Chị Nh thân mến,

Khó ai tưởng tượng được Nữu Ước sẽ ra thế nào nếu không có Central Park. Cũng như Tivoli ở Copenhagen hay Chapultepec ở Mexico City, vườn Luxembourg ở Paris, Central Park đối với người Nữu Ước là một vườn chơi công cộng vĩ đại. Một công viên mát rượi trong một thành phố đầy cả dinh thự cao ngất trời. Người Nữu Ước đến Central Park để thở, để chạy nhảy, để thả bộ nhìn ngắm nhau, nhìn sao, nhìn trăng trong những đêm đẹp trời. Hoặc có thể leo lên những mỏm đá cao, những đồi thoai thoải nhìn về hướng Manhattan thấy những nhà chọc trời vẽ hình trên bầu trời xanh, hay thấy đèn sáng ngời về đêm như những vì tinh tú lạ. Người Nữu Ước còn đến đây để nghe tiếng chim hót, nhìn hoa lá nở mỗi mùa, hay chỉ đến đây để quên những xô bồ phiền phức của cuộc sống.

Cũng khó ai tưởng tượng được Nữu Ước, thành phố xô bồ, đông đúc, đầy cả người, cả nhà chọc trời, cả cao ốc khắp nơi lại có khoảng 1,100 công viên và vườn cho trẻ con chơi, chiếm gần 37,000 mẫu đất rãi rác trong năm quận. Trong những công viên lớn có nhỏ có đó, Central Park quả là một kỳ công, không những chỉ là một công viên mà là một phối hợp của nghệ thuật, của kiến trúc, của những gợi hứng cho văn chương thi phú.

Bắt đầu từ năm 1840, một nhà thơ, nhà chủ báo, William Cullen Bryant cổ động xây dựng một công viên lớn nhất Nữu Ước để mọi người có dịp đến gặp nhau chuyện trò giải trí. Ông huy động được rất nhiều nhà văn lớn như Washington Irving, các nghệ sĩ, cũng như các nhà tài phiệt tham gia. Năm 1850 họ bắt đầu đồng ý về sơ đồ của công viên. Đến năm 1855, họ mua 840 mẫu đất chạy dài từ đường 59 đến đường 109 nằm giũa đại lộ số 5 và Central Park West, với giá 5 triệu Mỹ kim. Nhà báo Federick Law Olmstead, và kiến trúc sư Calvert Vaux đã trãi qua rất nhiều khó khăn trong công cuộc thiết kế công viên, mãi đến năm 1873 Central Park mới được hình thành. Họ phải bồi thêm 5 triệu thước vuông đất, trồng hơn 4 triệu loại cây và bụi hoa, di chuyển bao nhiêu tảng đá to đá nhỏ để xây đồi, làm cảnh.

Mỗi năm có khoảng 15 triệu người đến dạo chơi. Mỗi cuối tuần từ mùa xuân qua mùa thu có hơn 250,000 trẻ con và người lớn đến đây leo trèo nhảy múa. Nữu Ước ngày càng đông, phía Bắc của thành phố trở nên nguy hiểm, cho nên đi chơi ở Central Park nên đi lúc trời còn sáng, và đi càng về phía Nam càng tốt. Suốt cả mùa hè mình có thể đến đây nghe những buổi nhạc hòa tấu của Metropolitan Opera, New York Philharmonic hoặc những nhạc sĩ nổi tiếng khác. Ngoài ra còn có những buổi trình diễn của New York Shakespeare Festival cho công chúng không mất tiền.

Bên trong, cạnh cổng chính của công viên ở đại lộ số 5 và đường 59 là một cái hồ nhỏ xung quanh là bụi cây để dụ chim về.

Ghế đá nằm dọc theo bờ hồ để cho du khách cũng như dân địa phương vào ăn trưa, nghỉ mệt. Mùa đông mặt hồ đông cứng lại biến thành bãi trượt băng, nhưng nếu thực sự muốn trượt băng thì chơi ở Wollman Memorial, nơi Donald Trump đã giúp thành phố làm lại bãi trượt băng nhân tạo cho mùa đông. Vào mùa hè, một số ban nhac tổ chức chơi nhạc tại dây, từ tp dance cho đến dạ vũ, mỗi đêm thứ sáu và thứ bảy để dân chúng có thể đến khiêu vũ ngoài trời. Gặp những đêm trăng sáng, cả một vùng công viên trở thành nơi dạ vũ dưới trăng .

Central Park là thiên đường của con nít. Cả 840 mẫu đất chỉ dành cho chuyện vui chơi. Có Central Park Zoo ở đại lộ số 5 và đường 64, ngày xưa có đầy cả sư tử, khỉ, cọp , bây giờ ở vườn thú trẻ em có chim, có gấu v.v. các em có thể cho thú vật ăn những thứ nhân viên ở sở thú cho phép. Ngoài ra còn có Carousel, hoặc nếu trẻ con còn có sức chạy nhảy nữa thì đi đến Adventure Playgrounds ở đường 67. Chơi đã rồi các em muốn nghe chuyện cổ tích, thì đến gần đường 72, ở tượng Hans Christian Anderson, một nhà viết truyện trẻ em rất nổi tiếng, để nghe kể chuyện. Ở phía Tây của vườn thú trẻ em là The Mall, một khu rộng rất khang trang, bề ngang 40 foot, bề dài 1500 foot, mùa hè còn là sân khấu của những buổi hòa tấu không mất tiền.

Đoạn phía nam của central park là nơi lý tưởng để dạo chơi với trẻ em, với bạn vàng, hay với người yêu, ngay cả đi một mình có khi cũng không kém phần thú vị. Dẫn nhau vào chèo thuyền trên Conservatory Lake ở đường 72. Nhiều người không ngờ ở Nữu Ước lại có được một chỗ thơ mộng như vậy. Khi chèo thuyền xong có thể đi thả bộ vòng theo vùng Bethesda Fountain. Nếu không muốn chèo thuyền, có thể thuê xe ngựa đi từ đường 59 vào công viên để biết được cảm giác của người xưa . Cũng có thể thuê xe đạp chạy vòng quanh khu này hoặc chạy bộ ngay phía bắc của bờ hồ gọi là Ramble. Đây là khu hoang dại nhất của công viên. Mỗi đầu xuân, mùi lá mới mùi hoa vừa nở tỏa hương thơm ngát. Đi bách bộ dọc theo những con đường ngoằn ngoèo, có nhiều bụi rậm, nhiều mỏm đá lồi lỏm rất thú vị.

Khi bắt đầu xây công viên người ta muốn xây 2 bảo tàng viện hai bên. Phía đông là Metropolitan Museum of Art, phía tây là Museum of Natural History. Museum of Natural History đã đồ sộ nhưng không thể nào so sánh được với Metropolitan Museum of Art. Sẽ viết về các viện bảo tàng ở Nữu Ước trong các thư sau.

Sau viện bảo tàng là Obelisk, thường được gọi là Cleopatra's Needle khoảng 1500 B.C. do chính phủ Hy Lạp tặng thành phố Nữu Ước. Tiếp theo là Receiving Reservoir, bể chứa nước rộng hơn 100 mẫu đất chạy dài từ đường 86 đến 96, sau đó là East Meadow, Conservatory Garden triển lãm hoa bốn mùa. Đoạn cuối của công viên về phía Đông là Harlem Meer, nơi đây mình cũng có thể chèo thuyền. Dạo sau này vùng Harlem Meer, vì gần khu Harlem có thể nguy hiểm nên du khách ít lên đến tận đó.

Dọc theo phía tây của công viên có North và South Meadows với 30 sân quần vợt và nhiều sân banh khác. Ngoài ra còn có Great Lawn, New Lake. Sau đó là Shakespeare Outdoor Theater có 2,300 chỗ ngồi. Vào mùa hè, tuần nào cũng có ban kịch trình diễn tại Shakespeare-in-the-Park cho công chúng xem không mất tiền. Vì chương trình miễn phí nên số người đi xem rất đông mình phải đến vài giờ trước khi trình diễn may ra mới có chỗ ngồi.

Vào đường 79 có Swedish School House dạy và biểu diễn cho trẻ em xem những màn múa rối. Tiếp theo là Sheep Meadow.

Đến đường 66 là Tavern on the Green.

Xây từ năm 1870 Tavern on the Green là một tiệm ăn lớn và nổi tiếng, nằm ngay giữa công viên. Những cây cao xung quanh tiệm ăn có cả triệu bóng đèn trắng nhỏ thắp sáng suốt năm.. Trong tiệm ăn, đầy cả hoa tùy mùa, phần lớn là hoa lan đủ màu đủ giống. Nhìn lên trần nhà, ngoài những bức tranh vẻ trên trần cón có rất nhiều đèn treo bằng pha lê đủ màu. Những đèn pha lê cổ đem từ Âu Châu qua từ hơn trăm năm nay, rất lớn và nhiều màu sắc. Thoạt nhìn thấy hơi quá lố, tuy nhiên cửa tiệm quá lớn, nằm giữa một khoảng rộng, nhất là khi ngồi trong phòng kính nhìn ra ngoài công viên bao la.... đèn trên cao, hoa bao quanh làm mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Ngoài ra tiệm này mỗi ngày phục vụ cho rất nhiều loại du khách trên thế giới nên ai cũng thích những gì lạ mắt.

Những ngày mùa đông trời lạnh căm căm, đi từ xa đã thấy cả vùng đèn sáng trên những thân cây trụi hết lá, Tavern on the Green như một điểm ấm cho người Nữu Ước. Mỗi năm vào dịp Giáng sinh hay tân niên muốn ăn tối ở đây phải lo giữ chỗ từ hai ba tháng trước. Cũng vì rất nhiều người cứ giữ chỗ nhưng cuối cùng không đi nên nhà hàng buộc mình phải trả tiền ngay khi gửi chỗ. Tavern on the Green có nhiều phòng trang trí khác nhau. Có phòng treo toàn tranh vẻ cảnh công viên vào thế kỷ trước. Đi ăn ở Tavern on the Green ít nhất một lần để tưởng tượng cảnh người xưa đến đây bằng xe ngựa, ăn mặc lịch sự kiểu cách thế nào.

Nhiều người ở xa đến công viên Central Park, chỉ để xem Strawberryfield, “công viên tưởng niệm”John Lehnon. Strawberry Field nằm trong công viên central park ở ngay trước nhà Dakota. Dakota là cao ốc kiểu cũ, chỗ John Lennon và Yoko Ono cũng như nhiều nghệ sĩ danh tiếng ở. Năm 1980 John Lennon bị Mark David Chapman bắn một cách vô lý và điên cuồng ở ngay trước nhà. Để tưởng niệm một nghệ sĩ danh tiếng đã từng yêu mến Nữu Ước. Thành phố đặt tên khu công viên John Lennon hay dạo chơi là Strawberry Field, cũng là tên của một trong những bản nhạc của John. Mỗi năm cứ đến ngày 8 tháng 12 số người hâm mộ John Lennon đến đây hát những bản nhạc John sáng tác để tưởng niệm một người tài hoa mệnh yểu. Strawberry field có nhiều hoa xung quanh một vòng tròn lớn lát bằng đá mosiac ở giữa có khắc chữ Imagine, tên một trong những bài hát hay nhất của John Lennon.

Biết sơ về Central Park rồi, hôm nào xem New York Marathon chị sẽ thấy ngàn ngàn người đầy cả công viên. Hàng ngàn ống chân chạy khắp thành phố. Mong là chị sẽ nhận ra được một vài chỗ đã nhắc qua trong thư này..

Hẹn thư sau.
LÊ THỊ HÀN

0 nhận xét