Có lần tôi chạy xe vào một trung tâm thương mại, đang kiếm chỗ đậu thì một chiếc xe lùi ra. Tôi thắng xe lại chờ, nhưng người lái chiếc xe đó chạy rất ẩu, chẳng lưu ý gì đến phía sau nên đã quẹt vào xe tôi. Cả hai xe đều thắng lại. Theo thói quen, tôi lấy máy ảnh ra ghi hình và cầm giấy viết để ghi tên người lái, số bằng lái xe. Tuy nhiên, cô vợ của người lái xe đó đã nhanh chóng chạy đến bên cạnh tôi và nói: "Cô ơi! Xin cô tha lỗi cho, ông chồng tôi chạy ẩu lắm, bị ticket hoài à. Thôi xin cô xem cần sửa chữa bao nhiêu thì tôi xin gửi tiền mặt sửa xe chứ đừng kêu cảnh sát lôi thôi lắm. Ông ấy bị phạt hoài rồi tiền bảo phí cứ tăng miết". Thấy người vợ có vẻ biết điều, vả lại xe mình cũng cũ, lại là người Việt với nhau nên tôi bỏ qua, không lấy tiền cũng không thưa kiện gì hết. Kể ra chuyện này, tôi muốn nói tới vấn đề an toàn giao thông và việc những người lái xe gốc Việt "ngán" cảnh sát giao thông đến mức nào, phản ảnh qua câu: "Ở Mỹ mà không có bằng lái, không có xe thì giống như người bị cụt chân".
Ở Mỹ, tôi đã chạy xe qua rất nhiều tiểu bang và nhận thấy ở California, cảnh sát rất gắt gao trong vấn đề ghi phạt (ticket) do lẽ ở đây cư dân đông đúc, tình trạng quá tải thường xảy ra trên các xa lộ vào những giờ cao điểm, nếu không cứng rắn thì sẽ có nhiều tai nạn giao thông. Tại
"Đi đêm có ngày gặp ma", lái xe nhiều thì thế nào cũng có ngày bị lãnh ticket. Có lần chạy trên xa lộ I-5 vào ban đêm ở Nam Cali, thấy đường hơi vắng, vả lại muốn thử xem cảnh sát có theo dõi được không, tôi đạp ga cho xe chạy 86 dặm/giờ (gần 140 km/giờ) trong khi quy định trên xa lộ đoạn này tốc độ tối đa 70 dặm/giờ. Thế là chỉ trong chốc lát, có ngay xe cảnh sát chớp đèn rượt theo. Tôi bị lãnh một ticket với tiền phạt 224 USD vì chạy quá tốc độ quy định (speeding) và bị ghi 1 điểm trong hồ sơ của DMV.
Cảnh sát phạt thẳng tay, nhất là với tội lái xe trong lúc say rượu (DUI) nên "dân nhậu" chỉ còn cách là "thuyền chìm tại bến", uống rượu ở đâu thì ngủ lại luôn, còn nếu muốn về nhà thì phải nhớ "mang" theo bà xã hay một người bạn gái để nhờ chở về. Đây cũng chính là lý do mà người gốc Việt khi qua sinh sống ở Mỹ đã giảm ngay tình trạng "sáng say chiều xỉn". Theo luật Mỹ, chỉ cần đo nồng độ rượu trong người ở mức 0,08 trở lên là người lái xe bị xem như "lái xe trong lúc say rượu". Mà có nhiều gì cho cam: chỉ cần uống 2 lon bia là "đạt" tới mức 0,08 rồi. Ai từng bị một lần thì tởn tới già. Tòa án và cảnh sát phạt "tới bến" luôn. Không những bị phạt nặng, bị thu bằng lái, mà còn buộc phải đi học về luật lệ giao thông, học về tiết chế rượu bia, về an toàn giao thông... Theo ước tính, nếu bị tòa kết tội "DUI" thì phải tốn khoảng 10.000 USD (160 triệu đồng VN) cho lần đầu tiên. Lái xe trong lúc say rượu mà lỡ gây tai nạn chết người thì bị kết tội cố sát. Theo các luật sư, những người tái phạm việc uống rượu lái xe cũng dễ bị tòa án di trú Mỹ ra án lệnh trục xuất. Tôi có anh bạn làm nghề báo, một hôm vì ham vui anh uống chỉ 3 chai bia nhưng khi lái xe về thì bị cảnh sát "vịn", và thế là phải ra tòa về tội lái xe trong lúc say rượu. Sự việc đã qua gần nửa năm nhưng anh vẫn cứ áy náy, ít dám lái xe đi đâu xa. Anh thường nói: "Từ nay xin chừa, một giọt rượu cũng không".
Với khoảng 300 triệu chiếc xe chạy trên vạn nẻo đường nước Mỹ mỗi ngày, nếu luật lệ giao thông và nhân viên cảnh sát không nghiêm, thiệt hại do tai nạn giao thông ở Mỹ sẽ là con số khổng lồ. Thế nên, dân chúng rất hậu thuẫn cảnh sát trong việc duy trì an toàn giao thông và hiệu quả rất rõ. Theo Báo San Jose Mercury News ngày 24.3.2008: năm 2007, trên xa lộ 17 ở Bắc Cali nối liền Santa Cruz với Silicon Valley, có 478 tai nạn giao thông với chỉ 1 người chết, giảm nhiều so với 896 vụ và 5 người chết hồi năm 1998.
(Theo Tuyết Linh - từ Califonia)
0 nhận xét
Đăng nhận xét