Đứng trên cao chót vót của South Rim (tạm dịch là vành địa phía Nam) của Grand Canyon nhìn xuống, sẽ thấy toàn cảnh thung lũng, sườn núi đá, đồng cỏ, dòng sông…rất hùng vĩ nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều mối nguy hiểm chết người. Bạn sẽ thắc mắc tự hỏi những người Mỹ di dân đi khai hoang năm xửa năm xưa trên những cổ xe ngựa, lừa kéo đã phải nhọc nhằn đến chừng nào để leo đèo, vựơt suối mà băng qua đây trong hành trình tiến về miền Tây hứa hẹn là vùng đất của mật ngọt, của hy vọng về cuộc sống mới tốt đẹp.

Rồi bạn cũng không khỏi thắc mắc dòng sông Colorado và các cơn gió đã đóng vai trò đẽo đục “chậm mà chắc” đến chừng nào (6 triệu năm) để tạo ra một thung lũng đá có vẻ đẹp cuốn hút cực mạnh với chiều dài 446km và chiều ngang có chỗ chỉ rộng 47km, nhưng có chỗ lại rộng đến 29km. Và chắc chắn bạn cũng sẽ không hiểu bằng cách nào mà các bộ lạc thổ dân da đỏ đã có thể sinh tồn qua nhiều thế kỷ trong khu hoang dã rộng lớn này.

Ngày nay, Grand Canyon mỗi năm thu hút khoảng 4.5 triệu du khách Mỹ và quốc tế, và Grand canyon National Park, công viên quốc gia thứ 17 của liên bang Mỹ thì vừa mới mừng sinh nhật 90 vào gần cuối tháng 2/2009. Đánh dấu cột mốc thời gian này là lễ khánh thành Trung tâm Hướng dẫn du khách (Verkamp’s Visitor Center). Trung tâm này đặt theo tên gia đình đã kinh doanh cửa hàng bán đồ lưu niệm tại đây trong hơn 100 năm qua (lúc đầu, cửa hàng của ông John George Verkamp chỉ là một túp lều) và rồi đã phải đóng cửa hồi tháng 9/2008.

Trên sàn gỗ của phòng chính của Trung tâm có khắc ghi cột mốc thời gian của Grand Canyon. Khởi đầu năm 1872 khi nó được khám phá bởi những người khẩn hoang tìm vàng. Năm 1903, khi đến đây tham quan, tổng thống Theodore Roosevelt đã quyết định chọn Grand Canyon làm khu bảo tồn thú hoang.

Năm năm sau, ông lại chỉ định Grand Canyon là một tựơng đài thiên nhiên của Mỹ, tức 4 nắm trước khi Arizona chính thức trờ thành một tiểu bang. Và đến ngày 26/2/1919, Grand Canyon đựơc công nhận là Công viên quốc gia. Năm ấy nó mới chỉ thu hút đựơc 44.000 khách tham quan. Nhưng theo dòng thời gian, qua những tấm bưu thiếp, sách thám hiểm, phim tài liệu, phim truyện và những câu chuyện kể, địa danh này đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong đó có cả ông hoàng, bà chúa, nhà lãnh đạo, chính khách, ngôi sao điện ảnh, ca nhạc…..

Cùng trạng thái ngẩn ngơ như chúng tôi trước cảnh quan tuyệt đẹp của Grand canyon,một chàng trai Nhật tâm sự :” Tôi làm việc ở Los Angeles, hết nhiệm kỳ, đến lúc phải thu xếp về nước nên cố thu xếp đến đây chiêm ngắm một lần để sau này khi bận bịu gia đình thì không phải tiếc vì đã có thời gian sống và làm việc trên đất Mỹ mà không hề biết Grand Canyon là gì”. Bản thân tôi đến đây cũng chỉ vì như anh ta.

Loạt bài Bưu thiếp từ Mỹ do báo DNSG và Công ty Du lịch Hoàn Mỹ phối hợp thực hiện

Những ai đã du lịch Washington D.C vào đúng dịp đầu xuân – thường là cuối tháng 3, đầu tháng 4- chắc hẳn hiểu rõ tâm trạng háo hức, hân hoan của cư dân thủ đô Mỹ khi rủ nhau đi ngắm hàng triệu chùm hoa anh đào trắng và hồng nở rộ trên 3.800 cây cao dọc theo hai bờ sông Potomac, quanh Tidal Basin trong quần thể kiến trúc gọi là The Mall.

Liên hoan quốc gia hoa anh đào năm 2009 khai mạc ngày 28/3 trong bảo tàng National Building Museum và kéo dài với nhiều tiết mục hứa hẹn thu hút nhiều khách nhất là thăm trà quán nổi trên sông Potomac và tự tay cất giấy tạo hình theo nghệ thuật Nhật kirigami.

Ngoài ra, vào ngày khai mạc liên hoan còn có chương trình biểu diễn nhạc enka của jerome White J.r., một công dân Mỹ gốc Nhật sống tại Pittsburg, nổi tiếng tới tận xứ phù tang với tên gọi Jero. White “Jero” 27 tuổi, định nghĩa nhạc enka là “nhạc blues Nhật”.

Rồi còn có cuộc thi trổ tài làm các món shushi với sự tham gia của những đầu bếp trứ danh toàn vùng Washington và Maryland. Cuộc thi “Shushi Masters” này do Ủy ban gạo ở California tổ chức. người thắng cuộc sẽ được cử tham dự vòng chung kết Shushi Masters diễn ra trong mùa thu 2009.

Nếu ngại đám đông bu quanh Tidal Basin, du khách có thể ngắm 2.000 gốc anh đào trổ sắc trong không gian rộng lớn của vườn bách thảo National Arboretum.

Liên hoan quốc gia hoa anh đào kỷ niệm một sự kiện quan trọng trong lịch sử bang giao Mỹ - Nhật. Ngày 27/3/1912, thị trưởng Tokyo Yukio Ozaki gửi tặng nước Mỹ những cây anh đào làm bằng chứng cho tình hữu nghị “nở rộ” giữa hai quốc gia. Đích thân Đệ nhất phu nhân Mỹ Helen Herron Taft đã cùng bà Vida, vợ vị đại sứ Nhật, trồng hai gốc anh đào ở bờ phía Bắc của Tidal Basin trong công viên West Potomac.

Năm 1915, chính quyền Washington đã biếu nhân dân xứ phù tang những gốc cây dogwood nở hoa. Năm 1927, một nhóm học sinh Mỹ tái diễn cảnh trồng cây anh đào Nhật ở thủ đô Mỹ và đến năm 1935 thì Liên hoan quốc gia hoa anh đào chính thức ra đời.

Cho nên nay mới có chuyện mỗi năm, trong hai đầu tuần mùa xuân, có cả triệu người Mỹ thưởng thức “hanami” truyền thống của người Nhật. “Hanami” có nghĩa là ngắm hoa, mà ở đây chủ yếu là “sakura”, tức hoa anh đào nở rộ khắp đất nước Nhật trong thời gian từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5. có lẽ nhờ có lễ hội hoa anh đào cuốn hút hàng triệu khách mà The Mall và quần thể các di tích, bảo tàng quanh đó đã được xếp hạng 3 trong top 25 địa danh ở Mỹ thu hút đông du khách nhất trong năm 2008, với hơn 25 triệu lựơt du khách.

Loạt bài Bưu thiếp từ Mỹ do báo DNSG và Công ty Du lịch Hòan Mỹ phối hợp thực hiện.

Năm 2009 chúng ta mừng con trâu – hy vọng là trâu vàng – nhưng vẫn không thể quên vỗ về, vuốt ve và chụp ảnh kỷ niệm với con bò. Bò nào? Xin thưa, đó là tượng con bò to lớn dựng ở ven lề đường dẫn vào công viên Bowling Green, rất gần Phố Wall nên còn gọi là Con bò phố Wall.

Còn bò này là tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Arturo Di Modica, bằng đồng, cân nặng đến 7.000 pound, tức khoảng 3.200kg. Nghệ nhân đã chi tiêu hết khoảng 360.000 USD để tạo ra con bò hùng dũng làm biểu tượng cho sức mạnh của người Mỹ trong việc làm kinh tế sau vụ thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ năm 1987 (bạn còn nhớ phim Phố Wall với diễn xuất tuyệt độc của Michael Douglas trong vai Gekko, một tay môi giới chứng khoáng cực kỳ nham hiểm chứ?). Con bò này đã xuất hiện trên nhiều vỉa hè của thành phố New York nhưng rồi đã trụ vững bên hông công viên Bowling Green từ ngày 15/12/1989. Đầu bò hướng về Broadway, được gọi là kinh đô kịch nghệ Mỹ.

Ông Di Modica mô tả con bò ở trạng thái sẵn sàng lao mạnh về phía trước, húc tung mọi rào cản để biểu trưng cho sự tăng tốc, phát triển cực mạnh của thị trường chứng khoán. Thời gian qua đi, tượng bò càng nổi tiếng hơn cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán New York. Không có du khách nào tham quan khu tài chính Phố Wall mà lại quên thăm bò, chụp ảnh kỷ niệm với bò.

Phần ông Di Modica thì đã có lúc cay cú phát đơn kiện nhiều công ty Mỹ đã hoạt động sinh lãi trái pháp luật bằng cách “mượn” tượng bò húccủa ông làm kiểu mẫu để sản xuất đồ chơi, làm biểu tượng để quảng bá trong các chiến dịch tiếp thị…Và cũng đã có lúc ông rao bán bò với điều kiện chủ sở hữu mới không được di chuyển bò ra khỏi nơi nó đã “sống” lâu nay.

Nhưng cho đến nay, và nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, chưa có ai muốn mua bò của ông. Đáng buồn là gần đây, các thị trường chứng khoán ở New York, London, Paris, Frankfurt, Tokyo, Seoul, Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore và ở cả Hà Nội và TP.HCM đều đang trong tình trạng lờ đờ như con gấu nặng nề, di chuyển thật chậm chạp, thậm chí không ngóc đầu lên được.

Trong tình hình kinh tế suy thoái trầm trọng, thị trừơng chứng khoán New York đã chờ vĩnh biệt thời hoàng kim. Và khi mà chỉ số Dow Jones đạt mức 10.000 điểm thì càng có nhiều nhà đầu tư cầu mong sẽ có một ngày không xa, thị trường chứng khoán New York tăng điểm ào ào, vũ bảo, hùng hổ trở lại….y như trong tượng con bò Phố Wall vậy.

Loạt bài Bưu thiếp từ Mỹ do báo DNSG cùng Công ty Du lịch Hoàn Mỹ phối hợp thực hiện

Từ lâu rồi, việc được thực hiện sở hữu căn nhà mình đang ở luôn là động lực thúc đẩy người Mỹ nỗ lực vươn lên. Nhưng bây giờ, chưa thanh toán hết tiền vay mượn để mua nhà có thể là nguồn mạnh dẫn đến “cơn ác mộng” đối với rất nhiều người Mỹ

Kinh tế vào thời downturn (suy thóai) dẫn đến việc nhiều công ty phải downsize (thu nhỏ phạm vi hoạt động, sa thải nhân viên) với hiệu quả là nhiều người Mỹ bị mất việc (tháng 2/2009 có thêm 650.000 người Mỹ không có việc làm, đạt mức kỷ lục sau 25 năm), không còn khả năng trả tiền hàng tháng cho ngân hàng đã cho họ vay mua nhà. Vì thế foreclosure (tịch thu tài sản để trừ nợ) nay là từ đáng sợ nhất trong cuộc sống hằng ngày của hơn chục triệu người Mỹ.

Năm qua đã có 2,3 triệu căn nhà rơi vào tình trạng foreclosure, nhiều gia đình đã bị trục xuất ra khỏi nhà do chưa thanh toán hết tiền vay thế chấp ngân hàng. Gần đây chính quyền của tân tổng thống Obama đang tìm cách giải cứu cho 9 triệu người thoát khỏi cái nhìn từ kih khủng này, nhưng còn vài triệu người Mỹ khác sẽ cực kỳ khó khăn vì họ nợ ngân hàng đến hơn 50% giá trị căn nhà.

Giá căn nhà giảm đáng kể tại bang California, nơi chiếm đến 34% tổng số vụ nhà ở rơi vào tình trạng foreclosure. Đây là một thực tế rất đáng sợ vì tòan bang California chỉ chiếm có 10% tổng số nhà ở mới được xây dựng trên toàn lãnh thổ Mỹ trong năm 2008. Và giá nhà sẽ còn tiếp tục xuống thấp vì theo một nghiên cứu của Đại học Virginia, bang Cali là nơi sẽ chiếm 66% tổng số nhà, đất ở nước Mỹ bị mất giá trị trong vài năm tới, kể đến là Florida, Nevada và Arizona (cộng chung là 21%).

Thị trường thế chấp nhà cửa ở Mỹ trị gía khoảng 10,5 ngàn tỷ USD, cũng ngày càng mất giá trị vì từ đỉnh cao hồi tháng 6/2007, giá nhà đã giảm hơn 30%. Và theo dự báo của Redar Logic, một công ty nghiên cứu việc kinh doanh nhà, đất ở 25 thị trường, giá nhà sẽ còn giảm thêm 16,5% trong năm 2009.

Có gần 52 triệu người Mỹ đã vay mượn ngân hàng để mua nhà, trong đó có gần 14 triệu người (chiếm gần 27%) mà số tiền họ vay bị “thổi” lên nhiều lần cao hơn giá trị thật của căn nhà. Một căn nhà được mua với giá 270.000 USD.

Trong tình hình khó khăn, ác mộng của người này lại có thể trở thành giấc mộng đẹp của người khác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi biết có nhiều du khách ở châu Á, Trung Đông rủ nhau sang Mỹ tìm mua nhà giá rẻ. Đó có thể là những căn nhà thuộc dạng foreclosure nên được đem bán đấu giá bởi tổ chức cho vay, nhưng cũng có thể là những căn nhà mới tinh chưa tìm được khách mua thì kinh tế rơi vào thời suy yếu nên các công ty phát triển địa ốc đành rao bán với giá rẻ.

Thư Trần

Loạt bài Bưu thiếp từ Mỹ được báo DNSG cùng công ty Du lịch Hòan Mỹ phối hợp thực hiện

Gần 30 năm sau ngày được nghệ sĩ Martin Glaser thiết kế, “I love New York” vẫn là logo du lịch…đáng yêu, dễ nhớ của bang New York và thành phố New York (từ cuối năm 2007, có thêm slogan “This is New York”). Và siêu đô thị này có nhiều lý do khiến du khách cứ mãi yêu nó, muốn có dịp trở lại sau mỗi lần thăm. Đúng là cuộc sống ở đây khá đắt đỏ nhưng chỉ cần chịu khó nghiên cứu một chút trước khi khởi hành khám phá thì bất cứ ai cũng có thể có được những ngày vui ở New York với chi phí khá nghiêm tốn).

Này nhé, một thẻ MetroCard cho phép bạn đi lại nhiều lần trên xe buýt và xe điện ngầm trong suốt một ngày chỉ có giá trị 2 đô la (vé giá trị 7 ngày giá 25 đôla). Đi dạo và ngắm cảnh trong công viên xanh mát, rộng lớn Central Park giữa lòng Mahattan thì chẳng tốn xu nào, trừ khi bạn muốn thả mình theo vòng đu quay thì phải mua vé 2 đôla , ngắm gấu trắng, chim cánh cụt trong sở thú thì vé vào cửa dành cho người lớn là 8 đôla, cho trẻ từ 3 đến 12 tuổi là 3 đôla.

Hãy rảo bộ đến đại lộ lừng danh Fifth Avenue ở gần nơi giao tiếp với 50th Street, bạn sẽ thấy lừng lững hiện ra phức hợp Rockefeller Center quen thuộc với các tòa nhà chọc trời, Chanel Gardens, tượng các vị thần Prometheus, Atlas. Một địa danh quen thuộc khác không thể bỏ qua – vì nó đã xuất hiện trong rất nhiều phim truyện – là nhà ga Grand Central Terminal ở 42nd Street và Park Evenue. Hãy có mặt ở đây vào giờ cao điểm để cảm nhận đựoc thế nào là lối sống vội vàng, hối hả kiếm tiền của những “New Yorker”.

Và chờ khi ánh dương tắt lịm, nhường chỗ cho ánh sáng của vô số đèn néon thì rảo bộ về hướng Tây trên phố 42nd Street này đến một địa danh được cả thế giới biết đến, Times Square. Hãy an tâm, ở đây lúc nào cũng đông nghịt người nên không sợ bị trấn lột dù đã quá nửa đêm. Hôm sau với vé MetroCard , hãy đi xe buýt đến trạm South Ferry mà “phóc” lên phà Stalen Island miễn phí để có dịp chiêm ngắm cảnh quan tuyệt đẹp: Tượng nữ thần tự do một bên và toàn cảnh New York cao ngất, bao la một bên. Nhưng để ghi được vào ống kính máy ảnh những “thung lũng” và “núi đồi” đô thị của khu Mahattan thì nên bách bộ trên cây cầu Brooklyn.

Còn lý do nào khác khiến du khách cứ “I love New York”? Đó là, hầu hết các bảo tàng ở thành phố không bao giờ “ngủ” này đều dành mỗi tuần vài giờ mở cửa miễn phí.

Loạt bài Bưu thiếp từ Mỹ do báo DNSG cùng với Công ty Du lịch Hòan Mỹ phối hợp thực hiện

Tuy mùa đông chưa qua hẳn và mùa xuân chưa đến nhưng người Mỹ đã bắt đầu háo hức đón xuân từ những ngày đầu tháng 3. Rất có thể thái độ mừng xuân sớm chính là sự cầu mong thời kinh tế suy thoái chóng qua.

Người Mỹ có thể chơi hoa không điệu nghệ bằng người Nhật nói riêng và các dân tộc châu Á nói chung, nhưng chắc chắn họ không ngại tốn tiền mua hoa. Thị trường kinh doanh bán lẻ các loại hoa ở Mỹ trị giá không dưới 20 tỷ USD với doanh thu của riêng ngày Valentine là 10%. Hoa không được trồng để kinh doanh tại California mà còn ở nhiều bang bờ Đông nước Mỹ cũng như được nhập về từ Hà Lan, các nước Nam Mỹ, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, Philippin…

Lâu nay Philadelphia vẫn là thành phố đầu tiên ở Mỹ mở hội hoa xuân trong năm. Năm nay liên hoan hoa Philadelphia diễn ra trong trung tâm hội nghị Pennsylvania từ ngày 1 đến ngày 8/3 theo chủ đề Bella Italia giới thiệu nghệ thuật trưng bày hoa kiểu ý. Mà đã gọi là trưng bày sản phẩm ý thì không thể thiếu các bàn, các quầy đầy những thức ăn, thức uống kiểu Ý. Cũng có cả những chiếc Vespa.

Một nét đặc biệt khác của Philadelphia Flower Show năm nay là sự hợp tác giữa bảo tàng nghệ thuật Philadelphia và Bảo tàng khoa học Franklin. Cầm vé mua ngắm hoa ở bảo tàng này trình cho nhân viên bán vé ở bảo tàng kia, khách tham quan được giảm 2USD, tức chỉ chi 20USD. Sở dỉ có chuyện khuyến mại này là vì ban tổ chức, cụ thể là Hiệp hội các nhà trồng hoa bang Pennsylvania, muốn thu hút thêm nhiều du khách đến thăm Philadelphia trong thời kinh tế suy thoái, và qua đó tạo sự chú ý của cả thế giới cho địa danh đã là cái nôi của liên bang Mỹ hôm qua.

Bản thân Philadelphia Flower Show cũng đã 180 tuổi đời và được xem là lễ hội hoa lớn nhất thế giới trong không gian có mái che! Mỗi sự kiện này thu hút 250.000 khách tham quan. Nhưng ở Mỹ còn có nhiều lễ hội hoa khác, đặc biệt là những sự kiện giới thiệu đủ các dòng hoa lan rất đáng tham quan khác nữa. Đó là Show các lọai hoa lan Brazil diễn ra từ ngày 28/2 đến ngày 12/4 trong Vườn bách thảo New York trong khu Bronx (giá vé vào cửa 20USD); Lễ hội hoa lan mừng sinh nhật thứ 150 của thành phố St.Louis, diễn ra trong Vườn bách thảo Missiouri từ cuối tháng 2 đến ngày 15/3 (vé vào cửa 11USD). Trong 150 năm qua, thành phố này đã có 91 năm tổ chức show giới thiệu các loại hoa lan. Hoặc Show quốc tế hoa lan Miami lần thứ 63 trong Doubletree Miami Mart, khách sạn sân bay và trung tâm triễn lãm ở thành phố Miami, bang Florida. Ngoài ra, lễ hội hoa cũng được tổ chức tại San Francisco; Knoxville, Tennessee; San Diego và Santa Barbara, California, Atlanta, Cincinnati , Omaha, Huntsville, Alabama, Chicago, San Antonio, Texas, Asheville, North Carolina.

Loạt bài Bưu thiếp từ Mỹ do báo DNSG và công ty Du lịch Hoàn Mỹ phối hợp thực hiện

Bạn chuẩn bị đi du lịch Mỹ? Xin biết rằng trong thời buổi nền kinh tế ở đất nước này đang cực kỳ khó khăn, chuyện “lay-off” (sa thải nhân viên) xảy ra hằng ngày thì “tip” càng là chuyện quan trọng không được quên.

Vậy thì kèm theo lời cảm ơn, nụ cười là bao nhiêu đôla? Khi đi ăn ở nhà hàng hoặc thưởng thức vài vại bia, ly coktail trong bar, hãy nhớ bạn cần “tip” như sau: Bồi (Waiter) phục vụ ở bàn ăn riêng: từ 15% - 20% trị giá hóa đơn; người phục vụ ở quầy: từ 15 – 20%, nhân viên gói gém đồ ăn cho bạn mang về (Takeout): 10% Nhưng khi dùng Buffet, bạn không phải “tip” (trừ khi đã nhờ nhân viên lấy thức ăn đến bàn của bạn ngồi thì phải cho họ 10%). Và nếu bạn gọi nhân viên rót thêm bia, lấy thêm rượu thì “tip” thêm 1USD hoặc 2 USD.

Còn muốn thưởng thức vang ngon? Nên “tip” cho chuyên gia về vang khoản tiền xê dịch từ 10% - 20% giá trị chai vang, nhưng nếu bạn nhờ khui chai vang đắt tiền thì phải “cám ơn” anh ta với tờ 20 đôla mới xứng đáng. Khi ở quầy bar, cứ mỗi ly bartender phục vụ cho bạn thì nên “tip” cho anh 1USD. Còn nếu tính tổng cộng trị giá hóa đơn thì thanh toán thì từ 15% - 20%. Nên “tip” ngay sau khi mỗi lần anh ta pha chế coktail hay rót rượu cho bạn.

Khách sạn:

- Nhân viên dọn phòng: 2USD- 5USD/đêm trọ. Nếu như bạn đã yêu cầu nhân viên dọn phòng tìm cho bạn bàn chải đánh răng, lựơc…thì nhớ “tip” thêm từ 1 USD - 3USD.

- Dịch vụ ăn uống tận phòng: 15% giá trị hóa đơn, nhưng nếu trong hóa đơn đã có phần dịch vụ phí thì bạn không phải cho thêm.

- Nhân viên gác cửa (doorman): không phải “tip” nếu anh ta mở cửa cho bạn, nhưng khi nhờ anh ta bất cứ dịch vụ nào khác, dù rất thường như gọi hộ taxi, chất hành lý vào xe..thì phải “tip” từ 1USD – 2USD.

- Nhân viên hành lý (bellboy):từ 1USD – 2USD/hành lý.

Vận chuyển

- Taxi: 15%

- Dịch vụ limousine: từ 15% - 20%

- Dịch vụ xe sân bay – khách sạn (Shuttle service): từ 10% - 20%

Sân bay

- Nhân viên khiêng hành lý(Skycap): từ 1USD – 2 USD/hành lý.

Anh Vân

Loạt bài bưu thiếp từ Mỹ do báo DNSG và Công ty Du lịch Hòan Mỹ phối hợp thực hiện

Tọa lạc trong không gian rộng lớn gọi là National Mall ở Washington DC, Lincoln Memorial rộng 0,43km2, được khởi công xây dựng ngày 12/2/1914 và hoàn tất bào ngày 30/5/1922.

Đây là một trong những địa danh hàng đầu của liên bang Mỹ, năm nào cũng thu hút hàng triệu lượt khách Mỹ và khách ngọai quốc đến tham quan. Và đã khá nhiều lần nó được dùng làm bối cảnh cho các sự kiện quan trọng trong lịch sử Mỹ cũng như trong các phim truyện hấp dẫn.

Năm nay không những rơi vào thời kỳ kinh tế suy thoái lại vừa có một người Mỹ gốc phi đầu tiên được giữ chức vụ lãnh đạo hành pháp cao nhất mà còn vì có sự kiện mừng 200 năm ngày sinh Abraham Lincoln, vị tổng thống thứ 16 trong lịch sử Mỹ nên lại càng được chú ý nhiều hơn. Không ít sử gia đã xem Lincoln như một nhân vật lịch sử “nặng ký” hơn cả ông tổ thuyết tiến hóa Charles Darwin mà năm nay thế giới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 150 của ông.

Họ nói rằng ông Lincoln chính là “nguồn cảm hứng”, là mẫu nhà lãnh đạo khôn ngoan, kiên định mà nhiều tổng thống Mỹ sau này cần học hỏi, noi theo từ Adlai Stevenson qua Theodore Roosevelt, Franklin Delano Roosevelt, Harry Truman đến Lyndon B. Johnson, Richard Nixon, Ronal Reagan và nay là Barack Obama.

Vào ngày 12/2/2009 tới đây, tức đúng sinh nhật thứ 200 của ông Abraham Lincoln (ông chào đời ở bang Kantucky, lớn lên ở bang Indiana, từng làm việc ở nhiều bang khác nhau ), một buổi hòa nhạc lớn sẽ diễn ra ở tượng đài này, mở đầu cho rất nhiều sự kiện được tổ chức suốt trong năm ở nhiều thành phố của nhiều tiểu bang để mừng 200 năm ngày sinh của một trong những nhân vật nổi tiếng nhất lịch sử Mỹ quốc, gắn liền với chế độ nô lệ và cuộc nội chiến Mỹ.

Nếu thăm thủ đô Mỹ trong năm nay, bạn hãy cố sắp xếp thời gian để ghé vào thư viện Quốc hội xem triễn lãm nhiều hiện vật gắn liền với cuộc sống của vị tổng thống này, trong đó có cả Kinh Thánh mà ông đã dùng khi tuyên thệ nhậm chức và ngày 20/1/2009 mới đây lại được tân tổng thống Barack Obama dùng đến. Ngoài ra, còn có nhiều thư từ và bài diễn văn do chính ông viết.

Chắc chắn sẽ có người quen rủ bạn đến Soldier’s Home, một địa danh lịch sử quốc gia Mỹ mới khánh thành năm 2008 với kinh phí trùng tu 17 triệu USD để tham quan ngôi nhà nơi tổng thống Abraham Lincoln từng sống với gia đình, soạn bản tuyên ngôn giải phóng nô lệ và ngày ngày từ đó cưỡi ngựa hoặc đi xe ngựa kéo ba dặm để đến Nhà Trắng làm việc. Một bức tượng mô tả tổng thống Lincoln cưỡi ngựa đi làm vừa được dựng lên trước ngôi nhà.

Cuối cùng, đừng quên mua vé tham quan Ford Theatre đã mở cửa đón khách trở lại sau thời gian dài trùng tu vì chính trong nhà hát này, tổng thống Lincoln bị ám sát năm 1965.

Huy Văn

Loạt bài bưu thiếp từ Mỹ do báo DNSG và Công ty Du lịch Hoàn Mỹ phối hợp thực hiện

Từ đầu tháng 1/2009. khu Chinatown ở Manhattan, New York đã đỏ rực với đủ các lọai bảng hiệu, cờ xí, biểu ngữ, bao bì hàng hóa và ai cũng háo hức đón mừng năm mới. Màu đỏ và bầu không khí vui tươi này đã tỏa hấp lực thu hút người Mỹ da trắng và du khách quốc tế.

Họ rủ nhau viếng chùa Mahayana ở số 133 đường Canal (cũng là phố tập trung các cửa hàng kim hòan kiểu Hoa), tạt vào một trong hàng loạt các shop ở hai bên đường Mott để lục lọi tìm mua quà kỷ niệm giá rẻ và sau đó thích thú nếm các món trong các nhà hàng din sum. Mà trong Chinatown đông dân hạng nhì (180.000 người) ở Bắc Mỹ, chỉ sau Phố Tàu ở San Francisco, có đến 200 nhà hàng!

Trong Golden Unicorn (Kim Lân), số 18 East Broadway, gần đường Catherine, mở cửa từ 9 giờ sáng đến tối, giá mỗi món din sum khoảng 3,75 đô la nên lúc nào cũng đông khách. Là người thích uống trà, bạn phải đến cửa hàng Ten Ren Tea ở số 75 Mott, nơi có bán rất nhiều lọai trà, từ túi trà hoa lài giá 2 đô/túi đến trà Vua giá 144 đô/pound.

Nhưng trong cửa hàng Yunhong Chopsticks ở số 50 cũng trên phố này, du khách chỉ có duy nhất một loại sản phẩm để chọn mua. Đó là đủ lọai đũa, từ những bó đũa 1,99 đô đến hộp đũa tuyệt đẹp làm bằng gỗ mun giá 600 đô. Quản lý cửa hàng Richsrd Lam sẵn sàng tư cấn cho khách. “Tuy chỉ là dụng cụ gấp thức ăn nhưng chúng có văn hóa riêng. Đũa kiểu Hoa tròn ở phần cuối và vuông ở phần đầu để biểu trưng cho con người ở trần gian và các thần thánh trên trời”.

Người da trắng đặc biệt thích vào trong Pearl River Mark ở số 477 Broadway, gần Soho và xa khỏi trung tâm Chinatown vì có bán đủ các chủng loại hàng hóa với mẫu số chung là “hàng châu Á”, từ chiếc đèn để bàn giá 18,50 đô qua bóp dạ hội may bằng tơ tằm giá 8,50 đô, áo gối thêu tay rất đẹp giá cũng 8, 59 đô đến xà phòng mùi trầm giá 1,25 đô/3 cục. Nhưng một cây đàn tì bà sẽ khiến túi của khách nhẹ đi khoảng 350 đô. Và phía trước Confucius Plaza, nơi tượng Đức Khổng Tử được dựng nên năm 1976, lúc nào cũng là điểm hẹn lý tưởng.

Trong Chinatown ở New York có nhiều chợ bán hàng tươi sống, trong đó có cả những trái sầu riêng to nhập từ…Malaysia và Thái Lan. Và không thiếu vườn cây xanh Wah- Mei (gần hai con phố Chrystie và Broome) là nơi những người lớn tuổi sáng sáng mang lồng chim đến cho chim hít thở không khí trong lành.

Trưa ngày đầu tháng 2/2009, cuộc diễu hành mừng xuân Kỷ Sửu đã đi qua Mott Street, quảng trường Chatham, East Broadway, Allen Street, Grand Street và Chrytie Street. Đến 4 giờ chiều thì có chương trình biểu diễn nghệ thuật ở công viên Sara Delano Roosevelt. không thể nào thiếu múa lân trong phố Tàu New York, chương trình diễn ra từ 11 giờ sáng đến 6 giờ chiều ngày mùng 1 tết (tức 26/1/2009) và ngày 14/1 âm lịch (tức 8/2/2009 dương lịch). Cũng có bắn pháo hoa.

Khôi Việt

Loạt bài Bưu thiếp từ Mỹ do báo DNSG và Công ty Du lịch Hòan Mỹ phối hợp thực hiện