Chị Nh. thân mến!

Tháng năm ở Nữu Ước là một trong những tháng có thời tiết đẹp nhất. Mưa tháng tư đem hoa tháng năm. Góc phố nào cũng đầy cả hoa. Trời trong xanh và có nắng nên mát vừa đủ. Có thì giờ dẫn nhau đi dạo vườn hoa, đi thăm viện bảo tàng là thú nhất. Mình sẽ tiếp tục đi theo “ dặm bảo tàng” từ đường 105 trở xuống.

Ngay đường 105 mình gặp Conservatory, người Nữu Ước còn gọi là khu vườn bí mật (trong truyện Secret Garden, để hôm nào kể chị nghe nếu chưa đọc). Ở Conservatory hoa nở bốn mùa, nhưng đẹp nhất là những tháng mùa xuân và những ngày có nắng. Ở trước Conservatory người ta trồng không biết bao nhiêu là hoa tùy theo mùa. Mùa hoa thủy tiên hai dãy hoa vàng chói tắm nắng mùa xuân như một bãi vàng. Đến mùa tulip, cả hơn 20,000 cây hoa bên trắng bên hồng ngời sáng, báo cho dân Nữu Ước biết là mùa xuân đã thật sự đến đây.

Xuống đường 94 vào xem Trung Tâm nhiếp ảnh quốc tế (International Center of Photography). Đây là bảo tàng viện độc nhất ở Nữu Ước chỉ trình bày toàn nghệ thuật nhiếp ảnh. Có nhiều triển lãm rất giá trị. Trung tâm này do Cornell Capa, nhiếp ảnh gia nổi tiếng hơn 20 năm của tờ báo Life, và Quỹ Nhiếp Ảnh Thế Giới thành lập năm 1972. Mục đích chính của viện bảo tàng là để giúp những người có khiếu và thích nghệ thuật nhiếp ảnh có cơ hội để tiến thân , để tìm tòi và tồn giữ những tác phẩm bị bỏ quên...

Trung tâm này cũng tạo ra cơ hội cho các nhiếp ảnh gia gặp nhau, dạy thêm cho giới trẻ đi sâu vào nghệ thuật nhiếp ảnh. Trung tâm còn tìm mọi cách để mua lại những tác phẩm có tính cách nghệ thuật. Hiện nay trung tâm có hơn 3 ngàn tấm hình bản chính của hơn 100 nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Robert Capa, Werner Bischof, David Seymour..v..v..

Đi dọc xuống đường 92 sẽ gặp một bảo tàng viện độc đáo, có thể nói là độc đáo nhất thế giới, đó là bảo tàng viện của người Do Thái (The Jewish Museum). Được xây dựng từ năm 1904, bảo tàng viện này có rất nhiều bảo vật của Do Thái mà hiện tại không nước nào có. Thật ra điều này cũng không lạ gì, vì người Do Thái cư ngụ ở Nữu Ước rất đông, không kém gì dân số Do Thái tại Isreal. Những người Do thái sinh sống ở đây phần đông đã làm ăn khá hơn thời đầu thế kỷ khi họ mới di dân qua. Ở đây mình có thể xem từ những bản in cổ, bức tranh xưa cho đến những cây đèn, những vương miện cũ xưa dùng trong các buổi tế lễ. Có những bảo vật từ thời 1488. Bảo tàng viện này nổi tiếng về loạt sưu tầm những đồng tiền cổ, có hơn 200 loại tiền cổ từ thời thế giới bắt đầu xử dụng tiền để buôn bán.

Xuống góc đường 88 và đại lộ số 5 là Viện Bảo Tàng Guggenheim (The Solomon Guggenheim Museum).

Nhiều người thích viện bảo tàng Guggenheim không phải chỉ vì những triển lãm trong viện bảo tàng mà thôi mà là vì kiến trúc ở đây rất đặc biệt. Viện bảo tàng này do Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư nổi tiếng xây giống hình con ốc xoắn, khánh thành năm 1959. Frank Lloyd Wright muốn xây “một khoảng không gian rộng và liên tục”. Rộng có nghĩa là đủ để treo tranh cho người xem có đủ chỗ ngắm nhìn. Liên tục là để làm sao cho người xem khỏi phải đi từ phòng này sang phòng khác, hoặc phải đi xuống đi lên một tầng lầu khác. Ở Nữu Ước, nhất là trên đại lộ số 5 làm sao tìm ra đất để xây một phòng triển lãm liên tục một phần tư dặm? Frank Lloyd Wright đã tài tình xây một con ốc xoắn dài 1/4 dặm, và cao sáu tầng, 92 feet.Như vậy mình có thể đi vòng theo con ốc xoắn và thưởng thức tranh một cách liên tục. Thường thường để khỏi mất thì giờ và để khỏi leo bảy tầng lầu cho mất sức, du khách lấy thang máy lên tầng cao nhất trước rồi từ đó đi từ từ đi xuống theo vòng xoắn. Tranh và điêu khắc bày khắp các tầng lầu.

Solomon R. Guggenheim bắt đầu sưu tập tác phẩm của các họa sĩ danh tiếng thời xưa. Sau đó, từ khi ông gặp một phụ nữ nghệ sĩ người Đức Baroness Hilla Rebay von Ehrenwiesen năm 1926, ông đổi chiều hướng. Ông xoay qua mua rất nhiều tác phẩm của các họa sĩ cận đại, nhất là những họa sĩ thời 1920-1930. Ngoài các tác phẩm của 3 họa sĩ danh tiếng như Chagall, Pollock, Dubuffet ở đây có rất nhiều tranh của Picasso thời mới vẽ, chưa ai biết đến.

Bảo tàng viện này còn chứa hơn 200 bức tranh của Vasily Kandinsky, Klee, Kinchner, Kokoschka, như bức “Knight Errant”. Từ năm 1950 viện bảo tàng bắt đầu mua nhiều tác phẩm điêu khắc quan trọng của Constanin Brancusi, Anchipenko, Giacometti và Calder.

Mới đây vì không còn đủ chỗ để trưng bày các tác phẩm, họ đã xây thêm một tòa nhà phụ ở bên cạnh. Tòa nhà 10 tầng này cũng dựa theo dự án của Frank Lloyd Wright vẽ lúc ông còn sống.

Đi thăm bảo tàng “Googie” đừng quên ghé vào uống trà buổi xế chiều, đừng quên nhìn xem khu sân rộng trưng bày những tượng của các nhà điêu khắc danh tiếng.

Bảo tàng Guggenheim còn có thêm một chi nhánh ở vùng Soho (nơi có nhiều nghệ sĩ ở nhất, xem những bức thư về Soho, Greenwich Village...)

Lần tới mình đi xem Whitney Museum và một vài viện bảo tàng khác, rồi phải để nguyên một hoặc hai ngày đi xem Metropolitan Museum of Arts. Viện Bảo Tàng mà ai đến Nữu Ước cũng phải đi. Viện bảo tàng mà dân Nữu Ước cứ đem so sánh với Louvre ở Paris

Hẹn chị thư sau.

LÊ THỊ HÀN

0 nhận xét