Người ta gọi Nữu Ước là một hội chợ liên hiệp quốc vì đây là thành phố qui tụ nhiều sắc dân nhất. Thường thường họ tụ họp thành từng khu phố, chiếm từ vài con đường cho đến vài chục con đường. Mỗi khu có những sắc thái riêng biệt, từ cách kiến trúc nhà cửa đến màu sắc của các bảng cửa tiệm. Nhưng trong tất cả các khu phố của rất nhiều sắc dân trên thế giới, phố Ý và phố Tàu là độc đáo nhất.
Phố Tàu và phố Ý dù ở ngay cạnh nhau nhưng khác nhau một trời một vực.
Không những chỉ người Việt mà du khách nào đến New York cũng muốn đến phố Tàu. Có nhiều du khách đến New York, chỉ đi thăm phố Tàu, thăm tượng Nữ Thần Tự Do rồi nghĩ rằng phố Tàu là New York. Nghĩ như vậy có hơi bất công cho New York một chút!!! Bởi lẽ ở Nữu Ước, ngoài phố Tàu ra còn có rất nhiều chỗ đáng xem. Nhưng ngược lại, nếu không có nhiều thì giờ và nhớ nhà, muốn thưởng thức một chút hơi hưởng “Chợ Lớn” thì nhất định phải đi phố Tàu.
Hai con đường chính của phố Tàu là Canal và Mott, cắt ngang cả chục con dường nhỏ. Vào đến phố Tàu, mình tưởng như lạc vào một thành phố nào ở bên Tàu. Mọi người nói tiếng Tàu, bảng hiệu, cửa tiệm, chỗ nào cũng viết bằng tiếng Tàu. Ngay cả các cột điện thoại cũng có hình mái chùa màu đỏ, các tiệm ăn dán nhan nhãn những thực đơn bằng tiếng Tàu.
Người Âu Châu và ngay chính người Mỹ ở tại Nữu Ước vào đây cũng tưởng họ là du khách đến viếng một thành phố Tàu. Mới chỉ 10 năm qua mà Phố Tàu mở rộng từ 29 khu phố với 70,000 dân thành ra 40 khu phố với 150,000 dân trong đó số người Việt gốc Hoa định cư cũng khá nhiều. Trước đây chỉ có một vài tiệm ăn Việt Nam thôi, bây giờ có cả gần mười tiệm ăn Việt Nam và khá nhiều tiệm tạp hóa. Các tiệm, các phố treo lủng lẳng gà vịt heo quay thơm lừng. Muốn mua rau cải, trái cây, đồ biển, cứ đến phố Tàu, không thiếu một thứ gì, cái gì cũng thật tươi và rẻ. Người ta bày bán ngay trước cửa hàng, mùa nóng cũng như mùa lạnh
Ngoài các thành phố bên Á Châu, số người Tàu tụ tập ở New York nhiều hơn ở bất cứ một thành phố nào khác. Vì đông người ở, lại đông du khách nên lúc nào phố Tàu cũng tấp nập, ồn ào, đủ loại mùi vị. Gặp ngày cuối tuần, muốn đi ăn “dim sum” ( bán các món bánh trên xe đẩy đi từng bàn), nhiều khi chen chân không lọt, có khi phải chờ đến cả tiếng đồng hồ. Trong phố Tàu có hơn 200 tiệm ăn, ai cũng nói ăn ở phố Tàu New York còn ngon hơn ăn ở bên Tàu nữa. Đem một gia đình 4 người đi ăn chị có thể xài $20 hay $200 tùy ý chị.
Ngoài chuyện ăn ngon, trên suốt những con đường trong phố Tàu chỗ nào cũng bán đầy dẫy những hàng hóa “brand name” với giá rẻ mạt. Dĩ nhiên là không phải “thứ thiệt”. Đồ mang nhãn hiệu Gucci, Dior, Channel... bán đầy đường. Chị có thể mua cà vạt lụa 3 cái $10 hay đồng hồ Cartier dưới $10, nếu chị chịu khó mặc cả. Du khách đến phố Tàu ai cũng vui vẻ vì phong cảnh lạ, ai muốn ăn ngon thì được ăn ngon, muốn mua đồ rẻ thì có đồ rẻ. Chuyện phải tránh là đừng bao giờ lái xe hơi vào phố Tàu. Nếu ở xa, đến phố Tàu bằng xe hơi thì nên vào bãi đậu xe trả tiền rồi đi bộ ngắm nghía khỏe hơn vì rất khó lòng tìm được chỗ đậu xe dọc đường. Chen lấn chạy đi tìm chỗ đậu khỏi mất tiền nhiều khi xe sẽ bị đụng móp méo hay có khi bị “thổi” hoặc đồ đạc để trong xe hoặc nguyên cả chiếc xe, nhất là xe mang bảng số tiểu bang khác.
Vượt qua đường Canal là khu phố Ý.
Chỉ cách có một con đường thôi mà giống như mình mới bay qua một thành phố khác bên Âu Châu. Ngày xưa dân Ý di dân qua Mỹ phần lớn lập nghiệp ở đây. Những tiệm bán thịt, bán bánh mì, những dãy phố nhà hẹp mà cao giống hệt như những khu phố ở Rome hay Florence. Nhiều đoạn trong phim “Godfather” quay tại đây. Phố Ý có rất nhiều tiệm ăn nổi tiếng. Có rất nhiều tiệm bánh ngọt và cà phê cùng một gia đình làm chủ cả trăm năm nay. Mùa nóng họ bày bàn ghế ra trước mặt cửa tiệm, mùi bánh, mùi capuccino thơm phức. Trời hơi lành lạnh, có một người bạn vàng ngồi ăn bánh với nhau thì thật là thần tiên. Ngồi đó mà nhiều khi cứ tưởng như mình đang ở một góc đường nào bên Rome, bên Milan. Bên cạnh những tiệm ăn thật sang, cũng có những tiệm nấu theo kiểu gia đình. Vừa vào bàn là được thưởng thức một dĩa bánh mì tỏi “garlic bread” thơm ngon. Ngồi trên những chiếc ghế dài không có nệm, bàn trải khăn ca rô đo tưởng như đang ở một vùng quê nào của nước Ý. Có bao giờ chị đến Margueritta gần Portofino ở dọc theo bờ biển Đại tây Dương chưa ? Chắc một vài người chủ tiệm ở đây xuất thân từ vùng đó. Ở Portofino có người chơi mandoline trong tiệm ăn. Ở đây, người ta đem đàn accordion đến từng bàn, mình cứ yêu cầu bản nào là họ chơi bản đó.
Mỗi năm phố Ý tổ chức rất nhiều hội chợ để vinh danh cho các bậc thánh khác nhau. Trong những dịp lễ lạc đó họ bán đồ ăn thổ sản của từng vùng. Ngoài đường dân chúng chơi nhạc, nhảy múa rất vui. Ngày hội vui nhất trong năm là ngày lễ San Gennaro vào giữa đến cuối tháng 9. Người ta đóng nguyên cả khu phố. Bày bán đủ các thức ăn, nào thịt nướng, sausage lụi vào cây, từ pizza đến lasagne, mùi cà chua , mùi cheese nướng lên thơm phức. Muốn ăn bánh ngọt thì bước qua những xe bán bánh, nào teramisu, cannoli.. Những đứa con nít ngồi cao ngồng trên vai bố, tay cầm kẹo bông dường, màu trắng màu hồng mặt mày hớn hở. Những người khác đứng chờ mua bánh zapole, một thứ bánh bột chiên trong những chảo dầu nóng sôi, khi vớt ra họ cho vào bao giấy nâu rắc lên một muỗng bột đường trắng xóa, tay xóc xóc gói giấy trước khi đưa cho khách. An liền khi bánh còn nóng rất ngon, phải để ý nếu không môi miệng trắng đầy đường bột. Ngoài ra có rất nhiều sạp trò chơi treo đầy các búp bê, mickey mouse, v.v. làm giải thưởng. Đường phố tấp nập từ sáng cho đến nửa đêm, dân chúng ở mọi nơi đổ xô đến xem, đến ăn uống ca hát. Mỗi năm có hơn ba triệu người đến tham dự ngày lễ San Gennaro .
Ra khỏi khu phố Ý, đi lên phía Bắc thì gặp Lower East Side. Đây là nơi định cư của người Do Thái và người Đông Âu thời họ mới di cư đến đây, vào cuối thế kỷ thứ 19. Phần lớn những người từ Âu Châu qua đây đều cư ngụ ở vùng này cho đến khi họ làm ăn khá giả. Lúc đó họ dọn lên những khu giàu có hơn, gọi là Upper East Side và West Side. Nhờ vậy, hiện giờ vẫn còn những tiệm bán đồ ăn Âu Châu rất đặc biệt. Cũng chính ở đây Meg Ryan phá Billy Crystal trong phim “When Harry Met Sally”.
Trung tâm của Lower East Side là đường Orchard. Có hơn 400 tiệm bán đồ sỉ đủ mặc hàng hóa cho các tiệm mua về bán lẻ. Đi thêm một vài đường nữa, đến đường Delancy là khu bán đèn. Một dãy tiệm, bán đủ loại đèn, từ thứ $5 đến thứ $50,000. Nếu chị cần crystal chandellier, đèn pha lê nhiều bóng, thì đến đây là trúng ổ. Có đủ kiểu, đủ loại, có cả hàng chục cửa tiệm chỉ bán toàn đèn mà thôi. Mua đèn pha lê ỏ đây còn có nhiều thứ để chọn hơn là qua tận bên Ý, bên Áo, dù đó là nơi sản xuất. Chưa đủ, nếu mình không thích những loại đèn họ bày bán, họ có thể làm hoặc đặt cho mình loại mình thích, có bao nhiêu bóng cũng được, muốn bao nhiêu mảnh pha lê treo lủng lẳng cũng có tiệm làm cho. Ở đây mới thấy là có tiền muốn mua gì cũng được.
Chuyện New York còn dài, kể cả đời chưa hết. Hẹn thư sau sẽ đem chị đi So Ho và Greenwich Village nơi mà tài tử và văn nghệ sĩ thích nhất. Mark Twain, Tennessee Williams v.v... đã từng ở đây và hiện giờ là chỗ dung thân của Richard Gere, Gregory Hines và nhiều người danh tiếng nữa.
Thăm chị vui luôn
0 nhận xét
Đăng nhận xét