Chị Nh thân,

Trong thư này và các thư tới sẽ viết về những chỗ nổi tiếng ở thành phố New York, để lúc đến chơi dù có ít thì giờ chị có thể lựa chọn đi thăm những chỗ chị thích. Đa số những nơi nổi tiếng này đều tập trung ở Manhattan. Dễ nhất là dẫn chị đi từ cực nam hòn đảo Manhattan đi lên.

Ở tận cùng của đảo Manhattan có Battery Park, công viên nằm dọc theo bờ sông Hudson, nơi đón tàu qua đảo có tượng Nữ Thần Tự do. Du khách ai đến New York cũng muốn đi thăm tượng Nữ Thần Tự Do nên công viên này lúc nào cũng đông. Vào những ngày cuối Xuân hoặc suốt mùa hè qua đầu mùa thu, lấy tàu đi vòng quanh đảo rất thơ mộng. Ngồi trên tàu ba tiếng đồng hồ sẽ thấy trọn đảo Manhattan. Nhưng đẹp nhất là thấy tượng Nữ thần Tự do.

Đi tàu từ xa, chưa vào đến hải cảng Nữu ước đã thấy tượng nữ thần tự do cầm đuốc đón chào. Nằm trên mặt nước 305 feet tượng Nữ Thần Tự Do cầm đuốc tự do soi sáng thế giới “Liberty Enlighten the World”, soi sáng lối vào vùng đất tự do, để sẵn sàng hướng dẫn, với tấm lòng bao dung mở rộng tiếp đón những con người khốn khổ, những tâm hồn xao động, những đoàn người dắt díu nhau từ bỏ quê hương để đi tìm tự do.

Chiếc đuốc của tượng nữ thần sáng bằng 2,500 lần ánh trăng tròn. Chưa có một bức tượng nào trên thế giới lớn hơn tượng nữ thần tự do. Chưa có một xứ nào trên thế giới, một thành phố nào trên trái đất đón nhận dân tứ xứ đông như ở Nữu Ứơc. Đúng như lời thơ danh tiếng của thi hào Emma Lazarus khắc dưới chân tượng nữ thần tự do:

“Give me your tired,
your poor;
your huddled masses
yearning to breathe free;
the wretched refuse of your
seeming shore...”

Cư đến đây đi, những người mệt mỏi , nghèo khó, cứ kéo về đây...Bài thơ gợi lên hình ảnh những người Au châu lũ lượt kéo qua đây hồi đầu thế kỷ. Có lẽ tượng nữ thần tự do mời gọi quá nhiệt tình nên Nữu Ước đã thu hút cả trăm sắc dân khác nhau, biến thành một thành phố lớn nhất thế giới, một “melting pot” khổng lồ.

Tượng nữ thần tự do do chính phủ Pháp tặng dân chúng Mỹ năm 1886. Đây là tác phẩm của Frederic Auguste Barthodi và Alexandre-Gustave Eiffel, người xây dựng tháp Eiffel ở Paris. Barthodi dùng Jeanne de Pusieux làm người mẫu, sau đó ông cưới Jeanne làm vợ. Khuôn mặt của tượng là khuôn mặt của mẹ ông, bảy mũi nhọn trên vương miện tượng trưng cho bảy bờ biển và lục địa. Tượng cao 152 feet, nằm trên một bục đá cao 150 feet, nặng 225 tấn, cánh tay phải cầm đuốc Tự Do dài 42 feet, cánh tay trái có khắc ngày lịch sử 4 tháng 7, 1776. Mình có thể đi thang máy lên đến tận cùng của bệ đá, sau đó có thể đi bộ 168 nấc thang để lên đến gần đầu tượng.

Gần Battery Park là World Trade Center còn được gọi là Twin Tower vì đây là hai cao ốc giống hệt nhau, chỉ có khác cái antenne ở tầng trên cùng. Hai cao ốc này được xây từ năm 1962 mãi đến 1977 mới xong. Cao 1,353 feet và có tất cả 9,000,000 square feet để làm văn phòng. Chị có thể lên tận tầng 110 để nhìn ra ngoài. Vào những ngày đẹp trời, đứng trên tầng 110 nhìn ra bốn phía, mình có cảm tưởng như có thể thấy đến nơi vô tận. Thật ra với một cặp mắt tốt mình có thể thấy xa đến 50 dặm. Người ta hay nói đây là nơi gần “thiên đàng” nhất. Vì vậy, không lên được thiên đàng thì cũng nên đến chỗ gần thiên đàng nhất một lần cho biết! Mỗi ngày có 80,000 người đến thăm hai cao ốc chọc trời và có hơn 50,000 người làm việc trong hai tòa nhà nầy. Cũng trong hai tòa nhà này chị có thể mua sắm đủ mọi thứ, từ thức ăn đến áo quần. Gần như mọi nhà hàng lớn đều có chi nhánh ở đây. Một số lớn các đường xe diện ngầm đều chạy ngang đây để phục vụ cho nhân viên trong các công sở.

Bên cạnh Twin Tower là World Financial Center, xây xong năm 1985 có rất nhiều văn phòng và phòng triễn lãm.

World Financial Center dành tầng thứ nhất làm thành một khu vườn rộng gọi là vườn mùa đông, Winter Garden. Vườn Mùa Đông rất rộng và sáng quanh năm. Mỗi năm, cứ vào mùa Xuân những người yêu hoa lan đem cả trăm ngàn loại lan từ mọi nơi trên thế giới về đây triển lãm. Vào World Trade Center hay World Financial Center mình có cảm tưởng như đi vào một thành phố riêng biệt. Chi nhánh của các cửa tiệm lớn, từ tiệm ăn cho đến tiệm bán y phục thời trang, không thiếu một thứ gì. Từ ngân hàng cho đến các cơ sở thương mãi, đầu tư, bảo hiểm đều có văn phòng ở đây. Đi làm trong cao ốc này gần như không cần phải ra ngoài trời nếu không cần hít thở không khí tự nhiên. Muốn mua sắm, ăn uống , làm các dịch vụ hằng ngày đều có thể thực hiện ngay ở đây.

Đi lên vài đường nữa là “Wall Street” trung tâm tài chánh và ngân hàng của Mỹ cũng như của thế giới. Tất cả các ngân hàng lớn, các hãng tài chánh và chứng khoán đều có trụ sở chính ở đây. Bên cạnh trụ sở chính của ngân hàng Chase Manhattan Bank là Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve Bank) nơi chứa vàng nhiều thứ nhì trên nước Mỹ. Nếu có thì giờ hẹn trước một tuần, mình có thể vào xem hầm chứa vàng của 75 nước trên thế giới. Gặp lúc có giao dịch quốc tế trên thị trường, mình còn có thể thấy các nhân viên của ngân hàng đem từng khối vàng chuyền qua chuyền lại cho đúng chỗ của các nước liên hệ. Họ phải mang một loại giầy đặc biệt vì sợ khối vàng nặng 28 cân đó rớt vào chân.

Vào vùng Wall street thì phải đi xem Thị Trường Chứng Khoán, nơi mỗi ngày có hơn 1,500 người trung gian mua bán chứng khoán làm việc từ 9:15 sáng đến 4:00 chiều. Các người trung gian này trao đổi hàng triệu Mỹ kim hàng ngàn chứng khoán... Nếu muốn biết về cách trao đổi, buôn bán chứng khoán mình có thể vào xem, có rất nhiều chương trình chỉ dẫn cho du khách về cách tổ chức của thị trường. Du khách có thể đi vòng xem các chuyên gia buôn bán chứng khoán làm việc, sẽ được thấy tận mắt sự nhảy vụt, lên xuống của từng cổ phần. Đứng trên hành lang sẽ vô cùng ngạc nhiên thấy sao các nhân viên đó có thể trao đổi dịch vụ nhanh chóng đến thế. Đây là nơi có cả ngàn người nuôi mộng, nhưng cũng có cả vạn người vỡ mộng....

Cứ đến khu “Wall Street” vào buổi trưa trong một ngày làm việc, chị sẽ thấy người ta đổ xô ra ăn trưa, đông như kiến; lúc đó chị mới thấy mình không thể tưởng tượng nổi cái năng lượng và sức tiêu thụ của con người. Các ông công tư chức ăn mặc lịch sự tụm năm tụm ba nói chuyện hoặc xem người ta nhảy múa, ca hát. Các cô các bà ăn mặc đúng thời trang vội vã lợi dụng giờ ăn trưa để đi mua sắm hoặc làm những dịch vụ ngân hàng.

Ở góc đường Pearl và Broad là một di tích lịch sử mà người New York rất ưa nhắc đến. Đó là Fraunces Tavern, nằm giữa những tòa nhà to lớn tân kỳ, đây là một tòa nhà xây vào năm 1709 được George Washington hay lui tới. Chính nơi đây ông đã từ giã các người lính của ông sau cuộc cách mạng. Trên lầu là bảo tàng viện, chứa những di tích thời đó, dưới nhà vẫn là một quán ăn. Mình có thể ngồi ăn ở đó nhìn những bức tranh treo trên tường mà tưởng tượng đến cảnh mấy trăm năm về trước.

Vùng Wall St., có nhiều dấu vết lịch sử đến nỗi có người nói là nếu ai tin có ma sẽ có dịp gặp nhiều linh hồn người xưa vất vửơng ở đây. Những con ma lịch sử này rất hiền, không phá phách ai. Ngay trên đường Broadway và Wall Street, năm 1846 các nhà tài phiệt quyên tiền xây nhà thờ Trinity Church, tòa nhà cao nhất thành phố thời đó, 284 ft. Sân nhà thờ là nghĩa địa chôn những danh nhân thời cuối thế kỷ 19 như Alexander Hamilton, Robert Fulton...

Đi lên về bên phía Đông thì có South Street Sea Port khu có nhiều tiệm ăn, phòng triển lãm, tiệm bán áo quần, quà tặng. Ở đây lúc nào cũng có nhiều chuyện kỳ thú đang diễn tiến: một đám ca sĩ đang trình diễn, ca hát nhạc đương thời, một nhóm người triển lãm đồ cổ, một chàng trẻ đang dạy du khách thắt nút bằng giây dừa, hay một đám con nít đang vui thú xem múa rối. Tất cả các hoạt động đó đều không mất tiền. Người trình diễn cũng vui và người đi xem cũng thích thú. Người lớn , con nít ai đến đây cũng tìm được nhiều trò giải trí. Lý thú nhất là có thể xem tận mắt những chiếc tàu buồm cổ có từ cả trăm năm trước, trang hoàng rất đẹp. Ngoài ra chị có thể đi du thuyền 3 tiếng đồng hồ trên chiếc tàu hai buồm dài 102 feet. Tàu buồm sẽ chạy theo chiều gió và nước thủy triều chứ không hứa hẹn mình một hướng nào rõ rệt. Nhớ đem theo sẵn một chiếc áo ấm, gió và nước sẽ ru hồn mình quên hẳn mọi phiền toái của cuộc đời. Không muốn đi tàu và đã mỏi chân thì dừng lại ngồi uống cà phê, nhìn đám đông rộn rã bên ngoài cũng vui mắt lắm.

Hôm nay mình đi đã nhiều, lần tới sẽ đưa chị đi phố Ý, phố Tàu.

Hẹn chị thư sau.

LÊ THỊ HÀN

0 nhận xét