Chị Nh thân mến,

Ở phía bắc ca đảo Manhattan có hai vùng ngoại ô lớn là vùng Westchester thuộc tiểu bang Nữu Ước và những thành phố phía nam của tiểu bang Connecticut. Ở trong hai vùng này mình có thể dùng ba đường tàu của Metro North để vào làm việc tai Manhattan. Xe lửa đậu ở ga Grand Central, đường 42 và đại lộ Lexington. Từ đây, mọi người đi bằng tàu điện ngầm, xe buýt, taxi hoặc đi bộ đến chỗ mình làm việc.

Bui sáng ở trên tàu chị sẽ thấy toàn dân đóng bộ đàng hoàng để đi làm. Mỗi người cầm một tờ báo, một quyển sách hay cả cặp nặng trịch đầy những giấy tờ cần phải đọc trước khi đến sở làm. Tàu chạy từ 30 phút đến 2 giờ thì vào đến Nữu Ước tùy theo mình ở xa hay gần. Đường xa, tàu chạy êm, có người ngủ tiếp giấc ngủ bỏ dở, có nhóm gặp nhau lại chuyện trò liên miên. Nhiều khi ngồi bên cạnh một nhóm người nói về những vấn đề rất kỳ thú, mình không muốn nghe cũng lọt vào tai. Dù không quen biết nhau trước, cũng xen vào bàn cãi. Đi xe lửa mỗi ngày, gặp cùng một khuôn mặt, nói chuyện lâu ngày cũng thành thân quen.

Grand Central là một trong hai nhà ga lớn nhất ở New York. có 133 đường rầy chạy trên hai tầng lầu, bao hết 48 mẫu đất. Ga Grand Central có lối kiến trúc rất sang trọng. Mỗi ngày có gần nữa triệu người ở ngoại ô và ở các quận khác đi ngang. Hơn 600 chiếc xe lửa đến và đi trong một ngày. Nguời đến người đi, tấp nập như một tổ kiến khổng lồ. Phòng đợi chính của Grand Central rất rộng và sáng. Ra khỏi tàu chị bước vào một khu rộng mênh mông, trần nhà rất cao đến nỗi mình có cảm tưởng như đang đi ở ngoài đường. Không biết có bao nhiêu người có thì giờ nhìn lên để thấy cái bao la của những vì tinh tú nhân tạo, chiếu lấp lánh suốt ngày đêm.

Năm ngoái, một bữa trời lạnh, mình hẹn gặp con của một người bạn, chưa gặp bao giờ. Gia đình cháu ở Virginia, năm đầu tiên đi học xa nhà. Tối hôm trước, khi điện thoại cho cháu hẹn sẽ gặp nhau ở phòng đợi vào lúc 5 giờ chiều mình nói:

— Dì sẽ mặc áo coat màu nâu, mặt Á Châu thế nào cháu cũng nhận ra.

Bên kia đầu giây, cháu ngập ngừng một lúc mới nói:

— Ở đây biết bao nhiêu là người Á châu làm sao con biết. Dì có thể cầm một tấm bảng để tên con được không?

Mình bật cười, may mà chưa có điện thoại truyền hình. Thật đúng như mẹ cháu nói, cậu bé quá hiền, ai mà bắt mình cầm bảng bao giờ?.

— Không việc gì đâu, thế nào mình cũng nhận ra, con yên tâm.

Chiều hôm sau, đúng như cháu nói, ở quanh cái bùng binh bát giác có hai ba bà người Á Châu, bốn năm cậu con trai da vàng. Mình đâm ra luýnh quýnh, biết vậy đừng cười thằng nhỏ, cầm cái bảng là xong chuyện rồi, giản dị biết mấy! Cuối cùng phải đi hỏi từng người mà không tìm được người mình đang chờ. Từ đằng xa, một anh chàng trắng trẻo, mắt sáng trưng, cầm cái dù đi tới. Chưa gặp lần nào nhưng nhìn là biết ngay. Thế nào cũng có một chút hơi hưởng, phong cách của mẹ. Dì cháu vui mừng đưa nhau lên tàu về nhà. Chung quanh cái bùng binh bát giác này không biết có bao nhiêu người đến để gặp nhau lần đầu?

Tầng trên của Grand Central là Pan Am Building. Hãng máy bay Pan American làm ăn thua lỗ nên phải bán tòa nhà này lại cho Metropolitan Life. Từ mấy năm nay bảng Pan Am đã được thay thế bằng Metropolitan nhưng người New York vẫn gọi là Pan Am. Trước khi có World Trade Center và World Financial Center, Pan Am là cao ốc có nhiều trụ sở nhất. Pan Am có thể chứa đến 25,000 người. Trên mái có bãi đậu phi cơ trực thăng. Từ đây mình có thể bay ra phi trường hay bay quanh, tham quan thành phố.

Ra khỏi Pan Am sẽ gặp Chrysler Building, một trong những nhà chọc trời của New York, cao 1,045 feet có 77 tầng lầu. Xây năm 1931, Chrysler là tòa nhà đầu tiên cao hơn tháp Eiffel. Một năm sau đó Empire State Building hoàn thành, cao hơn cả Eiffel lẫn Chrysler. Trên chóp của tòa nhà chọc trời Chrysler là hình cánh quạt nhiều màu sặc sỡ như hình đuôi con công xòe ra. Ban đêm, đèn thắp sáng, ở xa nhìn rất đẹp.

Một trong những chỗ thu hút nhiều du khách nhất của New York lại không thuộc sỡ hữu của New York mà là của quốc tế. Tòa nhà Liên Hiệp Quốc. Đây là nơi quyết định vận mạng của rất nhiều quốc gia nhất là của những nước nhược tiểu. Việc gửi quân lính qua Bosnia, Ethiopia để giữ trật tự, an ninh... Năm 1946 J.D Rockefeller Jr. mua 18 mẫu đất trên đường 48 từ đại lộ số 1 qua East River để tặng cho cơ quan Liên Hiệp Quốc làm trụ sở thường trực. Hội Ford foundation cũng tặng Liên hiệp quốc một lô đất để xây thư viện. Tòa nhà Liên Hiệp quốc được xây xong năm 1950, đi từ xa thấy như một hộp diêm dựng đứng. Cao 505 feet mà chỉ rộng có 72 feet. Chị có thể bỏ ra cả ngày để đi xem những chỗ hội họp, đi nghe những buổi bàn cãi, những cuộc hội thảo bằng đủ các thứ tiếng. Một khi chị đã trả tiển để đi tour chị có thể gắn máy nghe vào tai và chọn thứ tiếng nào mình hiểu được: Anh, Đức, Pháp, Nhật, Nga, Tàu, Tây Ban Nha... Một trong những chỗ mà nhiều du khách thích là tiệm bán các tặng vật. Ở đây chị có thể mua quà kỷ niệm của mọi nơi trên thế giới, đại diện cho các nước hội viên của Liên hiệp quốc. Thư gửi tại đây được đóng dấu đặc biệt của Liên Hiệp Quốc. Chỉ ở Geneve và New York mới đóng được dấu Liên Hiệp Quốc thôi. Đây cũng là địa điểm của các cuộc biểu tình chống đối hoặc ủng hộ mỗi khi có tranh chấp liên quan đến các thành phần hội viên. Dù trời mưa, trời tuyết, đại diện của các dân tộc đang tranh chấp lũ lượt đến đây để nghe ngóng, để cố gắng phát biểu ý kiến, mong cho tiếng nói của mình được có người nghe đến. Khi mệt có thể đi dạo chơi ở vườn hoa hồng nằm ngay bên phía bờ sông, rất thơ mộng.

Thôi, mình dừng ở đây hôm nay. Lần tới đi thăm thư viện thành phố, nhà thờ St Patrick và Rockefeller Center, một thành phố nhỏ trong một thành phố lớn, một trung tâm mà không một người New York nào không biết đến.

Hẹn chị thư sau

0 nhận xét