>> Kinh nghiệm du lịch - Trộm trong... chuyến bay
>> Kinh nghiệm du lịch - Tuyệt vời ẩm thực sân bay

Du lịch Mỹ - Nếu nhập cảnh vào Hoa Kỳ tại sân bay Chicago O'Hare và sân bay quốc tế Vancouver của Canada, hành khách sẽ có cơ hội rút ngắn khoảng thời gian xếp hàng dài trước quầy thủ tục nhập cảnh bằng cách tự làm thủ tục tại các quầy kiểm tra hộ chiếu tự động được lắp đặt tại hai sân bay này.
kiem-tra-ho-chieu-tu-dong
Thay vì phải khai báo thông qua việc điền thông tin vào tờ khai nhập cảnh, hành khách chỉ cần tới quầy tự động, tự mình scan hộ chiếu và trả lời các câu hỏi được đưa ra từ màn hình bằng cách chạm vào thông tin cần khai báo. Sau khi hoàn tất, máy sẽ tự động cho ra một biên nhận in sẵn và hành khách chỉ cần lấy biên nhận này đưa cho nhân viên cửa khẩu. Tất nhiên, hành khách vẫn sẽ phải trả lời những câu hỏi của nhân viên cửa khẩu nhưng khoảng thời gian này sẽ được rút ngắn hơn rất nhiều, đồng thời, cho phép nhân viên cửa khẩu có thể quan sát kỹ hơn về đối tượng hành khách. Theo kế hoạch, sân bay Chicago O'Hare sẽ hoàn tất lắp đặt 32 quầy kiểm tra hộ chiếu tự động vào đầu tháng 7.
Theo DNSGCT - Ngày 31/07/2013

>> Du lịch Nam Mỹ - Thác Iguassu
>> Du lịch Nam Mỹ - 7 điều cần biết trước khi du lịch Brazil
>> Chương trình tour Nam Mỹ tham khảo


Du lịch Nam Mỹ - Khu vực Nam Mỹ rộng lớn có nhiều vùng biên giới phong cảnh ngoạn mục, nhưng được biết đến nhất phải kể đến ngã ba biên giới giữa Argentina, Paraguay và Brazil hình thành bởi sự hợp lưu của hai dòng sông Parana cùng Iguazu.
Tại khu vực này, du khách có thể lên xe bus qua lại ba thành phố biên giới của ba nước mà chẳng cần đến visa. Khác với nhiều vùng biên giới vắng vẻ, ngã ba sông ở đây luôn nhộn nhịp du khách nhờ hai thắng cảnh rất nổi tiếng. Đó là quần thể 275 ngọn thác lớn nhỏ mang tên Iguazu và công trình thủy điện lớn nhất thế giới Itaipu.
chuyenkhaosatoargentina-07
Chuyến khảo sát tiền trạm thác Iguassu của DL Hoàn Mỹ
Đường đến 275 ngọn thác đẹp
Quần thể thác Iguazu nằm ở cuối dòng sông Iguazu. Hai phần ba số thác nằm ở Argentina, phần còn lại nằm ở Brazil. Từ đây thác đổ nước xuống dòng sông Parana, biên giới tự nhiên của Paraguay với Argentina và Brazil.
Theo đánh giá của nhiều tạp chí du lịch, đây là một trong những cụm thác đẹp nhất thế giới với khoảng 275 ngọn thác kế tiếp nhau tạo thành hình bán nguyệt dài gần ba cây số. Là điểm tham quan chính của khu rừng quốc gia Iguazu, từ cổng phía bên Brazil vào đến thác Iguazu du khách phải ngồi xe bus để vượt quãng đường dài gần 20 cây số xuyên rừng rậm.
Đi được nửa đường chúng tôi đã nghe tiếng thác nước réo văng vẳng. Xe buýt chầm chậm chạy trong khu rừng vắng, cứ khoảng dăm cây số thì dừng lại cho khách đi safari (công viên hoang dã), tham gia chơi thuyền kayak, trekking hoặc nhảy bungee. Đến con đường đi bộ ven thác dài gần hai cây số thì xe dừng hẳn.
rung-tham-song-dai-iguazu
Quần thể thác Iguazu
Dọc con đường này có nhiều loại chuột và sóc rất bạo dạn, chúng luôn sán đến gần người. Các loại bò sát cũng rất phong phú, ấn tượng nhất là tắc kè đủ màu, giun to bằng ngón tay, bướm màu sắc rực rỡ đậu khắp nơi trên người du khách. Đời sống rừng già Iguazu được coi là biểu tượng cho vẻ đẹp của Brazil.
Trong khu rừng được UNESCO đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới này có rất nhiều loài động vật quý hiếm sinh sống như cá sấu Mỹ, báo, gấu trúc, khỉ, heo vòi, lợn nước. Các loài chim nhiệt đới như toucane, chim ong, vẹt cũng như những loại bướm khổng lồ và sặc sỡ cũng là những điểm nhấn màu sắc ở đây.
Bên cạnh đó rừng còn có gần 2.000 loại cây khác nhau như phong lan, dương sỉ và các loại dây leo. Lượng hơi nước bốc lên từ sông Iguazu vô cùng lớn và nó là nguồn sống của thế giới động thực vật cực kỳ phong phú trong rừng.
chuyenkhaosatoargentina-05
Đường dẫn ra ngắm thác
Đến bên bờ sông, du khách được đưa lên thuyền phao chạy máy để đến gần thác nước. Chưa đến nơi, bụi nước đã bay mù mịt mát rượi. Quần thể thác Iguazu quả là kỳ vĩ khó bút mực nào tả được.
Hơn 270 dòng nước ào ào tuôn xuống một hồ nước khổng lồ tạo nên chuỗi cầu vồng lấp lánh và những thanh âm đầy sức mạnh của núi rừng. Chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên vô cùng ấn tượng này, chúng tôi chợt hiểu tại sao nhiều người sẵn sàng bỏ ra 250 euro (khoảng 8 triệu đồng) để được ngắm Iguazu bằng trực thăng dù chỉ trong mươi phút.
chuyenkhaosatoargentina-06
Nằm trên đường biên giới của hai nước Brazil và Argentina, từ trên cao nhìn xuống, cụm thác Iguazu trắng xóa, dốc đứng, được bao bọc bởi những khu rừng nhiệt đới hoang sơ.
Thác có hai tầng gồm nhiều ngọn nước lớn nhỏ khác nhau chia cắt sông Iguazu thành hai nhánh. Tùy theo mùa mà các thác nước này lúc thì ầm ầm cuồn cuộn, lúc thì êm ả nên thơ.
rung-tham-song-dai-iguazu2
Trên sông Iguazu
Tuy nhiên nếu không đi được trực thăng thì với đôi chân dẻo dai, du khách vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của Iguazu. Hệ thống đường đi bộ ngắm thác được thiết kế rất chi tiết, đủ để ngắm thác từ mọi góc độ từ cao tới thấp.
Có cả cầu chạy dài trên dòng sông để dẫn ra trung tâm thác, nơi người ta đón nhận dòng nước ào ào xối xả làm ướt toàn bộ mình mẩy chỉ trong vài giây. Khi đã mỏi chân, du khách có thể đi thang máy chạy từ dưới lên cao, ngược với dòng nước đổ.
rung-tham-song-dai-iguazu3
Thám hiểm thác bằng thuyền
Họng Quỷ Sứ và đập thủy điện khổng lồ
Hùng vĩ nhất trong cụm thác Iguazu là Devil's Throat (Họng Quỷ Sứ), một thác nước hình móng ngựa, đổ xuống từ độ cao 82 mét, rộng 150 mét và dài 700 mét. Nếu tham quan từ phía Argentina trước, đến cổng công viên du khách sẽ được đi một đoạn xe lửa trên mặt nước và Họng Quỷ Sứ là điểm cuối.
Tên thác được đặt thật chính xác. Đang mải mê ngắm cảnh trên dòng nước phẳng lặng, ai nấy đều giật mình khi thấy xuất hiện một lỗ đen khổng lồ chuẩn bị nuốt chửng mọi vật trên mặt nước. Âm thanh nước đổ ở họng Tử Thần nghe mà rợn người, bụi nước tung mù mịt cả một vùng.
Khi thuyền đến gần sát chân thác, nhiều người không kìm được tiếng thét. Khoảnh khắc thuyền đâm thẳng vào dòng nước đổ, chui vào đáy thác thật chẳng thể nào quên.
Nếu bên phía Argentina có khung cảnh Họng Quỷ Sứ ngoạn mục thì bên phía Brazil, chúng tôi đã được ngắm nhìn toàn cảnh dòng chảy xinh đẹp, êm đềm trong bối cảnh núi rừng nguyên sơ.
Đến với điểm du lịch hấp dẫn này, du khách có thể tham gia vào các hoạt động thể thao như leo núi, lái bè và đặc biệt không thể bỏ qua chuyến du ngoạn khu vực dưới thác nước Iguazu bằng tàu thuyền.
rung-tham-song-dai-iguazu4
Họng Quỷ Sứ
Cách Iguazu khoảng 20 cây số có một điểm đến cũng nổi tiếng không kém: Nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới Itaipu. Itaipu được xây dựng từ năm 1975 đến năm 1991 trên con sông Paranavà là biểu tượng cho sự liên kết xây dựng của hai nước Brazil và Paraguay.
Để xây dựng đập nước dài 8km - cao 225m này, người ta đã dùng hết lượng bêtông đủ để xây một thành phố quy mô 4 triệu dân. Nếu ở Iguazu chúng tôi được chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của thiên nhiên thì ở Itaipu, ai nấy lại một lần nữa phải trầm trồ vì sự vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của một công trình xây dựng.
Xe bus hai tầng đưa cả đoàn qua hầm, lên hồ chứa rồi đến tận đỉnh đập để có cái nhìn toàn cảnh xung quanh.
rung-tham-song-dai-iguazu5
Đập thủy điện Itaipu
Việc xây dựng đập nước đã đồng thời tạo ra một hồ chứa nước rộng 1.350km2 và đổi dòng chảy của sông Parana. Dù một phần cảnh quan tự nhiên đã bị biến đổi nhưng vẻ đẹp vùng biên giới vẫn còn thật quyến rũ.
Ngày nay, Itaipu vẫn thuộc sở hữu chung của cả Brazil và Paraguay trên khuôn khổ một hiệp định được ký kết giữa hai chính phủ vào những năm 1960.
rung-tham-song-dai-iguazu6
Chim rừng

rung-tham-song-dai-iguazu7
Sóc ở Iguazu không sợ người
Kết thúc buổi tham quan, anh hướng dẫn viên cho biết ai thích mua sắm thì có thể sang khu shopping với hơn mười ngàn cửa hàng ở thành phố biên giới Ciudad del Este của Paraguay. Thì ra đi Iguazu ngắm cảnh và mua sắm ở Paraguay là chương trình thư giãn cuối tuần quen thuộc của nhiều người người dân vùng phía Nam Brazil.
Theo cây cầu quốc tế La Amistad vượt qua sông Parana, du khách dễ dàng đi từ thành phố Foz do Iguazu của Brazil sang Paraguay. Còn muốn sang thành phố Puerto Iguazu của Argentina, du khách cứ nhắm cầu quốc tế Tancredo Neves thẳng tiến. Chẳng trách vùng ngã ba biên giới này mới nhộn nhịp làm sao!
Minh Hào - Theo DNSGCT - Ngày 31/07/2013

>> Đến Mỹ cần biết 10 quán cà phê ấn tượng nhất
>> Du lịch Mỹ - Câu hỏi thường gặp
>> Chương trình tour Mỹ tham khảo

Du lịch Mỹ - Baltimore, thành phố lớn nhất bang Maryland của nước Mỹ được thành lập từ năm 1729, mang một bề dày lịch sử mà cư dân luôn tự hào.
Trong cuộc chiến 1812, người Anh gán cho Maryland cái tên Ổ hải tặc sau khi Maryland bắt tay với một số thành phố khác thỏa thuận không xuất cũng không nhập bất kỳ thứ hàng hóa nào từ nước Anh. Đến 1827, trong chuyến thăm Baltimore, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là John Quincy Adams đã gọi nơi này là Thành phố tượng đài. Ấy là vì hàng loạt nhà thờ và tượng đài cao vút mọc khắp nơi. Nickname đó tồn tại tới tận ngày nay và bất kỳ du khách nào đến Baltimore đều vài lần chạm trán đủ các tượng đài trên đường phố.
tham-thanh-pho-tuong-dai
Ảnh: Shutterstock
Ngày nay, Baltimore trở thành một trung tâm khoa học kỹ thuật quan trọng ở nước Mỹ, tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho dân trí thức. Bệnh viện Johns Hopkins và Trường đại học Johns Hopkins là niềm tự hào của người dân Baltimore. Dân cư phát triển như vũ bão, thành phố được chia thành hàng trăm khu vực khác nhau, Baltimore mang thêm một nickname mới: Thành phố của những người hàng xóm. Tất cả những điều đó không làm cho Baltimore khô cứng, lộn xộn mà đó vẫn là Thành phố duyên dáng - một nickname khác của Baltimore.
Bề dày lịch sử và sức hút mãnh liệt của Baltimore khiến nó trở thành một điểm du lịch sôi động ở khu vực Bờ Đông của nước Mỹ.
Đoan Nhật - Theo Thanh Niên - Ngày 31/07/2013

>> Cầu Cổng vàng: Khúc bi tráng của đam mê và lòng dũng cảm
>> Du lịch Mỹ - Các kiểu sale mùa hè ở Mỹ
>> Chương trình tour Mỹ tham khảo

Du lịch Mỹ - Golden Gate Bridge - cầu Cổng Vàng nối liền thành phố San Francisco và hạt Marin là cây cầu được chụp hình nhiều nhất, cũng là cây cầu treo dài nhất vào thời điểm khánh thành, cầu nổi tiếng nhất ở Bắc Mỹ... Và còn nhiều cái nhất nữa chờ đón du khách khi lần đầu tiên đến đây.

Có hai cách phổ biến nhất để chiêm ngưỡng Golden Gate Bridge - còn gọi là Kim Môn kiều: một là lên tàu ra vịnh San Francisco tại khu bến cảng số 42 (Pier 42) với rất nhiều các hãng kinh doanh dịch vụ này như Red and White Fleet, San Francisco Ferry Bay, Angel Island...; hai là lái xe hoặc đi xe đạp đến khu Crissy Field hay Golden Gate Bridge Pavilion nơi ghi lại lịch sử hình thành của cây cầu, du khách chắc chắn sẽ có những góc ảnh rất đẹp.
cay-cau-cua-nhung-xuc-cam
Cầu Cổng Vàng - Ảnh: Shutterstock
Con tàu từ từ rời bến bỏ lại thành phố San Francisco thanh bình phía sau lưng. Những công trình tiêu biểu như tòa nhà Transamerica Pyramid có hình kim tự tháp, Coit Tower tháp canh cổ, khu tài chính San Francisco... nổi bật bởi chiều cao và hình dáng. Những chiếc thuyền buồm đua nhau lướt nhanh theo làn gió mạnh thổi từ ngoài vịnh vào, chỉ kịp nhìn thoáng qua các vận động viên vẫy tay chào.
Dù là buổi nào trong ngày, làn sương cũng ôm trọn cây cầu vào lòng. Con tàu chậm rãi tiến về phía trước trong khoảng cách nhìn chỉ hơn 10m. Sương mù được hình thành khi không khí ẩm từ đại dương tràn vào bị làm lạnh bởi mặt nước có nhiệt độ thấp dọc theo bờ biển của bang California. Hơi nước đọng lại thành những hạt nhỏ li ti làm hạn chế tầm nhìn của tàu bè, bởi vậy cầu Cổng Vàng có một hệ thống còi phát thanh báo hiệu mỗi khi có sương mù với tần suất 18s/lần.
cay-cau-cua-nhung-xuc-cam1
Ảnh: Nam Trần
Dưới mặt cầu, gió se lạnh, tiếng xe cộ qua lại bên trên, màu cam nhạt vì lớp sương, bầu trời xanh ngắt... tất cả hòa quyện trong dạt dào cảm xúc của du khách. Về gần đến bờ, nhìn lại một lần nữa, người ta tưởng như cây cầu đang lơ lửng trên không vì sương đã bủa kín hay phần chân chỉ chừa lại những dây văng như dây đàn chăng lên bầu trời.
Chiều mùa hè, khi những ánh nắng cuối cùng đang xuống là lúc lý tưởng để chạm bước khu đồi Golden Gate Pavilion nhìn xéo ra cầu Cổng Vàng. Từ đây lịch sử và những nét đặc biệt của Kim Môn kiều được thể hiện trên các tấm bảng và mô hình thu nhỏ với kích cỡ 1:500. Cây cầu với khả năng chịu đựng sức gió cao cùng động đất với lợi thế dây văng treo là tác phẩm kỳ diệu của các kỹ sư và kiến trúc sư.
Bức tượng Joseph Strauss vừa được dựng lên vào ngày 12.5.2012 nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày cây cầu khánh thành. Ông chính là cha đẻ đầu tiên của cầu Cổng Vàng và chung tay cùng nhiều kỹ sư khác biến những điều không thể thành có thể bằng công nghệ của những năm 1930. Khe nứt dưới mặt nước nối liền Thái Bình Dương và vịnh San Francisco đã tạo nên những dòng thủy triều lên xuống mạnh mẽ, gió cường độ cao, sương mù và không khí đầy muối chỉ là những thử thách ban đầu khi cầu được xây dựng.
cay-cau-cua-nhung-xuc-cam2
Đoàn khách Du lịch Hoàn Mỹ tại Cầu Cổng Vàng, San Francisco, Mỹ
Hơn 35 triệu USD đã được duyệt để làm ngân sách xây dựng, khá nhiều bản thiết kế và thử nghiệm về tải trọng đã được sàng lọc trước khi có cây cầu nguyên bản như ngày nay với chiều dài 2,7 km, chiều cao 227 m, nhịp chính 1.280 m. Những thợ lặn đã phải làm việc trong bộ áo giáp ở độ sâu 100 m và hít thở qua ống thông hơi dài nối xuống bên dưới bởi tàu lặn hỗ trợ khi đó chưa phát triển. Mực nước thay đổi liên tục 4 lần trong ngày và nhiệt độ xuống cực thấp cũng là những gian khó họ phải vượt qua bằng ý chí khi những mũi khoan thăm dò đầu tiên cho việc dựng nên trụ tháp phía nam. Để đúc được phần móng chân trụ cầu, người ta đã phải đào một "bồn tắm khổng lồ" (theo cách gọi của các kỹ sư) và bơm ra khoảng 35,6 triệu lít nước cho công nhân có thể làm các kết cấu sắt thép bên trong rồi đổ bê tông vào. 40.000 tấn thép cho mỗi trụ đã được đúc ở Pennsylvania và chuyển sang bờ Tây nước Mỹ qua kênh đào Panama.
Khi được hỏi cầu Cổng Vàng có thể tồn tại đến khi nào, Strauss nói "Mãi mãi - Forever". Đã qua hơn 7 thập niên, cây cầu huyền thoại đã được trùng tu, nâng cấp nhiều lần để ngày càng trở nên đẹp và an toàn hơn. Cây cầu nay trở thành một biểu tượng quốc tế, biểu tượng của San Francisco và nước Mỹ. Suốt quá trình hình thành Golden Gate Bridge là một câu chuyện phấn đấu không ngừng nghỉ của con người trước thiên nhiên để tạo nên một trong nhiều kỳ quan giàu cảm xúc.
Nam Trần - Theo Thanh Niên - Ngày 30/07/2013

>> Du lịch Mỹ - Một góc ẩm thực Việt ở Mỹ
>> Du lịch Mỹ - Ghi nhớ 5 quy định chung về thủ tục visa Mỹ
>> Chương trình tour Mỹ tham khảo

Du lịch Mỹ - Trước khi lên đường đi Mỹ, tôi nhận được lời khuyên nhớ canh mua hàng sale (giảm giá) rẻ lắm. Vốn không phải tín đồ mua sắm, tôi phớt lờ lời khuyên này. Nhưng sau một tháng đến Mỹ, ví tiền đã cạn, nhìn lại mớ hàng lỉnh kỉnh đã mua đang lo không biết làm sao mang về Việt Nam. Ấy vậy mà tôi cũng bị "thuốc" bởi đủ cách bán hàng sale ở Mỹ.
cac-kieu-sale-mua-he-o-my
Trên cửa kính ở các cửa hàng tại những khu vực chuyên bán hàng sale ở Mỹ giăng đầy thông tin hàng giảm giá.
Sale từ shop...
Đến Mỹ đúng vào dịp Summer sale (giảm giá mùa hè), và July-fourth (4.7 - ngày lễ Quốc khánh Mỹ), đi đâu cũng thấy các cửa kính chói loà: "On sale 50 - 70%" hoặc "all sale 50%", từ mall (phố mua sắm lớn) đến outlet (các khu tập trung bán hàng hiệu giảm giá). Mua hai tặng một, mua cái thứ nhất thì được giảm giá 50% cái thứ hai, mua bốn tính tiền ba... rất quen thuộc với người tiêu dùng Mỹ. Thỉnh thoảng lại thấy các anh chàng cầm bảng quảng cáo "50% - 60% off... đủ loại" nhảy múa tưng bừng ngoài các cửa hàng chào mời khách trong cái nắng oi ả.
Mùa hè, 7, 8 giờ tối trời vẫn sáng trưng, nên không chờ đến cuối tuần các mall (phố mua bán lớn) mới đông, mà sau giờ làm việc ngày thường đã thấy chỗ nào cũng hàng dãy người xếp hàng trước các cửa hàng. Mỗi mall rộng khoảng vài chục hecta, với cả trăm cửa hàng đủ mọi thương hiệu nổi tiếng, đi trễ khó mà tìm được chỗ đậu xe, vì vậy mỗi lần đi mall là mất cả ngày mới đã. Bước vào mall thì mát rượi, mùi thơm thoang thoảng, tiếng nhạc du dương trầm bổng làm người ta quên đi nắng nóng, ai cũng náo nức tìm mua. Tuy vậy, các cửa hàng chính hiệu dù đã sale rồi nhưng một cái quần jean Levis cũng còn 50 - 70 USD là bình thường, túi xách Coach xoàng xoàng cũng phải trên 100 USD. Người quen sống lâu ở Mỹ mách bảo, muốn mua được hàng hiệu vừa túi tiền thì phải vào các shop của T-J -Maxx, Marshall, hay Ross - ba hệ thống cửa hàng chuyên bán đủ loại hàng hiệu tồn kho giá rất rẻ. Những nơi này, một túi xách Tommy chỉ khoảng 29 USD, đôi giày Puma 25 USD, áo thun Adidas từ 7 - 15 USD. Không chỉ quần áo, giày dép nơi đây còn bán đủ các mặt hàng từ mỹ phẩm, đồ chơi, đồ nhà bếp... rẻ thấy ham, thích nhất là bảo đảm đúng hàng hiệu. Mua xong được đổi, trả thoải mái... Mà bạn cũng đừng tưởng những nơi này kém sang trọng, cũng lộng lẫy, sáng loà, phục vụ chu đáo như bất kỳ tiệm hàng hiệu chính gốc nào. Thích nhất là tha hồ lựa chọn, tha hồ thử quần áo chẳng ai phàn nàn, lúc nào các nhân viên bán hàng cũng tươi cười, tận tình phục vụ. Khi tôi xách mấy cái túi ra quầy tính tiền cũng là lúc sắp đến giờ đóng cửa. Cô nhân viên thoăn thoắt scan giá hàng và trừ đi 65% giảm giá, tuy vậy hoá đơn cũng lên đến hơn 300 USD, ngoài dự toán của tôi... Tôi nói, "Xin lỗi, tôi không đủ tiền, để tôi bỏ lại vài món".
Dù đã gần giờ về, cô bán hàng vẫn vui vẻ: "Mời bà, cứ tự nhiên". Bỏ ra vài món thì số tiền phải trả tính cả thuế tròm trèm 200USD. Bước ra khỏi tiệm lúc này tôi mới cảm thấy mệt mỏi và hoa mắt suýt chút nữa thì đâm sầm vào cửa kính trong suốt trước mặt. Đây là lần đầu tiên tôi vào Ross ở thành phố Dallas, Texas. Sau này được vài lần đến Marshall tôi đã tự tin và thành thạo hơn, không cần thử, chỉ chọn mang về... không thích thì lại trả, thậm chí nếu thấy lần sau giá sale nhiều hơn mang đến đổi cũng được. Kiểu bán hàng như vậy thì làm sao mà kềm lòng cho đặng!
... Đến garage
Nhà ở Mỹ, đa phần đều có garage thường thì đủ chỗ cho hai chiếc xe hơi, rộng hơn thì được ba bốn chiếc. Và nhiều nhà cứ để xe ngoài đường, tận dụng garage làm kho chứa đồ. Ở lâu mới biết, cái thú đi mua hàng sale không chỉ riêng có ở khách du lịch mà đa phần người Việt nào ở Mỹ cũng thích mua hàng sale. Cuối tuần đi siêu thị hay shopping thấy hàng sale là mua, nhiều khi chưa dùng đến cứ chất chồng, chất đống trong tủ lạnh, garage...
cac-kieu-sale-mua-he-o-my1
Không ai biết được vòng đời của mấy món hàng bán ở đây đã được sale bao nhiêu lần, qua bao nhiêu chủ. Chỉ thấy ưng ý, là lạ là mua. Ảnh chụp tại một cửa hàng bán đồ sale ở Chicago.
Cô bạn tôi qua Mỹ gần mười năm, cho biết cái thú mua sắm quần áo trong mall của cô chưa bao giờ vơi, quần áo trong tủ không hề trống, treo chật đến nỗi có những món không hề nhớ, đã mua lúc nào. Khi tủ hết chỗ chứa, garage quá bề bộn thì cả nhà xúm vô dọn mở cửa garage bán sale. Cuối tuần đi trên đường thường thấy có bảng đề "Garage Sale", kèm mũi tên chỉ dẫn vào tận từng nhà. Vào đây mua hàng thật thú vị, hàng gì cũng có bán rẻ rề. Món nhỏ nhỏ 50 cent, 1 USD, nhiều lắm thì vài USD/món. Một cái áo sơmi còn mới nguyên, giá 49 USD, sale còn 16 USD; nhưng bán ở garage sale chỉ có 1 USD có lẻ vì nó đã bị chủ nhà bỏ quên lâu quá, lỗi thời. Bạn tôi kể, thích nhất là mua được những bức tranh đẹp, hay đồ trang trí nhà cửa "made in Italy" hay Japan hẳn hoi, giá chỉ vài USD. Cô bạn chẳng giấu giếm gì khi cho biết lúc mới qua Mỹ, 90% đồ dùng trong nhà của cô là hàng mua từ garage sale. Bây giờ khá giả hơn, sắm đồ mới, cô lại dọn ra garage sale... Bởi vậy không ai biết được vòng đời của mấy món hàng bán ở đây đã được sale bao nhiêu lần, qua bao nhiêu chủ...; chỉ thấy, ưng ý, là lạ là mua.
Hai ngày cuối tuần cả nhà bán được chừng trăm USD là nhiều, dưới cái nóng hầm hập của garage, nên nhà giàu thường không chọn cách sale hàng kiểu này mà dọn ra đường cho không các tổ chức từ thiện. Các cơ quan này, gom hàng về làm vệ sinh rồi lại tập kết hàng vào các cửa hàng "Good Will". Những nơi này bán rẻ như cho, chịu khó sưu tầm cũng được những món hàng thật đã, tôi mua được một bộ nồi Vision ba cái mới nguyên ở một Good Will tại San Diego chỉ 3 USD, một bộ dao 12 món chỉ có 2 USD... Các tổ chức này thường gửi thư đến từng nhà, thông báo rõ lịch hàng tuần, hàng tháng họ sẽ đi gom hàng để chủ nhà chuẩn bị.
Một dạng sale khác cũng rất phổ biến ở Mỹ là "moving sale", bán sale tất cả đồ dùng trong nhà. Thường khi nhà bị nhà băng kéo (ngân hàng thu hồi khi chủ nhà chậm trả tiền góp nhà quá ba tháng), hoặc phải dời nhà đi nơi khác... Dù rất thèm muốn nhiều bộ bàn ghế, tủ giường nơi đây tôi cũng đành chào thua. Ngoài ra estate sale, cũng tương tự moving sale, nhưng chỉ khác là chủ nhân không di chuyển mà lìa xa cõi đời.
Với đủ kiểu sale như trên, thì dù giàu hay nghèo ai cũng có cơ hội mua sắm, ai cũng được khuyến khích mua sắm... Mua sắm càng nhiều thì kinh tế càng phát triển, đó là mong muốn không chỉ của người dân mà Chính phủ Mỹ đang tìm mọi cách cổ vũ để phục hồi nền kinh tế. Cũng vì thế mà kỹ nghệ sale của Mỹ không muốn bỏ sót một khách hàng nào. Tôi bị "thuốc" cũng phải thôi!
Nhật Hân - Theo SGTT - Ngày 30/07/2013

>> Du lịch Canada - Đi giữa thu vàng
>> Nhận xét của khách hàng về tour Canada của Hoàn Mỹ
>> Chương trình tour Canada tham khảo


Du lịch Canada - Hành trình khám phá đất nước Canada của bạn cùng với Công ty Du lịch Hoàn Mỹ sẽ khởi đầu từ thành phố Vancouver ở bang British Columbia, tức ở Bờ Tây của Canada, và sẽ kết thúc 11 ngày sau đó, sau khi bạn đã thăm Montréal, Québec, Ottawa, Toronto.
dao-mat-tren-vuc-sau-out-1
Ngày đầu tiên, bạn sẽ thăm những địa danh nổi tiếng của thành phố mang danh "Hòn ngọc Thái Bình Dương" này, đó là: Canada Place, Stanley Park, Gastown, China Town, Vườn hoa Queen Elizabeth Park... Và rồi có cuộc trải nghiệm nhớ đời khi vào tham quan Công viên Cầu treo Capilano. Hàng triệu triệu du khách Canada và quốc tế đã kinh qua trải nghiệm ấy, tuy có thử thách nhưng cực kỳ thú vị thì tại sao bạn không can đảm làm thử?
dao-mat-tren-vuc-sau-in
Đó là đi bộ trên cây cầu treo Capilano dài 140m bắc ngang con sông Capilano. Điều đặc biệt là cây cầu này được treo lơ lửng cách lòng sông đến 70m, chung quanh là rừng thông xanh rì, cao vút, có tuổi đời 200 - 300 năm. Bạn tưởng như mình đang đi giữa không trung, hòa mình vào thiên nhiên, hoàn toàn tĩnh lặng và rất mát mẻ. Cầu treo Capilano là một địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất của thành phố Vancouver, chỉ cách trung tâm thị tứ náo nhiệt vài mươi phút đi xe và cũng là một trong những cây cầu treo lâu đời nhất. Đi bộ trên Capilano Suspension Bridge xếp hạng 10 trong danh sách "10 việc phải làm khi du lịch Vancouver".
cau-treo-capilano7
Cách đây 124 năm, ông George Grant Mackay, một kỹ sư người Scotland, đảm nhận vai trò quản thủ công viên thiên nhiên ở Vancouver, là người xây dựng nên cầu treo này. Buổi ban đầu, nó chỉ là cây cầu đơn giản, làm bằng dây thừng to cột chặt vào những tấm ván gỗ dày. Năm 1903, cầu đã được nâng cấp lên thành cầu dây cáp treo. Sau đó, nó trải qua nhiều đời chủ khác nhau, được trang trí thêm với những cột gỗ theo kiểu thức tôn giáo của thổ dân da đỏ địa phương First Nations. Năm 1956, cầu treo được làm mới hoàn toàn.
dao-mat-tren-vuc-sau-kh
Hình ảnh khách hàng của DL Hoàn Mỹ tại cầu treo Capilano
Với những người thích cảm giác mạnh, cần thử thêm chuyến đi bộ trên cao 30m, giữa những ngọn cây được nối kết bởi 7 cây cầu treo khác. Hệ thống Treetops Adventure này còn khá mới (hình thành năm 2004), rất an toàn, giúp bạn có cảm giác mình là người hùng phiêu lưu mạo hiểm Indiana Jones!
Huy Văn - Theo DNSG - Ngày 28/07/2013

>> Du lịch Mỹ - Những điều luật lạ lùng ở Mỹ
>> Du lịch Mỹ - Làm "thượng đế" ở Mỹ
>> Mua sắm tại Mỹ - Nhộn nhịp hàng second - hand ở Mỹ

Chuyện nước Mỹ - Một chuyện tình đầy đau đớn nhưng đẹp như huyền thoại đang khiến con tim nhiều người đọc trên thế giới rưng rưng: trước khi bị một tay bắn tỉa Nhật hạ gục trong trận chiến Thái Bình Dương năm 1944, người lính thuỷ đánh bộ Mỹ Thomas "Cotton" Jones có một nguyện vọng sau cùng, với bất cứ ai nhặt được cuốn nhật ký của anh: "Làm ơn chuyển nó cho Laura Mae Davis, người con gái tôi yêu". Nhưng, Laura Mae Davis không có cơ hội đọc cuốn nhật ký đó, mãi đến khi bà nhìn thấy cuốn sổ được trưng bày trong bảo tàng khi bà đã 90 tuổi.
ky-vat-tinh-yeu-that-lac-70-nam2
Lính thuỷ đánh bộ Thomas "Cotton" Jones, tác giả quyển nhật ký.
"Tôi không hề biết rằng có một cuốn nhật ký ở đây", bà Laura nghẹn ngào kể về kỷ vật mà lẽ ra đã thuộc về bà bảy thập kỷ qua. Ngày 24.4 vừa rồi, bà Laura đến bảo tàng Chiến tranh thế giới thứ hai tại New Orleans và bất ngờ phát hiện cuốn nhật ký của người yêu đầu tiên thời trung học - thuỷ quân lục chiến Thomas "Cotton" Jones. "Tôi nhận ra khi thấy tấm hình của Jones cùng đồng đội và những dòng chữ Jones mô tả về nơi hoạt động", bà kể. Đó chính là cuốn sổ bà tặng ông trước khi tham chiến. Cuốn nhật ký có bìa màu đen và được dán tấm hình thời con gái của Laura với chữ ký tặng: "Yêu thương, Laura". Mặc dù hình đen trắng, nhưng người chụp đã cố tạo nên màu đỏ cho đôi môi và màu hồng cho gò má người mình yêu. Cuốn nhật ký là món quà Jones dành tặng Laura.
Jones bắt đầu viết trang nhật ký đầu tiên tại trại Elliott ở San Diego, gần một năm trước khi ông hy sinh. Ông mô tả cuốn nhật ký là "lịch sử cuộc đời tôi về những ngày tôi tham gia lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ. Và tất cả tình yêu tôi dành cho Laura Mae, người con gái ngự trị trong trái tim tôi. Vì thế nếu bạn có cơ hội, hãy trao cuốn nhật ký lại cho cô ấy. Tôi viết những dòng chữ này như mong muốn cuối cùng của cuộc đời tôi". Trang cuối cùng Jones viết đề ngày 1.12.1943 trên chiến hạm USS Maui. Ông mô tả đã dành dụm được số tiền 320 USD và nếu trở về "Laura Mae và tôi sẽ có một mùa Giáng sinh tuyệt vời".
ky-vat-tinh-yeu-that-lac-70-nam
Bà Laura Mae Davis và bức chân dung thời trung học tìm thấy trong quyển nhật ký dành riêng cho mình từ 70 năm trước.

Nhưng ngày đó không bao giờ đến.
Một viên đạn bắn tỉa vào giữa trán người lính 22 tuổi cướp đi mạng sống của ông ngày 17.9.1944. Đây là ngày thứ ba quân đội Mỹ tấn công đảo Peleliu, Palau, thuộc Thái Bình Dương. Ông là một trong số hơn 1.700 lính Mỹ thiệt mạng tại đảo Peleliu và các đảo lân cận trong hai tháng quân đội Mỹ tấn công khu vực này, trận chiến mà họ dự đoán chỉ kéo dài vài ngày. Laura nói bà đã rất xúc động khi Jones viết về những lần nhận thư từ cha mẹ và từ Laura. Jones và bà gặp nhau tại khoá học năm 1941 ở trường trung học Winslow. "Ông ấy là cầu thủ bóng rổ còn tôi là cổ động viên". Trong thời gian hẹn hò ở trường trung học, hai người chưa từng đính hôn. Jones từng tặng bà chiếc nhẫn học trò và hai người đã dự tiệc cuối khoá cùng nhau. Rồi chiến tranh, mất mát ập đến.
ky-vat-tinh-yeu-that-lac-70-nam1
Bìa cuốn nhật ký thất lạc 70 năm qua.
Bà Laura không biết tại sao cuốn nhật ký lại không đến tay bà. Bà đoán có lẽ cuốn sổ đã được giao về cho một người chị của Jones, người không biết nhiều đến Laura. Năm 2001, người cháu của Jones, ông Robert Hunt of Evansville, đã tặng cuốn nhật ký của Jones cho bảo tàng. Ông cho biết, nhiều năm sau khi Jones qua đời ông mới thấy cuốn nhật ký nhưng không chuyển cho bà Laura vì lo ảnh hưởng đến hôn nhân của bà. "Chuyện đó chắc chắn không thể xảy ra. Chồng tôi và Tommy (Thomas) là bạn thân", bà nói. Laura kết hôn với một người lính thuộc không lực Hoa Kỳ vào năm 1945. Khi bà biết Hunt tìm kiếm các kỷ vật của Jones cho bảo tàng, bà đã đưa cho Hunt những tấm hình và cả chiếc nhẫn thời học trò bà giữ 70 năm qua.
Giám tuyển bảo tàng Eric Rivet đồng ý để bà xem cuốn sổ, với đôi găng tay trắng để bảo vệ những trang giấy. Ông cho hay, đây là lần đầu tiên trong 17 năm làm công việc ở bảo tàng, ông tận mắt nhìn thấy một nhân chứng sống được nhắc tới trong vật phẩm trưng bày tại đây. Ông đã scan cuốn nhật ký và gửi cho bà một bản copy làm kỷ niệm.
Kim Dung - Theo AP - Ngày 15/07/2013