Tôi ngồi đợi sáng, nhìn xuống thành phố là những cao ốc chen chúc ánh đèn. Dưới đường thỉnh thoảng một vài chiếc xe chầm chậm qua lại. Phía núi vẫn còn đen tối âm u. Hướng biển lấp lánh ánh đèn trên những du thuyền. Những bóng dừa dưới đường làm tôi nhớ về quê hương xa cách. Nhưng sáng nay tôi đang ngồi trên hòn đảo giữa Thái Bình Dương. Phía Đông là đất Cali, là chốn lưu thân, sáng xách xe đi, tối xách xe về! Biết chào cờ mà không biết hát quốc ca! Phía Tây nơi chân trời kia là quê hương, đã xa lìa mấy mươi năm. Cảm giác nổi trôi, lạc loài, không biết nơi nào là quê hương đích thực, không một cõi để đi về, dâng lên man mác buồn!
Cuối cùng rồi trời cũng sáng, dưới đường xe cộ đông hơn và vợ con tôi cũng đã thức dậy. Sau khi tắm nước lạnh cho tỉnh người, chúng tôi xuống dưới nhà hàng Tàu trong khách sạn để dùng điểm tâm khỏi mất tiền. Nhà hàng Tàu nên thực khách cũng ...Tàu. Mọi người đều ăn cháo trắng với một vài món bình dân như như mì xào, hột gà kho với tàu hủ, dưa cải muối. So với những khách sạn ở Thái Lan thì không bằng vì ở Thái Lan điểm tâm miễn phí rất là thịnh soạn còn hơn những buffet Tàu ở Cali. Nhưng làm sao so sánh được vì vật giá ở hai nơi hoàn toàn cách biệt. Thái Lan mọi thứ rất rẻ, còn Hawaii là... thiên đàng nên mọi thứ của dương gian đều đắt như vàng. Mỗi sáng có cháo trắng, ăn miễn phí là quý lắm rồi!
Đây là ngày thứ hai ở Waikiki, ngày hôm qua chúng tôi đi về hướng biển, hôm nay thử đi về hướng Honolulu tức hướng Tây xem như thế nào? Bằng con đường chính Kalakaua chúng tôi đi ngang một công viên được rào lại là trại lính Fort Derussy. Tên là đồn lính nhưng thực ra nơi đây là khách sạn dành cho quân nhân nghỉ hè với giá phòng rất là tượng trưng. Rẻ vào khu khách sạn Hilton Hawaiian Village, nơi đây có một khu shopping center sang trọng, với những cửa tiệm kiến trúc như những ngôi chùa Nhật Bản, mái cong, ngói đỏ ẩn mình dưới những gốc đa chằng chịt rễ. Tường khách sạn Hilton cao mấy chục tầng được cẩn gạch men với hình cầu vòng rainbow nên building được gọi là Rainbow Tower. Bức hình này được Guinness Books of World Records liệt danh là Tác Phẩm Gạch Men Cao Nhất Thế Giới. Khu hồ tắm của Hilton là một khu vườn Nhật Bản tuyệt vời với những hồ cá Koi nước trong vắt, con nào con nấy dài hơn hai feet, màu sắc óng ánh, nhỡn nha bơi lội cùng bày vịt Nhật nhiều màu. Một đàn hồng hạc (flamingo) thong dong đứng rỉa lông, soi bóng trên mặt hồ. Cảnh vật là hoa xanh tươi, suối chảy trong vắt trên những tảng đá rêu xanh là một bức tranh tĩnh mịch làm tâm hồn du khách trở nên lắng động như ngồi thiền. Ngoài kia qua những hàng dừa đong đưa theo gió là một vùng biển xanh, mặt nước lăng tăng gợn sóng.
Khách ngụ tại Hilton đa số là du khách Nhật Bản, so với tôi thì họ còn trẻ lắm. Họ là những đôi uyên ương đi hưởng tuần trăng mật hay những gia đình thuộc hạng “cổ trắng” ở xứ Phù Tang, mọi thứ đắt như vàng! Họ vây quanh những quày du lịch để mua vé tham quan thắng cảnh ở những đảo xa. Phụ nữ Nhật Bản ăn mặc rất đẹp, dáng gầy không quá khổ như phụ nữ Hoa Kỳ, nhờ họ ăn nhiều cá hơn thịt và đi bộ nhiều hơn ngồi lái xe. Năm 1974, tôi có dịp qua Nhật tu nghiệp về ngành đo đạc thủy đạo trong vòng 6 tháng, dân Nhật lúc ấy hãy còn lùn thấp, phụ nữ chân to, mắt hí, mũi tẹt và khuôn mặt lớn và dẹp. Mùa hè năm 1991, tôi thăm lại Đông Kinh, mọi sự có chiều thay đổi, dân Nhật cao to hơn, phụ nữ dáng nét đẹp hơn và ngạc nhiên thấy đa số mọi người đi ngoài đường đều là giới trẻ. Tôi nghĩ ra vì mình đã già hơn xưa.
HANAUMA BAY, CÙNG BƠI VỚI CÁ
Hai giờ chiều là giờ đón chúng tôi tại khách sạn để đi Hanauma Bay tắm biển và xem cá. Chúng tôi đã nai nịt gọn gàng, mặc đồ tắm, chân mang sandals cao-su để có thể bước trên những tảng san-hô mà không bị đá cắt. Nhưng đón chúng tôi ra biển lại bằng một chiếc limousine màu trắng do anh Trần Hồ làm cho Công Ty Du Lịch Việt Nam lái.
Hanauma Bay nằm về phía Đông và cách Waikiki 7 miles, cạnh con đường 72 là xa lộ H1 nối dài. Hanauma Bay ngày xưa là miệng núi lửa đã tắt bị nước biển phủ lên theo hình móng ngựa. Chung quanh là một dãy đồi thấp có hình dáng một con khủng long nằm uốn mình ôm lấy bờ biển nên còn được dân Việt tại Hawaii gọi là Bãi biển Khủng Long. Bãi đậu xe nằm phía trên đồi và du khách sau khi mua vé tắm là $3 theo những bậc thang đi xuống bờ biển. Đứng trên cầu thang chúng ta có thể thấy đáy nước là những tảng san-hô đen xám. Biển không sâu chỉ một vài nơi thì ngập đầu. Phía bên ngoài thì sau những bị một dãy đá san-hô chắn ngang nên sóng lớn không đánh vào trong vịnh được.
Trần Hồ mở trunk limouse ra đưa chúng tôi mỗi người một chiếc chiếu, một kính chụp mắt của thợ lặn và một ống snorkel. Chúng tôi bỏ đồ đạc, khăn tắm trên bờ biển và lội xuống nước. Nước rất mặn, dường như không cần bơi cứ nằm im vẫn cứ nổi như thường! Mang kính lặn vào miệng ngậm ống nhựa snorkel, ta hụp đầu xuống nước nhưng phần cuối ống phải nhô lên lên không khí để thở phì phò bằng miệng. Cá từng đàn, nhiều màu sắc đi kiếm ăn trên những tảng san hô. Chúng rất dạn, đôi lúc chạm phải người mình. Thằng con trai tôi đã mua sẵn một máy ảnh dưới nước gồm 27 exposures, dùng một lần rồi bỏ, chụp được rất nhiều loại cá kể cả loại vảy màu xanh Parrotfish (Cá Két). Loại cá lạ mắt này chắc không phải là loại hiếm quý nên vài hôm sau tôi đi Chợ Tàu ở Honolulu thấy dân Việt ta bày bán trong thau để ăn thịt.
Lúc lặn hụp xem cá lội, lúc mò lên bãi nằm nghe sóng vỗ, mãi cho đến năm giờ chiều chúng tôi mới cuốn chiếu, vác đồ lếch thếch leo dốc đá mà lên bãi đậu xe. Những ai mõi mệt không muốn leo dốc có thể lên xe với giá là $1. Trần Hồ đã đậu limousine ngồi chờ trên bãi đậu. Tôi thấy quảng cáo ở Waikiki đi Hanauma Bay chỉ có $10, nhưng tôi phải trả đến $35 một người nhưng chắc là “tiền nào, của nấy”. Trong cuộc đời mình mấy khi có dịp đi tắm biển bằng xe đám cưới!
BỜ BIỂN ĐÔNG CỦA ĐẢO OAHU
Dãy Ko’olau Range chạy từ Bắc xuống Nam trên đảo Oahu chia khí hậu làm hai vùng khác biệt. Bên phía tây là bình nguyên lặng gió là nơi dân cư sinh sống và trồng trọt, nơi có thành phố Honolulu và hải cảng Pearl Harbor. Phía Đông dãy núi, bình nguyên rất hẹp, vì mây mưa không vượt được dãy núi nên mưa nhiều hơn và rất nhiều gió nên phía Đông được gọi là Windward Oahu. Bờ biển phía Đông rất đẹp, cây cối xanh tươi, núi cao chớn chở bao phủ bởi mây mù, bãi cát trắng, nước trong xanh và sóng lớn bạc đầu.
Hôm nay là Thứ Bảy 25-8-2001 là ngày thứ ba của chúng tôi ở Oahu. Tám giờ sáng sau khi điểm tâm bằng cháo trắng ở khách sạn, chúng tôi lên đường tham quan vùng bờ biển phái Đông Oahu. Nhân viên Công Ty Du Lịch tên Bàn đưa chúng tôi đi bằng xe van sau khi đón thêm một gia đình Việt Nam ở một khách sạn khác.
Xe chạy dọc theo bờ biển Waikiki và hướng về ngọn Diamond Head là landmark biểu tượng cho Waikiki. Trong tất cả các bức tranh vẽ về bờ biển Waikiki lúc nào cũng phải vẽ ngọn Diamond Head. Sở dĩ có tên Diamond Head là vì ngày trước các thủy thủ người Anh đã tìm thấy nơi đây những viên đá nhỏ Calci (Calci Crystals) lấp lánh mà họ rất mừng lầm tưởng là kim cương. ngọn Diamond Head là vành phểu của miệng núi lửa hoạt động từ 350 ngàn năm trước, cao 760 feet và du khách có thể đi bộ theo lối mòn để lên trên đó. Chinh phục ngọn Diamond Head khiến người ta có cảm giác thích thú như chinh phục ngọn Everest trong dãy Hy-Mã-Lạp-Sơn. Đứng trên đỉnh lộng gió du khách có thể quan sát hết bờ biển Waikiki với hàng trăm cao ốc, khách sạn.
Chúng tôi không trèo lên đỉnh, nhưng đi xe xuyên qua con đường hầm để vào bên trong miệng núi lửa. Đứng bên trong miệng núi lửa là một vùng đất bằng, cây cỏ vàng úa, xơ xác, bốn bề bao bọc bằng một dãy núi thấp. Một đồn lính của Hawaii National Guard, cạnh đó là nghĩa trang quân đội. Khi trở ra khỏi miệng núi, xe dừng lại khoảng đất trống bên đường để mọi người ngắm cảnh, nhìn xuống bình nguyên nhà cửa chen chúc. Vùng này nhà cửa đắt nhất Honolulu, có những bất động sản trị giá hàng chục triệu của tài tử Holywood, các chủ công ty Nhật Bản. Trên bãi đậu xe này, chúng tôi thấy rất nhiều xe limousine chở du khách Nhật và đặc biệt hơn hết là một chiếc Hummer, loại xe quân đội đắt tiền, nhưng là limousine. Theo lời anh chàng Bàn, nhân viên du lịch ở Honolulu, anh ta cho biết chủ nhân chiếc limousine đó là người Việt Nam, ông ta làm chủ hãng cho thuê xe limousine, mười mấy chiếc. Chiếc Hummer limousine là xe mới nhất trong hãng của ông ta.
Xe tiếp tục theo con đường 72 dọc theo bờ biển và dừng lại ở Halona Blowhole, nơi mà sóng biển đánh vào hốc đá và nước bắn tung lên trắng xóa. Nhìn lên hướng Bắc, bờ biển cát trắng chạy dài, ngoài kia biển xanh trong vắt từng đợt sóng trắng đưa nhau vào bờ. Vùng biển cát trắng này có tên là Sandy Beach, bên trong là ngọn núi Koko cũng là miệng núi lửa, cao sừng sửng với những nếp nhăn đi từ đỉnh xuống, dấu vết của nham thạch ngày xưa tràn xuống. Núi bên trong, con đường chạy ôm theo bờ biển, giống vùng Cà Ná gần Phan Rang của xứ ta.
Càng lên phía Bắc, cây cối, núi rừng càng xanh hơn. Xe dừng lại bãi biển Waimanalo với rừng thùy dương vi vu trong gió. Chúng tôi bước xuống biển, nước trong xanh, bên cạnh những thân dừa cong như sắp ngã. Quang cảnh ở đây lại rất giống bờ biển Đại Lãnh, phía Bắc Nha Trang. Biển rất vắng người, chỉ một cặp tình nhân Nhật Bản đang xây nhà trên cát. Nhìn lên hướng Bắc hòn Mokolua có hình dáng của con rùa nằm bất động, ngẩng đầu nhìn ra khơi. Hướng Nam là Rabbit Island, khiến tôi nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn “Thỏ Chạy Đua Với Rùa”. Thỏ khinh dễ Rùa bò chậm nên cứ mãi nhởn nhơ tìm hoa thơm cỏ lạ dọc đường. Trong khi Rùa chậm chạp nhưng lại kiên nhẫn, cứ mãi miết mà bò. Cuối cùng Rùa lại đến đích trước và thắng cuộc.
Xe tiếp tục chạy lên hướng Bắc, con đường 72 không còn men theo ven biển nữa mà chếch vô trong núi. Mưa nhiều nên cảnh vật nơi đây hoa lá xinh tươi nhất là những cây ăn trái như chuối, đu đủ, xoài khiến ta tưởng chừng như lên vùng Lâm Đồng, Bảo Lộc. Rời bỏ xóm nhà, xe rẽ trái bắt đầu leo dốc trên con đường Pali Highway. Con đường quanh co chữ chi như leo Đèo Ngoạn Mục trên đường Phan Rang lên Đà-Lạt, đôi lúc lại chui vào đường hầm. Nhưng nơi đây cây cối rậm rạp hơn, dây leo chằng chịp khiến tôi liên tưởng đến nhạc phẩm “Đường Lên Sơn Cước” theo điệu Valse với những câu: “Đường lên núi rừng, sao hãi hùng! Ôi gió lộng, muôn lá động, cành trong bóng thê lương!” Xe chạy vào bãi đậu của thắng cảnh Pali Lookout. Chúng tôi xuống xe đi bộ vào mỏm đá Nu’uanu Pali. Từ điểm vọng cảnh này nhìn xuống vực sâu hàng ngàn feet. Nơi đây ngày xưa để thống lãnh toàn đảo, vua Kamehameha đã giết hàng trăm đối thủ bằng cách xô xuống vực sâu mà xác không bao giờ tìm lại được vì phía dưới vách đá cheo leo, cây cối chằng chịt. Cũng vì địa thế như vậy, mấy năm nay địa điểm du lịch này đóng cửa vào ban đêm, đề phòng án mạng mà hung thủ phi tang xác.
Nơi đây gió lồng lộng, từng cụm mây như hơi sương từ biển bay vào khiến không khí mát lạnh. Nhìn lên hướng Bắc, sau dãy núi là thành phố, nhà cửa và xa hơn nữa là đảo Chinaman’s Hat giống như chiếc nón rơm của người Tàu. Cây cối nơi đây sủng nước và thân cây đóng rong rêu. Dưới đất có những con cuốn chiếu hàng trăm chân, dài bằng gang tay, bò ngoằn ngèo mà thằng con tôi chưa từng thấy bao giờ nên cảm thấy ghê rợn.
0 nhận xét
Đăng nhận xét