Chị Nh thân mến,

Như vậy là mình đi gần hết các viện bảo tàng nằm trong “một dặm bảo tàng” rồi. Lần này mình đi tiếp hai viện lớn nữa. Đó là Whitney Museum of American Art và Frick Collection.

Thích nghệ thuật của Mỹ, nghệ thuật hiện đại thì phải đi thăm Whitney Museum. Whitney Museum nằm ở đường số 75, 945 Madison Ave., Bên ngoài cũng như ở phía trong, viện bảo tàng Whitney không được ấm cúng cho lắm. Kiểu kiến trúc cũng như lối trình bày Whitney không dược cổ kính, cầu kỳ xưa cũ như những viện bảo tàng khác. Biệt thự Whitney có thể là một trong những biệt thự xây kiểu rất mới mà không có gì đặc sắc. Tuy vậy viện bảo tàng này chứa rất nhiều bộ sưu tập của các nhà họa sĩ, điêu khắc nổi tiếng của Mỹ thời hiện đại. Những tác phẩm của Andy Warhol, Jasperv John đuợc triễn lãm thườngxuyên tại đây.

Whitney Museum chứa hơn 10,000 tác phẩm do Gertrude Vanderbilt sưu tập. Các tác phẩm này gồm đủ loại từ hội họa đến điêu khắc, nhiếp ảnh v..v... Khác với những tác phẩm nghệ thuât khác, các bộ sưu tập ở đây có sức làm cho người xem thấy nghệ thuật rất gần với đời sống hằng ngày của mình. Nhìn các tác phẩm triển lãm tưởng như đời sống thật mỗi ngày cuả mình đang bày biện ra trước mắt.

Đi xuống đường 70 trên đại lộ số 5 sẽ gặp Frick Museum. Người ta không gọi đây là một viện bảo tàng mà là một nhà triển lãm, một bộ sưu tập, sưu tập của Fricks, Fricks Collection. Frick Collection là một trong các viện bảo tàng được nhiều người thích nhất. Một nhà triễn lãm đặc sắc nhất của Nữu Ước. Người xem không có cảm tưởng nặng nề là đi thăm viện bảo tàng, đi hc hỏi văn hóa. Người xem không bị đe dọa bởi văn minh của cả ngàn năm trước. Người xem không sợ người khác “đọc” được phần nào sự thiếu hiểu biết của mình khi gặp phải những bức tranh khó hiểu, những pho tượng quá trừu tượng...

Ở nhà triễn lãm của Frick, mỗi phòng có một bình hoa cắm một kiểu khác nhau. Ở chính giữa biệt thự có một khu vườn nhỏ có ghế đá, có suối nước, có bụi cỏ xanh. Giữa một ngày mùa hè nóng nực ở Nữu Ước, có thì giờ vào đây nghỉ chân, ngồi nhìn suối nước vào xem tranh trong phòng điều hòa không khí thì không có gì thú bằng.

Henry Clay Frick là một nhà triệu phú và cũng là một người yêu nghệ thuật cùng thời với AndrewCarnegie. Ông là một nhà tư bản, bướng bỉnh cứng đầu nhất thời đó. Ông bị mang nhiều tiếng xấu vì không bao giờ chịu nhượng bộ các hội đoàn và luôn luôn cứng rắn với thợ thuyền. Fricks và Carnegie cũng như các nhà đại tư bản thời đó giàu nhờ kỹ nghệ sắt thép ở Pittsburgh. Đó là một kỷ nghệ liên quan rất nhiều đến giới thợ thuyền tay chân. Ong bắt công nhân làm lụng khổ nhọc, nhiều hội đoàn còn cho là ông bóc lột đám người nghèo khổ. Nhiều người tự hỏi không hiểu sao một người ác độc như vậy mà có thể để lại một viện bảo tàng xuất sắc như thế này??? Ông Frick bắt đầu đi Âu Châu sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật từ năm 1880. Những sưu tập của ông phần lớn thuộc phái hội họa cũ ; ông thích nhiều tác phẩm của các họa sĩ Ý. Frick sưu tập được nhiều tuyệt tác phẩm của các nghệ sĩ Anh và Pháp từ thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ thứ 19. Tất cả các sưu tập của ông đều dược trình bày theo với những bàn ghế, dụng cụ cùng thời đó, xếp đặt riêng rẽ trong mỗi phòng, rất công phu và mỹ thuật. Đi xem triễn lãm ở đây giống như đi lạc vào căn nhà của một người thân giàu có nào đó. Ở đây mình có thể tự do đi ngắm nghía từng món hàng mà chủ nhà đã bỏ nhiều công chọn lựa, bỏ nhiều thì giờ để trưng bày cho đẹp mắt. Năm 1913 gia đình ông Frick xây một biệt thự kiểu Âu Châu hồi thế kỷ thứ 18, một trong những biệt thự sang trọng nhất trên đại lộ số 5 thời đó. Ngay đến bây giờ, biệt thự đó vẫn là một trong những biệt thự đẹp nhất Nữu Ước. Từ đó gia đình ông dời tất cả các sưu tập từ Pittsburgh về Nữu Ước. Tất cả sưu tập của ông không trình bày theo thứ tự thời gian mà theo sự hòa hợp của căn phòng của bàn ghế của đồ dùng như trong một căn nhà riêng. Bởi vậy khi vào xem triễn lãm giống như đi viếng thăm biệt thự của Frick. Không bao giờ người ta cho hơn 200 người vào xem triễn lãm cùng một lúc. Như vậy những người vào xem có thì giờ ngắm nghía, thưởng thức các tác phẩm và sự trình bày tinh tế trong căn nhà.

Nữu Ước còn không biết bao nhiêu là biệt thự, là bảo tàng viện nữa.. Mình đi hết dặm bảo tàng rồi. Lần tới sẽ dắt chị đi “dãy bảo tàng”. “Dặm bảo tàng” gồm có những bảo tàng viện chạy dài trên hơn một dặm dọc theo đại lộ số 5. “Dãy bảo tàng”gồm có những bảo tàng viện nằm ngang theo dãy đường số 53. Đi hết dãy bảo tàng cũng cần hai ngày. Chỉ đi xem Museum of Modern Art -Viện Bảo Tàng của Nghệ thuật hiện đại- gọi tắt là MOMA đã cần hơn 1 ngày rồi.

Hẹn thư sau.

LÊ THỊ HÀN

0 nhận xét