Nếu học Cao đẳng Cộng đồng, bạn có thể mất tới 20.000 USD cho một năm. Nếu muốn theo tiếp bậc đại học, con số này sẽ tăng lên gấp ba lần.

Nếu không có người thân hoặc người quen nơi bạn sắp đến, bạn không thể tránh khỏi sự lạc lõng, bỡ ngỡ, khó khăn lúc ban đầu. Tuy nhiên, đừng lo, người Việt ở Mỹ bây giờ nhiều lắm, tập trung nhiều nhất tại California, Seattle, Texas, Washington D.C., Florida. Sẽ không khó cho bạn tìm được sự giúp đỡ từ họ, phụ thuộc vào sự dễ thương, lịch sự, lễ phép của bạn.

du hoc o my

Ban đầu, nếu bạn chưa tìm được nơi ở, trường học nơi bạn ghi danh sẽ giới thiệu cho bạn một vài địa chỉ cho bạn share phòng ở chung với họ. Những nơi này cho share phòng từ 300 USD - 600 USD tùy thuộc giá cả sinh hoạt cao, thấp của từng tiểu bang và quy định của chủ nhà. Có nơi tính riêng từng khoảng chi phí, ví dụ như: tiền phòng 300 USD + điện nước rác 50 USD + tiền ăn 100 USD + Internet 40 USD = 540 USD tổng cộng. Có nơi bao ăn, bao ở, bao chi phí sinh hoạt = 600 USD - 650 USD/tháng. Cũng có nơi không bao ăn, share một phòng dao động từ 300 USD - 450 USD.

Mướn riêng một căn apartment (căn hộ chung cư một hoặc hai phòng) cho thoải mái sẽ chịu chi phí cao hơn. Căn một phòng tối thiểu từ 600 USD chưa tính chi phí điện + nước + điện thoại. Căn hộ hai phòng khoảng 1.200 USD. Xin nói thêm đây chỉ là giá cả chi phí ở thành phố Seattle, Washington. Chi phí ở California đắt hơn, đặc biệt ở Los Angeles, San Francisco. Thường các gia đình Việt Nam có nhà ở gần trường học hay cho share phòng kiếm thêm thu nhập. Bạn có thể hỏi dò thông tin qua các du học sinh ở trường hoặc tìm kiếm các tờ rao vặt bằng tiếng Việt dán loanh quanh văn phòng ghi danh nhập học.

Ở với người Việt sẽ rẻ hơn nếu bạn share tiền phòng với một hoặc hai bạn khác. Có nơi chỉ tính 450 USD/phòng/2 người + thêm một người chỉ phải trả thêm 50 USD tiền điện nước rác. Chịu khó ở chật một tí sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, ở với người Việt bạn sẽ mất đi cơ hội trau dồi tiếng Anh nếu đem so sánh với gia đình Mỹ. Người Mỹ tử tế lắm, ở chung với họ bạn sẽ được họ giúp đỡ đủ thứ: đưa đi xin giấy tờ, hướng dẫn đường xe bus, nói tiếng Anh với bạn. Bạn không giỏi tiếng Anh? Đừng lo, người Mỹ hay lắm, bạn hoa chân múa tay, diễn tả thế nào họ cũng sẽ tìm cách để hiểu bạn.

Qua Mỹ, bước đầu nếu không có người thân dĩ nhiên bạn sẽ phải dùng phương tiện xe bus. Sẽ rất dễ bị lạc nếu bạn không biết rõ nơi bạn sắp đến để ra hiệu tài xế ngừng xe, hoặc số của chuyến xe mà bạn phải đón. Việc đầu tiên phải học cách coi lịch xe bus, mấy giờ có chuyến, cách bao lâu sẽ có chuyến kế tiếp (phòng khi bị trễ chuyến). Kế tiếp cẩn thận vào Internet kiểm tra xem chuyến xe bạn cần phải đón số mấy cho mỗi chuyến đi. Nói chung "đường đi là ở cửa miệng" nên bạn nhớ phải hỏi han cẩn thận nếu không muốn bị đi lạc.

Tiếng Anh là yếu tố quan trọng trong việc thành công ở xứ người. Bạn không phải lo về vốn liếng tiếng Anh "trẻ con" của bạn. Đến Mỹ, bạn sẽ học tiếng Anh từ đầu, đôi khi còn tốt hơn vì bạn chưa bị "hư giọng" bởi cách phát âm tiếng Anh khác biệt ở trong nước. Tôi có biết một vài thầy/cô giáo dạy tiếng Anh ở Việt Nam khi qua đến Mỹ phải mất một thời gian không ngắn để nghe và nói được cho người Mỹ hiểu đấy! Các bạn còn trẻ, khả năng tiếp thu tiếng nước ngoài nhanh lắm, đừng lo. Có điều bạn phải cố gắng tận dụng mọi cơ hội khi ở Mỹ để trau dồi tiếng Anh. Kết bạn Mỹ, coi phim Mỹ có phụ đề Anh ngữ, tiếp xúc với người Mỹ khi có dịp.

Đừng ngại người khác cười vì vốn liếng tiếng Anh ít ỏi của bạn, bạn có phải là người Mỹ đâu, nói được cho Mỹ hiểu là giỏi rồi. Nói câu này họ không hiểu, tìm câu khác thế vào, nếu cần ra dấu cũng được, họ sẽ chịu khó đoán và nói lần theo ý bạn. Đây là lúc bạn học được một câu tiếng Anh để sử dụng trong trường hợp này rồi đó. Người Mỹ rất thích tìm hiểu tính cách và văn hóa của người nước ngoài. Họ sẽ vui vẻ hướng dẫn tiếng Anh cho bạn để được nói chuyện và tìm hiểu văn hóa của nước bạn.

Tiền học phí cho du học sinh rất cao, gấp ba lần so với dân địa phương. Người địa phương như chúng tôi hồi mới sang Mỹ còn được chính phủ trợ cấp tiền học, tiền sách vở và tiêu xài cho đến khi tốt nghiêp đại học. Nhưng bạn thì không, bạn phải đóng tiền cho dù học Anh Văn ở level 1 cũng xấp xỉ 3.000 USD/quarter 3 tháng. Một năm có ba quarter, không tính khóa học mùa hè cũng đã ngốn hết của ba mẹ bạn hết 9.000 USD cộng với tiền bảo hiểm sức khỏe, sách vở vậy là 10.000 USD một năm. Bên cạnh đó, chi phí ăn ở, tiêu xài rẻ nhất cũng 600 USD/tháng, nhân lên 12 tháng là 7.200 USD. Ngoài ra, bạn cần tiền đi chơi, ăn nhà hàng, quần áo ... vị chi bạn mất 20.000 USD/năm để học đại học cộng đồng. Nếu bạn học hành chăm chỉ để lên tới cấp đại học thì chi phí sẽ lại nhân lên gấp ba. Tiền học ở bậc này là từ 30.000 USD - 45.000 USD cộng chi phí ăn ở, tiêu xài thêm 12.000 USD/năm. Nếu ba mẹ bạn là "đại gia" thì miễn bàn.

Các bậc cha mẹ có ý định cho con sang Mỹ học nên tính toán kỹ lưỡng khả năng tài chính của mình. Tôi biết có một vài trường hợp du học sinh, khi sang Mỹ cha mẹ họ chỉ chuẩn bị chi phí cho đúng một năm học thôi với hy vọng con mình sẽ tìm được việc làm để tự trang trải cho những năm kế tiếp. Tính toán này có thể chấp nhận được trong thời kỳ kinh tế Mỹ đang phồn thịnh. Việc làm ở nhà hàng Việt tràn lan, có thể đi làm chui kiếm hơn 2.000 USD/tháng nếu siêng năng. Nhưng với tình trạng kinh tế tuột dốc thảm hại hiện tại, sở thuế Mỹ truy lùng ráo riết những cơ sở kinh doanh mướn nhân viên chui trả tiền mặt (paid cash), để ngăn chặn tình trạng thất thoát tiền thuế lẫn công việc làm cho người dân địa phương, kiếm được một chân rửa chén, chạy bàn, hay xếp dọn ở chợ chẳng dễ dàng chút nào. Có em du học sinh loay hoay mãi chẳng kiếm được tiền đóng học phí, cuối cùng đành quay về Việt Nam, dang dở việc học, thật tội nghiệp.

Đó chỉ là trường hợp đang những du học sinh chăm chỉ học tập. Một số du học sinh không nhỏ, đi Mỹ chỉ vì đua đòi, muốn bằng được bạn bè, hãnh diện với hàng xóm. Con số này qua đến Mỹ chẳng thiết tha việc học hành, ngày ngày rủ nhau đi ăn, đi chơi, đi shopping tóc nhuộm mỗi tuần mỗi màu, xăm mình, xỏ tai, xỏ mũi, xỏ mặt.... thật kinh khủng. Các bậc cha mẹ ở cách xa nửa vòng trái đất không có cơ hội bay sang thăm con, lâu lâu gọi sang nghe con than thở khóc lóc nhớ nhà, cuộc sống một mình ở xứ người thật vất vả, lại gửi thêm tiền qua an ủi. Có biết đâu các cô/cậu quý tử của họ bên này sống chung đụng từng cặp như vợ chồng. Đi ăn chơi 2,3 h sáng mới chịu về nhà. Mỗi một level ESL (English as a Second Language) lại "đúp" lớp một lần. Học ròng rã ba năm vẫn chưa qua được level ENG .

Lời thật hơi khó nghe, nếu có đụng chạm xin được miễn thứ. Tôi chỉ muốn đóng góp vài kinh nghiệm, hy vọng các bạn hình dung được những khó khăn, thuận lợi, cũng như những đua đòi vấp ngã khó cưỡng được khi rời vòng tay gia đình, một mình đến đất nước của cơ hội.

Người Việt ở Seattle
Theo VnExpress (Thế giới) - Ngày 27-8-2010

Sau khi kết thúc chuyến du lịch khám phá bờ Đông nước Mỹ tại Washington DC, thay vì bay về California thăm thân nhân như dự tính ban đầu, chúng tôi tiếp tục theo tour của Công ty Du lịch Hoàn Mỹ đi vòng lên phương Bắc để đến Buffalo tham quan thác Niagara - kiệt tác thiên nhiên và là niềm tự hào của hai quốc gia Mỹ - Canada.

Trên quãng đường hơn 600km, trải dài qua địa phận của ba bang từ Virginia, Pennsylvania cho đến New York, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, những điền trang thơ mộng nép mình dưới chân đồi, những dòng suối trông như dải lụa trắng vắt qua sườn đồi...

Thời tiết đang chuyển mùa từ hè sang thu, cây lá cũng chuyển dần từ màu xanh mơn mởn sang màu vàng nhạt, vàng mơ, vàng chanh, hoàng yến rồi đến đỏ tươi, đỏ rực, đỏ thẫm, đỏ tía. Cảnh vật hai bên đường chẳng khác nào một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với vô số sắc màu lộng lẫy.

Buffalo xưa và nay

kiet tac Niagara

Buffalo - thành phố hiền hòa nằm soi bóng bên dòng sông Niagara

Buffalo là thành phố nằm ở bờ Đông hồ Erie, ngay tại điểm đầu của sông Niagara. Dòng sông này cũng là biên giới tự nhiên của bang Ontario của Canada và bang New York của Mỹ. Vì Buffalo là một trong những thành phố đầu tiên của nước Mỹ có nhà máy thủy điện nên biểu tượng của thành phố Buffalo là 13 tia lửa điện, tượng trưng cho 13 bang của Hoa Kỳ. Sau nhiều lần thay đổi, biểu tượng này mới được chính thức công nhận từ năm 1924.

Vốn là vùng đất của người da đỏ Iroquois, thành phố Buffalo và thác Niagara được nhà thám hiểm người Pháp Louis Hennespin khám phá từ năm 1680. Nhìn vẻ đẹp của dòng sông Niagara, người Pháp đã gọi vùng đất này là "belle", có nghĩa là dòng sông đẹp. Tên gọi ấy sau này đã được đọc thành Buffalo.

Được thành lập từ năm 1832, thành phố Buffalo là một trung tâm đường sắt và đường thủy quan trọng của nước Mỹ, với cảng sông nối liền khu vực Ngũ Đại Hồ với Đại Tây Dương, qua kênh đào Erie được xây dựng từ năm 1825. Vào năm 1900, Buffalo từng là nơi sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Cho đến năm 1957, khi Canada mở ra con đường thủy mới nối Ngũ Đại Hồ và cảng Saint Laurent, sức mạnh giao thông thủy và công nghiệp nặng của Buffalo đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, ngày nay, Buffalo vẫn còn là trung tâm đường sắt lớn thứ hai ở Mỹ, chỉ xếp sau Chicago.

Điểm hẹn của người ưa mạo hiểm

kiet tac Niagara2

Cụm thác Niagara được chiếu sáng bởi hàng vạn bóng đèn cao áp, tạo nên những sắc màu lung linh, huyền ảo

Từ Buffalo về hướng Đông Bắc khoảng 10km là đến thác Niagara thuộc loại lớn nhất thế giới. Niagara bắt nguồn từ ngôn ngữ của người da đỏ Neutral có nghĩa là "Sự gầm thét của nước" và có đến tận nơi, nghe tiếng thác đổ, mưa bắn xa cả cây số chẳng khác gì thần sấm đang nổi giận mới thấy hết ý nghĩa của tên gọi này.

Trong tài liệu ghi chép đầu tiên về thác Niagara vào năm 1683 của nhà truyền giáo người Pháp, linh mục Louis Hennepin cũng viết rằng: "Người thổ dân da đỏ vốn mê tín luôn tin rằng tiếng gầm thét của dòng thác Niagara, nhất là trong lúc mưa to gió lớn, cách xa 15 dặm còn nghe thấy, khác nào sự nổi giận của các thần dữ".

Thác Niagara được viết với số nhiều có nghĩa là không phải chỉ có một thác mà nơi đây có đến ba thác: Thác Móng ngựa (Horseshoe Falls) hay còn được gọi là thác Canada vì nằm trên phần đất quốc gia này, là thác đẹp và hùng vĩ nhất (rộng 792m và cao 53m), kế đến là thác Mỹ (American Falls) nhỏ hơn và một thác nhỏ khác nằm cạnh bên là thác Khăn voan cô dâu (Bridal Veil Falls) đều bên phần đất Mỹ.

kiet tac 1

Địa điểm ngắm thác Móng ngựa đẹp nhất từ phía bờ Mỹ là công viên Terapin Point trên đảo Dê

Đảo Dê (Goat Island) ngăn cách thác Móng ngựa và cũng là đường biên giới giữa Mỹ và Canada. Tốc độ nước chảy ở đây rất mạnh, khoảng 65km/g chính vì vậy dòng nước bào mòn các tầng đá vôi với tốc độ khá nhanh. Ngày nay, thác Móng ngựa do nước bào mòn đã mở rộng thêm 1/3 thác sang phía Mỹ. Những người Mỹ lạc quan cho rằng với tốc độ này, chẳng bao lâu 1/2 thác Móng ngựa sẽ thuộc về mình.

kiet tac 2

Thác Canada có hình vòng cung như chiếc móng ngựa nên còn gọi là thác Móng ngựa

kiet tac Niagara4

Thác Mỹ và thác Khăn voan cô dâu nhỏ xíu nằm kế bên

Người Mỹ và Canada vốn nổi tiếng thế giới về các trò mạo hiểm và thác Niagara chắc chắn là nơi thử thách lý tưởng của những người dám thách đố với tử thần. Báo chí Mỹ năm 1829 đưa tin về Sam Patch - một người Mỹ đến từ Rhode Island - là người đầu tiên phi thân từ trên đảo Dê xuống dòng sông Niagara và sống sót, mở ra "truyền thống" vượt thác.

Năm 1859, Jean Francois Gravelet (hay còn gọi là Blondin vĩ đại) vượt qua sông Niagara chỉ với một cây sào. Năm 1901, cô giáo 63 tuổi ở bang Michigan tên là Annie Edson Taylor đã là người đầu tiên vượt thác trong một cái thùng, bà này cũng sống sót.

Trong suốt gần hai thế kỷ, không biết bao nhiêu người đã mạo hiểm đến đây, thử sức với thiên nhiên, thách thức với tử thần, hy vọng sẽ trở nên nổi tiếng, đem lại cho họ danh vọng và tiền tài, nhưng phần lớn đều bỏ mạng.

Để ngăn chặn việc này, chính phủ hai nước Mỹ - Canada đã ra luật cấm tự tiện thực hiện những trò mạo hiểm ở đây. Vậy mà một sự kiện kỳ diệu xảy ra ngày 9-7-1960, cậu bé 7 tuổi người Mỹ Roger Woodward đã sống sót sau khi rơi từ trên đỉnh thác Móng ngựa chỉ với một chiếc áo phao. Sự sống sót khó tin của cậu đã được đưa tin khắp thế giới.

Thay da đổi thịt

Thác Niagara còn gắn với một giai đoạn lịch sử bi hùng của nước Mỹ, khi chính ở đây đã tồn tại những con đường bí mật được gọi dưới cái tên lóng là "đường sắt ngầm", nơi từ năm 1820 đến 1850, ít nhất là 30 ngàn người nô lệ da đen ở các bang ở miền Nam nước Mỹ thoát qua Canada.

Vào thời kỳ nội chiến 1861-1865, rất nhiều người da đen trong số này đã trở về đầu quân cho liên minh miền Bắc, để chiến đấu và giải phóng cho những người anh em của họ còn đang bị làm nô lệ ở miền Nam.

Đến thăm thác Niagara, dường như những ký ức lịch sử đã lùi lại rất sâu đằng sau cái vẻ xa hoa và rực rỡ của ngày hôm nay. Các tập đoàn khách sạn lớn như Hilton, Marriott, Sheraton đều mạnh tay đầu tư vào khu vực này, xây dựng không chỉ một mà rất nhiều khách sạn và khu vui chơi giải trí.

Vì vậy, mặc dù Niagara không cao như thác Angel ở Venezuela hay rộng như thác Inga ở Congo nhưng do được đầu tư xây dựng cũng như quảng bá tiếp thị tốt, hệ thống cơ sở hạ tầng tuyệt hảo cho nên lượng khách du lịch đến đây rất lớn. Mỗi năm, thác Niagara đón tiếp hơn 20 triệu khách du lịch, đem lại nguồn thu hàng tỉ USD.

kiet tac Niagara5

Thác Niagara

Du khách hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng chính thác Niagara mới được mệnh danh là thủ đô trăng mật của thế giới chứ không phải là Hawaii (Mỹ), Paris (Pháp) hay Venice (Ý). Một điểm rất thú vị khác là thác Niagara đẹp cả bốn mùa, mỗi mùa một vẻ. Mùa xuân cây lá đâm chồi nảy lộc, băng tuyết vùng phía Bắc tan cũng là mùa nước lớn. Mùa hè, cầu vồng xuất hiện suốt ngày. Mùa thu lá đổi màu dọc hai bên bờ tạo nên một bức tranh màu sắc tuyệt hảo. Mùa đông, hơi nước do thác chảy bay lên bám vào các cành cây, vách đá, các công trình kiến trúc sau đó đóng băng lại, trông tựa như thành phố băng tuyết trong các câu chuyện cổ tích.

Nhiều loại hình giải trí hấp dẫn

kiet tac Niagara6

Chiếc thuyền Mail of the Mist đối mặt với dòng thác hung hãn

Khi vừa đặt chân đến thác Niagara, chúng tôi bị cuốn hút ngay bởi khung cảnh hùng vĩ pha lẫn nét quyến rũ cả ban ngày lẫn ban đêm. Thác nước tung bọt trắng xóa dưới ánh nắng tạo nên những sắc cầu vồng lúc ẩn, lúc hiện. Khi màn đêm buông xuống, hệ thống đèn cao áp với nhiều sắc màu chiếu vào làm khung cảnh của thác trở nên lung linh, huyền ảo tựa như cầu vồng xuất hiện về đêm vậy.

Địa điểm ngắm thác nước đẹp nhất là bên bờ Canada vì vậy ngay cả người Mỹ cũng thường sang để ngắm thác. Các nhà đầu tư cũng vậy, đổ tiền đầu tư phía bên bờ Canada nhiều hơn bên Mỹ, nếu bạn có cơ hội tham quan cả hai bên bờ sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng. Khung cảnh bên Canada náo nhiệt, sôi động hơn hẳn, đường phố đầy ắp khách du lịch nhất là khu Clifton Hill, có đến hai casino được mở ngay sát cạnh nhau mà lúc nào cũng đông khách.

Đến đây, phần lớn du khách chọn cách đi bộ tham quan quanh bờ thác, nằm phơi mình tắm nắng bên thảm cỏ nghe tiếng thác đổ hoặc thử cảm giác mạnh bằng cách xuống con tàu hai tầng mang tên Maid of the Mist (Nàng trinh nữ của xứ sở sương mù), để ra giữa dòng sông và tiếp cận sát chân nước đổ của Niagara hùng vĩ.

Theo NGUYỄN THẾ KHẢI
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

icon_contentChương trình tour tham khảo: