Có mấy người hỏi sao cứ nói chuyện đẹp chuyện sang của Nữu Ước mãi. Lỡ mình ít tiền đến Nữu Ước có mua sắm được gì không?
Tại sao không? Đây là nơi mình có thể tiêu 100 đồng hay 10 triệu tùy túi tiền. Đâu phải chỉ có triệu phú mới đi phố ở Nữu Ước. Vả lại giàu có mà cứ sống ẩn núp, không biết vui chơi không biết tìm đến Nữu Ước mà lang thang dạo phố là thiếu sót rất nhiều.
Sau khi đã biết đại lộ số 5, đại lộ Madison, đường 57, Esat side, Soho. Sau khi đã đi các tiệm bán áo quần rẽ, đi tiệm sách, hôm nay mình đi vào các cửa tiệm đặc thù của Nữu Ước. Các tiệm mà những người nhẹ túi tiền có thể vào, có thể mua được những đồ vật hấp dẫn.
Nữu Ước có Job Lot Trading và Push Cart bán mọi thứ từ áo quần đến vật dụng linh tinh trong nhà. Áo quần của tiệm này rất thường nhưng những vật dụng để tu bổ nhà cửa như kềm, búa, cưa kéo...rất rẻ. Job Lot Trading chuyên mua từng loạt hàng hóa của các tiệm bị phá sản rồi đem ra bán lại. Trong tiệm, hàng hóa bày ngổn ngang, không mời mọc tiếp đãi lịch sự như ở các thương xá lớn, nhờ vậy mà giữ được giá rẽ. Hàng hóa thay đổi luôn nên nếu hụt mua một món hàng nào đó thì khó lòng tìm lại. Nhiều khi vào đây không định mua gì cần thiết, chỉ muốn xem có gì hấp dẫn, vậy mà đi ra cũng tốn bộn tiền. Thấy của rẻ thí ham mua, nghĩ là một ngày nào đó mình sẽ cần đến. Mua về để dành, khi cần lại không biết để đâu.
Nếu chị khéo tay, có nhiều sáng kiến, không thích áo quần may sẵn thì đi xem vải vóc ở khu Union Square ở đường 14 hoặc vào khu Garment District giữa đường 34 và 40 từ đại lộ 5 qua đại lộ số 7. Có không biết bao nhiêu là tiệm, bán không thiếu một thứ vải vóc tơ lụa gì. Cườm hạt nhỏ hạt to, ribbons đủ các cỡ các màu, và nút thì hàng ngàn loại. Trong khu này mình có thể mua áo thun, kẹp cài tóc, quần áo lót v.v. nhưng phải mua từng tá. Phần lớn họ bán cho những người có môn bài mua sỉ, không bán lẽ. Có tiệm dễ dãi chịu cho mình mua nữa tá phần lớn họ chỉ bán số nhiều. Vài chục năm trước đây, khu này hoàn toàn do người Do Thái chiếm ngự, dạo sau này có rất nhiều tiệm do người Đại Hàn hoặc Trung Hoa làm chủ.
New York còn có những tiệm rất độc đáo, khó mà tìm thấy ở các nơi khác. Những tiệm bán búp bê thời xưa. Những “Bệnh viện Búp Bê” để làm lại hoặc sửa những con Búp bê đã cũ nhưng chủ nhân vì lý do tình cảm không muốn bỏ. Có những tiệm bán đồ da, sữa đồ da, có thể may lại toàn thể mặt trong của những chiếc áo da, áo lông đã cũ mèm; hoặc sửa lại những chiếc xách tay cổ lỗ sĩ mà khách hàng vẫn còn thích vì lý do tình cảm. Sữa lại có khi còn mắc tiền hơn mua đồ mới, nhưng nhiều người lại không thích đồ mới. Những loại tiệm này rất xưa, có khi hơn cả trăm năm, cha truyền con nối. Ngoài ra có những tiệm bán áo quần cũ. Áo quần đẹp thiếu mất một hột nút đặc biệt có thể đến tiệm Tender Buttons ở đường 62 và đại lộ Lexington để tìm. Ở đây bán hàng triệu loại nút, nếu không tìm đâu ra họ sẽ cố gắng làm lại cho mình.
Có người hỏi sao Nữu Ước không có chợ trời. Chợ trời rất hiếm ở Nữu Ước, có lẽ vì tiền thuê chỗ quá mắt. Muốn đi chợ trời thường phải ra ngoại ô. Nhưng loại chợ trời kiểu “bỏ túi” thì nhan nhản ngoài đường. Ở góc đường nào cũng có người ngồi bán đủ thứ từ áo thun cho đến đồng hồ, xách tay. Những người buôn bán dạo này đều phải xin giấy phép của thành phố mới được ngồi bán ở chỗ đã được chỉ định. Trong số những người bán dạo trên dường cũng có rất nhiều người bất hợp pháp. Những người này phần lớn là dân di cư từ các xứ Phi Châu hoăc Á Châu đến. Chú ý cho kỹ sẽ thấy họ để hàng hóa trên một tấm vải lớn hoặc khăn trải giường. Thường thường có hai người, một người lo đứng bán, người kia đứng dáo dác nhìn quanh xem nếu thấy cảnh sát từ ở xa là phải báo ngay để người kia cuốn gói chạy. Nếu để bị bắt vì bán bất hợp pháp, số tiền phạt có thể làm tiêu tán cả số tiền lời. Nhưng không phải vì vậy mà người ta bỏ cuộc, vì chợ trời “bỏ túi” này vẫn còn đầy.
Cảnh sát ở Nữu Ước cũng rất độc, họ rình bắt những người bán lậu này bằng cách đi như dạo chơi, không mặc đồng phục nên tinh mắt thế nào cũng khó biết mà tránh được. Cái cảnh dân di cư làm ăn vất vả này không lạ gì trên hè phố Nữu Ước từ cả bao nhiêu năm nay. Điều khác nhau là màu da, tiếng nói của dân cũ và dân mới đến mà thôi.
Du khách thường nghĩ chợ trời phải là một nơi rộng rãi nào đó, bàn xếp từng dãy, bày đủ các loại hàng hóa, từ đồ tiểu công nghệ, áo quần, giày dép.. Chợ trời kiểu đó không có ở Nữu Ước. Ở đây chợ trời chính là những hè đường, những góc phố.
Nơi có nhiều chợ trời hợp pháp và bất hợp pháp là Cooper Union trên Astor Place. Dọc theo đại lộ A giữa đường số 5 và số 7 đầy những tiệm nhỏ bán đồ đạc đã cũ, lủng củng đủ thứ, lượm được ở các khu nhà giàu.
Đi chợ trời ở Greenwich Village là gặp được nhiều sắc thái nhất. Greenwich village nằm ngay gần khu đại học Nữu Ước, bên cạnh hai trường thời trang, Fashion Institute và Parson nên sinh viên chuyên khoa về thời trang đem ra bán nhiều áo quần cũng như dồ trang sức kiểu mới của họ tự chế tạo để thử thị trường. Có đủ các loại y phục đủ kiểu, đủ màu, những đồ trang sức rất lạ mắt, những chiếc xách tay kiểu mới nhất đem bày bán nhan nhản. Đi vào đây những ngày cuối tuần, người ta chen lấn nhau, phần lớn là giới trẻ và du khách đi tìm những món hàng có một không hai. Nhưng phải coi chừng, có khi hên thì lựa được hàng tốt, cũng có khi tưởng mua rẻ nhưng thành ra mắc vì không trả lại được và vì phẩm chất chưa đúng tiêu chuẩn, mua về không dùng được cũng không trả lại được.
Nữu Ước chính là một chợ trời vĩ đại nằm trên các hè phố. Biết được ở góc nào bán thứ gì thì đi chợ trời này còn hấp dẫn hơn những xóm chợ trời họp ở một sân vận động hay một sân trường nào đó. Đi chợ trời này gặp những sạp hàng đơn sơ bên cạnh những nhà hàng lớn đồ sộ. Gặp những khuôn mặt của người bán lấm la lấm lét lo sợ cảnh sát đến bắt bên cạnh những nhà giàu đi bát phố không cần nghĩ, không cần xem giá hàng hóa mình muốn mua. Chỉ ở Nữu Ước mới chứng kiến được những cảnh như thế. Chỉ ở hè phố Nữu Ước mới thấy cái nghèo cái giàu đứng san sát bên nhau không hề biết. Chỉ ở hè phố Nữu ước mới không phân biệt được một người vừa mới di dân qua đi tìm cách sinh sống với một ông triệu phú ra đường với tấm áo khoác cũ mèm.
Nữu ước còn bao nhiêu chuyện để xem, để học hỏi. Một lần nào đó sẽ dẫn chị đi xem đấu giá.
0 nhận xét
Đăng nhận xét