Sau khi bạn quyết định chọn một chuyên ngành để học và đặt chân vào bất kỳ một Community College nào, điều trước tiên bạn phải tìm hiểu là xem luật lệ cũng như cách học ở trường đó thế nào?

Chuyên ngành bạn chọn đòi hỏi học những lớp nào? Muốn biết những thông tin này thì lấy ở đâu?

hoc o my 1

Người giám thị của bạn (tức là người phụ trách quản lý du học sinh của trường) sẽ không có thì giờ để tiếp bạn và trả lời tất cả các thắc mắc của bạn, vì có những vấn đề về các lớp chuyên ngành họ cũng không nắm rõ. Hãy luôn "khắc cốt ghi tâm" từ "tự lập" khi bạn ở Mỹ.

Trước tiên bạn phải đi lấy một tờ giấy Requirement của chuyên ngành bạn học ở văn phòng phục vụ sinh viên. Trong tờ giấy Requirement này là một danh sách các lớp mà bắt buộc bạn phải học. Thường một lớp là 5 credits (tín chỉ), bạn thường phải lấy khoảng 90 tín chỉ (18 lớp) thì hoàn thành chương trình học của bạn ở Community College, nhưng cũng có trường đòi hỏi 95 hoặc 100 tín chỉ.

Xin nhắc lại với bạn là ở Mỹ mỗi tiểu bang hoặc mỗi trường trong tiểu bang đều có những quy định về việc học khác nhau, do đó bạn theo học trường nào thì theo luôn trường đó. Nếu bạn đổi trường thì khi sang trường mới bạn phải theo quy định của họ.

Sau khi bạn biết được các lớp phải học (căn cứ vào tờ Requirement) thì bạn sẽ gặp phải một vấn đề vô cùng nan giải là làm sao biết được học lớp nào trước, lớp nào sau, lớp nào móc xích với lớp nào? Vì trường chỉ đưa ra các lớp bạn phải học và bạn phải tự lên thời khóa biểu cho mình sao cho khóa học không nặng nề quá. Đây là một việc rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết qủa học tập của bạn rất nhiều, bởi nếu bạn vô tình chọn học 2 hoặc 3 lớp khó cùng một lúc thì chắc chắn bạn không theo nổi. Nhưng làm sao biết được lớp nào dễ hay khó? Không ai cố vấn cho bạn được vì sức học mỗi người mỗi khác.

Cách tốt nhất là bạn tìm quyển Catalog về các lớp học của trường. Trong quyển này ghi chi tiết từng lớp học của từng chuyên ngành và những điều kiện phải có để được vào học lớp đó.

Ví dụ: trong tờ Requirement của chuyên ngành tôi chọn là Accounting (Kế Toán), có 3 phân môn chính là: các lớp về kế toán, các lớp về tin học, các lớp về xã hội học. Bạn phải thông minh và bắt đầu suy luận, các lớp kế toán là lớp chuyên ngành tất nhiên là khó đối với tôi (và tôi xếp vào loại lớp khó). Các lớp học về vi tính như Word, Excel... ở Việt Nam tôi đã biết rồi vậy thì tương đối dễ. Còn các lớp xã hội học như là toán (tôi thấy không khó lắm), lớp thuyết trình, lớp Anh văn... vừa dễ vừa khó. Khi đó, tôi đọc trong quyển Catalog về nội dung của các lớp học này và tự đánh giá trong khả năng của mình là khó hay dễ.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy chắc ăn lắm về sự khó hay dễ này cho nên tôi vào nơi bán sách giáo khoa trong trường và tìm những quyển sách về các môn học và đọc lướt qua. Sau khi xem xét tất cả các thông tin về lớp học tôi cũng mường tượng ra được lớp nào dễ và lớp nào khó đối với tôi. Và bắt đầu tôi lên thời khóa biểu cho mình là khóa học này tôi sẽ lấy một lớp khó và một lớp dễ. Và lớp khó tôi học là lớp có ký hiệu Accounting 201, nhưng trong quyển Catalog ghi là muốn học lớp này thì phải có lớp Accounting 110 thì họ mới cho vào học. Vậy là tôi phải học lớp Accounting 110 trước (mặc dù trong tờ requirement không có đòi hỏi tôi học lớp này, nhưng bắt buộc tôi phải lấy nó thì mới học tiếp được, dẫu biết rằng điểm của lớp này không liên quan gì đến tổng số điểm để xét chuyển tiếp vào đại học của tôi sau này).

Bạn thấy không mặc dù trong tờ Requirement đòi hỏi bạn học 90 tín chỉ nhưng thực tế bạn phải học hơn 90 tín chỉ, vì có những lớp bạn phải lấy trước khi học trực tiếp vào những lớp có trong Requirement. Nếu bạn không biết những lớp phải học trước này thì khi đi đăng ký lớp, hệ thống máy tính sẽ báo cho bạn biết là bạn không học được vì chưa lấy lớp Accounting 110, bạn không học nhảy lớp được đâu. Bạn trả lời là bạn không biết thì người ta sẽ bảo bạn kiếm quyển Catalog mà đọc trước khi đến ghi danh. Và bạn phải xếp thời khóa biểu lớp lại, cứ mỗi lần phát hiện ra là phải học thêm lớp nào thì mới được học lớp kế tiếp mình muốn, danh sách lớp của bạn sẽ dài ra, đồng nghĩa với số tiến học phí và thời gian hoàn tất sẽ dài ra.

Cuối cùng bạn biết được chính xác con số tín chỉ bạn phải lấy, lớp nào khó, lớp nào dễ, bạn lại gặp khó khăn về giờ học, vì khóa này nhất định bạn phải lấy 3 lớp A, B, C, nhưng khổ nỗi có hai lớp trùng giờ học, hoặc bạn biết là giáo viên này dạy rất khó bạn muốn chọn giáo viên khác, và bạn phải chờ lớp này vào khóa tới. Rồi có những lớp một năm họ chỉ dạy có một lần và bạn phải canh để học... Tóm lại có vô vàn lý do làm cho bạn muốn điên đầu trong việc xếp lịch học.

Kèm theo đó bạn phải hiểu luật trong việc học nữa. Ví dụ như bạn là du học sinh thì bắt buộc phải lấy ít nhất 12 tín chỉ cho một khoá học thường là 12 tuần. Còn tôi là người định cư ở Mỹ không thuộc chế độ ưu đãi nào về trợ cấp của chính phủ, tôi muốn lấy bao nhiêu lớp trong một khoá là tùy ý tôi. Tôi viết vậy để bạn hiểu thêm là nếu những người định cư ở Mỹ thuộc diện khó khăn có đủ điều kiện để chính phủ nuôi họ học, thì họ phải lấy ít nhất là 15 tín chỉ cho một khóa học, vì chính phủ quy định trong 2 năm (nếu bạn học chương trình 2 năm) bạn phải tốt nghiệp, vì không ai có tiền mà nuôi họ dài lâu cả.

Khi bạn học không đủ điểm để qua một lớp nào đó thì sao? Hoặc dù bạn đủ điểm đỗ, nhưng điểm thấp (70% là C, bạn đã pass rồi, đây là điểm trung bình ở Mỹ, khác với Việt Nam là điểm 5). Bạn quyết định đóng tiền học lại, và bạn điền form repeat (tức là bỏ điểm cũ lấy điểm mới) quyết định này sẽ không có lợi cho bạn sau này. Vì khi bạn transfer, trường đại học không chịu, họ lập luận rằng so với người học một lần thì không công bằng, vì khi bạn học lại tất nhiên bạn học sẽ tốt hơn, điểm số bạn cao hơn (ví dụ như bạn được A), trong khi người học một lần ví dụ như họ được điểm B, thực ra họ giỏi hơn bạn, vì họ học một lần. Nhưng nếu bạn chọn cách tính điểm lấy hai cộng lại chia đôi thì tốt hơn.

Và nếu bạn học mà không pass lớp nhiều lần hoặc là điểm trung bình các môn bạn quá thấp thì trường sẽ không cho bạn học nữa, họ nói là bạn không đủ thực lực để học tiếp. Cho nên bạn đừng nghĩ là bạn có tiền học không nổi thì học lại, trường học không chấp nhận đâu. Ngược lại nếu bạn học tốt thì họ sẽ gửi giấy chúc mừng và khuyến khích bạn. Tóm lại để hiểu biết về luật trong ngôi trường bạn đang học thì bạn nên đọc Catalog, trong đây sẽ có tất cả cá quy định và bạn phải nắm vững để bạn hiểu mà suy tính trong việc học của mình.

Mèo Con
Theo VnExpress

Ở Mỹ, sau khi tốt nghiệp cấp 3 nếu muốn học tiếp thì có hai loại trường để theo học là Community College (tạm dịch là Cao đẳng Cộng đồng) và University (đại học).

Tôi đã định cư ở Mỹ được vài năm và đang ngồi trên ghế đại học ở Mỹ (hiện sắp tốt nghiệp). Tôi có dịp chứng kiến cũng như tiếp xúc với các bạn du học sinh và thấy được thực trạng cuộc sống học tập của họ. Hy vọng những bài viết của tôi sẽ giúp các bạn cũng như các phụ huynh ở Việt Nam hiểu được phần nào về môi trường học đường của nước Mỹ.

hoc o my 2

Ở Mỹ, sau khi tốt nghiệp cấp 3 nếu muốn học tiếp thì có hai loại trường để theo học là Community College (tạm dịch là Cao đẳng Cộng đồng) và University (đại học).

Nghe đến "Cao đẳng" thì nghĩ là oai lắm, nhưng thực ra các trường này chỉ dạy để bạn lấy bằng hai năm (theo đúng trình độ ở Việt Nam là bằng trung cấp ), hoặc là giấy chứng nhận một năm (tương đương với các trung tâm ở Việt Nam dạy về các lớp đào tạo ngắn hạn). Họ cũng đào tạo các chương trình học chuyển tiếp lên đại học (đa phần du học sinh học chương trình này vì họ không đủ sức để vào thẳng đại học 4 năm của Mỹ). Cuối cùng là trường còn dạy các chương trình tiếng Anh cho người mới sang Mỹ (ESL) hoặc là dạy lấy bằng cấp ba (giống như bổ túc văn hoá) cho những ai trên 18 tuổi nhưng chưa hoàn tất xong cấp 3 (chương trình này gọi là GAD). Đó là tất cả các chương trình mà Community College cung cấp.

Các tiêu chuẩn để thành sinh viên của Community College là gì? Thực ra mỗi tiểu bang ở Mỹ có nhưng quy định riêng, không bang nào giống bang nào. Riêng bang Washington thì quy định bạn không cần bằng cấp 3 vẫn được vào Community College để học lấy bằng một năm, hai năm, hoặc học chương trình chuyển tiếp lên đại học. Đây là một điều kiện vô cùng hấp dẫn cho các du học sinh Việt Nam. Có rất nhiều bạn mới học xong lớp 11 ở Việt Nam, hoặc đang du học học cấp 3 ở các tiểu bang khác đổ xô về Community College ở Washington để học chương trình chuyển tiếp lên đại học, vì các bạn rút ngắn được thời gian học cấp 3.

Các trường này sẽ kiểm tra tiếng Anh của bạn, bạn đừng lo sẽ không được nhận nếu trình độ tiếng Anh kém. Có tất cả các lớp từ thấp đến cao tùy vào trình độ của bạn. Và khi bạn đạt được một trình độ tiếng Anh nhất định thì bạn mới chính thức học chuyên ngành bạn chọn, thường đa số du học sinh mất một năm để học tiếng Anh. Cho nên, nếu bạn không muốn mất thời gian và tiền bạc ở Mỹ, thì bạn nên học tiếng anh ở Việt Nam cho vững. Học phí ở Mỹ rất mắc, trình độ bạn thấp thì thời gian bạn học sẽ kéo dài, trường học có lợi về mặt kinh doanh. Sau khi bạn đủ tiêu chuẩn tiếng Anh, bạn phải thi toán. Cái này bạn đừng lo lắng, vì trình độ toán học sinh mình rất khá, bạn dễ dàng đủ điểm để vào học chương trình trong Community College.

Ở Mỹ sau khi học sinh học xong cấp 3, phải làm bài kiểm tra SAT. Test này là để kiểm tra trình độ vào đại học (University). Nếu đủ điểm các trường đại học sẽ mời bạn vào. Còn nếu thiếu điểm, bạn phải vào Community College để học chuyển tiếp lên đại học. Tất nhiên đối với xã hội Mỹ, bằng cấp của một người được học trực tiếp vào University luôn tốt hơn là một người học từ Community Collge rồi chuyển tiếp lên University. 99% du học sinh Việt Nam mình không đủ khả năng để vào học trực tiếp ở trường University.

Tiền học của du học sinh ở Community College khoảng 12.000 USD/năm. Nếu học University thì khoảng 40.000 USD/năm, đó là mức phí ở bang Washington. Tiền sinh hoạt ăn ở chưa tính. Và bạn đừng nghĩ là sang Mỹ sẽ tìm được việc làm để phụ thêm vào tiền học, đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm. Vì bạn là du học sinh, theo luật bạn chỉ được tìm những việc trong trường học mà thôi. Nhưng trong trường học, 90% việc làm là ưu tiên dành cho những sinh viên sống ở Mỹ. Du học sinh chỉ có 10% số việc. Nếu tìm được việc, bạn cũng chỉ được làm tối đa 40 tiếng một tháng, một tiếng là 8.55 USD. Vậy một tháng bạn kiếm khoảng 342 USD, số tiền này đủ để bạn mua hai quyển sách học. Nếu bạn ra ngoài làm chui, cảnh sát mà bắt được bạn sẽ bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ. Mà nếu bạn đi làm thì sẽ không có đủ thời gian học bài, vì một giờ học ở lớp bằng 5 giờ học ở nhà. Thêm vào đó, các phụ huynh đừng nghĩ học đại học là 4 năm và chuẩn bị tiền học cho đúng 4 năm. Thực chất bạn phải mất ít nhất 5 năm mới hoàn tất việc học, nếu bạn học giỏi, và chăm chỉ.

Ở Mỹ cũng có những trường nằm ở vị trí mất an ninh, hoặc trường có nhiều thành phần không tốt theo học. Tốt nhất bạn nên hỏi những người đi trước mà lấy kinh nghiệm, hoặc khi bạn chẳng may học vào những trường đó thì mùa học sau bạn nên chuyển trường khác.

Tóm lại các bạn ở Việt Nam nên vào internet tìm hiểu hoặc gởi email đến các trường ở Mỹ để tham khảo về ngôi trường mà mình muốn học. Hoặc hỏi các bạn đã đi học trước đây, hoặc thân nhân (nếu có) ở Mỹ để biết rõ về ngôi trường mình chọn.

Và một điều rất quan trọng dành cho các du học sinh nữ là bạn không nên đi bộ trên những con đường vắng ở Mỹ (mà ở Mỹ có rất nhiều con đường vắng) vì sẽ không an toàn. Bạn sẽ bị bắt cóc, hãm hiếp và bị giết, tội phạm ở Mỹ rất nguy hiểm. Khi mới sang Mỹ nhiều người cảnh báo với tôi về điều này, tôi thấy buồn cười và không tin, vì tôi lớn rồi, tại sao bị bắt cóc giữa ban ngày như vậy được. Nhưng khi xem tin tức và đọc báo thì những chuyện này xảy ra thường xuyên ở Mỹ, bạn đừng nên xem thường.

Mèo Con
Theo VnExpress

Qua ống kính của các nhiếp ảnh gia, công chúng tiếp tục mở cánh cửa này để ngắm nhìn các vườn quốc gia ở Mỹ.

vuon quoc gia my 1

Hồ Wonder ở Vườn quốc gia Denali, Alaska.

Mỹ có 58 vườn quốc gia, do Cục Vườn quốc gia Mỹ (NPS) quản lý. Vườn quốc gia đầu tiên là Yellowstone, được thành lập vào năm 1872. Tiếp theo là các Vườn quốc gia Sequoia và Yosemite, thành lập năm 1890.

vuon quoc gia my 2
Sấm chớp lúc hoàng hôn ở Vườn quốc gia Saguaro, Arizona.

Các vườn quốc gia thực sự có giá trị khoa học vì hệ sinh thái phong phú, bảo tồn được nhiều loài động - thực vật có nguy cơ tuyệt chủng và có địa mạo độc đáo. Do đó, những nơi này cũng là địa điểm thu hút khách du lịch cũng như giới nhiếp ảnh gia, quay phim,...

vuon quoc gia my 4

Thung lũng chết ở Vườn quốc gia Death Valley, phía đông Sierra Nevada, Great Basin.

Chùm ảnh đăng tải trên National Geographic, có thể làm ảnh nền tuyệt đẹp cho chiếc máy tính của bạn.

vuon quoc gia my 5
Vườn quốc gia Joshua Tree, phía nam California vào đông.

vuon quoc gia my 6
Hồ Crater ở Oregon.

vuon quoc gia my 7

Đàn ngỗng đi dạo ven hồ ở Vườn quốc gia Tetons Grand, Wyoming.

vuon quoc gia my 8
Vườn quốc gia Mount Rainier, Washington.

vuon quoc gia my 9
Vườn quốc gia Glacier, Montana.

vuon quoc gia my 10
Cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp gần ngọn hải đăng ở Maine.

vuon quoc gia my 11
Chữ tượng hình của người nguyên thủy trên con đường mòn dẫn xuống thành Horseshoe Canyon, Vườn quốc gia Canyonlands, Utah.

vuon quoc gia my 13
Toàn cảnh hùng vĩ của sa mạc Delicate Arch, Vườn quốc gia Arches, Utah.

vuon quoc gia my 14
Khung cảnh gần hồ Jackson ở Vườn quốc gia Grand Teton, Wyoming.
H.Anh (Theo National Geographic)