Người ta nói rằng, đến Mỹ mà chưa đi qua hệ thống xa lộ xuyên bang kể như là chưa đến xứ cờ hoa, cũng như lái xe mà chưa đi xuyên bang thì chưa được xem là tay lái già dặn.

Hệ thống xa lộ toàn nước Mỹ - mang tên Dwight D. Eisenhower để vinh danh vị tổng thống đã khai sinh ra công trình này vào năm 1956 - có chiều dài gần 70.000 cây số, xuyên qua 50 tiểu bang, được đánh giá an toàn và hữu hiệu nhất trên thế giới, từng được bầu chọn là một trong bảy kỳ quan du lịch của Hoa Kỳ.

Nhưng trăm nghe vẫn không bằng một thấy, thế là chúng tôi quyết định làm chuyến du hành bằng xe hơi trên một đoạn của hệ thống này mà điểm khởi hành là Los Angeles, để đến San Francisco. Thay vì chọn freeway số 5 chỉ mất hơn năm giờ nhưng đi ngang toàn những cánh đồng cỏ, anh bạn chí thân sống ở Mỹ hơn 30 năm đề nghị: “Nên đi theo xa lộ 101, tuy xa hơn nhiều nhưng bảo đảm sẽ gây ấn tượng mạnh”, bởi đây là một trong những con đường đẹp nhất dọc bờ biển Thái Bình Dương của California.

Rời khỏi Los Angeles khoảng 160 cây số thì tới Montecito, xe bon bon chạy trên con đường quanh co vắng vẻ qua những đồi thông thơ mộng. Đây là chốn nghỉ dưỡng của nhiều ngôi sao lừng danh Hollywood như Steven Spielberg, Avril Lavigne, Kevin Costner, Michael Douglas... với những biệt thự tráng lệ giá hàng chục triệu đô.

Không như những khu vực của dân trung lưu, nơi mà nhà cửa ngăn nắp, phố rộng thênh thang, lề đường thẳng tắp; một số khu vực thượng lưu ở Mỹ có đặc điểm khác người là đường không tên - nhà không số - phố không đèn. Như ở Montecito này chẳng hạn, nhiều con đường chỉ có miếng gỗ thô mộc khắc tên đường gắn hờ hững ở góc phố. Nhà cửa hầu hết được xây dựng khuất tầm mắt, với cây cối bao phủ chung quanh, dù to lớn sang trọng bao nhiêu thì người bên ngoài cũng khó thể nhìn thấy.

Là vùng dành cho giới giàu tiền lắm của với giá nhà đất nằm ở top ten thế giới, nhưng quán xá khu vực trung tâm đều nho nhỏ xinh xinh, bên trong bày biện đơn giản hệt như những vùng thôn quê châu Âu. Khách hàng lui tới nơi đây đa phần dáng vẻ giản dị, nói năng hồn hậu, mang lại cảm giác thân thiện, dễ chịu.

Qua khỏi Montecito không lâu thì đến Santa Barbara. Năm 1602, nhà thám hiểm Tây Ban Nha Sebastian Vizcaino đặt chân lên bờ đúng vào ngày lễ thánh Barbara nên đã lấy tên vị nữ thánh đặt cho vùng này. Nắng vàng rực rỡ lôi kéo chúng tôi rời xe để thong thả tản bộ, ngắm nhìn nhà cửa tường vôi trắng mái ngói đỏ, đâu đó bên bờ giậu hàng rào là những giàn hoa giấy rực rỡ khoe sắc.

Thành phố biển tĩnh lặng, nước xanh cát trắng với những hàng cọ cao ngất đong đưa, giúp xóa tan ấn tượng trước đây của chúng tôi về một nước Mỹ văn minh công nghiệp thừa hối hả mà thiếu thong dong.

California xưa kia từng là đất của Tây Ban Nha rồi đến Mexico, nên các kiến trúc cổ trong vùng thể hiện rất rõ đường nét của hai nền văn hóa này. Một trong những di tích đặc trưng nhất ở Santa Barbara là ngôi nhà thờ của người Tây Ban Nha xây vào cuối thế kỷ XVIII, thu hút rất nhiều du khách viếng thăm.

Tiếp tục cuộc rong chơi, xe chúng tôi chạy dọc theo bờ biển hướng vào đất liền để đến 17 Mile Drive, được người Việt ở Mỹ thi vị hóa bằng cái tên “Mười bảy dặm đường tình”. Con đường này ngang qua hai khu vực của dân thượng lưu là Pacific Grove và Pebble Beach. Đặc biệt khu Pebble Beach có sân golf nhìn ra biển cả, được xem là sân golf đẹp nhất thế giới, nơi hàng năm diễn ra giải US Golf Open danh giá.

Chúng tôi dừng chân ở Bird Rock để thưởng thức bản hợp xướng của dàn đồng ca gồm hàng trăm chim hải âu đang tụ tập trên một ghềnh đá gần bờ, khuấy động cả vùng biển vắng.

Nhìn những bàn đá cùng với lò nướng đặt rải rác dọc bờ biển dành cho dân đi picnic, mọi người đều có ngay một liên tưởng giống nhau: nếu ở “bên mình”, thì nơi đây có thể biến thành điểm hẹn ưa thích của dân nhậu, vì chỉ cần lội ra ghềnh đá là có sẵn... mồi thơm ngon.

Điểm tham quan tiếp theo là vùng Monterey, một bán đảo nhiều núi đồi, cây cối rậm rạp, được bao quanh bởi bờ biển xanh êm đầy đá tảng. Năm 1602, Sebastian Vizcaino là người da trắng đầu tiên đến nơi này và đặt tên cho vùng đất là Monterey, theo tên của vị phó vương Tây Ban Nha Count de Monte Rey. Đến năm 1846, thời kỳ đầu nước Mỹ lập quốc, lực lượng hải quân tiến chiếm Monterey mà không tốn viên đạn nào. Ba năm sau, Monterey được chọn là thủ đô đầu tiên của tiểu bang California.

Thấp thoáng trong rừng tùng là những ngôi biệt thự hài hòa giữa thiên nhiên, thế giới riêng của những thị dân mà cuộc sống bon chen không còn là mối bận tâm nữa. Trên những khu phố dốc cao ở trung tâm Monterey san sát những cửa hàng nho nhỏ bán kem, tiệm bánh, tạp hóa, nhà thuốc tây được trang trí bởi những chậu hoa đẹp đẽ. Những quán cà phê vỉa hè luôn đông đúc khách phong lưu đang nhàn nhã ngắm nhìn người qua lại.

Sững sờ nhất là khi chúng tôi đến Carmel By The Sea, phía Nam của Monterey. Nhà cửa ở đây phảng phất dáng dấp châu Âu, thậm chí có cả những ngôi nhà xây theo kiến trúc colombage đặc thù của vùng Normandie bên Pháp. Trước mỗi căn nhà đều rợp bóng cây xanh, dây leo e ấp và cơ man nào là hoa, từ loài nhiệt đới như lan, cúc, thiên lý, dâm bụt đến các giống xứ lạnh như mộc lan, cẩm chướng, đỗ quyên, tulip, đẹp say đắm lòng người.

Năm 1602, nhà thám hiểm Tây Ban Nha Sebastian Vizcaino đến vùng bình nguyên này đúng vào ngày lễ thánh bổn mạng Lady of Carmel của mình nên đã lấy tên thánh nữ đặt cho vùng đất mới. Tiếp theo, các linh mục dòng Francisco đã xây cất nhà thờ truyền giáo ở gần cửa sông Carmel. Đây là ngôi giáo đường thứ hai trong tổng số 21 nhà thờ mà người Tây Ban Nha xây ở California.

Để thưởng thức vẻ đẹp thành phố một cách trọn vẹn thì phải tản bộ, nhàn nhã ngắm các cửa hiệu bán đồ cổ, tranh ảnh, quà lưu niệm, bánh ngọt, cà phê, nhiều nhất là nhà hàng ăn, tất cả đều phủ đầy hoa tươi cuốn hút mời gọi.

Chiều dần buông, chúng tôi phải hối hả lên đường trực chỉ San Francisco, thành phố duyên hải miền Tây nước Mỹ mang đậm nét châu Âu thanh lịch. Nơi đây cũng có một thử thách dành cho các bác tài để được thừa nhận là tay lái già dặn khi khéo léo vượt qua con đường Lombard dốc thẳng đứng, được xem là ngoằn ngoèo nhất hành tinh với tám đoạn cua uốn quanh khúc khuỷu.


Đường Lombard ngoằn ngoèo nhất thế giới

Trải mình trên chín ngọn đồi, thành phố lớn thứ hai của California mỗi năm đón hơn 14 triệu du khách năm châu đến chiêm ngưỡng các địa danh nổi tiếng cùng các di sản kiến trúc tại thành phố già nhất của cường quốc trẻ nhất thế giới này.

Chinatown là một trong những điểm thu hút nhiều du khách, chỉ đứng sau cầu Golden Gate mà thôi. Đặc biệt, nếu ở các khu Chinatown khác trên nước Mỹ như Los Angeles, New York, người Việt gốc Hoa chiếm phần đông thì Chinatown ở San Francisco vẫn là thành trì kiên cố của người Hoa chính gốc. Cộng đồng này đã định cư nơi đây trên 150 năm nên vừa giàu tiền vừa mạnh thế. Phần nữa do giá thuê mặt bằng rất cao nên người Việt và cả người Việt gốc Hoa đều khó chen chân vào, vì vậy tại đây chỉ có lác đác vài tiệm phở.

Chúng tôi vượt cầu Golden Gate ra khỏi San Francisco để đến Sausalito, một trong những vùng giàu có của nước Mỹ. Thành phố tuy chỉ khoảng hơn bảy ngàn dân nhưng là một điểm thu hút khách du lịch, được thế giới biết đến vì nhiều phim lấy bối cảnh vùng này. Thời kỳ viết cuốn tiểu thuyết The Sea-Wolf, đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Sói biển”, Jack London cũng từng đến sống ở Sausalito để tìm nguồn cảm hứng.

Đây cũng là nơi sinh sống của đông kiều dân gốc Pháp nên có nhiều nhà hàng phong cách châu Âu nằm hai bên con đường chính chạy dọc theo bờ vịnh. Ghé vào một quán vỉa hè đúng phong cách Paris, chúng tôi vừa nhâm nhi ly cà phê nóng vừa ngắm cảnh hoàng hôn êm ả trên vùng vịnh San Francisco, dõi theo những cánh chim chiều sải rộng trên mặt nước mà ngẩn ngơ với khám phá mới lạ về một Cali tao nhã và quyến rũ.

Chúng tôi tận hưởng một buổi tối hàn huyên trong bầu không khí ấm cúng, của nhà hàng xoay trên tầng cao nhất của khách sạn năm sao Hyatt, với món ăn ngon miệng, dưới ánh sáng dịu dàng của những ngọn đèn và âm thanh dìu dặt của các bản nhạc trữ tình.

Khi chúng tôi rời nhà hàng, giọng ca của huyền thoại nhạc jazz Nat King Cole vang lên bài hát I left my heart in San Francisco như bày tỏ giùm nỗi lòng khách phương xa. Và chúng tôi cũng đã bỏ lại một nửa con tim khi từ giã vùng biển xanh nắng ấm đầy ấn tượng này.

Phụ Nữ TPHCM

medium_Du Lich Tuong DSC1701.jpg

Tượng Nữ Thần Tự Do do Pháp trao tặng được đặt ở cửa vào hải cảng New York.

medium_Du Lich Ferry 1703.jpg

Phà sang đảo có tượng Nữ Thần Tự Do.

medium_Du Lich Crown 1704.jpg

Vương miện trên đầu tượng được chụp từ dưới chân tượng.

medium_Du Lich Spiral 1705.jpg

Thang xoáy trôn ốc để lên viếng vương miện.

medium_Du Lich Cong Vien 1706.jpg

Cảnh đợi phà ở công viên Battery trên đường ra đảo Nữ Thần Tự Do.


Tượng Nữ Thần Tự Do (Statue of Liberty) nằm trên đảo nhỏ ở phía Tây Nam thành phố, ngay cửa sông Hudson đi vào hải cảng New York. Tượng bằng đồng mô tả một người đàn bà mặc chiếc áo thời La Mã, tay phải cầm ngọn đuốc giơ cao, tay trái ôm một bảng khắc, đầu đội vương miện. Tượng được khánh thành ngày 28 tháng 10, 1886 do người Pháp trao tặng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày nước Mỹ ký kết bảng Tuyên Bố Ðộc Lập khỏi vương quốc Anh. Tượng Nữ Thần Tự Do to lớn đứng ở hải cảng New York để chào đón những di dân đi bằng tàu thuyền tới nước Mỹ, suốt hơn 124 năm qua từng là hình ảnh biểu tượng cho Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, một quốc gia có nền dân chủ dựa trên hiến pháp cũng là một trong những nước giàu mạnh nhất trên giới.

Từ khu Phố Tàu New York chúng tôi lái xe về hướng Nam trên đường Broadway, đến công viên Battery ở cuối đảo Manhattan sẽ gặp bến phà South Ferry để sang viếng tượng Nữ Thần Tự Do nằm ngoài đảo cách bờ chừng 2 km. Ở bến phà rất khó tìm chỗ đậu xe, thường là của tư nhân với giá khá cao nên tốt nhất đến đây bằng xe điện ngầm Subway và xuống ở trạm ga South Ferry. Từ phía bên thành phố New Jersey cũng có phà viếng tượng Nữ Thần Tự Do, bến phà ở công viên Liberty State Park nơi đây đậu xe dễ hơn. Du khách có thể đi từ bến phà New Jersey rồi khi trở về lên ở bến phà South Ferry và ngược lại. Ở bến phà có quày bán vé sang viếng tượng Nữ Thần Tự Do hoặc viếng thêm nhà Bảo Tàng Di Trú trên đảo Ellis nằm gần bờ, tuy nhiên muốn viếng cả hai nơi phải đi trước 2 giờ chiều mới có đủ thời giờ thăm cả hai đảo.

Tuy vé lên tượng Nữ Thần Tự Do được bán tại bến phà nhưng nếu muốn trèo lên vương miện, vì giới hạn số người lên đó nên thường hết vé. Do đó tốt nhất nên đặt mua trước trên Internet hay gọi điện thoại. Viếng tượng Nữ Thần Tự Do có hai loại vé: loại Crown Ticket là vé thăm cả 3 nơi là nhà Bảo Tàng dưới chân tượng, hành lang ngắm cảnh phía trên nóc của tòa nhà dùng làm bệ chân tượng và leo thang trôn ốc lên tới vương miện trên đầu tượng. Giá khá rẻ chỉ có 15 USD cho người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên, cao niên trên 62 là 13 USD và trẻ con từ 4 đến 12 tuổi là 8 USD. Loại vé không lên vương miện nghĩa là chỉ viếng Bảo Tàng và hành lang ngắm cảnh ngay phía dưới chân tượng thì giảm 3 USD cho mỗi loại vé. Còn vé xuống phà phải mua riêng cũng bằng giá vé viếng tượng Nữ Thần Tự Do mà không lên vương miện. Nếu chỉ mua vé phà không thôi thì chỉ dạo chơi công viên trên đảo Tự Do mà không vào nhà Bảo Tàng cũng như khỏi qua thủ tục khám xét về an ninh vì đề phòng khủng bố phá hoại tượng sau biến cố 11 tháng 9, 2001.

Chúng tôi đã mua vé trước trên Internet qua Website www.statueoflibertytickets.com trước vài ngày nên khi tới bến phà chỉ chờ phà sang đảo Tự Do (Liberty Island) cách bờ khoảng 2 km nên phà chạy 20 phút là tới. Phải sẵn sàng máy ảnh vì trên phà chụp những cao ốc khu Manhattan soi bóng trên mặt biển rất đẹp và tượng Nữ Thần Tự Do ngạo nghễ giữa biển trời bao la. Ðến đảo có tượng Nữ Thần Tự Do phải “check in” ở Information Center qua thủ tục khám xét rồi vào bên trong tòa nhà dùng làm bệ chân tượng nay làm nhà Bảo Tàng Tượng Nữ Thần Tự Do và bán quà kỷ niệm. Ðể lên nóc hành lang ngắm cảnh du khách phải dùng thang bộ. Trước kia có thang máy nhưng hiện nay đang đóng vì an ninh hay tu bổ gì đó? Tới nóc tòa nhà là hành lang ngắm cảnh nằm ngay dưới chân tượng, ở đây chụp ảnh, đi một vòng ngắm cảnh, nghỉ mệt sau đó tiếp tục vào bên trong để leo cầu thang bên trong bức tượng để lên chiếc vương miện trên đầu tượng.

Ðường lên vương miện

Ðường lên vương miện cũng khó khăn nhọc nhằn như trèo lên Vạn Lý Trường Thành, tuy không xa và mệt như trèo Vạn Lý Trường Thành nhưng ở đây lại nóng và ngộp! Nếu không đi thì không biết, nên khi tới New York là phải thăm tượng Nữ Thần Tự Do mà đến tượng rồi thì phải lên vương miện. Vương miện đã đóng cửa từ ngày khủng bố 11 tháng 9, 2001 mới mở lại nhân ngày Quốc Khánh 2009 vừa qua. Phải trèo 146 bậc thang trôn ốc bằng sắt mà chiều ngang rất hẹp chỉ vừa một người đi, tôi trèo hơi chậm nhưng những người phía dưới cũng kiên nhẫn chờ và bước chậm theo sau. Mỗi giờ chỉ cho vào 3 toán và mỗi toán khi lên tới phần đầu tượng bên trong vương miện chỉ cho vào mỗi lần 10 người. Ði bên trong tượng chỉ nhìn thấy chằng chịt những khung sắt có phần ghê rợn nhất là nóng bức vì không khí thường cao hơn bên ngoài khoảng 15 đến 20 độ F. Phía trong vương miện nhìn ra ngoài bằng 25 cửa sổ nhỏ, khung cửa lớn nhất cao khoảng 18” (46cm) nên tầm nhìn cũng giới hạn chỉ thấy một phần trời đất bên ngoài. Hôm nay có gió nên phần đầu tượng đong đưa tới lui, tuy được cho biết là an toàn nhưng cũng có cảm giác rờn rợn. Theo tài liệu khi xây tượng người ta để một độ hở cho đầu tượng di chuyển tới lui trong khoảng cách 3 inches (76mm) trong trường hợp sức gió lên đến 50 miles/giờ (80km/giờ) và ở phần cây đuốc cao hơn người ta để độ hở là 5 inches (130mm). Thà cho xê dịch còn hơn làm khít khao sẽ bị gãy đổ khi bị bão tố. Thời tiết xấu hay an ninh đe dọa, tượng được đóng cửa và hoàn lại tiền vé còn không thì dời lại ngày khác.

Kiến trúc tượng

Tượng Nữ Thần Tự Do lớp bên ngoài làm bằng đồng nguyên chất khi mới có màu đỏ nhưng nay màu xanh xám là vì phản ứng hóa học giống như rỉ sét do tiếp xúc với muối biển và những chất khác trong không khí. Lớp vỏ đồng bên ngoài được treo và nâng đỡ bằng hệ thống giàn giá bằng sắt bên trong thân tượng. Tượng diễn tả một người đàn bà vận chiếc áo choàng thời La Mã gọi là “stola”, đầu đội chiếc vương miện có 7 mũi nhọn tượng trưng cho tia nắng của vầng thái dương, chân tượng mang dép xăng đan đạp trên sợi dây xích đứt đoạn. Cánh tay mặt cầm ngọn đuốc đưa thẳng lên cao, riêng ánh lửa hiện nay được mạ vàng sáng loáng và tay trái ôm một tấm bảng khắc ngày 4 tháng 7 năm 1776 bằng số La Mã (VII IV MDCCLXXVI) là ngày Hoa Kỳ tuyên bố độc lập. Tượng cao 151 ft (46m) được đặt trên một bệ (pedestal) bằng đá hình chữ nhật phía dưới là phần nền móng hình ngôi sao 11 góc khiến tượng có tổng chiều cao là 305 ft (93m).

Lịch sử bức tượng

Một nhóm chính trị gia Pháp muốn có một món quà trao tặng nước Mỹ nhân dịp đánh dấu 100 năm ngày độc lập của Hoa Kỳ nên giao cho nhà điêu khắc Frédéric Bartholdi sứ mạng thiết kế một bức tượng nào đó và phải hoàn tất trước năm 1876. Bức tượng ông Bartholdi đề xướng có tên Nữ Thần Tự Do gây nhiều dư luận trong chính trường Pháp vì thời ấy tuy với chính thể dân chủ Ðệ Tam Cộng Hòa nhưng một số chính trị gia trong chính quyền Pháp muốn trở lại chế độ quân chủ có vua chúa hay ít ra cũng tự do dân chủ một nửa như dưới thời Hoàng Ðế Napoléon.

Tượng nhỏ dùng làm mẫu bằng đất nung được đắp năm 1870 (hiện được trưng bày trong Bảo Tàng Nghệ Thuật Lyon) và tượng đúc bằng đồng tỉ lệ nhỏ do nhóm Mỹ kiều ở Paris trao tặng thành phố Paris ngày 13 tháng 5, 1885 hiện còn lưu giữ ở Ile des Cygnes bên Pháp. Ðiêu khắc gia Bartholdi đặc trách xây tượng khi sang Ai Cập thấy kinh đào Suez mới xây có hải đăng to lớn ở cửa biển nên ông nảy sinh ý tưởng phải xây tượng Nữ Thần Tự Do thật to lớn vĩ đại và đặt ngọn hải đăng trên đó. Về Pháp ông đề nghị người Mỹ xây chân tượng còn Pháp sẽ trách nhiệm đúc tượng thật lớn và ráp ở Mỹ. Nhóm làm tượng ở Pháp ráo riết chương trình gây quỹ với những buổi hòa nhạc do nhạc trưởng Charles Gounod dàn dựng ở hí viện Paris Opera với đề tài “Tự Do Thắp Sáng Thế Giới” cũng như tổ chức xổ số và gây quỹ được khoảng $250,000. Ở Mỹ cũng có chương trình gây quỹ tương tự để kiếm tiền xây chân tượng.

Ông Bartholdi phải tìm kỹ sư về cấu trúc vì tượng đồng quá lớn phải làm giàn giá vững chắc bên trong nhất là đặt ở cửa biển thường bão tố và ông giao cho Gustave Eiffel (người thiết kế tháp Eiffel) có nhiệm vụ điều nghiên làm cây cột sắt chống đỡ với những sườn sắt để dựng được cái vỏ tượng đồng đứng lên vững vàng. Ông Eiffel được phụ tá trợ giúp chi tiết là kỹ sư về cấu trúc Maurice Koechlin. Ông Bartholdi muốn tượng hoàn tất và giao cho Hoa Kỳ đúng ngày 4 tháng 7 năm 1876 nhưng không kịp vì những trở ngại bất ngờ, lúc đó chỉ cánh tay phải cầm cây đuốc đã xong. Cánh tay ấy được vội chở sang Mỹ và trưng bày trong Hội Chợ Kỷ Niệm 100 Năm Ðộc Lập mở tại Philadelphia, khách viếng phải trả 50 xu để leo cầu thang lên ngọn đuốc. Số tiền được bổ sung vào ngân khoản xây tòa bệ chân tượng. Ở Paris nhân Hội Chợ Paris năm 1878 phần đầu bức tượng được trưng bày trong công viên Trocadéro Palace cũng như những phần khác của bức tượng được đưa ra cho công chúng xem ở Công Trường Chiến Thắng gần Khải Hoàn Môn.

Bên Mỹ đảo nhỏ tên Bedloe trước kia có đồn lính Fort Wood hình ngôi sao nằm gần hải cảng New York được Hạ Viện chấp thuận bằng đạo luật ngày 3 tháng 3, 1877 là nơi đặt tượng Nữ Thần Tự Do theo ý kiến của ông Bartholdi và ngày 18 tháng 2, 1879 giấy chứng nhận chủ quyền thiết kế (Design Patent) bức tượng được cấp cho ông Bartholdi mô tả rõ ràng về bức tượng cũng như họa đồ. Bên Pháp việc gây quỹ đã hoàn tất vào tháng 7, 1882 nhưng bên Mỹ vẫn còn thiếu tiền để xây chân tượng do kiến trúc sư Richard Morris Hunt phụ trách nên việc xây phải ngưng lại. Chủ báo “The World” là ông Josepth Pulitzer (sáng lập giải Pulitzer) dùng tờ báo của mình đứng ra hô hào chỉ trích những nhà tài phiệt không đóng góp cho bức tượng, nhờ vậy tài chánh cũng có thêm và công việc được tiếp tục vào tháng 5, 1885.

Bức tượng được đưa tới hải cảng New York vào ngày 17 tháng 6, 1885 bằng chiến hạm Pháp tên “ Isère” chạy bằng hơi nước do thuyền trưởng Lespinasse De Saune chỉ huy. Ðể chuyên chở không cồng kềnh, tượng được tháo ra làm 350 mảnh nhỏ xếp trong 214 thùng gỗ. Hoa tiêu hải cảng là Joseph Henderson hướng dẫn chiến thuyền “Isère” vào vịnh New York và cặp bến an toàn vào đảo Bedloe. Ðảo này mãi tới năm 1956 mới chính thức đổi tên thành đảo Liberty (Tự Do) mặc dù người ta đã gọi tên đó từ đầu thế kỷ.

Vận động tài chánh xây chân tượng kết thúc ngày 11 tháng 8, 1885 và chân tượng hoàn tất ngày 22 tháng 8, 1886 sau khi 2 cặp gồm 8 đà sắt khổng lồ được chôn trong bê tông đưa thẳng lên nhằm nối kết giữa bệ chân tượng và sườn sắt của thân tượng. Những phần của bức tượng sau 11 tháng nằm trong thùng chứa chờ đợi chân tượng hoàn thành nay được mang ra đem ráp vào mất 4 tháng. Ngày 28 tháng 10, 1886 khăn che tượng Nữ Thần Tự Do được Tổng Thống Grover Cleveland vén ra trước hàng ngàn cử tọa, trước đây ông này khi còn là thống đốc tiểu bang New York đã từng... phủ quyết dự luật cấp $50,000 để xây chân tượng! Mười năm sau đó nước Mỹ đã tặng lại cho Pháp 10 triệu đồng trong các chương trình từ thiện.

Tượng Nữ Thần Tự Do có nhiệm vụ như ngọn hải đăng hướng dẫn tàu bè từ ngoài khơi đi vào cảng New York từ năm 1886 đến 1902 và đặt dưới quyền quản lý của Hội Ðồng Hải Ðăng Hoa Kỳ. Ðây là ngọn hải đăng của Mỹ đầu tiên dùng đèn chiếu sáng chạy bằng điện có thể thấy từ ngoài khơi cách xa 24 miles (39km). Ngọn đèn hải đăng ban đêm quyến rũ hàng trăm chim biển bu vào và nằm chết dưới bệ tròn quanh ngọn đèn. Mỗi ngày người quản đăng giữ ngọn đèn phải ra dọn dẹp. Trong thời Ðại Chiến Thứ Nhất, năm 1916 vụ nổ kho thuốc súng do đặc công Ðức Quốc Xã phá hoại làm hư hại tượng Nữ Thần Tự Do, mức thiệt hại tính theo thời giá hiện nay là 2 triệu đồng và người ta thay ngọn đèn bằng lồng đèn hình ngọn lửa với kính cửa sổ nhà thờ màu vàng. Năm 1986 thay lồng đèn bằng ngọn đuốc có những ánh lửa là những miếng kim loại dát vàng được chiếu sáng bằng những ngọn đèn spotlights từ phía dưới rọi lên. Sau biến cố 9-11 đảo Liberty đóng cửa và mở lại vào tháng 12, 2001 và tượng được mở trở lại cho du khách viếng ngày 3 tháng 8, 2004. Vương miện và thang trôn ốc bên trong được mở cho du khách lên viếng từ 4 tháng 7, 2009.

Tượng Nữ Thần Tự Do chân đạp xích xiềng nô lệ, tay cầm ngọn đuốc soi đường đứng ở cửa biển đi vào New York hơn trăm năm đã từng chào đón không biết bao nhiêu đoàn người tỵ nạn từ Âu Châu đi thuyền tới nước Mỹ sau một cuộc hải hành gian nan liều chết ra đi. Có thể nói gia đình tôi là một trong số người đó, ngày 30 tháng 3, 1979 từ trại tỵ nạn Thái Lan chúng tôi đã vào nước Mỹ qua cửa phi trường New York. Trên chính quê hương bị ngược đãi kỳ thị trong khi trên xứ người được ân cần chào đón và chúng tôi đã lập cuộc đời mới, đóng góp ít nhiều trên đất mới. Trở lại đây thăm Nữ Thần Tự Do để nói lời cám ơn, mong ánh đuốc Tự Do của Bà soi rọi khắp mọi miền trên thế giới, xua tan bóng tối bất công, áp bức để mọi người được tự do, hạnh phúc...

Trịnh Hảo Tâm