Mỗi thành phố đều gắn với một biểu tượng riêng. Tượng Nữ thần Tự do cùng bó đuốc vươn cao vẫn được coi là hình ảnh của New York, đồng thời cũng vừa là biểu trưng của nước Mỹ.

Tôi nhớ lại cảm giác cách đây vài năm, khi có dịp đi trên sông Seine ở Pháp về đêm. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Tượng thần Tự do — phiên bản đầu tiên của tuyệt phẩm tại Pháp.

Lúc đó, cảm giác choáng ngợp trước một tháp Eiffel lung linh trong đêm có phần nào lấn lướt sức hấp dẫn của bức tượng danh tiếng, tôi đã thầm ao ước liệu có dịp nào mình được tới thăm Nữ thần tại chính nơi mà nó vinh danh.


Và ngay lúc này đây, không chỉ có tôi, mà tất cả các du khách trên con tàu du lịch Circle đều cùng hồi hộp chiêm ngưỡng bức tượng của sự tự do. Cự ly ngày một gần hơn thì cảm giác choáng ngợp trước một công trình đồ sộ cũng càng lúc càng lớn hơn.

Tôi phát hiện ra một góc nhìn đẹp tuyệt, khi mà trên cao là từng tầng tán lá xanh rì. Nhưng cao mãi trên nữa là khuôn mặt nghiêng của Nữ thần, đẹp thanh thoát mà vẫn giữ nét uy nghiêm.

Hẳn là mẹ của điêu khắc gia Fréderic A. Bartholdi là người đàn bà đẹp khi thần thái của bà cũng là một nguyên mẫu của tác phẩm. Không có thời gian để leo lên đến vương miện của bức tượng, nhưng tôi có những giây phút thật thanh bình trên thảm cỏ xanh rờn dưới bệ tượng để ngắm hàng đàn chim trắng nhởn nhơ bay lượn trên bầu trời và lắng nghe đủ loại thứ ngôn ngữ của du khách thập phương.


Ngoài ra còn vô số các điểm đến thú vị khác ở Newyork. Tòa nhà Thị trường chứng khoán — nơi nhất cử nhất động đều có thể ảnh hưởng đến nền tài chính thế giới. Tòa nhà Liên hợp quốc với hàng cột cờ tung bay hàng trăm quốc kỳ của các nước thành viên. Khu Ground Zero, dấu tích của Tòa tháp đôi đang xây dựng lại.

Đại lộ số 5 nổi tiếng cho việc mua sắm. Vui mắt nhất là Quảng trường Thời gian với không gian của những màn hình tinh thể lỏng khổng lồ, phủ kín mặt tiền của tất cả các tòa nhà vây xung quảng trường.

Nhưng thú vị nhất với tôi vẫn là bắt gặp Tòa nhà Trump. Tôi từ lâu vẫn ngưỡng mộ tác giả của cuốn: “Nghĩ như một Tỷ phú” này, nên đã không bỏ lỡ cơ hội chụp ảnh một trong những trung tâm thương mại lớn mà tỷ phú Donal Trump sở hữu. Ở LasVegas, tôi lại lần nữa nhìn thấy một tòa khác cũng của Trump, cùng một dáng vẻ bề thế như danh tiếng của chủ nhân nó, nhưng là phủ kính vàng chứ không phải đen như ở New York.

Tại Washington DC đương nhiên phải tới thăm khu Công viên Quốc gia — National Mall vì: ”Tham quan National Mall là đọc lại đủ các chương lịch sử nước Mỹ, trong đó có đủ những trang vinh quang lẫn những trang bi kịch vô cùng tận”.

Ngày tôi thăm National Mall tình cờ lại đúng vào ngày cách đây 44 năm, nhà cách mạng Martin Luther King đã thực hiện bài phát biểu nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” vào cuối buổi diễu hành tại Washington vì Công việc và Tự do (March on Washing-ton for Jobs and Freedom- 28/8/1963).

Không biết có phải do âm hưởng của ngày tháng lịch sử mà cả không gian của National Mall thật trang trọng, đặc biệt là ở Đài tưởng niêm Lincoln (nơi diễn ra buổi mít ting). Không gian yên tĩnh và uy nghi như trong một ngôi đền ở Hi Lạp, càng linh thiêng hơn khi ta kính cẩn trước khuôn mặt của vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Có một cắt cảnh thật đẹp khi được đứng trước những cột đá hoa cương khổng lồ của đài tưởng niệm Lincoln, phóng tầm mắt qua Hồ phản chiếu để chiêm ngưỡng dáng vút cao của Đài tưởng niệm Washington.

Có 3 công trình liên quan đến những kỷ niệm xót xa về chiến tranh, đó là Đài Tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, Đài tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên và Đài Tưởng niệm Chiến tranh Thế giới lần thứ II.


Với tôi, đương nhiên những điều liên quan đến đất nước mình sẽ có một ấn tượng đặc biệt. Nhưng phải nói rằng cả hai Đài Tưởng niệm Chiến tranh về Việt Nam và Triều Tiên đều mang lại những xúc cảm sâu sắc cho du khách.

Khu vực tưởng nhớ đến cuộc chiến Triều Tiên khá ấn tượng, với hình tượng những người lính Mỹ đang rã rời trên một cánh đồng chiến tranh, hình ảnh nhất quán trên tất cả các tượng người lẫn những hình âm bản trên bức tường đá hoa cương bên cạnh cánh đồng.

Dòng chữ ghi lại “Tự do không phải được cho không” (Freedom is not free) chỉ vẻn ven có 4 từ, nhưng bao hàm những gì cay đắng nhất mà một con người đều thấm thía sau mỗi cuộc chiến. Tôi thấy có một vòng hoa tưởng niệm và cạnh đó là một đoàn du khách người Hàn. Họ cũng đang trầm lắng trước một giai đoạn lịch sử của dân tộc mình.

Nhưng những tấm đá hoa cương đen nổi tiếng của Bức tường chiến tranh- Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam mới là điểm được thăm viếng nhiều nhất với khoảng 4 triệu khách/năm. Tác phẩm này được coi là “một vết cắt đen tối của sự hổ thẹn và ân hận”.


Thực sự khi đứng trước bức tượng hình chứ V nổi tiếng và những dòng tên dài như vô tận của những người đã mất, tôi như nghẹn lại một cảm giác khó tả. Trước đó tôi được đọc một bài báo rất cảm động của nhà báo Hiêu Minh trên VietnamNet, cũng về cảm xúc của anh khi đứng trước Bức tường này. Tác giả có kể lại kỷ niệm về anh trai mình.

Nếu bạn cũng đứng trong không gian này như tôi, bạn sẽ có một cảm giác trân trọng những gì bạn đang thấy.

Vậy đấy, từ NewYork đến Washington DC. Từ tượng Nữ thần Tự do đến Bức tường chiến tranh. Những tên đất gắn với tên nhân vật, con người. Lịch sử gắn với hiện tại và cả tương lai. Mỗi một ngày được đi là mỗi ngày được biết, được hiểu hơn về thế giới, về nhân loại, và hơn hết là thêm trân trọng giá trị của cuộc sống- điều tưởng như ai cũng có thể sở hữu được nhưng có khi cũng là vô giá.

Theo Heritage

0 nhận xét