Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2008, lượng khách đi tour Mỹ tại Công ty DL Hoàn Mỹ đã tăng gấp đôi so với những tháng trước Tết và tăng gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung bình, mỗi tháng Hoàn Mỹ có ít nhất 3 đoàn khách lẻ (45 - 50 khách/đoàn) đi tour liên tuyến khám phá hai bờ Đông - Tây nước Mỹ. Đó là chưa kể những đơn đặt hàng riêng của các công ty Cargill, Cadivi… yêu cầu thiết kế tour MICE, du lịch kết hợp thăm trụ sở, văn phòng công ty tại Mỹ.

Để chuẩn bị cho mùa du lịch hè 2008, Hoàn Mỹ đã lên kế hoạch khởi hành đều đặn mỗi tháng 4 tour từ bờ Đông (New York - Philadelphia - Washington DC) sang bờ Tây nước Mỹ (Las Vegas - Los Angeles). Trong khi hầu hết giá tour trên thị trường đều tăng từ 10% - 20% thì tour Mỹ của Công ty DL Hoàn Mỹ vẫn ổn định ở mức 2.500 USD/tour bờ Đông (8 ngày) và 2.250 USD/tour bờ Tây (7 ngày). Nếu đi tour liên tuyến từ bờ Đông sang bờ Tây (13 ngày), du khách chỉ phải trả 3.400 USD/khách.

Phim trường Universal

Kể từ ngày 1.6.2008, công ty sẽ tặng ngay 50 USD cho mỗi khách hàng cũ khi đăng ký đi tour Mỹ trong mùa hè này. Riêng các tour quốc tế khác sẽ giảm từ 15 - 100 USD/khách, tour nội địa giảm 5% (sau khi trừ chi phí vé máy bay, tàu hỏa).

“Đó là chưa kể những đơn đặt hàng riêng của các công ty Cargill, Cadivi… yêu cầu thiết kế tour MICE, du lịch kết hợp thăm trụ sở, văn phòng công ty tại Mỹ.” vào sau đoạn “Trung bình, mỗi tháng Hoàn Mỹ có ít nhất 3 đoàn khách lẻ (45 - 50 khách/đoàn) đi tour liên tuyến khám phá hai bờ Đông - Tây nước Mỹ.”

Liên hệ Công ty du lịch Hoàn Mỹ - 273 An Dương Vương, P.3, Q.5, TP.HCM - ĐT: 8.336.336 hoặc www.dulichhoanmy.com để biết thêm chi tiết

(Theo H.D - Thanh niên)

Ở Mỹ (hay các nước ôn đới khác), thông thường mọi sự kiện đều diễn ra trong nhà (indoors) do thời tiết không thích hợp, ngoại trừ những lễ hội vào thời điểm mùa hè, mùa thu hay những phiên chợ trời (Flea market) thường vào cuối tuần mới họp ngoài trời. Việc tồn tại từ hàng chục năm nay một cái chợ với cái tên rất bình dân là "chợ chồm hổm" ở TP New Orleans, bang Louisiana chính là một nét đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ.

Chợ nhóm họp hằng tuần vào sáng thứ bảy trong sân khu chợ Việt Nam trên đường Peltier Blvd và không hề có sạp hoặc bàn để chưng hàng hóa bày bán. Mọi thứ đều bày ra trên mặt đất, được lót bằng giấy hoặc tấm bạt lớn. Người mua kẻ bán, đứng ngồi trao đổi giống y chang các chợ chồm hổm thường thấy ở hai bên đầu cầu hoặc ven vệ đường quốc lộ 1 ở đồng bằng sông Cửu Long nước ta.

Trên đường từ Miami trở về Houston, tôi vừa có dịp đi chợ chồm hổm ở New Orleans ngay phiên họp đầu năm Đinh Hợi vào sáng thứ bảy 24.2.2007. Nghe người quen nói chợ nhóm rất sớm, nhưng hôm tôi đến chợ nhóm trễ. Lý do là bà con đi dự hội chợ xuân Đinh Hợi khai mạc tại khuôn viên nhà thờ Maria Nữ Vương Việt Nam vào tối thứ sáu 23.2 và xem chương trình ca nhạc đầu năm đến gần 12 giờ khuya mới về. Đây có thể xem là hội chợ Tết của người gốc Việt ở Mỹ trễ nhất (trong 3 ngày 23, 24 và 25.2.2007), tuy nhiên lại được tổ chức rất hoành tráng. Lý do năm nay tổ chức lớn như thế - theo lời Đức cha quản hạt - là để mừng dân chúng trong vùng đã "an cư" sau cơn bão Katrina hồi tháng 8.2005. Ở bang Louisiana có nhiều giáo xứ và người gốc Việt có khuynh hướng sống tập trung xung quanh các giáo đường.

Trở lại chợ chồm hổm, người mua kẻ bán ì xèo là vậy, chứ xem ra, chẳng lời lỗ bao nhiêu. Hàng hóa chủ yếu là "cây nhà lá vườn", gồm rau cải, trái cây trồng xung quanh nhà, đồ hải sản của những gia đình có tàu đi biển và nhiều thứ "hầm bà lằng" khác. Một số người chở hàng trên xe hơi của mình rồi bày bán như kiểu "garage sale" vào mùa hè ở Mỹ. Giá cả rẻ hơn nhiều so với các siêu thị, còn hình thức mua bán là "trao tay" và bằng tiền mặt. Nếu quan sát kỹ thì có thể xem đây là một hình thức giao lưu, gặp mặt là chính, nhất là những người lớn tuổi. Cứ vào cuối tuần là họ có dịp để gặp nhau, xem ai còn ai mất, rồi đàm đạo chuyện con cái, chuyện bà con ở quê nhà... Tiện dịp, chúng tôi đi quan sát hậu quả của trận bão lụt quanh vùng thì nhận thấy khu vực mà cộng đồng người Việt sinh sống đã khôi phục sinh hoạt, trong khi nhiều trung tâm mua bán của người Mỹ gần đó vẫn còn bỏ hoang phế. Theo lời cô chủ quán cà phê "Chợt Nhớ" nằm trong khu vực chợ thì New Orleans hiện nay đang rất thiếu người. Những công việc thu nhập dưới 500 USD/tuần đều bị "chê". Cô đang tuyển nhân viên chạy bàn, phục vụ mà kiếm không ra. Theo lời cô thì những người phục vụ ở quán cà phê mỗi ngày thu nhập trên 100 USD (tiền công 50, tiền tip trên 50 USD). Những ngành nghề khác như thợ điện, công nhân xây dựng... cũng đang thiếu người. Trước đây rất nhiều người Việt làm nghề đánh bắt hải sản, nhưng nay thì làm đủ thứ nghề. "Anh cứ xem các bảng quảng cáo cần người trên báo thì biết", cô nói thêm. Nhìn cảnh sinh hoạt là biết ngay thu nhập của cộng đồng Việt Nam ở đây khá cao.

Cái thiếu, có chăng, là hình ảnh quê hương, nhất là khung cảnh ấm cúng ba ngày Tết. Chính những hoài niệm về quê hương đã được người dân xa xứ cố gắng "tái hiện" cho đỡ nhớ nhà. "Chợ chồm hổm" chính là một hình thức hoài niệm, lại là một đặc trưng của người Việt đóng góp vào sự đa dạng của xứ sở đa văn hóa Mỹ.

Lê Đình Bì (New Orleans)

Luật lệ nghiêm ngặt của Mỹ đã giúp giảm rất nhiều tai nạn giao thông, những người đã có tí hơi men hầu như không dám cầm lái.

Có lần tôi chạy xe vào một trung tâm thương mại, đang kiếm chỗ đậu thì một chiếc xe lùi ra. Tôi thắng xe lại chờ, nhưng người lái chiếc xe đó chạy rất ẩu, chẳng lưu ý gì đến phía sau nên đã quẹt vào xe tôi. Cả hai xe đều thắng lại. Theo thói quen, tôi lấy máy ảnh ra ghi hình và cầm giấy viết để ghi tên người lái, số bằng lái xe. Tuy nhiên, cô vợ của người lái xe đó đã nhanh chóng chạy đến bên cạnh tôi và nói: "Cô ơi! Xin cô tha lỗi cho, ông chồng tôi chạy ẩu lắm, bị ticket hoài à. Thôi xin cô xem cần sửa chữa bao nhiêu thì tôi xin gửi tiền mặt sửa xe chứ đừng kêu cảnh sát lôi thôi lắm. Ông ấy bị phạt hoài rồi tiền bảo phí cứ tăng miết". Thấy người vợ có vẻ biết điều, vả lại xe mình cũng cũ, lại là người Việt với nhau nên tôi bỏ qua, không lấy tiền cũng không thưa kiện gì hết. Kể ra chuyện này, tôi muốn nói tới vấn đề an toàn giao thông và việc những người lái xe gốc Việt "ngán" cảnh sát giao thông đến mức nào, phản ảnh qua câu: "Ở Mỹ mà không có bằng lái, không có xe thì giống như người bị cụt chân".

Ở Mỹ, tôi đã chạy xe qua rất nhiều tiểu bang và nhận thấy ở California, cảnh sát rất gắt gao trong vấn đề ghi phạt (ticket) do lẽ ở đây cư dân đông đúc, tình trạng quá tải thường xảy ra trên các xa lộ vào những giờ cao điểm, nếu không cứng rắn thì sẽ có nhiều tai nạn giao thông. Tại California, nếu vi phạm luật giao thông thì sẽ bị cảnh sát phạt, tức cho một ticket. Trung bình mỗi giấy phạt là 200 USD. Ticket cho lỗi vượt đèn đỏ là 380 USD. Mỗi lần bị phạt sẽ bị cơ quan lộ vận (DMV) của tiểu bang "chấm" 1 điểm vào hồ sơ lái xe. Trong vòng 1 năm mà bị 4 điểm (hoặc 2 năm bị 6 điểm, 3 năm bị 8 điểm) thì sẽ bị thu bằng lái 6 tháng. Các hãng bảo hiểm sẽ căn cứ vào hồ sơ lái xe của bạn ở DMV mà gia tăng tiền bảo hiểm. Luật lệ ở đây cũng cho phép bạn được đi học một lớp "xóa ticket" (có đóng học phí) sau khi đã đóng tiền phạt với điều kiện là trong vòng 18 tháng, người phạm luật chưa hề dự một khóa tương tự. Sau khi học 8 giờ, tòa sẽ "xóa án" và DMV sẽ không ghi hồ sơ của bạn.

"Đi đêm có ngày gặp ma", lái xe nhiều thì thế nào cũng có ngày bị lãnh ticket. Có lần chạy trên xa lộ I-5 vào ban đêm ở Nam Cali, thấy đường hơi vắng, vả lại muốn thử xem cảnh sát có theo dõi được không, tôi đạp ga cho xe chạy 86 dặm/giờ (gần 140 km/giờ) trong khi quy định trên xa lộ đoạn này tốc độ tối đa 70 dặm/giờ. Thế là chỉ trong chốc lát, có ngay xe cảnh sát chớp đèn rượt theo. Tôi bị lãnh một ticket với tiền phạt 224 USD vì chạy quá tốc độ quy định (speeding) và bị ghi 1 điểm trong hồ sơ của DMV.

Cảnh sát phạt thẳng tay, nhất là với tội lái xe trong lúc say rượu (DUI) nên "dân nhậu" chỉ còn cách là "thuyền chìm tại bến", uống rượu ở đâu thì ngủ lại luôn, còn nếu muốn về nhà thì phải nhớ "mang" theo bà xã hay một người bạn gái để nhờ chở về. Đây cũng chính là lý do mà người gốc Việt khi qua sinh sống ở Mỹ đã giảm ngay tình trạng "sáng say chiều xỉn". Theo luật Mỹ, chỉ cần đo nồng độ rượu trong người ở mức 0,08 trở lên là người lái xe bị xem như "lái xe trong lúc say rượu". Mà có nhiều gì cho cam: chỉ cần uống 2 lon bia là "đạt" tới mức 0,08 rồi. Ai từng bị một lần thì tởn tới già. Tòa án và cảnh sát phạt "tới bến" luôn. Không những bị phạt nặng, bị thu bằng lái, mà còn buộc phải đi học về luật lệ giao thông, học về tiết chế rượu bia, về an toàn giao thông... Theo ước tính, nếu bị tòa kết tội "DUI" thì phải tốn khoảng 10.000 USD (160 triệu đồng VN) cho lần đầu tiên. Lái xe trong lúc say rượu mà lỡ gây tai nạn chết người thì bị kết tội cố sát. Theo các luật sư, những người tái phạm việc uống rượu lái xe cũng dễ bị tòa án di trú Mỹ ra án lệnh trục xuất. Tôi có anh bạn làm nghề báo, một hôm vì ham vui anh uống chỉ 3 chai bia nhưng khi lái xe về thì bị cảnh sát "vịn", và thế là phải ra tòa về tội lái xe trong lúc say rượu. Sự việc đã qua gần nửa năm nhưng anh vẫn cứ áy náy, ít dám lái xe đi đâu xa. Anh thường nói: "Từ nay xin chừa, một giọt rượu cũng không".

Với khoảng 300 triệu chiếc xe chạy trên vạn nẻo đường nước Mỹ mỗi ngày, nếu luật lệ giao thông và nhân viên cảnh sát không nghiêm, thiệt hại do tai nạn giao thông ở Mỹ sẽ là con số khổng lồ. Thế nên, dân chúng rất hậu thuẫn cảnh sát trong việc duy trì an toàn giao thông và hiệu quả rất rõ. Theo Báo San Jose Mercury News ngày 24.3.2008: năm 2007, trên xa lộ 17 ở Bắc Cali nối liền Santa Cruz với Silicon Valley, có 478 tai nạn giao thông với chỉ 1 người chết, giảm nhiều so với 896 vụ và 5 người chết hồi năm 1998.

(Theo Tuyết Linh - từ Califonia)

Tại Mỹ, việc tang ma những người trẻ tuổi tương đối dễ dàng và phần lớn được tiến hành ở ngay địa phương cư ngụ. Nhưng đối với những bậc cha mẹ có ý nguyện được chôn cất tại quê nhà Việt Nam, phận làm con muốn tròn chữ hiếu, thì đó lại là một chuyện chẳng đơn giản chút nào.

Với cộng đồng người Việt ở Quận Cam, hầu như tất cả các lễ lộc đều dồn vào dịp cuối tuần. Thế nên, tang lễ và việc thăm viếng người đã khuất thường được tiến hành vào thứ bảy, chủ nhật. Nếu người thân tạ thế vào thứ năm, thứ sáu hay cuối tuần thì thường phải nằm trong phòng lạnh nhà quàn hơn 1 tuần để chờ tổ chức thăm viếng và tang lễ vào cuối tuần sau. Nếu người chết vào đầu tuần, thứ hai, thứ ba hay thứ tư thì mọi chuyện dễ dàng hơn. Lúc đó, thân nhân có đủ thời gian lo liệu mọi việc vào cuối tuần đó luôn.

Các khoản chi phí tang lễ thường thì chẳng thành vấn đề đối với con cái, nhưng một số trường hợp gia đình đơn chiếc hoặc người già neo đơn thì lúc đó, các hội đoàn tương tế, các hội ái hữu đồng hương... chính là điểm tựa cho thân nhân người quá cố. Tôi đã dự nhiều đám tang của những người có hoàn cảnh đơn chiếc và chứng kiến những cảnh thật là cảm động. Chính lúc đó, thân nhân người khuất mặt mới thấy được tình nghĩa đồng hương, đồng nghiệp của người Việt mình.

Về chi phí cho một đám tang, với những gia đình trung bình hay kha khá, họ có thể lo chôn cất thân nhân ngay tại nghĩa trang bên cạnh nhà quàn Peek Funeral Home nằm trên đường Bolsa của Little Saigon, nơi đây có mộ phần của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, của nhà báo Đỗ Ngọc Yến (Báo Người Việt)... nằm ở khu riêng biệt. Các phần đất bên ngoài - theo lời một người bạn của tôi - thì anh đã mua hồi năm 2004, 2 lô nằm cạnh nhau với giá 22.000 USD.

Theo lời anh Tuấn Nguyễn, một chuyên viên mai táng, ai muốn mua đất ở nghĩa trang này thì phải mua 2 lô liền kề nhau mới được, và chi phí trọn gói hiện nay cho một người chết ít nhất là 20.000 USD với mộ bia nằm, và 25.000 USD với mộ bia đứng. Anh Tuấn cũng cho biết, những người ít tiền họ có thể chôn cất thân nhân xa hơn một chút với giá cả thật là "nhẹ nhàng": Chôn ở nghĩa trang của chính phủ dành cho cư dân Quận Cam (vị trí chỉ cách chợ Phước Lộc Thọ khoảng 20 phút chạy xe), giá đất ở đó mỗi lô chỉ 1.900 USD, cộng với tiền mai táng, chi phí các thứ 6.600 USD nữa là xong. Trong trường hợp thân nhân muốn hỏa thiêu, chi phí toàn bộ, kể cả quan tài để thiêu, hũ cốt và giấy tờ hợp lệ... là 6.600 USD.

Còn nếu muốn đưa thi hài về Việt Nam thì sao? Trước đây, đó là vấn đề khá gay go. Nhưng hiện nay, việc đó xem ra rất dễ. Tôi mới đi đưa tiễn một người đồng hương được đưa về an táng tại Cam Lộ, Quảng Trị. Từ khi bà ấy mất ở bệnh viện vì bệnh tim, thân nhân báo cho dịch vụ mai táng thì họ bắt đầu lo tất cả. Họ lo khâm liệm, trang điểm, mặc áo quần cho người chết. Sau đó, họ tổ chức lễ tưởng niệm tại nhà quàn theo nghi thức tôn giáo mà thân nhân yêu cầu để bạn bè bà con tới viếng. Xong đâu đấy, họ niêm khảm quan tài, cho vào thùng chứa quan tài theo đúng yêu cầu của hãng hàng không, gửi lại vào phòng lạnh nhà quàn.

Cùng lúc đó, họ tiến hành tất cả các thủ tục giấy tờ từ cả phía Việt Nam lẫn Mỹ như làm đơn xin đưa thi hài về an táng tại quê nhà, đơn xin kiểm dịch ở sân bay... Máy bay đưa về Việt Nam thì sẽ có nhân viên của họ lo thủ tục ở sân bay, sau đó có xe chở về tận quê nhà. Tổng cộng chi phí toàn bộ từ lúc báo tử ở nhà thương Los Angeles cho đến khi đưa về tận nhà ở huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị là 10.300 USD (tương đương khoảng 165 triệu đồng), một khoản tiền có thể nói là bất cứ người con Việt Nam nào ở Mỹ cũng có thể lo được cho cha mẹ mình. Theo anh Tuấn, một điểm đáng nói nữa là dịch vụ mai táng của người Việt làm rất nhanh chóng, trong vòng một tuần lễ là xong xuôi hết và ngày thứ 9 là thi hài đã có ở Việt Nam.

(Theo Tuyết Linh - từ California)

Được rong ruổi bằng xe hơi trên những free way của Mỹ là một cảm giác thú vị khó tả. Tôi đã có một chuyến phiêu lưu như thế khi chạy xe hơi với tốc độ 100 dặm một giờ xuyên suốt các bang Oklahoma, Kansas, Missouri, Illinois…

Những rừng cây, hồ nước, đồi hoa dại thơ mộng đẹp như tranh vẽ. Sau khi vượt qua khoảng 800 dặm, tức là hơn 1.400km từ Oklahoma City với 14 tiếng đồng hồ, chúng tôi tới Chicago. Gần sang tháng 4 mà trời vẫn còn tuyết bay nhẹ và có cả sương mù. Tòa tháp Sear hiện ra trước mắt cùng với những ngôi nhà chọc trời của Chicago rực rỡ với cả một rừng đèn điện như đang bồng bềnh trong mây. Gió hun hút lạnh từ hồ Michigan thổi về. Ngày xưa, khi nói đến thành phố này, người ta dễ nghĩ đến những băng đảng gangster khét tiếng đến nỗi có một thời kỳ nó được mệnh danh là thành phố tội ác. Bây giờ, Chicago lại là thành phố an toàn nhất của nước Mỹ.

Hồ Michigan - Chicago

Vào giữa thế kỷ XVIII, Chicago là vùng đất định cư của người da đỏ Potawatomis. Một người Haiti tên là Jean Baptiste Point du Sable đến đây vào năm 1770, sau đó kết hôn với một phụ nữ Potawatomis và mở ra một thương cảng. Vào năm 1883, thành phố được thành lập với số dân là 350 người nhưng chỉ bảy năm sau lên đến 4.000 người. Và vào thời điểm đó, Chicago là thành phố phát triển nhanh nhất trên thế giới, dân số đạt một triệu người vào năm 1890.

Hôm nay, hơn ba triệu người với đủ các chủng tộc trên thế giới như Iceland, Ba Lan, Thụy Điển, Đức, Ý, Hy Lạp, Nam Tư, Do Thái… hình thành nên nền văn hóa vô cùng đa dạng. Chicago như một bức tranh được vẽ bằng rất nhiều mảng màu khác nhau. Nằm bên ngũ Đại hồ, nó cho phép các chuyến tàu chuyên chở hàng hóa đi khắp các vùng Hồ Lớn, nối Chicago với dòng Mississippi và có hệ thống xe lửa lan tỏa khắp nước Mỹ. Thành phố này xứng đáng là ngã tư hàng hải và trung tâm hệ thống hỏa xa của Mỹ.

Những tòa nhà chọc trời…

Chicago nổi tiếng trên hết là những tòa nhà chọc trời. Vụ cháy lớn nhất trong lịch sử năm 1871 phá hủy ba phần tư thành phố. Sau đó, người Mỹ hết sức cố gắng tạo dựng lại thành phố. Từ năm 1885, các kiến trúc sư đã dùng cốt thép trong kiến trúc các tòa nhà cao tầng. Đứng bên hồ Michigan có thể nhìn thấy một rừng tòa nhà chọc trời, nên gọi Chicago là “thánh địa của những ngôi nhà chọc trời” kể cũng không ngoa.

Năm 1885, ngôi nhà chọc trời đầu tiên của thế giới cao chín tầng mọc lên ở Chicago, do kiến trúc sư William Jenny thiết kế. Đến năm 1973, tòa tháp Sear cao 110 tầng mọc lên ở Chicago với độ cao 443m, nếu kể cả cột anten trên nóc tòa nhà thì độ cao của nó là 520m. Trong gần 30 năm, Sear luôn giữ vị trí tòa nhà cao nhất thế giới. Mãi đến gần đây, tòa nhà Taipei 101 ở Đài Loan mới tiếm được ngôi vị của Sear.

Khách du lịch đến với Sear rất đông. Tòa nhà màu đen nhánh này nổi bật trên nền trời Chicago, ở bất kỳ đâu cũng có thể thấy. Đi từ tầng trệt lên đến tầng 103 chỉ mất gần một phút nhờ các thang máy cao tốc. Ở tầng 103, du khách có thể nhìn thấy các bang Indiana, Wisconsin và Michigan. Dưới chân tòa nhà này là những đại lộ sầm uất, những trung tâm chứng khoán, bảo hiểm đan xen với những ngôi nhà thờ cổ xưa theo phong cách baroque, cái cũ và mới luôn tương phản nhau vô cùng ấn tượng. Nhịp sống ở Chicago cũng hối hả như New York nhưng không có vẻ chật chội như New York, vì đa số cư dân không sống trong những khu nhà cao tầng mà ở tại các khu dân cư riêng, với nhà cửa có màu trắng hay bằng gạch đỏ, nhìn rất cổ kính và đẹp mắt. Chicago còn rất nổi tiếng bởi những công viên như Grant, Millennium, Lincoln, Burnham, Jack…

Vào lễ thánh Saint Patrick - ngày lễ thánh của người Iceland, trong công viên Grant, tất cả những người diễu hành và tham dự đều mặc quần áo màu xanh lá cây, đội mũ xanh, thậm chí nhiều người còn nhuộm tóc xanh, vẽ lên mặt những biểu tượng xanh lá cây, những chuỗi hạt đá ngộ nghĩnh màu xanh lá cây rất đẹp mắt. Đã vậy, cờ quạt, băng rôn, xe cộ, tất cả đều được phủ màu xanh.

Đoàn người diễu hành và hóa trang thành những nhân vật cổ xưa như vua, hoàng tử, công chúa, người hầu… nhìn rất vui mắt. Thế rồi trong ngày đặc biệt này, người Chicago còn làm cho dòng sông chảy qua thành phố đổi màu thành… xanh lá cây! Một chiếc thuyền đi qua và đám đông trên bờ nhìn theo đầy thán phục, bởi chiếc thuyền đi tới đâu là dòng sông biến thành màu xanh đến đấy.

Những nhà thờ đẹp nhất thế giới, viện bảo tàng và khu chợ A-gài

Chicago nổi tiếng bởi rất nhiều nhà thờ với nhiều lối kiến trúc đặc biệt. Hoàn toàn có thể coi Chicago là quê hương của những ngôi thánh đường với những tháp chuông rất cao. Có tháp chuông cao đến 180m và chính là ngôi tháp chuông cao nhất thế giới. Những ngôi nhà thờ ở Chicago rất đẹp, nổi tiếng là St Josaphat’s, St Adalbert, và nhất là Mary of the Angels. Nếu tại đây có những nhà thờ xây theo kiểu byzantin như St Nicholas thì cũng không phải khó tìm những nhà thờ kiểu Ucraina hay Iceland.

Chicago còn có nhiều viện bảo tàng. Chúng tôi đã đi thăm viện bảo tàng ở Công viên Jacson. Đây là một trong những viện bảo tàng lớn, nổi tiếng và cũng cổ nhất của nước Mỹ. Hàng năm có hơn hai triệu người đến thăm viện bảo tàng này. Ở đây có chương trình biểu diễn thể hình rất nổi tiếng, đặc biệt thú vị và có ích cho giới người nghiên cứu khoa học và sinh viên y khoa. Giá vào cửa từ 22 USD đến 29 USD, ngay cả ngày thường vẫn có những hàng người lũ lượt mua vé vào xem. Những hình nhân cơ thể có mạch máu căng phồng, những lớp cơ cử động theo âm thanh và những điệu nhạc tạo cho người xem cảm giác đang gặp những người đã chết đang… sống lại, nên chẳng thích hợp cho những ai yếu bóng vía.

Chicago, người dân không lạ với khu chợ A-gài. Mới nghe có vẻ như là chợ của người Hoa, nhưng đích thực lại của người Việt. Khu này có nhiều dãy phố, có siêu thị chuyên bán đồ Việt Nam, có trung tâm cho mướn phim, video, có tiệm thuốc bắc, các nhà hàng Việt Nam và cả dịch vụ cho thuê đồ cưới.

Cho dù không lớn như khu Little Saigon ở California nhưng khi đi trên những dãy phố toàn tên Việt Nam, có cảm tưởng như mình đang ở quê nhà. Chưa hết, nghe những bước chân, tiếng nói thân quen của những người đi sắm đồ, tiếng hỏi thăm í ới và cả những bài hát Việt Nam, càng thấy nơi đây rất quen thuộc, rất Việt Nam. Thỉnh thoảng còn hiện ra những xe bán bắp luộc với hành mỡ. Dù là xe đẩy rong nhưng những người bán vẫn phải có giấy phép mới được hành nghề…

Chiều về trên hồ Michigan vắng lặng. Những đàn hải âu rất dạn dĩ có vẻ chờ đợi ai đó cho chúng chút bánh mì. Có hai người Việt đang câu cá hồi ở bờ hồ. Nhìn họ lặng lẽ thả câu, xa xa là những rừng nhà chọc trời cao ngất của Chicago mà nhớ nhà da diết. Trong không gian yên lặng, hoàng hôn buông xuống hồ Michigan. Gió vẫn hun hút thổi đến tê tái lòng…

NGUYỄN TIẾN NIỆM (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)