medium_Dulich_1401.jpg

Tiền diện nhà ga Grand Central xây năm 1871 ở New York.

medium_Dulich_1402.jpg

Ðồng hồ và tượng 3 người trên nóc nhà ga Grand Central.

medium_Dulich_1403.jpg

Ðại sảnh chính bên trong ga Grand Central.

medium_Dulich_1404.jpg

Ga xe điện ngầm Lincoln Center (gần đường 65 St. và Columbus Ave.).

medium_Dulich_1405.jpg

Xe lôi (pedicab) cũng có trên đường phố New York.


New York là thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ, tọa lạc ở cửa sông Hudson thuộc miền Nam tiểu bang New York, bên bờ biển Ðại Tây Dương. Dân số vùng Ðô Thị New York (New York Metropolitan) là 18.7 triệu người, năm 2007 đứng thứ 5 trên thế giới sau Tokyo, Sao Paulo, Mexico City và Seoul. Là thành phố đông dân lại chật hẹp, nhất là khu Manhattan trung tâm thành phố nằm trên một đảo nhỏ nên vấn đề giao thông là một bài toán khó giải quyết, trên đường phố xe cộ lúc nào cũng bị kẹt. Tuy nhiên mạng lưới giao thông cộng cộng như xe điện ngầm, xe buýt rất là hữu hiệu và 54.6% dân New York hàng ngày sử dụng hệ thống giao thông công cộng, không giống như những thành phố lớn khác trên nước Mỹ có đến 90% dân chúng hàng ngày lái xe riêng để đi làm.

Sau khi qua khu Harlem trung tâm sinh hoạt văn hóa của người Mỹ gốc Phi Châu, chúng tôi lái xe về hướng Nam để vào Manhattan là trung tâm của New York với một rừng buyn đinh cao ngất trời. Ðây là khu thương mại, tài chánh với trụ sở các ngân hàng, các công ty có tầm hoạt động khắp thế giới, các viện bảo tàng, nhiều trường đại học. Manhattan nằm trên một đảo hẹp và dài, phía Tây có sông Hudson, phía Ðông có sông East River là những hải cảng thiên nhiên thuận tiện cho tàu bè cập bến. Ðường sá ở Manhattan nằm vuông vức như bàn cờ, đường ngang theo hướng Ðông Tây gọi là “cross-town” được đánh từ số 9 ở hướng Nam và tăng dần lên về phía Bắc đến 155 con đường gọi là Street. Ðường dọc theo hướng Bắc Nam có khoảng 12 đường cũng đánh số nhưng viết ra nguyên chữ như First Avenue, Second Avenue cho tới Twelth Avenue và một số đại lộ lớn có tên như Broadway, Park, Columbus v.v... Ðường ở Manhattan toàn là đường lưu thông một chiều, không cho quẹo phải khi đèn đỏ trừ một số ngã tư có bảng cho phép, không được cầm điện thoại di dộng nói chuyện lúc lái xe và nhiều đường không cho xe chở hàng (commercial truck hay moving truck) lưu thông. Hai cháu tôi ở New Haven thường đi công việc hãng xuống Manhattan nên có vẻ rành rẽ đường sá ở đây, cho biết đèn lưu thông trên những con đường chiều dọc Bắc Nam thời gian đèn xanh kéo dài hơn những con đường ngang “cross-town.” Nếu sử dụng những con đường ngang tránh ở khu trung tâm (giữa đường 30 và 50th Street) vì nạn kẹt xe chờ đợi rất lâu. Ðậu xe trên đường phố cũng rất khó khăn vì phải tránh các cây nước chữa cháy (fire hydrant), nơi đậu xe chữa lửa, nên đọc kỹ các bảng viết để tránh bị kéo xe hoặc giấy phạt. Ngoài ra có khoảng 100 ngã tư gắn máy hình tự động chụp những xe vượt đèn đỏ, giấy phạt gởi tới chủ xe chứ không cần biết người lái xe vi phạm luật là ai! Những con đường một chiều có nhiều “lane”, khi nghe tiếng rú còi của xe chữa lửa phải tránh ra khỏi “lane” ở giữa vì “lane” này chính là đường khẩn cấp.

Vấn đề giao thông tại New York

Muốn đến New York từ những nơi xa người ta sử dụng đường hàng không, vùng New York có 3 phi trường lớn là John F. Kennedy International, Newark Liberty International là 2 phi trường quốc tế và LaGuardia là phi trường cho những chuyến bay nội địa trong nước Mỹ và chính quyền đang nghiên cứu để xây thêm phi trường thứ tư. Ngoài ra còn có phi trường Stewart International gần Newburg là phi trường phòng hờ, giải quyết trong trường hợp 3 phi trường kia quá đông hoặc trở ngại. Trong năm 2005 có đến 100 triệu hành khách đi và đến 3 phi trường nói trên, người ta tính cứ 4 người rời nước Mỹ thì một người bay từ phi trường John F. Kennedy hoặc Newark.

Từ những thành phố Canada hay miền Ðông Hoa Kỳ như Washington D.C., Boston người ta đến New York bằng hệ thống xe điện Amtrak và xuống ở nhà ga Pennsylvania Station tọa lạc ở phía dưới thương xá Pennsylvania Plaza nằm ở đường Seventh Avenue, và 31st Street ở khu Midtown Manhattan. Tại nhà ga này có đường nối với 6 tuyến đường xe điện ngầm New York City Subway nên rất thuận tiện cho hành khách muốn đến các quận ngoại ô của New York. Mỗi ngày có 600,000 hành khách qua nhà ga này so với 140,000 qua nhà ga trung ương Grand Central Terminal.

Ga Grand Central tọa lạc trên đường 42nd Street và Park Avenue cũng ở khu Midtown Manhattan là nhà ga xe lửa lớn nhất thế giới khi mới xây (1871), có 2 tầng đều dưới mặt đất với 44 thềm ga (platform) và 67 đường ray. Ngày nay thêm nhà ga của hãng xe điện Long Island Rail Road ngay phía dưới 2 tầng có từ trước khiến ga Grand Central có đến 48 thềm ga và 75 đường ray chiếm diện tích 48 acres (19 ha.). Nhà ga lấy tên của nhà bưu điện trung ương Grand Central gần đó và phục vụ hành khách đi các tuyến Metro North Railroad về các thành phố phía Bắc New York như Harlem, Hudson, Westchester, Putnam, Dutchess Counties, thành phố Fairfield và New Haven của tiểu bang Connecticut v.v... Ga Grand Central cũng nối với các tuyến đường số 4, 5, 6, 7 của hệ thống New York City Subway để về nhiều hướng khác trong vùng New York. Hồi năm 1979 khi cư ngụ ở New Haven mỗi lần xuống New York chơi, tôi đều đến và đi từ nhà ga Grand Central này, bên trong rộng lớn và cổ xưa như các nhà ga ở Âu Châu.

Bước vào gian đại sảnh Main Concourse (phòng chờ đợi chính) của nhà ga là một cảnh tượng huy hoàng rộng lớn và đông đảo hành khách. Trong ánh sáng lung linh, phía trên trần buông xuống một lá quốc kỳ Mỹ giữa gian đại sảnh (lá quốc kỳ xuất hiện sau biến cố 11 Tháng Chín), phía xung quanh ngày xưa là những phòng bán vé, bây giờ bán vé bằng máy nên những căn phòng này là bàn chỉ dẫn, phát bản đồ hoặc bán vé cho du khách không sử dụng máy bán vé. Nơi đại sảnh cũng là địa điểm hẹn hò gặp gỡ nên bao giờ cũng có chiếc đồng hồ cổ điển. Chiếc đồng hồ có 4 mặt được đặt trên nóc của quầy chỉ dẫn ở giữa phòng rất dễ nhìn thấy, mặt đồng hồ làm bằng ngọc thạch theo lượng định của 2 nhà đấu giá Sotheby's và Christie's trị giá hiện nay của chiếc đồng hồ từ 10 đến 20 triệu Mỹ kim. Phía ngoài nhà ga ở mặt tiền nhìn ra đường 42nd Street còn có một đồng hồ khác mặt kính do nhà làm kính màu nổi tiếng của Mỹ là ông Louis Comfort Tiffany (1848-1933) thực hiện, xung quanh đồng hồ là tác phẩm điêu khắc của điêu khắc gia người Pháp Jules Felix Coutan (1848-1939) thiết kế. Vào năm 1914 khi dựng bức điêu khắc diễn tả 3 người trên chiếc đồng hồ này, ở thời đó đây là tác phẩm điêu khắc lớn nhất thế giới. Nguyên tượng cao 48 ft (14.6m) và chiếc đồng hồ to lớn nằm ở giữa có chu vi là 13 ft (4m).

Trần đại sảnh nhà ga Grand Central trang hoàng những chòm sao vũ trụ trên nền màu xanh ngọc thạch, trần nhà nguyên thủy được họa sĩ người Pháp Paul César Helleu vẽ năm 1912 và được sửa chữa vào cuối thập niên 1930 vì lớp vôi bên ngoài rơi xuống. Qua thời gian lớp sơn trang trí trần nhà trở nên đen đúa, người ta cho rằng bị khói than đá và dầu diesel chạy xe lửa đóng bám nhưng với kỹ thuật quang học Spectroscopy phân tích cho thấy rằng lớp khói đen bám không gì khác hơn là chất nicotine từ khói thuốc lá của hành khách vì thời đó hút thuốc là mốt thời trang và các bác sĩ cho rằng hút thuốc... bổ phổi! Sau 12 năm sửa chữa, trần nhà đại sảnh hoàn tất vào mùa Thu 1998, với cảnh những chòm sao vàng ánh lung linh trên nền trời xanh đậm nhưng một mảng trần đen đúa được chừa lại ở phía trên của nhà hàng Michael Jordan Steakhouse để du khách không quên những gì đã bám trên trần. Sao lại chừa phần đen trên nhà hàng của tay chơi bóng rổ ở Los Angeles này?

Ngay phía dưới phòng chờ đợi chánh Main Concourse là tầng ẩm thực (Dining Concourse), có nhiều hệ thống bán thức ăn nhanh và nhà hàng trong đó có quán Oyster Bar nổi tiếng với tường và trần là những vòm cong gắn gạch men màu của nhà thiết kế kiến trúc vùng Valencia (Tây Ban Nha) tên Rafael Guastavino (1842-1908). Nhà ga trung ương New York Grand Central Terminal đối với hệ thống xe lửa (ngày nay là xe điện) là trạm cuối cùng, nhưng với hệ thống xe điện ngầm lại là nhà ga trung ương vì hành khách có thể chuyển tiếp đi về mọi nơi trong vùng New York. Nhà ga Grand Central là di tích lịch sử, là kiến trúc địa hình to lớn (landmark) thuộc cấp quốc gia là nơi du khách cần viếng thăm mỗi khi tới New York.

Hệ thống xe điện ngầm ở New York

Trên đây là những phương tiện giao thông của du khách từ xa tới New York (phi cơ, xe điện) còn đa số người dân trong thành phố mỗi ngày đi làm đều sử dụng hệ thống xe điện ngầm. Những thành phố khác như London, Paris, Montréal, Washington, Madrid, Tokyo xe điện ngầm đều ngưng hoạt động từ nửa đêm cho đến 5 giờ sáng nhưng đặc biệt ở New York những tuyến đường xe điện ngầm đều hoạt động 24 giờ mỗi ngày. Hiện nay hệ thống bao trùm hết các quận của New York như Manhattan, Brooklyn, Queens và Bronx, tất cả các tuyến đường đều chạy xuyên qua Manhattan. Hệ thống xe điện ngầm ở New York hiện có tất cả 468 nhà ga hoạt động 24 giờ mỗi ngày với 26 tuyến đường, chiều dài tổng cộng hệ thống là 229 miles (369 km) với khổ ngang đường rây là 1.435 mét theo đúng tiêu chuẩn thế giới. Hệ thống xe điện ngầm ở New York do chính quyền thành phố làm chủ và giao cho hãng Metropolitan Transportation Authority dưới tên MTA New York City Transit điều hành và khai thác. Mỗi ngày thường trong tuần trung bình có hơn 5 triệu hành khách sử dụng xe điện ngầm để đi làm việc, 2 ngày cuối tuần số khách ít hơn.

Về lịch sử, đoạn đường ngầm đầu tiên được khai trương cho công chúng sử dụng vào ngày 27 Tháng Mười Một, 1904, sau 35 năm tuyến đường xe trên cao đầu tiên ở New York là tuyến IRT Nine Avenue Line được dân chúng di chuyển hàng ngày. Trước đó vào năm 1888 một trận bão tuyết chôn ngập thành phố khiến cho chính quyền thấy cần phải làm hệ thống xe di chuyển trong lòng đất. Thưở ấy chưa có máy móc cơ giới tối tân để khoan ngầm dưới mặt đất nên người ta phải đào lộ thiên xây đường xe ngầm với tường và nóc hầm, xong lấp lại và xây đường sá bên trên. Tuy nhiên phương pháp này chỉ thực hiện được ở những nơi đất mềm còn những nơi có đá cứng người ta phải khoan ngầm như ở khu Harlem và đường hầm xuyên dưới sông East River. Ðoạn dưới đường Park Avenue khoảng giữa đường 33rd và 42nd Street phải dùng ống kim loại cast-iron cho đường xe chạy bên trong ống. Tuy nhiên không phải tất cả đường rây đều nằm trong lòng đất mà có đến 44% đường xe điện ngầm chạy trên mặt đất hay đường cao bên trên được xây bằng bê tông hay hợp kim cast-iron.

Về vấn đề an toàn từ năm 1918 đến nay có tất cả 55 tai nạn xe điện ngầm được ghi nhận nhưng phần lớn đều tai nạn nhỏ. Tai nạn chết người lớn nhất xảy ra vào ngày 1 Tháng Mười Một, 1918, dưới đường Malbone Street gần ga Prospect Park làm thiệt mạng 93 người. Vấn đề tội ác như cướp bóc, giết người, hiếp dâm cũng xảy ra trong hệ thống có gần 1.5 tỷ người đi lại hàng năm, mức độ trầm trọng thay đổi có lúc cao lúc thấp nhưng từ thập niên 1990 đến nay giảm xuống một cách rõ rệt. Số người tự tử như nhảy xuống khi đoàn tàu tới, từ 1990 đến 2003 là 343 người. Sau biến cố 11 Tháng Chín, 2001, an ninh dưới các nhà ga, trên xe được tăng cường, lúc đầu cấm quay phim, chụp hình nhưng sau này được bãi bỏ nếu không dùng những máy lớn chuyên nghiệp và phải tuân thủ các điều khoản an ninh do hãng MTA đặt ra. Về những nghệ sĩ hè phố đàn hát để xin tiền, cơ quan MTA cũng cho phép họ hành nghề nhưng phải xin phép và đăng ký, hiện có hơn 100 nghệ sĩ đường phố hành nghề giúp vui dưới các nhà ga có “business lisence” đàng hoàng.

Ngoài xe điện ngầm giao thông công cộng ở New York còn có hệ thống xe buýt, xe điện chạy trên mặt đất và một sư đoàn hùng hậu taxi màu vàng gồm 12,000 chiếc có mặt khắp mọi nơi trong thành phố. Trước kia tôi có một người bạn làm nghề lái taxi ở New York, tôi hỏi sao không mua xe mà phải mướn xe? Anh ta cho biết muốn làm chủ một chiếc taxi ở đây không phải dễ vì ngoài xe còn đủ thứ giấy phép lên đến cả trăm ngàn đồng! Ở New York còn có xe điện trên không (aerial tramway) treo lơ lửng trên trời nối Manhattan với đảo Roosevelt Island cũng như hệ thống phà từ Manhattan đi các nơi trong cũng như ngoài New York. Tuyến phà bận rộn và đông khách nhất nước Mỹ là phà từ Lower Manhattan đi Staten Island thủy trình 5.2 mile (8.4km) hàng năm có đến 19 triệu hành khách.

Có thể nói không có loại xe nào mà ở New York không có, ngoài các loại xe giao thông như vừa kể, trong thành phố còn có rất nhiều người đi xe đạp, cỡi ngựa (cảnh sát), xe ngựa cho du khách còn có... xe lôi đạp có thùng phía sau. Lái xe hơi trong thành phố rất khó vì đông đúc và nạn kẹt xe, bình thường ở ngã tư đèn xanh xe không nhúc nhích được và chỉ di chuyển được khi đèn hết vàng sang đỏ và cảnh sát thông cảm mà không phạt nếu lỡ vượt đèn đỏ ngoại trừ 100 ngã tư có gắn máy chụp hình. Cũng có thể nói người nào đã từng lái xe ở New York được thì chuyện lái xe ở các xứ khác là chuyện dễ như... cơm sườn!

Trịnh Hảo Tâm

0 nhận xét