Thung lũng Napa và thung lũng Sonoma được xem là mảnh đất rượu vang California, ngôi nhà của những ruộng nho nổi tiếng nhất thế giới. Khí hậu phong phú của vùng thung lũng bắc San Francisco cực kỳ phù hợp với các giống nho, và ở đây có tới gần 300 nhà máy sản xuất hàng triệu thùng rượu vang ngon hàng năm.

Tham quan vòng quanh ruộng nho và thử rượu là những hoạt động phổ biến tại đây, còn các vùng ngoại ô đã trở thành những địa điểm tuyệt vời cho các hoạt động ngoài trời như khinh khí cầu, đạp xe hay cắm trại.

Trong hai thung lũng, Napa lớn hơn, trải dài khoảng 35 dặm từ phía cuối nam thành phố Napa đến phía bắc Calistoga. Không chỉ có rượu vang, thung lũng Napa còn nổi tiếng về nghệ thuật, ẩm thực và những người dân tuyệt vời. Tuy nhiên, với những du khách thích tìm kiếm thứ gì đó yên tĩnh, họ tới phía đông để thăm thung lũng Sonoma.

Du lịch Rượu Vang đang trở thành hoạt động tiêu khiển thú vị nhất của những khách du lịch hạng sang, bao gồm rất nhiều du khách Việt Nam đã bị quyến rũ vì lời hứa hẹn hấp dẫn về rượu vang, ẩm thực cùng với văn hoá, chất lãng mạn, và một chuyến tham quan đồng quê độc đáo tại một trong những vùng trồng nho lớn nhất thế giới.

“Du lịch rượu vang” nghĩa là tổ chức các chuyến tham quan để vinh danh các giá trị, hương vị và việc buôn bán rượu vang. Đây là một loại hình du lịch đã phát triển tại hầu hết các vùng trồng nho trên thế giới, hiểu theo một cách đơn giản là dạo qua những ruộng nho màu mỡ ở thung lũng Napa hoặc theo kiểu cầu kỳ là giống như việc thuê một biệt thự xinh đẹp ở miền nam nước Pháp trong vòng một tháng. Du lịch rượu vang là một cơ hội tuyệt diệu để học về con người, văn hoá, di sản, và phong tục của mảnh đất đó.

Ta có thể dễ nhận ra những mô tả về “trải nghiệm thú vị trên vùng đất làm rượu vang” qua cách nấu nướng và các tài liệu du lịch. Đó không chỉ là sự khám phá bản tính tự nhiên lạ kỳ của rượu vang mà cả tính chất lãng mạn cũng như khêu gợi của nó. Một ví dụ về điều này có thể được tìm thấy trong một tờ báo cổ trên tạp chí “Cuisine”:

Ở bất cứ nơi nào có rượu ngon, bạn sẽ thấy cả những người dân vui vẻ và đồ ăn ngọt ngào…Trong thế giới lý tưởng ấy, tôi sẵn sang bỏ ra ít nhất sáu tháng để khám phá từng ngóc ngách, xó xỉnh của vùng đất rượu vang. Tôi sẽ đến thăm một nhà máy rượu mỗi tuần và ở lại cho tới khi những chai rượu vang và cả những người làm rượu trở thành những người bạn lâu năm. Đó sẽ là quãng thời gian để tận hưởng cái nắng đẹp ban ngày và cái mát lạnh của khí hậu Địa Trung Hải về đêm, sẽ có những buổi cắm trại nhàn rỗi giữa cánh đồng hoa dại bao quanh những vườn nho cổ kính và cùng với dân làng làm những loại rượu địa phương trong những bữa tiệc nướng náo nhiệt về đêm.

Một trong số những vùng đất nổi tiếng nhất và được trang bị hiện đại nhất trong ngành du lịch rượu vang trên thế giới hiển nhiên chính là Thung Lũng Napa California, mảnh đất rộng lớn, trải dài với rất nhiều các nhà máy rượu vang lớn nhỏ tuyệt hảo, mang đến cho du khách các bữa tiệc thử rượu vang, chuyến thăm quan ruộng nho, các nhà hàng, khu nghỉ mát, spa, khu nghỉ dưỡng, khu vực nghỉ ngơi & bữa sáng cao cấp, triển lãm nghệ thuật, địa danh nổi tiếng, sân golf, cửa hàng ăn uống sành điệu và nhiều hơn thế nữa.

Thung lũng Napa đã được khuyến khích phát triển du lịch rượu vang từ những năm 1960 và ngày nay du lịch ở đây được điều hành & quản lý tốt đến mức bản thân nó đã đâm chồi thành một nền công nghiệp.

Cũng vậy, một nét mới trong ngành du lịch rượu vang tại vùng đất này là sự hiện diện của “Phòng Thử Rượu Vang Cộng Đồng”, thường là trên một con đường nhỏ hoặc trên một khu phố nơi tập hợp một nhóm gồm những nhà làm rượu nhỏ và những nhà máy rượu chất lượng cao cùng nhau giới thiệu sản phẩm của họ tới “những du khách đam mê rượu vang”.

Đặt tại Khu Phố Chính Napa là Phòng Thử Vintner, một phòng thử rượu cao cấp triển lãm 18 nhà làm rượu danh tiếng trong toà nhà Pfiefer – toà nhà đá cổ kính nhất tại Napa. Được xây dựng từ năm 1875, cấu trúc đá sa thạch khác biệt này đã từng là nhà máy ủ rượu bia, sau đó là quán rượu, nhà chứa và xưởng giặt là.

Khôi phục lại và khai trương vào tháng 8, năm 2002, hiện giờ nó là ngôi nhà gồm hai phòng thử rượu tập thể, một cửa hàng lưu niệm trên tầng trệt, một phòng thử riêng tư và một bàn thử ngoài trời cao cấp.

Thiết kế thanh lịch của ngôi nhà luôn tạo cảm hứng cho quá trình thử rượu vang. Du khách có thể chọn lựa giữa ba băng chuyền khác nhau phân loại theo từng sở thích riêng. “Phòng Thử Rượu Pfeiffer”, mang tới cho khách hàng cơ hội lựa chọn bốn loại bất kỳ từ bộ sưu tập thay đổi hàng ngày với ly thử rượu sang trọng của Riedel. Những nhà buôn rượu sành sỏi cũng thường lui tới đây. Ngoài ra, CLB Nhà Sưu Tầm & Khách Hàng Rượu Vang Sành Điệu được thiết kế phù hợp với sở thích & túi tiền của mỗi người.

Phòng Thử Vintner luôn đặt sự thoải mái của khách hàng lên hàng đầu. Những triển lãm nghệ thuật luân phiên & những chiếc ghế điệu rườm rà khuyến khích du khách trở lại đây thường xuyên hơn; đối với một nhóm nhỏ đến đây, họ có thể tận dụng bàn thử rượu riêng tư hay bàn ngoài trời để ngắm nhìn thị trấn Napa. Còn đối với những người muốn giành nhiều thời gian để nếm thử và đánh giá rượu hơn là đi đến những điểm xa xôi hay vùng ngoại ô thì đây quả là nơi lý tưởng để thử những chai vang tuyệt nhất Napa.

Một trong những nhà sản xuát rượu được ưa chuộng nhất tại nơi thử rượu Vintner là Vinoce từ vùng ngoại ô Mt. Veeder.

VINOCE là một hãng rượu gia đình, quy mô nhỏ do Brian và Lori Nuss làm chủ. Hơn 28 năm nay, họ đã sử dụng những kiến thức riêng để phát triển giống nho Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc và Merlot trên những sườn đồi trúc trắc của vùng núi Veeder. Brian và Lori luôn làm việc hết mình để tạo ra các chai vang có thể phản ánh những nét tiêu biểu nhất của vùng núi Veeder danh tiếng.

Rượu vang Vinoce Cabernet Sauvignon Reserve được coi là loại vang hiếm có trong những năm gần đây, nó thật đáng kinh ngạc với hương vị đậm đà, mùi thơm mạnh mẽ, thực sự cường tráng của quả lý đen, cây việt quất, quả mận chín, sôcôla đen, cam thảo và cây ngài đắng được ủ hoàn hảo trong thùng gỗ sồi Pháp.

Rượu vang Vinoce Sauvignon Blanc: Một sự kết hợp tuyệt vời giữa trái cây, kết cấu thanh nhã nhưng phong phú làm nên một chai vang Sauvignon Blanc ngon tuyệt. Loại vang này thể hiện mùi vị nho, thảo mộc, vỏ cam và dưa vàng, dư vị hoàn toàn cân bằng.

Theo TTOL

Los Angeles (LA) là một điểm du lịch vô cùng hấp dẫn. Địa chỉ đầu tiên mà ai đến LA đều không thể bỏ qua: tấm bảng Hollywood nổi tiếng.

Không thể lái xe tới đó, cũng không thể đi bộ lại gần nhưng từ đường Franklin ở Hollywood bạn hãy quẹo lên đồi theo con đường Beachwood Canyon. Chỉ cần đi hết phân nửa con đường này, bạn đã có thể chụp hình tấm bảng nổi tiếng ấy. Bạn cũng có thể đậu xe ngay cuối đường Beachwood và leo đồi khoảng 30 phút để đến gần tấm biển hơn.

Đến với Los Angeles, bạn có thể dành cả ngày để tham quan công viên giải trí Universal Studios và khu mua sắm City Walk ngay bên cạnh.

Bạn cũng có thể tận hưởng thời gian ở LA bằng cách đi dọc đại lộ Hollywood tới nhà hát Trung Quốc Grauman’s, ngắm nhìn dấu tay và chân của các ngôi sao, chụp hình với những người đứng trên phố ăn mặc như những người nổi tiếng và siêu anh hùng. Sau đó bạn hãy đi mua sắm ở khu trung tâm Hollywood and Highland.

Còn những địa chỉ nữa mà chắc chắn là bạn cũng không thể bỏ qua là những cửa hàng đắt giá trên đường Rodeo, hay khu vui chơi Disneyland. Để đến Disneyland, bạn sẽ phải lái xe khoảng 45 phút.

Đó là những địa chỉ quá nổi tiếng và quen thuộc của LA. Thế nhưng, chúng vẫn chưa phải là toàn cảnh LA. Những gợi ý sau sẽ giúp bạn thật sự tận hưởng trọn vẹn những điểm du lịch hấp dẫn của thành phố này.

1. Thư viện Huntington, Los Angeles

Trong thư viện Huntington có trưng bày những tác phẩm tuyệt đẹp của Thomas Gainsborough The Blue Boy, những tư liệu quan trọng như Kinh thánh Gutenberg, một bản copy của The Canterbury Tales và Hamlet. Thế nhưng, điểm đặc biệt hấp dẫn của thư viện Huntington chính là quang cảnh bên ngoài.
Sự đa dạng của các loài thực vật trong khu vườn rộng hơn 485km vuông sẽ cho bạn cảm giác được thực sự hòa mình vào thiên nhiên. Nơi đây có cả một hệ thống sinh thái thu nhỏ, một vườn cây kiểu Nhật, một vườn cây kiểu Trung Hoa, một khu rừng thu nhỏ. Ở đây cũng có đủ cả hệ sinh thái sa mạc, vườn hoa và vườn cây cận nhiệt đới.

Sau khi tham quan thư viện Huntington, sẵn đang ở gần Pasadena, bạn hãy ghé tiệm Pie ‘n Burger và ăn thử hamburger. LA không phải là nơi có những nhà hàng cao cấp bậc nhất, nhưng burger ở đây ngon tuyệt.

2. Bảo tàng J. Paul Getty

Sự hấp dẫn của bảo tàng LA không chỉ ở các hiện vật bên trong, mà chính tòa nhà bảo tàng là một công trình kiến trúc hiện đại. LA là thành phố của những công trình kiến trúc nổi tiếng như nhà hát Los Angeles, hội trường Disney làm bằng thép không gỉ.

Khi đến trung tâm Getty, bạn hãy đi xe lên đồi, thưởng thức sự yên tĩnh và vẻ đẹp đơn giản của khu vườn được thiết kế bởi Richard Meier.
Bảo tàng mở cửa miễn phí cho khách tới thăm.

3. Sushi

Nếu không phải là người Nhật, bạn sẽ ngạc nhiên với món sushi của LA. Những hàng sushi ở khu đại lộ Ventura ở thành phố Studio, trong trung tâm thung lũng San Fernando, giá hòan toàn không rẻ nhưng chúng rất đáng tiền. Asanebo, Katsu-ya, Sushi Nozawa và Teru Sushi là những địa điểm bán sushi khá ngon thường được giới thiệu cho khách du lịch.

4. Công viên Runyon Canyon, Los Angeles

Nếu đã choáng ngợp với đường phố và những khu mua sắm sầm uất của LA, bạn sẽ bất ngờ trước vẻ đẹp thanh bình của biển và núi Santa Monica.
Người LA có 2 kiểu sống: những người giàu có sống gần biển, thích tự nhiên và những người sống trên đồi theo kiểu cowboy (thông thường thì sau khi có con cái họ cũng lần lượt chuyển ra ở gần biển).

Người sống gần biển thích lướt ván và đạp xe trên bãi biển. Người sống trên đồi thích leo đồi và khu công viên Runyon là nơi thích hợp nhất cho thú vui này. Ở Runyon, bạn có thể có cơ hội gặp nhiều người nổi tiếng đang đi dạo.

5. Đại lộ Robertson

Đến LA mà không được nhìn thấy những người nổi tiếng thì có lẽ bạn vẫn còn thiếu những câu chuyện vui để kể cho bạn bè về chuyến đi của mình. Dạo chơi trên đại lộ Robertson, nơi có nhà hàng Ivy và những salon nổi tiếng như Kitson hay Madison, nơi Us weekly thực hiện những tấm ảnh đẹp của mình, bạn có thể có cơ hội thấy các paparazzi chờ đợi ở ngoài Newsroom Café. Chắc chắn là họ đang rình để chụp hình một ngôi sao nào đó của Hollywood.

6. Biển Malibu

Đến với bãi biển Zuma ở Malibu, bạn có thể bắt gặp những hình ảnh rất đặc trưng cho LA: những phụ nữ xinh đẹp và những tay lướt ván đẹp trai. Bãi Muscle là địa chỉ của những người tập thể hình. Để được xem những chàng trai đánh bóng chuyền, bạn hãy xuống biển Manhattan.

Còn lại một chút thời gian buổi trưa, bạn nên ghé thăm vườn rượu vang Milibu Family Wines, nếm rượu và mua cho mình một chai rượu ngon. Nó sẽ làm cho bữa tối của bạn ở LA thêm phần thi vị.

7. Đường Olvera

Người ta có thể khuyên bạn: “Đừng đi xuống phố vào giờ cao điểm”. Ở LA, “giờ cao điểm” ấy có thể hiểu là mọi lúc. Nhưng nếu vượt qua được khó khăn ấy, hãy dừng chân ở khu phố du lịch Olvera, nơi từng là trung tâm LA thời còn thuộc địa của Tây Ban Nha. Ở đây bạn có thể mua quà lưu niệm của Mexico, ăn thức ăn Mexico, Pháp và Do Thái.

8. Tour du lịch tới studio của hãng Warner Brothers

Nếu là một người rất say mê môn nghệ thuật thứ bảy, đừng bỏ qua tour du lịch tới studio của hãng Warner Brothers. Bạn sẽ vô cùng thú vị khi được ngắm nhìn những phim trường được xây dựng để quay các bộ phim, và cười vui khi nhìn thấy mọi người mặc những bộ quần áo ngộ nghĩnh di chuyển trên những chiếc xe gofl.

9. Cuộc dạo chơi trên đường số 3

Đường số 3 tập trung nhiều khu mua sắm và ăn uống ngoài trời. Cộng thêm lợi thế gần biển (chỉ cần đi qua 3 block đường), đường số 3 là một địa điểm thích hợp cho một cuộc dạo chơi buổi chiều của gia đình.

Nhiên Nguyễn (time.com)

Nhiều thành phố ở Mỹ thường cho du khách cảm giác choáng ngợp, nếu không vì sự hoành tráng, xô bồ, thì cũng vì sự lạnh lùng. Berkeley không như thế. Phố nhỏ, quán nhỏ, những ngôi nhà gỗ kiểu xưa, Berkeley giống một thành phố châu âu hơn là một thành phố Mỹ điển hình.

Thành phố của tự do và tri thức

Nằm ở phía Đông vùng vịnh, cách thành phố San Francisco hoa lệ chừng mười lăm phút đi xe, Berkeley là một trong những thành phố được ưa thích nhất nước Mỹ. Là quê hương của đại học cổ kính nhất và lớn nhất trong hệ thống đại học tư của bang California, Đại học Berkeley nổi tiếng với tháp chuông Campanile (còn gọi là Sather Tower, nằm trong khuôn viên trường, cũng là biểu tượng của thành phố).

Với lịch sử hơn 150 năm, sự hình thành và phát triển của Berkeley mang đậm dấu ấn của Đại học Berkeley, vì phần lớn những phát kiến đem đến sự phát triển cho thành phố đều xuất phát từ ngôi trường này, chẳng hạn như công trình quy hoạch thành phố, đường sá hiện đại từ năm 1868, đưa đèn điện, điện thoại và xe điện vào sử dụng từ những năm 1888... Đại học Berkeley có vai trò như một trung tâm tri thức, một cộng đồng văn hóa lớn có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống và tính cách người dân thành phố.

Từ thập niên 1950, Berkeley đã nổi tiếng là thành phố tự do và dân chủ với nhiều phong trào phản kháng của giáo sư và sinh viên chống lại nỗ lực đưa văn học chính trị và kiểm soát tư tưởng chính trị vào giảng đường đại học. Thập niên 1960 đánh dấu trào lưu phản chiến mạnh mẽ và ủng hộ Việt Nam của giới trí thức kéo dài đến giữa thập niên 1970.

Một người bạn sống ở Berkeley hơn 20 năm nói rằng không phải thành phố nào ở nước Mỹ nói chung, California nói riêng cũng có được không khí tự do phóng khoáng trong sự tôn trọng và hiểu biết như Berkeley. Ở đây không ai quan tâm đến việc bạn giàu hay nghèo, màu da gì, tôn giáo gì, đảng phái nào - dân chủ hay cộng hòa, đồng tính hay không đồng tính, ăn mặc có hợp mốt hay không…, miễn là bạn biết tôn trọng người khác thì sẽ được mọi người tôn trọng.

Có lẽ biểu tình bất bạo động vì dân chủ ở Berkeley đã trở thành truyền thống. Năm 2006, người dân và sinh viên đại học phản đối kế hoạch xây dựng trung tâm thể thao trong khuôn viên đại học để bảo vệ những cây sồi, bằng cách thay nhau ngồi tập thể ở khu vực này trong suốt… hai năm.

Organic - mốt cao cấp của thành phố xanh

Nếu như tại Los Angeles, người ta thấy những đại siêu thị, những khu chợ lớn, những bãi đậu xe khổng lồ, thì ở Berkeley, chợ nhỏ, siêu thị nhỏ là “đặc sản” của thành phố. Berkeley có hai siêu thị nổi tiếng là Berkeley Bowl và Monterey Market đều do người Nhật làm chủ. Hàng đã vào những siêu thị này đều được tuyển lựa và đạt chất lượng cao, đặc biệt các quầy thực phẩm, trái cây, rau quả “organic”, nghĩa là hoàn toàn “sạch”, chỉ dùng phân hữu cơ hoặc chế biến từ nguyên liệu thiên nhiên chứ không sử dụng hóa chất.

Rau quả organic thường có bề ngoài nhỏ thó, hơi còm cõi, xấu xí nhưng mùi vị thì đậm đà hơn hẳn và thường có giá đắt gấp ba bốn lần loại thường. Tất cả siêu thị trong thành phố đều có hai loại túi nylon và túi giấy ở quầy tính tiền. Nếu khách chọn dùng loại túi giấy, họ sẽ được giảm một ít tiền. Còn ai mang túi theo đựng thì được trừ thêm một ít nữa.

Ở Berkeley còn có một khu chợ rất thú vị, một tuần họp ba lần, gọi là Farm Market - chợ của những người nông dân sống các vùng lân cận mang nông sản tự trồng ra bán. Dĩ nhiên thực phẩm bán ở Farm Market rất tươi ngon vì mới thu hoạch và giá của nó thường cao hơn trong siêu thị.

Một buổi họp chợ vui giống như một buổi sinh hoạt cộng đồng của người dân thành phố, vừa đi chợ, vừa thư giãn. Không khí mua bán bình dân, người bán mời người mua nếm thử sản phẩm của mình, có những quầy bán các món truyền thống của người Thái, Ấn Độ, Mexico, ai có tài năng gì đều có thể mang ra chợ trình diễn, nào là đàn ca, múa hát, vẽ tranh…

Ở Berkeley, các nguyên tắc phân loại rác rất rõ ràng, bao gồm rác thường và rác tái sinh, trong đó rác hữu cơ được gom riêng để dùng làm phân hữu cơ (compost), còn chai nhựa, thủy tinh được gom riêng để tái chế. Đó là quy định của thành phố và được hầu hết người dân ủng hộ, tạo nên nếp sống ở nơi đây. Các gia đình phân loại rác hữu cơ nếu sau này có nhu cầu sử dụng phân hữu cơ thì liên hệ công ty vệ sinh của thành phố để lấy về dùng.
Gần đây, chính quyền thành phố còn có chương trình kết hợp với các ngân hàng hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, trong khi những cư dân biết lo xa đã lục tục mua xe hơi chạy bằng điện hoặc xăng và điện.

Chuyện cổ tích giữa mùa xuân

Chúng tôi có duyên được ngắm Berkeley vào mùa thành phố đẹp như chuyện cổ tích với những con đường phơi phới anh đào. Hoa đào ở Berkeley nở sớm, thường vào cuối đông, có đủ sắc và đủ loại, từ trắng, hồng nhạt đến hồng đậm, từ cánh đơn đến cánh kép. Một loài hoa đặc trưng được ưa chuộng nữa là hoa mộc lan (magnolia), màu trắng, vàng nhạt hoặc hồng nhạt, cánh như cánh sen, nhìn xa như những búp sen nhỏ đang xòe ra.

Vào mùa, cả thành phố như sáng lên khi giữa mùa đông ảm đạm bỗng rực rỡ những cành đào dịu dàng tươi thắm, hoa mộc lan khỏe khoắn thanh tao… Và khi những bông hoa thủy tiên màu vàng bắt đầu khoe sắc trên những bãi cỏ xanh biếc là dấu hiệu báo mùa xuân đã về.

Thưởng thức khẩu vị của một thành phố nổi tiếng tự do dân chủ nhất nước Mỹ cũng có phần đặc biệt. Ở trung tâm Berkeley có một khu ẩm thực nổi tiếng gọi là Gourmet Getto, nơi tập trung những quán ăn ngon nhất, có tiếng nhất trong vùng mà đặc biệt là Chez Panisse và Cheese Board. Chez Panisse thành lập từ năm 1971 bởi Alice Waters, tác giả cuốn sách nấu ăn nổi tiếng California Cuisine, nơi khai sinh những thực đơn pha trộn tinh hoa của ẩm thực Âu - Á, tạo nên một phong cách khẩu vị riêng rất khác với các vùng miền khác ở Mỹ.

Muốn đến ăn ở Chez Panisse, phải đặt bàn trước một tháng và thực khách cũng không biết mình sẽ được phục vụ món gì vì thực đơn thay đổi theo ngày, theo mùa, tùy thuộc những gì ngon nhất nhà bếp có thể mua được.

Cheese Board, hình thành từ năm 1967, là một “hợp tác xã” sản xuất pizza đúng nghĩa vì tất cả chủ cũng là nhân viên làm việc trong quán. Mỗi ngày Cheese Board chỉ làm một loại pizza và đặc biệt tất cả đều là bánh chay với những loại phô mai hảo hạng. Lần nào đi ngang qua chúng tôi cũng thấy vài chục người xếp hàng mua bánh. Lệ của quán là mua một miếng được tặng thêm một miếng, còn mua nguyên cái thì không được thêm gì cả. Có lẽ đó là ưu tiên ngược đời mà hợp tác xã dành cho giới sinh viên ít tiền chăng?

Như mọi thành phố có bề dày trí thức mang phong cách Âu châu, Berkeley có nhiều quán cà phê. Trong khi quán Starbuck duy nhất trong trung tâm lác đác vài vị khách hờ hững ngồi xem báo hoặc mua mang đi thì dân sành cà phê ở Berkeley tụ tập ở những quán quen, cũng là “đặc sản” của thành phố. Làm ăn ở Berkeley hẳn là không dễ, vì người dân thành phố này rất sành điệu, mà lại không theo thời, nên khó mà nắm bắt được ý của họ.

Chúng tôi rời Berkeley khi mùa xuân đã về mà chưa kịp khám phá hết những công trình nghệ thuật, viện bảo tàng, khu bảo tồn của thành phố. Nhưng lạ thay, ngay từ đầu, cảm giác háo hức “chạy show” danh lam thắng cảnh của một du khách tan biến tự lúc nào. Thay vào đó là niềm vui muốn được chầm chậm trải nghiệm cái hay cái đẹp của một thành phố văn minh, hay nói đúng hơn là tập tành lối sống hay, sống đẹp của một thành phố văn minh mà giản dị, gần gũi với môi trường, thiên nhiên. Chia tay phố nhỏ vuông vuông bàn cờ, nhà gỗ xưa với những lối đi đầy hoa, cảm giác lâng lâng như vừa đọc xong một chuyện cổ tích giữa mùa xuân...

Theo QUẾ ANH
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Đến San Francisco, người ta thờng đi bộ trên cây cầu nổi tiếng thế giới Golden gate., tham quan bến cảng Fisherman’s Wharf nay là điểm du lịch số một của San Francisco (SF), chụp ảnh ở bến Embarcadero, viếng đền Tien Hau trong Chinatown, phố tàu lớn nhất Bắc Mỹ, shopping ở phố Fillmore Street trong khu Pacific Heights….

Vậy còn gì phải làm để ghi dấu chân mình đã thăm SF, đại danh còn có tên gọi là Frisco, City bay the Bay, City of Change (Thành phố của thay đổi), Capital of Tech (Thủ đô của công nghệ)?

Hãy ngoạn cảnh, lên cầu bán nguyệt, thưởng thức trà thơm và nếm bánh may mắn (có nguồn gốc ở Nhật từ năm 1878) trong Japanese Tea Garden (Vườn trà Nhật), một “lãnh thổ” đậm nét châu Á trong Golden Gate Park, công viên hình vuông rộng hơn 4km2, tức hơn cả Central Park ở New York, mỗi năm thu hút hơn 14 triệu khách tham quan.

Vườn trà Nhật này, nằm giữa trung tâm thành phố và sát bờ Thái Bình Dương, là điểm đến thú vị của cư dân SF kể từ năm 1894 đến nay vì nó mang đến cho mọi khách tham quan một cảm giác rất thư thái, bình an, nhất là khi đến đây vào mùa xuân với các cây anh đào rộ sắc hồng, sắc trắng.

Nhưng đã tham quan vườn thì xem bạn mới chỉ hoàn thành được 50% công thức du lịch khám phá theo kiểu Mỹ là “been there” (từng đến đó). Bạn phải thêm phần “done that” (đã làm gì). Và du lịch SF, mà không một lần thử đi cable car là một thiếu sót lớn. Vì đây là hệ thống xe dây cáp cổ xưa nhất, lăn bánh lần đầu vào năm 1873, vẫn còn hoạt động tốt mãi cho đến nay, là phương tiện vận chuyển thuận lợi của cư dân SF và thu hút rất nhiều du khách. Vì cable car, với tiếng chuông “đinh, đinh, đinh” không thể nào nhằm lẫn được, cũng nổi tiếng như xuồng gondola ở Venice (Ý) và xe buýt đỏ hai tầng ở London vậy. Đây là phương tiện để lên, xuống 43 ngọn đồi của thành phố (có sách ghi 53), như chúng ta từng xem trong rất nhiều phim truyện của Hollywood, từ Dirty Harry năm xưa với diễn xuất của Clint East wood đến The Rock hồi thập niên 1990 với diễn xuất của Nicolas Cage.

Sau khi trải nghiệm đủ những việc này, bạn sẽ đồng cảm với tâm trạng của nghệ sĩ tài danh Tony Bennett khi ông hát “I left my heart in San Francisco”.
Lời tư vấn cuối cùng, đến với SF, bạn không chỉ nhớ mang theo vài đóa hoa (như lời ca khúc if you’re going to San Francisco nổi tiếng thế giới từ cuối thập niên 1960) mà còn phải nhớ mang theo đôi giày nhẹ, mềm. Vì đi bộ là cách hay nhất để khám phá thành phố rất đáng yêu này.

Theo DNSG Cuối Tháng

Mỗi thành phố đều gắn với một biểu tượng riêng. Tượng Nữ thần Tự do cùng bó đuốc vươn cao vẫn được coi là hình ảnh của New York, đồng thời cũng vừa là biểu trưng của nước Mỹ.

Tôi nhớ lại cảm giác cách đây vài năm, khi có dịp đi trên sông Seine ở Pháp về đêm. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Tượng thần Tự do — phiên bản đầu tiên của tuyệt phẩm tại Pháp.

Lúc đó, cảm giác choáng ngợp trước một tháp Eiffel lung linh trong đêm có phần nào lấn lướt sức hấp dẫn của bức tượng danh tiếng, tôi đã thầm ao ước liệu có dịp nào mình được tới thăm Nữ thần tại chính nơi mà nó vinh danh.


Và ngay lúc này đây, không chỉ có tôi, mà tất cả các du khách trên con tàu du lịch Circle đều cùng hồi hộp chiêm ngưỡng bức tượng của sự tự do. Cự ly ngày một gần hơn thì cảm giác choáng ngợp trước một công trình đồ sộ cũng càng lúc càng lớn hơn.

Tôi phát hiện ra một góc nhìn đẹp tuyệt, khi mà trên cao là từng tầng tán lá xanh rì. Nhưng cao mãi trên nữa là khuôn mặt nghiêng của Nữ thần, đẹp thanh thoát mà vẫn giữ nét uy nghiêm.

Hẳn là mẹ của điêu khắc gia Fréderic A. Bartholdi là người đàn bà đẹp khi thần thái của bà cũng là một nguyên mẫu của tác phẩm. Không có thời gian để leo lên đến vương miện của bức tượng, nhưng tôi có những giây phút thật thanh bình trên thảm cỏ xanh rờn dưới bệ tượng để ngắm hàng đàn chim trắng nhởn nhơ bay lượn trên bầu trời và lắng nghe đủ loại thứ ngôn ngữ của du khách thập phương.


Ngoài ra còn vô số các điểm đến thú vị khác ở Newyork. Tòa nhà Thị trường chứng khoán — nơi nhất cử nhất động đều có thể ảnh hưởng đến nền tài chính thế giới. Tòa nhà Liên hợp quốc với hàng cột cờ tung bay hàng trăm quốc kỳ của các nước thành viên. Khu Ground Zero, dấu tích của Tòa tháp đôi đang xây dựng lại.

Đại lộ số 5 nổi tiếng cho việc mua sắm. Vui mắt nhất là Quảng trường Thời gian với không gian của những màn hình tinh thể lỏng khổng lồ, phủ kín mặt tiền của tất cả các tòa nhà vây xung quảng trường.

Nhưng thú vị nhất với tôi vẫn là bắt gặp Tòa nhà Trump. Tôi từ lâu vẫn ngưỡng mộ tác giả của cuốn: “Nghĩ như một Tỷ phú” này, nên đã không bỏ lỡ cơ hội chụp ảnh một trong những trung tâm thương mại lớn mà tỷ phú Donal Trump sở hữu. Ở LasVegas, tôi lại lần nữa nhìn thấy một tòa khác cũng của Trump, cùng một dáng vẻ bề thế như danh tiếng của chủ nhân nó, nhưng là phủ kính vàng chứ không phải đen như ở New York.

Tại Washington DC đương nhiên phải tới thăm khu Công viên Quốc gia — National Mall vì: ”Tham quan National Mall là đọc lại đủ các chương lịch sử nước Mỹ, trong đó có đủ những trang vinh quang lẫn những trang bi kịch vô cùng tận”.

Ngày tôi thăm National Mall tình cờ lại đúng vào ngày cách đây 44 năm, nhà cách mạng Martin Luther King đã thực hiện bài phát biểu nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” vào cuối buổi diễu hành tại Washington vì Công việc và Tự do (March on Washing-ton for Jobs and Freedom- 28/8/1963).

Không biết có phải do âm hưởng của ngày tháng lịch sử mà cả không gian của National Mall thật trang trọng, đặc biệt là ở Đài tưởng niêm Lincoln (nơi diễn ra buổi mít ting). Không gian yên tĩnh và uy nghi như trong một ngôi đền ở Hi Lạp, càng linh thiêng hơn khi ta kính cẩn trước khuôn mặt của vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Có một cắt cảnh thật đẹp khi được đứng trước những cột đá hoa cương khổng lồ của đài tưởng niệm Lincoln, phóng tầm mắt qua Hồ phản chiếu để chiêm ngưỡng dáng vút cao của Đài tưởng niệm Washington.

Có 3 công trình liên quan đến những kỷ niệm xót xa về chiến tranh, đó là Đài Tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, Đài tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên và Đài Tưởng niệm Chiến tranh Thế giới lần thứ II.


Với tôi, đương nhiên những điều liên quan đến đất nước mình sẽ có một ấn tượng đặc biệt. Nhưng phải nói rằng cả hai Đài Tưởng niệm Chiến tranh về Việt Nam và Triều Tiên đều mang lại những xúc cảm sâu sắc cho du khách.

Khu vực tưởng nhớ đến cuộc chiến Triều Tiên khá ấn tượng, với hình tượng những người lính Mỹ đang rã rời trên một cánh đồng chiến tranh, hình ảnh nhất quán trên tất cả các tượng người lẫn những hình âm bản trên bức tường đá hoa cương bên cạnh cánh đồng.

Dòng chữ ghi lại “Tự do không phải được cho không” (Freedom is not free) chỉ vẻn ven có 4 từ, nhưng bao hàm những gì cay đắng nhất mà một con người đều thấm thía sau mỗi cuộc chiến. Tôi thấy có một vòng hoa tưởng niệm và cạnh đó là một đoàn du khách người Hàn. Họ cũng đang trầm lắng trước một giai đoạn lịch sử của dân tộc mình.

Nhưng những tấm đá hoa cương đen nổi tiếng của Bức tường chiến tranh- Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam mới là điểm được thăm viếng nhiều nhất với khoảng 4 triệu khách/năm. Tác phẩm này được coi là “một vết cắt đen tối của sự hổ thẹn và ân hận”.


Thực sự khi đứng trước bức tượng hình chứ V nổi tiếng và những dòng tên dài như vô tận của những người đã mất, tôi như nghẹn lại một cảm giác khó tả. Trước đó tôi được đọc một bài báo rất cảm động của nhà báo Hiêu Minh trên VietnamNet, cũng về cảm xúc của anh khi đứng trước Bức tường này. Tác giả có kể lại kỷ niệm về anh trai mình.

Nếu bạn cũng đứng trong không gian này như tôi, bạn sẽ có một cảm giác trân trọng những gì bạn đang thấy.

Vậy đấy, từ NewYork đến Washington DC. Từ tượng Nữ thần Tự do đến Bức tường chiến tranh. Những tên đất gắn với tên nhân vật, con người. Lịch sử gắn với hiện tại và cả tương lai. Mỗi một ngày được đi là mỗi ngày được biết, được hiểu hơn về thế giới, về nhân loại, và hơn hết là thêm trân trọng giá trị của cuộc sống- điều tưởng như ai cũng có thể sở hữu được nhưng có khi cũng là vô giá.

Theo Heritage

Nhắc đến thành phố New York, hẳn nhiều người đã nghe nói đến những điểm du lịch chính như: Quảng trường Times, Tượng Nữ Thần Tự Do, Viện bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Viện bảo tàng Nghệ thuật đương đại…

Đó chính là những địa chỉ không thể bỏ qua đối với những du khách chỉ có một ngày ghé thăm New York. Thế nhưng, giả sử tất cả những địa điểm đó bạn đã từng biết hết, thì một ngày ở New York của bạn nên là những địa chỉ mà du khách bình thường ít biết đến, những nơi người New York sống và vui chơi…

Trung Tâm Time Warner:

Những người New York mệt mỏi vì công việc thích giải tỏa căng thẳng ở một khu vực mua sắm tuyệt vời có tên Time Warner. Trên tầng 4 Time Warner có nhà hàng nổi tiếng của bếp trưởng Thomas Keller, và nhà hàng sushi nổi tiếng của Nhật Masa Takayama. Cả hai đều là những nhà hàng sang trọng và đắt tiền nhất New York.

Khu liên hợp mua sắm này tọa lạc ngay khu vực vòng xoay Columbus, phía Tây Nam của Công viên Trung tâm. Từ đây, bạn có thể vừa chiêm ngưỡng những quang cảnh đẹp mắt của công viên, vừa thưởng thức cocktail tại khu vực ăn uống Stone Rose hay trong một vị trí lịch sự hơn là quán bar ở khách sạn Mandarin.

Mọi người cũng có thể thưởng ngoạn quang cảnh với thức uống ngon lành và không gian nhạc Jazz đẳng cấp tại câu lạc bộ Coca-Cola của Dizzy, một trong những nơi tụ tập những người chơi nhạc Jazz ở trung tâm Lincoln.

Nếu bạn chỉ muốn đi shopping thì bạn cũng có thể thỏa mãn điều đó một cách dễ dàng. Ở đây có tới 50 cửa hiệu lớn nhỏ để mặc sức bạn tha hồ lựa chọn.

Tản bộ ở West Village:

Những ngôi nhà ở đây được xây dựng san sát nhau, dọc những hàng cây và những con đường lót sỏi. Những căn nhà này không có gì thay đổi từ thế kỷ 19. Du khách sẽ cần bản đồ hay sự hướng dẫn để có thể xác định được nơi họ muốn tới trong một khu vực nhiều đường đi như thế. Đó là một trong những khu vực dễ bị lạc nhất của Manhattan. Nhưng dù sao đi vòng vòng không mục đích ở đây là một điều vô cùng thích thú.


Tòa án Jefferson Market là một trong những điểm nổi bật ở đây. Đường Bleecker với vô số những cửa hàng hấp dẫn và đường thương mại là dãy đường đẹp nhất của thành phố New York. Nhưng hãy bỏ qua những sự cám dỗ đó để hòa vào dòng người đang xếp hàng bên ngoài tiệm bánh Magnolia nổi tiếng với bánh ly. Đi thẳng về phía tây, thay vì tới “Spotted Pig”, bạn sẽ gặp một quán bar, nơi bạn có thể thỏa cơn khát của mình với những thùng bia đã để sẵn.

Tiệm bánh Pizza Grimaldi:

Ở New York có rất nhiều những nơi bán pizza ngon nhất, như là cửa hàng Totonno, Di Fara, John, và Lombardi - những cửa hàng pizza này là những đối thủ cạnh tranh với nhau. Nếu bạn chỉ có 24 giờ thì bạn sẽ thấy việc đến Grimaldi thật xứng đáng với thời gian bỏ ra. Ở đây bánh pizza được nướng bằng than bên dưới cái bóng của cây cầu Brooklyn. Bạn không chỉ được thưởng thức những miếng bánh cực ngon mà còn được nhìn thấy khung cảnh Manhattan, một trong những biểu tượng lâu đời, nổi tiếng và đẹp nhất của Brooklyn. Đó là chưa kể tới những bài nhạc cổ điển của Frank Sinatra, một huyền thoại trong lĩnh vực này, phát ra từ chiếc máy hát đĩa tự động,

Cao ốc Empire State:

Tòa cao ốc Empire State là công trình kiến trúc cao nhất New York. Tầm nhìn từ tầng 86 vô cùng tuyệt vời, vì thế bạn sẽ không phải là người duy nhất đến đây để chiêm ngưỡng. Hãy chuẩn bị tinh thần để xếp hàng vào xem.

Xin mách cho bạn một mẹo nhỏ là hãy đến vào buổi sáng, chừng 8 giờ 30 phút hoặc giờ ăn trưa, tối, từ thứ 2 tới thứ 4, giá vé $17.61 cho người lớn. Nhưng nếu bạn muốn vượt qua những người khác cũng đang chờ thì bạn sẽ phải bỏ ra đến $41.52. Thêm $15 nữa bạn có thể mua vé lên tầng 102 với không gian riêng tư hơn. Nên mua vé trên mạng trước để tránh chờ đợi.

Trung tâm Nghệ thuật đương đại, khu vực PS1

Nếu bạn đến thăm khu vực nằm ngay bên kia sông phía Đông của Trung tâm bảo tàng nghệ thuật đương đại, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm của tương lai. Khu vực PS1 là nơi trưng bày tác phẩm của những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất như James Turrell và những khu vườn kiến trúc tuyệt đẹp vào mùa hè. Vào tối thứ bảy mỗi tuần, bạn có thể tham gia lớp học nhảy miễn phí ban đêm để cùng hòa mình vào nhịp sống đêm của cư dân New York.

Phòng khiêu vũ Bowery

Nói về địa điểm dành cho người mê nhạc ở New York không thể không nhắc đến phòng khiêu vũ Bowery. Với quầy bar dưới lầu, du khách sẽ có dịp làm nóng mình trước những show diễn của các ban nhạc địa phương như Music Hall of Williamsburg, Mercury Lounge, Terminal 5 và Webster Hall.

Nhà ga trung tâm

Đây là nơi có kiến trúc tuyệt đẹp. Nhà ga trung tâm là một minh chứng cho quá khứ lừng lẫy của thành phố. Hãy chiêm ngưỡng cổng trời ở phòng chờ lớn, lang thang ở quán bar Oyster nổi tiếng. Thú vị nhất là hãy thử thì thầm những bí mật ở hành lang Thì Thầm, chỉ cần đứng ở đầu này hành lang và thì thầm trong bức tường, bạn có thể được nghe thấy ở tận đầu kia. Bạn cũng có thể làm quen với những người đến và đi trong khu chợ nhỏ, tìm kiếm và khám phá những lối bí mật đi lên để chiêm ngưỡng khu nhà chờ lớn…


Và cho dù bạn không cần phải đi đâu từ nhà ga này, bạn cũng có thể dành ra hàng giờ đi vòng quanh nó mà không thấy chán.

Theo Chudu

Những con đường hẹp uốn lượn, những góc phố lãng mạn với cây cổ thụ già trơ lá, những bông hoa anh đào trắng, tím, hay bông hoa dại màu vàng bé bé ẩn mình bên cỏ xanh... Tất cả giống như một giấc mơ cổ tích nhiệm màu. Và du khách nhận ra rằng, không chỉ là "thành phố đại học" danh giá với Havard, MIT, Boston còn có hoa và một không gian tuyệt vời cho những ai thích đi bộ

Bắt đầu từ số 140 Clarendon, cạnh bên là tòa nhà nổi tiếng Boston (và cũng là nổi tiếng của nước Mỹ) với kiến trúc bằng kính cao ngất, cầm theo tấm bản đồ dành cho người đi bộ, in từ website của thành phố, tôi bắt đầu chuyến du lịch – tự tổ chức của mình.

Trinity Church

Trinity - ngôi thánh đường lớn, được xây từ năm 1877, niềm tự hào của giáo dân Mỹ và cũng là một trong 20 điểm di tích văn hóa – kiến trúc mà chính quyền thành phố khuyên du khách nên ghé thăm. Với những chiếc cột tròn, cao, mái vòm hành lang cong cong, những viên đá xù xì thô mộc... tòa giáo đường vừa uy nghiêm vừa giản dị, gần gũi bởi cánh cửa luôn mở và hành lang không có hàng rào. Khi tôi dừng lại và ngắm ngôi thánh đường bằng con mắt say mê thành kính, một nhóm tình nguyện viên của nhà thờ đã chào hỏi thân thiện, chụp chung một tấm ảnh rồi vội vã đi tham dự ngày hội Sạch của Boston.

Du khách đến Boston vẫn thích tham quan Havard, MIT và hàng loạt những trường đại học danh giá bên dòng sông Charles lặng lờ soi bóng. Nhưng, Boston không chỉ có những thánh đường tri thức sang trọng đó, Boston còn có bao nhiêu góc đẹp đủ sức làm phần thưởng cho những kẻ có máu bộ hành phiêu lãng và thích một mình trải nghiệm những vẻ đẹp kín đáo của thành phố xưa nhất nước Mỹ này. Dấu vết "New England" được thể hiện ở nhiều nơi. Những tòa nhà được đặt tên New England, các vật dụng lưu niệm, các tờ tạp chí... Tất cả đều gợi nhớ về thế kỷ XVII, khi Hoàng gia Anh đặt cho tiểu bang Massachussetts và 5 tiểu bang vùng đông bắc Mỹ khác một tên gọi chung là New England.

Tháng tư về, những cây phong dọc đường phố của Boston vẫn trơ trụi lá. Chỉ có các nàng hoa anh đào là mạnh dạn nở bung cánh trắng, tung xòe cánh tím, ngả nghiêng soi bóng bên bờ sông Charles. Khi đứng dưới tán hoa trắng, trên thảm cỏ xanh ven sông Charles, tôi nôn nao nhớ mấy câu thơ Haiku về hoa hay tuyệt: "Late for work/cherry petals/in my hair" của Jessica Tremblay, tạm dịch là: "Đi làm muộn/ những cánh hoa đào/ vướng vào mái tóc tôi". Tôi là khách bộ hành, không vội vã đi làm việc, nhưng những cánh hoa anh đào dịu dàng vẫn trói chân tôi lại và khi rời khỏi hoa, tôi thấy lòng mình như vướng lại...

Không chỉ hoa mà lá, cỏ ở ven đường cũng có thể khiến bạn bồi hồi. Trong công viên thành phố, những thảm cỏ xanh mướt dịu dàng mời mọc, như tấm thảm êm ái trải vòng quanh mặt hồ mùa xuân, đang xao xuyến với bao gợn sóng lăn tăn. Những hàng rào bằng lá dịu dàng gợi nhớ câu chuyện Chiếc lá cuối cùng của O Henry, những ban công bên dưới là hoa, trên hàng rào là lá, như đang gợi cho người xem tưởng tượng đến hình ảnh nàng Juliete bất ngờ hiện sau khung cửa... Xa xa, vài chú sóc nhỏ giương mắt tròn nhìn khách du ngoạn, lòng người bộ hành bỗng nhiên thanh tịnh, ngỡ như mình đang ở một bến mơ ...

Điều thú vị nhất là những khách bộ hành ở Boston sẽ được chiêm ngưỡng những tòa nhà hiện đại, xen lẫn các dinh thự cổ xưa một cách hài hòa. Làm cách nào mà các nhà quy hoạch đô thị lại có thể "cắm" những tòa nhà chọc trời chen giữa những dinh thự, giáo đường hàng trăm năm tuổi mà khách du ngoạn không thấy chướng mắt? Trên đường Clarendon, bạn có thể nhìn thấy những tòa nhà cổ in bóng trên tấm gương khổng lồ, được ghép từ hàng nghìn tấm gương nhỏ của cao ốc John Hancock.

Sau khi dừng chân khá lâu ở công viên thành phố, tôi đến khu chợ Quincy. Hôm nay không phải ngày lễ nhưng cũng có một buổi hòa nhạc. May mắn thay cho kẻ độc hành, khi vừa lắng tai thưởng thức những giai điệu tuyệt vời từ dàn nhạc không chuyên trước khu chợ xong, tôi lại nghe tiếng gọi của những anh hề xiếc rong... Những trang sách tuổi thơ như hiện về. Tôi nhớ chú bé Remi trong Không gia đình của Hector Malot... Không biết anh hề kia bao nhiêu tuổi, không biết có chú bé lạc nhà nào không? Chỉ có những cô nhóc, cậu nhóc đang cười sung sướng khi xem xiếc.

Theo tấm bản đồ đi bộ, nếu đi một vòng tròn Boston hoặc xuyên ngang thành phố, tối đa chỉ mất khoảng 2 giờ. Nhưng tôi đã đi hết một ngày, nếu tính cả thời gian dừng lại, ngắm nhìn, trầm trồ và bay lên với những ước mơ lãng mạn…"Hãy thử một lần đi bộ ở Boston, bạn sẽ thích ngay thôi mà!" – nhại một quảng cáo, tôi muốn nói với bạn như thế...

Hồng Hạnh (Từ Boston, Mỹ)
Theo PhunuOnline


Còn đủ thời gian để bạn có mặt đúng dịp người Mỹ mừng lễ Quốc khánh Fourth of july (4/7) tới đây. Và nếu được hãy thăm TP.Philadelphia, một cột mốc quan trọng trong lịch sử Mỹ, còn được gọi là “Thành phố của tình huynh đệ” (City of Brotherly Love)

Đến Philadelphia (đọc ngắn gọn là Philly, bang Pennsylvania, điểm tham quan không thể thiếu là không gian Independence National Historical.

Ở đại sảnh Independence Hall, vào ngày 4/7/1776, nước Mỹ đã chính thức ra đời với sự kiện bản tuyên ngôn độc lập được ký kết, kết thúc thời gian hơn một thập niên chinh chiến để thoát khỏi thế thuộc địa của đế chế Anh. Cũng tại đây, vào hè năm 1787, bản Hiến chương Mỹ được soạn thảo.

Ngay phía bên kia đường là Libetty Bell, cái chuông đồng đã được dùng để kêu gọi cư dân Philadelphia đến nghe công bố bản tuyên ngôn độc lập vào ngày 7/7/1776 và sau đó lai gióng lên những tiếng vang báo hiệu ngày tàn của chế độ nô lệ. Trong những năm 1830, chuông là biểu tượng của phong trào chống chế độ nô lệ ngược đãi người Mỹ da đen gốc châu Phi. Tuy cân nặng hơn 900kg nhưng nó đã được khiêng đi khắp lãnh thổ Mỹ cho đến khi không còn ngân vang được nữa vì bị nứt ở lần mừng sinh nhật thứ 114 của tổng thống George Washington vào năm 1846. Bây giờ, tuy đã “tắt tiếng” nhưng hàng năm cái chuông vẫn thu hút hơn 2 triệu du khách đến tham quan. Phía bên kia thảm cỏ rộng lớn là National Constitution Center, một bảo tàng lịch sử Mỹ quốc với những công nghệ hiện đại “trình diễn” chuỗi ngày lập quốc. Gọi Philly là thành phố lịch sử Mỹ là hoàn toàn chính xác, vì còn có Bảo tàng Benjamin Frankin, Congress Hall, nơi các nhà lập luật họp bàn cho mãi đến năm 1800 mới thôi.

Ngoài ra, không thiếu các không gian lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, Bảo tàng Rodin (tượng “Người suy tư” được dựng ở đây), Bảo tàng Mutter trưng bày những “quái vật” trong thế giới y học….
Nên biết rằng Philadelphia City Hall là một trong số ít những tòa thị chính rộng lớn nhất thế giới

Loạt bài Bưu thiếp từ Mỹ do báo DNSG cùng Công ty Du lịch Hoàn Mỹ phối hợp thực hiện

Ngoài diện tích rộng lớn, 10 công viên quốc gia còn có vẻ đẹp hùng vĩ với những cánh rừng nguyên sinh bất tận và vô vàn loài thú quý hiếm. Mời bạn đọc chiêm ngưỡng 10 công viên đẹp đến mê hoặc này:

Acadia

Grand Teton

Zion

Rocky Mountain


Yellow Stone
Cuyahoga Valley
Olympic



Yosemite

Great Smoky


Grand Canyon

Theo Telegraph/Zing