Chị Nh. thân mến,

Chị có biết trong ba tháng mùa Đông lạnh ngắt, ở Nữu Ước thiên hạ làm gì, và chỗ nào trong thành phố bận rộn nhất không?

Người ta đi xem ca vũ nhạc kịch ở Broadway, đi xem triển lãm ở các bảo tàng viện, hoặc đi xem những chương trình đặc biệt trình diễn tại nhà hát thành phố (Radio City Music Hall) hay ở Madison Square Garden.

Madison Square Garden thì lúc nào cũng bận rộn. Đây là một trong những hội trường thể thao lớn nhất thế giới. Dân chúng nườm nượp đến đây xem bóng chuyền, bóng rổ, ice hockey, tennis... Ngoài ra, Madison Square Garden còn là nơi gánh xiếc Ringling Brothers về mỗi năm với những màn trình diễn đặc sắc, với những con cọp, những đoàn voi, những con thú tinh khôn đã được những người hát xiệc dạy dỗ để làm trò cho hàng ngàn khán giả đến xem.

Năm nay Madison Square Garden được chọn làm nơi tổ chức phát giải Grammy lần thứ 39. Đây là lần đầu tiên Madison Square Garden được hân hạnh đón tiếp toàn thể giới ca nhạc sĩ.

Cũng như giải Nobel đối với các nhà khoa học và học giả, giải Oscar cho các tài tử điện ảnh và người làm phim, giải Grammy là một giải thưởng rất quan trọng trong giới ca nhạc sĩ và giới làm đĩa nhạc. Giải Grammy bắt đầu năm 1958 trên các đài truyền thanh. Năm 1971, lần đầu tiên Grammy được lên đài truyền hình. Hồi đó ban tổ chức phải đi năn nỉ người ta vào xem cho đầy rạp hát. Vào khoảng 1985, 1987 số người đi xem đã lên đến hơn 10,000 người. Trong lúc đó, Shrine Auditorium ở Los Angeles chỉ chứa được 5,500 người. Gần hai năm trước đây, ban tổ chức giải Grammy đề nghị nên làm tại Madison Square Garden vì hội trường này có thể chứa đến 12,000 người.

Dân Nữu Ước có thích được đứng ra tổ chức buổi Grammy này không? Chắc chắn là phải thích thú lắm. Bởi vì muốn tổ chức giải Grammy ở Madison Square Garden vào tháng hai, Nữu Ước phải gửi đội bóng rổ đi đánh ở sân người. Đó là một sự hy sinh rất lớn. Phải thích được tổ chức lắm Nữu Ước mới chịu ngưng đường tàu điện ngầm một đêm. Vì ngưng đường tàu điện ngầm là một việc rất ít khi Nữu Ước chịu làm. Ngưng một vài đường tàu trong một buổi tối cũng như cắt một mạch máu nhỏ. Sẽ gây ra rất nhiều bất tiện cho dân chúng. Nữu Ước thích được đứng ra tổ chức ngày Grammy đến nỗi có một hãng lớn ở đây, ngoài 10 triệu Mỹ kim trả tiền quảng cáo còn phải quyên thêm cho được 1.5 triệu Mỹ kim để giúp hội đồng Grammy bù vào chi phí. Ban tổ chức buổi Grammy tuyên bố là tổ chức tại Nữu Ước tốn nhiều tiền hơn là tổ chức ở Los Angeles nhiều, vì vậy họ xin hổ trợ thêm 1.5 Mỹ kim.

Nữu Ước cũng sẵn sàng hổ trợ. Nữu Ước hăm hở lắm. Nữu Ước muốn mình không những chỉ là trung tâm văn hóa, tài chánh, mà còn là trung tâm của văn nghệ, và kịch nhạc nữa. Người Nữu Ước thì cứ lo lắng không biết đi đấu ở sân người như vậy đội Knicks có thắng đủ điểm để vào trận chung kết hay không? Grammy có thật đáng để đánh đổi cho sự xáo trộn chương trình của đội Knicks, đội Rangers? Grammy's có đáng cho Nữu Ước hy sinh hay không? Ai cũng lo, nhưng ai cũng muốn thử. Bởi vậy gần như cả thành phố sửa soạn cho Grammy's. Không thử một lần thì không sao biết được mình có làm nổi hay không?

Đối với Madison Square Garden, đây là buổi trình diễn lớn nhất từ xưa đến nay. Còn lớn hơn cả ngày đại hội của đảng dân chủ cách đây bốn năm. Ban tổ chức giải Grammy cần 14 ngày để sửa soạn sân khấu và rạp hát, trong lúc những buổi hòa nhạc khác tổ chức tại đây chỉ cần 2 hoặc 3 ngày là cùng.

Trên trần của hội trường treo lủng lẳng 185,000 cân nhạc cụ và những đồ trang bị cần thiết, gấp hai ba lần những buổi trình diễn khác. Có tất cả 24 chiếc xe vận tải chở đèn đuốc, nhạc cụ v.v... trong lúc những lần tổ chức khác chỉ có 10 chiếc xe vận tải là nhiều. Người ta xây một thành phố nhỏ trong hội trường. Người ta thay những ghế nhựa thường để ngồi xem bóng rổ, bóng chuyền bằng những chiếc ghế nhung êm hơn. Người ta sửa sao cho ánh đèn chiếu xuống quan khách êm dịu hơn. Trang hoàng sao cho chung quanh rạp hát ấm cúng hơn để khán giả có cảm tưởng là mình ngồi trong rạp hát chứ không phải trong một sân chơi thể thao.

Sau buổi trình diễn, thành phố đóng cửa một đoạn đường tàu điện ngầm, trang hoàng một chiếc tàu đặc biệt để chở khách quý từ Madison Square Garden đến khách sạn Sherraton dự buổi dạ hội. Chỉ có Nữu Ước mới làm được. Chỉ có Nữu Ước mới chịu chơi như vậy. Có thành phố nào có thể tổ chức để cho cả ngàn khách đi dự tiệc khỏi phải chen lấn, khỏi phải lo tìm chỗ đậu xe, khỏi phải đi ra ngoài gió lạnh? Khách chỉ cần bước xuống tàu là đến khách sạn trong vòng 10 phút. Đúng là Nữu Ước tìm mọi cách để dụ giới cầm ca.

Đêm Grammy rất thành công.

Eric Clapton được giải nhất với bản “Change the World”, “Nếu tôi có thể làm cho thế giới đổi thay, tôi sẽ thay đổi cho em.” Giọng Eric Clapton ấm và tha thiết hơn, không còn buồn nhiều như mấy năm trước đây khi mới mất đứa con trai nhỏ trong bài hát “Tears in Heaven”.

LeAnn Kimes được giải nhất về country music với bản “blue”. Mới 14 tuổi, LeAnn mặc áo xanh cho đúng với nhan đề bài hát. Cầm phần thưởng trong tay,cô vừa cám ơn vừa khóc. “Tôi rất hãnh diện đã nhận được phần thưởng...”

Thật ra, tối nay những người “đoạt giải” không những chỉ là những người lên sân khấu cám ơn, mà còn là những nhạc sĩ, ca sĩ trình diễn trước công chúng. Theo kinh nghiệm của những năm trước đây, sau ngày phát giải Grammy, số bán dĩa của những ca sĩ đoạt giải tăng lên 26% trong lúc đó số bán dĩa của những ca sĩ, nhạc sĩ trình diễn trong chương trình đêm Grammy tăng lên từ 24 cho đến 30%.

Nữu Ước đã hãnh diện được tổ chức giải Grammy's tại Madison Square Garden. Madison Square Garden có tự tin là đã thâu thập được nhiều kinh nghiệm có thể đứng ra tổ chức nhiều buổi hòa nhạc khác trong tương lai.

Chị có tưởng tượng được một tỉ rưỡi người trong 170 nước trên thế giới xem buổi trao giải thưởng này. 11,000 nhạc sĩ, ca sĩ, chuyên gia thu nhạc v.v. đã tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào buổi trình diễn này. Nữu Ước được giới âm nhạc công nhận là muốn làm thì được.

Chờ xem sang năm Grammy sẽ được tổ chức ở đâu?

Hẹn chị thư sau.

LÊ THỊ HÀN

0 nhận xét