DL-MormonSquare.jpg

Thánh địa Mormon Temple Square ở Salt Lake City, Utah.

DL-Temple.jpg

Ngôi thánh đường Salt Lake Temple được xây từ năm 1853.

DL-Night.jpg

Salt Lake Temple rực rỡ trong ánh đèn về đêm.

DL-WinterOlympics.jpg

Thành phố Salt Lake trong những ngày Thế Vận Hội Mùa Ðông 2002.

DL-Tabernacle.jpg

Thính đường âm nhạc Tabernacle với mái hình mai rùa.

DL-Beehive.jpg

Ngôi nhà cổ Beehive nơi giáo chủ Brigham Young từng sinh sống.

DL-MoroniAngel.jpg

Tượng thiên thần Moroni thếp vàng cao 12.5 feet trên tháp giáo đường.


Salt Lake City là thủ đô tiểu bang Utah đồng thời cũng là thánh địa giáo phái Church of Jesus Christ of Latter-day Saints hay còn được gọi là đạo Mormons. Salt Lake City là một trong những thành phố lớn nằm trong vùng núi Rocky Mountains miền trung tây Hoa Kỳ. Thành phố có ngôi giáo đường uy nghi nằm trong thung lũng xanh tươi, phía đông và bắc được núi cao che chở những đợt gió lạnh, tây bắc là biển hồ Great Salt Lake đem hơi mát trong những tháng hè. Ðến Salt Lake City du khách sẽ thấy tâm hồn thanh thản, nghe những hồi chuông ngân và được tiếp đón bởi những cô gái Mormons xinh đẹp đầy thánh thiện.

Hôm nay là ngày thứ ba trong chuyến du lịch bằng xe buýt 7 ngày đi Yellowstone do hãng du lịch Ðài Loan ABC tổ chức. Ðoàn chúng tôi gồm toàn thân nhân, bạn bè do ông Nguyễn Ngọc Liên (Ðoan Trang Dịch Vụ) tổ chức mà ông gọi là hội Thanh Nhàn đi riêng trên một xe buýt hiệu Ford nhỏ. Quân số trong đoàn còn lại 15 người sau khi có 5 vị sợ xe tiếp tục hư nên bỏ cuộc khi đến Las Vegas. Ðêm qua chúng tôi ngủ tại khách sạn Best Western ở thành phố Odgen ngoại ô phía bắc của Salt Lake City và sáng hôm nay quay ngược trở lại để viếng thăm thành phố Salt Lake City với 2 địa điểm quan trọng sắp đến thăm là thánh địa Temple Square của giáo phái Mormon và tòa nhà lập pháp State Capitol của tiểu bang Utah. Sau đó tiếp tục lên hướng bắc ghé Grand Teton National Park một vùng núi cao nổi tiếng về trượt tuyết và tối sẽ vào tới Yellowstone để ngủ 2 đêm tại đây trong nhà gỗ (Lodge) giữa rừng thông núi non hữu tình. Chương trình nghe qua thì rất thú vị nhưng có đến tận nơi thì mới biết vàng đá ra sao, hay dỡ thế nào? Biết đâu chỉ là:

Chưa đi chưa biết Ðồ Sơn

Có đi mới biết không hơn... đồ nhà!

Kệ, đến đâu thì đến, đi đâu thì đi, tất cả mọi việc đều có hướng dẫn viên kiêm tài xế Gerald lo, mình chỉ lo chân cẳng cho cứng và lo máy ảnh sạt pin đầy đủ, ghi nhận những nơi đã qua, quan sát phong cảnh như thế nào để về ngồi viết lại mua vui cho độc giả. Ði cũng thú và về xem lại ảnh, viết tường thuật cũng là cái thú. Ðời người có nhiều thú vui, nhiều người còn nhỏ ham đá gà, về già mê đua ngựa! Thường thú vui nào cũng tốn thì giờ, hao tiền bạc nhưng thú du lịch đi ngắm hoa thơm cỏ lạ, tìm đào tiên trên những vùng... núi lửa là thú lành mạnh, thanh cao, học hỏi được nhiều vì cổ nhân ta thường nói “Ði một ngày đường, học một sàng khôn”! Về ngồi viết lại đăng báo và in sách, trước mua vui sau... kiếm chút cháo sống qua ngày! Nhiều khi trong những chuyến đi giống như những con bò, khi được chủ thả ra đồng, cố ngoặm cỏ cho nhiều vào túi chứa để rồi khi nào rỗi rảnh ngồi nhai lại, gặm nhắm những dư vị.

Chẳng mấy chốc xe vào khu trung tâm thành phố, đường sá rộng rãi lại vắng xe khác hẳn với Los Angeles lúc nào cũng tất tả ngược xuôi. Khách đi bộ có lẽ là những công chức trên đường đến sở, nhân viên tài chánh ngân hàng toàn là người da trắng, không thấy người da đen hay da màu Mễ Tây Cơ như ở Santa Ana. Theo thống kê năm 2000, dân số thành phố là 181,743 người, có 80% là dân da trắng, người gốc Mễ Tây Cơ là 34,254 người (18.8%) và Việt Nam là 1,685 người (0.9%). Khu trung tâm thành phố tôi thấy có 2 tiệm phở và tiệm Nail có vẽ trên kính “bàn tay 5 ngón kiêu sa” khác kiểu với bàn tay của các giáo sư chiêm tinh gia. Bàn tay shop Nail thì úp chỉ thấy mặt ngoài, còn bàn tay của các giáo sư lại đưa mặt trong. Nhưng các chiêm tinh gia (Palm Reader) người Mỹ (đa số là đàn bà) không dùng dấu hiệu bàn tay mà lại dùng các lá bài! Có lẽ là xem bói bằng bài hay xem bói trước khi đi casino đánh bài?

TEMPLE SQUARE

Thánh địa giáo phái Mormon chiếm nguyên một khu gồm nhiều block đường gọi là Temple Square ngay tại trung tâm thành phố phía đông xa lộ 15 nơi góc đường Main và Temple. Từ xa đã nhìn thấy ngôi nhà thờ đồ sộ sơn trắng với 6 tháp nhọn cao nổi bật bên cạnh những buyn đinh cao ốc khu trung tâm thành phố. Chúng tôi đậu xe ngoài đường và đi bộ vào Temple Square. Khu thánh địa rộng 10 mẫu có những bãi cỏ xanh và cây cảnh được chăm sóc cẩn thận. Gerald hướng dẫn chúng tôi đến tập trung tại cột cờ và vài phút sau có một cô gái Mỹ da trắng tóc vàng có dáng dấp sinh viên đến giới thiệu mình là hướng dẫn viên tình nguyện cho giáo hội sẽ đưa chúng tôi vào thăm các cơ sở trong Temple Square.

NORTH VISITOR CENTER

Từ cột cờ đi vào, North Visitor Center là ngôi nhà đầu tiên du khách được đưa đến. Trong đại sảnh ở tầng chánh như một hội trường có ghế ngồi hướng về một tượng Chúa Jesus Christ cao 11 feet đặt trên cao. Nơi đây chúng tôi được xem slide show và thuyết minh bằng tiếng Việt (có 40 ngôn ngữ khác nhau được thu sẵn) sơ lược quá trình của giáo hội. Dưới tầng hầm là phòng triển lãm dựng những mô hình kể lại cuộc đời của Chúa với sa bàn thành phố Jesusalem vào thế kỷ thứ nhứt.

THÍNH ÐƯỜNG TABERNACLE

Thính đường Tabernacle là một kỳ công về kiến trúc rất đặc biệt tọa lạc ở hướng nam cạnh North Visitor Center. Thính đường được xây từ năm 1863 hoàn tất trong 4 năm, có mái che hình cong úp như mai rùa do sáng kiến của ông Brigham Young là người sáng lập giáo hội và có công khai phá vùng đất Utah. Theo ông thì mái nhà có hình vỏ trứng có chiều rộng đến 150 feet mà không có một cột nào chống đỡ để tránh làm áng tầm mắt của khán thính giả theo dõi những buổi hợp xướng, hòa nhạc. Sức nặng của mái nhà được vách hình vỏ trứng chịu đựng.

Thính đường là cơ sở chính của ban hợp xướng Mormon Tabernacle Choir gồm 360 ca viên và ban nhạc sử dụng những nhạc cu, nhạc khí gồm 110 người tất cả đều là tín hữu của giáo hội, họ hoạt động tình nguyện không có lương. Ban hợp xướng Tabernacle là một ban nhạc lớn nhất và lâu năm nhất trên thế giới được thành lập năm 1847 từ ngay những ngày đầu người Mormon di cư đến Utah. Ðối với đạo Mormon, âm nhạc rất quan trọng để đưa tâm hồn đến gần Thiên Chúa, để con người yêu nhân loại và thiên nhiên. Ngay thời xưa khi di dân đến vùng Salt Lake, trên những wagon do ngựa kéo đã có những ban ca nhạc và khi chiều xuống giáo dân vây quanh để thưởng thức những bản thánh ca, quên đi nhọc mệt và giữ vững đức tin. Ban Mormon Tabernacle Choir dẫn đầu về trình diễn trước các nguyên thủ quốc gia, có số dĩa thu bán nhiều nhất và nhận nhiều giải thưởng âm nhạc. Cố tổng thống Ronald Reagan tặng ban nhạc danh hiệu “America's Choir” khi ban nhạc trình tấu trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông năm 1981. Thế vận hội mùa đông năm 2002 được tổ chức tại Salt Lake City ban nhạc đã chơi 20 buổi kể cả trong nghi thức khai mạc và bế mạc thế vận hội. Hàng năm ban nhạc đi lưu diễn nhiều nơi và có bán vé. Ban nhạc đã trình diễn ở 28 quốc gia trên thế giới. Du khách có thể đến thính đường Tabernacle xem ban nhạc trình diễn miễn phí trong các buổi tập dợt, hàng tuần mỗi tối thứ năm từ 8 đến 9 giờ 30 và sáng chủ nhật từ 8 giờ 15 đến 10 giờ. Buổi tập dợt sáng chủ nhật được trực tiếp truyền hình trên TV.

Thính đường Tabernacle bên trong được thiết kế hệ thống cách âm toàn hảo. Một cây kim ghim giấy rơi xuống sàn trên cung trình diễn có thể nghe được tiếng kim rơi ở cuối thính đường cách 170 feet! Trên cung trình diễn còn có một giàn phong cầm (organ) khổng lồ có đến 11,623 ống thanh âm bằng kim loại do ông Josepth Harris Ridges thiết trí. Gỗ làm đàn được các tín đồ lên núi hạ cây lấy gỗ đem về đục đẽo công phu ráp nối thành cây đàn.

Trịnh Hảo Tâm

DL-Surrey.jpg

Chiếc cầu ở Surrey, Canada

DL-Entry.jpg

Lối vào vườn hoa Butchart

DL-Sunken.jpg

Khu vườn địa đàng Sunken

DL-YDaiLoi.jpg

Khu vườn theo kiểu Ý Đại Lợi

DL-Victoria.jpg

Tượng nữ hoàng Victoria trước tòa nhà Parliament

DL-EmpressHotel.jpg

Khách sạn nổi tiếng Empress đón khách từ năm 1908


Vườn Địa Đàng theo thánh kinh là một vườn hoa xinh đẹp, cây trái xum xuê, loài thú nào cũng đều hiền lành ngoan ngoản và Chúa cho tổ phụ loài người là ông Adam và bà Eva sinh sống trong cõi thần tiên đó mà không phải làm lụng vất vả cũng như không ốm đau bịnh tật. Hai ông bà được hưởng thụ tất cả mọi hoa quả trong vườn chỉ trừ một cây duy nhất gọi là cây Trái Cấm mà Chúa dặn rằng không được ăn. Nhưng hai ông bà đã không tuân lời Chúa mà lại nghe lời cám dỗ của một con qủy hóa thân thành một con rắn. Rắn dùng lời đường mật khuyến dụ ông bà rằng: “Ông bà hãy ăn trái này đi sẽ được quyền lực, uy nghi ngang bằng Chúa”. Tâm lý loài người là “được voi đòi tiên”, hai ông bà ăn trái cấm và bị Chúa hiện ra đuổi hai người ra khỏi vườn Địa Đàng phải lang thang bịnh tật, vất vả làm lụng mới có mà ăn, con cháu tiếp nối vì tội của hai ông bà mà chịu chung số phận khổ đau như vậy cho đến bây giờ!

Vườn Địa Đàng xưa kia ngày nay là nơi đâu? Nhiều nhà khảo cổ đã đi kiếm tìm nhưng vẫn chưa xác quyết được chỗ nào? Riêng tôi khi đến viếng khu vườn Butchart ở gần thành phố Victoria, Canada, tôi có cảm giác như lạc vào Vườn Địa Đàng vì khung cảnh nơi đây quá thần tiên đẹp đẽ. Có lúc cũng tưởng như mình là chàng Lưu Nguyễn lạc vào chốn đào nguyên để rồi gặp bầy tiên nữ thướt tha yểu điệu trong vũ khúc nghê thường:

“Thiên thai, chúng em xin dâng chàng... hai trái đào thơm”

(Nhạc phẩm Thiên Thai – Văn Cao)

Trái đào thơm và trái cấm, tuy hai nhưng chắc là một:

Một khi trót đã nuốt vào

Ngọt ngon chẳng thấy, lệ trào ngàn năm!

Rời đập nước Hiram M. Chittenden cũng đã hơn 5 giờ chiều và bầu trời khá quang đãng đôi lúc có nắng vàng ấm áp. Xe chúng tôi tìm lối vào xa lộ số 5 để trực chỉ hướng bắc đi Vancouver. Seattle cách Vancouver độ 140 miles, bình thường xe hơi mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Ðoạn đường này phong cảnh khá đẹp, hai bên là rừng thông với núi đồi trùng điệp, mây xám che phủ đỉnh non cao. Ðầu tháng năm dọc ven đường cây cỏ xanh biếc một màu lại có những bụi hoa vàng nở rộ trông giống như hoa mai ngày Tết.

Trước khi tới biên giới Canada chúng tôi ghé lại cửa hàng miễn thuế “Tax & Duty Free” để ai muốn mua qùa tặng bà con ở Canada thì mua. Giống như các cửa hàng miễn thuế ở phi trường, các mặt hàng được bày bán ở đây là mỹ phẩm, rượu và thuốc lá. Du khách da trắng như Mỹ hay Canada ít vào đây, nếu có vào không phải mua hàng mà để nghỉ chân uống cà phê hay mua kem lạnh nhưng du khách Hồng Kông hay Ðài Loan có vẻ chiếu cố tới các món hàng vì giá cả vẫn còn rẻ hơn ở xứ họ. Chúng tôi đổi tiền Canada, mỗi người độ 6, 7 chục đồng đủ ăn uống, xài vặt trong 2 ngày du lịch ở Canada. Ðổi dưới 300 đô la phải chịu lệ phí là 1 đô la Mỹ. Ðến cổng biên giới vì là xe van nên phải vào đậu chung với xe buýt và phải vào trình để nhân viên di trú Canada ra kiểm soát trong khi xe nhỏ chỉ cần chạy ngang cổng mà thôi. Sang đất Canada xa lộ 5 đã chấm dứt và trở thành đường thường số 99 chỉ 2 lanes mỗi bên, đường hơi quanh co và bảo trì không tốt như bên Mỹ. Ðêm nay chúng tôi sẽ nghỉ đêm ở Surrey, thành phố ở về phiá nam và cách Vancouver độ 30 miles vì khách sạn ngoài ngoại ô rẻ hơn trong thành phố lớn. Tour guide kiêm tài xế Danny đưa chúng tôi đi ăn tại một nhà hàng Buffet Tàu rất nhiều món có cả đồ biển với giá 18 đồng Canada một người. Ðang ăn thì nhà hàng đóng cửa vì đã 9 giờ tối nhưng cũng chẳng sao vì nhà hàng vẫn chờ cho chúng tôi ăn xong mặc dù có những món đã hết và không được châm thêm. Hai đêm ở Canada chúng tôi nghỉ ở khách sạn Ramada ở số 19225 Highway 10 Surrey là khách sạn hợp đồng với USA Vacation Tours nên đuợc giá rẻ.

BUTCHART GARDEN RỰC RỠ NGÀN HOA

Ðất lạ khiến tôi thức sớm, tắm nước nóng cho tỉnh người và xuống khu lễ tân (lobby) uống cà phê. Hai cô gái Canadian trực khách sạn, dáng người thon nhỏ có vẻ gốc Âu châu khác hẳn với đàn bà Mỹ xứ tôi ở cái gì cũng to lớn, mỉm cười chào hỏi. Cà phê đất lạ bao giờ cũng ngon nhất là cà phê miễn phí lại do hai cô gái xứ lạ chiêu đãi, rồi ăn thêm một cái bánh muffin cho có một chút gì để dằn bụng dù cho bánh rất là dở vừa chua, vừa dai nuốt không trôi phải nhờ cà phê đưa đẩy. Nhưng thức ăn không ngon thường là thức ăn tốt cho sức khỏe như hoa kém sắc thường tỏa ngát hương thơm, hoa sắc màu tươi đẹp lại vô hương trống lỏng!

Chờ đủ người chúng tôi lên xe đi bến phà Tsawwassen cách Surrey khoảng nửa giờ trong buổi sáng chủ nhật đường rất vắng. Vì sợ trễ chuyến phà đi Victoria chạy lúc 7 giờ nên Danny chạy rất nhanh đôi lúc vượt luôn qua làn xe ngược chiều. Nếu lỡ chuyến phà này phải đợi đến 9 giờ mới có chuyến phà kế tiếp vì phải qua một eo biển đường phà chạy khá xa. Ðến bến phà thì có vài mươi chiếc xe đang chờ. Ban mai trời khá lạnh nhưng các nhóm du khách Ðài Loan đi bằng những chiếc xe buýt rời khỏi xe đi mua sắm đồ kỷ niệm cười nói ồn ào. Vùng này đất rộng mênh mông ít thấy nhà cửa dân cư. Vé phà cho hành khách là 7 đô la Mỹ, xe nhỏ là 25 đô la và có thể trả bằng tiền Mỹ hay Canada gì cũng được.

Chờ cho xe dưới phà lên bờ hết, chúng tôi ngồi xe xuống phà. Phà là một chiếc tàu lớn kiểu dáng như một du thuyền sơn trắng có 6 tầng, tầng thứ nhất là hầm máy, tầng 2 cho xe vận tải và xe buýt, tầng 3 và 4 xe du lịch, tầng 5 là nhà hàng, video games, bàn cho học sinh học và làm việc với vi tính. Tầng 6 dành cho hành khách và hành khách có thể lên boong tàu để ngắm cảnh. Hải trình mất một tiếng rưởi đồng hồ để đến bến phà bên kia là Swartz Bay ở về hướng bắc của Victoria. Tàu chạy trên mặt biển lặng sóng, ngang qua những đảo nhỏ rừng thông xanh biếc một màu lấp ló những mái nhà ngói xám. Phong cảnh non nước hữu tình, vừa hùng vĩ, vừa nên thơ nhưng không sánh được với vịnh Hạ Long của nước nhà.

Phà cập bến, chúng tôi đến vườn hoa nổi tiếng thế giới Butchart Garden cách đó vài mươi phút đường xe. Ở bãi đâu xe là hoa đã đẹp rồi, tôi vội chụp một số hình để rồi sau đó khi vào bên trong lại tiếc công vì so với cảnh bên trong hoa bên ngoài chẳng nhằm nhò gì! Vườn hoa không lớn chỉ mất một tiếng đồng hồ là có thể đi hết nếu không dừng lại để ngắm hoa thơm cỏ lạ. Vườn hoa được trồng từ năm 1904 do ông bà Robert Pim Butchart biến cải từ khu đất khai thác đá làm xi măng cũng do ông bà làm chủ. Ngày nay hãy còn lại giữ lại một trong 3 ống khói của nhà máy xi măng thuở trước. Nơi cổng vào là nhà bán vé và đồ kỷ niệm, sách vở, tranh ảnh nói về vườn hoa, kế đến là nhà hàng ăn lịch sự nhìn qua nhà kiếng trồng bông hoa nhiệt đới. Khách nhàn du có thể ăn trưa hay uống trà trong nhà hàng có lối trang trí như một green house này, vừa ăn uống vừa ngắm hoa lan, hoa cúc bày trí thanh tao, trang nhã. Dân Canada tổ tiên là Ăng Lê nên thích uống trà hơn là cà phê, họ uống trà nâu loại như Clipton và ăn một chút bánh ngọt vào khoảng thời gian giữa ba bữa ăn chính như 10 giờ sáng và 3 giờ chiều. Một nhà hàng khác nhỏ hơn trong vườn hoa chính là ngôi nhà ngày trước ông bà Butchart trú ngụ.

Trong vườn hoa chia ra nhiều khu với lối bày trí khác nhau như khu vườn Ý Ðại Lợi với hàng rào kiểng, tượng đá, phông tên và hồ nước xây bằng gạch. Vườn Nhật Bản với hoa anh đào rực rỡ, thông Nhật uốn tỉa, dòng suối róc rách uốn lượn quanh bờ đá tảng chi chít hoa đỗ quyên (azalea). Khu vuờn đẹp nhất là Sunken Garden, cách thiết trí sẽ làm du khách ngạc nhiên đầy thích thú vì vừa rời khỏi cổng vào đang đi trong khu cây cao rậm mát, bước xuống vài bậc thềm một khung cảnh huy hoàng màu hoa sặc sở hiện ra phiá dưới trước mặt với ánh nắng chan hoà chiếu rọi lên muôn ngàn bông hoa đang phô sắc thắm. Ðến đây du khách tưởng chừng như lạc vào cỏi thiên thai hay vườn địa đàng với hoa đủ màu sắp đặt rất hài hòa đầy nghệ thuật. Hoa tu líp đủ màu, đủ loại, những cây anh đào, những lối đi uốn khúc bên bãi cỏ xanh. Hoa ở đây thay đổi tùy theo mùa, mùa xuân hoa tu líp, hạ hoa hồng, thu hoa cúc và mùa đông tuyết phủ khắp vườn và muôn vạn ánh đèn màu sẽ được thắp lên để thay hoa. Cuối vườn là hồ nước dưới vực sâu có hàng chục vòi phun nước phun cao trắng xóa. Trong vườn có sẳn những cây dù để khách che khi trời mưa bất chợt. Vườn hoa Butchart hiện do người cháu nội của ông bà Butchart cai quản điều hành.

VICTORIA PHỐ BIỂN MUÔN MÀU

Rời vườn hoa Butchart chắc ai cũng hẹn với lòng vài năm sẽ trở lại vì cảnh như chốn thiên thai dù cho không có tiên nữ dâng đào tiên. Sau đó ra xe chúng tôi xuôi nam để đến thành phố Victoria. Victoria không lớn nhưng mát mẻ thanh lịch và là thủ phủ của tỉnh British Columbia đồng thời là địa điểm du lịch ấm áp nhất của Canada. Thành phố có dáng vẻ như một hải cảng bên Anh, bờ biển lúc nào cũng dập dìu du khách đến viếng tòa nhà cổ Parliament Buildings và Empress Hotel có nét kiến trúc rất Âu châu. Empress Hotel mở cửa từ năm 1908 và đến nay vẫn còn đón nhận du khách đến trú ngụ. Không biết bao nhiêu ông hoàng bà chúa, danh nhân thế giới đã từng đến ngụ nơi đây. Chúng ta có thể ung dung đi vào khách sạn để uống một tách trà, ăn một cái bánh ngọt do những cô hầu bàn xinh đẹp phục vụ với giá khoảng...30 đô la. Chúng tôi đi bộ lên hướng trung tâm thành phố vào những thương xá xem hàng hóa trưng bày và vào tiệm Mac Donald ăn trưa, nghỉ chân vì buổi sáng đã đi bộ khá nhiều đồng thời ngồi viết những post card gởi cho vài bạn thân, dán tem Canada và có dấu bưu điện Victoria để khoe rằng mình đang du lịch ở nước ngoài. Tôi cũng không quên gởi cho chính tôi một tấm để làm kỷ niệm.

Dạo trong thương xá đã chán, 4 giờ chiều trở lại xe van đậu gần bờ biển như đã hẹn. Sau đó hướng dẫn viên kiêm tài xế Danny chở vào China Town của Victoria ăn một tô mì thay thế bữa cơm tối trước khi trở lại bến phà hồi sáng để về lại khách sạn ở Surrey. China Town của Victoria chỉ có một block đường nhưng rất sạch sẽ. Tại bến phà ngoài những chuyến đi Vacouver cũng có những chuyến về lại Seattle.

TRỊNH HẢO TÂM

Sáng nay Thứ Hai 27-8-2001, chương trình đi tour chúng tôi đã hết nên hôm nay là ngày tự do, có quyền dậy trễ và có thời giờ nhâm nhi càphê ở khách sạn Island Colony. Chín giờ sáng, mọi việc cũng đã xong và chúng tôi ra đường lớn Kuhio đón xe buýt để đi Honolulu. Trên con đường này cứ độ 2 blocks đường là có một trạm xe buýt công cộng đề bảng The Bus. Mỗi 5 phút là có một chuyến đỗ lại và chúng tôi lựa chuyến đi China Town tức khu Chợ Tàu. Chợ Tàu Honolulu nằm cạnh khu trung tâm thành phố và sát bờ biển.

Mỗi cuốc xe là $1.50, tài xế xe buýt không có tiền lẻ để thối lại, do đó hành khách phải chuẩn bị đủ tiền và bỏ vào hộp kính đặt bên cạnh tài xế. Dân địa phương địa phương đi hằng ngày thì họ mua vé tháng độ $15, còn những người già cả, tàn tật dường như là miễn phí. Vì thấy băng trống nên chúng tôi ngồi ngay phía sau tài xế. Chạy một chốc, một cụ bà lên đứng nhìn chúng tôi tỏ vẻ khó chịu và cụ nói bằng tiếng Anh giọng Hawaii: “Hàng ghế này dành cho cao niên”. Lúc đó tôi mới để ý thấy dòng chữ phía trên ghi như vậy nên con trai tôi đứng lên nhường ghế cho bà. Xe qua cầu bắt ngang con kinh đào và ra khỏi khu Waikiki, đi về hướng Honolulu bằng con đường Berenania. Trước khi tới một trạm thì băng thu sẵn báo trước tên của ngã tư đường mà xe sắp ngừng hoặc tên toà nhà gần đó như Academy of Arts, State Capitol để hành khách biết chuẩn bị xuống xe.


VƯỜN BÁCH THẢO FOSTER BOTANICAL GARDEN

Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó, ai cũng có sở thích riêng. Sở thích là phần quan trọng của đời sống, người chán đời là người không còn thích gì nữa. Có những sở thích tốt và sở thích xấu nhưng sở thích nào cũng đều tốn công và tốn tiền. Sở thích thay đổi tùy theo lứa tuổi, có người hồi nhỏ thích đi bắn chim, lúc già thích đi câu cá, Có người còn trẻ thích đá gà, về già mê đua ngựa! Tôi thì có nhiều sở thích trong đó có thú đi tìm... hoa thơm cỏ lạ. “Lúc xem hoa nở, khi chờ trăng lên”. Tới đây có nhiều vị cho rằng thiếu lành mạnh. Nghĩ vậy thì rất... Oan Thị Kính vì đây là một thú vui thanh cao. Mỗi vùng đất xa lạ đều có những loài cây cối, hoa kiểng khác nhau, những kỳ hoa, dị thảo khiến những người yêu thiên nhiên phải lặn lội tìm tới. Đi tìm hoa thơm cỏ lạ là một lối thưởng ngoạn thiên nhiên thanh cao, bổ ích.

Trước khi đi, tôi đã vào thư viện ở California để tìm hiểu về vùng đất mình sắp tới và đã thấy tên vườn bách thảo Foster Botanical Garden, nên hôm nay tìm đến. Vườn cây này nằm ngay phía Bắc chợ Tàu, nơi góc đường Vineyard và Nuuanu, gần con suối dẫn nước từ trên núi xuống. Foster Botanical Garden không lớn lắm, rộng 13.5 mẫu, tham quan chỉ mất hơn một giờ là đủ. Nó được thành lập từ năm 1953 khi Queen Kamala nhượng khu đất này cho bác sĩ người Đức tên là William Hillebrand. Hai vợ chồng ông đã cất nhà và trồng một số cây ở khu đất phía trên cao. Ông bà ở đây được 20 năm rồi trở về nước và bán bất động sản này lại cho ông bà thuyền trưởng Thomas và Mary Foster. Hai người này tiếp tục công việc sưu tầm các giống cây cho đến năm 1930 thì bà Foster qua đời và hiến khu vườn này cho thành phố Honolulu. Ngày 30-11-1931, khu vườn Foster Botanical Garden chính thức mở cửa cho công chúng vào xem và Dr. Harold Lyon là vị Giám đốc đầu tiên của vườn bách thảo.

Phía bên ngoài cạnh đường Vineyard là Chùa Ông Bổn của người Hoa, khói hương nghi ngút. Đi qua bãi đậu xe là đến cổng vào vườn bách thảo. Vé vào cửa là $5 do một bà thiện nguyện viên rất vui vẻ bán. Sáng Thứ Hai vườn rất vắng khác chỉ độ mươi người vào xem. Vườn chia ra nhiều khu vực trồng nhiều giống cây khách nhau như giống Palm (Dừa) có đến hàng chục loại từ cây đồng đình, cây cau cho đến cây dừa ăn trái. Cây gòn cổ thụ cao trên 100 feet, gốc 10 người ôm chưa giáp vòng, ở Việt Nam trái khô có ruột bông gòn trắng dùng để độn gối nằm. Tôi gặp lại cây Nhàu (Noni) thường mọc trên bờ rạch ở xứ ta, trái có dược tánh trị nhiều chứng bịnh. Thổ dân trên đảo Hawaii, Tahiti, Samoa từ ngàn năm trước mỗi khi bệnh hoạn đều ăn trái nhàu. Tôi cũng gặp lại một cây khác được trồng nhiêu ở vùng Sông Cửu Long là cây Sa-kê (Breadfruit), trái như trái mít nhưng nhỏ và tròn, luộc chín ăn giống như khoai mì. Một cây rất lạ tôi chưa thấy bao giờ, thân thẳng rất cao, mà phía dưới những chùm trái thật tròn như quả banh bám vào thân cây. Hoa đẹp màu đỏ rất to, cánh dầy như phong lan. Tên cây là Cannonball Tree vì trái giống như quả đạn đại bác thời cưa. Trái rụng xuống đất, tôi đạp lên thì bể ra và ruột bênt rong có màu đen, hắc ám!

Đó là một vài loại kỳ hoa, dị thảo mà chúng tôi tìm thấy trong Foster Garden, vườn bách thảo xưa nhất ở Hawaii. Vườn cũng có trong một ít phong lan nhưng không mấy đặc biệt.

ALOHA TOWER
Rời vườn bách thảo, chúng tôi thả bộ ngang qua China Town và đi thẳng xuống biển để thăm ngọn tháp lịch sử Aloha Tower. Thập niên 1920, tháp Aloha là kiến trúc cao nhất ở Honolulu thời bấy giờ. Nguyên thủy tháp là ngọn hải đăng hướng dẫn các thương thuyền từ ngoài khơi vào hải cảng Honolulu. Thời ấy mỗi khi tàu hành khách cập bến là được dân địa phương ra chào đón bằng những vòng hoa Lei, kết bằng bông sứ thơm ngát và ban nhạc kèn đồng chào mừng rộn rã. Aloha Tower là cửa ngõ ra và vào của Hawaii đối với thế giới bên ngoài nên trên tường bốn mặt của tháp đều có chữ Aloha là lời chào đón cũng như giã từ. Cơ quan quan thuế cũng như di trú ngày xưa đều làm việc tại đây rất tấp nập. Caỳnh đó là những cầu tàu số 8, số 9 và số 10, những thương thuyền, tàu khách đậu chật nơi đây, lên xuống hàng, hành lý nhộn nhịp.

Ngày nay, cảnh ấy không còn nữa vì du khách viếng đảo bằng đường hàng không. Tháp Aloha chỉ còn là di tích lịch sử, chứng tích một thời hoàng kim. Dưới chân ngọn tháp là Shopping Center mái ngói xanh hai tầng với 80 cửa hàng lịch sự, thoáng mát vì được cất trên cầu tàu. Chúng tôi đi thang máy cổ xưa để lên lầu viễn vọng ở tầng chót hết là nơi đặt ngọn đèn biển ngày xưa. Trên bao lơn này, nhìn xuống hải cảng, khu downtown Honolulu nằm dọc theo con đường Bishop với nhiều cao ốc chọc trời và phía Bắc là mây mù giăng trên vùng núi thẩm. Lên lầu viễn vọng không mất tiền nhưng thang máy đã quá cũ không biết bao giờ sẽ ngưng hoạt động.

Chúng tôi xuống tháp đi dạo trong shopping center. Sáng Thứ Hai, du khách Nhật đã trở về xứ nên thương xá vắng vẻ. Một ban nhạc trình diễn những vũ điệu Hawaii giúp vui cho khách hàng cuối cùng mời khách tham gia những điệu vũ lắc mông rất vui tươi, dí dỏm. Các cô gái Hawaii vận xà-rông lắc mông rất điệu nghệ nhưng đàn ông Mỹ, bụng to lắc mông, quần sọt xệ xuống, chừng như sắp tuột mà hai tay bận cầm hai bó bông lúc lắc, xem rất khôi hài!

CHỢ TÀU CHINATOWN
Trời đã quá trưa, chúng tôi rời Aloha Tower đi hướng về Chợ Tàu để ăn trưa. Khu Chợ Tàu Honolulu đường xá nhỏ hẹp, vắng xe cộ và những cây bàng, cây phượng trồng ở vĩa hè trông giống như ở tỉnh lẻ quê nhà. Phố xá không lầu cũ kỹ, tường quét vôi sơn vàng với những quầy hàng được bày ra vĩa hè. Khu phía Bắc còn đông đảo người Tàu với các nhà hàng ăn, các tiệm thuốc Bắc, đông y, châm cứu, tiệm hoa với các vòng hoa Lei để trong tủ kính lạnh. Có những công viên nho nhỏ trồng phượng vĩ để các cụ già người Hoa tập Tai-Chi. Khu phía Nam gần bờ biển là các chợ thực phẩm thì dân Việt Nam đã tràn ngập chiếm gần hết các cửa hàng ở đây. Có rất nhiều nhà hàng Việt Nam như Hương Lan, Maxime, Phở Hòa.... Dân Việt còn làm chủ các tiệm hoa, tiệm bánh, cho mướn video phim Tàu và văn phòng du lịch bán vé máy bay về Việt Nam. Các chợ không lớn như ở California, không có bãi đậu xe, mà chỉ là hai ba căn phố không có vách ngăn. Bên ngoài vĩa hè trên tường treo các nãi chuối và bày các rỗ trái cây, rau cải có ghi giá bán. Vào bên trong, thực phẩm bày bán như gạo, đường, đậu, trái cây, thịt thà thì để trên sạp và người bán ngồi ngay trên đó như trong chợ ở Việt Nam. Gần phía bờ sông có một ngôi nhà lồng chợ đề bảng “Oahu Market” chữ sơn cũ kỹ. Tôi vào bên trong hóa ra là chợ cá, chừng hai mươi người bán, toàn là người Việt. Cá chết thì để trong rỗ, các sống còn bơi lội như cá lóc, cá rô, cá trê thì rong trong thau nhựa. Cá biển lớn hơn như cá thu, cá hồng, cá đao thì để trên bàn, có cân và người bán sẵn sàng làm sạch ngay trên thớt cá. Tất cả đều tươi rói và không đông lạnh. Chợ Oahu nhưng dân địa phương không thấy một bóng mà toàn là dân Việt Nam ta. Đi trong chợ này tôi cảm tưởng như đi trong chợ Dương Đông hay Hàm-Ninh trên đảo Phú Quốc.

Đi lòng vòng thăm thú một hồi rồi cũng mệt và cảm thấy đói. Nơi góc đường River và đường Hotel gần chiếc cầu bắt qua con sông nhỏ, có tiệm phở Tô Châu nhưng lạ một điều là người ăn sắp hàng hàng dài trên vĩa hè chờ tới phiên mình vào ăn! Nhưng đa số khách sắp hàng ăn phở lại là người Tàu hay Nhật địa phương. Phở nơi đây chắc nổi tiếng lắm nên người ta mới đông như vậy? Vì không muốn chờ lâu trong lúc bụng đã đói nên tôi vào tiệm phở bên cạnh trông có vẻ mới mẻ và sáng sủa hơn là phở Cửu Long 2. Bên trong máy lạnh mát mẻ và phục vụ rất ân cần. Tô phở xe lửa lớn chưa từng thấy, phở Cao Vân gần Hội Việt Mỹ ở Sàigòn ngày trước hãy còn thua, mùi vị nước lèo cũng thơm lừng và dĩa rau lớn như những tiệm phở Sàigòn. Ăn xong tôi hỏi bến xe buýt để trở về lại Waikiki thì cô gái tiếp viên cho biết xe buýt đậu ngay bên cạnh, trên đường Hotel. Con đường này ngày xưa chắc có nhiều khách sạn nên mới có tên là Hotel, bây giờ toàn là tiệm buôn. Đường một chiều rất hẹp, không cho xe cộ lưu thông chỉ dành riêng cho xe buýt mà thôi.

Chợ Tàu tại đây vắng vẻ ít thấy du khách da trắng và Nhật bản. Thương gia người Tàu ngày xưa thì đã mất, lớp trẻ lớn lên nói giỏi tiếng Mỹ đã làm nghề khác. Do đó người Việt đã điền vào để thay thế người Hoa. Người Việt buôn bán tại đây có lẽ là những người mới qua. Tôi mua một cái áo Hawaii in bông hoa và hỏi thăm chị bán hàng về đời sống dân Việt tại Hawaii thì chị cho biết rất là thoải mái. Những người theo diện HO mới qua thì có việc làm ngay như may quần áo bán cho du khách như chiếc áo tôi vừa mới mua hay làm trong khách sạn. Nhà cửa ở ngoại ô giá lại rẻ hơn Cali. Gia đình chị qua hơn mười năm do một cô em gái vượt biên bảo lãnh. Con trai chị vừa lên đại học lại thích vào học trong đất liền. Một điều đặc biệt là Chợ Tàu đóng cửa sớm ban đêm và 12 giờ trưa ngày Chủ Nhật, tất cả tiệm buôn đều đóng của nghỉ cuối tuần.

NGÀY CUỐI Ở HAWAII
Ngày Thứ Ba 28-8-2001 là ngày cuối của chúng tôi trong chuyến nghỉ hè 6 ngày tại Oahu. Máy bay hãng Hawaiian Airlines sẽ cất cánh lúc 9 giờ 30 tối. Bảy giờ, Bàn là nhân viên hãng du lịch hẹn sẽ đến khách sạn đưa chúng tôi ra phi trường. Phải trả phòng khách sạn trước 12 giờ trưa, không thôi họ sẽ tính thêm một ngày nữa. Trả phòng xong chúng tôi trở thành homeless, tôi gởi tất cả hành lý cho khách sạn và chỉ mang theo mình một túi xách ba-lô.

Chúng tôi thả bộ ra bờ biển và đi về hướng Diamond Head. Ngang qua Honolulu Zoo rồi tới Kapiolani Park. Trên hàng rào công viên này nhiều họa sĩ đã treo những bức tranh của mình lên hàng rào để chào mời du khách vì nơi đây lúc nào cũng có bóng mát và dễ đậu xe. Chúng tôi vào xem cá ở Wakiki Aquarium cạnh bờ biển. Nơi đây nuôi nhiều loại cá biển vùng nhiệt đới màu sắc rực rỡ. Khi mua vé khách vào xem được trao cho một máy phát lời chỉ dẫn giống như chiếc remote control. Muốn tìm hiểu loại cá nuôi ở bồn số mấy thỉ chỉ việc bấm nút số đó và đưa máy vào tai để nghe chỉ dẫn. Ngoài những bồn cá trong nhà, phía ngoài còn có những hồ cá lớn với nhiều loại san hô sắc màu rực rỡ. Rời Aquarium trên đường trở về gặp một cây đa rễ buông thòng xuống bãi cát. Thằng con tôi nhảy nắm dây đánh đu, đong đưa qua lại như phim Tarzan Ấn Độ “Sữa Rừng Thay Sữa Mẹ” ngày trước.

Sau một buổi chiều tăm biển lần cuối ở bãi Waikiki, chúng tôi trở về khách sạn và vì đã trả phòng nên phải thay quần áo sạch ở khu hồ tắm nơi lầu 6. Tại đây ngoài hồ bơi, phòng hơi, whirlpool, còn có phòng tắm cũng như máy giặt, máy sấy quần áo. Bảy giờ chiều khi đi ăn tối trở về thì Bàn đã chờ sẵn để đưa chúng tôi ra phi trường. Gần 10 giờ đêm máy bay cất cánh, đầy hành khách không còn một ghế trống. Chuyến trở về đi từ Tây sang Đông bao giờ cũng ngắn hơn chuyến đi, có thể vì bay ngược chiều với chiều quay của địa cầu nên chỉ mất hơn 4 tiếng đồng hồ thay vì lúc đi phải khoảng 5 tiếng rưỡi. Đến Los Angeles mới 5 giờ sáng trời vẫn còn tối nhưng hành khách rộn rịp nơi các quày vé. Đón xe shuttle để ra bãi đậu xe dài hạn Parking Lot C, trời cũng vừa sáng gặp lại chiếc xe của mình bụi bám đầy vì nằm phơi sương gió đã sáu ngày qua. Chúng tôi nhập vào dòng đời xuôi ngược để trở về nhà kết thúc một chuyến đi thú vị, tâm hồn thơ thới, lạc quan, yêu đời.

Hawaii cảnh trí thiên nhiên êm đềm, thơ mộng, tuy là đất Mỹ nhưng khác hẵn xứ Mỹ, nó còn giữ lại cuộc sống thảnh thơi, nhàn tản. Người dân hải đảo từ ngàn xưa đã được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ấm áp, không khí trong lành, các tôm dưới biển, khoai củ trong rừng. Họ chẳng cần quan tâm tới vật chất, họ sống với tình yêu và hát ca, nhảy múa, vui chơi suốt tháng ngày. So với các nước kỹ nghệ tân tiến, vật chất dư thừa nhưng tinh thần bẩn chật, tình người hạn hẹp. Cuộc sống nào hạnh phúc hơn?

Ba giờ sáng Thứ Sáu 24-8-2001, tôi thức giấc mà không sao ngủ lại được vì chiếc đồng hồ “sinh học” của tôi đã quen với giờ Cali là 6 giờ sáng. Giờ hằng ngày chuẩn bị lên đường kéo cày trả nợ. Nhưng hôm nay đi vacation và đang ở Hawaii đâu cần phải thức sớm, nhưng đồng hồ vẫn đánh thức tôi dậy như mọi ngày. Pha một tách cà-phê và ra ban-công khách sạn, ngồi nơi chiếc bàn tròn nhìn xuống đường phố Waikiki. Tôi thầm nghĩ cuộc đời có những biến thiên khôn lường, không ngờ trước được. Trước 1975 ở Việt Nam chiến cuộc lan tràn, sống được ngày nào hay ngày nấy, làm gì có biết vacation, đi nơi này chốn nọ. Hạ-Uy-Di, thiên đàng hạ giới chỉ đọc qua sách vở, chỉ xem trên màn ảnh chứ nào dám mơ một ngày nào đó mình đặt chân tới. Sáng nay ngồi nơi tầng lầu 42 của Hotel Marc Island Colony ở thành phố Honolulu trên đất Hạ-Uy-Di, tôi thầm thì câu thơ mùi triết lý: “Cuộc đời tựa áng mây trôi! Bức tranh Vân Cẩu biến thiên khôn lường!”

Tôi ngồi đợi sáng, nhìn xuống thành phố là những cao ốc chen chúc ánh đèn. Dưới đường thỉnh thoảng một vài chiếc xe chầm chậm qua lại. Phía núi vẫn còn đen tối âm u. Hướng biển lấp lánh ánh đèn trên những du thuyền. Những bóng dừa dưới đường làm tôi nhớ về quê hương xa cách. Nhưng sáng nay tôi đang ngồi trên hòn đảo giữa Thái Bình Dương. Phía Đông là đất Cali, là chốn lưu thân, sáng xách xe đi, tối xách xe về! Biết chào cờ mà không biết hát quốc ca! Phía Tây nơi chân trời kia là quê hương, đã xa lìa mấy mươi năm. Cảm giác nổi trôi, lạc loài, không biết nơi nào là quê hương đích thực, không một cõi để đi về, dâng lên man mác buồn!


Cuối cùng rồi trời cũng sáng, dưới đường xe cộ đông hơn và vợ con tôi cũng đã thức dậy. Sau khi tắm nước lạnh cho tỉnh người, chúng tôi xuống dưới nhà hàng Tàu trong khách sạn để dùng điểm tâm khỏi mất tiền. Nhà hàng Tàu nên thực khách cũng ...Tàu. Mọi người đều ăn cháo trắng với một vài món bình dân như như mì xào, hột gà kho với tàu hủ, dưa cải muối. So với những khách sạn ở Thái Lan thì không bằng vì ở Thái Lan điểm tâm miễn phí rất là thịnh soạn còn hơn những buffet Tàu ở Cali. Nhưng làm sao so sánh được vì vật giá ở hai nơi hoàn toàn cách biệt. Thái Lan mọi thứ rất rẻ, còn Hawaii là... thiên đàng nên mọi thứ của dương gian đều đắt như vàng. Mỗi sáng có cháo trắng, ăn miễn phí là quý lắm rồi!


Đây là ngày thứ hai ở Waikiki, ngày hôm qua chúng tôi đi về hướng biển, hôm nay thử đi về hướng Honolulu tức hướng Tây xem như thế nào? Bằng con đường chính Kalakaua chúng tôi đi ngang một công viên được rào lại là trại lính Fort Derussy. Tên là đồn lính nhưng thực ra nơi đây là khách sạn dành cho quân nhân nghỉ hè với giá phòng rất là tượng trưng. Rẻ vào khu khách sạn Hilton Hawaiian Village, nơi đây có một khu shopping center sang trọng, với những cửa tiệm kiến trúc như những ngôi chùa Nhật Bản, mái cong, ngói đỏ ẩn mình dưới những gốc đa chằng chịt rễ. Tường khách sạn Hilton cao mấy chục tầng được cẩn gạch men với hình cầu vòng rainbow nên building được gọi là Rainbow Tower. Bức hình này được Guinness Books of World Records liệt danh là Tác Phẩm Gạch Men Cao Nhất Thế Giới. Khu hồ tắm của Hilton là một khu vườn Nhật Bản tuyệt vời với những hồ cá Koi nước trong vắt, con nào con nấy dài hơn hai feet, màu sắc óng ánh, nhỡn nha bơi lội cùng bày vịt Nhật nhiều màu. Một đàn hồng hạc (flamingo) thong dong đứng rỉa lông, soi bóng trên mặt hồ. Cảnh vật là hoa xanh tươi, suối chảy trong vắt trên những tảng đá rêu xanh là một bức tranh tĩnh mịch làm tâm hồn du khách trở nên lắng động như ngồi thiền. Ngoài kia qua những hàng dừa đong đưa theo gió là một vùng biển xanh, mặt nước lăng tăng gợn sóng.


Khách ngụ tại Hilton đa số là du khách Nhật Bản, so với tôi thì họ còn trẻ lắm. Họ là những đôi uyên ương đi hưởng tuần trăng mật hay những gia đình thuộc hạng “cổ trắng” ở xứ Phù Tang, mọi thứ đắt như vàng! Họ vây quanh những quày du lịch để mua vé tham quan thắng cảnh ở những đảo xa. Phụ nữ Nhật Bản ăn mặc rất đẹp, dáng gầy không quá khổ như phụ nữ Hoa Kỳ, nhờ họ ăn nhiều cá hơn thịt và đi bộ nhiều hơn ngồi lái xe. Năm 1974, tôi có dịp qua Nhật tu nghiệp về ngành đo đạc thủy đạo trong vòng 6 tháng, dân Nhật lúc ấy hãy còn lùn thấp, phụ nữ chân to, mắt hí, mũi tẹt và khuôn mặt lớn và dẹp. Mùa hè năm 1991, tôi thăm lại Đông Kinh, mọi sự có chiều thay đổi, dân Nhật cao to hơn, phụ nữ dáng nét đẹp hơn và ngạc nhiên thấy đa số mọi người đi ngoài đường đều là giới trẻ. Tôi nghĩ ra vì mình đã già hơn xưa.

HANAUMA BAY, CÙNG BƠI VỚI CÁ
Hai giờ chiều là giờ đón chúng tôi tại khách sạn để đi Hanauma Bay tắm biển và xem cá. Chúng tôi đã nai nịt gọn gàng, mặc đồ tắm, chân mang sandals cao-su để có thể bước trên những tảng san-hô mà không bị đá cắt. Nhưng đón chúng tôi ra biển lại bằng một chiếc limousine màu trắng do anh Trần Hồ làm cho Công Ty Du Lịch Việt Nam lái.

Hanauma Bay nằm về phía Đông và cách Waikiki 7 miles, cạnh con đường 72 là xa lộ H1 nối dài. Hanauma Bay ngày xưa là miệng núi lửa đã tắt bị nước biển phủ lên theo hình móng ngựa. Chung quanh là một dãy đồi thấp có hình dáng một con khủng long nằm uốn mình ôm lấy bờ biển nên còn được dân Việt tại Hawaii gọi là Bãi biển Khủng Long. Bãi đậu xe nằm phía trên đồi và du khách sau khi mua vé tắm là $3 theo những bậc thang đi xuống bờ biển. Đứng trên cầu thang chúng ta có thể thấy đáy nước là những tảng san-hô đen xám. Biển không sâu chỉ một vài nơi thì ngập đầu. Phía bên ngoài thì sau những bị một dãy đá san-hô chắn ngang nên sóng lớn không đánh vào trong vịnh được.

Trần Hồ mở trunk limouse ra đưa chúng tôi mỗi người một chiếc chiếu, một kính chụp mắt của thợ lặn và một ống snorkel. Chúng tôi bỏ đồ đạc, khăn tắm trên bờ biển và lội xuống nước. Nước rất mặn, dường như không cần bơi cứ nằm im vẫn cứ nổi như thường! Mang kính lặn vào miệng ngậm ống nhựa snorkel, ta hụp đầu xuống nước nhưng phần cuối ống phải nhô lên lên không khí để thở phì phò bằng miệng. Cá từng đàn, nhiều màu sắc đi kiếm ăn trên những tảng san hô. Chúng rất dạn, đôi lúc chạm phải người mình. Thằng con trai tôi đã mua sẵn một máy ảnh dưới nước gồm 27 exposures, dùng một lần rồi bỏ, chụp được rất nhiều loại cá kể cả loại vảy màu xanh Parrotfish (Cá Két). Loại cá lạ mắt này chắc không phải là loại hiếm quý nên vài hôm sau tôi đi Chợ Tàu ở Honolulu thấy dân Việt ta bày bán trong thau để ăn thịt.

Lúc lặn hụp xem cá lội, lúc mò lên bãi nằm nghe sóng vỗ, mãi cho đến năm giờ chiều chúng tôi mới cuốn chiếu, vác đồ lếch thếch leo dốc đá mà lên bãi đậu xe. Những ai mõi mệt không muốn leo dốc có thể lên xe với giá là $1. Trần Hồ đã đậu limousine ngồi chờ trên bãi đậu. Tôi thấy quảng cáo ở Waikiki đi Hanauma Bay chỉ có $10, nhưng tôi phải trả đến $35 một người nhưng chắc là “tiền nào, của nấy”. Trong cuộc đời mình mấy khi có dịp đi tắm biển bằng xe đám cưới!

BỜ BIỂN ĐÔNG CỦA ĐẢO OAHU
Dãy Ko’olau Range chạy từ Bắc xuống Nam trên đảo Oahu chia khí hậu làm hai vùng khác biệt. Bên phía tây là bình nguyên lặng gió là nơi dân cư sinh sống và trồng trọt, nơi có thành phố Honolulu và hải cảng Pearl Harbor. Phía Đông dãy núi, bình nguyên rất hẹp, vì mây mưa không vượt được dãy núi nên mưa nhiều hơn và rất nhiều gió nên phía Đông được gọi là Windward Oahu. Bờ biển phía Đông rất đẹp, cây cối xanh tươi, núi cao chớn chở bao phủ bởi mây mù, bãi cát trắng, nước trong xanh và sóng lớn bạc đầu.

Hôm nay là Thứ Bảy 25-8-2001 là ngày thứ ba của chúng tôi ở Oahu. Tám giờ sáng sau khi điểm tâm bằng cháo trắng ở khách sạn, chúng tôi lên đường tham quan vùng bờ biển phái Đông Oahu. Nhân viên Công Ty Du Lịch tên Bàn đưa chúng tôi đi bằng xe van sau khi đón thêm một gia đình Việt Nam ở một khách sạn khác.

Xe chạy dọc theo bờ biển Waikiki và hướng về ngọn Diamond Head là landmark biểu tượng cho Waikiki. Trong tất cả các bức tranh vẽ về bờ biển Waikiki lúc nào cũng phải vẽ ngọn Diamond Head. Sở dĩ có tên Diamond Head là vì ngày trước các thủy thủ người Anh đã tìm thấy nơi đây những viên đá nhỏ Calci (Calci Crystals) lấp lánh mà họ rất mừng lầm tưởng là kim cương. ngọn Diamond Head là vành phểu của miệng núi lửa hoạt động từ 350 ngàn năm trước, cao 760 feet và du khách có thể đi bộ theo lối mòn để lên trên đó. Chinh phục ngọn Diamond Head khiến người ta có cảm giác thích thú như chinh phục ngọn Everest trong dãy Hy-Mã-Lạp-Sơn. Đứng trên đỉnh lộng gió du khách có thể quan sát hết bờ biển Waikiki với hàng trăm cao ốc, khách sạn.

Chúng tôi không trèo lên đỉnh, nhưng đi xe xuyên qua con đường hầm để vào bên trong miệng núi lửa. Đứng bên trong miệng núi lửa là một vùng đất bằng, cây cỏ vàng úa, xơ xác, bốn bề bao bọc bằng một dãy núi thấp. Một đồn lính của Hawaii National Guard, cạnh đó là nghĩa trang quân đội. Khi trở ra khỏi miệng núi, xe dừng lại khoảng đất trống bên đường để mọi người ngắm cảnh, nhìn xuống bình nguyên nhà cửa chen chúc. Vùng này nhà cửa đắt nhất Honolulu, có những bất động sản trị giá hàng chục triệu của tài tử Holywood, các chủ công ty Nhật Bản. Trên bãi đậu xe này, chúng tôi thấy rất nhiều xe limousine chở du khách Nhật và đặc biệt hơn hết là một chiếc Hummer, loại xe quân đội đắt tiền, nhưng là limousine. Theo lời anh chàng Bàn, nhân viên du lịch ở Honolulu, anh ta cho biết chủ nhân chiếc limousine đó là người Việt Nam, ông ta làm chủ hãng cho thuê xe limousine, mười mấy chiếc. Chiếc Hummer limousine là xe mới nhất trong hãng của ông ta.

Xe tiếp tục theo con đường 72 dọc theo bờ biển và dừng lại ở Halona Blowhole, nơi mà sóng biển đánh vào hốc đá và nước bắn tung lên trắng xóa. Nhìn lên hướng Bắc, bờ biển cát trắng chạy dài, ngoài kia biển xanh trong vắt từng đợt sóng trắng đưa nhau vào bờ. Vùng biển cát trắng này có tên là Sandy Beach, bên trong là ngọn núi Koko cũng là miệng núi lửa, cao sừng sửng với những nếp nhăn đi từ đỉnh xuống, dấu vết của nham thạch ngày xưa tràn xuống. Núi bên trong, con đường chạy ôm theo bờ biển, giống vùng Cà Ná gần Phan Rang của xứ ta.

Càng lên phía Bắc, cây cối, núi rừng càng xanh hơn. Xe dừng lại bãi biển Waimanalo với rừng thùy dương vi vu trong gió. Chúng tôi bước xuống biển, nước trong xanh, bên cạnh những thân dừa cong như sắp ngã. Quang cảnh ở đây lại rất giống bờ biển Đại Lãnh, phía Bắc Nha Trang. Biển rất vắng người, chỉ một cặp tình nhân Nhật Bản đang xây nhà trên cát. Nhìn lên hướng Bắc hòn Mokolua có hình dáng của con rùa nằm bất động, ngẩng đầu nhìn ra khơi. Hướng Nam là Rabbit Island, khiến tôi nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn “Thỏ Chạy Đua Với Rùa”. Thỏ khinh dễ Rùa bò chậm nên cứ mãi nhởn nhơ tìm hoa thơm cỏ lạ dọc đường. Trong khi Rùa chậm chạp nhưng lại kiên nhẫn, cứ mãi miết mà bò. Cuối cùng Rùa lại đến đích trước và thắng cuộc.

Xe tiếp tục chạy lên hướng Bắc, con đường 72 không còn men theo ven biển nữa mà chếch vô trong núi. Mưa nhiều nên cảnh vật nơi đây hoa lá xinh tươi nhất là những cây ăn trái như chuối, đu đủ, xoài khiến ta tưởng chừng như lên vùng Lâm Đồng, Bảo Lộc. Rời bỏ xóm nhà, xe rẽ trái bắt đầu leo dốc trên con đường Pali Highway. Con đường quanh co chữ chi như leo Đèo Ngoạn Mục trên đường Phan Rang lên Đà-Lạt, đôi lúc lại chui vào đường hầm. Nhưng nơi đây cây cối rậm rạp hơn, dây leo chằng chịp khiến tôi liên tưởng đến nhạc phẩm “Đường Lên Sơn Cước” theo điệu Valse với những câu: “Đường lên núi rừng, sao hãi hùng! Ôi gió lộng, muôn lá động, cành trong bóng thê lương!” Xe chạy vào bãi đậu của thắng cảnh Pali Lookout. Chúng tôi xuống xe đi bộ vào mỏm đá Nu’uanu Pali. Từ điểm vọng cảnh này nhìn xuống vực sâu hàng ngàn feet. Nơi đây ngày xưa để thống lãnh toàn đảo, vua Kamehameha đã giết hàng trăm đối thủ bằng cách xô xuống vực sâu mà xác không bao giờ tìm lại được vì phía dưới vách đá cheo leo, cây cối chằng chịt. Cũng vì địa thế như vậy, mấy năm nay địa điểm du lịch này đóng cửa vào ban đêm, đề phòng án mạng mà hung thủ phi tang xác.

Nơi đây gió lồng lộng, từng cụm mây như hơi sương từ biển bay vào khiến không khí mát lạnh. Nhìn lên hướng Bắc, sau dãy núi là thành phố, nhà cửa và xa hơn nữa là đảo Chinaman’s Hat giống như chiếc nón rơm của người Tàu. Cây cối nơi đây sủng nước và thân cây đóng rong rêu. Dưới đất có những con cuốn chiếu hàng trăm chân, dài bằng gang tay, bò ngoằn ngèo mà thằng con tôi chưa từng thấy bao giờ nên cảm thấy ghê rợn.

Về lịch sử vùng Waikiki thuở xưa là một đất thấp đầm lầy, thổ dân địa phương trồng khoai môn và lúa. Đến năm 1901 Moana Hotel là khách sạn đầu tiên được xây cất vì thời đó bắt đầu có những du thuyền chở du khách Tây Phương đến. Ngày nay Moana Hotel vẫn còn với lối kiến trúc La Mã thời Phục Hưng nguy nga, tráng lệ. Đầu thập niên 1920, con kênh Ala Wai được đào để thoát nước mưa từ trên núi đổ ra biển, đất đào lêân được đắp thành khu Waikiki ngày nay. Năm 1927, Royal Hawaiian Hotel được xây dựng trên phần đất mà trước kia là nhà nghỉ mát của nhà vua với phí tổn lên tới 4 triệu đồng là một số tiền rất lớn vào thời đó. Ngày nay, khách sạn vẫn sơn màu tím, có 527 phòng với giá thuê rẻ nhất là $300 một đêm! Như tất cả các khách sạn khác ở đây, Royal Hawaiian Hotel mở cửa tiếp đón tất cả mọi người mặc dù có mướn phòng trong khách sạn hay không?

MUA SẮM Ở WAIKIKI
Du khách Mỹ ít mua sắm ở Waikiki vì giá cả đắt hơn trong đất liền, nhưng người Nhật thì Waikiki là thiên đường đểmua sắm vì giá cả rất rẻ so với nước Nhật đắt đỏ. Người Mỹ thường chỉ mua đồ kỷ niệmlà những đặc sản của Hawaii như áo Hawaiian cho đàn ông, sarông cho phụ nữ, hạt Macadamia và càphê Kona tặng bạn bè. Càphê Kona trồng trong vùng Kona thuộc đảo lớn Hawaii. Càphê Kona được quảng cáo rầm rộ nhưng thật ra không bằng càphê Ban-Mê-Thuột vì vẫn còn vị chua. Waikiki có nhiều khu shopping dọc theo hai con đường lớn chung quanh các khách sạn nhưng nổi tiếng là những khu mua bán sau đây:

International Market Place nằm trên con đường chính đối diện với khách sạn Sheraton Moana, là một chợ trời với nhiều gian hàng nhỏ nằm dưới bóng những cây cổ thụ lớn rễ buông xuống chằng chịt. Những cây cổ thụ này là loại Chinese Banyan tên khoa học là Ficus Microcarpa mà ta thường thấy ở Hawaii. Rễ từ trên nhánh buông thòng xuống đất và to lớn rất giống thân cây. Lá và vỏ cây bên Tàu người dùng để chữa bệnh đau răng. Dưới gốc cây cổ thụ lớn nhất người ta xây thác nước và hồ cá Koi. Ban đêm thác nước và cây được chiếu đèn trông rất lung linh, huyền ảo. Ban ngày nhờ bóng cây nên chợ trời lúc nào cũng mát mẻ. Tên là International Market vì chủ các gian hàng thuộc nhiều xứ khác nhau hư dân Hawaii, Phi, Mỹ, Đại Hàn, Tàu, Nhật và có cả Việt Nam. Đi ngang các gian hàng người Việt, chúng ta rết dễ nhận biết vì họ mở các dĩa nhạc Việt Nam. Hàng hóa bày bán trong chợ trời là quần áo, đồ kỷ niệm, ảnh tượng, san hô, vỏ sò ốc và đồ thủ công tre, dừa. Vì là chợ trời nên khách hàng có thể trả giá mà người bán hàng vẫn vui vẻ bớt giá như thường. Trong International Market Place có nhiều nhà hàng ăn và khu Food Court bán các món ăn nấu sẵn. Tại đây cũng có một quán ăn Việt Nam là Saigòn Express lúc nào cũng đông khách.

Royal Hawaiian Shopping Plaza gồm ba tầng lầu kéo dài đến ba blocks đường, choáng phía trước cửa khách sạn màu tím Royal Hawaiian. Nơi đây quy tụ những cửa tiệm tranh vẽ, kim hoàn, trang sức, nước hoa, quần áo, tiệm ảnh và trên lầu là nhà hàng ăn và văn phòng du lịch. Bên ngoài bao phủ bởi dây leo và một thác nước ầm ỉ suốt đêm ngày. Hầu hết các trung tâm mua bán mở cửa đến chín giờ đêm.

Waikiki Business Plaza là một building cao đến năm tầng nằm đố diện phía bên kia đường với Royal Hawaiian Plaza. Bên ngoài được trang trí bằng một bức tường thác nước cẩn gạch men hình những con cá koi bơi lội. Tầng hầm là những nhà hàng ăn đủ mọi miền trên thế giới như Mỹ, Ý, Tàu, Nhật, Đại Hàn. Nhà hàng Nhật ở đây cũng trưng bày những món ăn bằng sáp với giá cả bằng tiếng Nhật.
DFS Galleria nằm bên cạnh Business Plaza, là một shopping Nhật Bản, bảng giá chữ Nhật, người bán hàng nói tiếng Nhật nhưng mua bán bằng đô-la Mỹ. Bên ngoài là một bồn nuôi cá bằng thủy tinh cao hai tầng lầu và khách hàng có thể đi trong thang trôn ốc xuyên qua bồn cá.
Galleria mới cất nên rất nguy nga tráng lệ. Phía sau là Duty-Free Shop, miễn thuế cho người ngoại quốc, ban đêm tấp nập khách hàng Nhật. Bên cạnh đó là cửa hàng cất y như một chiếc tàu thời 1920 với thuyền trưởng người Mỹ râu dài đứng bên ngoài chào đón khách hàng. Mỗi đêm ở đây có trình diễn vũ nhạc Hawaii miễn phí và khách hàng có thể nếm thử càphê Kona và hạt Macadamia.

Ala Moana Shopping Center nằm cách trung tâm Waiki độ hai miles về hướng Tây, đây là shopping center lớn nhất của quần đảo Hawaii có hai tầng lầu và hệ thống Sears và JC Penney cũng có trong khu này. Food Court ở đây rất lớn và bán đủ thức ăn các nước. Bánh mì Ba-Lẹ cũng có mặt tại đây và nằm trong tiệm Sears chứ không nằm trong Food Court. Một điều thú vị là trên chuyến bay Hawaiian Airlines trở về Los Angeles, chiếc bánh mì sandwich ăn vào ban đêm có in chữ Ba-Lẹ Sandwich. Có lẽ Ba-Lẹ đã trúng thầu cung cấp thức ăn cho Hawaiian Airlines. Từ Waikiki muốn đến Ala Moana Shopping Center có thể đi xe shuttle miễn phí từ các khách sạn lớn trên đường Kuhio.

ĂN UỐNG Ở WAIKIKI
Giá cả ăn uống ở Waikiki đắt hơn California khoảng năm mươi phần trăm. Những tiệm thuộc hệ thống bán hamburger như McDonald, Burger King, Jack In The Box thì cùng giá và phẩm chất không khác gì ở lục địa. Các nhà hàng Mỹ như Sizzler, Denny’s, Chilis và Nhật như Todai, Benihana đều có mặt ở Waikiki nhưng giá cả cao hơn trong đất liền. Ăn uống trong các khu Food Court giá cả có vẻ rẻ hơn các nhà hàng nhưng lại không đủ no lại phải mua thêm nước uống mặc dù là nước lạnh! Khi dạo phố, du khách thường được nhân viên nhà hàng đứng ra mời chào và đưa những tờ quảng cáo. Những món ăn thông thường nhất ở các nhà hàng này là Steak, Lobster Tail, Crab Legs, cá Salmon đi chung với khoai chiên và sà-lách. Chúng tôi thường ăn ở nhà hàng Seaside Bar & Grill ở góc đường Kuhio và Seaside, mỗi phần ăn gồm hai thứ vừa kể và giá là $10. Ở đây có món cá Mahi Mahi mềm, ngọt, không xương và không tanh. Nhà hàng này bán đồ ăn Mỹ nhưng nhân viên toàn là người Tàu rất niềm nở, vì chúng tôi ăn mạnh nên họ tiếp thêm bánh mì nướng miễn phí.

Waikiki cũng có tiệm phở là Phở Trí, phở không thua gì ở Little Saigòn và giá cũng bằng giá Cali, nghĩa là bắt đầu bằng $3.50 một tô. Tiệm hơi nhỏ và cách khu trung tâm Waikiki chừng một mile về hướng Tây qua khỏi góc đường chính Kalahaua là Ala Moana nhưng chưa tới kinh đào Ala Wai. Khu China Town ở Honolulu có rất nhiều tiệm ăn Việt Nam mà trong những ngày kế tiếp chúng tôi sẽ đến thăm để biết sinh hoạt của đồng hương Việt Nam ở đảo Hawaii như thế nào?

Chuyến bay số 1 Hawaiian Airlines từ Los Angeles của chúng tôi hạ cánh xuống phi trường Honolulu vào lúc 11 giờ 30 ngày 23-8-2001. Bước ra khỏi cửa máy bay hơi nóng và ẩm quen thuộc của vùng nhiệt đới chạm vào da hãy còn lạnh vì ngồi hàng giờ trên cao độ. Từ cửa ra đến nơi lấy hành lý khá xa và lối đi quanh co phía ngoài nhà ga phi cảng nên không có máy lạnh. Chúng tôi phải tìm bảng chỉ dẫn và theo chân những người cùng đi phía trước để khỏi lạc lối. Trước khi máy bay hạ cánh, trên phi cơ họ đã chỉ dẫn và cho biết có xe buýt chở đến nơi lấy hành lý nhưng tôi tưởng gần và dễ tìm nên chọn cách đi bộ. Bây giờ tay xách đồ đạc mới cảm thấy nặng và lối đi thì xa. Hawaii tuy thuộc nước Mỹ nhưng không phải lúc nào cũng có những tiện nghi như trong đất liền.

Cuối cùng cũng tới nơi lấy hành lý nhưng phải chờ hơn nửa tiếng hành lý mới chạy ra. Anh chàng người gốc Hoa tên Peter làm cho công ty du lịch ra đón chúng tôi nhưng vì hành lý chưa ra nên anh ta bảo chúng tôi lấy hành lý xong thì chờ anh ta trở lại đưa về khách sạn. Bây giờ anh ta phải đưa một nhóm người từ Trung Quốc về khách sạn trước vì họ bắt đầu tour du ngoạn lúc một giờ. Anh ta đi khoảng mười phút thì hành lý được đưa ra và chúng tôi phải ngồi chờ đến 2 giờ 30 anh ta mới trở lại và đón thêm một đôi vợ chồng trẻ người Việt từ San Jose đến từ lâu cũng ngồi chờ thắp thỏm như chúng tôi. Cô vợ phàn nàn “ Hãng du lịch Việt Nam cũng lại xài giờ cao su!” Peter biện bạch cho có lệ “Xin lỗi quý khách vì mùa cao điểm du lịch nên chúng tôi làm không xuể! Từ sáng tới giờ tôi chưa ăn cơm!”

Phi trường Honolulu nằm sát bờ biển ở về hướng Tây của thành phố Honolulu. Peter chở chúng tôi bằng xe van, trong lúc lái xe anh ta nói về lịch trình du ngoạn của chúng tôi và giới thiệu thêm những tour du ngoạn khác không có trong package. Nếu ai muốn mua anh ta sẽ bán luôn. Tôi nghe nói vùng biển Hanauna Bay tắm chung với... cá nên mua thêm tour này với giá $35 mỗi người. Tôi hỏi về công ty du lịch của anh ta có phải do người Việt Nam làm chủ không? Vì thấy trên xe van của y có hàng chữ “Công Ty Du Lịch Việt Nam”. Peter cho biết chủ là người Thượng Hải và công ty có tất cả bốn nhân viên người Việt chuyên đua đón du khách người Việt từ Mỹ qua.
Xe chạy trên xa lộ H1 qua khu downtown Honolulu với những building cao hơn 40 tầng và đưa chúng tôi đến Waikiki cách phi trường chỉ độ 8 miles. Phong cảnh hai bên đường có phần khác với California, cây cối xanh tươi nhiều nhất là dừa. Nhà cửa không có sân cỏ phía trước, xây bằng những vật liệu khác nhau, có nhà bằng gỗ như ở Mỹ, có nhà tường gạch tô xi-măng như ở Việt Nam. Nhà cửa có vẻ hỗn độn, cái trệt, cái lầu, không ngay hàng thẳng lối và nhỏ hơn bên Mỹ. Thoáng nhìn nhà cửa chen lẫn với cây cối khiến ta có cảm giác như ở Thái Lan nhất là bên cạnh nhà có những cây dừa cao đong đưa trong gió, những cây xoài lốm đốm những trái đỏ, bông xứ từng chùm và cạnh hàng rào là những hàng bông giấy sắc màu tươi thăm, những hàng bông bụp mà cánh hoa to hơn ở Cali. Trời trong xanh, mây đen từng cụm trôi nổi bồng bềnh có thể mang những cơn mưa bất chợt đến bất cứ lúc nào. Nhưng mưa không nặng hạt mà chỉ lất phật kéo dài trong vòng vài phút không đủ làm ướt người. Có những đám mưa rơi xuống trong nắng vàng tạo thành những cầu vòng (rainbow) nhiều màu sắc. Rainbow là hiện tượng rất thường gặp ở đây nên bảng số xe của Hawaii in hình rainbow khiến tôi tưởng rằng nickname của Hawaii là Rainbow State. Nhưng không phải vậy, nickname của Hawaii lại là Aloha State và hoa tượng trưng cho Hawaii là cánh bông Bụp (Hibicus). Đóa bông Bụp năm cánh mở rộng khiến người ta liên tưởng đến miệng cười tươi và rất rộng của các cô gái người Hawaii.

Xe đưa chúng tôi về khách sạn Marc Island Colony nằm ở ngã ba đường Seaside và Ala Wai, cạnh con kinh Ala Wai nước xanh không chút sóng gợn. Khách sạn là một building cao 45 tầng, phía trên là một ngôi nhà mái ngói nóc nhọn giống như một ngôi chùa Nhật Bản vì chủ khách sạn là một công ty Nhật có nhiều khách sạn ở Hawaii. Phòng chúng tôi số 4216 ở tận lầu 42 gần đỉnh của khách sạn. Mở cửa ra ban-công nhìn xuống có cảm giác choáng ngộp vì độ cao. Khách sạn này là một trong những building cao nhất ở Waikiki vì đua mắt nhìn quanh không thấy một building nào cao hơn. Từ đây nhìn thấy thành phố Honolulu, nghĩa trang quốc gia Punchbowl nằm trên miệng núi lửa đã tắt và phi cơ lên xuống ở phi trường Honolulu. Thú vị hơn nữa là chúng tôi có thể ngắm cảnh hoàng hôn, mặt trời đỏ rực như một trái cầu từ từ lặn xuống biển xanh ở hướng Tây và phía Bắc là dãy núi Ko’olau xanh tươi với mây mù bao phủ.

Phòng khách sạn thuộc loại trung, không sang trọng như ở Las Vegas, nhưng sạch sẽ, có tủ lạnh, tủ đựng chén bát, dĩa, dao, muỗng và sink rửa chén nhưng lại không có bếp mà chỉ có bình lượt càphê. Có lẽ vì sợ hỏa hoạn trong một building cao. Bình càphê thì chỉ nấu tạm được mì gói. Tính tôi khi đi du lịch thường thủ theo mì gói phòng thân vì nhiều khi ngán đồ địa phương lại thèm mì gói! Có những đêm về đến khách sạn là qúa mệt sau một ngày đi bộ, tắm rửa xong làm biếng đi ra phố ăn thì có sẵn mì gói. Nhiều bạn bè quen cho biết đến Waikiki mướn các condo có luôn bếp và họ có thể nấu ăn vừa hợp khẩu vị lại đỡ tốn tiền. Nhưng nếu có bếp chắc chúng tôi cũng không nấu được gì vì ở Waikiki tôi không thấy có chợ bán thức ăn nào! Hệ thống chợ ở Honolulu thì thấy có Safeway và Foodland nhưng không thấy ở Waikiki. Có lẽ đi bộ qua bên kia con kênh thì có. Nhưng trái lại tại Waikiki có rất nhiều tiệm tạp hóa có tên là ABC Store. Cứ vài ba trăm thước là một ABC Store, nhiều nơi tiệm nằm ngay dưới khách sạn. Tiệm này bán đủ mọi thứ đồ lặt vặt mà du khách thường cần đến như quần áo tắm, đồ lưu niệm, thuốc men, bánh kẹo, bia rượu, v.v... Giá rẻ so với những tiệm khác. Điển hình như một manh chiếu lát đủ cho một người nằm trên bãi biển chỉ 98 xu, một vòng hoa lei bằng plastic là 99 xu, nhưng trái cây thì lại đắt vì mau hư như một trái chuối 50 xu và một trái đu đủ nhỏ 2 đồng. Đu đủ Hawaii trái nhỏ nhưng rất ngọt. Không thấy bán rau cải, thịt thà. Một hệ thống tạp hóa khác chuyên bán đồ đặc sản Hawaii tên là Hilo Hattie, giá cả đắt hơn.

Bốn giờ chiều, ba người chúng tôi gồm vợ chồng và thằng con thả bộ xuống bờ biển Waikiki. Chúng tôi chọn bãi tắm gần nhất kế bên trạm Cảnh Sát dưới bóng những cây dừa cao. Cảnh Sát Honolulu cũng sắc phục như California nhưng có một số đi tuần bãi biển mặc áo thun và quần ngắn. Đặc biệt có những cảnh sát đi tuần bằng xe hơi riêng của mình, họ chỉ để cái đèn trên nóc xe chỉ dấu rằng họ là cảnh sát. Người dân chính gốc Hawaii ít thấy làm cảnh sát, đa số cảnh sát là Mỹ trắng hoặc Phi Luật Tân. Lương bỗng của họ không cao như ở California.
Hầu hết các khách sạn đếu nằm dọc theo bờ biển nên con đường xuống bãi tắm đã được dọn dọn sạch đá gần bờ và xây tường chắn sóng phía ngoài. Những ai muốn bơi lội hay ngâm mình dưới làn nước ấm và trong xanh thì chọn bên trong. Những người thích chơi ván trượt sóng (surfing) thì ra phía ngoài khơi. Hawaii là thiên đàng của dân chơi trượt sóng vì sóng cao, di chuyển đều đều hết lượn này đến lượn khác và chiều dài trượt sóng rất xa. Thằng con trai chúng tôi cũng là dân trượt sóng, ngoài giờ học ở Cal State San Bernardino, nó làm ở các tiệm bán các thứ đồ chơi... trượt, như trượt pa-te, trượt tuyết và trượt sóng, nên ra đây chẳng khác nào như “lân gặp pháo, như rồng gặp mây”. Nó trượt đủ các thứ nhưng đừng trượt... thi là được! Nó mướn ván trượt sóng ngay trên bờ biển với giá $10 cho 2 tiếng đồng hồ và ôm ván lội ra khơi.

Những ai thích phơi nắng thì nằm dài trên bờ biển, trên những bãi cỏ xanh mịn màng được chăm sóc rất cẩn thận không một cọng rác và dưới những hàng dừa, lá đong đưa trong gió. Dừa được trồng khá nhiều, dọc theo đường phố nhưng đặc biệt dừa ở đây không thấy trái vì thành phố đã cho người lên chặt hết những chùm bông và tàu lá vàng để tránh rơi xuống gây thương vong cho du khách. Khác với xứ ta, nước dừa là một món giải khát bày bán khăp nơi. Ở đây cây dừa thì nhiều nhưng trái dừa lại không thấy bán. Có người mua dừa trong khu chợ Tàu già đắt mà nước lại không ngọt như dừa ở xứ ta. Cây dừa cũng là biểu tượng cho Hawaii, tranh vẽ cảnh Hawaii là phải có cây dừa. Ngày xưa khi sanh một đứa con thổ dân ở đây trồng một cây dừa để đứa con có vật liệu và thực phẩm dùng suốt cuộc đời. Cây dừa là một loại cây rất hữu ích. Thân dừa và lá dừa để làm nhà, trái dùng dùng để ăn, dầu dừa dùng để thắp đèn và xức tóc cho mượt, nước dừa để uống, lạc dừa dùng để làm dây cột hoặc kết lại làm quần, gáo dừa dùng làm chén bát và phụ nữ dùng để... che ngực! Nhưng gáo dừa bây giờ trở nên quá nhỏ so với tầm cở của phụ nữ Hawaii ngày nay.

Hawaii
PHỐ PHƯỜNG WAIKIKI
Waikiki là khu trung tâm du lịch nên ngành thương mại chính ở đây là khách sạn, nhà hàng ăn, bar rượu, cửa hàng mua sắm, rạp hát, cho mướn xe (xe hơi và cả xe gắn máy). Không khí du hí, ăn chơi ở đây giống như Las Vegas nghĩa là khách sạn, cửa hàng đèn đuốc sáng choang, khách dập dìu tấp nập 24 trên 24. Phong thái của du khách ở đây cũng giống như Las Vegas là họ quên tấ cả những lo âu hàng ngày sang một bên để vui hưởng những ngày nghỉ thảnh thơi. Không khí vui tươi đó giống như ba ngày Tết ở Việt Nam nên mới có thành ngữ “Vui như Tết”. Waikiki quanh năm suốt tháng ngày nào cũng là ngày Tết, mùa nào cũng là mùa Xuân. Nhưng Wakiki khác với Las Vegas là du khách vui chơi ngoài trời vì khí hậu mát mẻ, trong khi Las Vegas du khách chỉ ở bên trong casino, quên trời đất vì những canh bạc đỏ đen. Một cái khác nữa là cảnh Waikiki là cảnh thật trong khi Las Vegas lại toàn cảnh giả. Ta có thể tìm thấy cảnh Hawaii ở Hotel Casino The Mirage, Las Vegas, cũng rừng cây um tùm, cũng phong lan rực rỡ, cũng thác đổ ì ầm nhưng là cảnh giả trong khi Hawaii cảnh thật, thiên nhiên.


Waikiki nằm dọc theo bờ biển, chiều dài từ Ala Wai Canal ở phía Tây đến Sở Thú Honolulu phía Đông chỉ có 2 miles, nếu di bộ mất khoảng một giờ. Đến Waikiki du khách không cần mua bản đồ vì bản đồ nằm trong những tập quảng cáo in nhiều màu rất đẹp và đặt trong những thùng để biếu không. Những tập quảng cáo này rất hữu ích vì nhờ nó mà ta biết ăn ở đâu ngon lại rẻ, du ngoạn nơi nào thích thú lại gần. Waikiki chỉ có một con đường chính dọc theo bờ biển nên thơ là Kalakaua Avenue. Hầu hết các khách sạn, shopping center lộng lẫy nhất đều tập trung trên con đường này, nhưng lại là đường một chiều. Con đường phía sau song song với đường chính tên là Kuhio Avenue cũng là con đường lớn thứ nhì, nơi có những nhàhàng, hộp đêm giá rẻ hơn và cũng là con đường có xe bus để đi Honolulu. Waikiki là một khu trong thành phố Honolulu nhưng nó nổi tiếng là vì địa điểm du lịch với bãi biển thơ mộng, nhiều khách sạn tiện nghi. Một ngày bình thường trong khu Waikiki với diện tích chỉ 7 phần 10 của một dặm vuông, dân số trung bình đã là 110,000 người, trong đó hơn phân nửa là du khách, 30,000 là nhân viên làm trong các khách sạn, cửa hàng đến từ ngoại ô, duy chỉ có 20,000 người mới thực sự cư ngụ tại Waikiki. Mỗi tuần trung bình có khoảng 80,000 du khách mới tới. Du khách đến Waikiki là nguời Nhật và dân Mỹ, đông nhất là dân California. Người Nhật rất thích Hawaii vì khí hậu ấm áp, phong cảnh nhiệt đới hoàn toàn khác hẵn cảnh bên Nhật và nhất là mua sắm hàng hòa Mỹ với giá thật rẻ so với xứcủa họ. Ban ngày họ tắm biển, chiều về thay đồ thật đẹp đi mua sắm và tối đi ăn rồi dạo bờ biển. Bên Nhật một cái hamburger Big Mac họ phải trả giá $7, trong khi ở đây họ chỉ trả 99 xu! Thịt bò New York Steak là món ăn chỉ có người giàu có ở Nhật mới dám rớ, trong khi ở Waikiki chỉ là một món ăn thông thường! Có nhiều shopping center dùng cả hai thứ tiếng Mỹ, Nhật và do người Nhật đứng bán như ở Waikiki Shopping Plaza. Giới trẻ Nhật rất thích mặc quần áo hiệu nổi tiếng và xách bóp da vì họ luôn mang theo bên mình khi đi làm hàng ngày. Có những ví da họ phải sắp hàng để mua với giá $200 một cái!

medium_DSC1201.jpg

Ngọn tháp trường Ðại Học Yale ở New Haven

medium_DSC1203.jpg

Tòa nhà thuộc phân khoa Luật Ðại Học Yale

medium_DSC1103.jpg

Khu phố thương mại phía Nam trường Yale

medium_DSC1104.jpg

Ngọn hải đăng trên bờ biển gần New Haven

medium_DSC1202.jpg

Ngôi nhà trên đường Pendleton nơi cư ngụ 30 năm về trước


Từ Montréal lái xe về hướng New York trên con đường 385 miles suốt một ngày, đến chiều thì tới New Haven, nơi đây cuối Tháng Ba, năm 1979, gia đình tôi tới định cư trên đất Mỹ. Ði làm lao động ở đó được 3 tháng chúng tôi dọn về Cali nhưng hai cháu gọi tôi bằng cậu ở lại với người bảo trợ là Eugène Trịnh cũng là em họ của tôi. Nhân chuyến đi Canada thăm em trai ở Toronto cùng hai đứa cháu khác vượt biên với chúng tôi năm xưa nay ở Montréal, tôi có hẹn với hai cháu ở New Haven sang hội ngộ Canada. Hôm nay theo hai cháu về thăm lại New Haven thành phố êm đềm ngày xưa tôi từng ở trên bước đầu định cư trên đất Mỹ.

Tới New Haven khoảng 6 giờ chiều nhưng trời đã tối, rất may trời tuy khá lạnh nhưng chưa có tuyết rơi, chúng tôi đi về phía Ðông Bắc New Haven để đến nhà hai cháu tôi ở thành phố rất nhỏ tên North Branford nằm bên cạnh hồ Gaillard. Hai cháu này thằng em có gia đình, vợ là dược sĩ người Việt, còn thằng anh cũng trên 40 chưa cưới vợ mặc dù có bạn gái gần 10 năm nay. Hai anh em được chị tôi gởi theo trong chuyến vượt biển lúc chúng mười mấy tuổi, sang đây không có cha mẹ bên cạnh nên chúng rất thương yêu khắng khít với nhau, mặc dù thằng em có gia đình nhưng chúng vẫn ở chung, không xa nhau được. Hai cháu đã về thăm cha mẹ vài lần và anh chị tôi mùa Hè năm 2008 vừa rồi sang du lịch thăm tôi ở Cali, tôi mua vé máy bay để anh chị đi New Haven thăm các con hết hai tuần. Nhằm dịp Lễ Ðộc Lập (4 July) bắn pháo bông trên hồ Gaillard gần nhà, anh chị tôi xem rất thích và kỷ niệm không quên trong chuyến đi Mỹ là thành phố không ngủ Las Vegas đèn sáng suốt đêm cũng như mỗi sáng uống cà phê trong thương xá Phước Lộc Thọ.

Nhà vùng cháu tôi ở rất thưa vắng nhà cửa cũng như mới xây, mỗi nhà rất rộng khoảng 5,000 sq. ft., sân chung quanh trồng cỏ từ sân nhà này thông với sân nhà bên cạnh không có hàng rào. Mùa Hè mỗi tuần cắt cỏ hai lần, ngồi trên chiếc xe như máy cày, chạy tới chạy lui mất gần cả tiếng đồng hồ mới xong. Cháu dâu tôi bận đi làm không đi Canada trong chuyến vừa qua, cháu hồi vượt biên sang mới 2 tuổi nên tiếng Việt không rành, lại là người Huế nên nói tiếng Việt lại càng khó hiểu! Có lúc phải dùng tiếng Anh mới hiểu được. Cháu nấu cơm ăn với canh chua, cá kho, mấy tuần nay toàn chuyên trị đồ Mỹ, đồ Tây nên ăn rất ngon. Tôi hỏi ở New Haven có chợ Việt Nam không? Cháu dâu nói có chợ Tàu nhưng cửa hàng rất nhỏ, thường phải lên Hartford thủ đô của tiểu bang Connecticut cách đây 40 miles mới có chợ Việt lớn hơn cũng như các tiệm phở, nhà hàng cơm tấm, dịch vụ di trú, bảo lãnh, bán vé máy bay v.v... Còn không thôi xuống Chinatown New York cách New Haven 73 miles, trong Phố Tàu có đủ hết các cửa hàng của người Việt. Ðường xuống New York tuy không mấy xa nhưng sợ nhất là nạn kẹt xe ở New York, đèn xanh thì xe kẹt không nhúc nhích, chỉ chạy được khi đèn hết vàng sang đỏ! Chuyện vãn trong chốc lát chúng tôi đường xa quá mệt nên đi ngủ sớm. Ðêm xa nhà, lạ giường lạ chiếu nên khó ngủ hay tại cà phê quá nhiều suốt chuyến đi, nhìn ra cửa sổ phía sân sau nhà là một khu rừng thông tối đen không một ánh đèn, nửa khuya một hai giờ sáng vài tiếng chó sói tru lên từng hồi nghe rùng mình ớn lạnh!

Khu Downtown New Haven

Sáng ra hai cháu chở tôi xuống thăm New Haven bằng xa lộ 95 đi về hướng Tây lối 10 miles. Khu downtown có tâm điểm là công viên cỏ xanh New Haven Green vẫn như ngày xưa 30 năm về trước. Xung quanh công viên là những kiến trúc xưa cũ người ta không muốn thay đổi, phía Bắc đường Elm St. có tòa nhà đá trắng kiểu La Mã với hàng cột to bên ngoài hình như đó là cơ quan lo về trợ cấp nhà (Housing Session), kế đến là thư viện New Haven và một số cơ sở của trường Yale. Phía Tây công viên Green là đường College St. những tòa nhà cổ kiểu Anh bằng gạch đỏ của Ðại Học Yale như Famam Hall, Welch Hall và Bingham Hall. Phía NamChapel St. thương xá có lầu với các cửa hàng y phục, nữ trang và các nhà hàng, nơi đây ngày xưa cuối tuần chúng tôi thường vào ngắm qua tủ kính để mà ao ước. Trong thương xá ngày trước có quán Mc Donald's cuối tuần hay dẫn vợ con tới ăn cái hamburger giá 50 cents, bây giờ không thấy nữa. Phía Ðông là đường Church St. có tòa nhà cổ là những cơ quan liên bang như Sở Thuế IRS, Sở Cảnh Sát tiểu bang US Marshal và Tòa Thị Chính New Haven City Hall nhiều tầng gạch đỏ rất cổ kính. Giữa công viên Green có đường Temple St. xuyên ngang với 3 nhà thờ Trinity Church xây trên sân cỏ cách xa nhau. Phía Tây Bắc công viên Green toàn là giảng đường thuộc trường Yale xây bằng đá đỏ của các phân khoa chiếm rất nhiều vuông (block) đường. Có thể nói Ðại Học Yale đã áng ngữ gần hết khu trung tâm New Haven.

Ðại Học Yale ở trung tâm thành phố

Ðại Học Yale là linh hồn của New Haven, New Haven được người ta biết đến cũng là nhờ trường Yale chứ thực ra thành phố New Haven rất nhỏ, nhiều người da đen, Peurto Rican và không có kỹ nghệ gì quan trọng. Những ngành khách sạn, nhà hàng, thương mại, dịch vụ đều liên quan và phục vụ cho trường Ðại Học Yale. Yale University là trường tư nhân thành lập vào năm 1701 ở Thuộc Ðịa Connecticut (thời đó đế quốc Anh cai trị) là trường cao học cổ xưa đứng thứ 3 ở Hoa Kỳ. Yale đã đào tạo nhiều cựu sinh viên nổi tiếng kể cả 5 vị tổng thống Hoa Kỳ, 19 Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao ( U.S. Supreme Court) và một số lãnh đạo quốc gia các nước khác.

Ngày mới thành lập với tên Collegiate School do một nhóm quan lại người Anh ở vào thế kỷ 17 nhằm huấn luyện đào tạo những viên chức hành chánh để cai trị các thuộc địa Anh trên vùng đất Bắc Mỹ. Ðến năm 1718 đổi tên thành Yale College để vinh danh ông Elihu Yale người Boston chủ tịch công ty xuất nhập cảng British East India Company đồng thời là thống đốc một vùng thuộc địa bên Ấn Ðộ. Ông này đã tặng trường 9 kiện hàng hóa quý trị giá 560 bảng Anh thời đó, ông cũng cho trường 417 quyển sách và bức chân dung Hoàng Ðế Anh George I. Ban quản trị trường dùng tên ông đặt tên cho trường hy vọng ông sẽ tặng trường thêm nhiều tài sản lớn nữa nhưng ông đã đi về Ấn Ðộ và là chuyến cuối cùng không bao giờ trở lại Mỹ nữa!

Trường Yale ngày càng bành trướng phát triển thêm: thành lập Y khoa năm 1810, Thần Học (Divinity) 1822, Luật khoa 1843, các phân khoa nghệ thuật và các ngành khoa học 1847. Sau đó tên trường là Yale College đổi thành Yale University vào năm 1887 và mở thêm các phân khoa như Âm Nhạc 1894, Lâm Học và Môi Trường 1901, Y Tế Công Cộng 1915, Y Tá Ðiều Dưỡng 1923, Kịch Nghệ 1955, đào tạo Y Sĩ (Physician Assistant) 1973 và Quản Lý (Yale School of Management) 1976. Vốn đầu tư vào trường là 16.3 tỷ đồng USD đứng thứ nhì trong các cơ sở giáo dục, trường làm chủ hơn 24 thư viện chứa đựng đến 12.5 triệu quyển sách là một trong những thư viện lớn nhất thế giới. Trường Yale và trường Harvard thường xuyên cạnh tranh nhau về học vấn, thể thao và những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học suốt trong quá trình lịch sử hai trường. Trong khuôn viên trường Yale có 12 phân khoa có chế độ sinh viên nội trú có nghĩa là cư ngụ ăn uống luôn trong khuôn viên trường.

Trường Yale đào tạo nhiều chính trị gia cũng như những nhân vật nổi tiếng trong các bộ môn luật, y khoa, khoa học và nghệ thuật trong số đó có 5 tổng thống Hoa Kỳ là William Howard Taft, Gerald Ford, George H.W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush, các Thẩm Phán Tối Cao hiện nay như bà Sonia Sotomayor, Samuel Alito và Clarence Thomas, ngoại trưởng có bà Hillary Rodham Clinton và Dean Acheson.

Khuôn viên sân trường chiếm diện tích là 260 mẫu (acres) tương đương 1.1 km vuông tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố New Haven với các giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá trong những dãy kiến trúc bằng đá có kiểu Neo-Gothic được xây phần lớn trong khoảng 1917 đến 1931. Tuy nhiên cũng có những kiến trúc rất xưa như tòa nhà Connecticut Hall xây năm 1750 theo kiểu Georgian nay là một trong những ngôi nhà cổ nhất còn sót lại trong tiểu bang Connecticut.

Kỷ niệm tôi có với trường Ðại Học Yale không phải là kỷ niệm êm đềm gì nhưng nhắc lại vì có liên hệ đến tin tức thời sự gần đây. Những ngày đầu đến định cư ở New Haven nghe theo lời Eugène Trịnh tôi có điền đơn xin làm nhân viên bảo trì dọn dẹp, súc chai lọ trong phòng thí nghiệm về dược khoa. Nộp đơn xong trong lúc chờ đợi kết quả tôi đi làm cho hãng kem Knudsen ở North Haven. Hai tuần sau tôi nhận được thư cám ơn, không mướn nói rằng kinh nghiệm tôi liệt kê trong đơn không ăn nhằm gì đến ngành hóa học, dược phẩm. Phòng thí nghiệm tôi xin vào làm, mới đây xảy ra án mạng liên quan đến một cô gái Việt Nam: ngày 8 Tháng Chín 2009 sinh viên Việt Nam bậc tiến sĩ là Annie Lê bị giết trước ngày đám cưới 5 hôm và nghi can là nhân viên “Lab Technician” người Mỹ cùng làm việc trong phòng thí nghiệm Annie Lê đang nghiên cứu. Án mạng được xếp vào loại “bạo động trong sở làm” nguyên nhân có thể là hiềm khích với Annie Lê một di dân thiểu số lại có cấp bằng cao và vấn đề kỳ thị cũng dính dáng nhiều ít trong án mạng này. Cũng may cho tôi nếu được mướn vào làm ở đó, với cá tính càm ràm khó thay đổi, chắc là tôi sẽ gặp tay này và không chừng đã... thế mạng cho Annie Lê rồi!

Trở lại khu trung tâm New Haven, bên ngoài sân trường Ðại Học Yale, phía Tây Nam công viên Green có các đường Chapel, Crown, George, Park, York, High St. là khu phố thương mại với các cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng, quán cà phê và những tiệm fast food từng gặp trên đất Mỹ. Tôi còn nhớ ngày xưa trên đường Park St. có tiệm tạp hóa của một gia đình người Hoa gốc ở Boston xuống đây mở tiệm, tôi thường ghé mua chai nước mắm Thái Lan giá tới 5 đô la hay một thùng mì gói 10 đô. Lúc đó đối với tôi nước mắm rất quý vì không biết tìm đâu, không có bằng lái, không có xe hơi làm sao đi xuống Chợ Tàu New York để mua. Ông chủ tiệm lớn hơn tôi chừng 25 tuổi, ông có một căn nhà gần đó cho mướn, tôi định mướn để mỗi sáng đi làm tiện đường vì có trạm xe buýt đi North Haven ngay công viên Green gần đó, đỡ được một chuyến xe buýt từ nhà tôi đang mướn ra đây. Tôi nói ý định mướn nhà này với Eugène nhưng chú nói rằng gia đình anh ở ngay downtown rất nguy hiểm. Lúc đó vì mới qua tôi không hiểu tình trạng phá phách, thiếu an ninh ở trung tâm các thành phố Mỹ.

Nói về đời sống những ngày mới đến đất Mỹ tuy sướng vui, hạnh phúc vì tìm được tự do nhưng thật là vất vả cơ cực, một là vì lạ nước lạ cái không biết những chương trình xã hội giúp đỡ cho những gia đình đông con có lợi tức thấp. Hai là người bảo trợ cũng không rành, ở đây cũng thông cảm với Eugène Trịnh, chú ta lo học hành rồi lo đi làm, bảo trợ gia đình tôi là do tôi viết thư yêu cầu chứ chú ta nào có muốn. Tôi có vài người quen di tản qua Mỹ năm 1975 nhưng tôi không nhờ bảo trợ, lại nhờ một... phi hành gia, một người đi trên mây nên còn than vãn nỗi gì! Ngay đêm đầu mới qua, Eugène Trịnh đã mướn cho tôi tầng thứ nhì ngôi nhà ở đường Pendleton St. New Haven. Mỗi sáng đi làm thức dậy lúc 5 giờ sáng, nấu một nồi cơm điện, ăn 2 chén, cơm còn lại bỏ vào hộp ny lông cùng với thức ăn toàn là gà vì chỉ có gà là rẻ nhất. Hôm thì cánh gà, chân gà, hôm thì cổ gà, lòng gà, không kho mặn thì chiên hoặc xào với cải hay đậu. Không dám mua những thứ khác với giá trên 1 đô la một pound vì lương tôi làm ở hãng kem Knudsen chỉ có 3 đồng 75 một giờ. Ba đồng 75 nhơn cho 40 giờ/1 tuần là 150$, mỗi tháng lương là 600$ sau khi trừ thuế còn được 500$, trả tiền nhà 300$ còn lại 200$ phải nuôi gia đình với 7 miệng ăn! Mỗi ngày tôi đứng 10 tiếng trên dây chuyền bỏ cây kem vào hộp, mỗi khi cần đi vệ sinh thì phải gọi manager đến đứng thế, không thôi kem sẽ đổ vãi ra tứ tung nhưng tôi vẫn hạnh phúc vui sướng vì mình đã đến được bến bờ tự do, không còn bị kỳ thị ngược đãi và con cái được học hành tử tế. Nhiều khi nghĩ đến đồng lương ít ỏi thấy tương lai sao mù mịt, không biết sống cách nào? Ở trại tỵ nạn thấy những người qua Mỹ gởi hình về áo quần đẹp đẽ, xe hơi láng cón, còn mình cũng học hành chút đỉnh đến Mỹ sao lại gặp đời sống cơ cực như vậy? Chắc có những điều bí ẩn nào đó chưa khám phá ra? Thôi đến đâu thì đến, hy vọng mai mốt tìm việc đúng khả năng tiền bạc khá hơn và vợ sẽ đi làm phụ thêm nhưng đi làm thì ai sẽ giữ 3 đứa con 2, 4 và 6 tuổi?

Mỗi ngày lao động 10 tiếng, có khi làm thêm phụ trội ngày Thứ Sáu, còn không làm thì ngày Thứ Sáu xuống downtown học tiếng Anh “English As Second Language” với cô giáo người Do Thái. Vốn biết tiếng Anh chút đỉnh, tôi vừa là học trò vừa là thông dịch viên giữa cô giáo và các đồng hương qua năm 75 đang học trong lớp. Những giờ học tiếng Anh ở đây rất vui, tôi thông dịch pha chế nhiều khi cả lớp cười bò càng không nghỉ. Tan lớp vài đồng hương thấy mới qua nên đưa đi ăn những món ngon vật lạ xứ Mỹ tôi chưa từng biết như hamburger, pizza, burrito, hot dog...

Ba tháng sau có người thân trước làm chung với tôi ở Bộ Công Chánh Sài Gòn, chị đang sống và đi làm ở thành phố Pomona, về phía Bắc cách Little Saigon 35 miles, liên lạc kêu tôi về đây sinh sống. Một đêm Xuân tôi từ giã New Haven đi taxi xuống phi trường New York và bay về miền Nam Cali nắng ấm, hai đứa cháu gọi tôi bằng cậu, Eugène nhận nuôi vì sợ tôi nặng gánh ở đất Cali. Hai cháu sau này khi thành niên ra tự lập liên lạc với tôi thường xuyên và mới có cuộc hội ngộ đưa tôi trở về chốn cũ New Haven như ngày hôm nay.

Ở khu phía Tây downtown New Haven tôi trở lại thăm căn nhà 30 năm trước tôi từng ở 3 tháng trong bước đầu mới định cư trên đất Mỹ. Ngôi nhà 2 tầng kiểu Victorian chắc cũng gần 100 tuổi, dưới có tầng hầm (basement) để máy sưởi và chứa đồ đạc, trên có thêm căn gác xếp (attic) trước kia có anh chàng sinh viên trường Yale tên Larry ở, ban đêm anh ta có thiện chí dạy vợ chồng chúng tôi tiếng Anh. Chúng tôi 7 người ở tầng trên còn tầng dưới là gia đình người Mỹ có 2 con nhỏ, tôi thường mượn xe đẩy con nít của họ để đẩy đứa con gái 2 tuổi dạo chơi công viên hay chợ búa. Nhà xưa lắm nên không có nhà xe, phía sân sau có giàn xích đu cho con nít và dây kẽm phơi quần áo như ở Việt Nam. Nay trở lại thăm ngôi nhà cũ, nó không to lớn đồ sộ như trong trí tôi mường tượng mà có vẻ già nua cũ kỹ nhưng đối với tôi hôm nay như chứa một vẻ thân thương nào đó vì là nơi chúng tôi nương náu những ngày đầu tiên đặt chân trên đất khách quê người, những ngày mới đến được bến bờ tự do với viễn ảnh tương lai đầy hứa hẹn. Nơi đây tuy ban ngày đi làm mệt nhọc vất vả nhưng mỗi đêm canh thức vặn radio sóng ngắn AM chờ nghe tin tức quê nhà để nhớ thương người ở lại và hy vọng một ngày về...

Trịnh Hảo Tâm