Chị Nh. thân mến,

Đầu năm khai bút viết thăm chị đây.

New York vẫn còn lạnh lắm. Tuyết còn phủ đầy trên mặt đất. Buổi chiều đi làm về, ngồi trên xe lửa thấy sông Hudson đông cứng lại, nằm trải dài như một bải trắng mông mênh. Trời này được ngồi trong nhà ấm áp nhìn ra ngoài đường là thú vị nhất. Thành phố bỗng nhiên biến thành một vùng trắng toát. Màu gì để bên cạnh màu trắng mà không đẹp? Cây cối, nhà cửa, trẻ con, người lớn đi đi lại lại, mặc áo đỏ áo vàng trông rất ngoạn mục. Khi tuyết mới bắt đầu rơi, không khí như khô sắt lại, mình tự nhiên thấy nhẹ bỗng ra và như đi vào một vùng đầy bông nõn, bay tới tấp, chập chờn. Những hạt tuyết lúc nào cũng mơn mởn, nhẹ nhàng... Khi tuyết đang rơi mình chưa thấy lạnh nhiều, chỉ thấy thích thú để cho những hạt tuyết tự do bay nhẹ vào người. Nếu tuyết chỉ rơi độ mười lăm, hai mươi phút thì đẹp tuyệt vời, nhưng thường tuyết đã rơi thì rơi hằng giờ, phủ đầy đường, có khi chỉ vài phân, có khi lên đến vài tấc. Khi tuyết rơi ngập quanh nhà, phải lấy xuổng cào tuyết để làm lối đi. Khi đường phố chưa được cào sạch thì tuyết lại như cái “nợ”. Đi bộ, đi xe đều vất vả.

Năm nay là năm thứ ba mươi bốn ăn Tết xa nhà. Cái Tết thứ ba mươi bốn ở ngoại quốc. Nhiều khi mình tự hỏi: Đâu là ngoại quốc? Mình ở xứ ngoài còn lâu hơn mình ở xứ mình! Mình ở xứ này gấp hai lần thời gian mình ở quê nhà. Đường đi nước bước ở xứ này rành rõi hơn cả xứ mình! Nhưng sao mình vẫn thương vẫn nhớ cái xứ “của mình”. Mỗi lần Tết đến lại xao xuyến sống lại với những kỷ niệm thuở nhỏ, ôm lấy những thói quen, những truyền thống mình đã sống ở một thời xa xưa.

Dù thời tiết có lạnh cách mấy, đồng bào miền Đông cũng cố gắng tổ chức những buổi họp mặt mừng Tết rất đầm ấm.

Có khi tổ chức tại nhà một người bạn, mời độ 10 đến 20 gia đình thân quen. Mỗi gia đình đem theo đồ ăn, thức uống, đem tình thương, đem nụ cười đến chia vui với bạn bè, con cháu. Có khi tổ chức tại một địa điểm thuận tiện cho nhiều người, thường thuê một phòng trong trường, ở nhà thờ hay ở trung tâm giải trí của các chung cư. Những lần như vậy có thể mời nhiều gia đình hơn, có khi đến cả trăm gia đình. Gia đình nào cũng cố gắng làm món khéo nhất của mình. Ban tổ chức sửa soạn từ cả vài tháng trước. Đúng giờ hẹn mọi người lục tục kéo đến. Người lớn trẻ con ăn mặc đẹp đẽ, tay xách giỏ tay bưng những đồ ăn đã sửa soạn ở nhà. Ai cũng bận rộn bày biện thức ăn, bánh trái của mình đã soạn sẵn. Cả một bàn dài đầy thức ăn, có năm sáu thứ xôi, có chả giò, bánh tét, bánh chưng, có nhiều món đặc biệt của những miền mà mình chưa hề biết bao giờ. Có không biết bao nhiêu là loại mứt, loại chè. Các cụ già gặp bạn kể nhau nghe đủ chuyện trong năm, dù chưa biết nhau lâu họ cũng chóng trở thành thân thuộc. Các em bé được thử nhiều món ăn mà thường ngày không biết. Bọn trẻ xúm lại, trao đổi những câu chuyện về trường học, thời trang, âm nhạc, bạn bè v.v... Lứa tuổi mình nói chuyện con cái, chuyện nhà, chuyện công việc làm ăn. Lâu lâu mới được nói tiếng Việt thả cửa, ai cũng vui vẻ cười nói ồn ào. Có những nhóm đã cố gắng giữ được truyền thống tổ chức ăn Tết 16, 17 năm qua. Ban tổ chức thuê một lâu đài cổ của một gia đình để lại cho thành phố. Lâu đài rất rộng, có nhiều phòng, cho nên ai cũng có chỗ để hàn huyên thật ấm cúng. Họ mời các cụ già lên mừng tuổi cho con cháu, tổ chức các trò chơi bầu cua cá cọp, văn nghệ, để các em nhỏ của từng gia đình lên biểu diễn, hát những bài ca tiếng Việt rất dễ thương. Các em sinh ra và lớn lên ở xứ này, đến bao giờ các em mới được thấy quê hương của bố mẹ, của ông bà, các em có nhận đó là quê hương của các em không?

Đến tối giao thừa, ăn uống xong, xem tin tức rồi sửa soạn cúng giao thừa. Cũng bày biện bàn thờ, hoa quả. Cũng lo tìm cho được một dĩa trái cây “vừa đủ xài” có dừa, có đu đủ và có xoài... Cũng sửa soạn đủ bánh chưng, mứt trà, xôi chè, cũng hương khói thơm ngát cả căn nhà. Lúc còn ở nhà, trong đêm im vắng, chỉ chờ nghe pháo nổ là biết đã đến giờ giao thừa. Ở đây bốn bề yên lặng, không có tiếng pháo làm mốc thời gian, chỉ có tiếng tíc tắc của đồng hồ. Chờ đến 12:00 để chúc mừng năm mới cho nhau. Cúng giao thừa xong, nghe lời ba má thắp hương ra ngoài trời van vái trước khi xuất hành. Tuyết phủ đầy trên mặt đất, nên phải cắm hương vào tuyết. Năm nay đi về hướng Tây để đón thần Tài, về hướng Tây Nam để đón thần Hỉ. Cứ mong có thần Tài về phù hộ để được về hưu sớm mà khỏi lo chuyện tài chánh là sướng rồi! Có Tài mà lại có chuyện vui thì có gì hạnh phúc bằng. Muốn đi ra ngoài hái lộc mà mùa Đông ở đây cây trụi hết lá. Lái xe loanh quanh tìm cho được một cây tùng có cành lá thấp ở gần đường để khỏi lội tuyết đi vào. Loay hoay cắt trộm được một nhánh lộc đem về nhà, mong năm mới làm ăn phát đạt và vui vẻ luôn.

Chị có thể tưởng tượng được là tụi này tin những điều này không? Phong tục tập quán của xứ nào cũng kèm theo một chút mê tín. Cái chút mê tín ấy làm mình thấy hay hay vì nó ở xa tầm hiểu biết của mình. Mình không tò mò phân tích, giải thích làm gì vì chính cái chút mê tín đó làm mình thấy đời sống thú vị hơn. Có một chút gì mờ ảo, không rõ rệt để mình mãi mãi còn tìm kiếm. Đi về tự đạp đất nhà mình, bỏ lộc vào bình nước, gọi điện thoại chúc Tết mọi người trong gia đình. Cái hay là đại gia đình của tụi này ở Cali và Giao Thừa đến Nữu Ước trước khi đến Cali 3 giờ đồng hồ.

Lên đến giường đã gần 2 giờ sáng. Vừa cố dỗ giấc ngủ, vừa nghĩ tới năm mới, năm Đinh Sửu, năm nay hợp với tuổi của người này, không hợp với tuổi của người kia. Một năm mới nữa, ngày tháng cứ chồng chất lên, năm này tháng nọ, qua thật mau. Bỗng nhớ giọng nói và đôi mắt ngạc nhiên của bác Phương người Huế gặp trong buổi tiệc Tết ở Philadelphia: “Trời ơi, đi đã ba mươi bốn năm ni rồi hả! Đi khi ông Ngô Đình Diệm còn làm Tổng Thống. Trời ơi, ai đời đi đã ba mươi bốn năm nay rồi mà vẫn còn nói được tiếng Việt, còn nói tiếng Huế.”

Bà lấy tay vuốt má mình, rờ cái cằm của mình, giọng nói đầy vẻ thương tình: “Tội chưa, đi ba mươi bốn năm ni rồi, cũng đang còn trẻ quá mà...”, giọng bà kéo dài, còn như chưa muốn tin, nói tiếp, “ba mươi bốn năm ni rồi mà còn nói được tiếng Huế mình.” Bàn tay nhăn nheo của bà cầm lấy từng ngón tay của mình nhìn thẳng vào mặt, rồi chặc lưỡi:

“Tội quá, còn nói được tiếng Huế nữa thê”. Chữ “thê” dài thườn thượt, lướt bướt còn dài hơn cả ba mươi bốn năm vừa qua!!!

Bây giờ nhớ lại mấy phút đứng với bác Phương, mình tự hỏi không biết bác có thiệt thấy “tội” cho mình hay tội cho ai? Tội cho mình đã đi bao nhiêu năm vẫn còn nhớ Tết nhớ nhà. “Tội”cho riêng bác, “tội” cho những người đồng hương đã ăn bao nhiêu cái Tết tha hương rồi! Khi nào sẽ được ăn Tết ở nhà với cành mai, cành đào, với cái không khí không lạnh lẽo như ở đây? Với những người xung quanh gần gũi chia vui?

Chúc chị năm mới được vạn sự như ý, mạnh khỏe và vui luôn .

Hẹn chị thư sau.

LÊ THỊ HÀN

0 nhận xét