Chị Nh thân mến,
Mình đã đi viện bảo tàng Metropolitan rồi. Hôm nay từ Metropolitan đi dọc theo đại lộ số 5. Dọc đường có hai biệt thự xây từ đầu thế kỷ hai mươi mà không bị thay đổi theo kiểu mới, đó là Carnegie Mansion và Frick Mansion.
Ông Andrew Carnegie, một tỷ phú gia, gốc người Scottland, vừa thấp vừa mập. Năm 1900 ông xuất bản một quyển sách “Bửu bối cho người giàu” trong đó ông viết “ai chết giàu là chết dở!” Bởi vậy suốt 19 năm sau đó ông dồn tất cả thì giờ và năng lực của mình để làm việc thiện. Carnegie xây hằng trăm thư viện lớn nhỏ trong thành phố Nữu Ước. Ông sưu tập rất nhiều tác phẩm nghệ thuật cũ cũng như mới. Năm 1901 ông gọi các nhà kiến trúc sư lại, muốn xây một căn nhà giản dị nhất, bình thường nhất nhưng phải nhiều phòng nhất trong thành phố. Hồi đó đường 91 vẫn còn rất vắng, các kiến trúc sư chọn một miếng đất rộng, xây xong biệt thự Carnegie năm 1903, với 64 phòng và một khu vườn rất đẹp.
Ngoài ra Carnegie còn tạo ra rất nhiều quỹ tương trợ. Quỹ lớn nhất của ông lập ra là “Quỹ hòa bình”, tặng cho cá nhân hoặc hội đoàn đã có công giúp tạo hòa bình thế giới. “Quỹ anh hùng” để thưởng những người có công, có can đảm cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn. Chính ông là người đứng ra xây Carnegy Hall ở đường 57, để khuyến khích và tạo cơ hội cho các nhạc sĩ hòa tấu. Carnegy Hall là nơi tổ chức những buổi hòa nhạc lớn ở Nữu Ước. Boston Symphony Orchestra, New York Philharmony đều chơi ở đây. Người ta kể rằng, thời kỳ xây Carnegie Hall, thợ thuyền cứ hay la cà ở các quán rượu chung quanh xóm đó làm chậm trễ công việc. Ông giận quá, ra lệnh đóng cửa tất cả các tiệm rượu, các tiệm ăn có bán rượu trong khu Carnegie Hall trên đường 57 giữa đại lộ 6 và 7.
Sau khi Andrew Carnegie chết, vợ ông ở trong căn nhà rộng thênh thang trên đường 91 cho đến năm 1946 bà chính thức tặng căn nhà 64 phòng và toàn bộ sưu tập cho viện bảo tàng Smithsonian. Năm 1967 viện bảo tàng này liên hợp với Smithsonian dùng biệt thự đó để triển lãm bộ sưu tập của Carnegie và những đặc phẩm nghệ thuật trang trí nhà cửa của con cháu của Peter Cooper và của gia đình Hewitt. Viện bảo tàng từ đó có tên Cooper Hewitt Museum of Decorative Arts and Design, Smithsonian Institution. Ông Cooper cũng là một đại triệu phú tự xây dựng nên sự nghiệp bằng công lao kho nhọc của mình. Lúc lớn lên, nhà nghèo không đủ tiền đi học ông tự nhủ khi có tiền ông sẽ cố gắng giúp đỡ sinh viên nghèo. Cooper là người sáng lập ra Cooper Union, một đại học chuyên về khoa học kỹ thuật. Đại hoc Cooper Union rất đặc biệt, rất khó để được tuyển vào, nhưng một khi được nhận vào Cooper Union, sinh viên được đài thọ từ học phí đến tiền trọ. Cooper Union nằm ngay trong Manhattan ở vùng gần Greenwich Village.
Toàn bộ sưu tập đồ trang trí nhà cửa hằng ngày, từ áo kimono của Nhật bản đến ghế ngồi của các nước Á Châu, từ khăn bàn khăn choàng của Trung Hoa đến áo mũ giày dép, từ 1700 về trước đều được trình bày ở đây. Viện bảo tàng Cooper-Hewitt có rất nhiều phần triển lãm rất lạ. Những sưu tập nghệ thuật trang trí về đồ gốm, đồ dệt, giấy dán tường. Những nữ trang làm bằng cườm, hoa tai làm bằng lông chim, những bức tranh trình bày theo cốt chuyện...đi xem viện bảo tàng này thích ở điểm là những vật triễn lãm rất gần với mình. Thấy cái gì cũng quen thuộc cũng dễ dàng. Chị thích “The Beattles” thì chị có thể vào xem, không những chỉ xem bằng mắt mà còn có thể rờ vào chiếc xe Rolls Royce của họ đi thời xưa. Những sưu tập này được di chuyển luôn luôn, bởi vậy nếu thích nghệ thuật trang trí nên đến thăm viện bảo tàng này 1 năm ít nhất 2,3 lần.
Cooper Hewitt còn có một thư viện rất đầy đủ sách về hội họa về trang trí nhà cửa. Muốn xem phải hẹn trước. Đến đây không những chỉ xem triển lãm thôi còn có dịp xem nhạc hòa tấu ngoài vườn không mất tiền, gian hàng bán đồ kỷ niệm ở đây rất độc đáo.
Tưởng hôm nay đi được nhiều hơn một viện bảo tàng nhưng để nhiều thì giờ ở đây quá. Hẹn lần tới đi thêm Frick Collections, Whitney Museum...
Hẹn thư sau.
LÊ THỊ HÀN
0 nhận xét
Đăng nhận xét