong đoàn xe diễn hành có 7 chiếc xe mới, Alice in Wonderland, Toby, The parade Dog, The World of Wilie Wonla, A United World, Party Time, Disney’s 101 Damatians and Westward. Không những chỉ sửa soạn cho các xe hoa mà thôi, còn phải tập dợt cho đoàn người và ban nhạc đi theo. Xe Disney’s với 101 Dalmatians linh động hết sức, Xung quanh xe đầy cả những người mặc bộ đồ trắng với lốm đốm đen đi lởn vởn giống hệt như các con thú trong truyệ. Phim này hiện đang rất thịnh hành, được xếp hạng nhất trong tuần. Mới cuối tuần này số tiền thu vào đã hơn 4 triệu Mỹ kim. Ngoài ra người ta bơm khí nhẹ vào hàng trăm chiếc bong bóng khổng lồ khác. Những chiếc bóng này sau khi được bơm khí vào sẽ rất nhẹ và bay bổng lên không. Cần cả trăm người, mỗi người cầm một đầu giây khi đi diễn hành mới giữ được. Không phải ai cũng cầm được. Những người cầm giây phải biết vị trí của mình, vì nếu không bong bóng sẽ bị xao động và mất thăng bằng. Năm nào người ta cũng phải thãi ra một số bong bóng đã cũ và thay vào một vài bong bóng mới. Năm nay đem vào 4 bong bóng mới. Rocky và Bullwinkle, dài 68 feet, rộng 35 feet, chứa 18,907 cubic feet khí nhẹ. Flying Fish dài 30 feet voi71 2,500 cubic feet khí nhẹ, Harold the Fisherman cao 32 feet và chiếc bong bóng mà trẻ con thích nhất năm nay là Peter Rabit dài 60 feet, rộng 22 feet chứa 12,128 cubic feet khí nhẹ. Sau vài tiếng đồng hồ sửa soạn mình sẽ thấy những bong bóng đủ màu đủ sắc, hình dạng giống đúc như những nhân vật trong các truyện nhi đồng hay trong các phim hoạt họa của Disney. Những chiếc bong bóng với những hình thù quen thuộc như Spiderman dài 78 feet, rộng 36 feet. Barney cao 58 feet rộng 36 feet với 11,000 cubic feet khí nhẹ. The Cat in the hat vơí chiếc mũ cao 1.8 feet, thân con mèo cao 58 rộng 40 feet với 12,128 cubic feet khí nhẹ. Cái bong bóng mập nhất là Garfield, bắt đầu bay từ năm 1985 dài 61 feet, rộng 35 feet, chứa 18,907 cubic feet khí nhẹ.

Thanksgiving parade bắt đầu từ năm 1927. Cuộc diễn hành đầu tiên, 70 năm về trước chỉ có 3 chiếc bong bóng lớn là Felix the Cat, một con rồng, một con voi và một vài bong bóng nhỏ. Đến ngày diễn hành, các bong bóng được thả lên trời, cột theo địa chỉ ca Macy, và tiền bưu phí, hễ có ai nhận dược thì xin gửi trả lại cho Macy, nhưng phần lớn các bong bóng bay cao và bể trên trời. Năm 1934 bắt đầu có bong bóng hình Mickey Mouse. Trong suốt cả 70 năm từ khi có diễn hành ngày Thanhksgiving, chỉ có 3 năm là không làm được vì lý do chiến tranh. Năm 1942, 1943 và 1944. Năm 1958 lần đầ tiên ban vũ The Rockettes của Radio City Music Hall xuất hiện trong cuộc diễn hành bằng cách đi theo các xe hoa trình diễn màn nhảy với áo quần hở hang trong gió lạnh buốt của tháng 11. Từ đó thành một thông lệ, diễn hành năm nào cũng có The Rockettes nhảy theo.

Không gì thích bằng nhìn những khuôn mặt, những nụ cười trẻ thơ bên đường la hét vui đùa, những em bé mặc áo quần ấm áp, má ửng hồng thích thú khi nhận ra những tài tử nổi tiếng trong các chương trình truyền hình, những nhân vật trong phim truyện bay nhởn nhơ trên bầu trời. Betty Bops với khuôn mặt bầu bỉnh. Pink Panther với cái đuôi dài 66 feet. Ở đằng xa hiện đến, Clifford the Big Red Dog daì 30 feet như hệt trong truyện. Cuộc diễn hành kéo dài trong hai tiếng đồng hồ, nhưng những kỹ niệm trong đầu trẻ thơ sẽ được nhớ suốt đời. Những chiếc bong bóng, những loạt xe hoa, các ban nhạc, những tài tử quen thuộc ngồi trên xe hoa chạy quanh thành phố từ đường 77 xuống đến đường 34 trước mặt nhà hàng Macy.

Cuộc diễn hành này lớn nhất trong các cuộc diễn hành tại Nữu Ước. Với hơn 4,000 nhân viên của Macy tình nguyện đi diễn hành. Năm nay người ta dự đoán có 1.5 triệu người đứng hai bên hè phố đón xem hằng trăm chiếc bóng khổng lồ hàng ngàn người đi diễn hành ngang qua. Có cả thảy 13 giàn nhc đi theo. 12 giàn nhạc là đại diện đến từ 12 tiểu bang. Một ban nhạc từ Anh quốc qua tham dự. Người điều khiển ban nhạc quyên được 2,000 Mỹ kim để đem ban nhạc qua Nữu Ước bằng cách cạo trọc đầu trước công chúng.

Chị thấy không, Nữu Ước thành phố lớn, thành phố xô bồ nhưng cũng là thành phố luôn luôn gắng giữ những truyền thống cũ. Giữ cho được một cuộc diễn hành vĩ đại như thế này trong 70 năm, qua bao nhiêu biến cố lịch sử cũng không phải là dễ. Giữ được những nụ cười, những tia mắt thích thú, những kỷ niệm đẹp trong đám trẻ con lớn lên cũng là một cố gắng vô cùng.

Hẹn thư sau

LÊ THỊ HÀN


Chị Nh. thân mến,

Tuần vừa rồi cả thành phố Nữu Ước mở hội. Đội Yankees thắng trận cầu quốc tế sau 18 năm. Đi đến đâu người ta cũng nói chuyện về đội banh Yankees, về cầu thủ này về ông bầu nọ. Sau khi thua hai trận đấu đầu trong loạt đấu chung kết, ai cũng sợ là Yankees thua Atlanta Braves, không ngờ cuối cùng đội Yankees thắng được. Vì thế mà dân Nữu Ước càng mừng hơn.

New York trở thành New York Yankees.

Cứ theo thông lệ ở đây là hễ đội banh nhà thắng trận thì cả đội sẽ đi diễn hành từ dưới khu Wall st. lên. Ai cũng nao nức chờ cuộc diễn hành. Hàng hóa kỷ niệm của các đội banh Mets, Giants... không có ai ngó ngàng tới. Mọi người chen lấn vào các cửa hàng để mua cho kỳ được bất cứ cái gì có dấu hiệu Yankees. Ở đâu cũng thấy cả trăm người sắp hàng đứng chờ. Người ta mua áo mũ v.v... để đi diễn hành dưới vùng Wall St., trên đường Broadway. Đoạn đường đi diễn hành này hai bên toàn là các cao ốc, đầy công sở, ngân hàng chi chít nhau làm cho con đường trở nên hẹp lại. Người ta gọi đoạn đường này là “thung lũng anh hùng”. Từ trên những tòa nhà cao, (chỉ có những cao ốc kiểu cũ mới mở cửa sổ được), người ta thả giấy computer. giấy vụn, confetti xuống đầy đường. Có người còn thảy cả giấy toilet, giấy sổ điện thoại xé vụn, tape của các máy tính, hễ vớ được giấy gì đem thả được là thả. Cả bầu trời đầy cả hoa giấy bay tứ tung, tưởng là tuyết đang rơi. Bởi vậy những cuộc diễn hành này được gọi là “ticker tape parade”.

Cuộc diễn hành bắt đầu từ 11:30 sáng, gần giờ nghỉ trưa nên rất nhiều người tham dự. Cảnh sát chận các con đường lân cận, mọi người chỉ được vào thành phố bằng phương tiện giao thông công cộng. Dân chúng từ các quận xung quanh, từ ngoại ô đổ xô vào. Có người phải rời nhà từ sáng sớm, có gia đình phải vào Manhattan ở lại từ đêm trước. Có những gia đình đem cả ba thế hệ, ông bà, cháu chắt, ai cũng mặc đồ Yankees hoặc có đeo trên người dấu hiệu Yankees đi vào thành phố để dự cuộc diễn hành. Lần này tính đến hơn 3 triệu người, ai nấy hân hoan vui mừng. Người ta đứng đầy đường, đứng trên các cầu thang cao để dễ thấy hơn, có người còn leo lên cột điện để có thể nhìn thấy các cầu thủ từ đằng xa. Cha cõng con, bạn bè kéo nhau, la chí chóe, ai cũng muốn thấy một lần cho biết. Không biết lần tới là khi nào đội Yankees mới thắng lại?. Thường thường để tổ chức những cuộc diễn hành như thế này thành phố tốn cả triệu Mỹ kim. Nhưng thật ra thành phố không phải trả hết. Có nhiều hãng bảo trợ đứng ra chịu phí tổn đó để quảng cáo hàng hóa của họ. Xong cuộc diễn hành, ông thị trưởng thành phố Rudolph W. Giuliani tặng mỗi cầu thủ một cái chìa khóa tượng trưng để mở cửa tòa thị sảnh, kiểu từ thời 1812.

Xong cuộc diễn hành ngày thứ ba, thành phố sửa soạn cho New York Marathon (cuộc chạy đua trường kỳ) tổ chức ngày chủ nhật.

Đối với dân Nữu Ước, thế vận hội không quan trọng bằng New York Marathon, vì gần như mọi người đều tham dự vào cuộc chạy đua này, không trực tiếp cũng gián tiếp. Có rất nhiều người từ các tiểu bang xa về cũng như từ các nước ngoài vào. Có một số ít người chạy để chiếm kỷ lục, phần còn lại chạy để thử sức mình chứ không tính chuyện hơn thua.

New York Marathon bắt đầu từ 27 năm về trước. Ngân hàng Chase Manhattan đứng ra bảo trợ New york Marathon từ 20 năm nay. Số người chạy đua tăng từ 2,000 người cho đến gần 30,000 người.

Hôm chủ nhật vừa rồi trời khô ráo, vào khoảng 40 độ, hơi lạnh nếu mình không làm gì, nhưng rất lý tưởng với người chạy đường trường... 30,000 người bắt đầu một lộ trình dài 26.2 dặm, từ cầu Verrazano ở Staten Island qua Brooklyn, Queens, Bronx và chấm dứt tại Central Park. Dân địa phương ở 5 quận đổ xô ra đường chờ các người chạy qua để cổ võ, để ủng hộ tinh thần và hô hào cho họ đỡ thấy mệt. Ai cũng nghĩ là chuyến này một trong những người trong nhóm Kenyans sẽ đoạt giải vô địch đàn ông cũng như đàn bà. Mọi người rất ngạc nhiên khi Giacomo Leone, 25 tuổi, một người cảnh sát Ý, thắng trận Marathon thứ 27 với 2 giờ 9 phút 54 giây. Phần thưởng là $30,000 và 1 chiếc xe Toyota mới. Anuta Catuna, 28 tuổi, thắng phía đàn bà với 2 giờ 28 phút 18 giây. Chậm hơn kỷ lục năm 1994, 2 giờ 27 phút 38 giây và 1995, 2 giờ 28 phút, 6 giây. Cả hai kỷ lục đó đều do Tegla Loroupe, người Kenya, đoạt trong hai năm liên tiếp. Ai cũng tưởng Loroupe sẽ thắng nhưng vì Loroupe bị chóng mặt và đau chân nửa chừng nên không chạy mau được. Điều đáng khích lệ là Loroupe dù bị chóng mặt và đau chân vẫn tiếp tục chạy cho đến đích. Khi vừa đến đích người ta phải đem cô ta vào cho bác sĩ khám nghiệm. Hỏi tại sao không bỏ cuộc, Loroupe trả lời: “Tôi không quen bỏ cuộc.” Loroupe, 23 tuổi, đã thắng giải vô địch của New York Marathon 2 lần, 1994 và 1995. Năm 1994, lần đầu tiên thắng giải, Loroupe được dân Kenya đón tiếp như một nữ anh hùng. Họ cũng tổ chức một cuộc diễn hành như ticker-tape parade cho các đội banh thắng trận ở New York. Ngoài ra cô còn được chính phủ thưởng cho 9 con bò và 16 con cừu. Nhưng phần thưởng làm cô hãnh diện nhất là chiếc lông đà điểu, một vinh dự mà thường thường chỉ dành riêng cho đàn ông khi mang chiến thắng trở về. Người Kenya cũng như hầu hết các giống dân Phi Châu khác, vẫn còn trọng đàn ông hơn đàn bà nhiều. Đàn ông dễ được cử đi dự những cuộc tranh đua này hơn là đàn bà.

Central Park đầy cả người, đầy cả lá vàng lá đỏ. Ai cũng hân hoan đón các người chạy xong 26.2 dậm Marathon. Có người mệt thừ ra, có người xem như vẫn còn sức.

Cách đây ba tuần tụi này vừa tham dự buổi đi bộ “walk-a-thon” 5 dậm, bắt đầu từ Central Park vòng lên đường 119 qua Riverside và về lại Central Park. Buổi Walk-a-thon này cũng có hàng ngàn người tham dự, mục đích là để quyên tiền giúp American Cancer Society. Người ta chạy cả 26.2 dặm mà chỉ mất có hơn 2 tiếng đồng hồ. Mình đi có 5 dậm mà cũng mất chừng đó giờ, về nhà 2 chân mỏi rã rời.

Central Park lúc nào cũng có nhiều sinh hoạt để quần chúng tham gia. Cũng như Nữu Ước lúc nào cũng có những cuộc diễn hành, lớn có nhỏ có. Sau Marathon sẽ có diễn hành ngày Thanksgiving...

Hẹn chị thư sau.

LÊ THỊ HÀN



Chị Nh. thân mến

Năm nay mùa thu đến lúc nào không ai hay. Mùa hè qua quá mau. Cả mùa hè mà chỉ có ba tuần nóng, phần còn lại mưa nhiều và trời rất mát. Dân Nữu Ước thèm nắng, nhưng nắng mùa thu không đủ để làm ngăm da, chỉ làm cho thấy lá vàng, lá đỏ đẹp hơn.

Đến tháng Chín, sau ngày Labor Day, sau tuần đầu tháng, khi con cái bắt đầu vào trường, Nữu Ước tự nhiên sống lại. Mọi hoạt động của thành phố lại bắt đầu. Tháng Chín được kể như là tháng bắt đầu của mọi hoạt động trong năm, vì gần như các tổ chức các chương trình đều dựa theo thời khóa biểu của sinh viên và học sinh. Trời mát hơn, thỉnh thoảng có gió lành lạnh. Mọi người trở lại làm việc hăng say hơn, cuối tuần tham gia vào các hoạt động trong thành phố vì không còn đi biển đi núi được nữa. Thành phố tỉnh dậy như vào xuân với những tổ chức chạy NY Marathon, những chương trình đặc biệt về kịch nghệ, điện ảnh, hội họa.

Tuần đầu tháng Chín có Wigstock, ngày diễn hành để phô trương các đầu tóc giả, (xem lại lá thư về Soho, Greenwich Village). Tuần giữa tháng 9 có lễ các ông thánh ở phố Ý (xem Phố Ý, phố Tàu). Từ cuối tháng Chín đến đầu tháng Mười là Đại Hội Điện Ảnh tại Nữu Ước(New York Film Festival) tổ chức tại Alice Tully Hall trong Lincoln Center (Sẽ viết về Lincoln Center và cả nhà hát lớn ở đây trong một thư sau). Năm nay có phim “Sau Những Đám Mây” (Beyond The Clouds) do Jeanne Moreau, bây giờ đã 68 tuổi, đóng. Thường thường có thể mua vé trước 5 tuần bằng điện thoại. Vì lý do gì không đi được mình cũng có thể trả vé lại.

Lincoln center là một hội trường rất rộng, trong dó có nhiều rạp trình diễn nhiều chương trình khác nhau. Ở phía ngoài sân rất rộng của Lincoln Center, Mỗi hai tuần đầu tháng chín Hội Thủ Công Nghệ Mùa Thu (Autum Crafts Festival) đem về hơn 300 lô trưng bày đủ loại thủ công nghệ từ các nơi đem tới. Không những chỉ triển lãm thủ công nghệ mà thôi còn có những lô bán thức ăn lạ miệng, thơm phức. Những nghệ sĩ trình diễn giúp vui. Ai nấy đều muốn hưởng những ngày còn nắng ấm ngoài trời trước khi mùa Đông đến.

Qua tháng Mười, mới thật là tháng vào thu. Mùa thu Nữu Ước thật quyến rũ. Trời đẹp, cảnh đẹp, đường phố đẹp. Những kiến trúc của thành phố, những hoạt động ngoài đường, những khu phố lân cận nhau bày biện những chậu cúc vàng những trái bí đỏ. Người ta bắt đầu dùng lò sưởi. Các xe bán hạt dẻ, bán đồ ăn bên đường nướng thịt, mùi khói lên thơm phức. Cũng có thể người đi đường đói bụng, cũng có thể mùi thịt thơm quá khiến khách phương xa thèm thử của lạ, xếp hàng mua thức ăn. Chỉ cần có một ít thì giờ thư thả đi bộ dọc theo các đại lộ nhìn ngắm là thích thú nhất. Ai đến Nữu Ước vào mùa thu cũng bị quyến rũ bởi cái không khí vừa mát vừa khô. Công viên bắt đầu khoe lá đỏ lá vàng. Bên hè phố ai nấy đều bận rộn. Bận rộn thật ra là nghề của người Nữu Ước. Công việc đã bận rộn mà xung quanh lại luôn luôn có những hoạt động hấp dẫn. Thời khóa biểu nhà nào cũng đầy những hẹn hò, triển lãm, đi phố, tiệc tùng. Làm việc nhiều, chơi nhiều, đó là châm ngôn của dân Nữu Ước, thành phố dư ăn thiếu ngủ.

Thật ra để xem Nữu Ước mùa này, đẹp nhất là đáp chuyến tàu thủy Circle Line chạy quanh đảo Manhattan. Đi giữa Manhattan chỉ thấy toàn cả nhà chọc trời, nhưng từ ngoài sông nhìn vào Manhattan, không những chỉ thấy có sắt và đá mà còn thấy Manhattan và hai bên bờ sông Hudson đầy cả “cây vàng lá đỏ.”

Nhưng nếu thực muốn nhuốm mùa thu vào tận chân tóc thì đi thăm Vườn Bách Thảo của Nữu Ước. Với 250 mẫu đất, 27 khu vườn ngoài trời, mùa nào ở đây cũng đẹp. Mùa thu khu vườn thơm mùi hoa cúc. Đi dạo giữa những hàng cây thích (maple) lá đỏ, lá vàng, cứ một cơn gió thoảng qua, lá bay đầy trời. Mùi lá thơm giòn tưởng như nếu thả một cây diêm quẹt đâu đây, cả rừng sẽ cháy hết.

Chỗ dễ thương nhất để xem lá vàng là ngồi ở Iris and Gerald Cantor Roof Garden trên sân thượng của Metropolitan Museum of Art. Ở đây mình có thể ngồi với một ly cà phê, một dĩa bánh, nhìn bầu trời Nữu Ước trong xanh, nhìn những nhà chọc trời nằm sau đám cây lá đỏ lá vàng trong Central Park. Đẹp như trong tranh.

Không ai tưởng tượng được New York sẽ ra thế nào nếu không có Central Park. Năm 1850 Federick Law Olmsted và Calvert Vaux xây dựng nên Central Park từ một đám đất bỏ hoang, 840 mẫu đất trãi dài từ đường 59 đến đường 110 giữa đại lộ số 5 và Central Park West là hồn của Nữu Ước. Mùa nào cũng có nhiều hoạt động tổ chức tại đây. Hoạt động lớn nhất của mùa thu là New York Marathon, thường tổ chức vào cuối tuần thứ 3 của tháng mười. Mới vài năm trước đây người ta đổi thành tuần đầu của tháng 11, vì tháng mười ở Nữu Ước thỉnh thoảng lại có những ngày nắng ấm, gọi là Indian summer, làm cho hàng ngàn người chạy bộ mồ hôi nhễ nhại. Đến tuần marathon thành phố đầy cả du khách từ mọi nơi đến tham dự hoặc đến xem hàng ngàn ống chân chạy 26.3 dặm qua 5 quận của Nữu Ước.

Mùa thu ở đây không những chỉ đẹp vì những hoạt động ngoài trời thôi, những hoạt động trong nhà cũng rất thu hút. Đi xem ca nhạc kịch, đi dự đại hội điện ảnh, chen lấn với đám đông, đi xem triễn lãm hoặc đi xem những buổi biểu diễn thời trang trong các thương ốc lớn. Mặc áo ấm vào Greewich Village ngắm những tranh ảnh hàng hóa trưng bày trên hè phố cũng rất lý thú. Trời chưa lạnh lắm để mọi người phải trùm kín với những áo khoác dày cộm, cũng không nóng để các cô gái đẹp phải chảy mồ hôi nhễ nhại. Cứ thả bộ theo đại lộ số 5, đại lộ Madison sẽ gặp người đẹp tứ xứ đi nhan nhãn, áo quần giày dép đủ kiểu, đủ màu.

Nếu chị thích đồ cổ và đồ thủ công nghệ, chị sẽ tha hồ mà đi xem. Các nhà sưu tầm cũng như các nhà buôn bán đồ cổ bỏ cả năm, cả mùa hè đi khắp nơi mua sắm, góp nhặt những tác phẩm thủ công nghệ rất đặc biệt, những đồ cổ rất lạ đem về triển lãm. Một trong những trung tâm triển lãm lớn là New York Armory Antique. Trên 100 nhà sưu tầm nổi tiếng thế giới đem đồ cổ từ cả 5000 năm trước đến phô trương. Tầm sưu tầm rất rộng, gồm cả các vật dụng từ La Mã, Tàu, Anh, Pháp... từ bàn ghế đồ dùng trong nhà cho đến đồ trang trí. Dù mình không biết gì về đồ cổ, hay dù mình là người thẩm hiếu mình cũng có thể tìm thấy những vật dụng rất hay và lạ trong các cuộc triễn lãm này.

Vài hôm nữa, chị sẽ được xem New York Marathon, cũng có thể chị sẽ thấy Yankees Parade trên máy truyền hình. Xem New York Marathon nhớ đọc lại thư viết v công viên Central Park Thư sau sẽ viết về Yankees Parade.

Hẹn thư sau.
LÊ THỊ HÀN


Chị Nh thân mến,

Khó ai tưởng tượng được Nữu Ước sẽ ra thế nào nếu không có Central Park. Cũng như Tivoli ở Copenhagen hay Chapultepec ở Mexico City, vườn Luxembourg ở Paris, Central Park đối với người Nữu Ước là một vườn chơi công cộng vĩ đại. Một công viên mát rượi trong một thành phố đầy cả dinh thự cao ngất trời. Người Nữu Ước đến Central Park để thở, để chạy nhảy, để thả bộ nhìn ngắm nhau, nhìn sao, nhìn trăng trong những đêm đẹp trời. Hoặc có thể leo lên những mỏm đá cao, những đồi thoai thoải nhìn về hướng Manhattan thấy những nhà chọc trời vẽ hình trên bầu trời xanh, hay thấy đèn sáng ngời về đêm như những vì tinh tú lạ. Người Nữu Ước còn đến đây để nghe tiếng chim hót, nhìn hoa lá nở mỗi mùa, hay chỉ đến đây để quên những xô bồ phiền phức của cuộc sống.

Cũng khó ai tưởng tượng được Nữu Ước, thành phố xô bồ, đông đúc, đầy cả người, cả nhà chọc trời, cả cao ốc khắp nơi lại có khoảng 1,100 công viên và vườn cho trẻ con chơi, chiếm gần 37,000 mẫu đất rãi rác trong năm quận. Trong những công viên lớn có nhỏ có đó, Central Park quả là một kỳ công, không những chỉ là một công viên mà là một phối hợp của nghệ thuật, của kiến trúc, của những gợi hứng cho văn chương thi phú.

Bắt đầu từ năm 1840, một nhà thơ, nhà chủ báo, William Cullen Bryant cổ động xây dựng một công viên lớn nhất Nữu Ước để mọi người có dịp đến gặp nhau chuyện trò giải trí. Ông huy động được rất nhiều nhà văn lớn như Washington Irving, các nghệ sĩ, cũng như các nhà tài phiệt tham gia. Năm 1850 họ bắt đầu đồng ý về sơ đồ của công viên. Đến năm 1855, họ mua 840 mẫu đất chạy dài từ đường 59 đến đường 109 nằm giũa đại lộ số 5 và Central Park West, với giá 5 triệu Mỹ kim. Nhà báo Federick Law Olmstead, và kiến trúc sư Calvert Vaux đã trãi qua rất nhiều khó khăn trong công cuộc thiết kế công viên, mãi đến năm 1873 Central Park mới được hình thành. Họ phải bồi thêm 5 triệu thước vuông đất, trồng hơn 4 triệu loại cây và bụi hoa, di chuyển bao nhiêu tảng đá to đá nhỏ để xây đồi, làm cảnh.

Mỗi năm có khoảng 15 triệu người đến dạo chơi. Mỗi cuối tuần từ mùa xuân qua mùa thu có hơn 250,000 trẻ con và người lớn đến đây leo trèo nhảy múa. Nữu Ước ngày càng đông, phía Bắc của thành phố trở nên nguy hiểm, cho nên đi chơi ở Central Park nên đi lúc trời còn sáng, và đi càng về phía Nam càng tốt. Suốt cả mùa hè mình có thể đến đây nghe những buổi nhạc hòa tấu của Metropolitan Opera, New York Philharmonic hoặc những nhạc sĩ nổi tiếng khác. Ngoài ra còn có những buổi trình diễn của New York Shakespeare Festival cho công chúng không mất tiền.

Bên trong, cạnh cổng chính của công viên ở đại lộ số 5 và đường 59 là một cái hồ nhỏ xung quanh là bụi cây để dụ chim về.

Ghế đá nằm dọc theo bờ hồ để cho du khách cũng như dân địa phương vào ăn trưa, nghỉ mệt. Mùa đông mặt hồ đông cứng lại biến thành bãi trượt băng, nhưng nếu thực sự muốn trượt băng thì chơi ở Wollman Memorial, nơi Donald Trump đã giúp thành phố làm lại bãi trượt băng nhân tạo cho mùa đông. Vào mùa hè, một số ban nhac tổ chức chơi nhạc tại dây, từ tp dance cho đến dạ vũ, mỗi đêm thứ sáu và thứ bảy để dân chúng có thể đến khiêu vũ ngoài trời. Gặp những đêm trăng sáng, cả một vùng công viên trở thành nơi dạ vũ dưới trăng .

Central Park là thiên đường của con nít. Cả 840 mẫu đất chỉ dành cho chuyện vui chơi. Có Central Park Zoo ở đại lộ số 5 và đường 64, ngày xưa có đầy cả sư tử, khỉ, cọp , bây giờ ở vườn thú trẻ em có chim, có gấu v.v. các em có thể cho thú vật ăn những thứ nhân viên ở sở thú cho phép. Ngoài ra còn có Carousel, hoặc nếu trẻ con còn có sức chạy nhảy nữa thì đi đến Adventure Playgrounds ở đường 67. Chơi đã rồi các em muốn nghe chuyện cổ tích, thì đến gần đường 72, ở tượng Hans Christian Anderson, một nhà viết truyện trẻ em rất nổi tiếng, để nghe kể chuyện. Ở phía Tây của vườn thú trẻ em là The Mall, một khu rộng rất khang trang, bề ngang 40 foot, bề dài 1500 foot, mùa hè còn là sân khấu của những buổi hòa tấu không mất tiền.

Đoạn phía nam của central park là nơi lý tưởng để dạo chơi với trẻ em, với bạn vàng, hay với người yêu, ngay cả đi một mình có khi cũng không kém phần thú vị. Dẫn nhau vào chèo thuyền trên Conservatory Lake ở đường 72. Nhiều người không ngờ ở Nữu Ước lại có được một chỗ thơ mộng như vậy. Khi chèo thuyền xong có thể đi thả bộ vòng theo vùng Bethesda Fountain. Nếu không muốn chèo thuyền, có thể thuê xe ngựa đi từ đường 59 vào công viên để biết được cảm giác của người xưa . Cũng có thể thuê xe đạp chạy vòng quanh khu này hoặc chạy bộ ngay phía bắc của bờ hồ gọi là Ramble. Đây là khu hoang dại nhất của công viên. Mỗi đầu xuân, mùi lá mới mùi hoa vừa nở tỏa hương thơm ngát. Đi bách bộ dọc theo những con đường ngoằn ngoèo, có nhiều bụi rậm, nhiều mỏm đá lồi lỏm rất thú vị.

Khi bắt đầu xây công viên người ta muốn xây 2 bảo tàng viện hai bên. Phía đông là Metropolitan Museum of Art, phía tây là Museum of Natural History. Museum of Natural History đã đồ sộ nhưng không thể nào so sánh được với Metropolitan Museum of Art. Sẽ viết về các viện bảo tàng ở Nữu Ước trong các thư sau.

Sau viện bảo tàng là Obelisk, thường được gọi là Cleopatra's Needle khoảng 1500 B.C. do chính phủ Hy Lạp tặng thành phố Nữu Ước. Tiếp theo là Receiving Reservoir, bể chứa nước rộng hơn 100 mẫu đất chạy dài từ đường 86 đến 96, sau đó là East Meadow, Conservatory Garden triển lãm hoa bốn mùa. Đoạn cuối của công viên về phía Đông là Harlem Meer, nơi đây mình cũng có thể chèo thuyền. Dạo sau này vùng Harlem Meer, vì gần khu Harlem có thể nguy hiểm nên du khách ít lên đến tận đó.

Dọc theo phía tây của công viên có North và South Meadows với 30 sân quần vợt và nhiều sân banh khác. Ngoài ra còn có Great Lawn, New Lake. Sau đó là Shakespeare Outdoor Theater có 2,300 chỗ ngồi. Vào mùa hè, tuần nào cũng có ban kịch trình diễn tại Shakespeare-in-the-Park cho công chúng xem không mất tiền. Vì chương trình miễn phí nên số người đi xem rất đông mình phải đến vài giờ trước khi trình diễn may ra mới có chỗ ngồi.

Vào đường 79 có Swedish School House dạy và biểu diễn cho trẻ em xem những màn múa rối. Tiếp theo là Sheep Meadow.

Đến đường 66 là Tavern on the Green.

Xây từ năm 1870 Tavern on the Green là một tiệm ăn lớn và nổi tiếng, nằm ngay giữa công viên. Những cây cao xung quanh tiệm ăn có cả triệu bóng đèn trắng nhỏ thắp sáng suốt năm.. Trong tiệm ăn, đầy cả hoa tùy mùa, phần lớn là hoa lan đủ màu đủ giống. Nhìn lên trần nhà, ngoài những bức tranh vẻ trên trần cón có rất nhiều đèn treo bằng pha lê đủ màu. Những đèn pha lê cổ đem từ Âu Châu qua từ hơn trăm năm nay, rất lớn và nhiều màu sắc. Thoạt nhìn thấy hơi quá lố, tuy nhiên cửa tiệm quá lớn, nằm giữa một khoảng rộng, nhất là khi ngồi trong phòng kính nhìn ra ngoài công viên bao la.... đèn trên cao, hoa bao quanh làm mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Ngoài ra tiệm này mỗi ngày phục vụ cho rất nhiều loại du khách trên thế giới nên ai cũng thích những gì lạ mắt.

Những ngày mùa đông trời lạnh căm căm, đi từ xa đã thấy cả vùng đèn sáng trên những thân cây trụi hết lá, Tavern on the Green như một điểm ấm cho người Nữu Ước. Mỗi năm vào dịp Giáng sinh hay tân niên muốn ăn tối ở đây phải lo giữ chỗ từ hai ba tháng trước. Cũng vì rất nhiều người cứ giữ chỗ nhưng cuối cùng không đi nên nhà hàng buộc mình phải trả tiền ngay khi gửi chỗ. Tavern on the Green có nhiều phòng trang trí khác nhau. Có phòng treo toàn tranh vẻ cảnh công viên vào thế kỷ trước. Đi ăn ở Tavern on the Green ít nhất một lần để tưởng tượng cảnh người xưa đến đây bằng xe ngựa, ăn mặc lịch sự kiểu cách thế nào.

Nhiều người ở xa đến công viên Central Park, chỉ để xem Strawberryfield, “công viên tưởng niệm”John Lehnon. Strawberry Field nằm trong công viên central park ở ngay trước nhà Dakota. Dakota là cao ốc kiểu cũ, chỗ John Lennon và Yoko Ono cũng như nhiều nghệ sĩ danh tiếng ở. Năm 1980 John Lennon bị Mark David Chapman bắn một cách vô lý và điên cuồng ở ngay trước nhà. Để tưởng niệm một nghệ sĩ danh tiếng đã từng yêu mến Nữu Ước. Thành phố đặt tên khu công viên John Lennon hay dạo chơi là Strawberry Field, cũng là tên của một trong những bản nhạc của John. Mỗi năm cứ đến ngày 8 tháng 12 số người hâm mộ John Lennon đến đây hát những bản nhạc John sáng tác để tưởng niệm một người tài hoa mệnh yểu. Strawberry field có nhiều hoa xung quanh một vòng tròn lớn lát bằng đá mosiac ở giữa có khắc chữ Imagine, tên một trong những bài hát hay nhất của John Lennon.

Biết sơ về Central Park rồi, hôm nào xem New York Marathon chị sẽ thấy ngàn ngàn người đầy cả công viên. Hàng ngàn ống chân chạy khắp thành phố. Mong là chị sẽ nhận ra được một vài chỗ đã nhắc qua trong thư này..

Hẹn thư sau.
LÊ THỊ HÀN


Chị Nh thân mến,

Có mấy người hỏi sao cứ nói chuyện đẹp chuyện sang của Nữu Ước mãi. Lỡ mình ít tiền đến Nữu Ước có mua sắm được gì không?

Tại sao không? Đây là nơi mình có thể tiêu 100 đồng hay 10 triệu tùy túi tiền. Đâu phải chỉ có triệu phú mới đi phố ở Nữu Ước. Vả lại giàu có mà cứ sống ẩn núp, không biết vui chơi không biết tìm đến Nữu Ước mà lang thang dạo phố là thiếu sót rất nhiều.

Sau khi đã biết đại lộ số 5, đại lộ Madison, đường 57, Esat side, Soho. Sau khi đã đi các tiệm bán áo quần rẽ, đi tiệm sách, hôm nay mình đi vào các cửa tiệm đặc thù của Nữu Ước. Các tiệm mà những người nhẹ túi tiền có thể vào, có thể mua được những đồ vật hấp dẫn.

Nữu Ước có Job Lot Trading và Push Cart bán mọi thứ từ áo quần đến vật dụng linh tinh trong nhà. Áo quần của tiệm này rất thường nhưng những vật dụng để tu bổ nhà cửa như kềm, búa, cưa kéo...rất rẻ. Job Lot Trading chuyên mua từng loạt hàng hóa của các tiệm bị phá sản rồi đem ra bán lại. Trong tiệm, hàng hóa bày ngổn ngang, không mời mọc tiếp đãi lịch sự như ở các thương xá lớn, nhờ vậy mà giữ được giá rẽ. Hàng hóa thay đổi luôn nên nếu hụt mua một món hàng nào đó thì khó lòng tìm lại. Nhiều khi vào đây không định mua gì cần thiết, chỉ muốn xem có gì hấp dẫn, vậy mà đi ra cũng tốn bộn tiền. Thấy của rẻ thí ham mua, nghĩ là một ngày nào đó mình sẽ cần đến. Mua về để dành, khi cần lại không biết để đâu.

Nếu chị khéo tay, có nhiều sáng kiến, không thích áo quần may sẵn thì đi xem vải vóc ở khu Union Square ở đường 14 hoặc vào khu Garment District giữa đường 34 và 40 từ đại lộ 5 qua đại lộ số 7. Có không biết bao nhiêu là tiệm, bán không thiếu một thứ vải vóc tơ lụa gì. Cườm hạt nhỏ hạt to, ribbons đủ các cỡ các màu, và nút thì hàng ngàn loại. Trong khu này mình có thể mua áo thun, kẹp cài tóc, quần áo lót v.v. nhưng phải mua từng tá. Phần lớn họ bán cho những người có môn bài mua sỉ, không bán lẽ. Có tiệm dễ dãi chịu cho mình mua nữa tá phần lớn họ chỉ bán số nhiều. Vài chục năm trước đây, khu này hoàn toàn do người Do Thái chiếm ngự, dạo sau này có rất nhiều tiệm do người Đại Hàn hoặc Trung Hoa làm chủ.

New York còn có những tiệm rất độc đáo, khó mà tìm thấy ở các nơi khác. Những tiệm bán búp bê thời xưa. Những “Bệnh viện Búp Bê” để làm lại hoặc sửa những con Búp bê đã cũ nhưng chủ nhân vì lý do tình cảm không muốn bỏ. Có những tiệm bán đồ da, sữa đồ da, có thể may lại toàn thể mặt trong của những chiếc áo da, áo lông đã cũ mèm; hoặc sửa lại những chiếc xách tay cổ lỗ sĩ mà khách hàng vẫn còn thích vì lý do tình cảm. Sữa lại có khi còn mắc tiền hơn mua đồ mới, nhưng nhiều người lại không thích đồ mới. Những loại tiệm này rất xưa, có khi hơn cả trăm năm, cha truyền con nối. Ngoài ra có những tiệm bán áo quần cũ. Áo quần đẹp thiếu mất một hột nút đặc biệt có thể đến tiệm Tender Buttons ở đường 62 và đại lộ Lexington để tìm. Ở đây bán hàng triệu loại nút, nếu không tìm đâu ra họ sẽ cố gắng làm lại cho mình.

Có người hỏi sao Nữu Ước không có chợ trời. Chợ trời rất hiếm ở Nữu Ước, có lẽ vì tiền thuê chỗ quá mắt. Muốn đi chợ trời thường phải ra ngoại ô. Nhưng loại chợ trời kiểu “bỏ túi” thì nhan nhản ngoài đường. Ở góc đường nào cũng có người ngồi bán đủ thứ từ áo thun cho đến đồng hồ, xách tay. Những người buôn bán dạo này đều phải xin giấy phép của thành phố mới được ngồi bán ở chỗ đã được chỉ định. Trong số những người bán dạo trên dường cũng có rất nhiều người bất hợp pháp. Những người này phần lớn là dân di cư từ các xứ Phi Châu hoăc Á Châu đến. Chú ý cho kỹ sẽ thấy họ để hàng hóa trên một tấm vải lớn hoặc khăn trải giường. Thường thường có hai người, một người lo đứng bán, người kia đứng dáo dác nhìn quanh xem nếu thấy cảnh sát từ ở xa là phải báo ngay để người kia cuốn gói chạy. Nếu để bị bắt vì bán bất hợp pháp, số tiền phạt có thể làm tiêu tán cả số tiền lời. Nhưng không phải vì vậy mà người ta bỏ cuộc, vì chợ trời “bỏ túi” này vẫn còn đầy.

Cảnh sát ở Nữu Ước cũng rất độc, họ rình bắt những người bán lậu này bằng cách đi như dạo chơi, không mặc đồng phục nên tinh mắt thế nào cũng khó biết mà tránh được. Cái cảnh dân di cư làm ăn vất vả này không lạ gì trên hè phố Nữu Ước từ cả bao nhiêu năm nay. Điều khác nhau là màu da, tiếng nói của dân cũ và dân mới đến mà thôi.

Du khách thường nghĩ chợ trời phải là một nơi rộng rãi nào đó, bàn xếp từng dãy, bày đủ các loại hàng hóa, từ đồ tiểu công nghệ, áo quần, giày dép.. Chợ trời kiểu đó không có ở Nữu Ước. Ở đây chợ trời chính là những hè đường, những góc phố.

Nơi có nhiều chợ trời hợp pháp và bất hợp pháp là Cooper Union trên Astor Place. Dọc theo đại lộ A giữa đường số 5 và số 7 đầy những tiệm nhỏ bán đồ đạc đã cũ, lủng củng đủ thứ, lượm được ở các khu nhà giàu.

Đi chợ trời ở Greenwich Village là gặp được nhiều sắc thái nhất. Greenwich village nằm ngay gần khu đại học Nữu Ước, bên cạnh hai trường thời trang, Fashion Institute và Parson nên sinh viên chuyên khoa về thời trang đem ra bán nhiều áo quần cũng như dồ trang sức kiểu mới của họ tự chế tạo để thử thị trường. Có đủ các loại y phục đủ kiểu, đủ màu, những đồ trang sức rất lạ mắt, những chiếc xách tay kiểu mới nhất đem bày bán nhan nhản. Đi vào đây những ngày cuối tuần, người ta chen lấn nhau, phần lớn là giới trẻ và du khách đi tìm những món hàng có một không hai. Nhưng phải coi chừng, có khi hên thì lựa được hàng tốt, cũng có khi tưởng mua rẻ nhưng thành ra mắc vì không trả lại được và vì phẩm chất chưa đúng tiêu chuẩn, mua về không dùng được cũng không trả lại được.

Nữu Ước chính là một chợ trời vĩ đại nằm trên các hè phố. Biết được ở góc nào bán thứ gì thì đi chợ trời này còn hấp dẫn hơn những xóm chợ trời họp ở một sân vận động hay một sân trường nào đó. Đi chợ trời này gặp những sạp hàng đơn sơ bên cạnh những nhà hàng lớn đồ sộ. Gặp những khuôn mặt của người bán lấm la lấm lét lo sợ cảnh sát đến bắt bên cạnh những nhà giàu đi bát phố không cần nghĩ, không cần xem giá hàng hóa mình muốn mua. Chỉ ở Nữu Ước mới chứng kiến được những cảnh như thế. Chỉ ở hè phố Nữu Ước mới thấy cái nghèo cái giàu đứng san sát bên nhau không hề biết. Chỉ ở hè phố Nữu ước mới không phân biệt được một người vừa mới di dân qua đi tìm cách sinh sống với một ông triệu phú ra đường với tấm áo khoác cũ mèm.

Nữu ước còn bao nhiêu chuyện để xem, để học hỏi. Một lần nào đó sẽ dẫn chị đi xem đấu giá.

Hẹn thư sau.