Nhiều thành phố ở Mỹ thường cho du khách cảm giác choáng ngợp, nếu không vì sự hoành tráng, xô bồ, thì cũng vì sự lạnh lùng. Berkeley không như thế. Phố nhỏ, quán nhỏ, những ngôi nhà gỗ kiểu xưa, Berkeley giống một thành phố châu âu hơn là một thành phố Mỹ điển hình.

Thành phố của tự do và tri thức

Nằm ở phía Đông vùng vịnh, cách thành phố San Francisco hoa lệ chừng mười lăm phút đi xe, Berkeley là một trong những thành phố được ưa thích nhất nước Mỹ. Là quê hương của đại học cổ kính nhất và lớn nhất trong hệ thống đại học tư của bang California, Đại học Berkeley nổi tiếng với tháp chuông Campanile (còn gọi là Sather Tower, nằm trong khuôn viên trường, cũng là biểu tượng của thành phố).

Với lịch sử hơn 150 năm, sự hình thành và phát triển của Berkeley mang đậm dấu ấn của Đại học Berkeley, vì phần lớn những phát kiến đem đến sự phát triển cho thành phố đều xuất phát từ ngôi trường này, chẳng hạn như công trình quy hoạch thành phố, đường sá hiện đại từ năm 1868, đưa đèn điện, điện thoại và xe điện vào sử dụng từ những năm 1888... Đại học Berkeley có vai trò như một trung tâm tri thức, một cộng đồng văn hóa lớn có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống và tính cách người dân thành phố.

Từ thập niên 1950, Berkeley đã nổi tiếng là thành phố tự do và dân chủ với nhiều phong trào phản kháng của giáo sư và sinh viên chống lại nỗ lực đưa văn học chính trị và kiểm soát tư tưởng chính trị vào giảng đường đại học. Thập niên 1960 đánh dấu trào lưu phản chiến mạnh mẽ và ủng hộ Việt Nam của giới trí thức kéo dài đến giữa thập niên 1970.

Một người bạn sống ở Berkeley hơn 20 năm nói rằng không phải thành phố nào ở nước Mỹ nói chung, California nói riêng cũng có được không khí tự do phóng khoáng trong sự tôn trọng và hiểu biết như Berkeley. Ở đây không ai quan tâm đến việc bạn giàu hay nghèo, màu da gì, tôn giáo gì, đảng phái nào - dân chủ hay cộng hòa, đồng tính hay không đồng tính, ăn mặc có hợp mốt hay không…, miễn là bạn biết tôn trọng người khác thì sẽ được mọi người tôn trọng.

Có lẽ biểu tình bất bạo động vì dân chủ ở Berkeley đã trở thành truyền thống. Năm 2006, người dân và sinh viên đại học phản đối kế hoạch xây dựng trung tâm thể thao trong khuôn viên đại học để bảo vệ những cây sồi, bằng cách thay nhau ngồi tập thể ở khu vực này trong suốt… hai năm.

Organic - mốt cao cấp của thành phố xanh

Nếu như tại Los Angeles, người ta thấy những đại siêu thị, những khu chợ lớn, những bãi đậu xe khổng lồ, thì ở Berkeley, chợ nhỏ, siêu thị nhỏ là “đặc sản” của thành phố. Berkeley có hai siêu thị nổi tiếng là Berkeley Bowl và Monterey Market đều do người Nhật làm chủ. Hàng đã vào những siêu thị này đều được tuyển lựa và đạt chất lượng cao, đặc biệt các quầy thực phẩm, trái cây, rau quả “organic”, nghĩa là hoàn toàn “sạch”, chỉ dùng phân hữu cơ hoặc chế biến từ nguyên liệu thiên nhiên chứ không sử dụng hóa chất.

Rau quả organic thường có bề ngoài nhỏ thó, hơi còm cõi, xấu xí nhưng mùi vị thì đậm đà hơn hẳn và thường có giá đắt gấp ba bốn lần loại thường. Tất cả siêu thị trong thành phố đều có hai loại túi nylon và túi giấy ở quầy tính tiền. Nếu khách chọn dùng loại túi giấy, họ sẽ được giảm một ít tiền. Còn ai mang túi theo đựng thì được trừ thêm một ít nữa.

Ở Berkeley còn có một khu chợ rất thú vị, một tuần họp ba lần, gọi là Farm Market - chợ của những người nông dân sống các vùng lân cận mang nông sản tự trồng ra bán. Dĩ nhiên thực phẩm bán ở Farm Market rất tươi ngon vì mới thu hoạch và giá của nó thường cao hơn trong siêu thị.

Một buổi họp chợ vui giống như một buổi sinh hoạt cộng đồng của người dân thành phố, vừa đi chợ, vừa thư giãn. Không khí mua bán bình dân, người bán mời người mua nếm thử sản phẩm của mình, có những quầy bán các món truyền thống của người Thái, Ấn Độ, Mexico, ai có tài năng gì đều có thể mang ra chợ trình diễn, nào là đàn ca, múa hát, vẽ tranh…

Ở Berkeley, các nguyên tắc phân loại rác rất rõ ràng, bao gồm rác thường và rác tái sinh, trong đó rác hữu cơ được gom riêng để dùng làm phân hữu cơ (compost), còn chai nhựa, thủy tinh được gom riêng để tái chế. Đó là quy định của thành phố và được hầu hết người dân ủng hộ, tạo nên nếp sống ở nơi đây. Các gia đình phân loại rác hữu cơ nếu sau này có nhu cầu sử dụng phân hữu cơ thì liên hệ công ty vệ sinh của thành phố để lấy về dùng.
Gần đây, chính quyền thành phố còn có chương trình kết hợp với các ngân hàng hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, trong khi những cư dân biết lo xa đã lục tục mua xe hơi chạy bằng điện hoặc xăng và điện.

Chuyện cổ tích giữa mùa xuân

Chúng tôi có duyên được ngắm Berkeley vào mùa thành phố đẹp như chuyện cổ tích với những con đường phơi phới anh đào. Hoa đào ở Berkeley nở sớm, thường vào cuối đông, có đủ sắc và đủ loại, từ trắng, hồng nhạt đến hồng đậm, từ cánh đơn đến cánh kép. Một loài hoa đặc trưng được ưa chuộng nữa là hoa mộc lan (magnolia), màu trắng, vàng nhạt hoặc hồng nhạt, cánh như cánh sen, nhìn xa như những búp sen nhỏ đang xòe ra.

Vào mùa, cả thành phố như sáng lên khi giữa mùa đông ảm đạm bỗng rực rỡ những cành đào dịu dàng tươi thắm, hoa mộc lan khỏe khoắn thanh tao… Và khi những bông hoa thủy tiên màu vàng bắt đầu khoe sắc trên những bãi cỏ xanh biếc là dấu hiệu báo mùa xuân đã về.

Thưởng thức khẩu vị của một thành phố nổi tiếng tự do dân chủ nhất nước Mỹ cũng có phần đặc biệt. Ở trung tâm Berkeley có một khu ẩm thực nổi tiếng gọi là Gourmet Getto, nơi tập trung những quán ăn ngon nhất, có tiếng nhất trong vùng mà đặc biệt là Chez Panisse và Cheese Board. Chez Panisse thành lập từ năm 1971 bởi Alice Waters, tác giả cuốn sách nấu ăn nổi tiếng California Cuisine, nơi khai sinh những thực đơn pha trộn tinh hoa của ẩm thực Âu - Á, tạo nên một phong cách khẩu vị riêng rất khác với các vùng miền khác ở Mỹ.

Muốn đến ăn ở Chez Panisse, phải đặt bàn trước một tháng và thực khách cũng không biết mình sẽ được phục vụ món gì vì thực đơn thay đổi theo ngày, theo mùa, tùy thuộc những gì ngon nhất nhà bếp có thể mua được.

Cheese Board, hình thành từ năm 1967, là một “hợp tác xã” sản xuất pizza đúng nghĩa vì tất cả chủ cũng là nhân viên làm việc trong quán. Mỗi ngày Cheese Board chỉ làm một loại pizza và đặc biệt tất cả đều là bánh chay với những loại phô mai hảo hạng. Lần nào đi ngang qua chúng tôi cũng thấy vài chục người xếp hàng mua bánh. Lệ của quán là mua một miếng được tặng thêm một miếng, còn mua nguyên cái thì không được thêm gì cả. Có lẽ đó là ưu tiên ngược đời mà hợp tác xã dành cho giới sinh viên ít tiền chăng?

Như mọi thành phố có bề dày trí thức mang phong cách Âu châu, Berkeley có nhiều quán cà phê. Trong khi quán Starbuck duy nhất trong trung tâm lác đác vài vị khách hờ hững ngồi xem báo hoặc mua mang đi thì dân sành cà phê ở Berkeley tụ tập ở những quán quen, cũng là “đặc sản” của thành phố. Làm ăn ở Berkeley hẳn là không dễ, vì người dân thành phố này rất sành điệu, mà lại không theo thời, nên khó mà nắm bắt được ý của họ.

Chúng tôi rời Berkeley khi mùa xuân đã về mà chưa kịp khám phá hết những công trình nghệ thuật, viện bảo tàng, khu bảo tồn của thành phố. Nhưng lạ thay, ngay từ đầu, cảm giác háo hức “chạy show” danh lam thắng cảnh của một du khách tan biến tự lúc nào. Thay vào đó là niềm vui muốn được chầm chậm trải nghiệm cái hay cái đẹp của một thành phố văn minh, hay nói đúng hơn là tập tành lối sống hay, sống đẹp của một thành phố văn minh mà giản dị, gần gũi với môi trường, thiên nhiên. Chia tay phố nhỏ vuông vuông bàn cờ, nhà gỗ xưa với những lối đi đầy hoa, cảm giác lâng lâng như vừa đọc xong một chuyện cổ tích giữa mùa xuân...

Theo QUẾ ANH
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

0 nhận xét