Nói thật, nhưng không khéo có người cho là đùa. Trong suốt gần một tháng ở Mỹ, tại các cửa hàng sách công cộng, tôi chỉ... một lần duy nhất thấy có bày bán các tạp chí chuyên về sex, mà phần “nhạy cảm” lại bị che bằng một tấm gỗ đen, chỉ thấy mỗi tựa của tạp chí!

Hỏi ra mới biết, những nơi như thế này thường có trẻ em ra vào nên không thể. Khi vào quán rượu, lại bị người ta đóng trên tay một dấu vuông xanh lè, chứng nhận đã trên 21 tuổi mới được “làm bạn với Lưu Linh”.

Tác giả (phải) tại tượng đài danh nhạc jazz tại TP Kansas (Mỹ)

Thế nhưng, tại quảng trường Tự Do rộng lớn, cũng ở thủ đô Washington, tôi lại ngạc nhiên khi thấy ngay dưới chân mình, là bản đồ thành phố này, được thể hiện cách điệu. Trên nền gạch hoa cương, còn khắc cả những câu nói của các nhân vật nổi tiếng, kể cả nhà văn... nhằm giúp cho du khách có thể hiểu được một cách khái quát về sự hình thành của thành phố. Làm văn hóa, làm du lịch như thế cũng là điều ta cần phải học đấy chứ?

Người Mỹ làm thế nào để nuôi dưỡng và phát huy yếu tố văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng? Một câu hỏi không dễ trả lời. Trước mắt, theo quan sát của tôi, có thể nhận ra một hai yếu tố căn bản. Thứ nhất, họ tạo ra “thương hiệu” nhằm “đánh bóng” khu du lịch văn hóa của mình.

Tại các quầy lưu niệm của tất cả nơi đó đều có bày bán những sản phẩm mang một dấu ấn riêng mà chỉ nơi đó mới có. Nếu vào Sea World là cá voi, cá heo...; vào Bảo tàng nhạc Jazz là các hình ảnh nhân vật, nhạc cụ liên quan đến loại hình âm nhạc này; vào thăm vườn thú thì có đủ loại thú nhồi bông v.v... Những hiện vật này được thực hiện bằng nhiều hình thức, có thể là in trên áo, trên mũ hoặc là tài liệu sách vở để người ta tìm hiểu...

Du khách chỉ có thể mua được những món này khi đến đó, chứ không thể tìm được ở nơi khác. Tất nhiên, những nơi này cũng không thiếu các loại nhà hàng ăn uống, giải khát. Nghĩ ra, cách làm này đơn giản nhưng hiệu quả. Mỗi khu du lịch đều là một “hệ thống” khép kín, phục vụ tất tần tật nhu cầu của khách để khai thác túi tiền của họ được nhiều nhất, hợp lý nhất!

Một điều cũng đáng quan tâm là chỉ với một vé vào cổng - dù rất mắc, như ở Walt Disney World là 71 USD vé người lớn, 60 USD vé trẻ em - nhưng đã vào thì khách có quyền hưởng thụ mọi trò chơi trong đó, không phải muốn chơi bất kỳ trò nào thì cũng phải... xỉa thêm tiền như ở ta.

Tôi cũng ghi nhận, dù là tại các khu vui chơi hay tại các bảo tàng, đều có sự kết hợp sinh động nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa khác nhau để thu hút đông đúc “tầng lớp nhân dân”. Bà Patricia Gray - phụ trách phần văn chương của Thư viện Quốc hội Mỹ cho biết, một trong những hoạt động đều đặn hàng tháng ở nơi này là sinh hoạt của... câu lạc bộ thơ! Không chỉ người lớn đến đọc thơ mà ngay cả trẻ em cũng được tham dự bằng những cuộc thi như nhận những tấm hình, trang ảnh để quan sát, đặng “tức cảnh sinh tình” ra thơ! Những chương trình như thế này đều có bán vé!

Tương tự, khi xem chương trình hoạt động Bảo tàng Nghệ thuật Freer Gallery of Art ở Washington, tôi thấy họ đã lên “kín” lịch trình diễn, từ kịch nghệ, âm nhạc, chiếu phim đến hết năm 2008, chứ không đơn thuần chỉ là nơi triển lãm. Đây cũng là nơi Những ngày văn hóa Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên trên đất Mỹ vào hai ngày 9-10/7/2005, sau chuyến viếng thăm thành công của Thủ tướng Phan Văn Khải và nhân kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Không riêng gì bảo tàng này, có thể nói, phương thức đa dạng hoạt động có vẻ như là một cách làm then chốt của người Mỹ. Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật mà phải “sống” theo nhịp sống hiện tại. Chẳng hạn, Bảo tàng nhạc Jazz tại thành phố Kansas mỗi đêmđều biểu diễn nhạc. Tất nhiên muốn vào phải mua vé.

Hoạt động của các “địa chỉ văn hóa” này đều là do công sức đóng góp của tư nhân, chứ không chỉ từ nguồn kinh phí của chính phủ. Bà Louise Cort - phụ trách nghệ thuật gốm của Bảo tàng Nghệ thuật ở Washington gọi đó là “hội viên danh dự”. Với mức tiền đóng góp thấp nhất là 1.000 USD, những “hội viên danh dự” này được hưởng nhiều quyền lợi mà Bảo tàng dành riêng cho họ, chẳng hạn được xem miễn phí các chương trình diễn ra tại đây trong năm. “Danh dự” ở đây còn là các bữa tiệc riêng để các hội viên có dịp được gặp gỡ với các quan chức thành phố...■

(Theo Lê Minh Quốc – Phụ Nữ Online)

0 nhận xét