>> Du lịch Nam Mỹ - Sân vận động Maracana: Cuồng nhiệt cùng người hâm mộ bóng đá
>> Hình ảnh đoàn khách của DL Hoàn Mỹ tại Nam Mỹ
>> Chương trình du lịch Nam Mỹ tham khảo

Du lịch Nam Mỹ - Trận chung kết World Cup 2014 sẽ được tổ chức ở sân bóng giầu huyền thoại nhất lịch sử bóng đá thế giới: Maracana. Đó là một ngôi nhà chứa đầy truyền thuyết túc cầu, luôn tạo những điều kỳ diệu mê hoặc. Hãy cùng ghé thăm ngôi nhà chứa đựng linh hồn của bóng đá đó!

Tổng quan sân Maracana sau khi được tôn tạo để phục vụ cho trận chung kết World Cup đầu tiên trong lịch sử
maracana_01
Tổng quan sân Maracana sau khi được tôn tạo để phục vụ cho trận chung kết World Cup đầu tiên trong lịch sử
Sự trở lại của đấy trường huyền thoại Maracana
Năm 2013 là thời điểm bản lề quan trọng của nền bóng đá Brazil. Chỉ còn vài tháng nữa, World Cup 2014 sẽ diễn ra ở xứ sở Samba. Và trận chung kết World Cup 2014 đã được chọn nơi tổ chức. Đó chính là sân bóng giầu huyền thoại nhất lịch sử túc cầu thế giới: Maracana. Đó là một ngôi nhà chứa đầy truyền thuyết túc cầu, luôn tạo những điều kỳ diệu mê hoặc giống như SVĐ Zerao - thánh đường tình dục nằm trên đường xích đạo giữa rừng già Amazon xa xôi hay "mảnh đất thiêng" Signal Iduna Park trong tâm tưởng mỗi CĐV Borussia Dortmund. Nào, chúng ta hãy cùng ghé thăm những ngôi nhà chứa đựng linh hồn của bóng đá đó!
Tài sản chung của người Brazil
Không có một chương riêng về Maracana thì chắc chắn mọi tác phẩm viết về bóng đá Brazil đều không đầy đủ. Chỉ cần lướt qua danh sách những huyền thoại bóng đá thường xuyên trình diễn tại đấy, là đã thấy ngợp: Garrincha, Nilton Santos, Didi, Mario Zagallo, Gerson, Rivelino, Zico...
Đấy là nơi mà "Vua bóng đá" Pele đã ghi bàn thắng thứ 1.000 trong sự nghiệp bóng đá đỉnh cao. Đấy là sân nhà của Flamengo, Botafogo, Fluminense, Vasco da Gama - những CLB nổi tiếng hàng đầu Brazil.
Wikipedia ghi nhận: trận derby "Fla-Flu" nổi tiếng từng lôi kéo 194.603 khán giả đến Maracana năm 1963. Mà đâu riêng gì bóng đá, các đại danh ca, các ban nhạc huyền thoại như Frank Sinatra, Beatles hoặc Rolling Stones đều đã biểu diễn tại đấy.
Quá khứ huy hoàng của Maracana lộ rõ ngay từ những chi tiết thời sự nhất. Hàng ngàn thổ dân, sinh viên, công chức... đã biểu tình ở Rio de Janeiro trong những ngày cuối năm 2012, để phản đối kế hoạch tư hữu hóa SVĐ Maracana hiện đại, vốn chưa khánh thành. Maracana phải là tài sản chung của người Brazil, chứ không thể thuộc về một hay một nhóm cá nhân nào!
maracana_02
Sân Marcana sẽ có hình hài mới khi Brazil tổ chức World Cup 2014
Đấu trường kỳ bí đầy huyền thoại
Maracana ra đời vài năm sau khi kết thúc Thế chiến II. Hồi ấy, cả châu Âu còn đang chìm trong điêu tàn, và Brazil đã không bỏ qua cơ hội đăng cai VCK World Cup 1950. Maracana được khởi công xây dựng vào năm 1948 trong hoàn cảnh như vậy.
Đương nhiên nó phải trở thành sân bóng lớn nhất, hoàn hảo nhất thế giới! 10.000 công nhân làm việc hối hả khiến sân Maracana được hoàn thành trong khoảng thời gian kỷ lục. Trên giấy tờ, Maracana có sức chứa 183.000 chỗ, nhiều hơn 43.000 chỗ so với sân bóng lớn nhất thế giới ở thời điểm trước đó là Hampden Park ở Glasgow (Scotland).
Thế rồi, Brazil long trọng khai mạc World Cup 1950 bằng 21 phát đại bác. Khi đội chủ nhà Brazil mở tỷ số ở trận ra quân (thắng Mexico 4-0), trận đấu phải tạm ngưng hàng chục phút để phóng viên của các đài phát thanh tràn vào sân, phỏng vấn nóng ngay trên thảm cỏ Maracana!
Brazil xây SVĐ lớn nhất thế giới Maracana là để tổ chức trận chung kết World Cup 1950, để ĐT Brazil tận hưởng vinh quang vô địch thế giới ngay trên sân nhà? Đúng, và sai. Nhưng trớ trêu thay, điều mà bạn cho là đúng thì thật ra là sai, còn điều mà ai cũng thấy sai thì ít ra còn có chỗ đúng!
maracana_03
Hình ảnh sân vận động Maracana của DL Hoàn Mỹ trong chuyến đi khảo sát ở Nam Mỹ
Quả đã có chuyện người Brazil - và không chỉ người Brazil - nghĩ rằng đương nhiên là Selecao phải vô địch World Cup tại sân Maracana. Diễn văn chúc mừng những nhà Vô địch của chủ tịch FIFA và tổng thống Brazil khi đó đã được viết sẵn. Báo chí Brazil viết bài bình luận trước ngày diễn ra trận đấu cuối cùng như thể Brazil vô địch là chuyện không còn gì phải bàn cãi: "Ngày mai, chúng ta lên ngôi vô địch World Cup, tại thánh đường Maracana".
Bây giờ thì ai cũng biết, thảm họa đã ập xuống ĐT Brazil và khoảng 200.000 khán giả trong trận quyết đấu tranh chức vô địch World Cup 1950 (Uruguay thắng Brazil 2-1) là như thế nào. Vâng, đấy thật sự là một thảm họa, được đặt tên là "Maracanazo".
Bảo Brazil xây sân Maracana để tổ chức trận chung kết World Cup 1950 thì... sai chỗ nào? Sự thật rành rành: World Cup 1950 đâu bao giờ có trận chung kết! Sân Maracana chưa bao giờ tổ chức một trận chung kết World Cup bởi tại Cúp Thế giới 1950, 4 đội mạnh nhất đá vòng tròn để chọn ra nhà Vô địch. Phải đến World Cup 2014, sân Maracana mới chính thức tổ chức một trận chung kết đúng nghĩa.
Tại Brazil, ít nhất đã có 3 cuốn sách hay viết về "Maracanazo", trong khi Pele và đồng đội vô địch World Cup 1970, đoạt vĩnh viễn Cúp Jules Rimet, chỉ có đúng một cuốn sách viết về họ, phát hành ở Anh chứ không phải ở Brazil!
Theo Internet - Ngày 30/12/2013

>> Du lịch Nam Mỹ - Machu Picchu - Điểm đến số 1 Nam Mỹ
>> Hình ảnh đoàn khách của DL Hoàn Mỹ tại Nam Mỹ
>> Chương trình du lịch Nam Mỹ tham khảo

Du lịch Nam Mỹ - Không phải cho đến khi được Tổ chức New7Wonders bình chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới mới (vào ngày 7.7.2007) mà trước đó Machu Picchu đã là "điểm nóng" trên bản đồ du lịch. Và nếu bạn đang khao khát một chuyến đi khó quên trong đời, hãy đến và trải nghiệm Machu Picchu vào khoảnh khắc kỳ diệu nhất: đón bình minh trên ngọn núi thiêng của người Inca.
binhminhmachu_01
Bình minh trên ngọn núi thiêng (hình gương mặt một người đàn ông ngước lên bầu trời - đỉnh cao nhất là cái mũi)
Vào vương quốc của người Inca
Hành trình của tôi bắt đầu vào một ngày mùa đông tháng 7. Từ Cusco - thủ đô đế chế Inca xưa - tôi chọn cách phổ biến nhất là đi tàu hỏa (giá vé bèo nhất cũng hơn 1,5 triệu đồng) để tới Aguas Calientes. Mọi người sẽ ngủ lại đêm để sáng hôm sau lên Machu Picchu.
Dù 5 giờ sáng chuyến xe buýt đầu tiên từ Aguas Calientes lên Machu Picchu mới khởi hành, nhưng khoảng 4 giờ, một hàng dài du khách đã đứng xếp hàng co ro trong cái rét cắt da của núi rừng ở độ cao hơn 2.000 m.

Từ Agua Calientes lên Machu Picchu chừng 20 phút nhưng cao độ chênh lệch đến 600 m và giá vé xe cũng bị "chém" tới gần 200.000 đồng/chiều. Chiếc xe chạy vòng quanh con đường đèo hẹp, bên dưới là dòng sông Urubamba cuồn cuộn chảy xiết, không khỏi làm tôi dấy lên cảm giác vừa hồi hộp vừa háo hức. Đi cùng tôi là anh bạn tên Steve. Steve đưa cho tôi xem một đoạn trong cuốn sách của nhà khảo cổ học Hiram Bingham, người có công phát hiện ra Machu Picchu năm 1911: "Chúng tôi đang mở lối xuyên rừng nguyên sinh...

Bất thình lình, trước mặt tôi là một bức tường rêu phong cổ kính, dựng nên từ những tảng đá gia công tỉ mỉ của người Inca. Sau khi ước lượng mỗi khối đá khổng lồ ấy nặng khoảng 10 -15 tấn, tôi không thể tin vào mắt mình".
Vé vào cổng di tích khá đắt (khoảng 900.000 đồng) nhưng không phải muốn mua là được. Ngày nay, chính phủ Peru chỉ cho phép khoảng 2.500 du khách đến Machu Picchu mỗi ngày vì lo ngại di tích có thể xuống cấp nếu tiếp một lượng du khách quá lớn. Trình hộ chiếu của mình cho một cô gái Peru trong trang phục truyền thống, cô cầm con dấu có hình ngọn núi thiêng Huayna Picchu (biểu tượng của Machu Picchu) đóng vào hộ chiếu làm kỷ niệm và nói "Chúc mừng người bạn Việt Nam đến Machu Picchu, thành phố của người Inca".
binhminhmachu_02
Bình minh trên ngọn núi thiêng
Vào khu thánh địa, trời hãy còn tối nên tôi chỉ có thể nhìn thấy vài bước chân phía trước và những ánh đèn pin lấp lóa tìm chỗ ngồi. Một vài tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng rì rầm khe khẽ của du khách...

Dường như không khí trong lành ở vùng núi Andes tràn đầy phổi càng làm mọi người hồi hộp, chờ đợi hơn. "Tôi đã dành tiền tiết kiệm cả năm trời chỉ để được ngắm mặt trời mọc trên đỉnh Machu Picchu này đấy", tôi nghe một cô gái thì thầm trong khi mắt nhìn về phía đằng xa, nơi đỉnh Wuayna Picchu chìm nổi trong sương mù.
machupichu_03
Đoàn khách của DL Hoàn Mỹ tại Machu Picchu, Nam Mỹ
Rồi khoảnh khắc đặc biệt cũng đến khi vầng thái dương ló dạng. Đám sương mù từ từ tan chảy. Một cảm xúc rất khó diễn tả bằng lời. Tất cả những gì tôi có thể làm là lặng người chiêm ngưỡng ánh sáng mờ ảo chiếu dần lên đống đổ nát của thành phố cổ, "thánh địa" của đế chế Inca hùng mạnh nhất Nam Mỹ một thời.

Mọi người đồng loạt vỗ tay, nở những nụ cười hạnh phúc và ôm ghì lấy nhau bất kể quen, lạ. (Thật tiếc, đứng cạnh tôi không phải là một cô gái tóc vàng xinh đẹp mà là một anh da đen to lớn. Anh ta ôm ghì tôi như siết con nhái bén...).
Một số người Peru cầm chiếc lá coca (chiếc lá linh thiêng của người Inca) ngửa mặt lên trời, miệng lầm rầm cầu khấn rồi đặt chiếc lá xuống, chèn viên đá lên. (Khi cầu khấn một điều gì người Peru thường lên những đỉnh núi cao hoặc nơi linh thiêng vì theo họ ở đấy lời cầu khấn sẽ dễ được trời "nghe" hơn).

Anh bạn Steve bước tới bức tường đá của khu di tích, anh đặt tay và chạm đầu vào bức tường rồi thì thầm gì đấy. Hình như anh đang cố gắng kết nối với các vị thần ở Machu Picchu qua sự lạnh lẽo của những hòn đá cổ xưa. "Anh ước gì thế, Steve?", tôi hỏi. Steve trả lời bằng một giọng rất nghiêm túc: "Tôi ước mình mọc nhiều tóc để không bị... hói nữa".

Không biết các vị thần Inca có đủ quyền năng làm tóc của Steve mọc trở lại không, nhưng tôi tin chắc một điều rằng đến Machu Picchu bạn sẽ không bao giờ hối hận.
Thật đấy!
Theo Thủy Tiên - Báo Thanh Niên tuần san - Ngày 21/01/2014