medium_DSC1201.jpg

Ngọn tháp trường Ðại Học Yale ở New Haven

medium_DSC1203.jpg

Tòa nhà thuộc phân khoa Luật Ðại Học Yale

medium_DSC1103.jpg

Khu phố thương mại phía Nam trường Yale

medium_DSC1104.jpg

Ngọn hải đăng trên bờ biển gần New Haven

medium_DSC1202.jpg

Ngôi nhà trên đường Pendleton nơi cư ngụ 30 năm về trước


Từ Montréal lái xe về hướng New York trên con đường 385 miles suốt một ngày, đến chiều thì tới New Haven, nơi đây cuối Tháng Ba, năm 1979, gia đình tôi tới định cư trên đất Mỹ. Ði làm lao động ở đó được 3 tháng chúng tôi dọn về Cali nhưng hai cháu gọi tôi bằng cậu ở lại với người bảo trợ là Eugène Trịnh cũng là em họ của tôi. Nhân chuyến đi Canada thăm em trai ở Toronto cùng hai đứa cháu khác vượt biên với chúng tôi năm xưa nay ở Montréal, tôi có hẹn với hai cháu ở New Haven sang hội ngộ Canada. Hôm nay theo hai cháu về thăm lại New Haven thành phố êm đềm ngày xưa tôi từng ở trên bước đầu định cư trên đất Mỹ.

Tới New Haven khoảng 6 giờ chiều nhưng trời đã tối, rất may trời tuy khá lạnh nhưng chưa có tuyết rơi, chúng tôi đi về phía Ðông Bắc New Haven để đến nhà hai cháu tôi ở thành phố rất nhỏ tên North Branford nằm bên cạnh hồ Gaillard. Hai cháu này thằng em có gia đình, vợ là dược sĩ người Việt, còn thằng anh cũng trên 40 chưa cưới vợ mặc dù có bạn gái gần 10 năm nay. Hai anh em được chị tôi gởi theo trong chuyến vượt biển lúc chúng mười mấy tuổi, sang đây không có cha mẹ bên cạnh nên chúng rất thương yêu khắng khít với nhau, mặc dù thằng em có gia đình nhưng chúng vẫn ở chung, không xa nhau được. Hai cháu đã về thăm cha mẹ vài lần và anh chị tôi mùa Hè năm 2008 vừa rồi sang du lịch thăm tôi ở Cali, tôi mua vé máy bay để anh chị đi New Haven thăm các con hết hai tuần. Nhằm dịp Lễ Ðộc Lập (4 July) bắn pháo bông trên hồ Gaillard gần nhà, anh chị tôi xem rất thích và kỷ niệm không quên trong chuyến đi Mỹ là thành phố không ngủ Las Vegas đèn sáng suốt đêm cũng như mỗi sáng uống cà phê trong thương xá Phước Lộc Thọ.

Nhà vùng cháu tôi ở rất thưa vắng nhà cửa cũng như mới xây, mỗi nhà rất rộng khoảng 5,000 sq. ft., sân chung quanh trồng cỏ từ sân nhà này thông với sân nhà bên cạnh không có hàng rào. Mùa Hè mỗi tuần cắt cỏ hai lần, ngồi trên chiếc xe như máy cày, chạy tới chạy lui mất gần cả tiếng đồng hồ mới xong. Cháu dâu tôi bận đi làm không đi Canada trong chuyến vừa qua, cháu hồi vượt biên sang mới 2 tuổi nên tiếng Việt không rành, lại là người Huế nên nói tiếng Việt lại càng khó hiểu! Có lúc phải dùng tiếng Anh mới hiểu được. Cháu nấu cơm ăn với canh chua, cá kho, mấy tuần nay toàn chuyên trị đồ Mỹ, đồ Tây nên ăn rất ngon. Tôi hỏi ở New Haven có chợ Việt Nam không? Cháu dâu nói có chợ Tàu nhưng cửa hàng rất nhỏ, thường phải lên Hartford thủ đô của tiểu bang Connecticut cách đây 40 miles mới có chợ Việt lớn hơn cũng như các tiệm phở, nhà hàng cơm tấm, dịch vụ di trú, bảo lãnh, bán vé máy bay v.v... Còn không thôi xuống Chinatown New York cách New Haven 73 miles, trong Phố Tàu có đủ hết các cửa hàng của người Việt. Ðường xuống New York tuy không mấy xa nhưng sợ nhất là nạn kẹt xe ở New York, đèn xanh thì xe kẹt không nhúc nhích, chỉ chạy được khi đèn hết vàng sang đỏ! Chuyện vãn trong chốc lát chúng tôi đường xa quá mệt nên đi ngủ sớm. Ðêm xa nhà, lạ giường lạ chiếu nên khó ngủ hay tại cà phê quá nhiều suốt chuyến đi, nhìn ra cửa sổ phía sân sau nhà là một khu rừng thông tối đen không một ánh đèn, nửa khuya một hai giờ sáng vài tiếng chó sói tru lên từng hồi nghe rùng mình ớn lạnh!

Khu Downtown New Haven

Sáng ra hai cháu chở tôi xuống thăm New Haven bằng xa lộ 95 đi về hướng Tây lối 10 miles. Khu downtown có tâm điểm là công viên cỏ xanh New Haven Green vẫn như ngày xưa 30 năm về trước. Xung quanh công viên là những kiến trúc xưa cũ người ta không muốn thay đổi, phía Bắc đường Elm St. có tòa nhà đá trắng kiểu La Mã với hàng cột to bên ngoài hình như đó là cơ quan lo về trợ cấp nhà (Housing Session), kế đến là thư viện New Haven và một số cơ sở của trường Yale. Phía Tây công viên Green là đường College St. những tòa nhà cổ kiểu Anh bằng gạch đỏ của Ðại Học Yale như Famam Hall, Welch Hall và Bingham Hall. Phía NamChapel St. thương xá có lầu với các cửa hàng y phục, nữ trang và các nhà hàng, nơi đây ngày xưa cuối tuần chúng tôi thường vào ngắm qua tủ kính để mà ao ước. Trong thương xá ngày trước có quán Mc Donald's cuối tuần hay dẫn vợ con tới ăn cái hamburger giá 50 cents, bây giờ không thấy nữa. Phía Ðông là đường Church St. có tòa nhà cổ là những cơ quan liên bang như Sở Thuế IRS, Sở Cảnh Sát tiểu bang US Marshal và Tòa Thị Chính New Haven City Hall nhiều tầng gạch đỏ rất cổ kính. Giữa công viên Green có đường Temple St. xuyên ngang với 3 nhà thờ Trinity Church xây trên sân cỏ cách xa nhau. Phía Tây Bắc công viên Green toàn là giảng đường thuộc trường Yale xây bằng đá đỏ của các phân khoa chiếm rất nhiều vuông (block) đường. Có thể nói Ðại Học Yale đã áng ngữ gần hết khu trung tâm New Haven.

Ðại Học Yale ở trung tâm thành phố

Ðại Học Yale là linh hồn của New Haven, New Haven được người ta biết đến cũng là nhờ trường Yale chứ thực ra thành phố New Haven rất nhỏ, nhiều người da đen, Peurto Rican và không có kỹ nghệ gì quan trọng. Những ngành khách sạn, nhà hàng, thương mại, dịch vụ đều liên quan và phục vụ cho trường Ðại Học Yale. Yale University là trường tư nhân thành lập vào năm 1701 ở Thuộc Ðịa Connecticut (thời đó đế quốc Anh cai trị) là trường cao học cổ xưa đứng thứ 3 ở Hoa Kỳ. Yale đã đào tạo nhiều cựu sinh viên nổi tiếng kể cả 5 vị tổng thống Hoa Kỳ, 19 Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao ( U.S. Supreme Court) và một số lãnh đạo quốc gia các nước khác.

Ngày mới thành lập với tên Collegiate School do một nhóm quan lại người Anh ở vào thế kỷ 17 nhằm huấn luyện đào tạo những viên chức hành chánh để cai trị các thuộc địa Anh trên vùng đất Bắc Mỹ. Ðến năm 1718 đổi tên thành Yale College để vinh danh ông Elihu Yale người Boston chủ tịch công ty xuất nhập cảng British East India Company đồng thời là thống đốc một vùng thuộc địa bên Ấn Ðộ. Ông này đã tặng trường 9 kiện hàng hóa quý trị giá 560 bảng Anh thời đó, ông cũng cho trường 417 quyển sách và bức chân dung Hoàng Ðế Anh George I. Ban quản trị trường dùng tên ông đặt tên cho trường hy vọng ông sẽ tặng trường thêm nhiều tài sản lớn nữa nhưng ông đã đi về Ấn Ðộ và là chuyến cuối cùng không bao giờ trở lại Mỹ nữa!

Trường Yale ngày càng bành trướng phát triển thêm: thành lập Y khoa năm 1810, Thần Học (Divinity) 1822, Luật khoa 1843, các phân khoa nghệ thuật và các ngành khoa học 1847. Sau đó tên trường là Yale College đổi thành Yale University vào năm 1887 và mở thêm các phân khoa như Âm Nhạc 1894, Lâm Học và Môi Trường 1901, Y Tế Công Cộng 1915, Y Tá Ðiều Dưỡng 1923, Kịch Nghệ 1955, đào tạo Y Sĩ (Physician Assistant) 1973 và Quản Lý (Yale School of Management) 1976. Vốn đầu tư vào trường là 16.3 tỷ đồng USD đứng thứ nhì trong các cơ sở giáo dục, trường làm chủ hơn 24 thư viện chứa đựng đến 12.5 triệu quyển sách là một trong những thư viện lớn nhất thế giới. Trường Yale và trường Harvard thường xuyên cạnh tranh nhau về học vấn, thể thao và những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học suốt trong quá trình lịch sử hai trường. Trong khuôn viên trường Yale có 12 phân khoa có chế độ sinh viên nội trú có nghĩa là cư ngụ ăn uống luôn trong khuôn viên trường.

Trường Yale đào tạo nhiều chính trị gia cũng như những nhân vật nổi tiếng trong các bộ môn luật, y khoa, khoa học và nghệ thuật trong số đó có 5 tổng thống Hoa Kỳ là William Howard Taft, Gerald Ford, George H.W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush, các Thẩm Phán Tối Cao hiện nay như bà Sonia Sotomayor, Samuel Alito và Clarence Thomas, ngoại trưởng có bà Hillary Rodham Clinton và Dean Acheson.

Khuôn viên sân trường chiếm diện tích là 260 mẫu (acres) tương đương 1.1 km vuông tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố New Haven với các giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá trong những dãy kiến trúc bằng đá có kiểu Neo-Gothic được xây phần lớn trong khoảng 1917 đến 1931. Tuy nhiên cũng có những kiến trúc rất xưa như tòa nhà Connecticut Hall xây năm 1750 theo kiểu Georgian nay là một trong những ngôi nhà cổ nhất còn sót lại trong tiểu bang Connecticut.

Kỷ niệm tôi có với trường Ðại Học Yale không phải là kỷ niệm êm đềm gì nhưng nhắc lại vì có liên hệ đến tin tức thời sự gần đây. Những ngày đầu đến định cư ở New Haven nghe theo lời Eugène Trịnh tôi có điền đơn xin làm nhân viên bảo trì dọn dẹp, súc chai lọ trong phòng thí nghiệm về dược khoa. Nộp đơn xong trong lúc chờ đợi kết quả tôi đi làm cho hãng kem Knudsen ở North Haven. Hai tuần sau tôi nhận được thư cám ơn, không mướn nói rằng kinh nghiệm tôi liệt kê trong đơn không ăn nhằm gì đến ngành hóa học, dược phẩm. Phòng thí nghiệm tôi xin vào làm, mới đây xảy ra án mạng liên quan đến một cô gái Việt Nam: ngày 8 Tháng Chín 2009 sinh viên Việt Nam bậc tiến sĩ là Annie Lê bị giết trước ngày đám cưới 5 hôm và nghi can là nhân viên “Lab Technician” người Mỹ cùng làm việc trong phòng thí nghiệm Annie Lê đang nghiên cứu. Án mạng được xếp vào loại “bạo động trong sở làm” nguyên nhân có thể là hiềm khích với Annie Lê một di dân thiểu số lại có cấp bằng cao và vấn đề kỳ thị cũng dính dáng nhiều ít trong án mạng này. Cũng may cho tôi nếu được mướn vào làm ở đó, với cá tính càm ràm khó thay đổi, chắc là tôi sẽ gặp tay này và không chừng đã... thế mạng cho Annie Lê rồi!

Trở lại khu trung tâm New Haven, bên ngoài sân trường Ðại Học Yale, phía Tây Nam công viên Green có các đường Chapel, Crown, George, Park, York, High St. là khu phố thương mại với các cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng, quán cà phê và những tiệm fast food từng gặp trên đất Mỹ. Tôi còn nhớ ngày xưa trên đường Park St. có tiệm tạp hóa của một gia đình người Hoa gốc ở Boston xuống đây mở tiệm, tôi thường ghé mua chai nước mắm Thái Lan giá tới 5 đô la hay một thùng mì gói 10 đô. Lúc đó đối với tôi nước mắm rất quý vì không biết tìm đâu, không có bằng lái, không có xe hơi làm sao đi xuống Chợ Tàu New York để mua. Ông chủ tiệm lớn hơn tôi chừng 25 tuổi, ông có một căn nhà gần đó cho mướn, tôi định mướn để mỗi sáng đi làm tiện đường vì có trạm xe buýt đi North Haven ngay công viên Green gần đó, đỡ được một chuyến xe buýt từ nhà tôi đang mướn ra đây. Tôi nói ý định mướn nhà này với Eugène nhưng chú nói rằng gia đình anh ở ngay downtown rất nguy hiểm. Lúc đó vì mới qua tôi không hiểu tình trạng phá phách, thiếu an ninh ở trung tâm các thành phố Mỹ.

Nói về đời sống những ngày mới đến đất Mỹ tuy sướng vui, hạnh phúc vì tìm được tự do nhưng thật là vất vả cơ cực, một là vì lạ nước lạ cái không biết những chương trình xã hội giúp đỡ cho những gia đình đông con có lợi tức thấp. Hai là người bảo trợ cũng không rành, ở đây cũng thông cảm với Eugène Trịnh, chú ta lo học hành rồi lo đi làm, bảo trợ gia đình tôi là do tôi viết thư yêu cầu chứ chú ta nào có muốn. Tôi có vài người quen di tản qua Mỹ năm 1975 nhưng tôi không nhờ bảo trợ, lại nhờ một... phi hành gia, một người đi trên mây nên còn than vãn nỗi gì! Ngay đêm đầu mới qua, Eugène Trịnh đã mướn cho tôi tầng thứ nhì ngôi nhà ở đường Pendleton St. New Haven. Mỗi sáng đi làm thức dậy lúc 5 giờ sáng, nấu một nồi cơm điện, ăn 2 chén, cơm còn lại bỏ vào hộp ny lông cùng với thức ăn toàn là gà vì chỉ có gà là rẻ nhất. Hôm thì cánh gà, chân gà, hôm thì cổ gà, lòng gà, không kho mặn thì chiên hoặc xào với cải hay đậu. Không dám mua những thứ khác với giá trên 1 đô la một pound vì lương tôi làm ở hãng kem Knudsen chỉ có 3 đồng 75 một giờ. Ba đồng 75 nhơn cho 40 giờ/1 tuần là 150$, mỗi tháng lương là 600$ sau khi trừ thuế còn được 500$, trả tiền nhà 300$ còn lại 200$ phải nuôi gia đình với 7 miệng ăn! Mỗi ngày tôi đứng 10 tiếng trên dây chuyền bỏ cây kem vào hộp, mỗi khi cần đi vệ sinh thì phải gọi manager đến đứng thế, không thôi kem sẽ đổ vãi ra tứ tung nhưng tôi vẫn hạnh phúc vui sướng vì mình đã đến được bến bờ tự do, không còn bị kỳ thị ngược đãi và con cái được học hành tử tế. Nhiều khi nghĩ đến đồng lương ít ỏi thấy tương lai sao mù mịt, không biết sống cách nào? Ở trại tỵ nạn thấy những người qua Mỹ gởi hình về áo quần đẹp đẽ, xe hơi láng cón, còn mình cũng học hành chút đỉnh đến Mỹ sao lại gặp đời sống cơ cực như vậy? Chắc có những điều bí ẩn nào đó chưa khám phá ra? Thôi đến đâu thì đến, hy vọng mai mốt tìm việc đúng khả năng tiền bạc khá hơn và vợ sẽ đi làm phụ thêm nhưng đi làm thì ai sẽ giữ 3 đứa con 2, 4 và 6 tuổi?

Mỗi ngày lao động 10 tiếng, có khi làm thêm phụ trội ngày Thứ Sáu, còn không làm thì ngày Thứ Sáu xuống downtown học tiếng Anh “English As Second Language” với cô giáo người Do Thái. Vốn biết tiếng Anh chút đỉnh, tôi vừa là học trò vừa là thông dịch viên giữa cô giáo và các đồng hương qua năm 75 đang học trong lớp. Những giờ học tiếng Anh ở đây rất vui, tôi thông dịch pha chế nhiều khi cả lớp cười bò càng không nghỉ. Tan lớp vài đồng hương thấy mới qua nên đưa đi ăn những món ngon vật lạ xứ Mỹ tôi chưa từng biết như hamburger, pizza, burrito, hot dog...

Ba tháng sau có người thân trước làm chung với tôi ở Bộ Công Chánh Sài Gòn, chị đang sống và đi làm ở thành phố Pomona, về phía Bắc cách Little Saigon 35 miles, liên lạc kêu tôi về đây sinh sống. Một đêm Xuân tôi từ giã New Haven đi taxi xuống phi trường New York và bay về miền Nam Cali nắng ấm, hai đứa cháu gọi tôi bằng cậu, Eugène nhận nuôi vì sợ tôi nặng gánh ở đất Cali. Hai cháu sau này khi thành niên ra tự lập liên lạc với tôi thường xuyên và mới có cuộc hội ngộ đưa tôi trở về chốn cũ New Haven như ngày hôm nay.

Ở khu phía Tây downtown New Haven tôi trở lại thăm căn nhà 30 năm trước tôi từng ở 3 tháng trong bước đầu mới định cư trên đất Mỹ. Ngôi nhà 2 tầng kiểu Victorian chắc cũng gần 100 tuổi, dưới có tầng hầm (basement) để máy sưởi và chứa đồ đạc, trên có thêm căn gác xếp (attic) trước kia có anh chàng sinh viên trường Yale tên Larry ở, ban đêm anh ta có thiện chí dạy vợ chồng chúng tôi tiếng Anh. Chúng tôi 7 người ở tầng trên còn tầng dưới là gia đình người Mỹ có 2 con nhỏ, tôi thường mượn xe đẩy con nít của họ để đẩy đứa con gái 2 tuổi dạo chơi công viên hay chợ búa. Nhà xưa lắm nên không có nhà xe, phía sân sau có giàn xích đu cho con nít và dây kẽm phơi quần áo như ở Việt Nam. Nay trở lại thăm ngôi nhà cũ, nó không to lớn đồ sộ như trong trí tôi mường tượng mà có vẻ già nua cũ kỹ nhưng đối với tôi hôm nay như chứa một vẻ thân thương nào đó vì là nơi chúng tôi nương náu những ngày đầu tiên đặt chân trên đất khách quê người, những ngày mới đến được bến bờ tự do với viễn ảnh tương lai đầy hứa hẹn. Nơi đây tuy ban ngày đi làm mệt nhọc vất vả nhưng mỗi đêm canh thức vặn radio sóng ngắn AM chờ nghe tin tức quê nhà để nhớ thương người ở lại và hy vọng một ngày về...

Trịnh Hảo Tâm

0 nhận xét