Chị Nh. thân mến,

Cứ hẹn nói chuyện đấu giá với chị đã mấy tháng nay mà tuần nào cũng có chuyện “phải cho kịp thời gian tính” nên lần lữa mãi. Trong thư này và vài thư tới, nhất định sẽ dành cho những chuyện quanh đề tài đấu giá. Đề tài đấu giá cũng như đề tài viện bảo tàng hoặc ca vũ nhạc kich (broadway show) ở đây, chắc không bao giờ viết cho đủ.

Ở Nữu Ước, rất nhiều thứ được đem ra đấu giá. Chiều thứ sáu, đọc trang rao vặt hay trang cuối tuần, lúc nào cũng đầy cả những chi tiết về đấu giá. Một công ty phá sản đem đấu giá tất cả dụng cụ bàn ghế trong sở. Một tiệm ăn thua lỗ đem bán đấu giá từ nồi niêu chén bát đến khăn ăn. Một gia đình giàu có để gia tài lại, con cháu không biết chia ra sao cho công bình, đem tất cả của cải ra đấu giá... Ngoài những buổi đấu giá lâu lâu mới xảy ra một lần, còn có những công ty luôn luôn đem đấu giá những hàng hóa của họ bán như thảm, tranh, đồ cổ v.v... Những công ty này có trụ sở riêng của họ để có thể tổ chức ở nhiều nơi khác nhau. Nhờ vậy hàng hóa của họ được nhiều người biết đến và cũng nhờ phương thức bán hàng kiểu đấu giá họ có thể bán mau hơn, vì chỉ có những người thật thích mới đến mua.

Những người mua đấu giá thường lại nghĩ là mình mua được giá rẻ. Không khí trong những buổi đấu giá rất căng thẳng. Người ta trả tiền để giành giật nhau! Có những món hàng được nhiều người cùng muốn một lúc. Không ai chịu thua ai, ai cũng muốn mình mua được món đó. Đến khi bắt đầu trả giá, người này lên một tiếng, người kia không nhường lại lên tiếp, vì vậy có khi phải mua mắc hơn giá mình định. Thì cũng chịu thôi. Tự an ủi, vì thích quá, không muốn lỡ cơ hội.

Đi mua đồ đấu giá trở thành một trò tiêu khiển cho một số người. Tùy theo sở thích và nhu cầu, mình có thể chọn đi buổi đấu giá về thứ gì. Trước hết mình phải có thì giờ. Phải có tiền. Phải chịu chơi. Muốn khỏi bị “hố” mình cần phải thông hiểu món hàng mình định mua. Thường thường tùy theo buổi đấu giá lớn hay nhỏ, các món hàng trị giá cao hay thấp, người ta để cho mình được quyền vào xem các món hàng một tuần, một ngày, một buổi hay vài giờ trước khi đấu giá. Có những buổi đấu giá rất lớn như gia tài của Jacqueline Onassis, các tác phẩm của Andy Warhol v.v... ban tổ chức phải in những món hàng đấu giá thành những tập đồ mục, trong đó liệt kê và giới thiệu từng món hàng với những chi tiết đặc thù của nó. Người mua nhiều khi không cần đến dự ngày đấu giá, họ chỉ cần gọi điện thoại thẳng đến ban tổ chức khi bắt đầu đấu. Có những người giàu có và kín đáo hơn, họ gửi đại diện đi đấu và không bao giờ lộ diện.

Khi nói đến cơ sở đấu giá thì phải nói đến Christies và Sotheby, cũng như khi nói đến nước ngọt là phải nói đến Coca Cola và Pepsi. Mỗi cơ sở có một đặc điểm riêng. Không lẫn lộn mà cũng không tách rời được.

Sotheby luôn luôn cho mình là tiền phong vì Sotheby được sáng lập từ năm 1774, trước Christie hai năm. Cả hai hãng đều được thành lập tại Luân Đôn. Năm 1964 Sotheby mở chi nhánh đầu tiên tại Nữu Ước, mãi đến 13 năm sau đó, Christie mới thực sự vào Mỹ. Từ đó hai hãng cạnh tranh sát nút với nhau. Sotheby năm nào cũng bán được nhiều hơn Christies. Duy chỉ có năm ngoái, 1996, tổng số bán của Sotheby tổng cộng 1,599 tỉ Mỹ kim (xuống 5% so với năm 1995 bán được 1.67 tỉ Mỹ kim), trong lúc đó tổng số bán của Christies là 1.602 tỉ Mỹ kim (tăng lên 9% từ 1.47 tỉ trong năm 1995). Lần đầu tiên trong 43 năm, Sotheby đứng sau Christies. Được đà, Christies dự định bành trướng ra các thị trường mới ở các nước Á Châu và ở Paris. Christies sắp mở một chi nhánh ở California. Cả hai hãng đều đang tìm cách xâm nhập vào các thị trường khác ngoài thị trường đồ cổ. Họ nhắm vào những dịch vụ hàng ngày liên quan đến những khách hàng triệu phú, tỉ phú. Họ nhắm phục vụ những khách hàng đó trong mọi việc từ mua bán, sửa sang nhà cửa. Từ trang hoàng cho đến thu dọn, tồn kho v.v...

Sotheby và Christies còn muốn nới rộng thị trường đấu giá bằng cách mở lớp dạy cho những người thích đấu giá để họ học hỏi thêm. Khi biết nhiều hơn về thị trường, về những thứ mình thích, người đi đấu giá sẽ tự tin hơn, sẽ không có cảm tưởng như đang bị đe dọa mỗi lần lên giá hoặc giữ giá. Nhờ vậy họ càng thích tham dự nhiều buổi đấu giá. Ngoài ra còn có nhiều lớp dạy cho những người mắt thường như mình có thể định giá những tác phẩm nghệ thuật, phân biệt những món đồ cổ thuộc thời đại nào, giả hay thật, có đáng với giá tiền mình muốn trả hay không.

Thật ra những món hàng khi đem ra đấu giá là những món hàng rất khó định giá. Vì giá trị tình cảm và lịch sử nhiều đồ dùng dù giản dị, dù bình thường bao nhiêu đi nữa cũng có thể mang lại một món tiền lớn nếu những đồ vật đó đã thuộc quyền sở hữu của một nhân vật, một gia đình danh tiếng.

Thư sau sẽ kể chị nghe chuyện đấu giá của các gia đình giàu kếch xù, buổi đấu giá của Jacqueline Kennedy Onassis ở Sotheby gần một năm trước đây.

Hẹn thư sau,

0 nhận xét