DL-Surrey.jpg

Chiếc cầu ở Surrey, Canada

DL-Entry.jpg

Lối vào vườn hoa Butchart

DL-Sunken.jpg

Khu vườn địa đàng Sunken

DL-YDaiLoi.jpg

Khu vườn theo kiểu Ý Đại Lợi

DL-Victoria.jpg

Tượng nữ hoàng Victoria trước tòa nhà Parliament

DL-EmpressHotel.jpg

Khách sạn nổi tiếng Empress đón khách từ năm 1908


Vườn Địa Đàng theo thánh kinh là một vườn hoa xinh đẹp, cây trái xum xuê, loài thú nào cũng đều hiền lành ngoan ngoản và Chúa cho tổ phụ loài người là ông Adam và bà Eva sinh sống trong cõi thần tiên đó mà không phải làm lụng vất vả cũng như không ốm đau bịnh tật. Hai ông bà được hưởng thụ tất cả mọi hoa quả trong vườn chỉ trừ một cây duy nhất gọi là cây Trái Cấm mà Chúa dặn rằng không được ăn. Nhưng hai ông bà đã không tuân lời Chúa mà lại nghe lời cám dỗ của một con qủy hóa thân thành một con rắn. Rắn dùng lời đường mật khuyến dụ ông bà rằng: “Ông bà hãy ăn trái này đi sẽ được quyền lực, uy nghi ngang bằng Chúa”. Tâm lý loài người là “được voi đòi tiên”, hai ông bà ăn trái cấm và bị Chúa hiện ra đuổi hai người ra khỏi vườn Địa Đàng phải lang thang bịnh tật, vất vả làm lụng mới có mà ăn, con cháu tiếp nối vì tội của hai ông bà mà chịu chung số phận khổ đau như vậy cho đến bây giờ!

Vườn Địa Đàng xưa kia ngày nay là nơi đâu? Nhiều nhà khảo cổ đã đi kiếm tìm nhưng vẫn chưa xác quyết được chỗ nào? Riêng tôi khi đến viếng khu vườn Butchart ở gần thành phố Victoria, Canada, tôi có cảm giác như lạc vào Vườn Địa Đàng vì khung cảnh nơi đây quá thần tiên đẹp đẽ. Có lúc cũng tưởng như mình là chàng Lưu Nguyễn lạc vào chốn đào nguyên để rồi gặp bầy tiên nữ thướt tha yểu điệu trong vũ khúc nghê thường:

“Thiên thai, chúng em xin dâng chàng... hai trái đào thơm”

(Nhạc phẩm Thiên Thai – Văn Cao)

Trái đào thơm và trái cấm, tuy hai nhưng chắc là một:

Một khi trót đã nuốt vào

Ngọt ngon chẳng thấy, lệ trào ngàn năm!

Rời đập nước Hiram M. Chittenden cũng đã hơn 5 giờ chiều và bầu trời khá quang đãng đôi lúc có nắng vàng ấm áp. Xe chúng tôi tìm lối vào xa lộ số 5 để trực chỉ hướng bắc đi Vancouver. Seattle cách Vancouver độ 140 miles, bình thường xe hơi mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Ðoạn đường này phong cảnh khá đẹp, hai bên là rừng thông với núi đồi trùng điệp, mây xám che phủ đỉnh non cao. Ðầu tháng năm dọc ven đường cây cỏ xanh biếc một màu lại có những bụi hoa vàng nở rộ trông giống như hoa mai ngày Tết.

Trước khi tới biên giới Canada chúng tôi ghé lại cửa hàng miễn thuế “Tax & Duty Free” để ai muốn mua qùa tặng bà con ở Canada thì mua. Giống như các cửa hàng miễn thuế ở phi trường, các mặt hàng được bày bán ở đây là mỹ phẩm, rượu và thuốc lá. Du khách da trắng như Mỹ hay Canada ít vào đây, nếu có vào không phải mua hàng mà để nghỉ chân uống cà phê hay mua kem lạnh nhưng du khách Hồng Kông hay Ðài Loan có vẻ chiếu cố tới các món hàng vì giá cả vẫn còn rẻ hơn ở xứ họ. Chúng tôi đổi tiền Canada, mỗi người độ 6, 7 chục đồng đủ ăn uống, xài vặt trong 2 ngày du lịch ở Canada. Ðổi dưới 300 đô la phải chịu lệ phí là 1 đô la Mỹ. Ðến cổng biên giới vì là xe van nên phải vào đậu chung với xe buýt và phải vào trình để nhân viên di trú Canada ra kiểm soát trong khi xe nhỏ chỉ cần chạy ngang cổng mà thôi. Sang đất Canada xa lộ 5 đã chấm dứt và trở thành đường thường số 99 chỉ 2 lanes mỗi bên, đường hơi quanh co và bảo trì không tốt như bên Mỹ. Ðêm nay chúng tôi sẽ nghỉ đêm ở Surrey, thành phố ở về phiá nam và cách Vancouver độ 30 miles vì khách sạn ngoài ngoại ô rẻ hơn trong thành phố lớn. Tour guide kiêm tài xế Danny đưa chúng tôi đi ăn tại một nhà hàng Buffet Tàu rất nhiều món có cả đồ biển với giá 18 đồng Canada một người. Ðang ăn thì nhà hàng đóng cửa vì đã 9 giờ tối nhưng cũng chẳng sao vì nhà hàng vẫn chờ cho chúng tôi ăn xong mặc dù có những món đã hết và không được châm thêm. Hai đêm ở Canada chúng tôi nghỉ ở khách sạn Ramada ở số 19225 Highway 10 Surrey là khách sạn hợp đồng với USA Vacation Tours nên đuợc giá rẻ.

BUTCHART GARDEN RỰC RỠ NGÀN HOA

Ðất lạ khiến tôi thức sớm, tắm nước nóng cho tỉnh người và xuống khu lễ tân (lobby) uống cà phê. Hai cô gái Canadian trực khách sạn, dáng người thon nhỏ có vẻ gốc Âu châu khác hẳn với đàn bà Mỹ xứ tôi ở cái gì cũng to lớn, mỉm cười chào hỏi. Cà phê đất lạ bao giờ cũng ngon nhất là cà phê miễn phí lại do hai cô gái xứ lạ chiêu đãi, rồi ăn thêm một cái bánh muffin cho có một chút gì để dằn bụng dù cho bánh rất là dở vừa chua, vừa dai nuốt không trôi phải nhờ cà phê đưa đẩy. Nhưng thức ăn không ngon thường là thức ăn tốt cho sức khỏe như hoa kém sắc thường tỏa ngát hương thơm, hoa sắc màu tươi đẹp lại vô hương trống lỏng!

Chờ đủ người chúng tôi lên xe đi bến phà Tsawwassen cách Surrey khoảng nửa giờ trong buổi sáng chủ nhật đường rất vắng. Vì sợ trễ chuyến phà đi Victoria chạy lúc 7 giờ nên Danny chạy rất nhanh đôi lúc vượt luôn qua làn xe ngược chiều. Nếu lỡ chuyến phà này phải đợi đến 9 giờ mới có chuyến phà kế tiếp vì phải qua một eo biển đường phà chạy khá xa. Ðến bến phà thì có vài mươi chiếc xe đang chờ. Ban mai trời khá lạnh nhưng các nhóm du khách Ðài Loan đi bằng những chiếc xe buýt rời khỏi xe đi mua sắm đồ kỷ niệm cười nói ồn ào. Vùng này đất rộng mênh mông ít thấy nhà cửa dân cư. Vé phà cho hành khách là 7 đô la Mỹ, xe nhỏ là 25 đô la và có thể trả bằng tiền Mỹ hay Canada gì cũng được.

Chờ cho xe dưới phà lên bờ hết, chúng tôi ngồi xe xuống phà. Phà là một chiếc tàu lớn kiểu dáng như một du thuyền sơn trắng có 6 tầng, tầng thứ nhất là hầm máy, tầng 2 cho xe vận tải và xe buýt, tầng 3 và 4 xe du lịch, tầng 5 là nhà hàng, video games, bàn cho học sinh học và làm việc với vi tính. Tầng 6 dành cho hành khách và hành khách có thể lên boong tàu để ngắm cảnh. Hải trình mất một tiếng rưởi đồng hồ để đến bến phà bên kia là Swartz Bay ở về hướng bắc của Victoria. Tàu chạy trên mặt biển lặng sóng, ngang qua những đảo nhỏ rừng thông xanh biếc một màu lấp ló những mái nhà ngói xám. Phong cảnh non nước hữu tình, vừa hùng vĩ, vừa nên thơ nhưng không sánh được với vịnh Hạ Long của nước nhà.

Phà cập bến, chúng tôi đến vườn hoa nổi tiếng thế giới Butchart Garden cách đó vài mươi phút đường xe. Ở bãi đâu xe là hoa đã đẹp rồi, tôi vội chụp một số hình để rồi sau đó khi vào bên trong lại tiếc công vì so với cảnh bên trong hoa bên ngoài chẳng nhằm nhò gì! Vườn hoa không lớn chỉ mất một tiếng đồng hồ là có thể đi hết nếu không dừng lại để ngắm hoa thơm cỏ lạ. Vườn hoa được trồng từ năm 1904 do ông bà Robert Pim Butchart biến cải từ khu đất khai thác đá làm xi măng cũng do ông bà làm chủ. Ngày nay hãy còn lại giữ lại một trong 3 ống khói của nhà máy xi măng thuở trước. Nơi cổng vào là nhà bán vé và đồ kỷ niệm, sách vở, tranh ảnh nói về vườn hoa, kế đến là nhà hàng ăn lịch sự nhìn qua nhà kiếng trồng bông hoa nhiệt đới. Khách nhàn du có thể ăn trưa hay uống trà trong nhà hàng có lối trang trí như một green house này, vừa ăn uống vừa ngắm hoa lan, hoa cúc bày trí thanh tao, trang nhã. Dân Canada tổ tiên là Ăng Lê nên thích uống trà hơn là cà phê, họ uống trà nâu loại như Clipton và ăn một chút bánh ngọt vào khoảng thời gian giữa ba bữa ăn chính như 10 giờ sáng và 3 giờ chiều. Một nhà hàng khác nhỏ hơn trong vườn hoa chính là ngôi nhà ngày trước ông bà Butchart trú ngụ.

Trong vườn hoa chia ra nhiều khu với lối bày trí khác nhau như khu vườn Ý Ðại Lợi với hàng rào kiểng, tượng đá, phông tên và hồ nước xây bằng gạch. Vườn Nhật Bản với hoa anh đào rực rỡ, thông Nhật uốn tỉa, dòng suối róc rách uốn lượn quanh bờ đá tảng chi chít hoa đỗ quyên (azalea). Khu vuờn đẹp nhất là Sunken Garden, cách thiết trí sẽ làm du khách ngạc nhiên đầy thích thú vì vừa rời khỏi cổng vào đang đi trong khu cây cao rậm mát, bước xuống vài bậc thềm một khung cảnh huy hoàng màu hoa sặc sở hiện ra phiá dưới trước mặt với ánh nắng chan hoà chiếu rọi lên muôn ngàn bông hoa đang phô sắc thắm. Ðến đây du khách tưởng chừng như lạc vào cỏi thiên thai hay vườn địa đàng với hoa đủ màu sắp đặt rất hài hòa đầy nghệ thuật. Hoa tu líp đủ màu, đủ loại, những cây anh đào, những lối đi uốn khúc bên bãi cỏ xanh. Hoa ở đây thay đổi tùy theo mùa, mùa xuân hoa tu líp, hạ hoa hồng, thu hoa cúc và mùa đông tuyết phủ khắp vườn và muôn vạn ánh đèn màu sẽ được thắp lên để thay hoa. Cuối vườn là hồ nước dưới vực sâu có hàng chục vòi phun nước phun cao trắng xóa. Trong vườn có sẳn những cây dù để khách che khi trời mưa bất chợt. Vườn hoa Butchart hiện do người cháu nội của ông bà Butchart cai quản điều hành.

VICTORIA PHỐ BIỂN MUÔN MÀU

Rời vườn hoa Butchart chắc ai cũng hẹn với lòng vài năm sẽ trở lại vì cảnh như chốn thiên thai dù cho không có tiên nữ dâng đào tiên. Sau đó ra xe chúng tôi xuôi nam để đến thành phố Victoria. Victoria không lớn nhưng mát mẻ thanh lịch và là thủ phủ của tỉnh British Columbia đồng thời là địa điểm du lịch ấm áp nhất của Canada. Thành phố có dáng vẻ như một hải cảng bên Anh, bờ biển lúc nào cũng dập dìu du khách đến viếng tòa nhà cổ Parliament Buildings và Empress Hotel có nét kiến trúc rất Âu châu. Empress Hotel mở cửa từ năm 1908 và đến nay vẫn còn đón nhận du khách đến trú ngụ. Không biết bao nhiêu ông hoàng bà chúa, danh nhân thế giới đã từng đến ngụ nơi đây. Chúng ta có thể ung dung đi vào khách sạn để uống một tách trà, ăn một cái bánh ngọt do những cô hầu bàn xinh đẹp phục vụ với giá khoảng...30 đô la. Chúng tôi đi bộ lên hướng trung tâm thành phố vào những thương xá xem hàng hóa trưng bày và vào tiệm Mac Donald ăn trưa, nghỉ chân vì buổi sáng đã đi bộ khá nhiều đồng thời ngồi viết những post card gởi cho vài bạn thân, dán tem Canada và có dấu bưu điện Victoria để khoe rằng mình đang du lịch ở nước ngoài. Tôi cũng không quên gởi cho chính tôi một tấm để làm kỷ niệm.

Dạo trong thương xá đã chán, 4 giờ chiều trở lại xe van đậu gần bờ biển như đã hẹn. Sau đó hướng dẫn viên kiêm tài xế Danny chở vào China Town của Victoria ăn một tô mì thay thế bữa cơm tối trước khi trở lại bến phà hồi sáng để về lại khách sạn ở Surrey. China Town của Victoria chỉ có một block đường nhưng rất sạch sẽ. Tại bến phà ngoài những chuyến đi Vacouver cũng có những chuyến về lại Seattle.

TRỊNH HẢO TÂM

0 nhận xét