Chuyến bay số 1 Hawaiian Airlines từ Los Angeles của chúng tôi hạ cánh xuống phi trường Honolulu vào lúc 11 giờ 30 ngày 23-8-2001. Bước ra khỏi cửa máy bay hơi nóng và ẩm quen thuộc của vùng nhiệt đới chạm vào da hãy còn lạnh vì ngồi hàng giờ trên cao độ. Từ cửa ra đến nơi lấy hành lý khá xa và lối đi quanh co phía ngoài nhà ga phi cảng nên không có máy lạnh. Chúng tôi phải tìm bảng chỉ dẫn và theo chân những người cùng đi phía trước để khỏi lạc lối. Trước khi máy bay hạ cánh, trên phi cơ họ đã chỉ dẫn và cho biết có xe buýt chở đến nơi lấy hành lý nhưng tôi tưởng gần và dễ tìm nên chọn cách đi bộ. Bây giờ tay xách đồ đạc mới cảm thấy nặng và lối đi thì xa. Hawaii tuy thuộc nước Mỹ nhưng không phải lúc nào cũng có những tiện nghi như trong đất liền.

Cuối cùng cũng tới nơi lấy hành lý nhưng phải chờ hơn nửa tiếng hành lý mới chạy ra. Anh chàng người gốc Hoa tên Peter làm cho công ty du lịch ra đón chúng tôi nhưng vì hành lý chưa ra nên anh ta bảo chúng tôi lấy hành lý xong thì chờ anh ta trở lại đưa về khách sạn. Bây giờ anh ta phải đưa một nhóm người từ Trung Quốc về khách sạn trước vì họ bắt đầu tour du ngoạn lúc một giờ. Anh ta đi khoảng mười phút thì hành lý được đưa ra và chúng tôi phải ngồi chờ đến 2 giờ 30 anh ta mới trở lại và đón thêm một đôi vợ chồng trẻ người Việt từ San Jose đến từ lâu cũng ngồi chờ thắp thỏm như chúng tôi. Cô vợ phàn nàn “ Hãng du lịch Việt Nam cũng lại xài giờ cao su!” Peter biện bạch cho có lệ “Xin lỗi quý khách vì mùa cao điểm du lịch nên chúng tôi làm không xuể! Từ sáng tới giờ tôi chưa ăn cơm!”

Phi trường Honolulu nằm sát bờ biển ở về hướng Tây của thành phố Honolulu. Peter chở chúng tôi bằng xe van, trong lúc lái xe anh ta nói về lịch trình du ngoạn của chúng tôi và giới thiệu thêm những tour du ngoạn khác không có trong package. Nếu ai muốn mua anh ta sẽ bán luôn. Tôi nghe nói vùng biển Hanauna Bay tắm chung với... cá nên mua thêm tour này với giá $35 mỗi người. Tôi hỏi về công ty du lịch của anh ta có phải do người Việt Nam làm chủ không? Vì thấy trên xe van của y có hàng chữ “Công Ty Du Lịch Việt Nam”. Peter cho biết chủ là người Thượng Hải và công ty có tất cả bốn nhân viên người Việt chuyên đua đón du khách người Việt từ Mỹ qua.
Xe chạy trên xa lộ H1 qua khu downtown Honolulu với những building cao hơn 40 tầng và đưa chúng tôi đến Waikiki cách phi trường chỉ độ 8 miles. Phong cảnh hai bên đường có phần khác với California, cây cối xanh tươi nhiều nhất là dừa. Nhà cửa không có sân cỏ phía trước, xây bằng những vật liệu khác nhau, có nhà bằng gỗ như ở Mỹ, có nhà tường gạch tô xi-măng như ở Việt Nam. Nhà cửa có vẻ hỗn độn, cái trệt, cái lầu, không ngay hàng thẳng lối và nhỏ hơn bên Mỹ. Thoáng nhìn nhà cửa chen lẫn với cây cối khiến ta có cảm giác như ở Thái Lan nhất là bên cạnh nhà có những cây dừa cao đong đưa trong gió, những cây xoài lốm đốm những trái đỏ, bông xứ từng chùm và cạnh hàng rào là những hàng bông giấy sắc màu tươi thăm, những hàng bông bụp mà cánh hoa to hơn ở Cali. Trời trong xanh, mây đen từng cụm trôi nổi bồng bềnh có thể mang những cơn mưa bất chợt đến bất cứ lúc nào. Nhưng mưa không nặng hạt mà chỉ lất phật kéo dài trong vòng vài phút không đủ làm ướt người. Có những đám mưa rơi xuống trong nắng vàng tạo thành những cầu vòng (rainbow) nhiều màu sắc. Rainbow là hiện tượng rất thường gặp ở đây nên bảng số xe của Hawaii in hình rainbow khiến tôi tưởng rằng nickname của Hawaii là Rainbow State. Nhưng không phải vậy, nickname của Hawaii lại là Aloha State và hoa tượng trưng cho Hawaii là cánh bông Bụp (Hibicus). Đóa bông Bụp năm cánh mở rộng khiến người ta liên tưởng đến miệng cười tươi và rất rộng của các cô gái người Hawaii.

Xe đưa chúng tôi về khách sạn Marc Island Colony nằm ở ngã ba đường Seaside và Ala Wai, cạnh con kinh Ala Wai nước xanh không chút sóng gợn. Khách sạn là một building cao 45 tầng, phía trên là một ngôi nhà mái ngói nóc nhọn giống như một ngôi chùa Nhật Bản vì chủ khách sạn là một công ty Nhật có nhiều khách sạn ở Hawaii. Phòng chúng tôi số 4216 ở tận lầu 42 gần đỉnh của khách sạn. Mở cửa ra ban-công nhìn xuống có cảm giác choáng ngộp vì độ cao. Khách sạn này là một trong những building cao nhất ở Waikiki vì đua mắt nhìn quanh không thấy một building nào cao hơn. Từ đây nhìn thấy thành phố Honolulu, nghĩa trang quốc gia Punchbowl nằm trên miệng núi lửa đã tắt và phi cơ lên xuống ở phi trường Honolulu. Thú vị hơn nữa là chúng tôi có thể ngắm cảnh hoàng hôn, mặt trời đỏ rực như một trái cầu từ từ lặn xuống biển xanh ở hướng Tây và phía Bắc là dãy núi Ko’olau xanh tươi với mây mù bao phủ.

Phòng khách sạn thuộc loại trung, không sang trọng như ở Las Vegas, nhưng sạch sẽ, có tủ lạnh, tủ đựng chén bát, dĩa, dao, muỗng và sink rửa chén nhưng lại không có bếp mà chỉ có bình lượt càphê. Có lẽ vì sợ hỏa hoạn trong một building cao. Bình càphê thì chỉ nấu tạm được mì gói. Tính tôi khi đi du lịch thường thủ theo mì gói phòng thân vì nhiều khi ngán đồ địa phương lại thèm mì gói! Có những đêm về đến khách sạn là qúa mệt sau một ngày đi bộ, tắm rửa xong làm biếng đi ra phố ăn thì có sẵn mì gói. Nhiều bạn bè quen cho biết đến Waikiki mướn các condo có luôn bếp và họ có thể nấu ăn vừa hợp khẩu vị lại đỡ tốn tiền. Nhưng nếu có bếp chắc chúng tôi cũng không nấu được gì vì ở Waikiki tôi không thấy có chợ bán thức ăn nào! Hệ thống chợ ở Honolulu thì thấy có Safeway và Foodland nhưng không thấy ở Waikiki. Có lẽ đi bộ qua bên kia con kênh thì có. Nhưng trái lại tại Waikiki có rất nhiều tiệm tạp hóa có tên là ABC Store. Cứ vài ba trăm thước là một ABC Store, nhiều nơi tiệm nằm ngay dưới khách sạn. Tiệm này bán đủ mọi thứ đồ lặt vặt mà du khách thường cần đến như quần áo tắm, đồ lưu niệm, thuốc men, bánh kẹo, bia rượu, v.v... Giá rẻ so với những tiệm khác. Điển hình như một manh chiếu lát đủ cho một người nằm trên bãi biển chỉ 98 xu, một vòng hoa lei bằng plastic là 99 xu, nhưng trái cây thì lại đắt vì mau hư như một trái chuối 50 xu và một trái đu đủ nhỏ 2 đồng. Đu đủ Hawaii trái nhỏ nhưng rất ngọt. Không thấy bán rau cải, thịt thà. Một hệ thống tạp hóa khác chuyên bán đồ đặc sản Hawaii tên là Hilo Hattie, giá cả đắt hơn.

Bốn giờ chiều, ba người chúng tôi gồm vợ chồng và thằng con thả bộ xuống bờ biển Waikiki. Chúng tôi chọn bãi tắm gần nhất kế bên trạm Cảnh Sát dưới bóng những cây dừa cao. Cảnh Sát Honolulu cũng sắc phục như California nhưng có một số đi tuần bãi biển mặc áo thun và quần ngắn. Đặc biệt có những cảnh sát đi tuần bằng xe hơi riêng của mình, họ chỉ để cái đèn trên nóc xe chỉ dấu rằng họ là cảnh sát. Người dân chính gốc Hawaii ít thấy làm cảnh sát, đa số cảnh sát là Mỹ trắng hoặc Phi Luật Tân. Lương bỗng của họ không cao như ở California.
Hầu hết các khách sạn đếu nằm dọc theo bờ biển nên con đường xuống bãi tắm đã được dọn dọn sạch đá gần bờ và xây tường chắn sóng phía ngoài. Những ai muốn bơi lội hay ngâm mình dưới làn nước ấm và trong xanh thì chọn bên trong. Những người thích chơi ván trượt sóng (surfing) thì ra phía ngoài khơi. Hawaii là thiên đàng của dân chơi trượt sóng vì sóng cao, di chuyển đều đều hết lượn này đến lượn khác và chiều dài trượt sóng rất xa. Thằng con trai chúng tôi cũng là dân trượt sóng, ngoài giờ học ở Cal State San Bernardino, nó làm ở các tiệm bán các thứ đồ chơi... trượt, như trượt pa-te, trượt tuyết và trượt sóng, nên ra đây chẳng khác nào như “lân gặp pháo, như rồng gặp mây”. Nó trượt đủ các thứ nhưng đừng trượt... thi là được! Nó mướn ván trượt sóng ngay trên bờ biển với giá $10 cho 2 tiếng đồng hồ và ôm ván lội ra khơi.

Những ai thích phơi nắng thì nằm dài trên bờ biển, trên những bãi cỏ xanh mịn màng được chăm sóc rất cẩn thận không một cọng rác và dưới những hàng dừa, lá đong đưa trong gió. Dừa được trồng khá nhiều, dọc theo đường phố nhưng đặc biệt dừa ở đây không thấy trái vì thành phố đã cho người lên chặt hết những chùm bông và tàu lá vàng để tránh rơi xuống gây thương vong cho du khách. Khác với xứ ta, nước dừa là một món giải khát bày bán khăp nơi. Ở đây cây dừa thì nhiều nhưng trái dừa lại không thấy bán. Có người mua dừa trong khu chợ Tàu già đắt mà nước lại không ngọt như dừa ở xứ ta. Cây dừa cũng là biểu tượng cho Hawaii, tranh vẽ cảnh Hawaii là phải có cây dừa. Ngày xưa khi sanh một đứa con thổ dân ở đây trồng một cây dừa để đứa con có vật liệu và thực phẩm dùng suốt cuộc đời. Cây dừa là một loại cây rất hữu ích. Thân dừa và lá dừa để làm nhà, trái dùng dùng để ăn, dầu dừa dùng để thắp đèn và xức tóc cho mượt, nước dừa để uống, lạc dừa dùng để làm dây cột hoặc kết lại làm quần, gáo dừa dùng làm chén bát và phụ nữ dùng để... che ngực! Nhưng gáo dừa bây giờ trở nên quá nhỏ so với tầm cở của phụ nữ Hawaii ngày nay.

Hawaii
PHỐ PHƯỜNG WAIKIKI
Waikiki là khu trung tâm du lịch nên ngành thương mại chính ở đây là khách sạn, nhà hàng ăn, bar rượu, cửa hàng mua sắm, rạp hát, cho mướn xe (xe hơi và cả xe gắn máy). Không khí du hí, ăn chơi ở đây giống như Las Vegas nghĩa là khách sạn, cửa hàng đèn đuốc sáng choang, khách dập dìu tấp nập 24 trên 24. Phong thái của du khách ở đây cũng giống như Las Vegas là họ quên tấ cả những lo âu hàng ngày sang một bên để vui hưởng những ngày nghỉ thảnh thơi. Không khí vui tươi đó giống như ba ngày Tết ở Việt Nam nên mới có thành ngữ “Vui như Tết”. Waikiki quanh năm suốt tháng ngày nào cũng là ngày Tết, mùa nào cũng là mùa Xuân. Nhưng Wakiki khác với Las Vegas là du khách vui chơi ngoài trời vì khí hậu mát mẻ, trong khi Las Vegas du khách chỉ ở bên trong casino, quên trời đất vì những canh bạc đỏ đen. Một cái khác nữa là cảnh Waikiki là cảnh thật trong khi Las Vegas lại toàn cảnh giả. Ta có thể tìm thấy cảnh Hawaii ở Hotel Casino The Mirage, Las Vegas, cũng rừng cây um tùm, cũng phong lan rực rỡ, cũng thác đổ ì ầm nhưng là cảnh giả trong khi Hawaii cảnh thật, thiên nhiên.


Waikiki nằm dọc theo bờ biển, chiều dài từ Ala Wai Canal ở phía Tây đến Sở Thú Honolulu phía Đông chỉ có 2 miles, nếu di bộ mất khoảng một giờ. Đến Waikiki du khách không cần mua bản đồ vì bản đồ nằm trong những tập quảng cáo in nhiều màu rất đẹp và đặt trong những thùng để biếu không. Những tập quảng cáo này rất hữu ích vì nhờ nó mà ta biết ăn ở đâu ngon lại rẻ, du ngoạn nơi nào thích thú lại gần. Waikiki chỉ có một con đường chính dọc theo bờ biển nên thơ là Kalakaua Avenue. Hầu hết các khách sạn, shopping center lộng lẫy nhất đều tập trung trên con đường này, nhưng lại là đường một chiều. Con đường phía sau song song với đường chính tên là Kuhio Avenue cũng là con đường lớn thứ nhì, nơi có những nhàhàng, hộp đêm giá rẻ hơn và cũng là con đường có xe bus để đi Honolulu. Waikiki là một khu trong thành phố Honolulu nhưng nó nổi tiếng là vì địa điểm du lịch với bãi biển thơ mộng, nhiều khách sạn tiện nghi. Một ngày bình thường trong khu Waikiki với diện tích chỉ 7 phần 10 của một dặm vuông, dân số trung bình đã là 110,000 người, trong đó hơn phân nửa là du khách, 30,000 là nhân viên làm trong các khách sạn, cửa hàng đến từ ngoại ô, duy chỉ có 20,000 người mới thực sự cư ngụ tại Waikiki. Mỗi tuần trung bình có khoảng 80,000 du khách mới tới. Du khách đến Waikiki là nguời Nhật và dân Mỹ, đông nhất là dân California. Người Nhật rất thích Hawaii vì khí hậu ấm áp, phong cảnh nhiệt đới hoàn toàn khác hẵn cảnh bên Nhật và nhất là mua sắm hàng hòa Mỹ với giá thật rẻ so với xứcủa họ. Ban ngày họ tắm biển, chiều về thay đồ thật đẹp đi mua sắm và tối đi ăn rồi dạo bờ biển. Bên Nhật một cái hamburger Big Mac họ phải trả giá $7, trong khi ở đây họ chỉ trả 99 xu! Thịt bò New York Steak là món ăn chỉ có người giàu có ở Nhật mới dám rớ, trong khi ở Waikiki chỉ là một món ăn thông thường! Có nhiều shopping center dùng cả hai thứ tiếng Mỹ, Nhật và do người Nhật đứng bán như ở Waikiki Shopping Plaza. Giới trẻ Nhật rất thích mặc quần áo hiệu nổi tiếng và xách bóp da vì họ luôn mang theo bên mình khi đi làm hàng ngày. Có những ví da họ phải sắp hàng để mua với giá $200 một cái!

0 nhận xét