Chị Nh. thân mến,

Đến bây giờ mình đã biết gần hết thành phố. Đã leo lên mấy nhà chọc trời, đã đi thăm tượng Nữ thần Tự do, đi phố, đi viện bảo tàng. Hôm nay xếp bản đồ lại, cất giày dép lẹp xẹp, thắng bộ đẹp đẽ đi nghe hòa nhạc hoặc đi xem kịch opera.

Để có một khái niệm tổng quát về các mục giải trí, trước khi đến Nữu Ước hoặc khi mới đến nên đọc một vài tờ báo (xem lại thư Broadway, Off Broadway) để biết rõ chương trình. Phần lớn các buổi hòa nhạc và opera trình diễn ở Carnegie Hall hay Lincoln Center.

Lincoln Center ở đường 62 đến 66 giữa đại lộ Amsterdam và Columbus gồm có 4 thính đường. Hai thính đường dành cho opera và hai thính đường để hòa nhạc. Có thể mua vé nghe hòa nhạc nửa giá tại Bryant Park Ticket Booth trong cùng một ngày.

Avery Fisher Hall là một trong bốn thính đường của Lincoln Center, bắt đầu mở năm 1962 là chỗ New York Philharmonic hòa tấu. Về mùa hè thính đường này có tổ chức Hội Mozart gọi là Mostly Mozart Festival chơi toàn nhạc của Mozart trong vòng 6 tuần lễ.

Alice Tuly Hall nhỏ hơn, là nơi những nhóm nhạc sĩ hòa tấu trình diễn. Vào cuối tháng chín mỗi năm, thay vì nghe hòa nhạc có thể đến đây xem New York Film Festival. Ban tổ chức chọn 25 phim mới nhất của Mỹ và ngoại quốc. Muốn chắc chắn có chỗ, nên gọi số 877-1800 trước 5 tuần để đặt vé trước.

Metropolitan Opera House, là thính đường sang trọng và lớn nhất trong bốn thính đường của Lincoln Center. Trần nhà lúc chưa bắt đầu chơi nhạc sáng chói với những chiếc đèn treo bằng pha lê của Ao, khi màn sân khấu bắt đầu mở, tất cả các đèn biến vào trong trần để lại một không khí yên lặng, trong vắt chỉ còn nghe tiếng các nghệ sĩ opera lên bổng xuống trầm. Vé đi xem Metropolitan Opera House có khi còn đắt hơn đi xem Broaadway và không có kiểu bán nửa giá. Thường những người hâm mộ opera mua vé cả mùa. Một mùa bắt đầu từ cuối tháng chín đến giữa tháng tư, gồm có 25 operas trình diễn 7 lần một tuần, 6 đêm và một buổi matinee trưa thứ bảy. Vì vé đi xem quá mắc nên Metropolitan Opera “giúp người hâm mộ” bằng cách bán vé “đứng”. Có thể mua vé đứng cùng ngày trình diễn tại phòng bán vé từ 10 giờ sáng. Đứng xem opera cũng không đến nỗi “khổ” như mình tưởng vì đôi khi những người có vé không đi hoặc bỏ về sớm, lúc đó mình có thể lợi dụng cơ hội vào ngồi ở những chỗ trống ... Nếu phải đi vé đứng thì ráng đến rạp sớm để có chỗ tốt.

New York State Theater là thính đường thứ tư của Lincoln Center. Đây là chỗ New York City Opera và New York City Ballet trình diễn. Mùa Giáng sinh năm naò cũng có màn “The Nutcraker” của Shakespeare đã thu hút bao nhiêu khán giả từ lớn tới bé. Có những gia đình mùa Giáng sinh nào cũng dẫn nhau đi xem Nutcracker như một thường lệ. Ngoài ra “Swan Lake” cũng trính diễn tại đây. Các vũ công balerina trình diễn trên sân khấu tưởng như là những nàng tiên nữ giáng trần. Họ lướt nhẹ trên những đầu ngón chân, tha thuớt kéo theo những tấm voile mỏng nhẹ như tơ. Với ánh sáng, với kỹ thuật màu sắc và âm thanh mình cứ tưởng như đang ở trong xứ thần tiên nào đây. ..

New York State Theater khác với Metropolitan Opera House là họ chủ trương thuê các diễn viên người Mỹ và khuyến khích các chương trình của các đạo diễn mới ra chưa nổi tiếng trong khi Metropolitan Opera House chỉ lựa những nghệ sĩ đã nổi danh..

Carnegie Hall nằm ở đường 57 gần đại lộ số 7. Gọi là Carnegie Hall vì Andrew Carnegie đã cho tiền để xây dựng hội trường này năm 1891. Carnegie có lòng muốn khuyến khích các nhạc sĩ hòa tấu. Ông đã cố công xây dựng một hội trường thật đẹp nhưng không nghĩ đến chi phí bảo trì. Carnegie Hall có một thời tưởng đã phải “đi vào quá khứ”vì không có đủ tiền để tu bổ, để thiết bị cho hợp với trào lưu mới. Năm 1960 một nhà thầu khoán đã mua Carnegie Hall để sửa thành cao ốc. May thay, cuối cùng nhà thầu khoán không có đủ tiền để thực hiện dự án đó, nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng, Isaac Stern cùng một nhóm dân chúng yêu thích Carnegie Hall vận động cho thành phố Nữu Ước mua lại hội trường và lập dự án bảo trì. Cũng nhờ vậy mà Carnegie Hall còn lại đến ngày hôm nay.

Đây là một trong 3 hội trường hòa nhạc lớn nhất thế giới. Mặc dù về kỹ thuật âm thanh Carnegie Hall không so sánh được với Boston Symphony Hall và Vienna Musikverein nhưng hội trường này đã sống qua 100 năm và đã là nơi các nhạc sĩ ca sĩ danh tiếng trình diễn, từ Isaac Stern, Seiji Ozawa, Leonard Berstein, Jack Benny đến the Beattles..

Nữu Ước còn rất nhiều phòng chơi nhạc thời đại, jazz, blue, new wave...v.v. và có rất nhiều chỗ đi chơi giải trí rất hay ở quanh vùng Greenwich Village.

Dẫn chị đi rất nhiều nơi mà vẫn còn thiếu, vẫn còn nhiều chỗ chưa đi như sở thú, vườn bách thảo, và bao nhiêu chỗ khác nữa.

Thôi hẹn chị trong một loạt thư khác, sẽ viết thêm về Nữu Ước.

LÊ THỊ HÀN

Chị Nh thân mến,

Mùa thu năm nay lạnh sớm quá. Mới tuần dầu tháng 11 mà ai cũng mặc áo choàng mùa đông. Gió lạnh đến sớm nhưng lá lại vàng trể. Chắc tại những tuần đầu thu mưa nhiều và ấm hơn thường lệ. Lá muốn vàng cần phải có những ngày ấm tiếp theo những ngày thật lạnh. Khí hậu phải đổi vài chục độ từ ngày này qua ngày khác mới giúp lá đổi màu mau và đẹp. Thường năm, đến ngày Halloween. vào cuối tháng 10, là lá đã vàng rực, và đã rụng đầy sân. Tiếng trẻ con mặc giả dạng những nhân vật kỳ dị đi xin kẹo trong lối xóm, đạp trên lá xào xạt. Năm nay Halloween đến, cây lá vẫn còn xanh mãi đến bây giờ giữa tháng 11, lá vẫn còn vàng, vẫn còn đầy trên cây, chưa rụng.

Nữu Ước mùa thu thật đẹp, chưa quá lạnh để giữ chân mình ở nhà. Nữu ước mùa thu có bao nhiêu sinh hoạt để làm vừa lòng mọi người: với hơn 150 bảo tàng viện, hơn 400 phòng triễn lãm nghệ thuật điêu khắc và hội họa, hơn 17,000 tiệm ăn đủ cỡ đủ giá, bao nhiêu là rạp hát với 42,000 chỗ ngồi. Năm nay lại đặc biệt hơn các năm khác. Nữu Ước biệt đãi những người thích ca vũ nhạc kịch Broadway. Lần đầu tiên trong sáu năm qua, Broadway sẽ cho ra mắt năm vở ca vũ nhạc kịch mới trước Thanksgiving, nghĩa là chỉ trong một vài ngày nữa thôi các rạp ở Broadway sẽ bắt đầu trình diễn những vở kịch mới mà mọi người đang náo nức chờ đợi.

Những vở kịch này dù chưa bắt đầu trình diễn, đã có người đặt vé từ mấy tháng trước. Ví dụ vở Lion King với nhạc của Elton John, bán hết vé cho đến tháng tư năm tới. Vé bán chạy như vậy mà giá vé vẫn không rẻ. Thường thường vé ca vũ nhạc kịch từ $25.- đến $75.- . Đó là giá chính thức, chưa kể nếu vì lý do gì mình phải đi xem cho bằng được trong thời gian ngắn ở Nữu Ước thì phải trả giá gấp đôi gấp ba !!

Các vở kịch, ca vũ nhạc ở Broadway nổi tiếng vì các nghệ sĩ phải trải qua những cuộc tuyển chọn cam go. Có nghĩa là họ phải thưc sự có tài mới trình diễn được ở Broadway. Những nhà viết kịch, soạn nhạc cũng là những nghệ sĩ nỗi tiếng trên thế giới như Elton John, Andrew Loeb, Lloyds Webber..Về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, bối cảnh.., đây chính là môi trường để cho các chuyên gia tiếng tăm trên thế giới có dịp biểu diễn tài nghệ của họ. Chiếc máy bay trực thăng, chong chóng chạy vù vù trên sân khấu mở đầu tuồng Miss Saigon đã hơn mười năm nay. Cảnh ma quái, lãng mạn, âm thanh và bối cảnh làm cho tình yêu điên cuồng trong Phantom of the Opera mãnh liệt hơn. Chiếc đèn pha lê khổng lồ lắc lư qua lại, những bối cảnh nhà hát lớn ở Paris thời 1880, cách dùng ánh sáng cực kỳ tinh vi dã được trình diễn mấy ngàn lần trên sân khấu. Beauty and the Beast nhạc kịch theo chuyện của Walt Disney, Cats phỏng theo thơ của thi sĩ T.S Elliot, một trong những tuồng xưa nhất trên Broadway hiện tại đã thu hút khán giả đủ mọi lứa tuổi.

Những người “mê” Broadway thường giữ chỗ trước khi họ đến Nữu Ước, như vậy sẽ không mất thì giờ và còn biết chắc là mình sẽ xem được những vở kịch mình muốn. Ngoài ra nếu chưa hề xem Broadway, chỉ muốn đi một lần cho biết thì khi đến Nữu Ước việc trước tiên là mua báo New York Times ngày thứ sáu đọc mục “Weekend” hoặc chủ nhật, đọc mục “Arts and Leisure” hay tờ New Yorker’s “Goings On About Town”. Còn muốn biết nhiều chi tiết hơn thì đọc tờ Village Voice. Chọn một vài vở kịch mình thích rồi sau đó tính chuyện đi mua vé. Dễ và giản dị nhất là gọi Premiere Ticket Service, Inc (643-1274) họ bán tất cả vé đi xem kịch, hòa nhạc hay thể thao. Premiere Ticket Service có thể tìm được vé cho cả những vở kịch đã hết chỗ! Họ có thể giao vé đến khách sạn hay văn phòng của mình. Theater Direct (800-334-8457) Telecharge hay Centercharge cũng bán vé qua điện thoại, giải thích cho mình biết sẽ ngồi ở khoảng nào trong rạp , như vậy rất tiện cho mình khi vào một rạp hát rộng lớn chưa đi lần nào. Mua vé qua các trung tâm này phải trả thêm từ $2.50 đến $5.- tiền thù lao cho mỗi vé. Nếu có thì giờ và không ngại đường xa, có thể đến tận rạp hát để mua vé khỏi trả tiền thù lao.

Ở tại Times Square có trụ sở TKTS bán vé Broadway hoặc Off Broadway nữa giá để đi xem trong cùng một ngày. Vé bán từ 10 đến 2 giờ cho xuất buổi sáng và 3 đến 8 giờ cho xuất buổi tối. TKTS lúc nào cũng đông, người ta đứng nối đuôi nhau dài vài khu phố. Đừng thấy vậy mà nản chí, bởi lẽ có nhiều người chờ nhưng cũng có rất nhiều vở kịch còn chỗ. Tốt hơn hết là trước khi đứng sắp hàng nhớ xem bản ghi những vở kịch còn chỗ. Từ đó lựa hai ba vở để khi đến phiên mình lỡ ra vở kịch mình thích nhất không còn chỗ mình có thể quyết định để xem vở kịch khác.

Ngoài ra cũng nên để thì giờ đi xem Off Broadway, vừa rẽ, vừa dễ mua vé hơn. Off Broadway là những vở kịch có “kỳ vọng” một ngày nào đó sẽ thành Broadway, cũng như Off Off Broadway mong sẽ thành Off Broadway.

Người ta gọi những vở ca vũ nhạc kịch là Broadway vì phần lớn những rạp hát nằm trên đường Broadway quanh các khu phố từ đường 40 đến 50. Khu phố này còn gọi là Times Square, nơi đã giúp bao nhiêu người xây mộng và cũng là nơi đã bóp nát rất nhiều ước mơ của lớp trẻ, mới lớn muốn làm tài tử, kịch sĩ. Có một thời Times Square rất xô bồ tạp nhạp với nhiều rạp chiếu phim tục, nhiều khu vực bất an, nhưng từ đầu 90 đến nay, với chương trình 10 năm cải tiến, Times Square càng ngày càng sáng sủa, lành mạnh hơn. Mặc dù tài tử và dân chúng biểu tình chống đối, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đập đổ các rạp hát xưa cổ để xây lại những nhà hát lớn và tân kỳ hơn cho thích hợp với thời dại mới.

Đến Nữu Ước, vào Broadway thì nên đi xem một vài tuồng quen thuộc như Miss Saigon, chuyện tình thảm khốc giữa một cô gái Việt Nam và một chàng lính Mỹ. Đặc biệt nhất là đạo diễn có thể đem vào sân khấu một chiếc phi cơ trực thăng thật, với chong chóng quay vù vù... Les Miserables , dựa trên cốt chuyện của Victor Hugo , tuồng dài 3 tiếng 15 phút (thường chỉ độ 2 giờ 20 phút) mà khán giả say mê không chán. Annie, cô bé mồ côi nổi tiếng thế giới. Sunset Boulevard, rất lộng lẫy, vĩ đại, kể chuyện của một tài tử về già. Grease chuyện tình của lớp trẻ lớn lên thời 1950. Nếu mua được vé, nên xem The Phantom of the Opera nhạc của Andrew Lloyd Webber do Harold Prince đạo diễn, nhạc hay, diễn xuất hay, áo quần lạ mắt, thật độc đáo, thu hút..

Ngoài ra còn rất nhiều tuồng rất hay như, For ever Tango, cho những ai thích nhảy và thích xem nhảy vì trong suốt hỏn hai tiếng đồng hồ chỉ nhảy tango mà thôi. The King and I, Chicago , Cats v.v.

Ở Nữu Ước, Broadway đồng nghĩa với ca vũ nhạc kịch. Đến Nữu ước nhớ để thì giờ xem một màn Broadway mới thấy sức hấp dẫn, sự thu hút của ánh đèn màu, của âm thanh và kỹ thuật.

Tháng 3, 1998 The Sound of Music lại trở về với Broadway sau gần 40 năm. Lần đầu tiên xuất hiện năm 1959 với Mary Martin là Maria. Năm 1965 làm thành phim với Julie Andrews. Maria mới nhất của năm 1998 ở Broadway là Rebecca Luker. Ngoài ra High Society và Cabaret cũng trở lại Broadway năm nay.

Lần tới đi nghe hòa nhạc và thưởng thức vũ ballet v..v tại Lincohn center.

Hẹn thư sau.

LÊ THỊ HÀN

Chị Nh thân mến,

Đến Nữu Ước vào thứ sáu hay thứ bảy. Nếu đi cả gia đình có trẻ em, nếu không mua được vé đi xem ca vũ nhạc kịch, hoặc đi Broadway thì nên dẫn cả gia dình đi thăm Viện bảo tàng về lich sử thiên nhiên, Museum of Natural History.. Nằm trên đường 77 giữa đại lộ Columbus và Central Park West. Đây là viện bảo tàng đã từng làm cho trẻ con cũng như người lớn trố mắt, hò hét ngạc nhiên thích thú mỗi khi đi qua những lồng kính trình bày sự hình thành của thiên nhiên, sự diễn biến của đời sống qua các thời đại.

Đi xem Museum of Natural History cũng giống như đi xem Metropolitan Museum of Arts, đi một ngày không hết. Cứ viết lớn nhất thế giới, rộng nhất thế giới...mãi cũng chán, nhưng phải công nhận vì nước Mỹ quá lớn, quá giàu và phong phú nên phần nhiều những viện bảo tàng, cơ sở nghiên cứu v.v đều to lớn, vĩ đại. Museum of Natural History là viện bảo tàng chứa nhiều dữ kiện, tài liệu về sự diễn tiến của con người và của thiên nhiên. Tổng thống Ulysses S. Grant đặt viên gạch khánh thành viện bảo tàng năm 1874. Từ ngày đó không biết bao nhiêu con ngựa đã chết, không biết bao nhiêu xe bò đã bể tan vì phải cố gắng mang những tảng đá khổng lồ đến xây viện bảo tàng. Cho đến ngày nay, người ta đã xây thêm 22 cao ốc nằm nguyên trong 4 khu phố mới có đủ chổ để chứa hết 34 triệu sưu tập đặc sắc về những bộ môn khoa học liên quan đến loài người và đời sống hằng ngày cũng như đến vũ trụ, trăng sao và các hành tinh khác. Trong những cao ốc này có 58 căn phòng chứa 2,300 loại triễn lãm trong những hộp kính thủy tinh nếu đem đo sẽ thấy rộng hơn 4 mẫu!! Đây mới chỉ là một phần mười số lượng những di tích khảo cổ mà bảo tàng viện tồn trữ. Số còn lại họ phải giữ trong những lồng kính khổng lồ ở nhà kho để bụi bặm không thể đóng vào.

Phần lớn học sinh ở các vùng lân cận Nữu Ước năm nào cũng được vào viện bảo tàng tham quan. Ai đến đây cũng thích lên tầng thứ tư, “ Phòng triển lãm khủng long”(Hall of early dinosaurs) để xem bộ xương của con khủng long khổng lồ dài 66 foot cao 18 foot. Cũng trên tầng này mình có thể đến xem phần trình bày về khoáng sản và đá quý để quan sát viên ngọc sapphire lớn nhất thế giới gọi là “Ngôi sao của Ấn độ” (Star of India). Phần lớn các viên ngọc và đá quý trình bày ở đây là của J. Pierpont Morgan, một nhà tài chánh gia nổi tiếng, người sáng lập ra ngân hàng Morgan Guaranty and Trust tặng. Viên ngọc topaz nặng 598 cân và những tảng sắt mang về từ ngoài không gian là một trong những báu vật của J.P Morgan.

Ngoài ra trên tầng hai và ba còn có triển lãm về các loài thú ở Phi Châu. Có cả đoàn voi, 7 con, có hàng trăm loại chim trên thế giới. Phòng Hải Dương Học và Ngư Lý ( The Hall of Ocean Life and Biology of Fishes) là phòng đặc sắc nhất, có con mực dài 39 foot, con tôm hùm nặng 34 cân. Ngay giữa phòng treo lũng lẳng một con cá voi dài 94 foot. Loại cá này có thể lớn đến 100 foot và là sinh vật khổng lồ nhất. Ngoài ra nếu muốn biết thêm vế sinh lý của con người cũng có thể đến phòng chuyên triễn lãm về các tế bào, sự tiêu hóa, hệ thống bài tiết cũng như sự lưu thông huyết quản. Khó mà tưởng tượng được viện bảo tàng này có hơn 16,000,000 giống sâu bọ trên thế giới!!

Đến thăm Museum of Natural History là phải để thì giờ vào xem Hayden Planetarium. Có thể mua vé ngay tại viện bảo tàng hoặc sợ chờ lâu có thể mua trước ở các ticketeron. Ở Planetarium mình có thể ngồi dựa ngữa xem những chương trình nhạc rock với âm thanh bao vây tứ phía, hoặc có thể xem phim trên màn ảnh vĩ đại, 75 foot, về Bảy Kỳ Quan của thế giới do Burt Lancaster giới thiệu. Ngoài ra còn có những chương trình chiếu phim về các hành tinh, các vì sao bao quanh. Ngồi trong hội trường với âm thanh và màn ảnh xung quanh mình có cảm tưởng như đang đi trên phi thuyền giữa hàng vạn hành tinh khác. Chỉ tiếc là Planetarium hiện đang đóng cửa để tu bổ lại. Năm 1999 hay 2000 hứa hẹn sẽ có một planetarium mới chưa từng có.

Ra khỏi đây, nếu giữa ban ngày thì có thể đi xem Intrepid Sea Air Space Museum, ở bến 86 trên sông Hudson, góc đường 46 và đại lộ 12.

Đây là chiếc hàng không mẫu hạm thời Đại chiến thứ hai. Có nhiều triễn lãm và chỉ dẫn về tàu thủy, về hỏa tiễn, về truyền tin v..v. Trẻ con cũng như người lớn những ai hiếu kỳ có dịp quan sát tận mắt về hàng không mẫu hạm cùng với hàng chục kiểu máy bay phản lực.

Còn nhiều viện bảo tàng nữa, viện nào cũng hay cũng muốn kể chị nghe, như The Cloisters., cũng là đất của Rockefeller cho, nhìn xuống giòng sông Hudson bát ngát.... nhưng thôi, hôm nay dừng ở đây. Lần tới mình đi xem Broadway và Off Broadway.

Hẹn thư sau.

LÊ THỊ HÀN


Chị Nh thân mến,

Có người đến Nữu ước chỉ để đi xem Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại, Museum of Modern Arts, nói ngắn là MOMA. Trẻ hơn, nhộn hơn các viện bảo tàng khác, MOMA nằm ở số 11 W đường 53 giữa đại lộ số 5 và số 6 .

Năm 1929 MOMA được thành lập bởi ba vị sưu tập tiền phong, bà Abby Aldrich Rockefeller, vợ của tỉ phú John D. Rockefeller, bà Lillie P. Bliss và bà Cornelius J. Sullivan. Thời đó, phần lớn các nhà sưu tập chỉ muốn mua những búc tranh cũng như tượng điêu khắc của các nghệ sĩ Âu châu đã nổi tiếng từ những thế kỷ trước. Ba bà này cấp tiến hơn, được John Rockefeller cho miếng đất ngay bên cạnh trung tâm Rockerfeller, chung nhau bỏ tiền xây một viện bảo tàng chỉ để trình bày những tác phẩm cận đại nhất. Lần triễn lãm đầu tiên năm 1929 gồm các tác phẩm của Van Gogh, Cezanne, Gauguin và Seurat... Sau đó trình bày rất nhiều tranh và điêu khắc , phim ảnh v.v. của các tác giả rất mới. Tuy nhiên dù mới thế nàođi nữa, một ngày trôi qua , ý tưởng mới đã thành cũ. Bởi vậy MOMA luôn luôn bị giới yêu nghệ thuật chỉ trích. Một số người cho là tranh của Picasso, Van Gogh thuộc về phái cũ, không thể nào gọi là cận đại. Một số người khác cho là những tác phẩm ở MOMA cho dù đã qua mấy thập niên vẫn còn mới quá, có khi mới đến kỳ cục... Dù nghĩ thế nào đi nữa MOMA cũng là một viện bảo tàng rất hấp dẫn, đi cả ngày không chán. Ở đây không những chỉ trình bày hội họa mà còn có bàn ghế, phim ảnh, đồ sứ, đồ sành, kiến trúc. MOMA có 100,000 họa phẩm và điêu khắc, 10,000 cuốn phim và 100,000 quyển sách. Tuy nhiên không cần phải đem con số ra mà so sánh, MOMA luôn luôn được tiếng là viện bảo tàng có nhiều tác phẩm hiện đại nhất thế giới. Đến đây, việc trước tiên là lên tầng lầu thứ hai và ba để xem tranh của các họa sĩ"cấp tiến" một thời bây giờ được đặt vào "phái già" như Picasso, Chagalls, Kandinskys, Mondrians. Sau đó ra vườn xem những pho tượng nổi tiếng của Rodins, Calders. Có thì giờ ngồi ăn trưa ở tiệm ăn ngay trong vườn mới thật thú vị. Đây là một chỗ đặc biệt nhất cuả thành phố: Một khu vườn với rất nhiều bức tượng của các nhà điêu khắc danh tiếng nằm ngay giữa những cao ốc bằng gương, bằng sắt, sáng chói. Điều lạ là khi đã vào đây mình gần như không còn quan tâm đến thế giới bên ngoài. Sau khi ăn xong còn có thể đi xuống tầng dưới xem phim. Có hai rạp chiếu đủ loại phim, từ thời Garbo, Bogart cho đến những phim mới nhất hiện nay. Vào mùa xuân MOMA có chương trình đặc biệt dành cho những nhà đạo diễn mới và những phim mới nhất trong năm. Có khi chiếu đến 25 phim trong một tuần. Đi xem phim mới đã thích rồi, khỏi phải trả tiền lại còn thích hơn nữa!! Ngay trước mặt MOMA, một chi nhánh của thư viện thành phố The Donnel branch ở đường 53 luôn luôn có chiếu phim không mất tiền. Thư viện này là một trong những thư viện có rất nhiều phim ảnh và nhac cho công chúng mượn. Có cả sách nhiều thứ tiếng khác nhau. Có cả sách tiếng Việt.

Nếu mình chịu hiểu thời "hiện đại" là thời từ 1850-1950 thì vào xem MOMA sẽ không chán vì MOMA có rất nhiều tác phẩm của giai đoạn đó. Ngoài ra mỗi năm MOMA còn dành ra hai ngày chỉ để trình bày nhiều chương trình đặc biệt cho trẻ con.

Ra khỏi MOMA phải bước qua bên kia đường, ghé vào The Design Store để "tiêu tiền" ở gian hàng bán tặng phẩm của MOMA. Ở đây thấy cái gì cũng lạ, cũng muốn mua. Những tặng phẩm ở đây không giống một tặng phẩm nào khác. Toàn là những tác phẩm nghệ thuật. MOMA bán từ bình hoa chưng trong nhà, đến cây viết chì v.v. dĩ nhiên tất cả đều làm theo kiểu khác thường, rất là lạ mắt.

Người ta gọi con đường này là “dãy bảo tàng” vì cũng trên đường này, đến số 40 là Viện bảo tàng thủ công nghệ của Mỹ, nói tắt là ACM (American Craft Museum ). Trước kia ACM nằm trong một căn nhà dãy, hay còn gọi là nhà phố, sau đó hãng E.F.Hutton đề nghị đổi cho AMC để AMC được dọn vào 4 tầng lầu với diện tích 15,000 feet vuông trong trụ sở của Hutton. Nhờ vậy ACM cóchỗ để trình bày rất nhiều tượng bằng sứ, đồ điêu khắc bằng gỗ. Gần đây các nghệ sĩ thường dùng những vật liệu mới hơn như các loại sợi hóa học đủ màu hoặc plastic đủ loại. Trẻ con vào đây rất thích vì có những khu vực có thể sờ mó tự do.

Đang ở trong xóm này, nếu còn sức mình có thể đi xem Viện Bảo tàng truyền hình và truyền thanh (Museum of Television and Radio), ở số 25 W đường 52. Vào đây người lớn có thể tìm để nghe lại những chương trình truyền thanh từ hồi 1927 đến 1969. Có thể ngồi hàng giờ xem những chương trình truyền hình thời 1950, 1960 rất vui. Mỗi thứ bảy từ tháng chín đen tháng sáu có chương trình "Làm lại những chương trình phát thanh thời 1930, 1940" cho con nít từ 8 đến 13 tuổi tập trình diễn, tập tái tạo những chương trình phát thanh theo ý mình

Nữu Ước có quá nhiều viện bảo tàng, viết về viện bảo tàng này mà không viết về viện bảo tàng khác thành thiếu sót, nhưng viết hoài không hết. Lần sau mình đi một trong những viện bảo tàng lớn nữa là viện bảo tàng về lịch sữ thiên nhiên.

Hẹn thư sau.

LÊ THỊ HÀN

Chị Nh thân mến,

Như vậy là mình đi gần hết các viện bảo tàng nằm trong “một dặm bảo tàng” rồi. Lần này mình đi tiếp hai viện lớn nữa. Đó là Whitney Museum of American Art và Frick Collection.

Thích nghệ thuật của Mỹ, nghệ thuật hiện đại thì phải đi thăm Whitney Museum. Whitney Museum nằm ở đường số 75, 945 Madison Ave., Bên ngoài cũng như ở phía trong, viện bảo tàng Whitney không được ấm cúng cho lắm. Kiểu kiến trúc cũng như lối trình bày Whitney không dược cổ kính, cầu kỳ xưa cũ như những viện bảo tàng khác. Biệt thự Whitney có thể là một trong những biệt thự xây kiểu rất mới mà không có gì đặc sắc. Tuy vậy viện bảo tàng này chứa rất nhiều bộ sưu tập của các nhà họa sĩ, điêu khắc nổi tiếng của Mỹ thời hiện đại. Những tác phẩm của Andy Warhol, Jasperv John đuợc triễn lãm thườngxuyên tại đây.

Whitney Museum chứa hơn 10,000 tác phẩm do Gertrude Vanderbilt sưu tập. Các tác phẩm này gồm đủ loại từ hội họa đến điêu khắc, nhiếp ảnh v..v... Khác với những tác phẩm nghệ thuât khác, các bộ sưu tập ở đây có sức làm cho người xem thấy nghệ thuật rất gần với đời sống hằng ngày của mình. Nhìn các tác phẩm triển lãm tưởng như đời sống thật mỗi ngày cuả mình đang bày biện ra trước mắt.

Đi xuống đường 70 trên đại lộ số 5 sẽ gặp Frick Museum. Người ta không gọi đây là một viện bảo tàng mà là một nhà triển lãm, một bộ sưu tập, sưu tập của Fricks, Fricks Collection. Frick Collection là một trong các viện bảo tàng được nhiều người thích nhất. Một nhà triễn lãm đặc sắc nhất của Nữu Ước. Người xem không có cảm tưởng nặng nề là đi thăm viện bảo tàng, đi hc hỏi văn hóa. Người xem không bị đe dọa bởi văn minh của cả ngàn năm trước. Người xem không sợ người khác “đọc” được phần nào sự thiếu hiểu biết của mình khi gặp phải những bức tranh khó hiểu, những pho tượng quá trừu tượng...

Ở nhà triễn lãm của Frick, mỗi phòng có một bình hoa cắm một kiểu khác nhau. Ở chính giữa biệt thự có một khu vườn nhỏ có ghế đá, có suối nước, có bụi cỏ xanh. Giữa một ngày mùa hè nóng nực ở Nữu Ước, có thì giờ vào đây nghỉ chân, ngồi nhìn suối nước vào xem tranh trong phòng điều hòa không khí thì không có gì thú bằng.

Henry Clay Frick là một nhà triệu phú và cũng là một người yêu nghệ thuật cùng thời với AndrewCarnegie. Ông là một nhà tư bản, bướng bỉnh cứng đầu nhất thời đó. Ông bị mang nhiều tiếng xấu vì không bao giờ chịu nhượng bộ các hội đoàn và luôn luôn cứng rắn với thợ thuyền. Fricks và Carnegie cũng như các nhà đại tư bản thời đó giàu nhờ kỹ nghệ sắt thép ở Pittsburgh. Đó là một kỷ nghệ liên quan rất nhiều đến giới thợ thuyền tay chân. Ong bắt công nhân làm lụng khổ nhọc, nhiều hội đoàn còn cho là ông bóc lột đám người nghèo khổ. Nhiều người tự hỏi không hiểu sao một người ác độc như vậy mà có thể để lại một viện bảo tàng xuất sắc như thế này??? Ông Frick bắt đầu đi Âu Châu sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật từ năm 1880. Những sưu tập của ông phần lớn thuộc phái hội họa cũ ; ông thích nhiều tác phẩm của các họa sĩ Ý. Frick sưu tập được nhiều tuyệt tác phẩm của các nghệ sĩ Anh và Pháp từ thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ thứ 19. Tất cả các sưu tập của ông đều dược trình bày theo với những bàn ghế, dụng cụ cùng thời đó, xếp đặt riêng rẽ trong mỗi phòng, rất công phu và mỹ thuật. Đi xem triễn lãm ở đây giống như đi lạc vào căn nhà của một người thân giàu có nào đó. Ở đây mình có thể tự do đi ngắm nghía từng món hàng mà chủ nhà đã bỏ nhiều công chọn lựa, bỏ nhiều thì giờ để trưng bày cho đẹp mắt. Năm 1913 gia đình ông Frick xây một biệt thự kiểu Âu Châu hồi thế kỷ thứ 18, một trong những biệt thự sang trọng nhất trên đại lộ số 5 thời đó. Ngay đến bây giờ, biệt thự đó vẫn là một trong những biệt thự đẹp nhất Nữu Ước. Từ đó gia đình ông dời tất cả các sưu tập từ Pittsburgh về Nữu Ước. Tất cả sưu tập của ông không trình bày theo thứ tự thời gian mà theo sự hòa hợp của căn phòng của bàn ghế của đồ dùng như trong một căn nhà riêng. Bởi vậy khi vào xem triễn lãm giống như đi viếng thăm biệt thự của Frick. Không bao giờ người ta cho hơn 200 người vào xem triễn lãm cùng một lúc. Như vậy những người vào xem có thì giờ ngắm nghía, thưởng thức các tác phẩm và sự trình bày tinh tế trong căn nhà.

Nữu Ước còn không biết bao nhiêu là biệt thự, là bảo tàng viện nữa.. Mình đi hết dặm bảo tàng rồi. Lần tới sẽ dắt chị đi “dãy bảo tàng”. “Dặm bảo tàng” gồm có những bảo tàng viện chạy dài trên hơn một dặm dọc theo đại lộ số 5. “Dãy bảo tàng”gồm có những bảo tàng viện nằm ngang theo dãy đường số 53. Đi hết dãy bảo tàng cũng cần hai ngày. Chỉ đi xem Museum of Modern Art -Viện Bảo Tàng của Nghệ thuật hiện đại- gọi tắt là MOMA đã cần hơn 1 ngày rồi.

Hẹn thư sau.

LÊ THỊ HÀN

Chị Nh thân mến,

Tháng tám ở Nữu Ước nóng không thua gì Cali hay Saigòn. Chỉ có đỡ là không nóng triền miên như ở những vùng xứ nóng. Rủi ro đến Nữu Ước vào những ngày nóng thì chỉ muốn ngồi trong nhà hay vào những khu phố có máy lạnh thôi. Dân địa phương chịu không nổi, ào ào đi biển đi núi. Cuối tuần xa lộ đầy ngập cả xe ra biển, lên núi. Du khách ở xa đến chơi nhiều khi không có đủ thì giờ nên không than thở mấy. Dân quen chịu nóng thì đi thăm cảnh. Dân sợ nóng thì vào các viện bảo tàng, các rạp hát.

Mình đã đi viện bảo tàng Metropolitan rồi. Hôm nay từ Metropolitan đi dọc theo đại lộ số 5. Dọc đường có hai biệt thự xây từ đầu thế kỷ hai mươi mà không bị thay đổi theo kiểu mới, đó là Carnegie Mansion và Frick Mansion.

Ông Andrew Carnegie, một tỷ phú gia, gốc người Scottland, vừa thấp vừa mập. Năm 1900 ông xuất bản một quyển sách “Bửu bối cho người giàu” trong đó ông viết “ai chết giàu là chết dở!” Bởi vậy suốt 19 năm sau đó ông dồn tất cả thì giờ và năng lực của mình để làm việc thiện. Carnegie xây hằng trăm thư viện lớn nhỏ trong thành phố Nữu Ước. Ông sưu tập rất nhiều tác phẩm nghệ thuật cũ cũng như mới. Năm 1901 ông gọi các nhà kiến trúc sư lại, muốn xây một căn nhà giản dị nhất, bình thường nhất nhưng phải nhiều phòng nhất trong thành phố. Hồi đó đường 91 vẫn còn rất vắng, các kiến trúc sư chọn một miếng đất rộng, xây xong biệt thự Carnegie năm 1903, với 64 phòng và một khu vườn rất đẹp.

Ngoài ra Carnegie còn tạo ra rất nhiều quỹ tương trợ. Quỹ lớn nhất của ông lập ra là “Quỹ hòa bình”, tặng cho cá nhân hoặc hội đoàn đã có công giúp tạo hòa bình thế giới. “Quỹ anh hùng” để thưởng những người có công, có can đảm cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn. Chính ông là người đứng ra xây Carnegy Hall ở đường 57, để khuyến khích và tạo cơ hội cho các nhạc sĩ hòa tấu. Carnegy Hall là nơi tổ chức những buổi hòa nhạc lớn ở Nữu Ước. Boston Symphony Orchestra, New York Philharmony đều chơi ở đây. Người ta kể rằng, thời kỳ xây Carnegie Hall, thợ thuyền cứ hay la cà ở các quán rượu chung quanh xóm đó làm chậm trễ công việc. Ông giận quá, ra lệnh đóng cửa tất cả các tiệm rượu, các tiệm ăn có bán rượu trong khu Carnegie Hall trên đường 57 giữa đại lộ 6 và 7.

Sau khi Andrew Carnegie chết, vợ ông ở trong căn nhà rộng thênh thang trên đường 91 cho đến năm 1946 bà chính thức tặng căn nhà 64 phòng và toàn bộ sưu tập cho viện bảo tàng Smithsonian. Năm 1967 viện bảo tàng này liên hợp với Smithsonian dùng biệt thự đó để triển lãm bộ sưu tập của Carnegie và những đặc phẩm nghệ thuật trang trí nhà cửa của con cháu của Peter Cooper và của gia đình Hewitt. Viện bảo tàng từ đó có tên Cooper Hewitt Museum of Decorative Arts and Design, Smithsonian Institution. Ông Cooper cũng là một đại triệu phú tự xây dựng nên sự nghiệp bằng công lao kho nhọc của mình. Lúc lớn lên, nhà nghèo không đủ tiền đi học ông tự nhủ khi có tiền ông sẽ cố gắng giúp đỡ sinh viên nghèo. Cooper là người sáng lập ra Cooper Union, một đại học chuyên về khoa học kỹ thuật. Đại hoc Cooper Union rất đặc biệt, rất khó để được tuyển vào, nhưng một khi được nhận vào Cooper Union, sinh viên được đài thọ từ học phí đến tiền trọ. Cooper Union nằm ngay trong Manhattan ở vùng gần Greenwich Village.

Toàn bộ sưu tập đồ trang trí nhà cửa hằng ngày, từ áo kimono của Nhật bản đến ghế ngồi của các nước Á Châu, từ khăn bàn khăn choàng của Trung Hoa đến áo mũ giày dép, từ 1700 về trước đều được trình bày ở đây. Viện bảo tàng Cooper-Hewitt có rất nhiều phần triển lãm rất lạ. Những sưu tập nghệ thuật trang trí về đồ gốm, đồ dệt, giấy dán tường. Những nữ trang làm bằng cườm, hoa tai làm bằng lông chim, những bức tranh trình bày theo cốt chuyện...đi xem viện bảo tàng này thích ở điểm là những vật triễn lãm rất gần với mình. Thấy cái gì cũng quen thuộc cũng dễ dàng. Chị thích “The Beattles” thì chị có thể vào xem, không những chỉ xem bằng mắt mà còn có thể rờ vào chiếc xe Rolls Royce của họ đi thời xưa. Những sưu tập này được di chuyển luôn luôn, bởi vậy nếu thích nghệ thuật trang trí nên đến thăm viện bảo tàng này 1 năm ít nhất 2,3 lần.

Cooper Hewitt còn có một thư viện rất đầy đủ sách về hội họa về trang trí nhà cửa. Muốn xem phải hẹn trước. Đến đây không những chỉ xem triển lãm thôi còn có dịp xem nhạc hòa tấu ngoài vườn không mất tiền, gian hàng bán đồ kỷ niệm ở đây rất độc đáo.

Tưởng hôm nay đi được nhiều hơn một viện bảo tàng nhưng để nhiều thì giờ ở đây quá. Hẹn lần tới đi thêm Frick Collections, Whitney Museum...

Hẹn thư sau.

LÊ THỊ HÀN

Chị Nh. Thân mến,

Chỗ đi chơi ở Nữu Ước nhiều đến nỗi có nhiều người dù sinh sống ở đây lâu ngày vẫn không đi hết. Vậy nếu đến Nữu Ước thăm, ở một tuần, một tháng hay cả một năm mà vẫn thấy không đủ thì giờ cũng không có gì lạ. Khi đến Nữu Ước thường phải biết trước mình muốn làm gì nhất. Muốn đi xem hát, đi phố, đi xem viện bảo tàng v.v.Nếu đến Nữu Ước mà chỉ có thì giờ để đi thăm một viện bảo tàng thôi thì nên chọn Metropolitan Museum of Arts.

Viện bảo tàng Metropolitan rất lớn, đi xem một ngày, một tuần không thể nào hết được. Những người chuyên sưu tầm đã bỏ công thu thập hàng ngàn hàng vạn bảo vật về trưng bày ở đây. Viện bảo tàng này đã dồn rất nhiều tinh hoa của thế giới về Nữu Ước, chứa trong một tòa nhà bao la, không biết bao nhiêu là phòng. Thật cũng đáng công vì chị biết không, mỗi năm có hơn 3 triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật lẫy lừng đó. Số du khách đến thăm viện bảo tàng Metropolitan đông hơn số người đi thăm tượng nữ thần tự do hoặc nhà chọc trời Empire State.

The Metropolitan Museum of Arts nằm ngay bên phía Đông của Central Park trên đại lộ số 5 chạy dài từ đường 82 đến đường 86 là một lâu đài văn hóa nằm trong một khu vườn bao la. Dân Nữu Ước dùng viện bảo tàng này như một câu lạc bộ công cộng. Họ hẹn hò nhau ở đó, để dự những buổi diễn thuyết đặc biệt, để nghe hòa nhạc, để cùng nhau vào ăn trưa hay ăn tối, có khi ngồi uống trà buổi xế chiều trong những nhà hàng của viện bảo tàng. Nếu cần mua thiệp chúc Tết, tranh ảnh hay sách nghệ thuật vào gian hàng bán đồ kỷ niệm, ở đây không thiếu thứ gì. Họ còn bày bán cả những nữ trang làm theo kiểu thời xưa, những đồ sứ giả kiểu cổ, những khăn quàng theo mẫu của các họa sĩ danh tiếng... Metropolitan Museum of Arts lúc nào cũng cố gắng theo kịp trào lưu, không những chỉ về khía cạnh nghệ thuật mà còn về kỹ thuật. Năm 1907 Metropolitan Museum of Arts là viện bảo tàng đầu tiên trang bị máy lạnh, chỉ 5 năm sau khi phát minh ra máy lạnh.

Trong khi những viện bảo tàng khác thường chỉ trình bày những tác phẩm, quanh một vấn đề, một thời đại, một vài tác giả hoặc của một vị trí địa lý nào đó thôi. Viện bảo tàng này là viện bảo tàng lớn nhất nước Mỹ gần như bao gồm tất cả các giai đoạn nghệ thuật của tất cả các nước trên thế giới.

Điều khó nghĩ nhất của du khách là làm sao chọn đi xem phòng triển lãm nào trước. Làm sao để khỏi cảm thấy như văn hóa của cả thế giới đang muốn đổ ầm ập trên người mình. Làm sao để đừng thấy ngợp, thấy choáng váng, dù cho 5,000 năm nghệ thuật đang phô bày ngay trước mắt mình đó mình cũng biết từ tốn chọn lựa, thong thả đi ngắm nghía những tác phẩm đặc sắc đã được bao nhiêu người bỏ công tìm kiếm đem về đây triển lãm.

Đi qua dãy tầng cấp bằng đá trắng rộng và cao. Nhìn ngắm những khuôn mặt hớn hở ngồi đầy trên các bậc thang có người ngồi nghỉ mệt, có người ngồi chờ bạn đồng hành để cùng vào xem triển lãm. Trời nắng, trời mưa, lúc nào sân viện bảo tàng cũng đầy cả người. Bước vào trong là một phòng tiếp tân rộng với một bình hoa tươi vĩ đại. Đến đây là phải có ý niệm mình có bao nhiêu thì giờ sẽ đi xem phòng triển lãm nào. Vì phải mất gần ba tiếng đồng hồ mới chỉ đi ngang qua hết những phòng triển lãm không được dừng lại nhìn.

Phải mất cả ngày để chỉ xem được một phần của viện bảo tàng. Làm sao vừa có thể xem hội họa của Âu Châu vừa ngắm nhìn đồ sứ của Á Châu. Làm sao vừa có thể xem những pho tượng La Mã cùng một lúc xem tượng đầu của hoàng hậu Hatshepsut hay đứng trước các kỵ mã mặc áo giáp thời thượng cổ.

Rất nhiều du khách thích văn hóa Ai Cập. Đi về phía tay trái, trước khi đến Temple of Dendun, một tòa nhà được bảo tồn từ thứ kỷ thứ 15 trước Thiên Chúa, mình sẽ đi qua những phòng triển lãm văn hóa nghệ thuật của Ai Cập (Egyptian Galleries). Phòng triển lãm này trình bày theo thứ tự thời gian, qua một quá trình văn minh của 36 thế kỷ, từ năm 3000 trước Thiên Chúa đến năm 641. Viện bảo tàng Metropolitan có rất nhiều bảo vật nhờ những nhà khảo cổ đến Ai Cập thời chính phủ Ai Cập còn cho phép người ngoại quốc mang về một nửa số tài liệu ho khai quật được.

Có những du khách đến viện bảo tàng này chỉ để xem phần triển lãm của Mỹ Quốc (American Wing). Cầm bản đồ trong tay, mình có thể chọn đi vào các phòng triển lãm tranh của các họa sĩ Mỹ danh tiếng như George O'Keefe với hình bông hoa đỏ chói, Mary Cassatt, John Singer Sargent với những bức tranh đồng quê thơ mộng đầy màu xanh da trời hay của Edward Hopper. Phòng triển lãm này nổi tiếng nhờ những sưu tập về nghệ thuật sơ khai của Michael Rockefeller. Đẹp nhất là phòng kính đầy những tuyệt tác phẩm về kính vẽ (stained glass) của Tiffani, trong đó có những tấm Tiffani vẽ cho nhà riêng của ông ở Long Island. Ngoài ra còn có những bức kính vẽ thời Frank Lloyd Wright vẽ cho một trường mẫu giáo và của Louis Sullivan.

Phòng triển lãm nghệ thuật sơ khai trình bày văn hóa từ Phi Châu qua Mỹ Châu kéo dài 3000 năm, giới thiệu cho khán giả không biết bao nhiêu là dị biệt giữa văn minh của các quốc gia trên thế giới. Rất tiếc là Michael Rockefeller, con trai của Nelson Rockekeller bị chết đuối trong một chuyến đi khảo cổ ở New Guinea năm 1961. Michael có khiếu nhìn nghệ thuật rất đặc sắc, đã sưu tầm rất nhiều tác phẩm có một không hai.

Hội họa Âu Châu được trưng bày ở tầng lầu hai, nơi có hơn 30 gian phòng triển lãm nhiều tuyệt tác của Cezanne như “Rock in the Forest”, “Cypress”, của Van Gogh, cả một căn phòng dành riêng cho Rodin, 17 bức tranh của Rembrands, Renoir, Monet, hay của các họa sĩ Y Boticelli, Raphael hoặc của họa sĩ Tây Ban Nha El Greco với họa phẩm “View of Toledo”.,

Chỉ có những dân ở Nữu Ước lâu và thích đi thăm viện bảo tàng mới biết là tối thứ sáu và thứ bảy viện bảo tàng mở cửa cho đến 9 giờ tối. Mình có thể đến đó ăn cơm tối, có ban nhạc sống chơi chung quanh, có nến thắp trên bàn ăn mờ ảo, tình tứ. Cứ tưởng như mình đi dự dạ tiệc mà không cần ai mời, khỏi lo tiếp chuyện với ai. Mình tha hồ thả bộ đi ngắm tranh trong các phòng triển lãm lúc đó vắng người hơn, yên lặng hơn. Mình có thì giờ để nhìn ngắm mọi bảo vật cả chiều dài chiều rộng và chiều sâu...

Đã đến viện bảo tàng này, nên dành thì giờ đi xem phòng triển lãm nghệ thuật Á Châu. Đi xem tranh thủy mạc, ngắm những nét chấm phá rất tài tình, nhìn những trướng liễn của Trung Hoa. Chiêm ngưỡng những bình sứ cổ, những tấm bình phong đầy ý nghĩa, những đồ dùng trong nhà rất đơn sơ mà thanh nhã của Nhật. Xem lụa vẽ của Đại Hàn. Nhìn những đồ trang sức sặc sỡ, cầu kỳ của Ấn Độ. Gian hàng triển lãm nghệ thuật Á Châu trình bày theo thứ tự thời gian, từ trước Thiên Chúa đến thế kỷ 19 gồm có nhiều tác phẩm sưu tầm từ các nước bên Châu Á mà chưa chắc những viện bảo tàng Châu Á có được.

Ngoài ra trên các dãy hành lang, còn có rất nhiều ấn phẩm, nhiếp ảnh hay tranh hoạt họa, tranh treo tường... Phần triển lãm này được thay đổi luôn luôn. Metropolitan còn tổ chức rất nhiều chương trình đặc biệt hàng tuần trong mọi phòng triễn lãm riêng biệt, vì vậy lúc nào đến viện bảo tàng cũng có nhiều đề tài mới để xem.

Nếu chị tò mò muốn biết thêm về áo quần, giày dép của dân Viking thời xưa thì tha hồ ngẩn người ra mà nhìn những bộ áo giáp nặng nề, những vũ khí to lớn thời xưa. Gian phòng này chứa hơn 1,000 cây gươm, vũ khí cổ điển, đủ loại, dùng trong các chiến trận, các buổi lễ và diễn hành thời xưa..

Viện bảo tàng này có hơn 4,000 nhạc khí đủ cỡ, đủ loại sưu tập từ mọi nơi trên thế giới, nhưng chỉ bày ra độ 800 chiếc. Có cả dụng cụ âm thanh để du khách có thể nghe thử, chơi thử.

Có nhiều căn phòng chứa đầy bảo vật đem từ những dinh thự của các vua chúa hay từ lâu đài của các nhà quý tộc từ mấy trăm năm về trước.

Dù bảo tàng viện Metropolitan chứa rất nhiều di sản cho người lớn xem mới hiểu nhưng ban tổ chức không quên đám thanh thiếu niên. Họ dành một tầng lầu đặc biệt cho giới trẻ từ 6 đến 12 tuổi hay từ 10 đến 15 tuổi. Có những chương trình kéo dài cả năm cho con nít học vẽ hoặc học làm phim..v..v. Có những bà mẹ thích vào xem phần triễn lãm dành cho trẻ con hơn là phần của người lớn, vì như vậy có thể dễ hiểu hơn và chơi theo được với con cháu.

Thôi mình cũng nghỉ ở đây. Lần tới mình đi viện bảo tàng Cooper-Hewitt và Frick. Hai viện bảo tàng này không giống một viện bảo tàng nào hết, rất là hào hứng. Không có một thành phố nào có viện bảo tàng kiểu này, nằm ngay trong nhà một đại tỷ phú, người đã từng viết “chết giàu là chết dở”. Khi nghiệm ra được điều đó ông bắt đầu dùng hết tài sản của mình xây và sưu tập cho viện bảo tàng.

Hẹn thư sau.

LÊ THỊ HÀN

Chị Nh. thân mến!

Tháng năm ở Nữu Ước là một trong những tháng có thời tiết đẹp nhất. Mưa tháng tư đem hoa tháng năm. Góc phố nào cũng đầy cả hoa. Trời trong xanh và có nắng nên mát vừa đủ. Có thì giờ dẫn nhau đi dạo vườn hoa, đi thăm viện bảo tàng là thú nhất. Mình sẽ tiếp tục đi theo “ dặm bảo tàng” từ đường 105 trở xuống.

Ngay đường 105 mình gặp Conservatory, người Nữu Ước còn gọi là khu vườn bí mật (trong truyện Secret Garden, để hôm nào kể chị nghe nếu chưa đọc). Ở Conservatory hoa nở bốn mùa, nhưng đẹp nhất là những tháng mùa xuân và những ngày có nắng. Ở trước Conservatory người ta trồng không biết bao nhiêu là hoa tùy theo mùa. Mùa hoa thủy tiên hai dãy hoa vàng chói tắm nắng mùa xuân như một bãi vàng. Đến mùa tulip, cả hơn 20,000 cây hoa bên trắng bên hồng ngời sáng, báo cho dân Nữu Ước biết là mùa xuân đã thật sự đến đây.

Xuống đường 94 vào xem Trung Tâm nhiếp ảnh quốc tế (International Center of Photography). Đây là bảo tàng viện độc nhất ở Nữu Ước chỉ trình bày toàn nghệ thuật nhiếp ảnh. Có nhiều triển lãm rất giá trị. Trung tâm này do Cornell Capa, nhiếp ảnh gia nổi tiếng hơn 20 năm của tờ báo Life, và Quỹ Nhiếp Ảnh Thế Giới thành lập năm 1972. Mục đích chính của viện bảo tàng là để giúp những người có khiếu và thích nghệ thuật nhiếp ảnh có cơ hội để tiến thân , để tìm tòi và tồn giữ những tác phẩm bị bỏ quên...

Trung tâm này cũng tạo ra cơ hội cho các nhiếp ảnh gia gặp nhau, dạy thêm cho giới trẻ đi sâu vào nghệ thuật nhiếp ảnh. Trung tâm còn tìm mọi cách để mua lại những tác phẩm có tính cách nghệ thuật. Hiện nay trung tâm có hơn 3 ngàn tấm hình bản chính của hơn 100 nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Robert Capa, Werner Bischof, David Seymour..v..v..

Đi dọc xuống đường 92 sẽ gặp một bảo tàng viện độc đáo, có thể nói là độc đáo nhất thế giới, đó là bảo tàng viện của người Do Thái (The Jewish Museum). Được xây dựng từ năm 1904, bảo tàng viện này có rất nhiều bảo vật của Do Thái mà hiện tại không nước nào có. Thật ra điều này cũng không lạ gì, vì người Do Thái cư ngụ ở Nữu Ước rất đông, không kém gì dân số Do Thái tại Isreal. Những người Do thái sinh sống ở đây phần đông đã làm ăn khá hơn thời đầu thế kỷ khi họ mới di dân qua. Ở đây mình có thể xem từ những bản in cổ, bức tranh xưa cho đến những cây đèn, những vương miện cũ xưa dùng trong các buổi tế lễ. Có những bảo vật từ thời 1488. Bảo tàng viện này nổi tiếng về loạt sưu tầm những đồng tiền cổ, có hơn 200 loại tiền cổ từ thời thế giới bắt đầu xử dụng tiền để buôn bán.

Xuống góc đường 88 và đại lộ số 5 là Viện Bảo Tàng Guggenheim (The Solomon Guggenheim Museum).

Nhiều người thích viện bảo tàng Guggenheim không phải chỉ vì những triển lãm trong viện bảo tàng mà thôi mà là vì kiến trúc ở đây rất đặc biệt. Viện bảo tàng này do Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư nổi tiếng xây giống hình con ốc xoắn, khánh thành năm 1959. Frank Lloyd Wright muốn xây “một khoảng không gian rộng và liên tục”. Rộng có nghĩa là đủ để treo tranh cho người xem có đủ chỗ ngắm nhìn. Liên tục là để làm sao cho người xem khỏi phải đi từ phòng này sang phòng khác, hoặc phải đi xuống đi lên một tầng lầu khác. Ở Nữu Ước, nhất là trên đại lộ số 5 làm sao tìm ra đất để xây một phòng triển lãm liên tục một phần tư dặm? Frank Lloyd Wright đã tài tình xây một con ốc xoắn dài 1/4 dặm, và cao sáu tầng, 92 feet.Như vậy mình có thể đi vòng theo con ốc xoắn và thưởng thức tranh một cách liên tục. Thường thường để khỏi mất thì giờ và để khỏi leo bảy tầng lầu cho mất sức, du khách lấy thang máy lên tầng cao nhất trước rồi từ đó đi từ từ đi xuống theo vòng xoắn. Tranh và điêu khắc bày khắp các tầng lầu.

Solomon R. Guggenheim bắt đầu sưu tập tác phẩm của các họa sĩ danh tiếng thời xưa. Sau đó, từ khi ông gặp một phụ nữ nghệ sĩ người Đức Baroness Hilla Rebay von Ehrenwiesen năm 1926, ông đổi chiều hướng. Ông xoay qua mua rất nhiều tác phẩm của các họa sĩ cận đại, nhất là những họa sĩ thời 1920-1930. Ngoài các tác phẩm của 3 họa sĩ danh tiếng như Chagall, Pollock, Dubuffet ở đây có rất nhiều tranh của Picasso thời mới vẽ, chưa ai biết đến.

Bảo tàng viện này còn chứa hơn 200 bức tranh của Vasily Kandinsky, Klee, Kinchner, Kokoschka, như bức “Knight Errant”. Từ năm 1950 viện bảo tàng bắt đầu mua nhiều tác phẩm điêu khắc quan trọng của Constanin Brancusi, Anchipenko, Giacometti và Calder.

Mới đây vì không còn đủ chỗ để trưng bày các tác phẩm, họ đã xây thêm một tòa nhà phụ ở bên cạnh. Tòa nhà 10 tầng này cũng dựa theo dự án của Frank Lloyd Wright vẽ lúc ông còn sống.

Đi thăm bảo tàng “Googie” đừng quên ghé vào uống trà buổi xế chiều, đừng quên nhìn xem khu sân rộng trưng bày những tượng của các nhà điêu khắc danh tiếng.

Bảo tàng Guggenheim còn có thêm một chi nhánh ở vùng Soho (nơi có nhiều nghệ sĩ ở nhất, xem những bức thư về Soho, Greenwich Village...)

Lần tới mình đi xem Whitney Museum và một vài viện bảo tàng khác, rồi phải để nguyên một hoặc hai ngày đi xem Metropolitan Museum of Arts. Viện Bảo Tàng mà ai đến Nữu Ước cũng phải đi. Viện bảo tàng mà dân Nữu Ước cứ đem so sánh với Louvre ở Paris

Hẹn chị thư sau.

LÊ THỊ HÀN


Chị Nh. thân mến,

Không phải ai thích nghệ thuật, thích điêu khắc, hội họa, thích học hỏi văn minh cổ xưa cũng thích viện bảo tàng. Viện bảo tàng lắm khi quá mực thước, quá khô khan làm cho người đi thăm thấy mình xa lạ không thấy lý thú cho lắm. Nữu Ước có hàng trăm viện bảo tàng. Phần lớn các viện bảo tàng nằm trong vùng giàu có sang trọng nhất của đảo Manhattan, đó là vùng Upper East side.

Nói đến vùng Upper East Side của Nữu Ước là nói đến sự giàu sang, đài các. Từ cuối thế kỷ 19, sau khi xây dựng xong Central Park, các đại thương gia, các nhà tài phiệt kéo nhau xây biệt thự dọc theo phía Đông của Central Park, từ đường 59 trở lên, nằm dọc theo đại lộ số 5 nhìn qua Central Park. Người ta gọi xóm đó là “xóm vàng” hay còn gọi là “dãy nhà triệu phú”. Các nhà đại tài phiệt ở xung quanh Central Park ngày càng giàu hơn, càng làm việc nhiều hơn mà chỗ để tiêu tiền thì giới hạn. Họ bắt đầu nghĩ đến thế hệ sau, bắt đầu quý trọng văn minh xưa cũ. Họ lập nhiều tổ chức, chi rất nhiều tiền để sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, những di tích cổ truyền. Đến một lúc số tranh sưu tập để trong nhà không đủ chỗ họ cổ động lập bảo tàng viện. Chỉ trong vùng Upper East Side thôi, nghĩa là từ đường 65 đến đường 96 mà đã có hơn 50 viện bảo tàng. Phần lớn các viện bảo tàng đóng cửa ngày thứ hai, và mở cửa trễ một vài đêm. Trong tuần thường có một ngày các viện bảo tàng mở cho công chúng xem không mất tiền. Nếu thuận tiện đi thăm bảo tàng viện vào buổi tối rất thích vì không phải chen lấn, đầu óc có thể thảnh thơi hơn, khi về đến nhà may ra còn có thì giờ để nghiền ngẫm về những tác phẩm mình đã xem.

Mỗi năm thành phố Nữu Ước dành ra một ngày vào mùa hè, không cho xe cộ chạy qua suốt cả “dặm bảo tàng” để dân chúng có thể đi bộ, có thể viếng thăm bất cứ viện bảo tàng nào nằm từ đường 68 đến quá đường 100, chạy dọc theo đại lộ số 5, không mất tiền. Du khách và dân địa phương tha hồ lượn từ viện bảo tàng này qua viện bảo tàng khác. Họ dừng lại nhảy múa, ca hát ngay ngoài đường, ngay trên vĩa hè. Có nhiều hãng tổ chức những chương trình đặc biệt để giúp vui, dân trong xóm ra biểu diễn những môn sở trường của họ. Cả dặm đường biến thành một hội chợ nhỏ, người muốn đi xem viện bảo tàng có dịp ghé qua các khu mình thích, du khách khoan khoái hơn muốn gia nhập với dân địa phương cũng được, muốn xem triển lãm thì vào viện bảo tàng.

Để bớt tốn thì giờ và nhất là để khỏi bị mỏi chân, nên lấy xe điện ngầm hoặc xe buýt lên đến đường 106 rồi từ đó đi ngược xuống đường 65. Nói là một dặm nhưng thật ra đi cho hết cũng đến gần hai dặm một chiều. Thường cứ hai mươi đến hai mươi lăm đường cắt ngang là một dặm.

Khi ra khỏi đường 106, đi dọc xuống đại lộ số 5 mình sẽ gặp “El Museum del Barrio” ở ngay đường 105. El Museum del Barrio có nghĩa là Viện Bảo Tàng trong xóm. Được thành lập do một nhóm người gốc Puerto Rico cốt ý cho con cháu biết nguồn gốc của mình, họ cố giữ lại những truyền thống cũ cho các con em sinh ra ở xứ này có dịp học hỏi. Càng ngày viện bảo tàng càng nới rộng ra, bây giờ thành một trung tâm văn hóa cho tất cả các giống dân nói tiếng Tây Ban Nha. Ngoài những sưu tập về hội họa, điêu khắc v.v... họ còn tổ chức nhiều chương trình về kịch nghệ, văn chương v.v... cho trẻ em và sinh viên xa gần.

Đi xuống hai đường nữa sẽ gặp Museum of the City of New York, viện bảo tàng thành phố. Đây là một viện bảo tàng có nhiều đồ trưng bày gần gũi với đời sống hàng ngày của mình nhất. Có những con búp bê có từ thời 1742 bên cạnh những chiếc nhà tí hon, đủ kiểu, đủ màu trang bị bằng những dụng cụ và đồ đạc cỡ nhỏ rất xinh xắn. Có cả tầng lầu dành riêng để triển lãm về đời sống của thành phố Nữu Ước qua nhiều giai đoạn từ hơn 400 năm nay. Nữu Ước thời xưa cũng “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo...” với những mệnh phụ phu nhân áo đầm dài, cầm dù hoa đi thướt tha đến gần những chiếc xe ngựa, đài các hết sức. Ngoài ra viện bảo tàng còn tổ chức nhiều buổi văn nghệ do học sinh và nghệ sĩ địa phương trình diễn vào những ngày cuối tuần. Bảo tàng viện thành phố còn tổ chức những cuộc hành trình ngắn cho du khách viếng thăm Nữu Ước. Du khách muốn mua quà cho bà con tha hồ mà lựa vì ở đây còn bán rất nhiều đồ chơi hiện đại hay thú vị hơn là những đồ chơi thời 1920-1940, nhiều búp bê với đủ loại áo quần kiểu cách khác nhau.

Đi xuống nữa sẽ gặp nhiều viện bảo tàng danh tiếng. Lần tới mình đi Conservatory garden, Jewish Museum (Viện Bảo Tàng Do Thái), Trung Tâm nhiếp ảnh thế giới (International Center of Photography), Guggenheim Museum, Viện Bảo Tàng Guttenheim do Frank Lloyd Wright, nhà kiến trúc sư thần tài xây như hình một con ốc xoắn, đi một ngày không hết.

Thư sau sẽ kể tiếp,