Theo lời mời của ông Nguyễn Thế Khải - giám đốc công ty du lịch Hoàn Mỹ - đầu tháng tư qua, nhà văn kiêm đạo diễn phim tài liệu Võ Đắc Danh - phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị - đã sang Mỹ thực hiện một loạt phim tài liệu về văn hoá Mỹ.
diemhencuajacklondon

Bức tượng Jack London trên bến cảng Oakland.

Tuy nhiên, theo Võ Đắc Danh thì với thời gian gần hai tháng hành trình qua bảy tiểu bang, ống kính camera chỉ có thể ghi nhận được những gì thuộc bề nổi của tảng băng văn hoá 300 năm của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Những gì ống kính không thể ghi nhận được lại chính là những điều anh tâm đắc nhất. Và đó chính là những câu chuyện anh kể với chúng ta trong loạt ký sự sau đây.

Cách nay khoảng bốn năm, tôi có nghe GS.BS Nguyễn Chấn Hùng say sưa kể về một chuyến đi Mỹ, rằng ông không thể kềm chế được cảm xúc khi đến quảng trường Jack London trên bến cảng Oakland, bất ngờ gặp bức tượng của chính nhà văn mà ông từng ngưỡng mộ cùng với tượng con chó Buck, nhân vật chính trong tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã, một tác phẩm mà ông đã mê từ thuở thiếu thời.

Cho nên, trước khi lên đường, tôi nói với anh Khải rằng, bằng mọi giá, phải có những đoạn phim tư liệu về quảng trường Jack London.

Căn chòi của một đại văn hào

Từ San Jose chúng tôi đến cảng Oakland, trời mưa tầm tã. Đây rồi, quảng trường Jack London, bức tượng của ông đứng nghiêng người về phía trước với tư thế vừa đi vừa chịu đựng dưới mưa giông, sau lưng ông là vịnh Oakland, tấp nập du thuyền, trước mặt ông là con chó Buck với tư thế lầm lì, nhẫn nhục. Cả hai bức tượng đều mang nét sần sùi, sần sùi như chính cuộc đời bôn ba của họ, sần sùi bởi mưa nắng của thời gian.

Bên cạnh con chó là một căn chòi gỗ cổ xưa, căn chòi chỉ chừng vài chục mét vuông, cỏ phủ trên mái gỗ và một thảm cỏ mọc trước sân. Anh Khải nói đây là căn chòi của Jack London được chuyển về từ thành phố Dawson, thuộc lãnh thổ Canada, vào năm 1968. Jack London đã sống hai năm trong căn chòi này với công việc tìm vàng và sáng tác. Phải chăng chính những năm tháng nghiệt ngã ở đây đã cho ông chất liệu độc đáo trong truyện ngắn Tình yêu cuộc sống và những tác phẩm liên quan đến thân phận của người đi đào vàng?

Phía trước căn chòi có tấm bảng cho biết: năm 1968, Russ Kingman, một doanh nhân ở Oakland với lòng ngưỡng mộ Jack London đã dẫn đầu một đoàn thám hiểm đến miền Alaska hoang dã để xác thực về một căn chòi nhỏ được khám phá trong rừng trên ngã ba phía bắc của Henderson Creek. Kingman mang theo Ralph Godfrey, một chuyên gia về chữ viết tay từ "Bộ phận quan sát chi tiết giả mạo" của sở cảnh sát Oakland, họ cùng nhau xác minh chữ ký của Jack London đã bị xoá bỏ trên trần nhà.

Sau đó, căn chòi được chính phủ cho phép tháo rời, đóng gói vận chuyển khỏi khu rừng và được chia làm đôi: một nửa đến thành phố Dawson, Canada và một nửa được mang về cảng Oakland. Hai căn chòi được nhân rộng từ chất liệu của bản gốc và bây giờ cả hai thành phố đều có hai căn chòi của Jack London giống hệt nhau, ngay cả phần vật dụng trong chòi như bếp lò, dây thừng, da thú... cũng được chia đôi. Người ta đã công bố đây chính là di sản của Jack London và được rao bán đấu giá 260.000 USD với điều kiện người mua không được dời nó đi nơi khác.

Tình cờ, chúng tôi kéo nhau vào trú mưa trong một cái quán nhỏ có tên Heinold's, phía trên có dòng chữ Jack London's Rendez-vous (Điểm hẹn của Jack London), bên cạnh căn chòi của Jack London, dưới chân một toà cao ốc. Cái quán bằng gỗ xưa, ánh sáng lờ mờ, nền nghiêng về một phía, lại vừa chật hẹp đủ cho ba chiếc bàn, một quầy bar. Trong quán trưng bày ngổn ngang đồ cổ: bếp dầu, máy chiếu phim, máy nghe nhạc, đồng hồ, các vật dụng trang sức cổ...

Người chủ quán cho biết, anh là cháu đời thứ tư của người sáng lập quán rượu J.M. Heinold's lịch sử có một không hai trên thế giới này, cách nay đã 127 năm. Thoạt tiên, vào năm 1880, nó là nhà nghỉ trưa của công nhân, được xây dựng từ gỗ của một con tàu đánh cá voi. Ba năm sau, tức năm 1883, ông Johnny Heinold mua lại với giá 100 USD và thuê thợ mộc sửa thành quán rượu phục vụ thuỷ thủ.

Những năm đầu của thế kỷ 20, có một chuyến phà chạy từ Alameda sang Oakland và đậu gần quán Heinold's nên nó trở thành điểm dừng chân của đông đảo khách qua phà. Những năm tiếp theo, Heinold's trở thành điểm thư giãn của các nhà văn, nhà chính trị, nhà thám hiểm và những du khách hạng sang của Hoa Kỳ, trong đó có luật sư William Howard Taft, tổng thống thứ 27 của nước Mỹ.

diemhencuajacklondon1

Hàng ngàn tờ giấy bạc vẫn nằm im trên vách gỗ.

Nhưng, có lẽ dấu ấn lịch sử của Heinold's vẫn là sự có mặt của văn hào Jack London. Thời niên thiếu, Jack London từng tâm sự với Johnny Heinold rằng ông khát khao được vào đại học California và trở thành nhà văn. Johnny đã cho London vay tiền đóng học phí, nhưng chưa hết năm thứ nhất thì ông bỏ học và trở lại quán Heinold's.

Tại đây, Jack London tiếp cận với những câu chuyện của giới thuỷ thủ, những công nhân bốc vác, những bi kịch và lòng dũng cảm của những con người luôn đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đối mặt với cái thiện và ác đã cho ông những chất liệu văn học vô giá.

Theo người chủ quán thì tại Heinold's, Jack London đã cho ra đời ít nhất 17 tác phẩm, trong đó có Tiếng gọi nơi hoang dã và Sói biển. Trong tiểu thuyết Sói biển, Jack London đã "lấy mẫu" từ một con người có thật mà ông từng tiếp cận trong quán này, đó là thuyền trưởng Alexander Melean, một người độc ác đến nỗi các thuỷ thủ đặt tên cho con tàu của ông ta là con-tàu-địa-ngục!

Những người lính thuỷ không trở lại

Người chủ quán không cho chúng tôi biết Jack London rời khỏi quán từ năm nào. Cái chết của Jack London năm 1916 mang nhiều bí ẩn sau khi ông đã thoát khỏi kiếp nghèo bằng chính những tác phẩm của mình. Cuộc đời ngắn ngủi kết thúc ở tuổi 40, nhưng sự nghiệp của Jack London thì không ai bì được với hơn 50 tác phẩm gây ám ảnh cho nhân loại về cái thiện, cái ác, ngồn ngộn những thân phận con người.

Nhưng dẫu sao, Jack London ra đi và đã trở về cùng với con chó Buck và ngôi nhà cổ để nơi đây mãi mãi là Điểm hẹn của Jack London. Còn hàng ngàn người khác đã đến Heinold's và đã hẹn trở về? Người chủ quán cho biết, khi thế chiến thứ hai bùng nổ, những người lính hải quân Mỹ trước khi rời Oakland để xuống tàu đi Trân Châu Cảng, họ đã dừng chân ở đây, uống rượu và gởi lại tờ giấy bạc có chữ ký của mình với lời hẹn ngày trở về sẽ có sẵn tiền mua rượu uống tiếp. Nhưng đến nay, đã sáu thập niên trôi qua, hàng ngàn tờ giấy bạc ấy vẫn nằm im lìm trên vách ván: họ đã không về!

bài và ảnh: Võ Đắc Danh

0 nhận xét