Về lịch sử vùng Waikiki thuở xưa là một đất thấp đầm lầy, thổ dân địa phương trồng khoai môn và lúa. Đến năm 1901 Moana Hotel là khách sạn đầu tiên được xây cất vì thời đó bắt đầu có những du thuyền chở du khách Tây Phương đến. Ngày nay Moana Hotel vẫn còn với lối kiến trúc La Mã thời Phục Hưng nguy nga, tráng lệ. Đầu thập niên 1920, con kênh Ala Wai được đào để thoát nước mưa từ trên núi đổ ra biển, đất đào lêân được đắp thành khu Waikiki ngày nay. Năm 1927, Royal Hawaiian Hotel được xây dựng trên phần đất mà trước kia là nhà nghỉ mát của nhà vua với phí tổn lên tới 4 triệu đồng là một số tiền rất lớn vào thời đó. Ngày nay, khách sạn vẫn sơn màu tím, có 527 phòng với giá thuê rẻ nhất là $300 một đêm! Như tất cả các khách sạn khác ở đây, Royal Hawaiian Hotel mở cửa tiếp đón tất cả mọi người mặc dù có mướn phòng trong khách sạn hay không?

MUA SẮM Ở WAIKIKI
Du khách Mỹ ít mua sắm ở Waikiki vì giá cả đắt hơn trong đất liền, nhưng người Nhật thì Waikiki là thiên đường đểmua sắm vì giá cả rất rẻ so với nước Nhật đắt đỏ. Người Mỹ thường chỉ mua đồ kỷ niệmlà những đặc sản của Hawaii như áo Hawaiian cho đàn ông, sarông cho phụ nữ, hạt Macadamia và càphê Kona tặng bạn bè. Càphê Kona trồng trong vùng Kona thuộc đảo lớn Hawaii. Càphê Kona được quảng cáo rầm rộ nhưng thật ra không bằng càphê Ban-Mê-Thuột vì vẫn còn vị chua. Waikiki có nhiều khu shopping dọc theo hai con đường lớn chung quanh các khách sạn nhưng nổi tiếng là những khu mua bán sau đây:

International Market Place nằm trên con đường chính đối diện với khách sạn Sheraton Moana, là một chợ trời với nhiều gian hàng nhỏ nằm dưới bóng những cây cổ thụ lớn rễ buông xuống chằng chịt. Những cây cổ thụ này là loại Chinese Banyan tên khoa học là Ficus Microcarpa mà ta thường thấy ở Hawaii. Rễ từ trên nhánh buông thòng xuống đất và to lớn rất giống thân cây. Lá và vỏ cây bên Tàu người dùng để chữa bệnh đau răng. Dưới gốc cây cổ thụ lớn nhất người ta xây thác nước và hồ cá Koi. Ban đêm thác nước và cây được chiếu đèn trông rất lung linh, huyền ảo. Ban ngày nhờ bóng cây nên chợ trời lúc nào cũng mát mẻ. Tên là International Market vì chủ các gian hàng thuộc nhiều xứ khác nhau hư dân Hawaii, Phi, Mỹ, Đại Hàn, Tàu, Nhật và có cả Việt Nam. Đi ngang các gian hàng người Việt, chúng ta rết dễ nhận biết vì họ mở các dĩa nhạc Việt Nam. Hàng hóa bày bán trong chợ trời là quần áo, đồ kỷ niệm, ảnh tượng, san hô, vỏ sò ốc và đồ thủ công tre, dừa. Vì là chợ trời nên khách hàng có thể trả giá mà người bán hàng vẫn vui vẻ bớt giá như thường. Trong International Market Place có nhiều nhà hàng ăn và khu Food Court bán các món ăn nấu sẵn. Tại đây cũng có một quán ăn Việt Nam là Saigòn Express lúc nào cũng đông khách.

Royal Hawaiian Shopping Plaza gồm ba tầng lầu kéo dài đến ba blocks đường, choáng phía trước cửa khách sạn màu tím Royal Hawaiian. Nơi đây quy tụ những cửa tiệm tranh vẽ, kim hoàn, trang sức, nước hoa, quần áo, tiệm ảnh và trên lầu là nhà hàng ăn và văn phòng du lịch. Bên ngoài bao phủ bởi dây leo và một thác nước ầm ỉ suốt đêm ngày. Hầu hết các trung tâm mua bán mở cửa đến chín giờ đêm.

Waikiki Business Plaza là một building cao đến năm tầng nằm đố diện phía bên kia đường với Royal Hawaiian Plaza. Bên ngoài được trang trí bằng một bức tường thác nước cẩn gạch men hình những con cá koi bơi lội. Tầng hầm là những nhà hàng ăn đủ mọi miền trên thế giới như Mỹ, Ý, Tàu, Nhật, Đại Hàn. Nhà hàng Nhật ở đây cũng trưng bày những món ăn bằng sáp với giá cả bằng tiếng Nhật.
DFS Galleria nằm bên cạnh Business Plaza, là một shopping Nhật Bản, bảng giá chữ Nhật, người bán hàng nói tiếng Nhật nhưng mua bán bằng đô-la Mỹ. Bên ngoài là một bồn nuôi cá bằng thủy tinh cao hai tầng lầu và khách hàng có thể đi trong thang trôn ốc xuyên qua bồn cá.
Galleria mới cất nên rất nguy nga tráng lệ. Phía sau là Duty-Free Shop, miễn thuế cho người ngoại quốc, ban đêm tấp nập khách hàng Nhật. Bên cạnh đó là cửa hàng cất y như một chiếc tàu thời 1920 với thuyền trưởng người Mỹ râu dài đứng bên ngoài chào đón khách hàng. Mỗi đêm ở đây có trình diễn vũ nhạc Hawaii miễn phí và khách hàng có thể nếm thử càphê Kona và hạt Macadamia.

Ala Moana Shopping Center nằm cách trung tâm Waiki độ hai miles về hướng Tây, đây là shopping center lớn nhất của quần đảo Hawaii có hai tầng lầu và hệ thống Sears và JC Penney cũng có trong khu này. Food Court ở đây rất lớn và bán đủ thức ăn các nước. Bánh mì Ba-Lẹ cũng có mặt tại đây và nằm trong tiệm Sears chứ không nằm trong Food Court. Một điều thú vị là trên chuyến bay Hawaiian Airlines trở về Los Angeles, chiếc bánh mì sandwich ăn vào ban đêm có in chữ Ba-Lẹ Sandwich. Có lẽ Ba-Lẹ đã trúng thầu cung cấp thức ăn cho Hawaiian Airlines. Từ Waikiki muốn đến Ala Moana Shopping Center có thể đi xe shuttle miễn phí từ các khách sạn lớn trên đường Kuhio.

ĂN UỐNG Ở WAIKIKI
Giá cả ăn uống ở Waikiki đắt hơn California khoảng năm mươi phần trăm. Những tiệm thuộc hệ thống bán hamburger như McDonald, Burger King, Jack In The Box thì cùng giá và phẩm chất không khác gì ở lục địa. Các nhà hàng Mỹ như Sizzler, Denny’s, Chilis và Nhật như Todai, Benihana đều có mặt ở Waikiki nhưng giá cả cao hơn trong đất liền. Ăn uống trong các khu Food Court giá cả có vẻ rẻ hơn các nhà hàng nhưng lại không đủ no lại phải mua thêm nước uống mặc dù là nước lạnh! Khi dạo phố, du khách thường được nhân viên nhà hàng đứng ra mời chào và đưa những tờ quảng cáo. Những món ăn thông thường nhất ở các nhà hàng này là Steak, Lobster Tail, Crab Legs, cá Salmon đi chung với khoai chiên và sà-lách. Chúng tôi thường ăn ở nhà hàng Seaside Bar & Grill ở góc đường Kuhio và Seaside, mỗi phần ăn gồm hai thứ vừa kể và giá là $10. Ở đây có món cá Mahi Mahi mềm, ngọt, không xương và không tanh. Nhà hàng này bán đồ ăn Mỹ nhưng nhân viên toàn là người Tàu rất niềm nở, vì chúng tôi ăn mạnh nên họ tiếp thêm bánh mì nướng miễn phí.

Waikiki cũng có tiệm phở là Phở Trí, phở không thua gì ở Little Saigòn và giá cũng bằng giá Cali, nghĩa là bắt đầu bằng $3.50 một tô. Tiệm hơi nhỏ và cách khu trung tâm Waikiki chừng một mile về hướng Tây qua khỏi góc đường chính Kalahaua là Ala Moana nhưng chưa tới kinh đào Ala Wai. Khu China Town ở Honolulu có rất nhiều tiệm ăn Việt Nam mà trong những ngày kế tiếp chúng tôi sẽ đến thăm để biết sinh hoạt của đồng hương Việt Nam ở đảo Hawaii như thế nào?

0 nhận xét