Chị Nh thân mến,
Đi xem Museum of Natural History cũng giống như đi xem Metropolitan Museum of Arts, đi một ngày không hết. Cứ viết lớn nhất thế giới, rộng nhất thế giới...mãi cũng chán, nhưng phải công nhận vì nước Mỹ quá lớn, quá giàu và phong phú nên phần nhiều những viện bảo tàng, cơ sở nghiên cứu v.v đều to lớn, vĩ đại. Museum of Natural History là viện bảo tàng chứa nhiều dữ kiện, tài liệu về sự diễn tiến của con người và của thiên nhiên. Tổng thống Ulysses S. Grant đặt viên gạch khánh thành viện bảo tàng năm 1874. Từ ngày đó không biết bao nhiêu con ngựa đã chết, không biết bao nhiêu xe bò đã bể tan vì phải cố gắng mang những tảng đá khổng lồ đến xây viện bảo tàng. Cho đến ngày nay, người ta đã xây thêm 22 cao ốc nằm nguyên trong 4 khu phố mới có đủ chổ để chứa hết 34 triệu sưu tập đặc sắc về những bộ môn khoa học liên quan đến loài người và đời sống hằng ngày cũng như đến vũ trụ, trăng sao và các hành tinh khác. Trong những cao ốc này có 58 căn phòng chứa 2,300 loại triễn lãm trong những hộp kính thủy tinh nếu đem đo sẽ thấy rộng hơn 4 mẫu!! Đây mới chỉ là một phần mười số lượng những di tích khảo cổ mà bảo tàng viện tồn trữ. Số còn lại họ phải giữ trong những lồng kính khổng lồ ở nhà kho để bụi bặm không thể đóng vào.
Phần lớn học sinh ở các vùng lân cận Nữu Ước năm nào cũng được vào viện bảo tàng tham quan. Ai đến đây cũng thích lên tầng thứ tư, “ Phòng triển lãm khủng long”(Hall of early dinosaurs) để xem bộ xương của con khủng long khổng lồ dài 66 foot cao 18 foot. Cũng trên tầng này mình có thể đến xem phần trình bày về khoáng sản và đá quý để quan sát viên ngọc sapphire lớn nhất thế giới gọi là “Ngôi sao của Ấn độ” (Star of India). Phần lớn các viên ngọc và đá quý trình bày ở đây là của J. Pierpont Morgan, một nhà tài chánh gia nổi tiếng, người sáng lập ra ngân hàng Morgan Guaranty and Trust tặng. Viên ngọc topaz nặng 598 cân và những tảng sắt mang về từ ngoài không gian là một trong những báu vật của J.P Morgan.
Ngoài ra trên tầng hai và ba còn có triển lãm về các loài thú ở Phi Châu. Có cả đoàn voi, 7 con, có hàng trăm loại chim trên thế giới. Phòng Hải Dương Học và Ngư Lý ( The Hall of Ocean Life and Biology of Fishes) là phòng đặc sắc nhất, có con mực dài 39 foot, con tôm hùm nặng 34 cân. Ngay giữa phòng treo lũng lẳng một con cá voi dài 94 foot. Loại cá này có thể lớn đến 100 foot và là sinh vật khổng lồ nhất. Ngoài ra nếu muốn biết thêm vế sinh lý của con người cũng có thể đến phòng chuyên triễn lãm về các tế bào, sự tiêu hóa, hệ thống bài tiết cũng như sự lưu thông huyết quản. Khó mà tưởng tượng được viện bảo tàng này có hơn 16,000,000 giống sâu bọ trên thế giới!!
Đến thăm Museum of Natural History là phải để thì giờ vào xem Hayden Planetarium. Có thể mua vé ngay tại viện bảo tàng hoặc sợ chờ lâu có thể mua trước ở các ticketeron. Ở Planetarium mình có thể ngồi dựa ngữa xem những chương trình nhạc rock với âm thanh bao vây tứ phía, hoặc có thể xem phim trên màn ảnh vĩ đại, 75 foot, về Bảy Kỳ Quan của thế giới do Burt Lancaster giới thiệu. Ngoài ra còn có những chương trình chiếu phim về các hành tinh, các vì sao bao quanh. Ngồi trong hội trường với âm thanh và màn ảnh xung quanh mình có cảm tưởng như đang đi trên phi thuyền giữa hàng vạn hành tinh khác. Chỉ tiếc là Planetarium hiện đang đóng cửa để tu bổ lại. Năm 1999 hay 2000 hứa hẹn sẽ có một planetarium mới chưa từng có.
Ra khỏi đây, nếu giữa ban ngày thì có thể đi xem Intrepid Sea Air Space Museum, ở bến 86 trên sông Hudson, góc đường 46 và đại lộ 12.
Đây là chiếc hàng không mẫu hạm thời Đại chiến thứ hai. Có nhiều triễn lãm và chỉ dẫn về tàu thủy, về hỏa tiễn, về truyền tin v..v. Trẻ con cũng như người lớn những ai hiếu kỳ có dịp quan sát tận mắt về hàng không mẫu hạm cùng với hàng chục kiểu máy bay phản lực.
Còn nhiều viện bảo tàng nữa, viện nào cũng hay cũng muốn kể chị nghe, như The Cloisters., cũng là đất của Rockefeller cho, nhìn xuống giòng sông Hudson bát ngát.... nhưng thôi, hôm nay dừng ở đây. Lần tới mình đi xem Broadway và Off Broadway.
Hẹn thư sau.
LÊ THỊ HÀN
0 nhận xét
Đăng nhận xét