Sáng nay Thứ Hai 27-8-2001, chương trình đi tour chúng tôi đã hết nên hôm nay là ngày tự do, có quyền dậy trễ và có thời giờ nhâm nhi càphê ở khách sạn Island Colony. Chín giờ sáng, mọi việc cũng đã xong và chúng tôi ra đường lớn Kuhio đón xe buýt để đi Honolulu. Trên con đường này cứ độ 2 blocks đường là có một trạm xe buýt công cộng đề bảng The Bus. Mỗi 5 phút là có một chuyến đỗ lại và chúng tôi lựa chuyến đi China Town tức khu Chợ Tàu. Chợ Tàu Honolulu nằm cạnh khu trung tâm thành phố và sát bờ biển.

Mỗi cuốc xe là $1.50, tài xế xe buýt không có tiền lẻ để thối lại, do đó hành khách phải chuẩn bị đủ tiền và bỏ vào hộp kính đặt bên cạnh tài xế. Dân địa phương địa phương đi hằng ngày thì họ mua vé tháng độ $15, còn những người già cả, tàn tật dường như là miễn phí. Vì thấy băng trống nên chúng tôi ngồi ngay phía sau tài xế. Chạy một chốc, một cụ bà lên đứng nhìn chúng tôi tỏ vẻ khó chịu và cụ nói bằng tiếng Anh giọng Hawaii: “Hàng ghế này dành cho cao niên”. Lúc đó tôi mới để ý thấy dòng chữ phía trên ghi như vậy nên con trai tôi đứng lên nhường ghế cho bà. Xe qua cầu bắt ngang con kinh đào và ra khỏi khu Waikiki, đi về hướng Honolulu bằng con đường Berenania. Trước khi tới một trạm thì băng thu sẵn báo trước tên của ngã tư đường mà xe sắp ngừng hoặc tên toà nhà gần đó như Academy of Arts, State Capitol để hành khách biết chuẩn bị xuống xe.


VƯỜN BÁCH THẢO FOSTER BOTANICAL GARDEN

Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó, ai cũng có sở thích riêng. Sở thích là phần quan trọng của đời sống, người chán đời là người không còn thích gì nữa. Có những sở thích tốt và sở thích xấu nhưng sở thích nào cũng đều tốn công và tốn tiền. Sở thích thay đổi tùy theo lứa tuổi, có người hồi nhỏ thích đi bắn chim, lúc già thích đi câu cá, Có người còn trẻ thích đá gà, về già mê đua ngựa! Tôi thì có nhiều sở thích trong đó có thú đi tìm... hoa thơm cỏ lạ. “Lúc xem hoa nở, khi chờ trăng lên”. Tới đây có nhiều vị cho rằng thiếu lành mạnh. Nghĩ vậy thì rất... Oan Thị Kính vì đây là một thú vui thanh cao. Mỗi vùng đất xa lạ đều có những loài cây cối, hoa kiểng khác nhau, những kỳ hoa, dị thảo khiến những người yêu thiên nhiên phải lặn lội tìm tới. Đi tìm hoa thơm cỏ lạ là một lối thưởng ngoạn thiên nhiên thanh cao, bổ ích.

Trước khi đi, tôi đã vào thư viện ở California để tìm hiểu về vùng đất mình sắp tới và đã thấy tên vườn bách thảo Foster Botanical Garden, nên hôm nay tìm đến. Vườn cây này nằm ngay phía Bắc chợ Tàu, nơi góc đường Vineyard và Nuuanu, gần con suối dẫn nước từ trên núi xuống. Foster Botanical Garden không lớn lắm, rộng 13.5 mẫu, tham quan chỉ mất hơn một giờ là đủ. Nó được thành lập từ năm 1953 khi Queen Kamala nhượng khu đất này cho bác sĩ người Đức tên là William Hillebrand. Hai vợ chồng ông đã cất nhà và trồng một số cây ở khu đất phía trên cao. Ông bà ở đây được 20 năm rồi trở về nước và bán bất động sản này lại cho ông bà thuyền trưởng Thomas và Mary Foster. Hai người này tiếp tục công việc sưu tầm các giống cây cho đến năm 1930 thì bà Foster qua đời và hiến khu vườn này cho thành phố Honolulu. Ngày 30-11-1931, khu vườn Foster Botanical Garden chính thức mở cửa cho công chúng vào xem và Dr. Harold Lyon là vị Giám đốc đầu tiên của vườn bách thảo.

Phía bên ngoài cạnh đường Vineyard là Chùa Ông Bổn của người Hoa, khói hương nghi ngút. Đi qua bãi đậu xe là đến cổng vào vườn bách thảo. Vé vào cửa là $5 do một bà thiện nguyện viên rất vui vẻ bán. Sáng Thứ Hai vườn rất vắng khác chỉ độ mươi người vào xem. Vườn chia ra nhiều khu vực trồng nhiều giống cây khách nhau như giống Palm (Dừa) có đến hàng chục loại từ cây đồng đình, cây cau cho đến cây dừa ăn trái. Cây gòn cổ thụ cao trên 100 feet, gốc 10 người ôm chưa giáp vòng, ở Việt Nam trái khô có ruột bông gòn trắng dùng để độn gối nằm. Tôi gặp lại cây Nhàu (Noni) thường mọc trên bờ rạch ở xứ ta, trái có dược tánh trị nhiều chứng bịnh. Thổ dân trên đảo Hawaii, Tahiti, Samoa từ ngàn năm trước mỗi khi bệnh hoạn đều ăn trái nhàu. Tôi cũng gặp lại một cây khác được trồng nhiêu ở vùng Sông Cửu Long là cây Sa-kê (Breadfruit), trái như trái mít nhưng nhỏ và tròn, luộc chín ăn giống như khoai mì. Một cây rất lạ tôi chưa thấy bao giờ, thân thẳng rất cao, mà phía dưới những chùm trái thật tròn như quả banh bám vào thân cây. Hoa đẹp màu đỏ rất to, cánh dầy như phong lan. Tên cây là Cannonball Tree vì trái giống như quả đạn đại bác thời cưa. Trái rụng xuống đất, tôi đạp lên thì bể ra và ruột bênt rong có màu đen, hắc ám!

Đó là một vài loại kỳ hoa, dị thảo mà chúng tôi tìm thấy trong Foster Garden, vườn bách thảo xưa nhất ở Hawaii. Vườn cũng có trong một ít phong lan nhưng không mấy đặc biệt.

ALOHA TOWER
Rời vườn bách thảo, chúng tôi thả bộ ngang qua China Town và đi thẳng xuống biển để thăm ngọn tháp lịch sử Aloha Tower. Thập niên 1920, tháp Aloha là kiến trúc cao nhất ở Honolulu thời bấy giờ. Nguyên thủy tháp là ngọn hải đăng hướng dẫn các thương thuyền từ ngoài khơi vào hải cảng Honolulu. Thời ấy mỗi khi tàu hành khách cập bến là được dân địa phương ra chào đón bằng những vòng hoa Lei, kết bằng bông sứ thơm ngát và ban nhạc kèn đồng chào mừng rộn rã. Aloha Tower là cửa ngõ ra và vào của Hawaii đối với thế giới bên ngoài nên trên tường bốn mặt của tháp đều có chữ Aloha là lời chào đón cũng như giã từ. Cơ quan quan thuế cũng như di trú ngày xưa đều làm việc tại đây rất tấp nập. Caỳnh đó là những cầu tàu số 8, số 9 và số 10, những thương thuyền, tàu khách đậu chật nơi đây, lên xuống hàng, hành lý nhộn nhịp.

Ngày nay, cảnh ấy không còn nữa vì du khách viếng đảo bằng đường hàng không. Tháp Aloha chỉ còn là di tích lịch sử, chứng tích một thời hoàng kim. Dưới chân ngọn tháp là Shopping Center mái ngói xanh hai tầng với 80 cửa hàng lịch sự, thoáng mát vì được cất trên cầu tàu. Chúng tôi đi thang máy cổ xưa để lên lầu viễn vọng ở tầng chót hết là nơi đặt ngọn đèn biển ngày xưa. Trên bao lơn này, nhìn xuống hải cảng, khu downtown Honolulu nằm dọc theo con đường Bishop với nhiều cao ốc chọc trời và phía Bắc là mây mù giăng trên vùng núi thẩm. Lên lầu viễn vọng không mất tiền nhưng thang máy đã quá cũ không biết bao giờ sẽ ngưng hoạt động.

Chúng tôi xuống tháp đi dạo trong shopping center. Sáng Thứ Hai, du khách Nhật đã trở về xứ nên thương xá vắng vẻ. Một ban nhạc trình diễn những vũ điệu Hawaii giúp vui cho khách hàng cuối cùng mời khách tham gia những điệu vũ lắc mông rất vui tươi, dí dỏm. Các cô gái Hawaii vận xà-rông lắc mông rất điệu nghệ nhưng đàn ông Mỹ, bụng to lắc mông, quần sọt xệ xuống, chừng như sắp tuột mà hai tay bận cầm hai bó bông lúc lắc, xem rất khôi hài!

CHỢ TÀU CHINATOWN
Trời đã quá trưa, chúng tôi rời Aloha Tower đi hướng về Chợ Tàu để ăn trưa. Khu Chợ Tàu Honolulu đường xá nhỏ hẹp, vắng xe cộ và những cây bàng, cây phượng trồng ở vĩa hè trông giống như ở tỉnh lẻ quê nhà. Phố xá không lầu cũ kỹ, tường quét vôi sơn vàng với những quầy hàng được bày ra vĩa hè. Khu phía Bắc còn đông đảo người Tàu với các nhà hàng ăn, các tiệm thuốc Bắc, đông y, châm cứu, tiệm hoa với các vòng hoa Lei để trong tủ kính lạnh. Có những công viên nho nhỏ trồng phượng vĩ để các cụ già người Hoa tập Tai-Chi. Khu phía Nam gần bờ biển là các chợ thực phẩm thì dân Việt Nam đã tràn ngập chiếm gần hết các cửa hàng ở đây. Có rất nhiều nhà hàng Việt Nam như Hương Lan, Maxime, Phở Hòa.... Dân Việt còn làm chủ các tiệm hoa, tiệm bánh, cho mướn video phim Tàu và văn phòng du lịch bán vé máy bay về Việt Nam. Các chợ không lớn như ở California, không có bãi đậu xe, mà chỉ là hai ba căn phố không có vách ngăn. Bên ngoài vĩa hè trên tường treo các nãi chuối và bày các rỗ trái cây, rau cải có ghi giá bán. Vào bên trong, thực phẩm bày bán như gạo, đường, đậu, trái cây, thịt thà thì để trên sạp và người bán ngồi ngay trên đó như trong chợ ở Việt Nam. Gần phía bờ sông có một ngôi nhà lồng chợ đề bảng “Oahu Market” chữ sơn cũ kỹ. Tôi vào bên trong hóa ra là chợ cá, chừng hai mươi người bán, toàn là người Việt. Cá chết thì để trong rỗ, các sống còn bơi lội như cá lóc, cá rô, cá trê thì rong trong thau nhựa. Cá biển lớn hơn như cá thu, cá hồng, cá đao thì để trên bàn, có cân và người bán sẵn sàng làm sạch ngay trên thớt cá. Tất cả đều tươi rói và không đông lạnh. Chợ Oahu nhưng dân địa phương không thấy một bóng mà toàn là dân Việt Nam ta. Đi trong chợ này tôi cảm tưởng như đi trong chợ Dương Đông hay Hàm-Ninh trên đảo Phú Quốc.

Đi lòng vòng thăm thú một hồi rồi cũng mệt và cảm thấy đói. Nơi góc đường River và đường Hotel gần chiếc cầu bắt qua con sông nhỏ, có tiệm phở Tô Châu nhưng lạ một điều là người ăn sắp hàng hàng dài trên vĩa hè chờ tới phiên mình vào ăn! Nhưng đa số khách sắp hàng ăn phở lại là người Tàu hay Nhật địa phương. Phở nơi đây chắc nổi tiếng lắm nên người ta mới đông như vậy? Vì không muốn chờ lâu trong lúc bụng đã đói nên tôi vào tiệm phở bên cạnh trông có vẻ mới mẻ và sáng sủa hơn là phở Cửu Long 2. Bên trong máy lạnh mát mẻ và phục vụ rất ân cần. Tô phở xe lửa lớn chưa từng thấy, phở Cao Vân gần Hội Việt Mỹ ở Sàigòn ngày trước hãy còn thua, mùi vị nước lèo cũng thơm lừng và dĩa rau lớn như những tiệm phở Sàigòn. Ăn xong tôi hỏi bến xe buýt để trở về lại Waikiki thì cô gái tiếp viên cho biết xe buýt đậu ngay bên cạnh, trên đường Hotel. Con đường này ngày xưa chắc có nhiều khách sạn nên mới có tên là Hotel, bây giờ toàn là tiệm buôn. Đường một chiều rất hẹp, không cho xe cộ lưu thông chỉ dành riêng cho xe buýt mà thôi.

Chợ Tàu tại đây vắng vẻ ít thấy du khách da trắng và Nhật bản. Thương gia người Tàu ngày xưa thì đã mất, lớp trẻ lớn lên nói giỏi tiếng Mỹ đã làm nghề khác. Do đó người Việt đã điền vào để thay thế người Hoa. Người Việt buôn bán tại đây có lẽ là những người mới qua. Tôi mua một cái áo Hawaii in bông hoa và hỏi thăm chị bán hàng về đời sống dân Việt tại Hawaii thì chị cho biết rất là thoải mái. Những người theo diện HO mới qua thì có việc làm ngay như may quần áo bán cho du khách như chiếc áo tôi vừa mới mua hay làm trong khách sạn. Nhà cửa ở ngoại ô giá lại rẻ hơn Cali. Gia đình chị qua hơn mười năm do một cô em gái vượt biên bảo lãnh. Con trai chị vừa lên đại học lại thích vào học trong đất liền. Một điều đặc biệt là Chợ Tàu đóng cửa sớm ban đêm và 12 giờ trưa ngày Chủ Nhật, tất cả tiệm buôn đều đóng của nghỉ cuối tuần.

NGÀY CUỐI Ở HAWAII
Ngày Thứ Ba 28-8-2001 là ngày cuối của chúng tôi trong chuyến nghỉ hè 6 ngày tại Oahu. Máy bay hãng Hawaiian Airlines sẽ cất cánh lúc 9 giờ 30 tối. Bảy giờ, Bàn là nhân viên hãng du lịch hẹn sẽ đến khách sạn đưa chúng tôi ra phi trường. Phải trả phòng khách sạn trước 12 giờ trưa, không thôi họ sẽ tính thêm một ngày nữa. Trả phòng xong chúng tôi trở thành homeless, tôi gởi tất cả hành lý cho khách sạn và chỉ mang theo mình một túi xách ba-lô.

Chúng tôi thả bộ ra bờ biển và đi về hướng Diamond Head. Ngang qua Honolulu Zoo rồi tới Kapiolani Park. Trên hàng rào công viên này nhiều họa sĩ đã treo những bức tranh của mình lên hàng rào để chào mời du khách vì nơi đây lúc nào cũng có bóng mát và dễ đậu xe. Chúng tôi vào xem cá ở Wakiki Aquarium cạnh bờ biển. Nơi đây nuôi nhiều loại cá biển vùng nhiệt đới màu sắc rực rỡ. Khi mua vé khách vào xem được trao cho một máy phát lời chỉ dẫn giống như chiếc remote control. Muốn tìm hiểu loại cá nuôi ở bồn số mấy thỉ chỉ việc bấm nút số đó và đưa máy vào tai để nghe chỉ dẫn. Ngoài những bồn cá trong nhà, phía ngoài còn có những hồ cá lớn với nhiều loại san hô sắc màu rực rỡ. Rời Aquarium trên đường trở về gặp một cây đa rễ buông thòng xuống bãi cát. Thằng con tôi nhảy nắm dây đánh đu, đong đưa qua lại như phim Tarzan Ấn Độ “Sữa Rừng Thay Sữa Mẹ” ngày trước.

Sau một buổi chiều tăm biển lần cuối ở bãi Waikiki, chúng tôi trở về khách sạn và vì đã trả phòng nên phải thay quần áo sạch ở khu hồ tắm nơi lầu 6. Tại đây ngoài hồ bơi, phòng hơi, whirlpool, còn có phòng tắm cũng như máy giặt, máy sấy quần áo. Bảy giờ chiều khi đi ăn tối trở về thì Bàn đã chờ sẵn để đưa chúng tôi ra phi trường. Gần 10 giờ đêm máy bay cất cánh, đầy hành khách không còn một ghế trống. Chuyến trở về đi từ Tây sang Đông bao giờ cũng ngắn hơn chuyến đi, có thể vì bay ngược chiều với chiều quay của địa cầu nên chỉ mất hơn 4 tiếng đồng hồ thay vì lúc đi phải khoảng 5 tiếng rưỡi. Đến Los Angeles mới 5 giờ sáng trời vẫn còn tối nhưng hành khách rộn rịp nơi các quày vé. Đón xe shuttle để ra bãi đậu xe dài hạn Parking Lot C, trời cũng vừa sáng gặp lại chiếc xe của mình bụi bám đầy vì nằm phơi sương gió đã sáu ngày qua. Chúng tôi nhập vào dòng đời xuôi ngược để trở về nhà kết thúc một chuyến đi thú vị, tâm hồn thơ thới, lạc quan, yêu đời.

Hawaii cảnh trí thiên nhiên êm đềm, thơ mộng, tuy là đất Mỹ nhưng khác hẵn xứ Mỹ, nó còn giữ lại cuộc sống thảnh thơi, nhàn tản. Người dân hải đảo từ ngàn xưa đã được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ấm áp, không khí trong lành, các tôm dưới biển, khoai củ trong rừng. Họ chẳng cần quan tâm tới vật chất, họ sống với tình yêu và hát ca, nhảy múa, vui chơi suốt tháng ngày. So với các nước kỹ nghệ tân tiến, vật chất dư thừa nhưng tinh thần bẩn chật, tình người hạn hẹp. Cuộc sống nào hạnh phúc hơn?

0 nhận xét