medium_DSC1301.jpg

Khu tài chánh New York chụp từ tàu du ngoạn trên sông Hudson.

medium_DSC1302.jpg

Khu tài chánh trước kia có tòa nhà tháp đôi World Trade Center.

medium_DSC1303.jpg

Cầu Brooklyn bắc ngang sông East River nối Manhattan với quận Brooklyn.

medium_DSC1304.jpg

Cảnh lưu thông trên đường phố New York, đèn xanh vẫn không chạy được.

medium_DSC1305.jpg

Mùa Thu trong công viên Central Park nằm giữa Manhattan.


New York là thành phố đông dân nhất nước Mỹ với dân số gần 8 triệu 400 ngàn người, nếu tính chung với vùng ngoại ô bao quanh gọi là Ðô Thị New York (Metropolitan New York) dân số lên đến gần 19 triệu người được xem là một trong những đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố New York nằm ở bờ biển phía Ðông trong vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ có hải cảng thiên nhiên và được chia làm 5 quận gồm các quận The Bronx, Brooklyn, Manhattan, Queens và Staten Island. New York dẫn đầu thế giới về thương mại, tài chánh, văn hóa, thời trang và giải trí có trung tâm thị trường chứng khoán New York Stock Exchange ở khu Wall Street và là nơi đặt trụ sở chính của tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Buổi sáng hôm sau từ thành phố New Haven thuộc tiểu bang Connecticut chúng tôi lái xe đi thăm New York, lộ trình theo xa lộ 95 đi về hướng Tây dài 73 miles (117 km) qua các thành phố nằm ven bờ biển. Ðây là lần thứ 3 đến thăm New York City, hai lần trước cách đây 30 năm lúc ban đầu mới định cư sinh sống ở New Haven và lúc đó tôi không có xe hơi nên đi bằng xe điện mất khoảng 1 giờ 30 phút tới Manhattan là khu trung tâm thành phố. Xa lộ 95 lấy tên Thống Ðốc John Davis Lodge của Connecticut làm tên xa lộ từ năm 1985 (trước kia là Connecticut Turnpike có thu lộ phí nhưng nay thì đã bãi bỏ) rất đông xe cộ và qua các phố thị nhà cửa liên tục. Giữa đoạn đường là Bridgeport thành phố lớn nhất của tiểu bang Connecticut là nơi có nhà hàng bánh mì Subway đầu tiên và nơi đây nổi tiếng với thị trưởng là ông Phineas Taylor Barnum (1810-1891) vừa là một nhà ảo thuật, chủ gánh xiệc vừa là một thương gia rất thành công lại còn là một người viết sách, chủ nhà xuất bản, ông lại là một bầu show vào năm 1850 làm một tua trình diễn cho nữ ca sĩ Jenny Lind và dám trả cho cô này 1,000$ một đêm cho suốt 150 đêm trình diễn. Hiện ở trung tâm thành phố gần bến tàu còn lưu lại nhà bảo tàng Barnum thu hút rất đông du khách đến viếng.

Khu nghèo Harlem

Trước khi vào quận Manhattan trung tâm của thành phố New York, xe chúng tôi chạy ngang qua khu Harlem nằm ở phía Bắc Manhattan với những dãy chung cư có lầu liên tục là nơi tập trung sinh sống của cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu. Nguyên thủy nơi đây là một làng của người Hòa Lan từ năm 1658 và họ lấy tên thành phố Haarlem ở Hòa Lan để đặt tên nơi định cư mới của họ bên xứ Mỹ. Harlem được sáp nhập vào New York City từ 1873. Khoảng năm 1904 phong trào di cư của người da đen từ các tiểu bang miền Nam như Texas, Louisiana, Alabama v.v... về các tiểu bang miền Bắc trong đó có New York, Michigan để tìm việc làm trong các thành phố phát triển về kỹ nghệ hơn là ở miền Nam làm nông nghiệp. Phong trào di dân của người da đen kéo dài cho đến 1930 được gọi là The Great Migration ước lượng có khoảng 1.4 triệu người. Tại New York người di dân da đen vào khu Harlem nơi giá nhà rẻ hơn và họ làm việc ở Manhattan cũng như các quận lân cận của thành phố New York. Trong thập niên 1920 sau khi kết thúc Ðệ Nhất Thế Chiến khu Harlem rất phồn thịnh và số người da đen tăng lên rất nhanh. Cuộc sống sung túc, văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc của người da đen thăng hoa phát triển thành phong trào có tên là Harlem Renaissance tô điểm thêm màu sắc đa dạng cho nền văn hóa Hoa Kỳ. Thời kỳ này các hộp đêm nhạc Jazz như Renaissance Ballroom, Savoy Ball trong khu Harlem rất huy hoàng và giá thuê nhà ở đây cao không thua Manhattan. Người da đen lại rất sùng đạo, họ đến nhà thờ để sinh hoạt vừa tôn giáo vừa xã hội, ca hát vui chơi, người ta ước tính khu Harlem có đến 400 nhà thờ. Hoa Kỳ lại lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế Great Depression vào cuối năm 1929 (kéo dài cho tới Ðệ Nhị Thế Chiến) khiến kỹ nghệ, thương mại New York trì trệ và ảnh hưởng nặng nề trong khu Harlem. Người da đen mất việc làm, không tiền mua thực phẩm, trả tiền nhà khiến khu Harlem suy sụp, nhà cửa phố xá tiêu điều và tội ác gia tăng ảnh hưởng cho đến ngày nay. Năm 1979 tôi từng ngồi xe điện ngang qua Harlem nhìn thấy các chung cư hoang tàn, đổ nát, lau sậy mọc đầy trong nhà tưởng như chiến tranh bom đạn tàn phá nhưng nhớ lại nước Mỹ không bao giờ bị ngoại xâm. Ðường dây điện trên cao khu phố nào cũng treo lủng lẳng hàng chục... chiếc giày! Khu tồi tàn nhất ở Harlem là khu “Bradhurst” ở giữa Adam Clayton Powell Jr. Boulevard và Edgecombe, từ 139th St. đến 155th khiến báo New York Times từng mô tả: “Kể từ 1970 dân cư bỏ đi tìm đất hứa để lại nơi đây sự nghèo đói, không học vấn, không việc làm. Gần hai phần ba số gia đình có lợi tức hàng năm dưới 10,000$. Trong cộng đồng có mức tội phạm cao nhất thành phố, những khu đất trống đầy rác rến và những chung cư xiêu vẹo, nhiều dãy nhà bỏ hoang hoặc niêm phong mang đến cảm giác thiếu an ninh và cảnh hoang tàn xâm nhập khắp mọi nơi.”

Nhiều chương trình chỉnh trang đô thị, huấn nghệ người dân tốn hàng trăm triệu Mỹ kim được đưa ra trong đó có xây nhà máy lọc nước thải, xây công viên Riverbank State Park (1993), biến khu đường rày xe điện không còn hoạt động từ đường 125th thành công viên cây xanh, xây lối đi cho bộ hành, gắn đèn đường, đèn hiệu lưu thông v.v... Từ 1980 chánh quyền thành phố New York sở hữu hơn 60% bất động sản ở Harlem rồi sửa chữa và bán đấu giá dưới giá thị trường cho những gia đình thật sự cư ngụ và sẵn sàng chăm sóc căn nhà mình ở. Những chương trình này mang lại nhiều kết quả, hôm nay sau 30 năm tôi đi ngang qua Harlem trông thấy các khu phố tươm tất đàng hoàng hơn nhiều có nhiều quán cà phê Starbucks, siêu thị Harlem USA là siêu thị đầu tiên sau 30 năm, có rạp chiếu phim sau thời gian dài vắng bóng (xây năm 2000). Năm 2001 mở cửa nhà bảo tàng nghệ thuật da đen Studio Museum in Harlem và cùng năm này cựu Tổng Thống Bill Clinton đặt văn phòng của mình cũng ở Harlem.

Rời khu Harlem đi về hướng Nam chúng tôi đi vào Manhattan nằm trên bán đảo là quận giàu có nhất của thành phố New York cũng là trung tâm của khu đô thị New York nơi tập trung toàn là nhà chọc trời và là trung tâm kinh tế, thương mại không những của nước Mỹ mà là của toàn cầu. Trước khi đặt chân vào trung tâm của thành phố thiết tưởng chúng ta cũng cần biết sơ qua về lịch sử nguồn gốc của đô thị New York.

Lịch sử thành phố New York

Vùng Manhattan vào năm 1524 khi người Âu Châu đầu tiên khám phá ra là nhà thám hiểm người Ý tên Giovanni da Verrazzano thì vùng này là một làng độ 5,000 dân của bộ lạc da đỏ Lenape. Ông Giovanni tuy người Ý nhưng làm việc cho triều đình Pháp thời vua Francis I và ông đặt tên vùng New York hiện nay là “New Angoulême”. Ông Giovanni thực sự chưa vượt quá cửa sông vào Manhattan nơi ngày nay gọi là The Narrows mà phải đợi đến 1609 một người Anh tên Henry Hudson làm cho hãng buôn Hòa Lan thực hiện chuyến đi từ Manhattan lên đến vùng Albany ngày nay để vẽ bản đồ. Theo gót ông Hudson, năm 1614 người Hòa Lan tới thành lập những trạm mua bán da thú ở phần đất nhìn ra biển cuối đảo Manhattan và gọi nơi này là “Nieuw Amsterdam” (New Amsterdam). Theo bản đồ vẽ năm 1660 New Amsterdam cũng có đường phố, cửa hàng, vườn rau và phía Ðông giáp với đất liền có xây thành lũy ngăn giặc.

Viên quan thuộc địa người Hòa Lan tên Peter Minuit mua đảo Manhattan từ bộ lạc Lenape vào năm 1626 bằng một xâu hột thủy tinh trị giá 24$ thời đó (sau này Hội Sử Học Hòa Lan tính lại là 1,000 USD). Có sách ghi là mua từ trưởng bộ lạc là người đàn ông đội nón nên mới có tên là Manhattan. Năm 1647 ông Peter Stuyvesant được bổ nhiệm làm giám quản thuộc địa New Amsterdam và năm 1653 thành lập thành phố.

Năm 1664 trong cuộc chiến giành thuộc địa với Hòa Lan, người Anh đánh chiếm New Amsterdam và đổi tên thành New York lấy tước hiệu của vua Anh James II thời đó là “Duke of York and Albany” để đặt tên cho New York và thị trấn thượng nguồn sông Hudson là Albany (nay là thủ phủ tiểu bang New York). Quan giám quản Hòa Lan Peter Stuyvesant và hội đồng thành phố trước khi bàn giao chủ quyền New Amsterdam cho người Anh đã thương lượng để người Anh tôn trọng quyền tự do kể cả tự do tín ngưỡng cho dân chúng trong thành phố. Từ đó New York lớn dần trở thành thương cảng quan trọng của người Anh, năm 1754 Ðại Học Columbia được thành lập theo lệnh vua Anh George Ðệ Nhị ở Manhattan Hạ (Lower Manhattan) như một trường của triều đình.

Dưới thời kỳ người Anh cai trị họ đã đặt luật thuế đánh trên sản phẩm đường mía xuất cảng sang Âu Châu cũng như bắt buộc các thuộc địa Bắc Mỹ phải mua tem phiếu để nuôi quân lính Anh cai trị các thuộc địa này. Một hội đồng do 13 thuộc địa thành lập tại New York năm 1765 có tên là “Stamp Act Congress” nhằm chống lại luật thuế này và đây là lần đầu tiên các thuộc địa đoàn kết trong cùng một mục tiêu chính trị và hội đồng là nền tảng của Continental Congress (được xem như Quốc Hội Liên Bang) những năm sau đó. Cuộc chiến tranh giành độc lập diễn ra từ 1775 và Manhattan là tâm điểm của chiến dịch New York (New York Campaign) gồm những trận chiến khốc liệt trong cuộc chiến Hoa Kỳ chống lại đế quốc Anh. Trong trận đánh đồn Washington ở Manhattan ngày 16 Tháng Mười Một, 1776 quân Cách Mạng thua trước quân Anh và phải rút lui bỏ ngõ thành phố New York, từ đó New York trở thành hậu cứ quân sự và chính trị của quân Anh trong suốt thời gian chiến tranh còn lại. Một trận hỏa hoạn lớn xảy ra ở New York năm 1776 trong thời gian quân Anh cai trị thiêu rụi 1/4 nhà cửa thành phố, trước đó cùng năm ngày 4 Tháng Bảy, 1776, Bảng Tuyên Ngôn Ðộc Lập được Continental Congress ban hành. Trận chiến giành độc lập kết thúc sau khi tướng Anh là Cornwallis đầu hàng ở Yorktown, Virginia năm 1781 và ngày 25 Tháng Mười Một, 1783, Tướng George Washington trở lại Manhattan và quân Anh cuối cùng rút khỏi thành phố. Quốc Hội Liên Bang (Congress of the Confederation) chọn New York làm thủ đô đầu tiên của Hoa Kỳ từ 4 Tháng Ba, 1789, đến 12 Tháng Tám, 1790. Hiến Pháp Hoa Kỳ được phê chuẩn và thông qua, năm 1789 Tổng Thống đầu tiên George Washington tuyên thệ tại New York đồng thời Quốc Hội cũng như Tòa Án Tối Cao được thành lập.

Trong suốt thế kỷ 19 New York thay đổi và phát triển rất nhanh do làn sóng di dân của người Irish từ quần đảo nước Anh vì nạn đói do thất mùa khoai tây ở đó. Năm 1860 cứ trong 4 người New York là có một người sinh trưởng ở Ireland, lúc này dân số thành phố ước lượng 200,000 người. Thành phố lên kế hoạch chỉnh trang, đường phố được xây dựng khắp hết mọi nơi trên đảo Manhattan, bến cảng cho tàu thuyền được thành lập cũng như trước đó vào năm 1819 kinh đào Erie được khai thông nối các hải cảng bên bờ Ðại Tây Dương với các thương trường nông sản trong nội địa Bắc Mỹ. Công viên rộng lớn Central Park ngay giữa lòng Manhattan được thành lập năm 1857, trở thành công viên trồng cây cối đầu tiên trong thành phố Hoa Kỳ.

Sang thế kỷ 20 hệ thống xe điện ngầm New York City Subway được sử dụng năm 1904 nối liền các quận ngoại ô mới thành lập tạo thành một mạng lưới giao thông công cộng tiện lợi cho người dân. Nửa đầu thế kỷ 20 thành phố New York trở thành trung tâm thế giới về kỹ nghệ, thương mại và truyền thông, tuy nhiên sự phát triển này phải trả cái giá nào đó, cùng năm 1904 chiếc tàu hơi nước General Slocum phát hỏa trên sông East River làm thiệt mạng 1,021 hành khách. Năm 1911 đám cháy ở xưởng may Triangle Shirtwaist Factory làm chết 146 nhân công từ đó mới có những luật lệ an toàn cho các hãng xưởng.

Trước 1890 dân số New York không phải là người da trắng chỉ có 36,620 người, trong thập niên 1920 làn sóng nhập cư của người da đen từ miền Nam đổ về thành phố rất đông để tìm việc làm trong các nhà máy, hãng xưởng tạo thành phong trào Phục Hưng Harlem về văn hóa, âm nhạc của người da đen. Thời gian này các nhà chọc trời đua nhau xây cất, thành phố mở rộng và dân số vượt quá 10 triệu người khiến New York trở thành đô thị lớn và đông dân nhất thế giới qua mặt cả London từng chiếm vị trí này trước đó. Những năm Ðại Suy Thoái (Great Depression) khiến thành phố đi xuống và người ta chứng kiến cuộc bầu cử chọn ông Fiorello Henry La Guardia làm thị trưởng kéo dài đến 3 nhiệm kỳ (1934-1945), ông có công phục hồi kinh tế thành phố và sau đó trở thành khuôn mặt sáng chói trên chính trường dưới thời Tổng Thống Franklin D. Roosevelt chuẩn bị đưa nước Mỹ tham gia Thế Giới Ðại Chiến Lần Thứ Hai.

Sau Thế Chiến Thứ Hai các cựu quân nhân giải ngũ trở thành lực lượng sản xuất đưa nền kinh tế thăng hoa, lúc này mở mang việc xây cất nhà cửa ở khu phía Ðông quận Queens. New York từ cuộc chiến mà Hoa Kỳ thắng trận, trở thành thành phố dẫn đầu thế giới về kinh tế với thị trường chứng khoán Wall Street, dẫn đầu tư thế chính trị với trụ sở Liên Hiệp Quốc và phát triển văn hóa nghệ thuật thay thế cả Paris. Sau nhiều giai đoạn kinh tế khủng hoảng rồi cũng mau chóng phục hồi, New York vẫn giữ vững ngôi vị là Thủ Ðô Thế Giới, đối với người Mỹ gọi New York là “Big Apple.” Cái giá sáng chói nào cũng phải trả, New York là một trong những mục tiêu của khủng bố tấn công vào ngày 11 Tháng Chín, 2001, khiến gần 3,000 người thiệt mạng cùng với sự sụp đổ của tòa tháp đôi World Trade Center, tòa cao ốc tượng trưng cho sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ. Hoa Kỳ rồi cũng lại đứng lên, ngay nơi đây đang xây cất tòa cao ốc “1 World Trade Center” (trước kia dự định là “Freedom Tower”) cùng với 3 cao ốc văn phòng và một Ðài Tưởng Niệm những người dân vô tội đã thiệt mạng.

Trịnh Hảo Tâm

0 nhận xét