Mời bạn theo chân phóng viên Thanh Hiệp, Báo Người Lao Động, đến với "thiên đường cướp biển" (thuộc quần đảo Caribbean) nơi anh đã trải qua 7 ngày thú vị tìm hiểu dấu tích của những tay "hải tặc" thế kỷ XVI.

Thế kỷ XVI, không một thế lực nào len lỏi được vào đảo Grand Turk (thuộc quần đảo Caribbean) để khống chế cướp biển. Đến nay, dấu tích của những tay "giặc nước" vẫn còn đậm đà thông qua kiến trúc, điêu khắc trên đảo.

Grand Turk - Thiên đường cướp biển

Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi may mắn được dịp du ngoạn 7 ngày trên vùng biển đông Caribbean bằng du thuyền Noordam.

Tàu du lịch Noordam sang trọng với sức chứa gần 2.000 khách

Cảng Dr.A.C của đảo Grand Turk

Rời cảng Ft.Lauderdale (Florida - Mỹ), sau 2 ngày lênh đênh trên biển, Noordam dừng lại ở bến cảng Dr.A.C (Albert Claudis) trên đảo Grand Turk.

Vừa neo lại, chúng tôi đã được chứng kiến những chiếc xe nước ngọt chạy thẳng lên đảo. Đây là một nét đặc trưng của riêng Grand Turk mà không hòn đảo nào khác ở Caribbean có được.

Grand Turk được mệnh danh là thiên đường của những tên cướp biển thế kỷ XVI bởi không thế lực nào có thể len lỏi vào quần đảo Caribbean để ngăn cản họ.

Đảo Grand Turk nhìn từ trên cao

Bãi biển trên đảo Grand Turk

Thời gian qua đã lâu, những tay cướp biển Caribbean đã chìm sâu vào quá khứ nhưng dấu tích của họ vẫn lưu lại qua những tranh ảnh, điêu khắc trong khách sạn cổ Passangrahan mang dáng dấp một tòa lâu đài.

Trên đảo Grand Turk có hai con đường chính xuyên qua là Front Street và Back Street. Trên hai con đường này bán rất nhiều sản phẩm bằng da của Ý, máy chụp ảnh của Nhật xen lẫn với hàng hóa của người bản xứ.

Kiến trúc trên đảo mang nhiều phong cách với những dải nhà ngăn nắp, thẳng tắp nhìn ra những con dốc dài tựa như ở Đà Lạt.

PhápHà Lan là hai ngôn ngữ chính được sử dụng ở đây. Người dân địa phương thích dùng đồng euro, trong khi du khách có thể được "ưu tiên" tiêu xài bằng USD.

St.Maarten - Hòn đảo "chia đôi"


Tiếp sau Grand Turk, chúng tôi đến St.Maarten, hòn đảo được chính nhà thám hiểm Colombus đặt tên khi ông phát hiện ra nó vào ngày 11-11-1493. St.Maarten có 2 mùa mưa nắng, trong đó mùa mưa kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12.

Đảo St.Maarten nhìn từ đỉnh núi cao 800 m

Quá trình phát triển hòn đảo này ghi đậm dấu ấn của Hà Lan và Pháp. Năm 1620, những tàu buôn của Hà Lan đã lấy muối từ đảo để bảo quản thức ăn trên những chuyến hải trình xuyên Đại Tây Dương.

9 năm sau, người Pháp đặt chân đến đây. Năm 1631, đội quân Hà Lan chiếm đảo này và thành lập cảng quân sự đầu tiên của mình tại vịnh Caribbean.

Hiện nay, hòn đảo với 130 sắc dân này vẫn là thuộc địa của cả Hà Lan và Pháp với kiểu quản lý chia đôi. Ví dụ, các trường học do Hà Lan cai quản cho học sinh chọn học bằng tiếng Anh hoặc Hà Lan trong khi phía Pháp bắt buộc chọn tiếng Pháp. Một tài xế taxi người Hà Lan kể thêm vật giá bên phía Pháp rất đắt đỏ, còn bên Hà Lan "dễ thở" hơn nhiều.

Một tiệm bán rượu cổ của St.Maarten với loại rượu không bán ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, giá 13 USD/chai

Thú vui của người dân đảo St.Maarten là... nói thách với du khách
Đảo St.Maarten tuy nhỏ nhưng tên đường đều được đặt theo những địa danh nổi tiếng
như Bombay, Belfast, Hong Kong...

Đường phố trên đảo rất nhỏ và đặc biệt là không thấy bóng dáng một cảnh sát nào, kể cả cảnh sát giao thông. "Trên đảo này chủ yếu là du khách đến chơi. Ý thức người dân rất cao, không hề có nạn trộm cắp, nài nỉ du khách. Du khách gặp nạn còn được cấp chỗ ở miễn phí và giúp đỡ liên hệ với các tàu du lịch để trở về" - anh tài xế taxi vui miệng nói.

Tuy vậy, cư dân đảo này có một thú vui gây khổ sở cho du khách, đó là... nói thách. Quả đúng như vậy, để mua búp bê cho con gái, tôi phải trả giá đến 3 lần mới nhận được nụ cười của người bán hàng.

Half Moon Cay và nhịp điệu lễ hội

Cũng nằm trong quần đảo Caribbean, Half Moon Cay mê hoặc du khách nhờ bãi biển trắng mịn. Nước trong veo đến độ nhìn rõ những đàn cá li ti bơi tung tăng trong nước.

Biển Half Moon Cay xanh trong như một viên ngọc

Một quầy bán rượu cổ xưa

Trên bãi cát có một chiếc tàu cổ bằng gỗ của cướp biển được cải tạo thành nhà trưng bày triển lãm và biểu diễn ca nhạc với dàn hướng dẫn viên cải trang thành cướp biển.

Không khí trên bãi biển lúc nào cũng như hội hè với tiếng đàn thùng vui nhộn, những cốc bia đồng giá 4 USD tặng kèm khoai tây chiên... Trong tiếng nhạc mang giai điệu rộn ràng của vùng Caribbean, du khách không ngừng nhún nhảy hào hứng.

Chiếc tàu cướp biển cổ trên đảo Half Moon Cay...

... được cải tạo thành nhà trưng bày

Góc Việt trên tàu Noordam

Noordam là một trong 15 du thuyền của Holland America Line (HAL) - tập đoàn hàng hải lớn của Hà Lan được thành lập vào khoảng năm 1873. Trở thành tập đoàn có lượng du thuyền lớn nhất thế giới vào năm 1989, HAL đã điều hành 15 du thuyền đi đến 7 lục địa trên thế giới (kể cả Bắc cực và Nam cực) với sức chuyên chở 700.000 khách/năm.

Nhà báo Thanh Hiệp bên tàu Noordam

Riêng Noordam được xuất xưởng năm 2006 từ New York - Mỹ. Nặng 82,318 tấn, sức chứa 1.924 hành khách với hơn 1.000 phòng trên 10 tầng; có đến 3 hồ bơi, 2 sân tennis, 1 sân bóng rổ, 3 nhà hàng, 1 rạp chiếu phim, 1 sân khấu...

Trên tàu có 800 nhân viên, chủ yếu là người Indonesia và Philippines, thường rong ruổi trên tàu đến 10 tháng trong năm với mức lương khoảng 600 USD/tháng. Mỗi lần tàu ghé đảo, nhân viên được xuống đất liền mua vật dụng và quà cá nhân trong 30 phút.


Biểu tượng của tàu Noordam

Trên tàu có đến 800 nhân viên

Trên tàu, chúng tôi làm quen với anh Chieu, một người Việt lai Ấn, phụ trách quầy thức ăn châu Á. Bên cạnh thực đơn với nhiều món ăn Việt, gian hàng còn treo hình ảnh chụp con người, thiên nhiên và ẩm thực của Đà Nẵng. Chieu kể: "Tôi chưa đến Đà Nẵng nhưng món ăn của Việt Nam rất ngon!". Ngày cuối trên tàu, chúng tôi còn được đãi món phở. Trong thực đơn dành cho tất cả thực khách có in ba chữ "Phở Việt Nam" rất trân trọng.

Chieu (phải) và góc ẩm thực Việt trên tàu Noordam
Bài và ảnh: THANH HIỆP

Theo www.nguoilaodong.com.vn - ngày 12/05/2011



0 nhận xét