Chị Nh thân mến,

Có người đến Nữu ước chỉ để đi xem Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại, Museum of Modern Arts, nói ngắn là MOMA. Trẻ hơn, nhộn hơn các viện bảo tàng khác, MOMA nằm ở số 11 W đường 53 giữa đại lộ số 5 và số 6 .

Năm 1929 MOMA được thành lập bởi ba vị sưu tập tiền phong, bà Abby Aldrich Rockefeller, vợ của tỉ phú John D. Rockefeller, bà Lillie P. Bliss và bà Cornelius J. Sullivan. Thời đó, phần lớn các nhà sưu tập chỉ muốn mua những búc tranh cũng như tượng điêu khắc của các nghệ sĩ Âu châu đã nổi tiếng từ những thế kỷ trước. Ba bà này cấp tiến hơn, được John Rockefeller cho miếng đất ngay bên cạnh trung tâm Rockerfeller, chung nhau bỏ tiền xây một viện bảo tàng chỉ để trình bày những tác phẩm cận đại nhất. Lần triễn lãm đầu tiên năm 1929 gồm các tác phẩm của Van Gogh, Cezanne, Gauguin và Seurat... Sau đó trình bày rất nhiều tranh và điêu khắc , phim ảnh v.v. của các tác giả rất mới. Tuy nhiên dù mới thế nàođi nữa, một ngày trôi qua , ý tưởng mới đã thành cũ. Bởi vậy MOMA luôn luôn bị giới yêu nghệ thuật chỉ trích. Một số người cho là tranh của Picasso, Van Gogh thuộc về phái cũ, không thể nào gọi là cận đại. Một số người khác cho là những tác phẩm ở MOMA cho dù đã qua mấy thập niên vẫn còn mới quá, có khi mới đến kỳ cục... Dù nghĩ thế nào đi nữa MOMA cũng là một viện bảo tàng rất hấp dẫn, đi cả ngày không chán. Ở đây không những chỉ trình bày hội họa mà còn có bàn ghế, phim ảnh, đồ sứ, đồ sành, kiến trúc. MOMA có 100,000 họa phẩm và điêu khắc, 10,000 cuốn phim và 100,000 quyển sách. Tuy nhiên không cần phải đem con số ra mà so sánh, MOMA luôn luôn được tiếng là viện bảo tàng có nhiều tác phẩm hiện đại nhất thế giới. Đến đây, việc trước tiên là lên tầng lầu thứ hai và ba để xem tranh của các họa sĩ"cấp tiến" một thời bây giờ được đặt vào "phái già" như Picasso, Chagalls, Kandinskys, Mondrians. Sau đó ra vườn xem những pho tượng nổi tiếng của Rodins, Calders. Có thì giờ ngồi ăn trưa ở tiệm ăn ngay trong vườn mới thật thú vị. Đây là một chỗ đặc biệt nhất cuả thành phố: Một khu vườn với rất nhiều bức tượng của các nhà điêu khắc danh tiếng nằm ngay giữa những cao ốc bằng gương, bằng sắt, sáng chói. Điều lạ là khi đã vào đây mình gần như không còn quan tâm đến thế giới bên ngoài. Sau khi ăn xong còn có thể đi xuống tầng dưới xem phim. Có hai rạp chiếu đủ loại phim, từ thời Garbo, Bogart cho đến những phim mới nhất hiện nay. Vào mùa xuân MOMA có chương trình đặc biệt dành cho những nhà đạo diễn mới và những phim mới nhất trong năm. Có khi chiếu đến 25 phim trong một tuần. Đi xem phim mới đã thích rồi, khỏi phải trả tiền lại còn thích hơn nữa!! Ngay trước mặt MOMA, một chi nhánh của thư viện thành phố The Donnel branch ở đường 53 luôn luôn có chiếu phim không mất tiền. Thư viện này là một trong những thư viện có rất nhiều phim ảnh và nhac cho công chúng mượn. Có cả sách nhiều thứ tiếng khác nhau. Có cả sách tiếng Việt.

Nếu mình chịu hiểu thời "hiện đại" là thời từ 1850-1950 thì vào xem MOMA sẽ không chán vì MOMA có rất nhiều tác phẩm của giai đoạn đó. Ngoài ra mỗi năm MOMA còn dành ra hai ngày chỉ để trình bày nhiều chương trình đặc biệt cho trẻ con.

Ra khỏi MOMA phải bước qua bên kia đường, ghé vào The Design Store để "tiêu tiền" ở gian hàng bán tặng phẩm của MOMA. Ở đây thấy cái gì cũng lạ, cũng muốn mua. Những tặng phẩm ở đây không giống một tặng phẩm nào khác. Toàn là những tác phẩm nghệ thuật. MOMA bán từ bình hoa chưng trong nhà, đến cây viết chì v.v. dĩ nhiên tất cả đều làm theo kiểu khác thường, rất là lạ mắt.

Người ta gọi con đường này là “dãy bảo tàng” vì cũng trên đường này, đến số 40 là Viện bảo tàng thủ công nghệ của Mỹ, nói tắt là ACM (American Craft Museum ). Trước kia ACM nằm trong một căn nhà dãy, hay còn gọi là nhà phố, sau đó hãng E.F.Hutton đề nghị đổi cho AMC để AMC được dọn vào 4 tầng lầu với diện tích 15,000 feet vuông trong trụ sở của Hutton. Nhờ vậy ACM cóchỗ để trình bày rất nhiều tượng bằng sứ, đồ điêu khắc bằng gỗ. Gần đây các nghệ sĩ thường dùng những vật liệu mới hơn như các loại sợi hóa học đủ màu hoặc plastic đủ loại. Trẻ con vào đây rất thích vì có những khu vực có thể sờ mó tự do.

Đang ở trong xóm này, nếu còn sức mình có thể đi xem Viện Bảo tàng truyền hình và truyền thanh (Museum of Television and Radio), ở số 25 W đường 52. Vào đây người lớn có thể tìm để nghe lại những chương trình truyền thanh từ hồi 1927 đến 1969. Có thể ngồi hàng giờ xem những chương trình truyền hình thời 1950, 1960 rất vui. Mỗi thứ bảy từ tháng chín đen tháng sáu có chương trình "Làm lại những chương trình phát thanh thời 1930, 1940" cho con nít từ 8 đến 13 tuổi tập trình diễn, tập tái tạo những chương trình phát thanh theo ý mình

Nữu Ước có quá nhiều viện bảo tàng, viết về viện bảo tàng này mà không viết về viện bảo tàng khác thành thiếu sót, nhưng viết hoài không hết. Lần sau mình đi một trong những viện bảo tàng lớn nữa là viện bảo tàng về lịch sữ thiên nhiên.

Hẹn thư sau.

LÊ THỊ HÀN

0 nhận xét