Hệ thống xa lộ toàn nước Mỹ - mang tên Dwight D. Eisenhower để vinh danh vị tổng thống đã khai sinh ra công trình này vào năm 1956 - có chiều dài gần 70.000 cây số, xuyên qua 50 tiểu bang, được đánh giá an toàn và hữu hiệu nhất trên thế giới, từng được bầu chọn là một trong bảy kỳ quan du lịch của Hoa Kỳ.
Nhưng trăm nghe vẫn không bằng một thấy, thế là chúng tôi quyết định làm chuyến du hành bằng xe hơi trên một đoạn của hệ thống này mà điểm khởi hành là Los Angeles, để đến San Francisco. Thay vì chọn freeway số 5 chỉ mất hơn năm giờ nhưng đi ngang toàn những cánh đồng cỏ, anh bạn chí thân sống ở Mỹ hơn 30 năm đề nghị: “Nên đi theo xa lộ 101, tuy xa hơn nhiều nhưng bảo đảm sẽ gây ấn tượng mạnh”, bởi đây là một trong những con đường đẹp nhất dọc bờ biển Thái Bình Dương của California.
Rời khỏi Los Angeles khoảng 160 cây số thì tới Montecito, xe bon bon chạy trên con đường quanh co vắng vẻ qua những đồi thông thơ mộng. Đây là chốn nghỉ dưỡng của nhiều ngôi sao lừng danh Hollywood như Steven Spielberg, Avril Lavigne, Kevin Costner, Michael Douglas... với những biệt thự tráng lệ giá hàng chục triệu đô.
Không như những khu vực của dân trung lưu, nơi mà nhà cửa ngăn nắp, phố rộng thênh thang, lề đường thẳng tắp; một số khu vực thượng lưu ở Mỹ có đặc điểm khác người là đường không tên - nhà không số - phố không đèn. Như ở Montecito này chẳng hạn, nhiều con đường chỉ có miếng gỗ thô mộc khắc tên đường gắn hờ hững ở góc phố. Nhà cửa hầu hết được xây dựng khuất tầm mắt, với cây cối bao phủ chung quanh, dù to lớn sang trọng bao nhiêu thì người bên ngoài cũng khó thể nhìn thấy.
Là vùng dành cho giới giàu tiền lắm của với giá nhà đất nằm ở top ten thế giới, nhưng quán xá khu vực trung tâm đều nho nhỏ xinh xinh, bên trong bày biện đơn giản hệt như những vùng thôn quê châu Âu. Khách hàng lui tới nơi đây đa phần dáng vẻ giản dị, nói năng hồn hậu, mang lại cảm giác thân thiện, dễ chịu.
Qua khỏi Montecito không lâu thì đến Santa Barbara. Năm 1602, nhà thám hiểm Tây Ban Nha Sebastian Vizcaino đặt chân lên bờ đúng vào ngày lễ thánh Barbara nên đã lấy tên vị nữ thánh đặt cho vùng này. Nắng vàng rực rỡ lôi kéo chúng tôi rời xe để thong thả tản bộ, ngắm nhìn nhà cửa tường vôi trắng mái ngói đỏ, đâu đó bên bờ giậu hàng rào là những giàn hoa giấy rực rỡ khoe sắc.
Thành phố biển tĩnh lặng, nước xanh cát trắng với những hàng cọ cao ngất đong đưa, giúp xóa tan ấn tượng trước đây của chúng tôi về một nước Mỹ văn minh công nghiệp thừa hối hả mà thiếu thong dong.
California xưa kia từng là đất của Tây Ban Nha rồi đến Mexico, nên các kiến trúc cổ trong vùng thể hiện rất rõ đường nét của hai nền văn hóa này. Một trong những di tích đặc trưng nhất ở Santa Barbara là ngôi nhà thờ của người Tây Ban Nha xây vào cuối thế kỷ XVIII, thu hút rất nhiều du khách viếng thăm.
Tiếp tục cuộc rong chơi, xe chúng tôi chạy dọc theo bờ biển hướng vào đất liền để đến 17 Mile Drive, được người Việt ở Mỹ thi vị hóa bằng cái tên “Mười bảy dặm đường tình”. Con đường này ngang qua hai khu vực của dân thượng lưu là Pacific Grove và Pebble Beach. Đặc biệt khu Pebble Beach có sân golf nhìn ra biển cả, được xem là sân golf đẹp nhất thế giới, nơi hàng năm diễn ra giải US Golf Open danh giá.
Chúng tôi dừng chân ở Bird Rock để thưởng thức bản hợp xướng của dàn đồng ca gồm hàng trăm chim hải âu đang tụ tập trên một ghềnh đá gần bờ, khuấy động cả vùng biển vắng.
Nhìn những bàn đá cùng với lò nướng đặt rải rác dọc bờ biển dành cho dân đi picnic, mọi người đều có ngay một liên tưởng giống nhau: nếu ở “bên mình”, thì nơi đây có thể biến thành điểm hẹn ưa thích của dân nhậu, vì chỉ cần lội ra ghềnh đá là có sẵn... mồi thơm ngon.
Điểm tham quan tiếp theo là vùng Monterey, một bán đảo nhiều núi đồi, cây cối rậm rạp, được bao quanh bởi bờ biển xanh êm đầy đá tảng. Năm 1602, Sebastian Vizcaino là người da trắng đầu tiên đến nơi này và đặt tên cho vùng đất là Monterey, theo tên của vị phó vương Tây Ban Nha Count de Monte Rey. Đến năm 1846, thời kỳ đầu nước Mỹ lập quốc, lực lượng hải quân tiến chiếm Monterey mà không tốn viên đạn nào. Ba năm sau, Monterey được chọn là thủ đô đầu tiên của tiểu bang California.
Thấp thoáng trong rừng tùng là những ngôi biệt thự hài hòa giữa thiên nhiên, thế giới riêng của những thị dân mà cuộc sống bon chen không còn là mối bận tâm nữa. Trên những khu phố dốc cao ở trung tâm Monterey san sát những cửa hàng nho nhỏ bán kem, tiệm bánh, tạp hóa, nhà thuốc tây được trang trí bởi những chậu hoa đẹp đẽ. Những quán cà phê vỉa hè luôn đông đúc khách phong lưu đang nhàn nhã ngắm nhìn người qua lại.
Sững sờ nhất là khi chúng tôi đến Carmel By The Sea, phía Nam của Monterey. Nhà cửa ở đây phảng phất dáng dấp châu Âu, thậm chí có cả những ngôi nhà xây theo kiến trúc colombage đặc thù của vùng Normandie bên Pháp. Trước mỗi căn nhà đều rợp bóng cây xanh, dây leo e ấp và cơ man nào là hoa, từ loài nhiệt đới như lan, cúc, thiên lý, dâm bụt đến các giống xứ lạnh như mộc lan, cẩm chướng, đỗ quyên, tulip, đẹp say đắm lòng người.
Năm 1602, nhà thám hiểm Tây Ban Nha Sebastian Vizcaino đến vùng bình nguyên này đúng vào ngày lễ thánh bổn mạng Lady of Carmel của mình nên đã lấy tên thánh nữ đặt cho vùng đất mới. Tiếp theo, các linh mục dòng Francisco đã xây cất nhà thờ truyền giáo ở gần cửa sông Carmel. Đây là ngôi giáo đường thứ hai trong tổng số 21 nhà thờ mà người Tây Ban Nha xây ở California.
Để thưởng thức vẻ đẹp thành phố một cách trọn vẹn thì phải tản bộ, nhàn nhã ngắm các cửa hiệu bán đồ cổ, tranh ảnh, quà lưu niệm, bánh ngọt, cà phê, nhiều nhất là nhà hàng ăn, tất cả đều phủ đầy hoa tươi cuốn hút mời gọi.
Chiều dần buông, chúng tôi phải hối hả lên đường trực chỉ San Francisco, thành phố duyên hải miền Tây nước Mỹ mang đậm nét châu Âu thanh lịch. Nơi đây cũng có một thử thách dành cho các bác tài để được thừa nhận là tay lái già dặn khi khéo léo vượt qua con đường Lombard dốc thẳng đứng, được xem là ngoằn ngoèo nhất hành tinh với tám đoạn cua uốn quanh khúc khuỷu.
Đường Lombard ngoằn ngoèo nhất thế giới |
Trải mình trên chín ngọn đồi, thành phố lớn thứ hai của California mỗi năm đón hơn 14 triệu du khách năm châu đến chiêm ngưỡng các địa danh nổi tiếng cùng các di sản kiến trúc tại thành phố già nhất của cường quốc trẻ nhất thế giới này.
Chinatown là một trong những điểm thu hút nhiều du khách, chỉ đứng sau cầu Golden Gate mà thôi. Đặc biệt, nếu ở các khu Chinatown khác trên nước Mỹ như Los Angeles, New York, người Việt gốc Hoa chiếm phần đông thì Chinatown ở San Francisco vẫn là thành trì kiên cố của người Hoa chính gốc. Cộng đồng này đã định cư nơi đây trên 150 năm nên vừa giàu tiền vừa mạnh thế. Phần nữa do giá thuê mặt bằng rất cao nên người Việt và cả người Việt gốc Hoa đều khó chen chân vào, vì vậy tại đây chỉ có lác đác vài tiệm phở.
Chúng tôi vượt cầu Golden Gate ra khỏi San Francisco để đến Sausalito, một trong những vùng giàu có của nước Mỹ. Thành phố tuy chỉ khoảng hơn bảy ngàn dân nhưng là một điểm thu hút khách du lịch, được thế giới biết đến vì nhiều phim lấy bối cảnh vùng này. Thời kỳ viết cuốn tiểu thuyết The Sea-Wolf, đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Sói biển”, Jack London cũng từng đến sống ở Sausalito để tìm nguồn cảm hứng.
Đây cũng là nơi sinh sống của đông kiều dân gốc Pháp nên có nhiều nhà hàng phong cách châu Âu nằm hai bên con đường chính chạy dọc theo bờ vịnh. Ghé vào một quán vỉa hè đúng phong cách Paris, chúng tôi vừa nhâm nhi ly cà phê nóng vừa ngắm cảnh hoàng hôn êm ả trên vùng vịnh San Francisco, dõi theo những cánh chim chiều sải rộng trên mặt nước mà ngẩn ngơ với khám phá mới lạ về một Cali tao nhã và quyến rũ.
Chúng tôi tận hưởng một buổi tối hàn huyên trong bầu không khí ấm cúng, của nhà hàng xoay trên tầng cao nhất của khách sạn năm sao Hyatt, với món ăn ngon miệng, dưới ánh sáng dịu dàng của những ngọn đèn và âm thanh dìu dặt của các bản nhạc trữ tình.
Khi chúng tôi rời nhà hàng, giọng ca của huyền thoại nhạc jazz Nat King Cole vang lên bài hát I left my heart in San Francisco như bày tỏ giùm nỗi lòng khách phương xa. Và chúng tôi cũng đã bỏ lại một nửa con tim khi từ giã vùng biển xanh nắng ấm đầy ấn tượng này.
Phụ Nữ TPHCM
0 nhận xét
Đăng nhận xét