Đến Mỹ mà không đi mua sắm thật là một điều phí phạm. Hàng hóa tại nước này có chất lượng rất tốt mà giá rẻ hơn châu Âu hoặc Úc rất nhiều lần.

Đã được người thân và bạn bè báo trước, tôi đến bang California chỉ với 2 bộ đồ trong hành lý xách tay, không mang theo vali hay đồ đạc nào khác để còn... khuân đồ shopping về nước. Thời tiết cuối tháng 4 tại đây thay đổi như chong chóng, thoắt lạnh thoắt nóng, chẳng biết đường đâu mà lần. Khi máy bay đáp xuống phi trường Ontario, trời nóng đến 38 độ C, nắng như đổ lửa. Thế mà mấy ngày hôm sau, nhiệt độ hạ xuống còn khoảng 18 độ C vào ban đêm. May là ở đây phương tiện di chuyển chủ yếu là xe hơi nên ít ai bị bệnh vì tiết trời thay đổi.

Nếu là người Việt Nam thì khi đến Little Saigon gần thành phố San Bernardino, bạn nên ghé thăm khu chợ Phước Lộc Thọ, giống kiểu chợ An Đông ở Sài Gòn. Phần lớn cửa hàng tại đây toàn buôn bán đồ nữ trang, vàng bạc, đá quý. Số còn lại là cửa hàng băng đĩa, quần áo, tiệm ăn... Tuy nhiên, cũng như bao ngôi chợ người Việt khác, bạn phải trả giá khi hỏi mua bất cứ món hàng nào. Chuyện trả giá hớ cũng là bình thường. Một cô bạn cùng đoàn đột nhiên biến mất và sau đó vui vẻ xuất hiện với cây kẹp tăm giá 10 USD, mà cô mua tặng mẹ chồng. Giá cây kẹp này ở Việt Nam chắc chưa đến 10.000 đồng/cây! Thôi kệ, dù sao cũng là kỷ niệm khi đến Phước Lộc Thọ.

Các trung tâm mua sắm ở Nam California được chia làm nhiều dạng. Nếu thích mua hàng hiệu mà giá rẻ thì tốt nhất nên đến các cửa hàng outlet, đồ hiệu chính cống từ Gap đến Versace, Gucci, nhưng giá cả thấp hơn từ 20 đến 50% so với hàng hiệu bày bán ở các trung tâm mua sắm thông thường. Đồ đạc ở đây chủ yếu đã qua mùa hoặc bị lỗi chút đỉnh, nhưng dù sao cũng là đồ hiệu. Những cửa hàng outlet nên đến là Citadel thuộc Los Angeles, cách Little Saigon 40 phút chạy xe; Ontario Mills thuộc thành phố Ontario, cách Little Saigon 45 phút; Palm Springs thuộc thành phố Cabazon, cách Little Saigon 2 giờ chạy xe. Đặc biệt có hơn 130 cửa hàng tại Palm Springs, từ Banana Republic, Salvatore, Gucci, A/X, Coach, CK đến DKNY và nhiều hàng hiệu khác. Sở dĩ các cửa hiệu outlet được đặt cách xa nhau như vậy là do lúc mới khai trương, chính quyền địa phương muốn kéo người dân đến shopping ở những nơi xa khu trung tâm nhằm mục đích dần dần phát triển các khu vực dân cư mới.

Nếu vẫn chưa thỏa mãn khi mua sắm tại các cửa hàng outlet, bạn có thể thử đến các trung tâm shopping bình thường, ở gần những khu dân cư cũ như Westminster Mall, The Block... Cứ cách 50 dặm thì bạn sẽ tìm thấy được một trung tâm mua sắm thuộc dạng này. Hàng hóa cũng là hàng hiệu, nhưng là hiệu tầm trung như Old Navy, Gap, Forever 21... Nếu may mắn, bạn sẽ có cơ hội mua hàng giảm giá tại đây. Một cái áo giá ban đầu là 48 USD được giảm xuống còn 2,99 USD là chuyện bình thường. Còn nếu muốn mua đồ hiệu cao cấp hơn nữa, cứ thẳng tiến đến Southcoast Plaza, Fashion IslandBeverly Center. Những địa điểm kể trên chỉ cách Little Saigon từ 5 đến 25 phút chạy xe, trừ Beverly Center thì xa hơn. Đối với những cô nàng thích nước hoa, bạn có thể mua bất cứ loại nước hoa hàng hiệu nào với giá rẻ bất ngờ tại thành phố Los Angeles. Nhờ "thổ địa" dẫn đường, tôi đã đến được một cửa hàng nước hoa trên đường Los Angeles do người Ấn Độ làm chủ. Giá cả hết sức phải chăng, thấp hơn từ 10 đến 30 USD so với nước hoa trong các cửa hàng miễn thuế hoặc trung tâm mua sắm. Nếu bạn chấp nhận mua chai nước hoa loại tester (chai thử mà các hãng cung cấp cho đại lý bán hàng) thì giá còn rẻ hơn nữa.

Nếu thấy những người đi shopping mà kéo theo vali trong các trung tâm mua sắm thì biết ngay đó là du khách nước ngoài. Hai người quen của tôi, sống ở Úc, dù là đàn ông nhưng cũng không cưỡng nổi cơn lốc mua sắm ở đây. Cuối cùng, họ về nước với các vali đầy ắp quần áo mua tại Mỹ. Điều quan trọng khi đến Mỹ shopping là bạn có đủ tiền và đủ chỗ trong hành lý để mua sắm không mà thôi.

(Theo Thụy Miên – Thanh Niên)

0 nhận xét