Giữa thành phố Los Angeles có một nghĩa địa dành cho... chó. Nó giống như những nghĩa địa dành cho người ở Mỹ, nghĩa là không có mộ mà chỉ có bia. Hàng ngàn tấm bia đá thẳng tắp, trên mỗi tấm có khắc tên, năm sinh và năm... từ trần của chó. Có nhiều ngôi mộ cắm hoa tươi và có hình, thậm chí có cả bức tượng của con chó.

Sướng như chó

nghia dia cho

Nghĩa địa chó ở Los Angeles. Ảnh: Võ Đắc Danh

Một người Mỹ mới quen, chị Jacqueline cho biết, người Mỹ vĩnh biệt con chó cũng xúc động như vĩnh biệt một con người. Nhà chị Jacqueline nuôi năm con chó, mấy năm trước có một con bị ung thư máu, theo tập quán của người Mỹ thì họ có thể mang đến bệnh viện thú y nhờ tiễn nó đi bằng một liều thuốc, nhưng vợ chồng chị không nỡ nên phải thay máu cho nó hết 10.000 USD.

Chúng tôi vào một trung tâm thương mại dành riêng cho chó rộng hàng mấy hecta - gọi là petsmart - ở đây họ bán hàng trăm mặt hàng từ thức ăn đến đồ chơi và các vật dụng phục vụ cho chó như nhà ở, giường ngủ, chăn, nệm..., có cả phòng mạch, thẩm mỹ viện, nhà trẻ và khách sạn dành cho chó. Nếu cả gia đình đi du lịch, người ta sẽ đưa chó vào gởi cho khách sạn với giá từ 50 USD một con trong vòng 24 giờ. Trong petsmart còn có một nơi gọi là viện mồ côi chó. Chị Jacqueline giải thích, ở Mỹ, hầu như nhà nào cũng nuôi chó, nhưng khi người ta mất việc làm thì cũng có nghĩa là bị mất nhà, nhất là trong những năm gần đây, khi kinh tế Mỹ suy thoái thì tình trạng gia chủ bị ngân hàng thu hồi nhà xảy ra như cơm bữa. Và dĩ nhiên, chó cũng mất nhà và mất luôn cả chủ! Chính phủ quy định không để xảy ra tình trạng chó vô chủ lang thang ngoài đường nên xe bắt chó có nhiệm vụ đi gom chúng vào viện mồ côi, ở đó chúng được chăm sóc chu đáo cho đến khi ai đó có nhu cầu nuôi chó thì đến làm thủ tục xin nhận về. Và, chị Jacqueline cho biết, trong năm con chó nhà chị chỉ có một con là phải tốn tiền mua, bốn con còn lại chị xin từ viện mồ côi.

Vui như chim

Ở thành phố El Monte thuộc quận Cam có một khu vực được gọi là "thế giới của loài công". Trên các đường phố, hàng ngàn con công nhảy múa, ca hát, kêu la inh ỏi giữa khu dân cư. Anh Trường, người quen lái xe đưa chúng tôi dạo chơi cho biết: "Chúng cứ kêu la cả ngày lẫn đêm như thế, ai không chịu được thì dời nhà đi nơi khác chớ không được quyền đụng đến chúng, vì đây là thế giới riêng của chúng, luật đã quy định như thế. Chúng có thể vào tận nhà anh, hoặc leo trèo lên cây, hoặc ngủ, hoặc múa, hoặc hát trước hành lang. Nhưng nếu anh vì bực mình mà xâm phạm đến chúng là cảnh sát tới tóm anh ngay. Thậm chí anh không được quyền ném thức ăn cho chúng, người ta sẽ nghi ngờ anh bỏ thuốc độc hoặc thức ăn của anh không bảo đảm "an toàn vệ sinh thực phẩm cho chim công". Việc ăn uống, phòng bệnh, chữa bệnh cho chúng đã có nhân viên chính phủ chăm sóc mỗi ngày".

Ở Mỹ, chim với người sống thân thiện với nhau đến mức hầu như không còn khoảng cách. Loài quạ đen ở nước ta gần như tiệt chủng, nhưng ở Mỹ chúng có mặt khắp mọi nơi, từ bờ biển, đồng quê đến trung tâm các thành phố lớn. Còn loài vịt trời quê tôi thường làm ổ đẻ trứng giữa đồng năng vào khoảng tháng sáu âm lịch, mỗi ổ trên 20 trứng, to như trứng gà. Đã mấy chục năm rồi, loài chim này đã bị lãng quên trong ký ức, không phải do thời gian mà do chúng đã vắng bóng trên đồng ruộng quê mình. Bất ngờ tôi gặp lại chúng sau hơn ba mươi năm với khoảng cách không gian bằng nửa vòng trái đất, trước Nhà Trắng, giữa thủ đô Washington. Hàng trăm con bơi lội, lặn hụp, tung bay trên mặt hồ xanh biếc, chúng thản nhiên hoà quyện với hàng ngàn du khách mà chẳng chút sợ hãi như những chú le le từng bị tôi rượt đuổi thuở thiếu thời.

Đi vào một chợ chim, thấy tôi trầm trồ ngạc nhiên với giá một con chim két lên đến 5.000 USD, Trường nói có gì lạ đâu, nếu anh mang được con chích choè lửa sang đây anh sẽ bán được giá 4.000 USD. Tôi lại ngạc nhiên: giá một con chích choè lửa ở Sài Gòn cao lắm cũng chỉ bốn triệu đồng.

Rồi như một sự trùng hợp tình cờ, mấy ngày sau tờ nhật báo Việt Herald đưa tin: một người Mỹ gốc Việt tên Sony Đông vừa bị toà án California tuyên phạt 20 năm tù giam về tội nhập lậu 14 con chim chích choè lửa từ Việt Nam. Ông Đông đã dùng vải quấn 14 con chim và cột nó trong ống quần, mỗi bên bảy con và anh đã bị nhân viên hải quan phát hiện khi vừa xuống phi trường Los Angeles.

Người ta hay nói nước Mỹ là biểu tượng của thế giới tự do, nhưng vì sao tội nhập lậu 14 con chim lại bị xử phạt tương đương với tội giết người? Anh Trường giải thích, 14 con chim ấy có thể mang mầm bệnh cúm từ châu Á, nó có thể làm tuyệt chủng các loài chim ở Mỹ, nơi tội phá hoại môi trường được xếp ngang với tội giết người. Theo luật của liên bang, muốn mang động vật hoang dã vào Mỹ phải xin giấy phép trước, con vật phải được cơ quan y tế xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận an toàn. Tất nhiên là chi phí cho quy trình thủ tục này rất lớn. Và ông Đông có thể không kiếm được tiền lời nếu phải làm đúng thủ tục cho 14 con chích choè lửa kia.

Quyền của thú

chi Jac

Chị Jacqueline với con két trị giá 5.000 USD Ảnh: Võ Đắc Danh

Tình cờ tôi quen với anh Võ Hùng Danh - một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học - Danh lái xe chở tôi từ Ohio đi West Virginia xuyên qua những con đường rừng, thỉnh thoảng gặp biển báo giao thông với hình con nai đang chồm tới, có nghĩa là tài xế hãy cẩn thận với khu vực có thú rừng qua đường, thế nhưng trên đường lại la liệt nào nai, heo rừng, nào chồn, cheo, nào dúi... bị xe cán chết. Danh nói có khi xe đang chạy, một con nai to lao ra, sừng cắm vào kính xe, đâm thẳng vào ngực tài xế. Cô Hồng Vân, một sinh viên cùng đi với chúng tôi kể, có lần cũng trên con đường này, một đoàn xe bị kẹt nối dài chỉ vì chờ một con rùa bò qua đường. Tôi hỏi sao tài xế không xuống xe hốt nó ném vô rừng mà phải chờ, Vân nói làm vậy là xâm phạm đến quyền của nó, tức là phạm luật! Tôi hỏi những con thú bị xe cán chết thì sao? Vân nói đó là trường hợp bất khả kháng, coi như không phạm luật, thậm chí anh có thể đem những con thú tử nạn về ăn thịt cũng không sao, nhưng nếu anh xẻ thịt nó mang đi bán thì anh bị phạt, thậm chí bị bỏ tù.

Danh nói ở Mỹ mỗi năm người ta được phép săn nai từ tháng 10 đến giữa tháng 11, tức vào thời kỳ nai không sinh sản. Nhưng người đi săn phải có giấy phép và phải tuân thủ các quy định của pháp luật, ví dụ như tuần lễ đầu anh chỉ được săn bằng cung tên (lúc ấy nai đi thành đàn, dễ săn), tuần thứ hai được săn bằng súng bắn tên, tuần thứ ba bằng súng trường, thời gian còn lại anh mới được phép bắn đạn chài.

bài và ảnh: Võ Đắc Danh

Theo lời mời của ông Nguyễn Thế Khải - giám đốc công ty du lịch Hoàn Mỹ - đầu tháng tư qua, nhà văn kiêm đạo diễn phim tài liệu Võ Đắc Danh - phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị - đã sang Mỹ thực hiện một loạt phim tài liệu về văn hoá Mỹ.
diemhencuajacklondon

Bức tượng Jack London trên bến cảng Oakland.

Tuy nhiên, theo Võ Đắc Danh thì với thời gian gần hai tháng hành trình qua bảy tiểu bang, ống kính camera chỉ có thể ghi nhận được những gì thuộc bề nổi của tảng băng văn hoá 300 năm của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Những gì ống kính không thể ghi nhận được lại chính là những điều anh tâm đắc nhất. Và đó chính là những câu chuyện anh kể với chúng ta trong loạt ký sự sau đây.

Cách nay khoảng bốn năm, tôi có nghe GS.BS Nguyễn Chấn Hùng say sưa kể về một chuyến đi Mỹ, rằng ông không thể kềm chế được cảm xúc khi đến quảng trường Jack London trên bến cảng Oakland, bất ngờ gặp bức tượng của chính nhà văn mà ông từng ngưỡng mộ cùng với tượng con chó Buck, nhân vật chính trong tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã, một tác phẩm mà ông đã mê từ thuở thiếu thời.

Cho nên, trước khi lên đường, tôi nói với anh Khải rằng, bằng mọi giá, phải có những đoạn phim tư liệu về quảng trường Jack London.

Căn chòi của một đại văn hào

Từ San Jose chúng tôi đến cảng Oakland, trời mưa tầm tã. Đây rồi, quảng trường Jack London, bức tượng của ông đứng nghiêng người về phía trước với tư thế vừa đi vừa chịu đựng dưới mưa giông, sau lưng ông là vịnh Oakland, tấp nập du thuyền, trước mặt ông là con chó Buck với tư thế lầm lì, nhẫn nhục. Cả hai bức tượng đều mang nét sần sùi, sần sùi như chính cuộc đời bôn ba của họ, sần sùi bởi mưa nắng của thời gian.

Bên cạnh con chó là một căn chòi gỗ cổ xưa, căn chòi chỉ chừng vài chục mét vuông, cỏ phủ trên mái gỗ và một thảm cỏ mọc trước sân. Anh Khải nói đây là căn chòi của Jack London được chuyển về từ thành phố Dawson, thuộc lãnh thổ Canada, vào năm 1968. Jack London đã sống hai năm trong căn chòi này với công việc tìm vàng và sáng tác. Phải chăng chính những năm tháng nghiệt ngã ở đây đã cho ông chất liệu độc đáo trong truyện ngắn Tình yêu cuộc sống và những tác phẩm liên quan đến thân phận của người đi đào vàng?

Phía trước căn chòi có tấm bảng cho biết: năm 1968, Russ Kingman, một doanh nhân ở Oakland với lòng ngưỡng mộ Jack London đã dẫn đầu một đoàn thám hiểm đến miền Alaska hoang dã để xác thực về một căn chòi nhỏ được khám phá trong rừng trên ngã ba phía bắc của Henderson Creek. Kingman mang theo Ralph Godfrey, một chuyên gia về chữ viết tay từ "Bộ phận quan sát chi tiết giả mạo" của sở cảnh sát Oakland, họ cùng nhau xác minh chữ ký của Jack London đã bị xoá bỏ trên trần nhà.

Sau đó, căn chòi được chính phủ cho phép tháo rời, đóng gói vận chuyển khỏi khu rừng và được chia làm đôi: một nửa đến thành phố Dawson, Canada và một nửa được mang về cảng Oakland. Hai căn chòi được nhân rộng từ chất liệu của bản gốc và bây giờ cả hai thành phố đều có hai căn chòi của Jack London giống hệt nhau, ngay cả phần vật dụng trong chòi như bếp lò, dây thừng, da thú... cũng được chia đôi. Người ta đã công bố đây chính là di sản của Jack London và được rao bán đấu giá 260.000 USD với điều kiện người mua không được dời nó đi nơi khác.

Tình cờ, chúng tôi kéo nhau vào trú mưa trong một cái quán nhỏ có tên Heinold's, phía trên có dòng chữ Jack London's Rendez-vous (Điểm hẹn của Jack London), bên cạnh căn chòi của Jack London, dưới chân một toà cao ốc. Cái quán bằng gỗ xưa, ánh sáng lờ mờ, nền nghiêng về một phía, lại vừa chật hẹp đủ cho ba chiếc bàn, một quầy bar. Trong quán trưng bày ngổn ngang đồ cổ: bếp dầu, máy chiếu phim, máy nghe nhạc, đồng hồ, các vật dụng trang sức cổ...

Người chủ quán cho biết, anh là cháu đời thứ tư của người sáng lập quán rượu J.M. Heinold's lịch sử có một không hai trên thế giới này, cách nay đã 127 năm. Thoạt tiên, vào năm 1880, nó là nhà nghỉ trưa của công nhân, được xây dựng từ gỗ của một con tàu đánh cá voi. Ba năm sau, tức năm 1883, ông Johnny Heinold mua lại với giá 100 USD và thuê thợ mộc sửa thành quán rượu phục vụ thuỷ thủ.

Những năm đầu của thế kỷ 20, có một chuyến phà chạy từ Alameda sang Oakland và đậu gần quán Heinold's nên nó trở thành điểm dừng chân của đông đảo khách qua phà. Những năm tiếp theo, Heinold's trở thành điểm thư giãn của các nhà văn, nhà chính trị, nhà thám hiểm và những du khách hạng sang của Hoa Kỳ, trong đó có luật sư William Howard Taft, tổng thống thứ 27 của nước Mỹ.

diemhencuajacklondon1

Hàng ngàn tờ giấy bạc vẫn nằm im trên vách gỗ.

Nhưng, có lẽ dấu ấn lịch sử của Heinold's vẫn là sự có mặt của văn hào Jack London. Thời niên thiếu, Jack London từng tâm sự với Johnny Heinold rằng ông khát khao được vào đại học California và trở thành nhà văn. Johnny đã cho London vay tiền đóng học phí, nhưng chưa hết năm thứ nhất thì ông bỏ học và trở lại quán Heinold's.

Tại đây, Jack London tiếp cận với những câu chuyện của giới thuỷ thủ, những công nhân bốc vác, những bi kịch và lòng dũng cảm của những con người luôn đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đối mặt với cái thiện và ác đã cho ông những chất liệu văn học vô giá.

Theo người chủ quán thì tại Heinold's, Jack London đã cho ra đời ít nhất 17 tác phẩm, trong đó có Tiếng gọi nơi hoang dã và Sói biển. Trong tiểu thuyết Sói biển, Jack London đã "lấy mẫu" từ một con người có thật mà ông từng tiếp cận trong quán này, đó là thuyền trưởng Alexander Melean, một người độc ác đến nỗi các thuỷ thủ đặt tên cho con tàu của ông ta là con-tàu-địa-ngục!

Những người lính thuỷ không trở lại

Người chủ quán không cho chúng tôi biết Jack London rời khỏi quán từ năm nào. Cái chết của Jack London năm 1916 mang nhiều bí ẩn sau khi ông đã thoát khỏi kiếp nghèo bằng chính những tác phẩm của mình. Cuộc đời ngắn ngủi kết thúc ở tuổi 40, nhưng sự nghiệp của Jack London thì không ai bì được với hơn 50 tác phẩm gây ám ảnh cho nhân loại về cái thiện, cái ác, ngồn ngộn những thân phận con người.

Nhưng dẫu sao, Jack London ra đi và đã trở về cùng với con chó Buck và ngôi nhà cổ để nơi đây mãi mãi là Điểm hẹn của Jack London. Còn hàng ngàn người khác đã đến Heinold's và đã hẹn trở về? Người chủ quán cho biết, khi thế chiến thứ hai bùng nổ, những người lính hải quân Mỹ trước khi rời Oakland để xuống tàu đi Trân Châu Cảng, họ đã dừng chân ở đây, uống rượu và gởi lại tờ giấy bạc có chữ ký của mình với lời hẹn ngày trở về sẽ có sẵn tiền mua rượu uống tiếp. Nhưng đến nay, đã sáu thập niên trôi qua, hàng ngàn tờ giấy bạc ấy vẫn nằm im lìm trên vách ván: họ đã không về!

bài và ảnh: Võ Đắc Danh