Chị Nh. thân mến,

Tuần vừa rồi cả thành phố Nữu Ước mở hội. Đội Yankees thắng trận cầu quốc tế sau 18 năm. Đi đến đâu người ta cũng nói chuyện về đội banh Yankees, về cầu thủ này về ông bầu nọ. Sau khi thua hai trận đấu đầu trong loạt đấu chung kết, ai cũng sợ là Yankees thua Atlanta Braves, không ngờ cuối cùng đội Yankees thắng được. Vì thế mà dân Nữu Ước càng mừng hơn.

New York trở thành New York Yankees.

Cứ theo thông lệ ở đây là hễ đội banh nhà thắng trận thì cả đội sẽ đi diễn hành từ dưới khu Wall st. lên. Ai cũng nao nức chờ cuộc diễn hành. Hàng hóa kỷ niệm của các đội banh Mets, Giants... không có ai ngó ngàng tới. Mọi người chen lấn vào các cửa hàng để mua cho kỳ được bất cứ cái gì có dấu hiệu Yankees. Ở đâu cũng thấy cả trăm người sắp hàng đứng chờ. Người ta mua áo mũ v.v... để đi diễn hành dưới vùng Wall St., trên đường Broadway. Đoạn đường đi diễn hành này hai bên toàn là các cao ốc, đầy công sở, ngân hàng chi chít nhau làm cho con đường trở nên hẹp lại. Người ta gọi đoạn đường này là “thung lũng anh hùng”. Từ trên những tòa nhà cao, (chỉ có những cao ốc kiểu cũ mới mở cửa sổ được), người ta thả giấy computer. giấy vụn, confetti xuống đầy đường. Có người còn thảy cả giấy toilet, giấy sổ điện thoại xé vụn, tape của các máy tính, hễ vớ được giấy gì đem thả được là thả. Cả bầu trời đầy cả hoa giấy bay tứ tung, tưởng là tuyết đang rơi. Bởi vậy những cuộc diễn hành này được gọi là “ticker tape parade”.

Cuộc diễn hành bắt đầu từ 11:30 sáng, gần giờ nghỉ trưa nên rất nhiều người tham dự. Cảnh sát chận các con đường lân cận, mọi người chỉ được vào thành phố bằng phương tiện giao thông công cộng. Dân chúng từ các quận xung quanh, từ ngoại ô đổ xô vào. Có người phải rời nhà từ sáng sớm, có gia đình phải vào Manhattan ở lại từ đêm trước. Có những gia đình đem cả ba thế hệ, ông bà, cháu chắt, ai cũng mặc đồ Yankees hoặc có đeo trên người dấu hiệu Yankees đi vào thành phố để dự cuộc diễn hành. Lần này tính đến hơn 3 triệu người, ai nấy hân hoan vui mừng. Người ta đứng đầy đường, đứng trên các cầu thang cao để dễ thấy hơn, có người còn leo lên cột điện để có thể nhìn thấy các cầu thủ từ đằng xa. Cha cõng con, bạn bè kéo nhau, la chí chóe, ai cũng muốn thấy một lần cho biết. Không biết lần tới là khi nào đội Yankees mới thắng lại?. Thường thường để tổ chức những cuộc diễn hành như thế này thành phố tốn cả triệu Mỹ kim. Nhưng thật ra thành phố không phải trả hết. Có nhiều hãng bảo trợ đứng ra chịu phí tổn đó để quảng cáo hàng hóa của họ. Xong cuộc diễn hành, ông thị trưởng thành phố Rudolph W. Giuliani tặng mỗi cầu thủ một cái chìa khóa tượng trưng để mở cửa tòa thị sảnh, kiểu từ thời 1812.

Xong cuộc diễn hành ngày thứ ba, thành phố sửa soạn cho New York Marathon (cuộc chạy đua trường kỳ) tổ chức ngày chủ nhật.

Đối với dân Nữu Ước, thế vận hội không quan trọng bằng New York Marathon, vì gần như mọi người đều tham dự vào cuộc chạy đua này, không trực tiếp cũng gián tiếp. Có rất nhiều người từ các tiểu bang xa về cũng như từ các nước ngoài vào. Có một số ít người chạy để chiếm kỷ lục, phần còn lại chạy để thử sức mình chứ không tính chuyện hơn thua.

New York Marathon bắt đầu từ 27 năm về trước. Ngân hàng Chase Manhattan đứng ra bảo trợ New york Marathon từ 20 năm nay. Số người chạy đua tăng từ 2,000 người cho đến gần 30,000 người.

Hôm chủ nhật vừa rồi trời khô ráo, vào khoảng 40 độ, hơi lạnh nếu mình không làm gì, nhưng rất lý tưởng với người chạy đường trường... 30,000 người bắt đầu một lộ trình dài 26.2 dặm, từ cầu Verrazano ở Staten Island qua Brooklyn, Queens, Bronx và chấm dứt tại Central Park. Dân địa phương ở 5 quận đổ xô ra đường chờ các người chạy qua để cổ võ, để ủng hộ tinh thần và hô hào cho họ đỡ thấy mệt. Ai cũng nghĩ là chuyến này một trong những người trong nhóm Kenyans sẽ đoạt giải vô địch đàn ông cũng như đàn bà. Mọi người rất ngạc nhiên khi Giacomo Leone, 25 tuổi, một người cảnh sát Ý, thắng trận Marathon thứ 27 với 2 giờ 9 phút 54 giây. Phần thưởng là $30,000 và 1 chiếc xe Toyota mới. Anuta Catuna, 28 tuổi, thắng phía đàn bà với 2 giờ 28 phút 18 giây. Chậm hơn kỷ lục năm 1994, 2 giờ 27 phút 38 giây và 1995, 2 giờ 28 phút, 6 giây. Cả hai kỷ lục đó đều do Tegla Loroupe, người Kenya, đoạt trong hai năm liên tiếp. Ai cũng tưởng Loroupe sẽ thắng nhưng vì Loroupe bị chóng mặt và đau chân nửa chừng nên không chạy mau được. Điều đáng khích lệ là Loroupe dù bị chóng mặt và đau chân vẫn tiếp tục chạy cho đến đích. Khi vừa đến đích người ta phải đem cô ta vào cho bác sĩ khám nghiệm. Hỏi tại sao không bỏ cuộc, Loroupe trả lời: “Tôi không quen bỏ cuộc.” Loroupe, 23 tuổi, đã thắng giải vô địch của New York Marathon 2 lần, 1994 và 1995. Năm 1994, lần đầu tiên thắng giải, Loroupe được dân Kenya đón tiếp như một nữ anh hùng. Họ cũng tổ chức một cuộc diễn hành như ticker-tape parade cho các đội banh thắng trận ở New York. Ngoài ra cô còn được chính phủ thưởng cho 9 con bò và 16 con cừu. Nhưng phần thưởng làm cô hãnh diện nhất là chiếc lông đà điểu, một vinh dự mà thường thường chỉ dành riêng cho đàn ông khi mang chiến thắng trở về. Người Kenya cũng như hầu hết các giống dân Phi Châu khác, vẫn còn trọng đàn ông hơn đàn bà nhiều. Đàn ông dễ được cử đi dự những cuộc tranh đua này hơn là đàn bà.

Central Park đầy cả người, đầy cả lá vàng lá đỏ. Ai cũng hân hoan đón các người chạy xong 26.2 dậm Marathon. Có người mệt thừ ra, có người xem như vẫn còn sức.

Cách đây ba tuần tụi này vừa tham dự buổi đi bộ “walk-a-thon” 5 dậm, bắt đầu từ Central Park vòng lên đường 119 qua Riverside và về lại Central Park. Buổi Walk-a-thon này cũng có hàng ngàn người tham dự, mục đích là để quyên tiền giúp American Cancer Society. Người ta chạy cả 26.2 dặm mà chỉ mất có hơn 2 tiếng đồng hồ. Mình đi có 5 dậm mà cũng mất chừng đó giờ, về nhà 2 chân mỏi rã rời.

Central Park lúc nào cũng có nhiều sinh hoạt để quần chúng tham gia. Cũng như Nữu Ước lúc nào cũng có những cuộc diễn hành, lớn có nhỏ có. Sau Marathon sẽ có diễn hành ngày Thanksgiving...

Hẹn chị thư sau.

LÊ THỊ HÀN


0 nhận xét