Nhờ khâu duyệt cấp visa đã mở rộng hơn cho đối tượng khách du lịch, nhiều đường bay trực tiếp từ Việt Nam sang Mỹ được khai trương, các đơn vị lữ hành lớn nhỏ ồ ạt chào tour... giờ đây giấc mơ du lịch Mỹ không còn quá xa vời đối với du khách Việt. Nếu vẫn còn phân vân, có 8 lý do thuyết phục bạn chọn nước Mỹ là điểm đến lý tưởng trong mùa hè 2008:

1. Nước Mỹ là xứ sở của những điều kỳ diệu ở thắng cảnh thiên nhiên lẫn nhân tạo. Từ tượng Nữ thần Tự Do ở New York, điện Capitol ở Washington DC, cho đến đập nước Hoover, đại vực Grand Canyon ở Arizona (ảnh) hay cầu Cổng Vàng bắc ngang vịnh San Francisco... tất cả đều mang lại vô vàn bất ngờ cho những ai may mắn được đặt chân tới đây.

2. Cũng không đâu trên thế giới hội tụ nhiều trung tâm giải trí hiện đại và hấp dẫn như nước Mỹ. Du khách tha hồ tiêu tiền và thời gian ở Disneyland, tham quan phim trường Universal hoặc thử vận may tại Las Vegas.

3. Đến Mỹ còn để thỏa mãn "cơn khát" mua sắm bất tận của bạn. Hàng hóa tại đây luôn mới nhất, chất lượng rất tốt mà giá rẻ hơn châu Âu hoặc Úc.

4. Sự đa dạng về sắc tộc của Mỹ mang đến cho du khách cơ hội cùng lúc khám phá nhiều sắc màu văn hóa khác nhau, cũng như thưởng thức đủ mọi món ăn nổi tiếng khắp thế giới.

5. Bạn có cơ hội tận hưởng bầu không khí nghệ thuật sôi động của nước Mỹ, những show diễn hoành tráng của các ngôi sao lớn như Micheal Jackson, Madona, Celine Dion, đoàn xiếc Cirque du Soleil... ở Las Vegas.

6. Những trường đại học danh giá tại Mỹ như Harvard, Princeton, Yale, Stanford, MIT... là đích nhắm của rất nhiều bậc phụ huynh đang có ý định cho con du học nước ngoài. Đến thăm và tìm hiểu môi trường học tập, điều kiện ăn ở, sinh hoạt thực tế trước khi chọn trường cho con là cần thiết.

7. Các doanh nhân Việt Nam muốn khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác, phát triển kinh doanh tại Mỹ càng không thể bỏ qua các hội chợ triển lãm quốc tế thường niên được tổ chức tại đất nước này.

8. Và cuối cùng, nước Mỹ với hơn 2 triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc đang là điểm đến "ưu tiên số 1" trên đường tour du lịch kết hợp thăm thân nhân. Kết thúc chương trình tham quan, du khách có thể ở lại Mỹ từ 1 - 6 tháng thăm thân nhân, bạn bè trước khi bay về Việt Nam.

Lâm Triều Anh (theo Thanh Niên Online)

Theo tôi, với những câu hỏi khó trả lời như câu “Bạn có biết gì về chuyện kinh doanh của người Mỹ?” thì nên dành cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế hoặc những người hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở thị trường Mỹ… trả lời. Tuy nhiên, ở nước Mỹ trong chuỗi ngày dài của Chương trình giao lưu truyền thống và văn hóa do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức cho khách tham quan quốc tế, tôi đã thấy gì? Tất nhiên thấy ở đây dẫu chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng đã để lại trong tôi vài suy nghĩ về lĩnh vực kinh doanh của đất nước này.
Xếp hàng trên bến tàu đi thăm tượng Nữ thần Tự do

Một nét đặc trưng của nước Mỹ là thói quen xếp hàng. Dù chỉ có hai người cũng phải xếp hàng thứ tự trước sau, không chen lấn. Sau khi thưởng thức thỏa thuê những màn biểu diễn đặc sắc của voi, hải mã… ở Sea World, chúng tôi đi ăn trưa tại một khu nhà rộng lớn, thoáng mát, dù đông đúc nhưng mọi người chỉ trò chuyện vừa đủ nghe, không náo nhiệt, ồn ào như thường thấy trong các nhà hàng ở châu Á. Trong lúc ăn, tôi quan sát thấy, sau khi ăn tất cả thực khách đều tự giác dọn bàn sạch sẽ. Tất tần tật những gì thừa thãi được đặc vào cái khay nhựa và bỏ vào thùng rác ngay trong phòng ăn. Lúc họ đứng lên là người khác có thể ngồi vào ngay.

Hình ảnh tốt đẹp này cũng được thấy ở nhiều nhà hàng khác. Trong nhà hàng Newseum – một bảo tàng lớn nhất thế giới hiện nay về thông tin và báo chí – dù chính thức khai trương ngày 11/4/2008, nhưng trước đó chúng tôi đã được tham quan. Khi dọn dẹp bàn ăn rồi đặt vào vị trí qui định thì sẽ có một hệ thống dây chuyền tự động đưa ngay ra sau bếp. Vì thế, khi thực khách đứng dậy, bước ra là nhà hàng trở lại sạch sẽ như ban đầu. Tương tự, ở những khu vui chơi công cộng, điều đã làm tôi “kinh ngạc” không thể lý giải nổi là không hề thấy… một cọng rác! Chính vì môi trường sạch sẽ như thế nên một người bừa bãi, cẩu thả như tôi cũng phải tìm đúng nơi để vứt rác.

Quái quỷ không kém là ngay tại nhiều sân bay nội địa Mỹ, muốn lấy xe đẩy hành lý thì phải cho vào hệ thống tự động vài USD. Nhưng sau đó, muốn lấy lại khoản tiền này thì phải trả xe vào đúng vị trí cũ. Việc làm này giúp sân bay trở lại ngăn nắp như trước lúc đón khách. Rồi tại nhiều nhà hàng Mỹ, sau khi xếp hàng mua ly cà phê tôi hấp tấp đưa lên miệng uống. Đắng nghét. Vì người ta không cho thêm gì cả. Muốn gì thì “thượng đế” hãy tự phục vụ! Đường, sữa, muỗng… ngay đấy! Ngọt, nhạt thế nào thì tùy!

Nhưng rắc rối nhất vẫn là chuyện hút thuốc lá. Trong nhiều khách sạn ở Mỹ, chẳng hạn khách sạn Helix (Washington DC) người ta cho biết nếu hút thuốc lá trong phòng, bị phát hiện sẽ bị phạt 250 USD. Có thể, số tiền này với nhiều người chỉ là “chuyện nhỏ” nhưng tại sao không ai dám vi phạm? Theo tôi đó là “áp lực” về tâm lý. Khi tất cả mọi người không dám nhả khói nơi công cộng, thế mà mình làm khác đi thì lập tức mọi người nhìn mình như “người ngoài hành tinh”! Một người bạn tôi ở Sacramento, lúc còn ở Việt Nam cũng là “tay chơi” có hạng. Nhưng… Sáng hôm ấy, anh mời tôi ly cà phê, đưa thêm điếu thuốc là và bảo… ra sau nhà mà nhả khói. Sao không là ở trước nhà ngắm cảnh cho sướng con mắt? Anh bảo: “Những gia đình xung quanh sẽ nhìn mình không mấy thiện cảm”. Thế đó, sự tự giác đôi khi còn bị ràng buộc bởi quan hệ cộng đồng. Một cái nhìn của người chung quanh – dù không nói ra, nhưng có tác dụng hơn một lời nói…

Nhìn khái quát thử hỏi, sự tự giác của người dân đã giúp gì cho giới kinh doanh Mỹ? Thưa, “nói trắng ra” là họ không phải mất thêm một khoản tiền trả cho nhân viên phục vụ. Bởi “thượng đế” đã tự giác làm rồi!

Muốn người dân tự giác, ngoài việc được giáo dục thì họ còn phải bị ràng buộc bằng những hệ thống pháp lý. Chẳng hạn, khi đi trên những con đường cao tốc phải đóng lệ phí. Ngồi trong xe nhìn ra bên ngoài, phía tay trái của tài xế, tôi thấy có gắn một cái phễu lớn, không thấy nhân viên thu tiền. Cứ ngồi yên trong xe, chỉ cần ném tiền xu vào đó là xong. Nhưng nếu không tự giác, lúc phóng xe qua sẽ có hệ thống tự động chụp bảng số xe và lập tức gửi ngay “giấy báo nợ” về tận nhà. Nếu chậm đóng thì lãi suất sẽ tăng thêm. Rắc rối! Chẳng ai dại gì vì vài xu mà phải đối mặt với bao nhiêu lôi thôi, hệ lụy khác. Hoặc vào cây xăng, phải tự đổ xăng sau khi đã đưa card tín dụng vào khe trên trụ bơm xăng! Những sự ràng buộc này còn áp dụng cho nhiều lãnh vực khác. Với các khoản tiền phải đóng hàng tháng cũng vậy, ta có thể trả trên Internet, khỏi phải đến tận nơi xếp hàng, tốn thời gian. Chậm trả thì người ta tính thêm tiền lãi, vì thế không ai dám chậm trễ.

Có bao giờ bạn được một “tài phiệt” ở Mỹ tặng cho căn nhà trị giá vài triệu USD ở vịnh Fort Lauderdale nhưng bạn lại… không dám nhận, dù đang thất nghiệp, đang cù bơ cù bất. Đơn giản chỉ vì bạn sẽ không đủ tiền để… đóng thuế đất hàng năm, thậm chí không đủ tiền để tu bổ, sửa chữa cảnh quan hòng “sánh” với các nhà chung quanh. Có baogiờ được xem những cô gái xinh như mộng, không một mảnh vải che thân đang múa may, quay cuồng ngay trước mặt mà bạn phải ngồi khoanh tay nghiêm chỉnh và chỉ uống… nước ngọt? Có bao giờ bước vào quán rượu mà bạn phải chứng minh là trên 21 tuổi, đã thế, trên tay còn bị đóng một cái dấu xanh lè – chứng nhận bạn đủ “trình độ” để làm bạn với Lưu Linh? Quy định chung là thế, nhưng các doanh nghiệp có dám “phá rào” để thu hút khách không? Có bao giờ bạn phóng xe vượt đèn đỏ, hơi thở nồng nặc mùi rượu, bị cảnh sát phát hiện nhưng bạn vẫn về nhà bình an vô sự? Có bao giờ bạn vào quán ăn ở Mỹ, rồi khi ra về bạn “quên” tiền “trà nước” cho nhân viên phục vụ mà mọi người chung quanh tán thành hành động của bạn? Những chuyện này tôi cam đoan là khó có thể xảy ra ở Mỹ.

Dài dòng như thế để thấy rằng, sự tự giác và ràng buộc của hệ thống luật pháp củng là một trong những yếu tố thuận lợi của giới kinh doanh Mỹ. Ai đời, người dân phải tự giác… đóng thuế! Khi vào khách sạn Nokko San Francisco, tôi ở phòng giá 142 USD nhưng buộc phải trả thêm 19,97 USD tiền thuế. Ở khách sạn The Quaterage, giá phòng là 94 USD nhưng phải trả thêm 16,52 USD tiền thuế và người ta tính thẳng vào hóa đơn. Tất tần tật đều phải đóng thuế. Nghe đâu, trốn thuế nếu bị Nhà nước phát hiện thì chỉ có “sập tiệm”. Tất nhiên xã hội nào củng thế, nhưng ở Mỹ người ta ý thức điều đó một cách tự giác. Điều này, nhìn rộng ra đã hỗ trợ nhiều cho giới kinh doanh Mỹ khi họ thực hiện chính sách “bán trả góp”. Bạn được mua trước mọi thứ, từ cây kim đến sợi chỉ, từ chiếc xe hơi “hoành tráng” đến căn nhà to “vật vã”. Tất nhiên, số tiền cho bạn mượn được căn cứ vào lý lịch bản thân, vào thu nhập hàng tháng… “Liệu cơm gắp mắm” là thế, với một lao động bình thường, có công ăn việc làm ổn định ở Mỹ thì họ có quyền hưởng thụ mọi tiện nghi vật chất như bất cứ ai.

Năm 2005 khi đến Amsterdam (Hà Lan), trong một lần đi mua sắm, tôi và nhà báo Ngọc Thịnh tình cờ bước vào cửa hành “Nieuwendijk 148, 1012 MS Amsterdam”, gặp chủ nhân trước sống ở Chợ Lớn, sang đây lập nghiệp hơn 25 năm, tôi hỏi về chuyện thuế. Họ cho biết, cửa hàng nay bề ngang chỉ 3,5 mét, sâu gần 20 mét nhưng phải thuê với giá… 6.000 EUR! Dù sống ở Hà Lan phải đóng thuế nhiều, nhưng anh chị Minh – chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm này – không phàn nàn vì nghĩ rằng, khi về già, không lao động được nữa, Nhà nước sẽ trợ cấp cũng bằng chính đồng tiền mà mình đã đóng thuế. Tôi quả quyết điều nay cũng là tâm lý chung của người dân Mỹ, kể cả Việt kiều. Tôi nghĩ, tạo được tâm lý đó cho người dân là điều không dễ.

Trong những ngày ở Mỹ, tôi nhận ra thuế đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển đa dạng của các tổ chức văn hóa. Tôi còn nghiệm ra rằng, một trong những điểm then chốt có liên quan trực tiếp đến sự thịnh vượng của giới kinh doanh Mỹ chính là hiện nay họ đã có ý thức khai thác các “thương hiệu” văn hóa đã hình thành. Dựa vào văn hóa để kinh doanh là một vấn đề mới mẻ, cũng xin được trở lại vào dịp khác.

(Theo Lê Minh Quốc – DNSG cuối tuần)

Nói thật, nhưng không khéo có người cho là đùa. Trong suốt gần một tháng ở Mỹ, tại các cửa hàng sách công cộng, tôi chỉ... một lần duy nhất thấy có bày bán các tạp chí chuyên về sex, mà phần “nhạy cảm” lại bị che bằng một tấm gỗ đen, chỉ thấy mỗi tựa của tạp chí!

Hỏi ra mới biết, những nơi như thế này thường có trẻ em ra vào nên không thể. Khi vào quán rượu, lại bị người ta đóng trên tay một dấu vuông xanh lè, chứng nhận đã trên 21 tuổi mới được “làm bạn với Lưu Linh”.

Tác giả (phải) tại tượng đài danh nhạc jazz tại TP Kansas (Mỹ)

Thế nhưng, tại quảng trường Tự Do rộng lớn, cũng ở thủ đô Washington, tôi lại ngạc nhiên khi thấy ngay dưới chân mình, là bản đồ thành phố này, được thể hiện cách điệu. Trên nền gạch hoa cương, còn khắc cả những câu nói của các nhân vật nổi tiếng, kể cả nhà văn... nhằm giúp cho du khách có thể hiểu được một cách khái quát về sự hình thành của thành phố. Làm văn hóa, làm du lịch như thế cũng là điều ta cần phải học đấy chứ?

Người Mỹ làm thế nào để nuôi dưỡng và phát huy yếu tố văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng? Một câu hỏi không dễ trả lời. Trước mắt, theo quan sát của tôi, có thể nhận ra một hai yếu tố căn bản. Thứ nhất, họ tạo ra “thương hiệu” nhằm “đánh bóng” khu du lịch văn hóa của mình.

Tại các quầy lưu niệm của tất cả nơi đó đều có bày bán những sản phẩm mang một dấu ấn riêng mà chỉ nơi đó mới có. Nếu vào Sea World là cá voi, cá heo...; vào Bảo tàng nhạc Jazz là các hình ảnh nhân vật, nhạc cụ liên quan đến loại hình âm nhạc này; vào thăm vườn thú thì có đủ loại thú nhồi bông v.v... Những hiện vật này được thực hiện bằng nhiều hình thức, có thể là in trên áo, trên mũ hoặc là tài liệu sách vở để người ta tìm hiểu...

Du khách chỉ có thể mua được những món này khi đến đó, chứ không thể tìm được ở nơi khác. Tất nhiên, những nơi này cũng không thiếu các loại nhà hàng ăn uống, giải khát. Nghĩ ra, cách làm này đơn giản nhưng hiệu quả. Mỗi khu du lịch đều là một “hệ thống” khép kín, phục vụ tất tần tật nhu cầu của khách để khai thác túi tiền của họ được nhiều nhất, hợp lý nhất!

Một điều cũng đáng quan tâm là chỉ với một vé vào cổng - dù rất mắc, như ở Walt Disney World là 71 USD vé người lớn, 60 USD vé trẻ em - nhưng đã vào thì khách có quyền hưởng thụ mọi trò chơi trong đó, không phải muốn chơi bất kỳ trò nào thì cũng phải... xỉa thêm tiền như ở ta.

Tôi cũng ghi nhận, dù là tại các khu vui chơi hay tại các bảo tàng, đều có sự kết hợp sinh động nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa khác nhau để thu hút đông đúc “tầng lớp nhân dân”. Bà Patricia Gray - phụ trách phần văn chương của Thư viện Quốc hội Mỹ cho biết, một trong những hoạt động đều đặn hàng tháng ở nơi này là sinh hoạt của... câu lạc bộ thơ! Không chỉ người lớn đến đọc thơ mà ngay cả trẻ em cũng được tham dự bằng những cuộc thi như nhận những tấm hình, trang ảnh để quan sát, đặng “tức cảnh sinh tình” ra thơ! Những chương trình như thế này đều có bán vé!

Tương tự, khi xem chương trình hoạt động Bảo tàng Nghệ thuật Freer Gallery of Art ở Washington, tôi thấy họ đã lên “kín” lịch trình diễn, từ kịch nghệ, âm nhạc, chiếu phim đến hết năm 2008, chứ không đơn thuần chỉ là nơi triển lãm. Đây cũng là nơi Những ngày văn hóa Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên trên đất Mỹ vào hai ngày 9-10/7/2005, sau chuyến viếng thăm thành công của Thủ tướng Phan Văn Khải và nhân kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Không riêng gì bảo tàng này, có thể nói, phương thức đa dạng hoạt động có vẻ như là một cách làm then chốt của người Mỹ. Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật mà phải “sống” theo nhịp sống hiện tại. Chẳng hạn, Bảo tàng nhạc Jazz tại thành phố Kansas mỗi đêmđều biểu diễn nhạc. Tất nhiên muốn vào phải mua vé.

Hoạt động của các “địa chỉ văn hóa” này đều là do công sức đóng góp của tư nhân, chứ không chỉ từ nguồn kinh phí của chính phủ. Bà Louise Cort - phụ trách nghệ thuật gốm của Bảo tàng Nghệ thuật ở Washington gọi đó là “hội viên danh dự”. Với mức tiền đóng góp thấp nhất là 1.000 USD, những “hội viên danh dự” này được hưởng nhiều quyền lợi mà Bảo tàng dành riêng cho họ, chẳng hạn được xem miễn phí các chương trình diễn ra tại đây trong năm. “Danh dự” ở đây còn là các bữa tiệc riêng để các hội viên có dịp được gặp gỡ với các quan chức thành phố...■

(Theo Lê Minh Quốc – Phụ Nữ Online)

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Tôi đã đến Mỹ vào đầu tháng 4/2008 trong tâm thức ấy. Đây là chương trình giao lưu truyền thông và văn hóa do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức cho khách tham quan quốc tế. Nhờ vậy, chúng tôi có điều kiện tiếp cận với nhiều tổ chức văn hóa tại nhiều tiểu bang khác nhau - một ước mơ không nhỏ của nhiều người, kể cả người Việt sống lâu năm tại Mỹ. Vài ghi nhận, dù chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng nếu “xem hoa” một cách chăm chú, ta vẫn có thể cảm nhận được phần nào hương sắc của nó.

Tại thủ đô Washington, đón chúng tôi ở trụ sở Nghiên cứu báo chí, ông giám đốc Gene Matter kể một mẩu chuyện nhỏ, nghe buồn cười nhưng cũng đáng để suy ngẫm. Ông kể: “Sau khi tổ chức cho một đoàn nhà báo Trung Quốc tham quan Thư viện Quốc hội Mỹ, họ gật gù bảo: “Ủa! Nước Mỹ cũng có... văn hóa đấy chứ!”.

Du khách vui chơi tại Walt Disney World

Không chỉ có sách để tạo một diện mạo văn hóa, người Mỹ còn rất ý thức trong việc tạo dựng biểu tượng văn hóa cho đất nước họ. Từ góc độ của một người Việt, tôi nghĩ, trong Bình Ngô đại cáo, nhà chính trị thiên tài Nguyễn Trãi khẳng định “Nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Ít ra cũng lâu hơn nước Mỹ. Năm 1492, khi Kha Luân Bố mới tìm ra châu Mỹ thì nước Đại Việt dưới thời vua Lê Thánh Tôn đã tiến hành những cuộc cải cách quan trọng, tạo những dấu ấn rực rỡ trên nhiều lĩnh vực.

Nói như thế để thấy, xét về truyền thống văn hóa, chúng ta có nhiều thuận lợi hơn người Mỹ trong việc tạo dựng một biểu tượng văn hóa. Biểu tượng văn hóa vật thể và phi vật thể của ta phổ biến trên toàn cầu là gì? Là Văn Miếu, Thánh Gióng, áo dài, nón lá, nước mắm, phở... Người Mỹ dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng cũng đã rất thành công trong việc tạo dựng cho đất nước mình một biểu tượng văn hóa. Có điều, biểu tượng ấy do chính thế hệ của họ tạo dựng, chứ không được thừa hưởng từ di sản văn hóa của cha ông.

Theo tôi, những biểu tượng ấy có thể kể đến hình ảnh chú chuột Mickey của chàng họa sĩ Walt Disney chỉ mới ra đời vào ngày 18/12/1928 trong bộ phim Stemboat Willie (Tàu hơi nước Willie). Tôi đã nhìn thấy “lá cờ” in hình chú chuột láu lỉnh này trong công viên lừng danh Walt Disney World tung bay ngạo nghễ ở Orlando.

Phải gọi công viên này là một “thành phố” mới đúng. Đó là một địa điểm mà bất cứ một đứa trẻ nào trên thế giới cũng ước mơ được một lần đặt chân đến để chiêm ngưỡng. “Thành phố” này có diện tích chừng 110 km2, toàn bộ các con đường đều được đặt tên riêng. Ngoài hệ thống đường sá trải nhựa dành cho ô tô, trên không còn chằng chịt hệ thống mono rail.

Một ấn tượng mạnh khác với tôi là nơi này không hề có rác và không được hút thuốc lá! Lẫn trong du khách là những người phục vụ mặc quần áo trắng, đội mũ trắng nhẫn nại gắp từng cọng rác. Nhìn hình ảnh tận tụy này,không một ai có thể vứt rác một cách bừa bãi.
Đừng nghĩ người Mỹ “lơ là” trong ý thức chính trị. Họ rất có ý thức kết hợp tuyên truyền chính trị vào việc phổ biến văn hóa. Tại Tháp Washington, tầng dưới cùng có cửa hàng bán đồ lưu niệm và tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy họ bán các văn hóa phẩm là... các tài liệu chính trị!

Đó là thủ bút bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ ngày 7/4/1776 với đầy đủ chữ ký của những người có trách nhiệm; là bản viết tay của Tổng thống Abraham Lincoln; là hình ảnh 43 Tổng thống Mỹ. Tất cả được in trên một loại giấy cũ, úa vàng, khổ 30 x 40 cm để người mua có thể lồng kính treo trong nhà.

Nhìn các tài liệu này, tôi chợt nghĩ đến bản đánh máy Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản viết tay kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Di chúc của Người. Sao ta không phổ biến bằng cách này? Phải chăng, trong cách làm văn hóa, người Mỹ luôn chú trọng đến yếu tố phát huy dấu ấn của người nổi tiếng?

Tại khu vui chơi Disney land ở Orlando, tôi đã thấy tấm hình trắng đen của Tổng thống Lincoln cùng con trai mình, chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá, nhưng giá bán lên đến... 120.000 USD. Đơn giản chỉ vì trên bức ảnh đó có chữ ký của ông. Tương tự, cây gậy của Thủ tướng Anh Winston Churchill được bán với giá 12.500 USD...

Có thể nói một cách nghiêm túc rằng, người Mỹ luôn có ý thức trong việc thông qua sản phẩm văn hóa để tạo dấu ấn riêng biệt về đất nước họ. Họ còn cho in cả giấy bạc trị giá... 1 triệu USD để du khách mua làm quà lưu niệm, mặt này in hình Nữ thần Tự do, mặt kia in hình bốn vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ! Trên những tiểu bang đã đi qua, trên các đường phố lớn, tôi đều thấy tượng các danh nhân của nước Mỹ, dưới chân tượng còn có thêm vài dòng tiểu sử nữa. Ngay trong phòng đợi của sân bay San Francisco, tôi còn thấy hình ảnh các nhân vật nổi tiếng được trưng bày trang trọng...

Từ Mỹ, nhìn về nước nhà, chợt nhớ lâu nay Hội Sử học Việt Nam đã phát động có hiệu quả phong trào “Một giọt đồng đúc tượng danh nhân” - góp phần không nhỏ đưa các thế hệ “về nguồn”. Nghĩ cho cùng, một trong những mục tiêu của công tác văn hóa vẫn là tìm mọi cách đưa văn hóa đến với quần chúng bằng nhiều hình thức khác nhau và sâu rộng đến mọi tầng lớp kể cả du khách năm châu.

Kỳ sau: Nuôi dưỡng "văn hóa"

(Theo Lê Minh Quốc – Phụ Nữ Online)

Sân bay quốc t ế Los Angeles (LAX) là một trong những sân bay tấp nập nhất thế giới và là 1 trong hai “cửa ngõ” vào nước Mỹ quan trọng nhất. Công tác an ninh phòng chống khủng bố ở đây thuộc loại nghiêm ngặt nhất cho nên hành khách cần lưu tâm một số điểm sau đây khi hạ cánh và cất cánh từ cảng hàng không này:

- Không mang theo những vật dụng bị cấm (truy cập www.tsa.gov để có những thông tin mới nhất về những thứ bị cấm mang heo hành lý xách tay lên máy bay và những thứ cấm gửi theo hành lý);

- Tất cả các loại bật lửa đều bị cấm mang theo hành lý xách tay; hầu hết các loại bật lửa sử dụng xăng đều bị cấm gửi theo hành lý ký gửi;

- Đừng gói quá kỹ vali, túi quà lớn vì nhân viên an ninh có thể đề nghị bạn mở chúng ra cho họ kiểm tra;

- Hành lý xách tay của mỗi hành khách chỉ được gồm một vali kéo nhỏ và một túi xách nhỏ;

- Tránh mặc áo quần, giày dép và đồ trang sức có vật liệu kim loại sẽ làm còi báo động réo lên ở khâu kiểm tra hành lý/hành khách;

- Nên hỏi thăm hãng hàng không biết bạn nên có mặt ở LAX khi nào là thuận tiện nhất cho chuyến bay. Nhưng trung bình phải đến đó 2 tiếng trước giờ cất cánh bay nội địa Mỹ và 3 tiếng trước giờ cất cánh bay quốc tế. Nếu giờ cất cánh trùng với khoảng thời gian cao điểm thì nên đến LAX 4 tiếng trước giờ bay.

- Chỉ có những taxi được cấp phép mới có thể đón khách đến/đi từ LAX. Giá cước vận chuyển cũng được ghi rõ và được tài xế trình cho bạn biết. LAX còn có nhiều phương tiện vận chuyển đường bộ, đường sắt công cộng khác;

- Để di chuyển từ nhà ga hành khách này sang nhà ga hành khách khác bằng xe buýt Airline Connection “A” Shuttle, bạn nên tập trung ở nơi có bảng báo LAX Shuttl & Airline Connections màu xanh da trời tại các đảo khởi hành (Lower/Arrival Level) trước mỗi nhà ga.

- Gần LAX (1,5 km đường xe) có rất nhiều khách sạn (truy cập mục Accommodations ở địa chỉ www.seemyLA.com)

- Quanh LAX có khá nhiều trung tâm shopping, chẳng hạn như ở khu Winchester, và nhiều bãi biển rất đẹp, trong đó có Venice Beach, Manhattan Beach, Hermosa Beach, Redondo Beach và Dockweiler Beach.

(Theo Việt Trần – TC Hàng không Việt Nam)

Trong lúc ngồi chờ chuyến bay chuyển tiếp từ Los Angeles đi Washington D.C, tranh thủ đọc mấy trang báo điện tử Việt Nam, mới hay đất đang “bốc hỏa” ở các tỉnh lân cận Hà Nội, nơi nông dân “mở mắt dậy thấy thành người thủ đô”. Đúng là thủ đô mở tới đâu người cũng vươn tới đấy. Nhưng ở Washington D.C thì khác.

Thủ đô của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đón chúng tôi trong cái vắng vẻ, lạnh lẽo đến tê người của một ngày cuối tuần. Có lẽ đây là thủ đô độc nhất trên thế giới mà dân số không ngừng tụt xuống vì nhiều người bỏ đi không hẹn ngày trở lại!

Tháp bút chì bên bờ sông Potomac

Khách từ Việt Nam qua Washington D.C chủ yếu là vì công việc nên thưa thớt ít người. Bởi vậy, lựa chọn hãng hàng không kiểu gì cũng không thoát khỏi hai chặng transit, một ở ngoài nước Mỹ và một ở trong nước Mỹ. Phải nói máy bay nội địa Mỹ thì rất “chát”: hàng không Mỹ tiết kiệm tối đa kể từ sau sự kiện 11-9, dù chuyến bay có kéo dài năm giờ liền (từ Los Angeles đến Washington D.C thì hành khách cũng chỉ được dịch vụ nước uống và một nhúm bánh bột nở!).

Nếu chuyến bay tới thủ đô vào buổi tối, sau 20 giờ thì khó mà kiếm được gì ăn ở ngoài khách sạn, do nhiều nhà hàng ở đây không phục vụ buổi tối. Người Mỹ không ăn lai rai kiểu thâu đêm như ở nhà mình. Mở cửa muộn, các quán bar chỉ có bia, rượu và đồ ăn Mỹ. Dằn lòng tốt nhất là... mì gói mang theo từ nhà!

Thành phố “lùn”

Washington D.C được quy hoạch và xây dựng thành thủ đô nước Mỹ từ thế kỷ thứ XVIII, bên bờ sông Potomac, là thành phố duy nhất không trực thuộc bang nào. Mỹ còn có bang tên là Washington, nơi có thành phố không ngủ Seattle, nằm tít ở phía Bắc bờ Tây. Còn Washington D.C nằm ở bờ Đông. Tên Washington được đặt để tưởng nhớ vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, còn D.C là viết tắt của cụm từ “District of Columbia” (quận mang tên nhà thám hiểm Christopher Columbus, người đã tìm ra châu Mỹ).
Một góc khác của Washington D.C

Người da đen thân thiện với du khách. Làn sóng người da đen tràn tới đây từ thập niên 1950-1960 khiến Washington D.C có biệt danh là “Chocolate city”

Khác hẳn với các thành phố lớn nổi tiếng khác của Mỹ như New York, Los Angeles hay San Francisco..., không thể nào tìm thấy nhà cao tầng ở Washington D.C. “Tất cả nhà xây ở đây đều phải thấp hơn tháp bút chì” tức đài tưởng niệm Washington, cao khoảng 500 feet (chừng 180 mét), trông đúng như cái bút chì mới gọt vậy. Bởi thế, Washington D.C “lùn”, khác hẳn với một New York có khu trung tâm tài chính gần như quanh năm không thấy bóng mặt trời vì nhà chọc trời san sát đã chặn hết ánh sáng.

Thành phố vắng

Với diện tích chỉ gần 180km2, vào thập niên 1950, dân số đông nhất của Washington D.C là 802.178 người. Đến thập niên 1990, con số này giảm còn 606.900 người. Tới năm 2000 lại xuống nữa, còn 572.059 người. Dân số thủ đô Mỹ giảm không phải bởi tỷ lệ sinh giảm (xu hướng hiện nay của giới trẻ Mỹ là lập gia đình sớm hơn và có con sớm), mà bởi người dân Mỹ có xu hướng... rời khỏi thủ đô!

Theo thống kê của Lonely Planet thì có tới hai phần ba người Mỹ làm việc tại Washington D.C nhưng lại mua nhà và sống ở các vùng phụ cận Virginia và Maryland, tương tự như làm việc ở TP.HCM nhưng sống ở Biên Hòa, Đồng Nai hay làm việc Hà Nội nhưng hết giờ làm việc lại về Bắc Ninh, Hà Tây... Christopher Schwab, một nhân viên chính phủ, người phụ trách chương trình “Khách du lịch quốc tế” mà chúng tôi tham gia lần này cũng làm việc tại thủ đô, nhưng ở Maryland, phía Bắc Washington D.C.

Bởi vậy, Washington D.C đặc biệt vắng vẻ vào buổi tối và những ngày cuối tuần. Trên con đường tới Anacostia - một chi nhánh của hệ thống bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng Smithsonian, nằm ở vùng Tây Nam thủ đô, Christopher chỉ cho chúng tôi những dãy biệt thự cũ mới lẫn lộn và hầu như tất cả đều không thấy một bóng người. Trông chúng chẳng khác gì những biệt thự hoang vắng một thời ở Đà Lạt. Giá nhà ở đây rẻ, trung bình chỉ cần bỏ khoảng 150 đến 250 ngàn USD là mua được một căn có từ ba tới bốn phòng ngủ. Số tiền này hiện chưa đủ mua một căn hộ 70-80m2 ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng!

Vùng Tây Nam vắng bóng người

Làn sóng người rời bỏ Washington D.C xuất hiện từ cuối những năm 1960. Khi Martin Luther King - người anh hùng đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, tự do và quyền bình đẳng của các dân tộc bị sát hại vào năm 1968 tại Memphis, làn sóng bạo động nổi lên khắp nơi, trong đó có Washington D.C, khiến nhiều người dân phải bỏ nhà ra đi. Đến đầu những năm 1990, sự yên bình của thủ đô Washington, D.C lần nữa lại bị xáo trộn bởi làn sóng tội phạm gia tăng, nhất là vùng Tây Nam.

Khó ai trong chúng tôi tin được sự thật rằng Washington D.C với bờ sông Potomac phủ trắng hồng hoa anh đào tháng 4 này lại từng được mệnh danh là “thủ đô tội phạm” - số tội phạm cao vào hạng nhất nước Mỹ, sánh ngang với New Orleans. Lần trước, khi tới đây, chúng tôi đã nghe chuyện một phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại đây bị cướp rút dao ở cây xăng để lột 80 USD tiền mặt giữa ban ngày. Phải mở ngoặc nói thêm là hầu hết các cây xăng ở Mỹ người mua đều tự phục vụ (trả tiền và tự bơm xăng) nên bơm xăng ở nơi vắng người không an toàn cho lắm, nhất là đối với người châu Á vì họ thường có thói quen mang tiền mặt theo người.

Thành phố đắt đỏ

Nói vậy, song tất nhiên chính phủ liên bang và cảnh sát Mỹ đã cố gắng giảm bớt tiếng xấu cho thủ đô. Năm 1991, có khoảng gần 500 vụ cướp của giết người xảy ra tại đây, nhưng đến năm 2006 thì chỉ còn 169 vụ. Nhưng người Mỹ vẫn có xu hướng không muốn tập trung về thủ đô. Vì sao? Nhà cửa ở đây chật chội hơn, giá nhà và dịch vụ cao hơn so với những khu an toàn như vùng Đông Bắc, lại thiếu chỗ đậu xe hơi và giá cả tiêu dùng cũng đắt đỏ hơn vì chịu mức thuế cao hơn, nên nhiều người làm việc tại đây chọn mua nhà ở vùng phụ cận Virginia và Maryland.

Washington D.C chủ yếu dành cho các cơ quan công quyền và khách du lịch. Ngoài các địa danh nổi tiếng như Nhà Trắng, Tòa nhà Quốc hội, nơi này còn hấp dẫn khách du lịch bởi hệ thống bảo tàng lớn và vào cửa tự do duy nhất trên nước Mỹ. Anh bạn người Việt của chúng tôi ở ngay trung tâm Washington D.C (nhà do cơ quan bên Việt Nam thuê), nhưng hàng tuần vẫn chạy xe sang bên Virginia để đi chợ. Ở Virginia có khá đông người Việt sinh sống bởi giá nhà rẻ, không gian sống rộng rãi, yên tĩnh và mỗi căn nhà ở đây như một biệt thự ở trong rừng vậy.

Các bang ở Mỹ áp dụng những mức thuế khác nhau, do chính quyền bang quyết định. Thông thường, thuế ở những thành phố lớn bao giờ cũng cao, giá cả sinh hoạt vì thế cũng đắt đỏ. Do giao thông giữa Virginia, Maryland với Washington D.C tuyệt vời nên với Christopher và nhiều người Mỹ khác thì ở Maryland mà làm việc tại Washington D.C chẳng thành vấn đề.

Dạo trên phố vắng giữa chốn thủ đô nước Mỹ trong mùa hoa anh đào mà bâng khuâng không biết vui hay buồn...

Hoa anh đào nở bên dòng Potomac

Một góc phố trung tâm Washington D.C

Nhà rao bán ở Washington D.C

(Theo THỦY PHẠM - Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Bạn Lâm Văn Triển, thực tập sinh ở Liên Hợp Quốc, đã ghi lại những hình ảnh của thành phố New York, đô thị lớn nhất thế giới.

Thành phố New York nằm ở phía đông nam tiểu bang New York, đồng thời là thành phố lớn nhất Mỹ. New York là một trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa lớn của thế giới. Đây còn là nơi đặt trụ sở của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Với 8,2 triệu dân sống trên một khu vực 830 kilomet vuông, New York là thành phố đông dân nhất khu vực Bắc Mỹ. Vùng đô thị New York với dân số xấp xỉ 22 triệu người là vùng đô thị lớn nhất thế giới.

Quảng trường Thời đại, được đặt theo tên của báo The New York Times khi tòa soạn của tờ này dọn về đây. Ở đây có nhiều quán cafe, sân khấu nhỏ và phòng quay của MTV khiến nó được chọn làm ngoại cảnh cho rất nhiều phim nhựa. Giống Quảng trường Đỏ ở Matxcơva, Champs-Elysées ở Paris, quảng trường Thời đại là một biểu tượng của New York. Nơi này cũng trở nên sống động và đặc trưng phần lớn là nhờ các đèn bảng hiệu luôn chiếu sáng.

Khu trung tâm Manhattan, sầm uất nhất New York. Manhattan chia thành hai khu đông và tây, giàu và nghèo. Các khu nhà cao tầng kéo dài liên tục, mới cũ đan xen. Xe cộ lưu thông trên đường trung tâm Manhattan rất chậm, nhưng không bị tắc đường.

Một con đường ở trung tâm Manhattan.

Vườn thực vật Brooklyn được xây dựng từ năm 1910 trên diện tích 20,8 hecta. Khu vườn có trồng khoảng hơn 12.000 loài thực vật, luôn tự hào với những loài hoa quý hiếm nhất trên thế giới.

Cây cầu Brooklyn được xây dựng năm 1869-83, để nối quận Brooklyn với Manhattan. Cầu Brookly bắc qua con sông East River và ngày nay đã trở thành cây cầu có lưu lượng giao thông lớn nhất trên thế giới.

Thư viện công cộng New York, một trong những thư viện lớn nhất Mỹ.

Thành phố New York về đêm nhìn từ cây cầu Brooklyn.

(Theo Lâm Văn Triển - VnExpress)

Hơn 1.600 chiếc đèn lồng được thắp sáng hôm qua ở Hawaii, Mỹ, để tưởng niệm những người đã thiệt mạng vì chiến tranh và thảm họa.

Đây là năm thứ 10 Hawaii tổ chức lễ thả đèn lồng, truyền thống xuất phát từ lễ hội Toro Nagashi của Nhật.

Vào ngày tưởng niệm của Mỹ (26/5) hàng năm, hàng nghìn dân khắp nơi tới công viên Ala Moana Beach Park để chiêm ngưỡng những chiếc đèn lồng Nhật Bản được thả vào lúc hoàng hôn.

Năm nay, có hơn 1.600 chiếc đèn lồng được thả, trên mỗi chiếc là tên của những người thiệt mạng vì chiến tranh, thiên tai và lời chúc yên bình ở thế giới bên kia.

Các vị sư người Nhật ngồi trên chiếc thuyền thả đèn lồng.

Lễ hội đèn lồng của Nhật có từ năm 1952, thường được tổ chức vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm.

Năm nay có khoảng 35.000 người tới xem lễ thả đèn lồng ở Hawaii.

Đèn lồng năm nay được thả vào lúc 18h tối song nhiều người đã tới công viên Ala Moana Beach Park từ rất sớm để chọn được chỗ đứng đẹp nhất.

Mai Trang (theo Reuters, Hawaii Magazine)

Người dân New York đổ tới bờ biển cuối tuần qua, tận hưởng những ánh nắng vàng rực rỡ đầu tiên của mùa hè.
Người dân New York nằm dài trên bãi cát, thư giãn và tận hưởng những tia nắng hè đầu tiên.
Bé Abigail Gallicchio, 2 tuổi, thể hiện niềm vui sướng khi chơi đùa với những nắm cát.
Con đường Coney Island dọc bãi biển tràn ngập những người đi nghỉ hè đầu tiên hôm thứ bảy vừa qua.
Vì mới đầu hè nên nước biển vẫn còn lạnh. Tuy nhiên, những người ham bơi lội khiến nhân viên cứu hộ phải dõi mắt nhìn.
Cả gia đình vui chơi trên bãi biển. Trong khi bố mẹ nằm thư giãn và tâm sự, hai anh em chơi đùa với cát.
Các thiếu nữ tranh thủ để có làn da rám nắng.
Hay tận hưởng những phút yên ả dưới ánh mặt trời đầu hè.
Nô đùa với sóng biển dù nước còn hơi lạnh.
Cùng nhau đi dạo bên mép nước.

Ngọc Sơn (theo NY Daily News)

Các trường đại học này không chỉ có chất lượng giảng dạy và học tập tốt mà còn là nơi sản sinh rất nhiều tỷ phú Mỹ. Trong danh sách các "trường tỷ phú" do tạp chí Forbes công bố, Harvard chiếm vị trí đầu bảng một cách thuyết phục.

Đại học Harvard là nơi 50 tỷ phú từng theo học, trong đó có Thị trưởng New York Michael Bloomberg và ông trùm ngành truyền thông Sumner Redstone.

Với 30 tỷ phú, Stanford đang nắm vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng. Ngôi trường này do ông trùm ngành đường sắt Leland Stanford sáng lập. Nó chính thức mở cửa vào năm 1891.

Sau Stanford, Đại học Pennsylvania về thứ ba. Trong số 27 tỷ phú thì có đến 20 người từng là sinh viên của trường kinh doanh Wharton thuộc đại học này.

Đại học Yale cũng có 19 tỷ phú từng là học viên của trường
Đại học Columbia là nơi người đàn ông giàu nhất hành tinh năm 2008 Warren Buffett từng theo học. Buffett cùng 14 tỷ phú khác đã học tập tại đây.
Xếp thứ sáu là Đại học Princeton với 13 tỷ phú. Những tên tuổi từng lớn lên tại giảng đường của ngôi trường này có người sáng lập Amazon Jeff Bezos và nhà tài phiệt Carl Icahn.
Đại học New York với 10 tỷ phú đang nắm giữ vị trí thứ 7.
Xếp cùng vị trí thứ 7 là Đại học Chicago. Người sáng lập Morningstar Joseph Mansueto từng theo học tại trường này.

Quỳnh Mai (theo Forbes)