Năm sau, tôi gửi email cho người học trò cũ đang định cư ở Cali, hỏi rằng thầy muốn sang Mỹ tham quan Grand Canyon, em có đưa thầy đi được không? Gần như tôi nhận được ngay câu trả lời ngắn gọn: Được. Mời thầy qua. Bấy giờ là tháng ba năm 2008.
Đường từ Phoenix lên Grand Canyon đi qua hàng trăm km sa mạc, chỉ có cỏ gai và những cây xương rồng Saguao ngạo nghễ thách thức tuyết sương. Nhận phòng, chưa kịp tắm rửa nghỉ ngơi, tôi đã thúc giục mọi người ra mau bờ vực. Trước mắt tôi là một bức tranh độc đáo, đa sắc màu, và tuyệt mỹ. Tôi sửng sốt, nghẹn ngào. Đại vực Grand Canyon được xếp vào hàng đệ nhất kỳ quan thiên nhiên của nhân loại, được hình thành từ 2,5 triệu năm trước do nước sông Colorado xói mòn, tạo nên vô số hốc hẻm khổng lồ để lộ tầng tầng địa chất được hình thành qua lớp lớp thời gian. Gọi là đại vực vì Grand Canyon dài tới 446 km, rộng từ 0,4 đến 24 km, và sâu 1600 m. Là quê hương của thổ dân da đỏ.
Người ta nói Hopi point là nơi tổng thống Bill Clinton đã ngắm hoàng hôn để rồi phán một câu vang lừng. Tôi nhủ thầm, với vợ và đám cận vệ kè kè bên cạnh mà còn thấy hoàng hôn Grand Canyon đẹp nhất thế giới, để xem thong dong tự tại như ta hoàng hôn Grand Canyon còn đẹp đến chừng nào. Khi chúng tôi đến, Hopi point đã đông đặc người. Đó là một mõm đá nhô ra phía bờ vực. Từ đây có thể nhìn toàn cảnh Grand Canyon. Dọc theo bờ vực hàng vạn du khách cùng náo nức chờ ngắm hoàng hôn. Về phía bên trái Hopi point, ông mặt trời đỏng đảnh núp sau tầng mây, từ từ bước ra khỏi tấm "bạch y", rót xuống trần gian từng mảng vàng chói lọi. Sông Colorado uốn lượn qua các hẻm núi thường ngày không cách chi nhận ra, nay bỗng dậy lên, nơi này sáng láng như một thanh kiếm tuốt trần, nơi kia cong cong như nữa vầng trăng khuyết. Các vách đá, chỏm núi thi nhau phô hết vẻ kiều diễm độc đáo của mình, trong lúc các vực sâu lặng lẽ tối sầm lại. Bức tranh Grand Canyon trở nên sắc nét, sinh động, thăm thẳm khôn cùng. Và rồi, như bất cứ cái đẹp đích thực nào trong đời, giây phút chất ngất ấy chỉ tồn tại trong chốc lát rồi đột ngột tan biến, nhưng tôi thừa nhận rằng đó là hoàng hôn tuyệt trần, đẹp đến ngẩn ngơ.
Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy sớm, lại kéo nhau ra bờ vực ngắm bình minh. Chỉ cái bao lơn nhỏ Yavapai look out point thôi mà vô số du khách chen chúc hướng về phía đàng đông. Tôi may mắn được một lần theo đoàn sinh viên Nhật chờ ngắm bình minh trên đỉnh Phú Sĩ. Nay tưởng chừng như đang gặp lại những khuôn mặt ấy - những khuôn mặt rạng ngời, lặng lẽ, và thành kính. Không biết đến bao giờ tuổi trẻ bên mình mới thấu được tầng văn hóa thích ngắm hoàng hôn và khát khao chờ đón bình minh.
Rồi cũng như khi kết thúc một ngày, bình minh xuất hiện với dáng vẻ dịu hiền và khoan thai của ông mặt trời. Bức tranh Grand Canyon bắt đầu dậy lên muôn sắc màu: trắng, xanh, vàng, tím, đỏ, hồng... lộng lẫy, kiêu sa. Rất dễ có cảm tưởng như Grand Canyon là một mâm đồ chơi của các thần, ở đó vị thần nào cũng muốn gắng gổ phù phép cho đồ chơi của mình đẹp hơn, lung linh hơn, độc đáo hơn - tầng tầng lớp lớp những đỉnh đồi, chóp núi, khe, vực... trong tay các vị thi nhau khoe sắc; đến cả cây tuyết tùng chơ vơ bên bờ vực cũng cố sáng lên điểm tô cho bức tranh thêm màu minh triết. Cho đến khi ông mặt trời hoàn toàn hòa thân vào cái vũ trụ sáng bao la kia thì cũng là lúc trò chơi kết thúc. Nếu tôi là giám khảo cuộc thi, tôi sẽ không ngần ngại chấm điểm cho tất cả các thần thí sinh đều đạt loại ưu. Chẳng biết ngày ấy ngài tổng thống Bill Clinton có thức dậy sớm đón bình minh hay không, sao không nghe ông tuyên bố Grand Canyon cũng là điểm ngắm bình minh đẹp nhất thế giới.
Còn một điểm nữa chiêm ngắm kỳ quan Grand Canyon vô cùng hấp dẫn du khách, đó là từ trên cao với trực thăng Helicopters. Mỗi tour 45 phút. Mỗi chuyến chỉ chở được bảy người. Chiếc Helicopters bay lượn trên đại vực cho du khách mặc sức chiêm ngắm, chụp ảnh, xuýt xoa. Lấy cớ ở Mỹ khi nào đi cũng được, các bạn nhường tôi bay một mình. Tôi may mắn được xếp ngồi trong buồng lái (chắc vì ngang cân với tay phi công). Phải từ góc độ này mới thấy hết vẻ kỳ vĩ của Grand Canyon. Con sông Colorado bé tí uốn lượn giữa thăm thẳm hai bờ đại vực. Không biết bằng cách gì mà con sông nhỏ bé thế kia lại có thể tạo nên đại vực ghê gớm này.
Đường xuống vực, mỗi khúc quanh mở ra một cảnh giới mới, mỗi cung đường hứa hẹn điều ngạc nhiên. Tôi đặc biệt xúc động về những cây tuyết tùng chơ vơ trên bờ vực. Chắc nhờ đại vực mà nó sớm ngộ ra lẽ đời: đã không có gì tồn tại vĩnh hằng thì mắc mớ chi phải bận tâm về chuyện tồn tại hay không tồn tại, thì cứ an nhiên mà đùa giỡn với gió núi mây ngàn, mà lay lắc reo ca. Có lẽ nhờ thế, qua hàng triệu năm, trên các vách đá cheo leo loài tuyết tùng vẫn thay nhau mọc, mặc cho sự tàn phai.
Trên mặt lối mòn lô xô đá và lớp đất mịn đến mức chỉ cần bước mạnh chân bụi đã mịt mù. Bên mình, con đường gập ghềnh cát đá này thế nào cũng được bê tông hóa bằng những bậc cấp vừa sạch sẻ vừa tiện lợi. Trên lối mòn sạch trưng, tuyệt nhiên không hề có rác, dù chỉ một vỏ kẹo - Nghiệm cho cùng, rác rưởi nằm trong đầu mình. Khi cái đầu đầy rác thì nhìn đâu cũng thấy rác, và thế là người ta cứ việc thoải mái xả. Không ngạc nhiên khi bên mình, nhiều đôi trai gái ngồi trên ghế đá công viên, không xa mấy với thùng rác nhưng họ vẫn tự nhiên xả bừa ngay dưới chân, nơi biết đâu mai này sẽ trở thành kỷ niệm ngọt ngào còn đọng mãi trong tim mỗi người. Ở đây, trên các đỉnh núi, gò, đồi, điểm tụ khí, tích khí, chỉ lồng lộng trời xanh mây trắng. Bên mình thế nào cũng có vài ngôi chùa, miếu, cây thánh giá, hoặc tượng Phật bà Quan Thế âm. Ở đây, hai bên bờ vực và dọc theo lối mòn, ngoài các điểm dừng hoặc bao lơn chiêm ngắm cảnh quan, tuyệt nhiên không hề có quán xá ăn uống rộn rịp cùng với đủ thứ đồ lưu niệm xanh xanh đỏ đỏ, chướng tai gai mắt. Trên đường đi, đôi khi du khách phải men theo vách núi, bên trên vô số những viên đá nhỏ to trong tư thế sẵn sàng xuất trận. Có cảm tưởng như chỉ cần con hưu con nai động cỡn, hay anh chàng Tạ Tốn nổi cơn thịnh nộ rống lên một tiếng là đội hùng binh đất đá ấy dội xuống đầu du khách... Nhưng tuyệt nhiên họ không bạt núi xây kè bảo vệ lợi ích nọ kia. Thế đấy, dân Mỹ thích tiện nghi và quí trọng sinh mạng con người, nhưng đồng thời họ cũng muốn giữ y nguyên sự tồn tại của tự nhiên. Một tác phẩm tuyệt mĩ được thiên nhiên tạo dựng từ hàng triệu năm, nay vì tầng nhận thức thấp kém, thậm chí chỉ vì chút lợi nhuận cỏn con mà nỡ làm cho nó biến dạng đi thì thật chẳng còn gì dã man hơn. Nghe như văng vẳng đâu đây lời nhắn gửi của tổng thống Theodore Roosevelt "Grand Canyon, một kỳ quan thiên nhiên mà phần còn lại của thế giới không thể so sánh được. Đừng làm hỏng những gì mà năm tháng đã tạo nên, hãy giữ gìn nó cho con cháu chúng ta và thế hệ mai sau...".
Xế chiều chúng tôi chia tay Grand Canyon và chia tay nhau. Lâm, Thọ thẳng đường Phoenix, thầy trò tôi rẻ phải về Cali. Lại băng qua dặm dài sa mạc, hết Arizona đến Nevada.Khi viết mấy dòng này để kết thúc thiên bút ký, tôi nhẩm tổng kết, thế là chuyến lãng du sang Mỹ năm 2008, tôi đã may mắn được đi qua nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người, được chiêm ngưỡng nhiều kỳ quan, trong đó Grand Canyon để lại trong tôi ấn tượng không thể phai mờ.
Theo Doanh nhân Sài gòn cuối tuần
0 nhận xét
Đăng nhận xét