Chị Nh. Thân mến,

Chỗ đi chơi ở Nữu Ước nhiều đến nỗi có nhiều người dù sinh sống ở đây lâu ngày vẫn không đi hết. Vậy nếu đến Nữu Ước thăm, ở một tuần, một tháng hay cả một năm mà vẫn thấy không đủ thì giờ cũng không có gì lạ. Khi đến Nữu Ước thường phải biết trước mình muốn làm gì nhất. Muốn đi xem hát, đi phố, đi xem viện bảo tàng v.v.Nếu đến Nữu Ước mà chỉ có thì giờ để đi thăm một viện bảo tàng thôi thì nên chọn Metropolitan Museum of Arts.

Viện bảo tàng Metropolitan rất lớn, đi xem một ngày, một tuần không thể nào hết được. Những người chuyên sưu tầm đã bỏ công thu thập hàng ngàn hàng vạn bảo vật về trưng bày ở đây. Viện bảo tàng này đã dồn rất nhiều tinh hoa của thế giới về Nữu Ước, chứa trong một tòa nhà bao la, không biết bao nhiêu là phòng. Thật cũng đáng công vì chị biết không, mỗi năm có hơn 3 triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật lẫy lừng đó. Số du khách đến thăm viện bảo tàng Metropolitan đông hơn số người đi thăm tượng nữ thần tự do hoặc nhà chọc trời Empire State.

The Metropolitan Museum of Arts nằm ngay bên phía Đông của Central Park trên đại lộ số 5 chạy dài từ đường 82 đến đường 86 là một lâu đài văn hóa nằm trong một khu vườn bao la. Dân Nữu Ước dùng viện bảo tàng này như một câu lạc bộ công cộng. Họ hẹn hò nhau ở đó, để dự những buổi diễn thuyết đặc biệt, để nghe hòa nhạc, để cùng nhau vào ăn trưa hay ăn tối, có khi ngồi uống trà buổi xế chiều trong những nhà hàng của viện bảo tàng. Nếu cần mua thiệp chúc Tết, tranh ảnh hay sách nghệ thuật vào gian hàng bán đồ kỷ niệm, ở đây không thiếu thứ gì. Họ còn bày bán cả những nữ trang làm theo kiểu thời xưa, những đồ sứ giả kiểu cổ, những khăn quàng theo mẫu của các họa sĩ danh tiếng... Metropolitan Museum of Arts lúc nào cũng cố gắng theo kịp trào lưu, không những chỉ về khía cạnh nghệ thuật mà còn về kỹ thuật. Năm 1907 Metropolitan Museum of Arts là viện bảo tàng đầu tiên trang bị máy lạnh, chỉ 5 năm sau khi phát minh ra máy lạnh.

Trong khi những viện bảo tàng khác thường chỉ trình bày những tác phẩm, quanh một vấn đề, một thời đại, một vài tác giả hoặc của một vị trí địa lý nào đó thôi. Viện bảo tàng này là viện bảo tàng lớn nhất nước Mỹ gần như bao gồm tất cả các giai đoạn nghệ thuật của tất cả các nước trên thế giới.

Điều khó nghĩ nhất của du khách là làm sao chọn đi xem phòng triển lãm nào trước. Làm sao để khỏi cảm thấy như văn hóa của cả thế giới đang muốn đổ ầm ập trên người mình. Làm sao để đừng thấy ngợp, thấy choáng váng, dù cho 5,000 năm nghệ thuật đang phô bày ngay trước mắt mình đó mình cũng biết từ tốn chọn lựa, thong thả đi ngắm nghía những tác phẩm đặc sắc đã được bao nhiêu người bỏ công tìm kiếm đem về đây triển lãm.

Đi qua dãy tầng cấp bằng đá trắng rộng và cao. Nhìn ngắm những khuôn mặt hớn hở ngồi đầy trên các bậc thang có người ngồi nghỉ mệt, có người ngồi chờ bạn đồng hành để cùng vào xem triển lãm. Trời nắng, trời mưa, lúc nào sân viện bảo tàng cũng đầy cả người. Bước vào trong là một phòng tiếp tân rộng với một bình hoa tươi vĩ đại. Đến đây là phải có ý niệm mình có bao nhiêu thì giờ sẽ đi xem phòng triển lãm nào. Vì phải mất gần ba tiếng đồng hồ mới chỉ đi ngang qua hết những phòng triển lãm không được dừng lại nhìn.

Phải mất cả ngày để chỉ xem được một phần của viện bảo tàng. Làm sao vừa có thể xem hội họa của Âu Châu vừa ngắm nhìn đồ sứ của Á Châu. Làm sao vừa có thể xem những pho tượng La Mã cùng một lúc xem tượng đầu của hoàng hậu Hatshepsut hay đứng trước các kỵ mã mặc áo giáp thời thượng cổ.

Rất nhiều du khách thích văn hóa Ai Cập. Đi về phía tay trái, trước khi đến Temple of Dendun, một tòa nhà được bảo tồn từ thứ kỷ thứ 15 trước Thiên Chúa, mình sẽ đi qua những phòng triển lãm văn hóa nghệ thuật của Ai Cập (Egyptian Galleries). Phòng triển lãm này trình bày theo thứ tự thời gian, qua một quá trình văn minh của 36 thế kỷ, từ năm 3000 trước Thiên Chúa đến năm 641. Viện bảo tàng Metropolitan có rất nhiều bảo vật nhờ những nhà khảo cổ đến Ai Cập thời chính phủ Ai Cập còn cho phép người ngoại quốc mang về một nửa số tài liệu ho khai quật được.

Có những du khách đến viện bảo tàng này chỉ để xem phần triển lãm của Mỹ Quốc (American Wing). Cầm bản đồ trong tay, mình có thể chọn đi vào các phòng triển lãm tranh của các họa sĩ Mỹ danh tiếng như George O'Keefe với hình bông hoa đỏ chói, Mary Cassatt, John Singer Sargent với những bức tranh đồng quê thơ mộng đầy màu xanh da trời hay của Edward Hopper. Phòng triển lãm này nổi tiếng nhờ những sưu tập về nghệ thuật sơ khai của Michael Rockefeller. Đẹp nhất là phòng kính đầy những tuyệt tác phẩm về kính vẽ (stained glass) của Tiffani, trong đó có những tấm Tiffani vẽ cho nhà riêng của ông ở Long Island. Ngoài ra còn có những bức kính vẽ thời Frank Lloyd Wright vẽ cho một trường mẫu giáo và của Louis Sullivan.

Phòng triển lãm nghệ thuật sơ khai trình bày văn hóa từ Phi Châu qua Mỹ Châu kéo dài 3000 năm, giới thiệu cho khán giả không biết bao nhiêu là dị biệt giữa văn minh của các quốc gia trên thế giới. Rất tiếc là Michael Rockefeller, con trai của Nelson Rockekeller bị chết đuối trong một chuyến đi khảo cổ ở New Guinea năm 1961. Michael có khiếu nhìn nghệ thuật rất đặc sắc, đã sưu tầm rất nhiều tác phẩm có một không hai.

Hội họa Âu Châu được trưng bày ở tầng lầu hai, nơi có hơn 30 gian phòng triển lãm nhiều tuyệt tác của Cezanne như “Rock in the Forest”, “Cypress”, của Van Gogh, cả một căn phòng dành riêng cho Rodin, 17 bức tranh của Rembrands, Renoir, Monet, hay của các họa sĩ Y Boticelli, Raphael hoặc của họa sĩ Tây Ban Nha El Greco với họa phẩm “View of Toledo”.,

Chỉ có những dân ở Nữu Ước lâu và thích đi thăm viện bảo tàng mới biết là tối thứ sáu và thứ bảy viện bảo tàng mở cửa cho đến 9 giờ tối. Mình có thể đến đó ăn cơm tối, có ban nhạc sống chơi chung quanh, có nến thắp trên bàn ăn mờ ảo, tình tứ. Cứ tưởng như mình đi dự dạ tiệc mà không cần ai mời, khỏi lo tiếp chuyện với ai. Mình tha hồ thả bộ đi ngắm tranh trong các phòng triển lãm lúc đó vắng người hơn, yên lặng hơn. Mình có thì giờ để nhìn ngắm mọi bảo vật cả chiều dài chiều rộng và chiều sâu...

Đã đến viện bảo tàng này, nên dành thì giờ đi xem phòng triển lãm nghệ thuật Á Châu. Đi xem tranh thủy mạc, ngắm những nét chấm phá rất tài tình, nhìn những trướng liễn của Trung Hoa. Chiêm ngưỡng những bình sứ cổ, những tấm bình phong đầy ý nghĩa, những đồ dùng trong nhà rất đơn sơ mà thanh nhã của Nhật. Xem lụa vẽ của Đại Hàn. Nhìn những đồ trang sức sặc sỡ, cầu kỳ của Ấn Độ. Gian hàng triển lãm nghệ thuật Á Châu trình bày theo thứ tự thời gian, từ trước Thiên Chúa đến thế kỷ 19 gồm có nhiều tác phẩm sưu tầm từ các nước bên Châu Á mà chưa chắc những viện bảo tàng Châu Á có được.

Ngoài ra trên các dãy hành lang, còn có rất nhiều ấn phẩm, nhiếp ảnh hay tranh hoạt họa, tranh treo tường... Phần triển lãm này được thay đổi luôn luôn. Metropolitan còn tổ chức rất nhiều chương trình đặc biệt hàng tuần trong mọi phòng triễn lãm riêng biệt, vì vậy lúc nào đến viện bảo tàng cũng có nhiều đề tài mới để xem.

Nếu chị tò mò muốn biết thêm về áo quần, giày dép của dân Viking thời xưa thì tha hồ ngẩn người ra mà nhìn những bộ áo giáp nặng nề, những vũ khí to lớn thời xưa. Gian phòng này chứa hơn 1,000 cây gươm, vũ khí cổ điển, đủ loại, dùng trong các chiến trận, các buổi lễ và diễn hành thời xưa..

Viện bảo tàng này có hơn 4,000 nhạc khí đủ cỡ, đủ loại sưu tập từ mọi nơi trên thế giới, nhưng chỉ bày ra độ 800 chiếc. Có cả dụng cụ âm thanh để du khách có thể nghe thử, chơi thử.

Có nhiều căn phòng chứa đầy bảo vật đem từ những dinh thự của các vua chúa hay từ lâu đài của các nhà quý tộc từ mấy trăm năm về trước.

Dù bảo tàng viện Metropolitan chứa rất nhiều di sản cho người lớn xem mới hiểu nhưng ban tổ chức không quên đám thanh thiếu niên. Họ dành một tầng lầu đặc biệt cho giới trẻ từ 6 đến 12 tuổi hay từ 10 đến 15 tuổi. Có những chương trình kéo dài cả năm cho con nít học vẽ hoặc học làm phim..v..v. Có những bà mẹ thích vào xem phần triễn lãm dành cho trẻ con hơn là phần của người lớn, vì như vậy có thể dễ hiểu hơn và chơi theo được với con cháu.

Thôi mình cũng nghỉ ở đây. Lần tới mình đi viện bảo tàng Cooper-Hewitt và Frick. Hai viện bảo tàng này không giống một viện bảo tàng nào hết, rất là hào hứng. Không có một thành phố nào có viện bảo tàng kiểu này, nằm ngay trong nhà một đại tỷ phú, người đã từng viết “chết giàu là chết dở”. Khi nghiệm ra được điều đó ông bắt đầu dùng hết tài sản của mình xây và sưu tập cho viện bảo tàng.

Hẹn thư sau.

LÊ THỊ HÀN

0 nhận xét