New York là thành phố đông dân và lớn nhất Hoa Kỳ đồng thời cũng là thủ đô của thế giới về chứng khoán, thương mại, tài chánh, văn hóa, thời trang và giải trí. New York được người Mỹ thân ái gọi là “Quả Táo Lớn” (Big Apple) nhưng không hiểu rõ nghĩa là gì chỉ biết tên ấy do ký giả thể thao John Fitz Gerald viết trên tờ New York Morning Telegraph khoảng 1920 mãi đến thập niên 1970 tên gọi “Big Apple” mới được thông dụng. New York ngày xưa là cửa ngõ chào đón di dân tìm đời sống mới nên nơi đây đông đủ mọi sắc dân khiến New York trở thành một thành phố quốc tế với nhiều sắc thái đặc biệt.
Viếng đảo Ellis
Rời đảo có tượng Nữ Thần Tự Do chúng tôi xuống phà tiếp tục đi sang đảo Ellis nằm cách đó không đầy 1 km ở về hướng Bắc. Ellis ngày xưa là một đảo riêng biệt cách bờ thành phố New Jersey chừng 100 mét nhưng ngày nay có một cây cầu nối liền vào bờ, cây cầu không cho dân chúng sử dụng nên từ Manhattan hay New Jersey muốn ra đảo Ellis du khách đều phải dùng phà.
Ðảo Ellis từ 1892 đến 1954 là cơ sở thanh lọc di dân từ nước ngoài nhập cảnh vào New York để thay thế Trạm Di Trú Castle Garden ở Manhattan hoạt động từ 1855 đến 1890 của chính quyền tiểu bang New York. Kể từ khi có tòa nhà Di Trú trên đảo Ellis thì cơ sở thanh lọc mới này được giao cho chính quyền liên bang quản lý. Ngày nay di dân nhập cảnh không còn dùng tàu thủy nữa mà dùng phi cơ sau khi hồ sơ được Sở Di Trú chấp thuận qua tòa đại sứ Mỹ nên cơ sở thanh lọc trên đảo Ellis đóng cửa và hiện nay trở thành nhà Bảo Tàng Di Dân phục vụ về du lịch cùng với tượng Nữ Thần Tự Do nằm trong danh thắng quốc gia “Statue of Liberty National Monument” dưới sự quản lý của cơ quan công viên quốc gia US National Park Service.
Tòa nhà Di Trú ngày xưa trên đảo Ellis là một kiến trúc có 3 tầng lầu sơn màu huyết dụ với 4 ngọn tháp hình cầu nhìn như những kiến trúc ở Bắc Âu. Tòa nhà được thiết kế bởi hai kiến trúc sư Edward Lippincott Tilton và William Alciphron Boring từng đoạt huy chương vàng tại Hội Chợ Paris năm 1900. Sở di trú liên bang trên đảo Ellis mở cửa hoạt động từ ngày 1 tháng 1, 1892 cho đến 12 tháng 11, 1954 đã từng kiểm tra khoảng 12 triệu người di dân nhập cảnh nước Mỹ. Trong 35 năm trước đó có khoảng 8 triệu người nhập cảnh được kiểm tra qua trạm Castle Garden ở Manhattan do tiểu bang New York phụ trách. Năm 1907 là năm số người qua trạm Ellis cao nhất với 1,004,756 di dân đến đây như ngày 17 tháng 4 có đến 11,747 người di dân đến đảo Ellis. Những ai nhìn thấy có vấn đề sức khỏe hoặc bịnh tật đều bị gởi trả về hay bị giữ ở bịnh viện trên đảo rất lâu. Thường các nhân viên y tế ở đây khám rất nhanh và vẽ các chữ tắt bịnh tật trên áo người di dân nên có nhiều người gian lận bằng cách lộn bề trong áo ra ngoài! Ai khỏe mạnh được nhân viên sở di trú chất vấn 29 câu hỏi như tên họ, nghề nghiệp và mang theo bao nhiêu tiền. Thông thường mỗi người được chấp thuận cho nhập cảnh chỉ mất từ 2 đến 5 giờ đồng hồ ở đảo Ellis tuy nhiên có tất cả hơn 3,000 người đã chết trong bịnh viện trên đảo này. Nhiều người bị từ chối không cho nhập cảnh vì nhân viên di trú nghĩ rằng họ sẽ là gánh nặng cho xã hội. Khoảng 2% bị từ chối vào nước Mỹ và được gởi trả về nguyên quán vì những lý do như mang bịnh truyền nhiễm, có tiền án hay bịnh tâm thần. Ðảo Ellis đôi lúc được gọi là “đảo nước mắt” hay “hòn đảo tan nát con tim” bởi vì số người bị từ chối này đã trải qua một chuyến vượt biển gian nan xuyên đại dương để mong được nhập cảnh vào Mỹ. Nhà văn Louis Adamic đến Mỹ từ nước Slovenia ở vùng Ðông Nam Âu Châu vào năm 1913 mô tả một đêm dài ở đảo Ellis là ông ta và nhiều di dân khác nằm ngủ trên những chiếc giường chồng trong một căn phòng lớn. Không có chăn ấm khiến ông run rẩy vì lạnh, suốt đêm không ngủ nằm nghe tiếng ngáy và tiếng mớ trong giấc mơ với hàng chục ngôn ngữ khác nhau. Cơ sở ở đảo rất lớn nội căn phòng ăn có thể chứa hơn 1,000 người!
Trong thời Ðệ Nhất Thế Chiến, người Ðức đốt phá kho thuốc nổ ở cầu tàu Black Tom khiến tòa nhà di trú trên đảo Ellis hư hại. Người ta sửa chữa lại nhiều nơi trong đó có trần nhà hình cung ở tòa nhà chính hiện nay. Trong thời chiến đảo Ellis còn là nơi tạm giữ những thương buôn người Ðức cũng là trạm chuyển tiếp những thương bịnh binh từ chiến trường gởi về. Trong thời chiến số di dân đến giảm đáng kể chỉ có vài chục ngàn người đến trong một năm, ít hơn bình thường đến hàng trăm ngàn người. Sau Thế Chiến Thứ Nhất số di dân đến tăng trở lại với mức như trước đó.
Làn sóng di cư đông đảo chấm dứt vào năm 1924 sau khi Luật Di Trú mới được thông qua giới hạn số người nhập cảnh và cho phép chuyển thủ tục phỏng vấn qua các tòa đại sứ Mỹ ở nước ngoài. Sau thời gian đó tòa nhà trên đảo Ellis trở thành nơi tạm giữ chờ tống xuất những di dân nhập cảnh bất hợp pháp. Tiếp đến là Thế Chiến Thứ Hai cơ sở trên đảo trở thành căn cứ huấn luyện lực lượng tuần duyên và cũng là nơi tập trung để cô lập những sắc dân mà nước họ đang tuyên chiến với Hoa Kỳ để đề phòng dọ thám hay phá hoại, có 7,000 người Ðức, Ý và Nhật Bản bị giữ ở đây. Với đạo luật Nội An (Internal Security Act) 1950 nơi đây đã tạm giữ những thành viên của những tổ chức Cộng Sản và Phát Xít, cao điểm lên tới 1,500 người năm 1952, sau khi nới lỏng luật di trú số người bị giữ chỉ còn lại 30 người. Tháng 11 năm 1954, đảo Ellis đóng cửa và người ta bắt đầu vận động để tòa nhà này trở thành di tích lịch sử của Hoa Kỳ. Mãi tới ngày 15 tháng 10, 1966 đảo Ellis cùng với tượng Nữ Thần Tự Do trở thành Di Tích Lịch Sử Quốc Gia đặt dưới quyền quản lý của Sở Công Viên Quốc Gia. Ðảo Ellis nguyên thủy chỉ rộng có 3.3 acres nhưng ngày nay đến 27.5 acres vì được lấp dần ra biển bằng đất đào để xây hệ thống đường xe điện ngầm và những đường hầm xe hơi khác.
Chúng tôi vào tòa nhà chính màu đỏ 3 tầng lầu ngày xưa là nơi đón tiếp và thanh lọc di dân nay là nhà bảo tàng về di dân (Ellis Island Immigration Museum). Nhà bảo tàng này không có thu lệ phí và mở cửa mỗi ngày từ 8 giờ 30 sáng đến 6 giờ 15 chiều. Phải tuân theo các điều lệ về an ninh cũng như không được hút thuốc hoặc nhai kẹo cao su trên đảo Ellis cũng như đảo Nữ Thần Tự Do, con nít phải có sự giám hộ của người lớn. Ðồ ăn hoặc thức uống được dùng ở những nơi chỉ định như các quán ăn, giải khát.
Bên trong tòa nhà chính là viện bảo tàng trưng bày các đồ vật, hình ảnh, ấn phẩm, phim ảnh (video), những câu chuyện được đọc liên quan đến lịch sử dài 4 thế kỷ của người di dân đến nước Mỹ. Bên ngoài có bức tường vinh danh những di dân gọi là “American Immigrant Wall of Honor” hiện nay ghi tên trên 600,000 di dân bất kể đến cảng nào trên nước Mỹ. Có 2 phòng lớn được tái tạo như hồi tiên khởi là Phòng Hành Lý (The Baggage Room) ngày xưa mỗi ngày có hàng ngàn người qua đây để nhận hành lý trước khi lên lầu vào Phòng Khai Trình (Registry Room) để gặp nhân viên Sở Di Trú có những dãy băng ngồi chờ đợi. Nhà bảo tàng có những khu như Peopling of America trước kia là phòng vé xe lửa nơi người di dân mua vé để về nơi định cư nay triển lãm hình ảnh 400 năm chính sách thu nhận di dân. Khu khác là American Family Immigration History Center được mở cửa vào ngày 17 tháng 4, 2001 nơi đây trưng bày những quyển sổ ghi tên những con tàu đi vào hải cảng New York từ 1892 đến 1924. Du khách có thể vào xem 11 lãnh vực tài liệu như sổ nhật ký hành trình của những con tàu, hình ảnh của nó và danh sách hành khách theo chuyến tàu. Nhiều người nhận ra tên tuổi của tổ tiên mình ngày xưa đã qua đây để vào nước Mỹ.
Công viên Central Park
Du lịch là đi tìm hoa thơm cỏ lạ nên đến New York mà không vào Central Park là một điều thiếu sót. Người dân New York thường tự hào về công viên Central Park của mình vì giữa đô thị “ai ơi tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu!” Người giàu có ở Manhattan phải sống trong những chung cư trên những lầu cao hàng trăm tầng mà giữa thành phố lại dành ra một khu đất rộng lớn đến hơn 1 dặm vuông (843 acres hay 341 hectares) trồng cây làm nơi thư giãn vui chơi cho dân chúng. Central Park được mở cửa năm 1859, hoàn tất năm 1873 và được xây dựng bởi kiến trúc sư nổi tiếng về vườn cảnh (landscape) Frederick Law Olmsted và phụ tá là nhà kiến trúc Calvert Vaux. Công viên không có núi giả sơn, cỏ xén thẳng tắp, hoa trồng phẳng phiu đầy vẻ nhân tạo mà hầu hết cảnh trí đều trông rất thiên nhiên “buồng u tàu xụ trông thật u nhàn” bốn mùa, tám tiết cây cối hoa cỏ thay đổi với thiên nhiên. Trong công viên có những ao hồ thanh tịnh với lau sậy, hoa súng mọc đầy không thấy bờ trát xi măng, có nhiều lối ngõ quanh co cho người đi bộ, có hai nơi trượt băng tuyết vào mùa Ðông nhưng là hồ bơi cho những tháng Hè. Trong công viên có vườn bách thú Central Park Zoo hấp dẫn trẻ con và vườn hoa Central Park Conservatory Garden rộng 6 acres là nơi duy nhất mới thực sự thấy bàn tay con người nhúng vào gọi là “formal garden” theo kiểu vườn cảnh Anh, Pháp hoa cỏ cắt xén theo những đường nét hoa văn, hình học.
Công viên Central Park là nơi thiên nhiên hoang dã (nhưng thực sự do con người tạo ra) nên là ốc đảo quy tụ những loài chim di trú bay về đây nhất là trong hai mùa Xuân và Thu rất hấp dẫn đối với những người có thú ngắm chim (bird watchers) và người ta ước lượng có đến 275 giống chim nhìn thấy ở đây. Về những con số của Central Park: có khoảng 26,000 ngàn cây trong công viên (loại cây nhiều nhất là American Elm 1,700 cây). Có 36 cây cầu, 21 vườn chơi (playgrounds), 9,000 băng đá nếu đặt nối nhau sẽ dài đến 7 miles. Chu vi công viên là 6 miles (hình chữ nhật dài 2.5 miles, ngang 0.5 miles, chiều dài tất cả những con đường đi bộ là 58 miles. Có thể lái xe xuyên qua công viên trên những đường Park Drives với vận tốc tối đa là 25 mph (lưu ý vào cuối tuần có nhiều đường xe đóng lại dành cho người đi bộ). Mỗi năm có 25 triệu du khách vào xem. Giờ mở cửa từ 6 giờ sáng đến 1 giờ đêm (công viên rất nguy hiểm vào ban đêm). Ðậu xe hơi khó trong công viên, nên tìm chỗ đậu bên ngoài có trả tiền. Có nhiều quán ăn trong công viên. Central Park nằm giữa khu Manhattan từ đường 59th St.từ hướng Nam kéo dài đến đường 110th St. ở hướng Bắc và từ 5th Ave. ở phía Ðông sang Central Park West (tức 8th St.) phía Tây. Central Park miễn phí trừ Sở Thú lệ phí $10 người lớn, $7 cao niên trên 65 và $5 trẻ con (3-12 tuổi).
Cũng như những thành phố khác trên nước Mỹ, New York có rất nhiều thắng cảnh, di tích, bảo tàng cần thăm viếng và mỗi nơi đều bán vé vào cửa. Tiết kiệm nhất là mua New York Pass, mua một lần đi hết các thắng cảnh có giá chia ra từ 1 đến 7 ngày khoảng $75 đến $190 cho người lớn (trẻ em rẻ hơn từ $55-$150), độc giả có thể mua ở trang mạng www.newyorkpass.com.
Về thức ăn ở New York vì là thành phố rất đông người di dân nên có các món ăn mọi miền trên thế giới. Người Ðông Âu và Ý Ðại Lợi có những món làm cho New York nổi tiếng như bánh tròn bagels, cheesecake và New York-style pizza. Ðịa phương New York có những món nổi tiếng như thịt bò New York Steak, New York Clam Chowder (cháo ngêu), món đặc sản của người Mỹ là Hamburger cũng xuất xứ từ New York do một người Ðức từ thành phố Hamburg sáng chế. Có hơn 4,000 xe bán thức ăn được chính quyền cấp giấy phép, nhiều chủ xe là di dân từ miền Trung Ðông bán các món như Falafel (viên tròn được chiên bằng bột vài thứ đậu), món thịt xâu Kebaks (làm bằng thịt cừu, dê) và những món ăn nhanh như Pretzels (bánh thắt nơ mà cựu Tổng Thống Bush “con” ăn bị mắc cổ dạo nào), Hamburger, Hotdogs v.v... Gần đây thêm món bánh mì thịt Sài Gòn mà có hai chủ nhân người Việt kiện nhau ra tòa vì tranh nhau bản quyền bánh mì thịt. Hai ông này Thúy Nga Paris cần phải... vinh danh vì phổ biến đặc sản quê hương trên thương trường quốc tế. Nhiều bạn trẻ cũng như sồn sồn gặp trong chợ hoa Tết Bolsa-Phước Lộc Thọ phê bình tôi dạo này viết ký sự du lịch cứ nói di tích lịch sử, thắng cảnh, món ăn khô khan mà không chi tiết cụ thể như nơi nào có nhiều hoa thơm cỏ lạ để các bạn đi tìm. Thể theo nguyện vọng yêu cầu của các bạn độc giả tôi xin hé mở ít thôi: Ở New York muốn tìm hoa thơm cỏ lạ về đêm khách du Xuân cứ thả bộ xuống công trường Times Square nơi đếm ngược thời gian để đốt pháo bông mỗi dịp giao thừa sang năm mới ắt sẽ gặp vô vàn các loài hoa nở về đêm đủ mọi sắc màu, quốc tịch tha hồ mà thưởng ngoạn... giao lưu:
“Em như cô gái hãy còn Xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa bên sông Vân...”
(“Gái Xuân” thơ Nguyễn Bính, nhạc Từ Vũ)
Trịnh Hảo Tâm
0 nhận xét
Đăng nhận xét