Chị Nh. thân mến,

Không phải ai thích nghệ thuật, thích điêu khắc, hội họa, thích học hỏi văn minh cổ xưa cũng thích viện bảo tàng. Viện bảo tàng lắm khi quá mực thước, quá khô khan làm cho người đi thăm thấy mình xa lạ không thấy lý thú cho lắm. Nữu Ước có hàng trăm viện bảo tàng. Phần lớn các viện bảo tàng nằm trong vùng giàu có sang trọng nhất của đảo Manhattan, đó là vùng Upper East side.

Nói đến vùng Upper East Side của Nữu Ước là nói đến sự giàu sang, đài các. Từ cuối thế kỷ 19, sau khi xây dựng xong Central Park, các đại thương gia, các nhà tài phiệt kéo nhau xây biệt thự dọc theo phía Đông của Central Park, từ đường 59 trở lên, nằm dọc theo đại lộ số 5 nhìn qua Central Park. Người ta gọi xóm đó là “xóm vàng” hay còn gọi là “dãy nhà triệu phú”. Các nhà đại tài phiệt ở xung quanh Central Park ngày càng giàu hơn, càng làm việc nhiều hơn mà chỗ để tiêu tiền thì giới hạn. Họ bắt đầu nghĩ đến thế hệ sau, bắt đầu quý trọng văn minh xưa cũ. Họ lập nhiều tổ chức, chi rất nhiều tiền để sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, những di tích cổ truyền. Đến một lúc số tranh sưu tập để trong nhà không đủ chỗ họ cổ động lập bảo tàng viện. Chỉ trong vùng Upper East Side thôi, nghĩa là từ đường 65 đến đường 96 mà đã có hơn 50 viện bảo tàng. Phần lớn các viện bảo tàng đóng cửa ngày thứ hai, và mở cửa trễ một vài đêm. Trong tuần thường có một ngày các viện bảo tàng mở cho công chúng xem không mất tiền. Nếu thuận tiện đi thăm bảo tàng viện vào buổi tối rất thích vì không phải chen lấn, đầu óc có thể thảnh thơi hơn, khi về đến nhà may ra còn có thì giờ để nghiền ngẫm về những tác phẩm mình đã xem.

Mỗi năm thành phố Nữu Ước dành ra một ngày vào mùa hè, không cho xe cộ chạy qua suốt cả “dặm bảo tàng” để dân chúng có thể đi bộ, có thể viếng thăm bất cứ viện bảo tàng nào nằm từ đường 68 đến quá đường 100, chạy dọc theo đại lộ số 5, không mất tiền. Du khách và dân địa phương tha hồ lượn từ viện bảo tàng này qua viện bảo tàng khác. Họ dừng lại nhảy múa, ca hát ngay ngoài đường, ngay trên vĩa hè. Có nhiều hãng tổ chức những chương trình đặc biệt để giúp vui, dân trong xóm ra biểu diễn những môn sở trường của họ. Cả dặm đường biến thành một hội chợ nhỏ, người muốn đi xem viện bảo tàng có dịp ghé qua các khu mình thích, du khách khoan khoái hơn muốn gia nhập với dân địa phương cũng được, muốn xem triển lãm thì vào viện bảo tàng.

Để bớt tốn thì giờ và nhất là để khỏi bị mỏi chân, nên lấy xe điện ngầm hoặc xe buýt lên đến đường 106 rồi từ đó đi ngược xuống đường 65. Nói là một dặm nhưng thật ra đi cho hết cũng đến gần hai dặm một chiều. Thường cứ hai mươi đến hai mươi lăm đường cắt ngang là một dặm.

Khi ra khỏi đường 106, đi dọc xuống đại lộ số 5 mình sẽ gặp “El Museum del Barrio” ở ngay đường 105. El Museum del Barrio có nghĩa là Viện Bảo Tàng trong xóm. Được thành lập do một nhóm người gốc Puerto Rico cốt ý cho con cháu biết nguồn gốc của mình, họ cố giữ lại những truyền thống cũ cho các con em sinh ra ở xứ này có dịp học hỏi. Càng ngày viện bảo tàng càng nới rộng ra, bây giờ thành một trung tâm văn hóa cho tất cả các giống dân nói tiếng Tây Ban Nha. Ngoài những sưu tập về hội họa, điêu khắc v.v... họ còn tổ chức nhiều chương trình về kịch nghệ, văn chương v.v... cho trẻ em và sinh viên xa gần.

Đi xuống hai đường nữa sẽ gặp Museum of the City of New York, viện bảo tàng thành phố. Đây là một viện bảo tàng có nhiều đồ trưng bày gần gũi với đời sống hàng ngày của mình nhất. Có những con búp bê có từ thời 1742 bên cạnh những chiếc nhà tí hon, đủ kiểu, đủ màu trang bị bằng những dụng cụ và đồ đạc cỡ nhỏ rất xinh xắn. Có cả tầng lầu dành riêng để triển lãm về đời sống của thành phố Nữu Ước qua nhiều giai đoạn từ hơn 400 năm nay. Nữu Ước thời xưa cũng “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo...” với những mệnh phụ phu nhân áo đầm dài, cầm dù hoa đi thướt tha đến gần những chiếc xe ngựa, đài các hết sức. Ngoài ra viện bảo tàng còn tổ chức nhiều buổi văn nghệ do học sinh và nghệ sĩ địa phương trình diễn vào những ngày cuối tuần. Bảo tàng viện thành phố còn tổ chức những cuộc hành trình ngắn cho du khách viếng thăm Nữu Ước. Du khách muốn mua quà cho bà con tha hồ mà lựa vì ở đây còn bán rất nhiều đồ chơi hiện đại hay thú vị hơn là những đồ chơi thời 1920-1940, nhiều búp bê với đủ loại áo quần kiểu cách khác nhau.

Đi xuống nữa sẽ gặp nhiều viện bảo tàng danh tiếng. Lần tới mình đi Conservatory garden, Jewish Museum (Viện Bảo Tàng Do Thái), Trung Tâm nhiếp ảnh thế giới (International Center of Photography), Guggenheim Museum, Viện Bảo Tàng Guttenheim do Frank Lloyd Wright, nhà kiến trúc sư thần tài xây như hình một con ốc xoắn, đi một ngày không hết.

Thư sau sẽ kể tiếp,

0 nhận xét